Em đi...
Em đi! đường xưa chăm chút nắng
Tiếng ve kêu nhớ những trưa hè
Con gấu gỗ một thời áo trắng
Còn chơ vơ đứng đợi nhớ thương
Em đi! thành phố buồn tiếng hát
Đường khuya còn theo mãi người về
Sân khấu vắng một thời mộng mị
Mắt long lanh nũng nịu kiêu kỳ
Em đi rồi! bên này cỏ úa
Vàng trời thơ anh dệt mong manh
Những dòng thơ để gió cuốn đi
Thành phố chợt vắng em, thiếu quá!
Em đi rồi! đường quê có nắng?
Bụi đỏ bay... một thời thơ dại
Về! nhớ chở giùm anh thương nhớ
Bên ấy quê hương, những đời buồn!
Em đi rồi! đường lung linh nắng
Vẫn có em trong vắt tiếng cười
Vẫn còn đó một thời đi học
Vẫn ngỡ ngàng như mới hôm qua
Em đi ...
đường xưa...
còn nhớ...
không em?
Nguyên Đại
Melbourne,
12 Tháng Chín, 2009
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=gjdLr9MBNb
12 September 2009
25 March 2008
Chi Ma Wan
Em…đã hai mươi năm, kể từ ngày chúng ta gặp nhau qua tiếng gọi vọng từ phía đồi, trên vùng đảo hoang, nơi một trại tù bản xứ được biến thành trại giam cho những người Việt Nam vượt biển. Nơi ta bắt đầu cuộc đời tự do với những bữa cơm trong cái “bát đỏ, ca vàng”…
Em…những cậu bé ngày xưa nô đùa vô tư trên con đường đất đỏ làng quê Trung Việt đã trở thành người nắm giữ những nhiệm vụ quan trọng trong những công ty lớn, văn phòng chính phủ ở châu Mỹ, châu Úc, châu Âu…
Anh…những cuộc đời rách bươm sau cuộc chiến “lạnh” của thế kỷ trước, gió nắng binh lửa, nhìn lại tháng năm qua, đã từng muộn màng gặp nhau phía bên trong hàng rào gai nhọn nhìn thời gian lất phất mưa bay dưới ánh đèn vàng sân trại…
Chị…mây bay về núi, dừng lại vĩnh viễn bên bờ đảo hoang, ánh đèn chấp chới khơi xa, giấc mộng trùng dương đêm đêm vỗ về tiếng sóng…
Mẹ… vàng võ lo âu, chờ tin con về từ bên kia bờ biển, niềm vui nghe tin con đến bến bình yên chưa trọn vẹn, chợt tắt ngún, khi biết con mình bị nhốt giam và có thể bị đưa trở lại vùng đất mà nó đã trả bằng sinh mạng để ra đi…
CHI MA WAN… Hai Mươi Năm nhìn lại…
Ngày 16 Tháng Sáu, 1988
Việt Nam, tiền đồn đẫm máu nhất trong cuộc chiến tranh lạnh (the Cold War) giữa hai khối quốc gia Cộng Sản và Tự Do, nơi cuộc chiến kéo dài hơn hai mươi năm đã nuốt chửng sinh mạng của gần nửa triệu người, bao gồm quân lính của cả hai phía, nhưng phần lớn trong số đó là người Việt của cả hai miền Nam Bắc. Cuộc chiến tưởng đã chấm dứt vào tháng Tư, 1975; nhưng đó chỉ là ngày mở đầu cho một giai đoạn hậu chiến tàn khốc. Nhiều “trại cải tạo” đã được dựng lên từ Bắc chí Nam cùng với các khu vực “kinh tế mới”, và các “trận” “đánh tư sản” liên tiếp, đã đẩy đời sống của hầu hết những gia đình người Việt vào cảnh khốn cùng. Đó là lý do của những làn sóng người Việt liều chết bỏ nước ra đi.
Những người vượt biển trong những năm đầu tiên sau 1975 được các quốc gia Tây Phương đón tiếp như những anh hùng. Nhưng, làn sóng người tỵ nạn dâng cao sau đó theo với chế độ cai trị khắc nghiệt của chính phủ cộng sản Việt Nam đã làm cho chính sách đón tiếp của các quốc gia vùng Đông Nam Á, trong đó có Hong Kong, chuyển từ chế độ “trại tự do” sang “trại cấm” vào khoảng năm 1982.
Chính sách “trại cấm” kết thúc vào ngày 16/6/1988; và các trại giam “detention centre” đã được lập ra để giam giữ người Việt Nam tỵ nạn, bị coi như những người nhập cảnh phi pháp. Hong Kong là nơi đầu tiên áp dụng chính sách này. Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan chỉ áp dụng chính sách tương tự một năm sau đó, 1989. “Chi Ma Wan detention centre” với trại trên (upper camp) và trại dưới (lower camp) là hai trại giam nhốt những người Việt Nam đầu tiên đến Hong Kong sau ngày 16/6/1988.
Đó là lịch sử của chúng ta, những chứng nhân đầu tiên sau 16/6/1988, kẹt giữa hai chính sách khắc nghiệt, cả “trong nước” và “ngoài nước”. Nhìn lại để thấy chúng ta đã đứng dậy như thế nào từ những thương đau. Nhìn lại để nói với thế hệ sau của chúng mình rằng “ngày đó…” chúng ta đã ra đi lênh đênh sợ hãi, đói khát, khổ đau như thế nào, và đã đến bến bờ “tự do trong trại giam” như thế nào, đã sống cuộc đời ở đó, đã chia sẻ những niềm vui, cay đắng, khổ đau với bạn bè ra sao…
Ngày 12 tháng Một, 1989
Buổi sáng thức dậy, như thường lệ, khởi đầu một ngày trong trại giam, mọi người trong trại Chi Ma Wan trên (upper camp), sau tiếng loa phóng thanh đi “lấy cơm”, đem một cái “bát đỏ” sắp hàng nhận thức ăn sáng, một cái “ca vàng” in hai chữ HK để lấy đồ uống. Chợt, có tiếng bước chân chạy về phòng ở cùng với tiếng la hoảng: có người bị vây đánh ở nhà ăn. Những bước chân chạy đến và đi: có người bị kẻ khác dùng dùi sắc đâm vào lưng gục xuống trước sân trại, một người nữa khập khiểng đi với chiếc áo loang lỗ vết máu về phía văn phòng trại.Những chiếc dùi nhọn được rút ra từ những chiếc áo “phao”, người cầm dùi rượt người tay không chạy bán mạng lòng vòng trong sân trại với hàng rào mắt cáo, và thép gai bùng nhùng phía trên đầu… Mấy em nhỏ khiêng một người nữa nằm như chết đi về phía văn phòng; tiếng la, tiếng khóc kinh hoàng…
Ông Giám Đốc trại ra lệnh lạnh lùng trên loa phóng thanh đóng cửa tất cả các phòng, tất cả những người khác bị lùa vào nhà ăn… Trực thăng, một chiếc, một chiếc…rồi một chiếc nữa ồn ào đáp xuống sân trại, đưa những người bị thương ra bệnh viện trong thành phố Hong Kong để cấp cứu. Trại đóng cửa, thật sự đóng cửa các phòng, sau đó cảnh sát với trang bị chống bạo động tiến vào trại đưa những tên côn đồ bị nhận diện đi. Nhật ký một người viết xuống : “Một ngày đổ máu và khủng khiếp mở đầu cho những hận thù, dòng máu đổ chảy triền miên loang vết thê thảm trên thân thể của những người dân tỵ nạn chúng tôi:12/1/1989…”.
Băng đảng được chính trị hoá đã mở đầu cuộc xung đột đẫm máu giữa những người ra đi từ miền Nam và những người khác từ miền Bắc Việt Nam, kéo theo những ngày tháng vốn đã cực nhọc kham khổ càng trở nên khó khăn hơn, khi những quan điểm chính trị được địa phương hoá (hay đã băng đảng hoá) bắt đầu chi phối sinh hoạt của mọi người trong trại. Các cuộc đánh nhau sau đó giữa các băng đảng địa phương cứ xảy ra trong các trại giam giữa miền Bắc và miền Nam, giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, giữa Huế và Đà Nẵng, giữa người Việt và người Việt-gốc-Hoa, thậm chí giữa hai thôn trong cùng một quận huyện…
Kìa, một em nhỏ ngày đó mài “dùi” cho mình với những giọt nước mắt. Để làm gì? Em dám dùng nó không? Em không biết! chỉ biết là con trai (là thanh niên? em chưa đủ tuổi) phải có “cái gì” cầm tay trong những ngày tháng đó…Bàn tay em bay gõ trên phím máy điện toán bây giờ, bàn tay em lả lướt trên những nhạc cụ du dương ngày nay, hai mươi năm trước đã từng mài “dùi cui”, “lập là” để…được “bình yên”, để khóc và… để sợ.
Đó là lịch sử của chúng ta, đó là một phần đời sống không thể nào quên của chúng ta ở trong trại giam.
“Cánh Gà”
Những người đến trại HK sau 16/6/88 bị coi như những di dân bất hợp pháp “illegal migrant”, họ phải trải qua những cuộc phỏng vấn “thanh lọc” (screening interviews) để xem họ có phải là người tỵ nạn theo “công ước quốc tế” hay không? (Nghe có vẻ hợp pháp, phải không?).
Thực tế như sau: vì là những người đầu tiên đối diện với chính sách 16/6, những người Việt ở trại Chi Ma Wan đã không có được sự hiểu biết rõ ràng về tiêu chuẩn lựa chọn này. Không có ai nói cho họ biết, không có sách báo giấy tờ nào nói về điều này, để họ có thể hiểu được chuyện gì sẽ xảy ra.
Theo tin đồn, những lời truyền miệng trong trại, họ hiểu một cách lơ mơ rằng người “tỵ nạn chính trị” sẽ được đi định cư, còn các “di dân kinh tế” sẽ bị giam chờ ngày trả về Việt Nam. Vì vậy, những gì liên quan đến “kinh tế”, đến nhu cầu cơ bản của đời sống như: ăn, ở, đi lại… phải gác lại, vì lẽ nó có vẻ “kinh tế” quá. Phải khai là “không phải vậy”, rằng “tôi không phải vì miếng cơm manh áo” mà ra đi, phải nói rằng vì “tư tưởng” “quan điểm” chính trị “không cộng sản” nên phải rời khỏi quê hương.
Thế là: theo các nhà làm chính sách di trú của Hong Kong, những người này “không bị ngược đãi”, chính sách “đóng cửa” của họ đã có nhiều “chứng nhân”, quá nhiều chứng nhân!!!
“Pháp luật” cộng sản với hệ thống trại “cải tạo”, “kinh tế mới, “đánh tư bản”, với “xếp hạng lý lịch gia đình” đã xoá đi tất cả những cơ hội của những người trẻ, nhất là con em của những gia đình có tham gia trong guồng máy quân sự và công quyền của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà trước năm 1975. Họ chỉ có con đường tìm về biển khơi, để được làm người tự do hay là chết. Luật pháp Hong Kong với “tỵ nạn chính trị” hay “di dân kinh tế” mờ mờ ảo ảo như những nhát dao cứa thêm vào những vết thương còn đang rỉ máu của họ, khi họ vừa thoát khỏi những đói khát trên biển khơi.
Không giống như ở Phi Luật Tân (Philippines), ở đó người Việt tỵ nạn được phát thực phẩm tươi sống để họ có thể tự nấu nướng, chế biến theo khẩu vị của họ. Thực phẩm phân phát cho người bị giam trong các trại Chi Ma Wan, hay các trại giam khác ở Hong Kong, là thực phẩm đã được nấu sẳn. Mỗi ngày nhất định trong tuần, thức ăn được phát là giống nhau, ví dụ vào thứ Hai nhất định là cá hộp, thứ Ba là thịt mỡ v.v…. Hai hay ba tuần một lần, vào một ngày nhất định, loa phóng thanh gọi một số người lên văn phòng nhận giấy báo từ chối tư cách tỵ nạn, thì liền sau đó, người ở trại Chi Ma Wan nhận thức ăn chiều với món cơm và cánh gà chiên. Giấy báo từ chối đến với họ cùng ngày họ được phát cánh gà cho bữa cơm chiều.
Trong ánh nắng sắp tắt của một ngày trên đảo, với hàng rào mắt cáo từng ô, từng ô vuông vức chung quanh và các cuộn kẻm gai nhọn hoắc tua tủa trên đầu, giấy báo từ chối “cùng một màu” thất vọng với một chiếc cánh gà nằm vắt vẻo chơ vơ trong cái bát đỏ đựng cơm chiều: đó là ngày tháng của chúng ta, gần hai mươi năm về trước.
Một cánh, hai cánh từ Cục Di Trú Hong Kong, rồi “cánh thứ ba” từ Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR). Một năm, hai năm, ba năm, rồi bốn năm… ta bạc đầu thương nhớ quê nhà, ta mỏi mòn tồn tại…ngóng trông một ơn huệ, một “phép lạ” để làm người…Đó là lịch sử của chúng ta, của những người dừng chân ở Chi Ma Wan, những người Việt đầu tiên đối diện với chính sách 16/6.
Ngày 25 Tháng Mười Hai, 1989
Sáu giờ sáng, trại Chi Ma Wan trên (upper camp) hôm đó, sao cửa phòng mở muộn thế! Sao không nghe tiếng gót giày của “Xến-xáng”,“Cố-nường”? Qua khe cửa của phòng giam, có sự im lặng bất thường, chuyện gì xảy ra?.... Có tiếng trực thăng đáp trên sân trại…
Tiếng kêu cứu từ các phòng giam, cảnh sát chống bạo động, trang bị hoàn chỉnh với dùi cui, khiên đỡ, mũ sắt, hùng hổ tiến vào trại. Năm mươi mốt (51) người, có người già, em bé. Cứ hai người lính cao lớn “dìu” hay “khiêng” một người Việt bé nhỏ đang gào khóc đem về phía cổng trại: Cưỡng Bức Hồi Hương!
Hai giờ sau, cửa phòng được mở, mọi người chạy ra sân, bàng hoàng….Cơn ác mộng là có thực. Nỗi đau khổ nỗ bùng…Những ngày sau đó, toàn trại “vũ khí”, tất cả những gì có thể được, các thanh sắt được tháo xuống từ các giường tầng, các ống nước tháo ra mài nhọn để làm “vũ khí”. Các cuộc biểu tình trong trại nỗ ra. Trại trên, rồi trại dưới tiếp sức với trại trên, chúng ta đồng lòng: chống cưỡng bức hồi hương.
Hơn tuần sau, cảnh sát dã chiến lại được điều động vào trại. Kế hoạch tấn công được tính toán kỹ lưỡng, hơn một trăm mấy chục quả lựu đạn cay được bắn vào trại, cảnh sát chiếm các trần nhà giam để có thể quan sát được tình hình, hàng rào trại được cắt ra, điện cúp. Cảnh sát tiến vào trại… trong nước mắt giàn giụa của những thuyền nhân, vì khói lựu đạn cay, vì đạn cao su, vì…thất vọng, “bại trận”. “Thiên đường” tự do đầu tiên …và nước mắt tuôn rơi ướt đẫm áo tù… Đó là lịch sử của chúng ta, lịch sử của những người dừng lại ở một đảo xa có tên gọi “Chi Ma Wan”….
Sau đó…còn nữa, còn những ngày “chân ướt, chân ráo” đến bến bờ, với những người may mắn, và những chật vật bon chen của đời sống, với những ngày làm việc đầu tiên nắng gió ở nông trại, với những đêm “đào măng”, “đào trùn”…, tiền lương ngày đầu làm việc, bài học đầu tiên: “this is a book”: cuốn sách bạn đã viết bằng bao nhiêu kỷ niệm: tiếng sóng lao xao nơi quê nhà ngày vượt biển, đêm tối đen rùng rợn trùng dương, cơn đói khát thét gào cùng tiếng sóng…và một chiều mưa quỳ dưới sàn bê tông, hai tay giơ lên trên đầu…Còn nữa… cho những bạn bè về lại Việt Nam, với kỷ niệm nặng trĩu…một đời cưu mang.
Hai mươi năm…
Vâng, chào em…thưa anh, thưa chị…đã hai mươi năm qua, bằng chiều dài của cuộc chiến tranh Nam-Bắc Việt Nam. Nếu muốn nhớ, bạn sẽ thấy như mới đây… như giấc mộng buồn đêm qua, bạn sẽ thấy không hiểu vì sao, mình thức dậy nơi này, trong căn phòng bình an ở đây. Phép lạ, một nhiệm mầu của Thượng Đế. Im lặng… suy tư, hay đọc bài kinh buổi sáng: cảm ơn Đời, xin cảm ơn Người, cảm ơn bạn bè đã cùng ta chia sẻ những năm tháng không thể nào quên.
Vâng, chào em…, thưa cô, thưa chú… đã hai mươi năm qua, ta đã bao lần vấp ngã, lãng quên…nhưng mỗi lần ngã xuống, chợt nhìn mình còn lại…sống sót trong gương, đằng sau là quá khứ, là kỷ niệm…níu bàn tay của bạn bè, đứng dậy đi tiếp làm người.
Xin một lần nhìn lại cuộc đời…hai mươi năm đã trôi qua và … Chi Ma Wan.
Nguyễn Bá Đại
Melbourne, Australia
Chủ Nhật Phục Sinh (Easter Sunday)
23 Tháng Ba, 2008
10 December 2007
Hạ Trắng
Broadcasted on
Radio 3CR, AM 855
Melbourne, Australia
Thứ hai, 10/12/2007
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=dnWkvhv1mS
hạ trắng
Từ nhiều năm, từ ngày chúng ta biết nghe nhạc tới bây giờ, có nhiều ca khúc hay lắm, bỡi vì nó nói lên tâm trạng của chúng ta. Khi nghe ca khúc đó, chúng ta gởi gắm tâm sự của mình theo những nốt nhạc, những âm thanh trôi nổi, bồng bềnh. Thời gian lướt trôi, những cảm xúc cũng lắng đọng, trầm tích. Có những ca khúc một thời yêu thích, bây giờ nghe lại, rung động có thể còn, nhưng không mãnh liệt dữ dội như trước. Có những ca khúc cứ lưu giữ mãi trong lòng những suy tư, miên man; khó hiểu, hoài như thế…lúc mới nghe và ngay cả sau này cũng vậy, mấy mươi năm sau. Hạ Trắng của Trịnh Công Sơn là một ca khúc như thế.
…………Nhạc Đệm: Hạ Trắng: Saxophone……..
Xin nói một chút về Trịnh Công Sơn. Không cần biết mình ở góc nào của quan điểm chính trị; chuyện đó khi khác hãy nói. Điều chúng ta có thể tin ngay là ai trong số chúng ta cũng yêu thích, không phải một ca khúc, mà là nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn. Khó có thể, trong một lúc, để có thể nói về người nhạc sĩ thiên tài này của chúng ta, cũng như nói về những ca khúc của ông. Thôi thì hãy dừng lại! ngắm một bông hoa thôi: hạ trắng.
Trong cuốn Trịnh Công Sơn 1939-2001- Cuộc Đời Âm Nhạc Thơ Hội Hoạ và Suy Tưởng[1] Trịnh Công Sơn hồi ức về nhạc phẩm Hạ Trắng như sau:
“ Ở Huế mùa hạ, ve kêu râm ran trên những tàn cây như một dàn hợp xướng và nắng nóng oi bức như địa ngục. Thêm vào đó lại còn có gió Lào. Vừa tắm xong là người đã ướt đẫm mồ hôi. Bao nhiêu nhiên liệu tích lũy trong cơ thể đều tan ra thành nước. Những đồ vật và quần áo sờ vào đâu cũng có cảm giác như vừa rút trong lò lửa ra. Những mặt đường gần như bốc khói với nhiệt độ 42 độ, 43 độ.
Có một mùa hạ năm ấy, tôi bị một cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài bằng nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy có một hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Đến lúc tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cắm một bó hoa Dạ Lý Hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của Dạ Lý Hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong mùa hạ nóng bức. Trong vùng tôi ở quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng Dạ Lý Hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai.
Sau một tuần lễ tôi hết bịnh. Nghe tin bố một người bạn đang hấp hối, tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bịnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng, bà cụ thức dậy sớm và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo thường lệ bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩm liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bệnh. Vài ngày sau, vẫn chưa thấy bà về, ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chết rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới khóc oà lên. Từ đó ông nằm trên sập gụ một mình, cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo bà cụ luôn.
Câu chuyện này ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như “áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau” để viết nên bài “Hạ Trắng”.
………. Hạ Trắng: Lệ Thu hát…..
Tuyệt vời! Tôi hiểu một chút: Hạ Trắng bất hủ là phải, bỡi nó có đầy đủ yếu tố cho một tác phẩm bất hủ: Có mùa hạ, nắng cháy, bạc trắng của xứ Huế; có những cơn mê chập chờn sinh tử, có cánh tay của một người con gái nâng niu những cánh hoa trắng trinh khiết thôn dã trong giấc mơ. Một tình cảm nhẹ nhàng như một săn sóc tình người, dịu dàng như một để ý, một tình thương thuần khiết như giọt nước trong vắt còn đọng trên đoá hoa, một hé nụ của yêu đương, một âm giai nhẹ nhàng, dìu dặt, bảng lãng, lóng lánh, thoáng đến và chợt đi. Một mùi hương hoa thơm ngát đột ngột tràn ngập trong giấc mơ, cô đơn và êm đềm.
Và rồi khi tỉnh giấc mơ, trở về với đời sống bình thường ở chốn hạ thế, đó là một cuộc tình thực, thực như cuộc đời của hai người, bạc đầu thương nhớ để yêu nhau. Ông lão mất một người tình, một người bạn đời thì đúng hơn, nhưng ông cảm nhận sự thiếu thốn, sự quá cô đơn khi mất nhau. Ông lão thật hạnh phúc khi đã sống hết, yêu cùng, yêu tận trái tim ông, tình yêu ông dành cho bà cụ; khi tình yêu đó không còn hình hài để nương dựa, ông lão cũng chấp dứt sự nương dựa của đời mình. Ông lão đã ra đi, về thiên đàng. Ông mất trong khổ đau, và cũng trong hạnh phúc, của một đời người.
Vạt nắng của hạ trắng vút cao điểm nhẹ vào những cuộc tình trẻ trung, chợt đến chợt đi; những tà áo thấp thoáng “mờ xa nẻo mây” của một thời niên thiếu. Vạt nắng mùa hạ trắng đứng bóng giữa trưa soi sáng những cuộc tình trăm năm, những cuộc tình đời người, tưởng chừng như đã trở nên đơn điệu vì đau yếu; chợt bùng lên; và, khi sự mất mát ùa đến, ta chợt nhận ra rằng, khi ta cảm nhận sự thật của sự mất mát đó, ta cũng không còn cảm nhận sự tồn tại của mình có ý nghĩa gì nữa. Hối tiếc, hụt hẫng, như vạt nắng hoàng hôn bất chợt khuất bên kia núi đồi. Ta gọi tên em trong nắng chiều sắp tắt, ta bạc đầu gọi mãi tên em. Vạt nắng mùa hạ trắng đi suốt một đời người.
Xin gọi nắng để em về, gọi nắng về trên vai em, đem hương hoa thơm ngát vào trong giấc mơ của anh, đem nhân ái từ hoà vào đời anh, đem yêu đương làm dịu mát cuộc đời nắng gió của anh. Để anh còn thấy bóng em đổ dài trên đường cát trắng, áo em bay trong gió chiều rực rỡ.
Xin gọi nắng, gọi nắng về rọi trên đôi mắt long lanh buồn của em, nắng về để anh được bàn tay em vỗ về trong giấc mơ. Anh mong gọi được nắng đến trong cơn mơ của mình để luôn thấy em hiện hữu bình yên trong giấc mơ của anh.
Có hương hoa trong ca khúc của hạ trắng, mùi hương hoa trên cung bậc lan tràn làm “hoa bướm say”. Em đến trong cơn mơ của anh, cơn mơ rực rỡ nắng, và trời trong xanh, em đem cánh hoa làm thiên thần trong giấc mơ của anh. Gọi nắng để em về đi suốt giấc mơ của anh, anh hát khúc ca từ cơn mơ, ca khúc đến với anh từ thiên đàng mộng mị:
Gọi nắng! Trên vai em gầy đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say
Lối em đi về trời không có mây
Đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy
……….Nhạc: Hạ Trắng: Quang Dũng hát…….
Gọi nắng, cho cơn mê chiều, trong chập chờn tỉnh thức, có màu trắng của hoa, có màu trắng của nắng, và bước chân em về, anh tiếc nuối trong giấc mơ, trong cuộc đời của mình. Xin gọi em, xin gọi em: một tình yêu luôn dịu dàng, mà chỉ trong giấc mơ chờn vờn sinh tử anh mới thấy thật trọn vẹn, toàn bích, không có vết sây sướt của đời thường.
Em về đi ngang qua bờ sông nước, nắng và nước giống nhau, cũng mơ màng như giữa mộng và thực, giữa sự tráng kiện cô đơn thiếu vắng của đời thường và sự gầy guộc trọn vẹn hạnh phúc của những giấc mơ. Xin gọi em, gọi em cho nắng về, gầy như một một tà áo dài bay trong tranh vẽ, gầy như một bàn tay chăm chút của em vuốt ve trên những đoá hoa em đem đến cho anh, dịu dàng như cơn nắng buổi mai.
Cơn mê của anh, ơi cơn mê, xin dừng lại! Xin nắng dừng lại đi, đông cứng, để em còn đứng đó khắc ghi trên bầu trời trong xanh, để anh níu thời gian, giữ lại bước chân em. Gọi nắng, cho anh mê mãi trong cơn mơ chiều nay, mãi trong mơ để em còn ở lại với anh; thức vội chi, đời thường, để cảm giác tê điếng khi biết em không còn nữa, khi bước chân em đã rời xa, xa anh, xa những cơn mộng mị của anh.
Gọi nắng! Cho cơn mê chiều nhiều hoa trắng bay
Cho tay em dài gầy thêm nắng mai
Bước chân em về nào anh có hay
Gọi em cho nắng chết trên sông dài
Xin tạ ơn đời, cho ta còn có nhau, còn có nhau cho đến lúc bạc đầu. Trong cơn mê này, trong cơn mơ màng của tôi, tôi đã đưa em về trong cõi thiên đàng. Em bước đi nhẹ nhàng, gió lộng và trời buồn, em đã rời xa tôi.
Xin hát lời tình ca, cảm ơn đời, cảm ơn em. Xin vẽ màu nắng, hương hoa; xin họa tình yêu, và sự dịu dàng của em trong ca khúc của này. Xin khoác lên đời thực âm điệu của giấc mơ, mượt mà phủ lên những gai góc của đời sống; và tình yêu óng ả như vạt nắng bay trong gió chiều mờ xa trên sông.
…..Nhạc: Hạ Trắng: Piano…….
Nhưng! Không có buổi sáng nào gầy guộc mãi với nắng mai mà không được tiếp nối bằng buổi trưa nắng trắng trên sông dài; và không có buổi trưa nào không được tiếp nối bằng buổi chiều gió cuốn mây về núi. Không có giấc mơ nào không có kết thúc. Anh vừa gọi nắng cho em về trong giấc mơ để cùng em đi trong bát ngát hương hoa; nhưng anh biết rằng cơn mơ rồi cũng sẽ qua đi, mùa hạ rồi cũng sẽ mơ màng trôi đi. Anh thức tỉnh, để cùng em về với cuộc sống thực chiều nay, dẫu biết trời buồn và cơn gió cuốn đi những đám mây trắng trong mơ.
Anh muốn mình tay trong tay trong buổi chiều thực bé nhỏ của chúng mình. Anh mong vạt nắng mùa hạ trắng qua đi. Xin tạ ân đời, tạ ơn trời, gọi mùa thu tới, để anh trỗi dậy từ cơn mê ngát hương hoa, và cùng em bằng xương bằng thịt, mình sống một chiều này, mình sống một cuộc đời như người dân thôn dã trong đêm trăng tát nước bên cầu.
Thực tại sao ngắn ngũi quá, không triền miên như cơn mơ. Anh đưa em về chiều nay, nghe trời buồn và cơn gió cao vời vợi. Thực tại nhiều nỗi buồn! Nhưng dẫu sao, xin tạ ơn đời, để anh được cùng em về trong chiều nay. Xin tạ ơn đời, để ta đã có nhau, cho dẫu buổi chiều đi qua nhanh quá. Xin tạ ơn đời đã đem em đến với anh, để mai này, áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên em.
Anh sẽ mãi nhớ em, mãi nhớ em; kiếp này hay kiếp sau, đời xin có nhau, để bạc đầu không phải tìm em trong mơ, mà ở chính cuộc đời thật này. Mong rằng ta mãi có nhau, để nắng không làm em tan biến vào trong mơ của anh, để anh gọi nắng đem anh vào giấc mơ để tìm em, vì ta đã có nhau.
Anh mâu thuẫn quá, phải không em? Anh gọi nắng, để em bước vào giấc mơ của anh, dịu dàng ở đó. Anh gọi mùa thu tới, để anh trở về thực tại, cùng em đi về trên mặt đường bốc khói, cho dẫu biết, là ngắn ngủi, trời buồn, và cơn gió lộng. Nhưng có cuộc tình nào không mâu thuẫn, có tình yêu nào không có nỗi buồn, có hiện hữu nào không có sự mất mát, có mùa hè nào không gọi mùa thu. Vạt nắng mùa hạ trắng đi qua những mâu thuẫn, đớn đau, tiếc nuối của một đời người. Tâm hồn anh đã một lần mở cửa, em buớc nhẹ vào đời, chúng ta đã có nhau, xin bạc đầu gọi mãi tên nhau. Xin tạ ơn đời về cơn mê này, về giấc mộng đã qua, về những ngày đã tới, xin bạc đầu tạ mãi ơn nhau:
Thôi xin ơn đời trong cơn mê này gọi mùa thu tới
Tôi đưa em về chân em bước nhẹ trời buồn gió cao
Đời xin có nhau dài cho mãi sau nắng không gọi sầu
Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau.
……………Nhạc Đệm: Hạ Trắng: Khánh Ly hát………….
Nắng chiều, không gầy gò như nắng mai, không rực trắng như nắng trưa, chỉ còn lại những hoa nắng đan cài rơi trên tóc em. Em trở về rời giấc mơ xinh đẹp của anh. Xin gọi tên em, gọi tên em dịu dàng, gọi tên em, một loài hoa trắng trong giấc mơ, trong cơn mê chiều.
Ngày đã tàn, nắng đã khuất trong mây, em rời xa anh, rời cuộc đời anh. Tình yêu, của anh giờ như vạt áo bay trong mây chiều mờ nhạt, suốt đời anh sẽ còn giữ bóng hình em. Gọi tên em mãi tình yêu mộng mị của anh. Gọi tên em mãi suốt cơn mê dài của đời anh, suốt những ngày còn lại của cuộc đời anh
Gọi nắng! Cho tóc em cài loài hoa nắng rơi
Nắng đưa em về miền cao gió bay
Áo em bây giờ mờ xa nẻo mây
Gọi tên em mãi suốt cơn mê này...
Giấc mơ đẹp nào cũng ngắn ngủi. Trăm năm vẫn quá ngắn ngủi để yêu nhau, không phải để lý luận đúng sai hay dở, mà chính là để cảm nhận tấm lòng dành cho nhau. Hạ trắng không phải để hiểu, để phân biệt. Hạ Trắng chỉ vỏn vẹn hơn 100 chữ không đầu không đuôi, không mở không kết, không mờ không rõ, hư ảo dịu dàng như một vạt nắng, không đụng được như hương hoa.
Và, có ai đi trách cái không thứ tự của một giấc mơ, có ai đo lường những thành tố tạo nên cảm xúc. Cơn mê và thế thôi! đời sống tràn ngập, vừa dịu dàng, ào ạt, như nắng về, như nước cuộn, để còn mãi gọi tiếng yêu đương.
Cảm xúc óng ả, không có lý do, không có lý luận, như ông lão bạc đầu gọi mãi tên người yêu cho đến hơi thở cuối cùng. Năm tháng thăng trầm, mùa hạ trôi đi, mùa thu về qua phố, mạch nước ngầm lưu giữ những nhịp đập khẻ khàng của trái tim có thể cạn kiệt nhưng tình yêu, không bao giờ mất đi, lưu giữ mãi, theo gió mãi cuốn đi cho dẫu có một ngày ta tan biến như vạt nắng mờ, xa khuất nẻo mây.
Xin hãy ngắm “hạ trắng” như ngắm một buổi chiều yêu đương; nhớ “hạ trắng” như nhớ một vạt áo xa xôi; mơ “hạ trắng’’ như những giấc mơ xinh xắn trong đời, gọi “hạ trắng” như gọi tên một người tình bạc đầu thương nhớ. Xin hãy để những âm điệu của hạ trắng len vào trong những giấc mơ, và xin hãy yêu, trải lòng, để hạ trắng len vào đời mình, cho dẫu áo xưa có nhàu nát, bạc tóc cuối đời, còn mãi gọi tên em, còn mãi gọi tên anh, còn mãi gọi tên nhau…
------Nhạc: Hạ Trắng------
Nguyên Đại
[1] Trịnh Công Sơn 1939-2001- Cuộc Đời Âm Nhạc Thơ Hội Hoạ và Suy Tưởng – Nhà Xuất Bản TP. HCM. Tr. 276
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=4EypFISVXf
Radio 3CR, AM 855
Melbourne, Australia
Thứ hai, 10/12/2007
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=dnWkvhv1mS
hạ trắng
Từ nhiều năm, từ ngày chúng ta biết nghe nhạc tới bây giờ, có nhiều ca khúc hay lắm, bỡi vì nó nói lên tâm trạng của chúng ta. Khi nghe ca khúc đó, chúng ta gởi gắm tâm sự của mình theo những nốt nhạc, những âm thanh trôi nổi, bồng bềnh. Thời gian lướt trôi, những cảm xúc cũng lắng đọng, trầm tích. Có những ca khúc một thời yêu thích, bây giờ nghe lại, rung động có thể còn, nhưng không mãnh liệt dữ dội như trước. Có những ca khúc cứ lưu giữ mãi trong lòng những suy tư, miên man; khó hiểu, hoài như thế…lúc mới nghe và ngay cả sau này cũng vậy, mấy mươi năm sau. Hạ Trắng của Trịnh Công Sơn là một ca khúc như thế.
…………Nhạc Đệm: Hạ Trắng: Saxophone……..
Xin nói một chút về Trịnh Công Sơn. Không cần biết mình ở góc nào của quan điểm chính trị; chuyện đó khi khác hãy nói. Điều chúng ta có thể tin ngay là ai trong số chúng ta cũng yêu thích, không phải một ca khúc, mà là nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn. Khó có thể, trong một lúc, để có thể nói về người nhạc sĩ thiên tài này của chúng ta, cũng như nói về những ca khúc của ông. Thôi thì hãy dừng lại! ngắm một bông hoa thôi: hạ trắng.
Trong cuốn Trịnh Công Sơn 1939-2001- Cuộc Đời Âm Nhạc Thơ Hội Hoạ và Suy Tưởng[1] Trịnh Công Sơn hồi ức về nhạc phẩm Hạ Trắng như sau:
“ Ở Huế mùa hạ, ve kêu râm ran trên những tàn cây như một dàn hợp xướng và nắng nóng oi bức như địa ngục. Thêm vào đó lại còn có gió Lào. Vừa tắm xong là người đã ướt đẫm mồ hôi. Bao nhiêu nhiên liệu tích lũy trong cơ thể đều tan ra thành nước. Những đồ vật và quần áo sờ vào đâu cũng có cảm giác như vừa rút trong lò lửa ra. Những mặt đường gần như bốc khói với nhiệt độ 42 độ, 43 độ.
Có một mùa hạ năm ấy, tôi bị một cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài bằng nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy có một hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Đến lúc tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cắm một bó hoa Dạ Lý Hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của Dạ Lý Hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong mùa hạ nóng bức. Trong vùng tôi ở quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng Dạ Lý Hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai.
Sau một tuần lễ tôi hết bịnh. Nghe tin bố một người bạn đang hấp hối, tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bịnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng, bà cụ thức dậy sớm và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo thường lệ bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩm liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bệnh. Vài ngày sau, vẫn chưa thấy bà về, ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chết rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới khóc oà lên. Từ đó ông nằm trên sập gụ một mình, cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo bà cụ luôn.
Câu chuyện này ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như “áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau” để viết nên bài “Hạ Trắng”.
………. Hạ Trắng: Lệ Thu hát…..
Tuyệt vời! Tôi hiểu một chút: Hạ Trắng bất hủ là phải, bỡi nó có đầy đủ yếu tố cho một tác phẩm bất hủ: Có mùa hạ, nắng cháy, bạc trắng của xứ Huế; có những cơn mê chập chờn sinh tử, có cánh tay của một người con gái nâng niu những cánh hoa trắng trinh khiết thôn dã trong giấc mơ. Một tình cảm nhẹ nhàng như một săn sóc tình người, dịu dàng như một để ý, một tình thương thuần khiết như giọt nước trong vắt còn đọng trên đoá hoa, một hé nụ của yêu đương, một âm giai nhẹ nhàng, dìu dặt, bảng lãng, lóng lánh, thoáng đến và chợt đi. Một mùi hương hoa thơm ngát đột ngột tràn ngập trong giấc mơ, cô đơn và êm đềm.
Và rồi khi tỉnh giấc mơ, trở về với đời sống bình thường ở chốn hạ thế, đó là một cuộc tình thực, thực như cuộc đời của hai người, bạc đầu thương nhớ để yêu nhau. Ông lão mất một người tình, một người bạn đời thì đúng hơn, nhưng ông cảm nhận sự thiếu thốn, sự quá cô đơn khi mất nhau. Ông lão thật hạnh phúc khi đã sống hết, yêu cùng, yêu tận trái tim ông, tình yêu ông dành cho bà cụ; khi tình yêu đó không còn hình hài để nương dựa, ông lão cũng chấp dứt sự nương dựa của đời mình. Ông lão đã ra đi, về thiên đàng. Ông mất trong khổ đau, và cũng trong hạnh phúc, của một đời người.
Vạt nắng của hạ trắng vút cao điểm nhẹ vào những cuộc tình trẻ trung, chợt đến chợt đi; những tà áo thấp thoáng “mờ xa nẻo mây” của một thời niên thiếu. Vạt nắng mùa hạ trắng đứng bóng giữa trưa soi sáng những cuộc tình trăm năm, những cuộc tình đời người, tưởng chừng như đã trở nên đơn điệu vì đau yếu; chợt bùng lên; và, khi sự mất mát ùa đến, ta chợt nhận ra rằng, khi ta cảm nhận sự thật của sự mất mát đó, ta cũng không còn cảm nhận sự tồn tại của mình có ý nghĩa gì nữa. Hối tiếc, hụt hẫng, như vạt nắng hoàng hôn bất chợt khuất bên kia núi đồi. Ta gọi tên em trong nắng chiều sắp tắt, ta bạc đầu gọi mãi tên em. Vạt nắng mùa hạ trắng đi suốt một đời người.
Xin gọi nắng để em về, gọi nắng về trên vai em, đem hương hoa thơm ngát vào trong giấc mơ của anh, đem nhân ái từ hoà vào đời anh, đem yêu đương làm dịu mát cuộc đời nắng gió của anh. Để anh còn thấy bóng em đổ dài trên đường cát trắng, áo em bay trong gió chiều rực rỡ.
Xin gọi nắng, gọi nắng về rọi trên đôi mắt long lanh buồn của em, nắng về để anh được bàn tay em vỗ về trong giấc mơ. Anh mong gọi được nắng đến trong cơn mơ của mình để luôn thấy em hiện hữu bình yên trong giấc mơ của anh.
Có hương hoa trong ca khúc của hạ trắng, mùi hương hoa trên cung bậc lan tràn làm “hoa bướm say”. Em đến trong cơn mơ của anh, cơn mơ rực rỡ nắng, và trời trong xanh, em đem cánh hoa làm thiên thần trong giấc mơ của anh. Gọi nắng để em về đi suốt giấc mơ của anh, anh hát khúc ca từ cơn mơ, ca khúc đến với anh từ thiên đàng mộng mị:
Gọi nắng! Trên vai em gầy đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say
Lối em đi về trời không có mây
Đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy
……….Nhạc: Hạ Trắng: Quang Dũng hát…….
Gọi nắng, cho cơn mê chiều, trong chập chờn tỉnh thức, có màu trắng của hoa, có màu trắng của nắng, và bước chân em về, anh tiếc nuối trong giấc mơ, trong cuộc đời của mình. Xin gọi em, xin gọi em: một tình yêu luôn dịu dàng, mà chỉ trong giấc mơ chờn vờn sinh tử anh mới thấy thật trọn vẹn, toàn bích, không có vết sây sướt của đời thường.
Em về đi ngang qua bờ sông nước, nắng và nước giống nhau, cũng mơ màng như giữa mộng và thực, giữa sự tráng kiện cô đơn thiếu vắng của đời thường và sự gầy guộc trọn vẹn hạnh phúc của những giấc mơ. Xin gọi em, gọi em cho nắng về, gầy như một một tà áo dài bay trong tranh vẽ, gầy như một bàn tay chăm chút của em vuốt ve trên những đoá hoa em đem đến cho anh, dịu dàng như cơn nắng buổi mai.
Cơn mê của anh, ơi cơn mê, xin dừng lại! Xin nắng dừng lại đi, đông cứng, để em còn đứng đó khắc ghi trên bầu trời trong xanh, để anh níu thời gian, giữ lại bước chân em. Gọi nắng, cho anh mê mãi trong cơn mơ chiều nay, mãi trong mơ để em còn ở lại với anh; thức vội chi, đời thường, để cảm giác tê điếng khi biết em không còn nữa, khi bước chân em đã rời xa, xa anh, xa những cơn mộng mị của anh.
Gọi nắng! Cho cơn mê chiều nhiều hoa trắng bay
Cho tay em dài gầy thêm nắng mai
Bước chân em về nào anh có hay
Gọi em cho nắng chết trên sông dài
Xin tạ ơn đời, cho ta còn có nhau, còn có nhau cho đến lúc bạc đầu. Trong cơn mê này, trong cơn mơ màng của tôi, tôi đã đưa em về trong cõi thiên đàng. Em bước đi nhẹ nhàng, gió lộng và trời buồn, em đã rời xa tôi.
Xin hát lời tình ca, cảm ơn đời, cảm ơn em. Xin vẽ màu nắng, hương hoa; xin họa tình yêu, và sự dịu dàng của em trong ca khúc của này. Xin khoác lên đời thực âm điệu của giấc mơ, mượt mà phủ lên những gai góc của đời sống; và tình yêu óng ả như vạt nắng bay trong gió chiều mờ xa trên sông.
…..Nhạc: Hạ Trắng: Piano…….
Nhưng! Không có buổi sáng nào gầy guộc mãi với nắng mai mà không được tiếp nối bằng buổi trưa nắng trắng trên sông dài; và không có buổi trưa nào không được tiếp nối bằng buổi chiều gió cuốn mây về núi. Không có giấc mơ nào không có kết thúc. Anh vừa gọi nắng cho em về trong giấc mơ để cùng em đi trong bát ngát hương hoa; nhưng anh biết rằng cơn mơ rồi cũng sẽ qua đi, mùa hạ rồi cũng sẽ mơ màng trôi đi. Anh thức tỉnh, để cùng em về với cuộc sống thực chiều nay, dẫu biết trời buồn và cơn gió cuốn đi những đám mây trắng trong mơ.
Anh muốn mình tay trong tay trong buổi chiều thực bé nhỏ của chúng mình. Anh mong vạt nắng mùa hạ trắng qua đi. Xin tạ ân đời, tạ ơn trời, gọi mùa thu tới, để anh trỗi dậy từ cơn mê ngát hương hoa, và cùng em bằng xương bằng thịt, mình sống một chiều này, mình sống một cuộc đời như người dân thôn dã trong đêm trăng tát nước bên cầu.
Thực tại sao ngắn ngũi quá, không triền miên như cơn mơ. Anh đưa em về chiều nay, nghe trời buồn và cơn gió cao vời vợi. Thực tại nhiều nỗi buồn! Nhưng dẫu sao, xin tạ ơn đời, để anh được cùng em về trong chiều nay. Xin tạ ơn đời, để ta đã có nhau, cho dẫu buổi chiều đi qua nhanh quá. Xin tạ ơn đời đã đem em đến với anh, để mai này, áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên em.
Anh sẽ mãi nhớ em, mãi nhớ em; kiếp này hay kiếp sau, đời xin có nhau, để bạc đầu không phải tìm em trong mơ, mà ở chính cuộc đời thật này. Mong rằng ta mãi có nhau, để nắng không làm em tan biến vào trong mơ của anh, để anh gọi nắng đem anh vào giấc mơ để tìm em, vì ta đã có nhau.
Anh mâu thuẫn quá, phải không em? Anh gọi nắng, để em bước vào giấc mơ của anh, dịu dàng ở đó. Anh gọi mùa thu tới, để anh trở về thực tại, cùng em đi về trên mặt đường bốc khói, cho dẫu biết, là ngắn ngủi, trời buồn, và cơn gió lộng. Nhưng có cuộc tình nào không mâu thuẫn, có tình yêu nào không có nỗi buồn, có hiện hữu nào không có sự mất mát, có mùa hè nào không gọi mùa thu. Vạt nắng mùa hạ trắng đi qua những mâu thuẫn, đớn đau, tiếc nuối của một đời người. Tâm hồn anh đã một lần mở cửa, em buớc nhẹ vào đời, chúng ta đã có nhau, xin bạc đầu gọi mãi tên nhau. Xin tạ ơn đời về cơn mê này, về giấc mộng đã qua, về những ngày đã tới, xin bạc đầu tạ mãi ơn nhau:
Thôi xin ơn đời trong cơn mê này gọi mùa thu tới
Tôi đưa em về chân em bước nhẹ trời buồn gió cao
Đời xin có nhau dài cho mãi sau nắng không gọi sầu
Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau.
……………Nhạc Đệm: Hạ Trắng: Khánh Ly hát………….
Nắng chiều, không gầy gò như nắng mai, không rực trắng như nắng trưa, chỉ còn lại những hoa nắng đan cài rơi trên tóc em. Em trở về rời giấc mơ xinh đẹp của anh. Xin gọi tên em, gọi tên em dịu dàng, gọi tên em, một loài hoa trắng trong giấc mơ, trong cơn mê chiều.
Ngày đã tàn, nắng đã khuất trong mây, em rời xa anh, rời cuộc đời anh. Tình yêu, của anh giờ như vạt áo bay trong mây chiều mờ nhạt, suốt đời anh sẽ còn giữ bóng hình em. Gọi tên em mãi tình yêu mộng mị của anh. Gọi tên em mãi suốt cơn mê dài của đời anh, suốt những ngày còn lại của cuộc đời anh
Gọi nắng! Cho tóc em cài loài hoa nắng rơi
Nắng đưa em về miền cao gió bay
Áo em bây giờ mờ xa nẻo mây
Gọi tên em mãi suốt cơn mê này...
Giấc mơ đẹp nào cũng ngắn ngủi. Trăm năm vẫn quá ngắn ngủi để yêu nhau, không phải để lý luận đúng sai hay dở, mà chính là để cảm nhận tấm lòng dành cho nhau. Hạ trắng không phải để hiểu, để phân biệt. Hạ Trắng chỉ vỏn vẹn hơn 100 chữ không đầu không đuôi, không mở không kết, không mờ không rõ, hư ảo dịu dàng như một vạt nắng, không đụng được như hương hoa.
Và, có ai đi trách cái không thứ tự của một giấc mơ, có ai đo lường những thành tố tạo nên cảm xúc. Cơn mê và thế thôi! đời sống tràn ngập, vừa dịu dàng, ào ạt, như nắng về, như nước cuộn, để còn mãi gọi tiếng yêu đương.
Cảm xúc óng ả, không có lý do, không có lý luận, như ông lão bạc đầu gọi mãi tên người yêu cho đến hơi thở cuối cùng. Năm tháng thăng trầm, mùa hạ trôi đi, mùa thu về qua phố, mạch nước ngầm lưu giữ những nhịp đập khẻ khàng của trái tim có thể cạn kiệt nhưng tình yêu, không bao giờ mất đi, lưu giữ mãi, theo gió mãi cuốn đi cho dẫu có một ngày ta tan biến như vạt nắng mờ, xa khuất nẻo mây.
Xin hãy ngắm “hạ trắng” như ngắm một buổi chiều yêu đương; nhớ “hạ trắng” như nhớ một vạt áo xa xôi; mơ “hạ trắng’’ như những giấc mơ xinh xắn trong đời, gọi “hạ trắng” như gọi tên một người tình bạc đầu thương nhớ. Xin hãy để những âm điệu của hạ trắng len vào trong những giấc mơ, và xin hãy yêu, trải lòng, để hạ trắng len vào đời mình, cho dẫu áo xưa có nhàu nát, bạc tóc cuối đời, còn mãi gọi tên em, còn mãi gọi tên anh, còn mãi gọi tên nhau…
------Nhạc: Hạ Trắng------
Nguyên Đại
[1] Trịnh Công Sơn 1939-2001- Cuộc Đời Âm Nhạc Thơ Hội Hoạ và Suy Tưởng – Nhà Xuất Bản TP. HCM. Tr. 276
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=4EypFISVXf
Subscribe to:
Posts (Atom)