04 April 2014

ĐẠO và ĐÀO

Trò
: Sư phụ, con không biết mình có duyên với Phật không, nhưng từ khi bước vào chùa, mỗi ngày con thấy con trên đường tu dường như mỗi gian nan hơn, không biết con có thể đắc đạo không; có vẻ như con gặp nhiều phụ nữ, phụ nữ đẹp, hơn; nên có bạn bè trêu chọc, con có thể "đắc đào" thay vì đắc đạo.

Thầy: Này ta nói con nghe! So với đàn ông, phụ nữ yếu đuối hơn, thường có cảm giác bất an, họ cầu nguyện nhiều hơn, nên hay đến chùa. Có lẽ vì vậy mà con gặp nhiều thí chủ, cư sĩ là phụ nữ. Người Trung Quốc hay nói trên đầu chữ "Sắc" có con dao, nhưng tiếng Việt của mình cũng thâm thúy không kém, nếu không nói là hơn.

Này ta nói con nghe! Thanh ĐAO là một vũ khí, khi chặt xuống một nhát từ trái sang phải, giống như dấu huyền, thì thành chữ ĐÀO, cũng là một chữ dùng để chỉ người phụ nữ. Đàn bà như một dấu đao chặt xuống. Nếu con không có chừng mực, nghi ngờ về giới luật, đặc biệt là sắc giới, mà ĐẢO qua đảo lại (thêm dấu hỏi vào chữ "đao") thì một ngày nào đó con sẽ hiểu cảm giác cô đơn như một hòn đảo nhỏ quay cuồng trong những cuộc tình trôi qua như sóng vỗ, rồi vỡ tan như bọt nước. Còn nếu con không nghiêm hạnh, mà ĐÁO tới, đáo lui, thì hậu quả sẽ khôn lường, giống như con phải chịu thêm một nhát đao nữa từ phải qua trái (dấu sắc).

Trò: Như vậy, con phải đối xử với họ như thế nào?

Thầy: Nếu con được sinh ra để làm một chiến sĩ, một người lấy sự chinh phục làm lẽ sống, thì hãy bước xuống đời sống hôm nay, mang thanh đao hùng tâm của mình đến với cuộc đời. Từ trong mất mát, khổ đau; con sẽ học ra bài học về sự vô thường của hạnh phúc. Từ trong thất bại, hy sinh; con sẽ học hiểu bài học về lòng nhân ái, vị tha. Từ trong sự chia ly, phản bội; con sẽ học được cách biết yêu thương với lòng từ ái, vô vị lợi.

Con đường đạo hạnh và con đường của đời thường không bao giờ là những con đường riêng biệt. Màu áo có thể khác nhau, nhưng trước khi con bước vào ngôi chùa này, con vẫn là con, được sinh ra và đến với cuộc đời này từ sự tác hợp của cha mẹ con. Sự khác biệt là ở chỗ: con đi trên con đường đó với một tâm trạng như thế nào, với sự tham đắm, hờn giận, mê muội; hay với tuệ giác của một người hiểu biết.

Phật không phải là người có quyền năng, hào quang chói ngời v.v...như nhiều người vẫn nghĩ. Phật chỉ đơn giản là người hiểu biết, người tĩnh thức, có vậy thôi. Không ai có thể thắp ngọn lửa sáng trong tâm linh của con, chỉ có chính con mới có thể làm được điều đó. Không ai có thể chuẩn bị cho con một hành trình tâm linh, chỉ có chính con mới làm được điều đó.

Khi con từ bỏ thanh ĐAO hung hăng, mà cúi đầu với lòng tôn trọng tha nhân; khi con đặt xuống một dấu CHẤM cho những tham lam ngút ngàn, những giận dữ u tối, và những mê muội thiếu hiểu biết thì con đã từng bước trên con đường sáng, đó là ĐẠO.

Con đang nắm thanh ĐAO trong tay, hành xử, bỏ dấu như thế nào là do con chọn lựa. 

Nguyên Đại
4/4/14

28 March 2014

Đường tu

Tối hôm qua, nói chuyện với một người bạn, anh vừa xuống tóc thọ giới Giới Tử, trường phái Nam Tông, Phật Giáo Nguyên Thủy ở một ngôi chùa trên Ban Mê Thuộc, ở đây có chỗ tu học cho cả hai trường phái, Bắc và Nam Tông.

Anh về Việt Nam, khoảng bốn tháng trước, bắt đầu từ chùa Bửu Long, Quận 9, Saigon, rồi sau đó đi các nơi tầm đạo. Anh nói trường phái Nam Tông có nhiều sư giỏi và đắc đạo. Các sư thầy theo trường phái Bắc Tông có nhiều người rất nổi tiếng trên thế giới nhưng chưa hẳn đã uyên thâm, lỗi lạc, đắc đạo.

Suy nghĩ của mình: Phật Giáo khởi thủy như một gốc cây, sau đó chia ra làm nhiều nhánh. Các nhánh cũng từ gốc này mà sinh ra. Phật nói cho dù Như Lai có sinh ra hay không thì pháp vẫn vậy. Bắc hay Nam Tông thực ra không cần phải bận tâm để phân biệt, bởi Pháp thì vẫn vậy, và Tâm thì vẫn vậy. Tâm thấy Pháp thì sáng tuệ, không thấy Pháp thì vô minh.

Đường tu đâu có Bắc, Nam
Không mê, hết giận, bỏ tham...thì về

Nhật Quang Nguyên Đại
28/3/14

01 March 2014

Diễm Xưa

Diễm Xưa - TCS - Khánh Ly

Diễm Xưa - TCS - Ngọc Lan


Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu


Chiều mưa trên căn gác nhỏ, nhìn ra một tháp cổ mờ mịt trong làn mưa...Tháp nào mà không cổ, những thành cổ, lăng tẩm, đền đài của một thành Huế xưa, không gian để Trịnh viết Diễm Xưa. Một tháp Chàm trên một thành phố biển nhỏ xíu của tôi, đã từng là thủ đô của một đất nước cổ đã chìm vào lịch sử, vẫn cứ lênh đênh trong cô đơn, chìm xuống cơn mưa, như thân phận mong manh của đời người, thân phận mong manh của những đôi lứa yêu nhau trong cơn lốc chiến tranh những năm đầu thập niên 60s trên một miền Nam vô và bất định, âm vang đạn pháo. Một tháp chuông nhà thờ chấp chới ẩn hiện trong mưa ở một thành phố xa xôi, bên kia đại dương mờ mịt sương tuyết, cũng cô đơn xa xăm như vậy. Diễm Xưa đã không còn là tên riêng của một Ngô Thị Bích Diễm, đi dọc theo đường Nguyễn Trường Tộ, dưới tàng cây long não, qua cầu Phủ Cam để đến trường trung học Đồng Khánh năm 1962, mà đã trở thành một tên chung của những người yêu nhau, tên của những kỷ niệm của một thời say đắm yêu nhau.

Chiếc cầu em đi qua mỗi ngày đến trường, áo lụa trắng mỏng manh thấp thoáng ẩn hiện dưới những tàng cây lá dịu dàng, mỗi ngày chờ đợi để thấy lòng mình bềnh bồng trôi theo như những đám mây trắng dõi theo bước em dưới những tầng cây lá xanh. Trên lan can của một căn gác trọ, mỗi ngày anh đứng đó, chờ đợi những bước em qua, lá thu reo mưa trên gót chân em, con đường bỗng dài hun hút theo nỗi đợi mong. Mưa gõ những điệu buồn trên căn gác trống vắng, tiếng mưa thấm mòn trên mái...

Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa


Mưa...mưa Huế dầm dề rả rích, buồn chi lạ; buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua, buồn chi lạ, và nhớ em chi lạ. Con đường trước mặt hình như còn in dấu chân em, lá cây âm thầm đổ xuống như lòng anh muốn giữ lại những kỷ niệm riêng mình, kỷ niệm đơn giản nhỏ xíu riêng một góc đời anh, cơn mưa lưu dấu nơi đây những vết dấu xanh xao cuốn đi tiếc nhớ trong chiều gió buốt. Mưa xa xôi...như buổi chiều nhìn những chiếc lá tre cuốn theo những dòng nước nhỏ miên man trên mái tôn, đứng trên lan can của một quán cà phê một ngày Saigon tiễn biệt, sẽ thấy lòng mình xanh buốt nhớ nhung...Mưa thấm qua những chiếc lá bên ngoài cửa sổ màu xanh, ánh đèn đường vàng rọi xuống những ngọn đồi cao nguyên với những con đường đất đỏ uốn quanh...xanh buốt lạnh.

Chiều nay còn mưa, sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau


Mưa che nhỏ cuộc tình, mưa làm không gian chúng ta trở nên riêng biệt, ấm áp, trọn vẹn hơn...Chiều nay còn mưa, sao em không lại...Một mình anh trên hiên gác đìu hiu nhìn mưa từng giọt nhỏ xuống con đường trước mặt vắng lặng...Làm sao mình có nhau, trong cơn mưa này, trên những nắng mưa của cuộc sống. Một bóng dáng thấp thoáng ở cuối đường, ngỡ là em, nhưng không phải...Con đường vẫn hun hút mưa bay...Ngày mai trong cơn đau vùi, làm sao thấy nhau. Ôi! ngày mai..Ngày mai vẫn cứ mãi là một câu hỏi cho cuộc sống này. Ngày mai...là sống-chết, là còn-mất, là đạn pháo, chiến tranh và hận thù, và sẽ là nỗi đau không có nhau...Bước chân em xin về mau, về mau trên con đường hôm nay, nhưng sẽ chỉ là ao ước, những ao ước miên man của đời người, là nỗi đau, là nước mắt, là giọt mặn của cuộc sống này, là nốt nhạc vút cao xoáy vào tim anh lúc này, chiều nay mưa buồn, sao em không trở lại...

Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em nhớ những vết chim di
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du


Đời sống có thăng trầm, có nắng mưa, và mưa vẫn hay mưa trên cuộc đời sóng gió biển động. Những cánh chim di cư trắng chấp chới trên sóng xanh như những chiếc áo trắng học trò thấp thoáng hôm nay cuộn đi trong hàng lá xanh. Vết chân chim nhỏ xíu đi qua miền gió cát, biết có làm em nhớ? Cánh chim bay đi trong đời sống dông bão đó biết có làm em nhớ? Em là sự thật cát vàng, anh là cánh chim gió bụi bay đi say chếnh choáng trong chiều mưa, phiêu lãng. Xin mưa qua miền đất khác, để cánh chim này còn một chút ấm áp, để người phiêu lãng tạm dừng cuộc lãng du.

Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau


Mưa quay quắt, xót xa trên những lăng tẩm, đền đài...Mưa miệt mài phủ trên nỗi cô đơn da diết của chiếc thánh giá nhà thờ nhọn như những nỗi đau luôn hiện hữu trong cuộc đời này. Làm sao em biết cuộc tình này sẽ mất đi vào ngày sau, làm sao em biết những người nằm xuống dưới bia đá ngoài kia không mang theo mình một nhớ nhung, không đem xuống đất sâu một nỗi đau của cuộc sống này. Mưa không trôi qua bia đá, mà thấm qua bia đá, như tình yêu của chúng ta cũng sẽ không chấm dứt sau đời sống của mình mà sẽ còn hiện hữu như những giọt mưa vẫn còn miên man ve vuốt những vết dấu của sự ra đi, cũng sẽ vang vọng như những nốt nhạc; giai điệu của tình yêu này, giai điệu của ca khúc này gieo xuống những nồng nàn, miên mãi, những giọt mưa từ tâm hồn anh, từ tình yêu em...

Trịnh đã mất, bia đá đã được đặt xuống, những giọt nắng mưa ngày ngày lướt qua trên sự mất đi, như tình yêu của Trịnh sẽ mãi còn đó với thời gian. Diễm của ngày xưa bằng xương bằng thịt rồi sẽ mất đi, nhưng Diễm Xưa thì vẫn còn đó, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau, như tình yêu của Trịnh, như tình yêu của những người yêu nhạc Trịnh. Hôm nay đang là ngày mai của hôm qua...tháng năm đi qua thật hối hả, em của ngày xưa vẫn còn đó trong lòng anh, vĩnh viễn đi qua và để lại những bước chân buông những nốt nhạc buồn trên con đường miên man xanh lá...

Nguyên Đại
Melb. 1/3/2014

Trịnh Công Sơn và Diễm Xưa







Cây Long-não





















Cây Long-não
Long não hay còn gọi là rã hương (Cinnamomum camphora) là một loại cây thân gỗ, lớn và thường xanh, có thể cao tới 20–30 m. Các lá nhẵn và bóng, bề mặt như sáp và có mùi long não khi bị vò nát trong tay. Về mùa xuân nó sinh ra các lá màu xanh lục nhạt với nhiều hoa nhỏ màu trắng.