23 January 2013

Mai


Mai đến xuân vừa tới
Mai nhé em về với
Mai đó quê mình tới
Mai hết đêm trùng khơi
Mai kết hoa vàng nơi

Nguyên Đại
nguyenbadai@gmail.com
23/1/13

12 January 2013

Bắt Nghêu


Tôi đi bắt nghêu
Vui từng con sóng
Kìa con nghêu lớn
Sóng lừng bóng hoa

Tôi đi bắt nghêu
Tiếc từng con sóng
Mất hút con nghêu
Cát phủ xoá nhoà

Tôi đi bắt tình
Rộn ràng con sóng
Bọt trắng tan mau
Cát lùa tay nhỏ

Tôi đi bắt ngày
Vui buồn yêu ghét
Được mất hơn thua
Sóng đùa cát lở

Tôi đi bắt đời
Hạnh phúc khổ đau
Đón chờ hối tiếc
Sóng cát về đâu?...

Nguyên Đại

12/1/13
Venus Bay, Melbourne

Một ngày an bình...chỉ với mấy con nghêu
Vui: khi bắt được con nghêu trong sóng,
Tiếc: khi cát phủ mất hút những con nghêu
Hạnh phúc, khổ đau đến và đi đơn giản
Đời sống sao quá phiền luỵ với sóng bồi cát lở












































23 December 2012

Hòa, Quý, Thân

T.

Email gởi cho anh, sau khi anh về Úc, em viết là: "cảm ơn anh rất nhiều về những lời khuyên"; nhưng khi anh (email) hỏi lại em là những lời khuyên gì, thì đã một tuần, không thấy em trả lời. Tại sao? Em không nhớ, thì anh nhắc lại để em nhớ: Anh đã khuyên em ba điều, hay ba chữ:

1) HÒA

Câu đầu tiên anh nói với em tối hôm đó (8/11/2012) là: "Chừng nào người ta lạy và đưa tiền cho mình, thì mình mới nói ra những khuyết điểm của người ta"; còn không, thì đừng bao giờ nói đến khuyết điểm của người khác; nói "sau lưng" họ thì càng không nên. Thực ra chữ "lạy", là anh có ý nhấn mạnh, vì ngay cả học trò của của em tới nhờ em dạy kèm, họ cũng không lạy em.

Không để ý tới khuyết điểm của người ta, em tiết kiệm được thời gian và sức lực trong việc tìm tòi (hay soi mói). Thời gian và sức lực đó để làm chuyện khác, vì mình đâu có lợi lộc gì trong việc tìm kiếm hay phân tích này đâu. Nếu em tìm thấy những ưu điểm của họ, thì em sẽ học được những điều hay; trao đổi với họ về những ưu điểm của họ, họ sẽ vui vẻ mà chỉ cho em, tâm sự với em. Họ có "nổ" chút cũng không sao, có thức ăn ngon nào mà không được bao bì kỷ lưỡng, bắt mắt.

Tại sao mình không "mở túi" của mình ra để nhận từng chút "khôn" của người khác, mà mình làm ngược lại là: "đè cổ", "mở túi" của thiên hạ, để (gọi là) “cho” thiên hạ cái mà mình nghĩ là "khôn" của mình. Làm như vậy, mình chỉ có đi từ nghèo đến khốn mà thôi. Nghèo vì mình không nhận, mà cứ cho đi, thì làm sao không nghèo được. Khốn khó là vì, sức lực của mình đã bị phí phạm trong việc tìm tòi những thất bại của thiên hạ, mà không tìm cách khắc phục những khuyết điểm của mình để nâng mình lên.

Tìm tòi những khuyết điểm của người khác chỉ làm cho mình thêm coi thường người khác và tự (thỏa) mãn với chính mình. Khi mình coi thường người khác, thì làm sao họ coi mình là bạn được; và không coi mình là bạn thì làm sao họ có thể vui vẻ để giúp đỡ mình. Có ai muốn giúp đỡ người coi thường mình không? Mình chỉ có thêm thù, và mất bạn. Mình có quá nhiều kẻ thù mà không có bạn thì làm sao mình không khốn khó được.

Có một câu nói của người xưa: "Kẻ chê ta mà chê đúng là thầy ta, kẻ khen ta mà khen đúng là bạn ta, và kẻ nịnh nọt ta là kẻ thù của ta". Vậy nên, đừng nịnh nọt ai, vì mình không muốn trở thành kẻ thù của họ, nếu không phải bây giờ thì trong tương lai. Và, cũng đừng lên mặt làm thầy người ta, bỡi lẽ thường, đa số không muốn người khác làm thầy mình. Vậy thì, nên giữ trung đạo, tìm ưu điểm của người ta mà học, mà xin họ chỉ cho mình. Lần trước anh về, nói chuyện với em về bài thơ "Cúi Đầu" của anh có đoạn:

Hãy cúi đầu đi em
Thấy mình thật bé nhỏ
Học hỏi và khiêm cung
Đường đời đi bớt khó


www.nguyendai.net (2011/11)

chính là ý này.

Người xưa nói những người thành công thường có được 3 yếu tố: Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa. Nếu mình không được thiên thời, không có địa lợi, và đánh mất luôn yếu tố nhân HÒA thì làm sao sống nổi hở em?

Anh về gặp lại những người bạn cũ, có những người suốt ngày cứ "làm thầy" thiên hạ và họ cứ lẩn quẩn ngồi xoay quanh cái ghế "cao" của họ. Họ không bỏ cái ghế "cao" đó, nên không đi xa được. Anh cũng gặp nhiều bạn bè "cúi đầu", lam lũ, lầm lũi mà đi, thì họ đã đi được rất xa. Hai mươi lăm năm, ba mươi năm đã qua, nhìn lại, để học một chữ "HÒA". Anh mong em sẽ học, cùng anh.

Chữ Hòa, bắt đầu bằng chữ "h" (hát) có nghĩa là tìm những giai điệu êm tai để cất lên, và sau đó là chữ "", có nghĩa là cùng ca, với bạn, là sự hòa nhịp, là sự hợp tác, và sau đó là chữ "a", là ngạc nhiên, là vui. Em nên tìm những âm thanh êm tai để cùng hò ca với bạn bè, em sẽ được, ít nhất là niềm vui.

2) QUÝ

Điều thứ hai, anh nói với em tối hôm đó, có thể tóm lại bằng một chữ đó là chữ "quý". Anh đã kể cho em một chuyện về Đức Khổng Tử, một hôm gọi một học trò vào hỏi: "Hãy nói cho ta nghe: người Trí là người như thế nào, và người Nhân là người như thế nào". Người thứ nhất đáp: "Người Trí là có trí tuệ hơn người, và người Nhân là người có lòng nhân đối với người khác". Khổng Tử không nói gì, bảo lui ra; và gọi người thứ hai vào, người này đáp: “Người Trí là người được người khác kính nể, và người Nhân là người quên mình vì người khác”. Khổng Tử cũng bảo lui ra. Khi Khổng Tử gọi người thứ ba (người sau cùng) vào thì người này nói: "Người Trí là người biết mình, và người Nhân là người thương mình". Khổng Tử nói với người sau cùng rằng: "Ngươi đúng là bậc quân tử".

Khi biết mình, em sẽ "thấy mình thật bé nhỏ"; sẽ "cúi đầu", để "học hỏi và khiêm cung", và khi em học được, hòa được, thì "đường đời đi sẽ bớt khó"; đó không phải là "trí" sao?

Chữ “quý” anh muốn nói đến ở đây, bao gồm chữ “thương” trong đoạn về Khổng Tử ở trên. Quý: tức là quý bản thân của mình. Là sao? Là chăm sóc, nâng niu cái hình hài được cha mẹ sinh ra, thương “nó”, không để cho “nó” bị đói, lạnh, đau, và khổ.

Làm cho mình không bị đói, lạnh, là tìm cách bảo đảm đời sống vật chất của mình. Em sẽ không phung phí tiền bạc, sức lực vào những chuyện có thể làm cho mình đói, lạnh, đau bệnh. Làm cho mình bớt khổ là chăm sóc cho cái tâm của mình, không bị lo lắng, dằn vặt.

Anh rời sự khái quát, để cụ thể một chút: (...)

Chữ quý, khởi đi từ chữ quy, tức là trở về, về với chính bản thân mình: thân xác mình, tâm linh của mình. Trở về với dấu sắc, về với chính sắc diện của mình, về với bản lai diện mục của mình, với sự cương quyết, sắc son. Em không nên lang thang, chú trọng tới cái tâm của người khác, tìm cách làm sao cho người ta nể mình, trọng mình, thương mình; mà chính bản thân em phải làm sao thương mình, quý mình. Không quyết, không đánh dấu sắc vào chữ quy, em sẽ sa lầy, trở nên nặng nề, sẽ quỵ , tức là quỵ xuống.

3) THÂN

Điều thứ ba, mà anh nói chuyện với em tối hôm đó, có thể gom lại trong một chữ “Thân”, có nghĩa là tình thân.

Một cách tự nhiên thì con chim có cái tổ của nó. Nó tha từng cọng rơm về để làm tổ cho nó và con của nó trú thân. Đó là nơi trú ngụ của nó, dù mưa hay bão. Quan hệ gia đình (hay xa hơn một chút là quan hệ thân tộc) là quan hệ cả đời, không thể đổi thay, là nơi mình “ở” một đời, là “ngôi nhà”, là “ tổ” của mình, nên phải biết giữ gìn, chăm chút cho nó, thì nó mới trở thành chỗ dựa cho mình, nhất là những lúc mưa bão.

Nếu là anh em, thân tộc, mà mình không thật với nhau; thì mình sẽ cô đơn lắm trong cuộc đời này. Đừng bao giờ tự đẩy mình vào tuyệt địa (đường cùng, không có lối thoát) bằng cách cắt đứt những nâng đỡ của anh em, thân tộc. Muốn vậy phải giữ được chữ thành và chữ tín.

Thành: là thành thật, là chân thành, là thành kính – Em có thành thật với anh em, thì anh em mới hiểu đúng em được. Anh em là có sao nói vậy, không có nói “dzòng, dzòng, con cò con cuốc”. Đã là anh em, nên nhiều khi rất “làm biếng” đoán, nên nếu không thành thật sẽ bị hiểu lầm: một ví dụ nôm na, nhưng đơn giản là: có đồ ăn, nếu là người ngoài thì sẽ có chuyện “mời lịch sự”, “mời lơi”; rồi tới việc từ chối cho “đủ lễ”, từ chối khéo. Còn nếu là anh em thì hỏi: “mày ăn không?”, “không”, thì “tao ăn”; thành thật, đơn giản, và thẳng thắn. Cho nên, anh khuyên em nên thành thật.

Thành là điều tất nhiên, nhưng phải giữ chữ tín nữa. Thất tín với anh em, thì làm sao (?). Cái ghế của mình, có một chỗ dựa, mình đập cho nát đi, thì mai mốt, có đau yếu, chỗ đâu mà dựa. Con chim, con chó, cũng không đại tiểu tiện trong cái tổ, cái ổ của nó; tại sao mình làm cho “cái nhà” của mình không thể ở được, vì anh em không thể nhìn mặt nhau, hay nhìn nhau mà không vui được, không tin nhau được. Niềm tin đặt nơi mình đã bị chính mình làm xuất hiện dấu hỏi lên đó, thì đó không phải là sự nhạo báng chính bản thân mình hay sao.

Chữ thân ở đây bắt đầu bằng chữ “th” (thờ), tức là tôn lên, kính trọng, và thêm vào chữ “ân”, nghĩa là ân tình. Thân: nghĩa là thờ kính cái ân, cái tình của cha, mẹ, anh em, người thân. Anh nghĩ thư này cũng đã dài, khá dài, gởi lại em ba chữ: HÒA, QÚY, và THÂN; hy vọng em nhớ, và sống vui hơn, tốt hơn. Anh chúc mừng em.

Anh