29 October 2007

Đôi Bờ

Broadcasted
3CR Radio AM 855
Melbourne


đôi bờ

Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai

Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Bên này em có nhớ bên kia
Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến
Quạnh vắng chiều sông lạnh bến Tề

Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ

Xa quá rồi em người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?

Quang Dũng
1948


--------Nhạc đệm: Em ơi, Hà Nội Phố - Nguyên Khang----

Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai


Tôi đọc bài này nhiều lần, lần nào cũng thấy hay. Thương nhớ, mà thương nhớ “ơ hờ”, kiểu dùng chữ đặc biệt này, chỉ có ở Quang Dũng, rất bình thường và rất thơ. Bình thường như một tiếng thở dài mà ai sống cũng có lúc phải buồn phải nhớ, thơ vì nó “ơ hờ”, nó thơ. Trước Quang Dũng, tôi không thấy ai dùng, sau này có lẽ không ai dùng lại, vì “thương nhớ ơ hờ” đã Quang Dũng rồi.

Không thể không cảm nhận khung cảnh nên thơ khi một cơn mưa về trên sông. “Mưa trên sông dài”, như một lời ca trong một ca khúc nào đó, còn đối với Quang Dũng thì “Sông xa từng lớp lớp mưa dài”. Sông nào cũng dài xa hơn tầm mắt, đứng bên bờ thượng nguồn, nhìn cơn mưa trôi dài theo dòng sông vắng, nghe lạnh vì một mình với cơn gió cuối thu… nhớ em. Mưa trên sông làm tôi nhớ em. Vâng, ngồi ngắm mưa trên sông, không thể không nhớ em. Đêm mưa, ghé vào một quán cà phê, và ngồi một mình, nhìn sóng gợn, lăn tăn ánh đèn hay ánh trăng, cam đoan là sẽ nhớ em, rất nhớ…

---------------------------------------

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=3wKMAxdwXN

         


“Chớm heo”, là heo may, là gió thu. Mùa đến là mùa đông, nên “Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự”. Em có nhớ tôi không. Tôi ở bên kia sông, buổi chiều, ngắm mưa bụi giăng giăng qua phòng tuyến. Tôi nhớ em. Em có nhớ tôi không?

Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Bên này em có nhớ bên kia
Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến
Quạnh vắng chiều sông lạnh bến Tề


Có người không thích thơ Quang Dũng, đối với họ “trong thơ nên có thép”, “có máu”, để phục vụ chiến trường, phục vụ cuộc chiến, phục vụ quan điểm và quyền lợi của họ. Họ không chấp nhận cái kiểu ngồi bên phòng tuyến, nghe thấy mưa giăng giăng, để cảm nhận sự cô đơn, để cảm nhận “quạnh vắng chiều sông lạnh bến Tề” được.

Chính trị có tính phiến diện, đoản kỳ; trong khi nghệ thuật có tính toàn diện và đòi hỏi sự trường kỳ. Chính trị tiêu diệt lẫn nhau. Sự tồn tại của một chế độ, đòi hỏi sự tiêu diệt, đập đổ một chế độ khác. Nghệ thuật không huỷ diệt lẫn nhau. Sự tồn tại của một bài ca, một bức tranh không huỷ diệt một bài ca hay một bức tranh khác, mà chỉ làm cho nhau nổi bật hơn, phong phú hơn.

Bắt buộc một sự toàn diện phải trở thành phiến diện, bắt buộc cái trường kỳ phải trở nên đoản kỳ, là giết chết nghệ thuật. Các ông bà đó, vì sự u tối của chính họ, đã tiêu diệt nghệ thuật, nhuộm đỏ tất cả nghệ thuật chúng ta trong nhiều năm. Chính họ đã "giết chết" Quang Dũng, Văn Cao và nhiều nhân tài kiệt xuất trên đất nước chúng ta, và họ gọi đó là “Yêu Tổ Quốc, Yêu Đồng Bào”. Ôi!

“Trúc Nam Sơn không ghi hết tội
Biển Nam Hải không rửa hết mùi”
[1]

--------------------------------------

Xin trở lại với Quang Dũng của chúng ta, với “Tây Tiến”, “Đôi mắt người Sơn Tây”, và, bây giờ, xin chỉ “Đôi Bờ” thôi.

Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ


Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa, là điếu thuốc lá. Ngồi bên phòng tuyến chiều mưa, có lẽ không thể thiếu điếu thuốc được. Khói thuốc đối với một tâm hồn thi sĩ đem lại cái lãng vãng, phảng phất của kỷ niệm. Đêm về, ở đâu trên sông cũng lạnh, bờ nào, cũng lạnh. Anh ở bên này bờ sông, em bên kia, nhớ em qúa! Nâng vội ly trà, chợt thấy hình bóng em trên mênh mông sông nước, bên kia bờ sông Đáy. Chợt thấy em thật gần như một cơn mơ, gần như trước mặt anh, trong chum trà, anh uống đêm ngay, để ấm một chút, và để thức làm người lính của anh, và để nhớ em…

------------------------------------------

Xa quá rồi em người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?


Anh ra trận, em di tản. Xa quá rồi em người mỗi ngã. Bên này không phải là bên này bờ sông, bên này giờ là bên này đất nước. Chiến tranh, tình yêu, chia ly và nỗi nhớ. Em đi, ngây thơ, hờn giận anh, cho dù là hờn để mà hờn, và tủi phận mình. Anh nhớ em, anh biết là em đã khóc, dòng lệ thơ ngây có dạt dào? Em có nhớ anh không, có nhớ người lính phong sương, đêm chiến tranh, trên sông mưa lạnh, nhớ không em. Bên này, anh có em, có hình em trong đáy cốc, có tiếng sóng vỗ đôi bờ sông, có khói thuốc, có phòng tuyến, đêm đông lạnh và cả nỗi cô đơn. Bên kia, em có gì không em, trong đêm tối chiến tranh, trong ngày di tản. Anh nhớ thương em…

Nguyên Đại

[1] Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi.

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=fErk6BCoJ9

         

28 September 2006

Ba!

Kính dâng ba,  

Đêm chiến tranh…
"Con! theo mẹ về"
Thành phố hừng tiếng đạn!
Căn cứ giới nghiêm
Biển sẫm màu gợn sóng

Tàn chiến cuộc…
"Xin!..Tạ từ ba!"
Thuyền đi trong tầm súng!
Căn cứ đổi tên,
Biển thao thức nguyện cầu...

Đất bình yên…
"Thôi! Con về đi,
Bên kia, đời vội vã!"
Căn cứ? Nhà quan!
Biển dưới trời mây trắng

Ba đi rồi!
Con nay về-đi
Ngày xa đời chia ly
Căn cứ? Thiên Đàng!
Biển với trời thương nhớ…

Nguyên Đại
Melbourne
28/09/2006

Hình: Qua cầu Nhơn Hội

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=A7RlcyftoA


29 April 2002

Con Đường Mình Đi

Huế
Tháng Tư, 2002


Về Huế, xuôi về miệt bắc, ghé lại những làng mạc như Hương Điền, Kê Môn, Điền Hải, Thuận An... thỉnh thoảng gặp lại những con đường làng đất đỏ, rất đẹp, rợp bóng tre. Nhà ngói đã mọc lên khá nhiều, nhưng đâu đó một vài mái tranh, nền đất, vọng tiếng học bài của trẻ con. Quê hương miền Trung Việt Nam cần cù, lam lũ. Phía sau hàng rào cây lá, những đôi mắt tò mò của một vài đứa trẻ đối với người "lạ" ở xa mới về.

Những con đường ấy đã ghi dấu biết bao kỷ niệm của những thế hệ lớn lên hai bên đường. Mùa mưa, nước lũ về dâng trắng xoá, khắc dấu trên những thân cây sầu đâu, những ngày vất vả... Con đường đi về hai hướng, phía này ra đô thị, phía bên kia tới những đồi cát trắng ở đó có nhiều ngôi mộ của những thế hệ đã nằm xuống, trong những tháng năm chiến tranh, trong những ngày nổi sóng sau 1975.

Những ngôi mộ nằm đó, từng đêm nghe sóng vỗ, vẫn còn lưu những giấc mơ vượt trùng dương. Người nằm xuống gởi những giấc mơ xa xôi cho những người như tôi, vừa trở về, soi mình trong vũng nước mưa thấy đời đã "già đi một nửa", thấy mình rất may mắn, và tầm thường...

Những con đường đó chứng kiến những cuộc tình của những thanh niên, thiếu nữ như tôi, như bạn ngày xưa. Những người trai trẻ bây giờ đã bỏ ruộng vườn ra phố xá làm ăn, nên chỉ còn lại những ông bà lớn tuổi tha thiết với ruộng đồng, tha thiết với những con đường...về, nhắc lại những kỷ niệm cho bạn, cho tôi...























Con đường ta về
Long lanh cát trắng
Em cười duyên sau hàng me
Nắng bên thềm đỏ mặt

Con đường có bóng tre quê
Trưa hè tiếng cười khúc khích
Em ê a tuổi xanh
Mát rượi niềm vui đồng nội

Con đường cùng em lớn lên
Cây sầu đâu vất vả
U hoài từng kỷ niệm xa
Lũ về nước dâng trắng xóa

Con đường bao đời dằn vặt
Những tục lệ trăm năm
Tuổi trẻ trừng mắt thở dài
Dấu niềm đau tê dại

Con đường đi về hai hướng
Phía này ghi dấu chiến tranh
Người nằm im nghe tiếng sóng
Vỗ về giấc mộng trùng dương

Con đường xuôi về biển khơi
Chở nhọc nhằn đi về xa xôi
Oan trái bên này em nhớ
Thương anh, ngàn dặm hải hành

Con đường về nhà khuya lắt
Bóng tối làm em run quá!
Bóng tối làm anh rạo rực
Cảm ơn vệt sáng trên đầu

Con đường đưa anh về quê
Nâng niu từng kỷ niệm xưa
Soi mình trong vũng nước mưa
Thấy đời già đi một nửa!

Con đường em về nắng cháy
Có tiếng gà gáy ban trưa
Im lìm người đi một nửa
Ruộng vườn thưa những dấu chân

Con đường bây giờ mở ra
Với những công trình xông phá
Ta đứng quay đầu nhìn lại
Yêu thương kỷ niệm ngọc ngà

Nguyên Đại
Đã đăng trên Tạp Chí Nhân Quyền, 
Melbourne- Úc Châu
Tháng 6, 2007

Hình: vietnamdiscovery.com; vietnam_tour.biz