07 December 1997

Nhạc Phan Văn Hưng - Nam Dao

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
7/12/1997

Thưa quý thính giả 
Các bạn học sinh, sinh viên thân mến

Nhiều người Việt Nam đi tỵ nạn đã nghe qua những lời ca:
Ai trở về xứ Việt, nhắn giùm ta người ấy ở trong tù, nghe đâu đây vang giọng hờn rên xiết, dài lắm không đằng đẳng mấy mùa thu...

Đó là một trong những ca khúc nổi tiếng của Phan Văn Hưng và Nam Dao (PVH-ND) xuất hiện từ những năm đầu thập niên 80. Cũng không ít người đã viết về anh chị, chẳng hạn chị Đỗ Quyên:
Có thể nói Phan Văn Hưng và Nam Dao là cặp bài trùng trong nền âm nhạc sáng tác Việt Nam hiện đại. Phan Văn Hưng làm chồng và viết nhạc. Nam Dao làm vợ và viết lời, sự cộng tác chặt chẻ trải dài gần 100 ca khúc suốt 20 năm trời.

Và chị Quyên trong lời tựa cho đĩa nhạc Có phải em chờ mùa xuân đã kết luận:
Trong nhạc của PVH-ND có một sự hiền dịu, nhẹ nhàng trong sáng từ tốn làm sao!...Nhạc PVH-ND mang nhiều suy tư, u uẩn nhưng vẫn trong sáng và đầy tình người. Nghe nhạc PVH-ND cần nghe như đọc sách, để ý từng chữ, lắng nghe từng lời để khám phá thông điệp gói ghém bên trong...Và nếu phải gán cho Hưng một nhãn hiệu thì tôi sẽ gọi Hưng là người nhạc sĩ Nhân Bản hay người nhạc sĩ của Tình Người.

Các bạn thân mến,
Tôi nghĩ những nhận xét trên là khá chính xác về tác phẩm và con người của PVH-ND. Trong bài này, tôi chỉ mong chia sẻ cùng quý thính giả và các bạn một vài suy nghĩ, cảm nghĩ của một sinh viên sau khi nghe anh chị PVH-ND nói chuyện và trình bày một số ca khúc của họ trong đêm sinh hoạt giới trẻ 29/11/1997 cuối tuần qua.

Nhà văn Phan Nhật Nam kể lại rằng, trong một cuộc phỏng vấn với một cán bộ cộng sản, người này hỏi ông sẽ làm gì khi ra nước ngoài. Nhà văn đáp, tôi sẽ viết về nỗi khổ đau. Tôi nghĩ có một điểm chung giữa những nghệ sĩ như Phan Nhật Nam, PVH-ND, Nguyễn Chí Thiện cũng như một số nhà văn, nhà thơ tiêu biểu khác. Họ đều viết về nỗi khổ đau của dân Việt. Bỡi họ đã trải qua những kinh nghiệm đau thương đó, hay cảm nhận sâu sâu sắc những bất hạnh của những người thân, những đồng bào của họ. Nhạc PVH-ND vì vậy đã đem khán thính giả trở về với những kinh nghiệm đau thương mà họ đã trải qua, do vậy nó làm xúc động lòng người, động đến những tầng sâu của lương tri với những lời lẽ, và nốt nhạc dung dị, nhưng được viết với tấm lòng trân trọng và yêu thương.

Bên kia bờ đại dương, không phải chỉ những khách sạn tân kỳ mới xây cất, trong một sự đổi mới nửa vời rừng rú. Ở đó còn những nghịch cảnh, và bài hát Hai Mươi Năm đã nói về những thực tại xúc động ấy:
Hai mươi năm, nhiều kẻ gian trong làng xóm. Người hiền khô mang gông cùm. Kẻ mộng du lên bạo chúa. Người ngồi khóc trong sân chùa...Hai mươi năm, một thằng bé đứng trần truồng nhìn người qua buôn và bán, kẻ gian ác đi nghênh ngang...Người cụt chân trên hè phố, kẻ quyền uy trong căn nhà, người tù tội trước quan tòa chỉ gục đầu giấc mơ xa...

Đó có phải là quá khứ không? Không! Bỡi lửa dậy Thái Bình là một bằng chứng, bỡi gông cùm mà giáo sư Đoàn Viết Hoạt đang gánh chịu là một điển hình, bỡi những đàn áp tôn giáo mà gần đây nhà cầm quyền cộng sản đã làm là những dấu tích không thể chối cải, bỡi những tắc trách của những người có trách nhiệm trong chính quyền cộng sản đã làm trầm trọng thêm những thảm kịch thương tâm cho hàng ngàn gia đình khốn khó, nạn nhân trong cơn bão Linda vừa qua.

PVH-ND vẫn còn giữ được nhiệt tình của những năm tháng sinh viên để hát. Các bạn trẻ có thể tự hào là trong hàng ngũ của các bạn đã có những con người, những tấm gương sáng như Trần Văn Bá, PVH-ND.
Người còn yêu hay còn nhớ, phải vượt qua những bến bờ, phải tìm sâu trong hồn nước những thôi thúc đang mong chờ! Người còn tha thiết núi sông, thì sẽ thấy cơn mưa nguồn

Đâu là bến bờ phải vượt qua? Cơn mưa nguồn chừng nào trở lại trên quê hương máu đổ tủi buồn của chúng ta? Con đường dấu quê hương có phải tít tắp mù xa không? Bến bờ ấy, cơn mưa ấy, con đường ấy ở trong tim chúng ta. Những trái tim đập rộn ràng biết xót thương. Những tấm lòng giàu lòng trắc ẩn đối với những người bất hạnh. Người lặn lội vẫn đi tìm, sẽ thấy đường dấu quê hương!

Nhạc PVH-ND mặc dù rưng rưng nỗi khổ đau khi viết về cái chết của Thằng Bé Tát Dầu trước họng súng AK, về sự ra đi như một thiên thần của bé Thảo trong sự thiếu thốn bất hạnh trong Bài Ca Cho Bé Thảo. PVH-ND nói về những khổ nạn, phản đối cái ác, cái bất nhân, nhưng không kêu gọi bạo động.

Trong lời tựa của đĩa nhạc 20 năm có đoạn: Và khi đứng lên đòi hỏi thì qua những ca khúc của mình, PVH-ND chỉ đòi quyền được yêu thương. Chị Đỗ Quyên cũng có một đoạn rất hay khi bàn về đặc điểm này trong nhạc PVH-ND, chị viết:
Trời ơi, bài học Việt Nam, bài học của chúng ta hôm nay không phải là thắng một chủ nghĩa, thắng một bạo quyền chính trị. Xa hơn nữa, ta phải thắng chính ta: thắng những lực hận thù phân chia dân tộc, thắng sự ngu muội đen tối của chính chúng ta, không để cho chủ nghĩa ngôn từ bịt mắt, quỷ đưa lối ma dẫn đường khiến chúng ta nhân danh con người mà giết con người.

Tôi chú ý đến một trong những bà hát anh Hưng trình bày đêm ấy, đó là bài Em Bé Sáu Tuổi mà anh đã phổ thơ của Hoàng Cầm, nhà thơ của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, kể chuyện về một chị cán bộ cộng sản khi nghe tiếng khóc của một em bé sáu tuổi, con của một gia đình được quy cho là thuộc giai cấp địa chủ mà chị có nhiệm vụ hướng dẫn đấu tố. Tiếng khóc của em bé vô tội đã đem chị về cái quá khứ côi cút bất hạnh của chị. Chị đã cho em bé ăn cơm, nhưng rồi nghĩ tới lập trường giai cấp, cái mà chị đã được Đảng dạy. Chị bỗng lùi lại, cố tìm dấu vết thù địch, nhưng không, chị chỉ thấy ở đó một cuộc đời bất hạnh như chị ngày xưa, chỉ thấy ở đó có một đứa bé thơ vô tội...

Tôi nghĩ những người như chị chính là những người cần được kêu gọi để trở về nẻo chính, và biết mình đã bị lừa lọc để chiến đấu, để hy sinh xương máu cho quyền lợi của một số quan chức tư bản đỏ. Để biết mình là một tín đồ cuồng tín của chủ nghĩa cộng sản mà thiên đường chỉ có trong hứa hẹn, quá khứ là chiến tranh, là huynh đệ tương tàn, và hiện tại chỉ có bất công, và khốn khổ. Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự đã đứng trong hàng ngũ của những người như chị năm xưa. Họ đã thức tỉnh, và khi họ thức tỉnh, họ lập tức bị Đảng cộng sản tấn công. Đón nhận Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, chúng ta gởi đi một thông điệp quan trọng rằng tất cả những ai còn chút tình người đều đứng về phía chúng ta. Hàng ngũ chúng ta rồi sẽ trùng trùng điệp điệp vì đó là hàng ngũ của những con người.

Những người như chị phải đi đòi ở Đảng cái quyền được yêu thương, quyền được sống như một con người, có trái tim còn biết rung động trước những nỗi đau khổ của đồng loại, được bày tỏ tình yêu, tình người mà không sợ bị Đảng trừng trị vì mất lập trường giai cấp. Tôi nghĩ PVH đã viết những thông điệp đó gởi đến những người như chị trong bài Đòi Quyền Yêu Thương, bỡi trong số đó có những người là bạn bè của của anh, tất cả đều là nhân chứng cho một giai đoạn tối tăm của dân tộc, đã đưa đến kết cục :Thằng ngụy gần điên nằm tù mục xương, còn thằng đảng viên sống trong ân hận.

Chúng ta phải nhận diện đâu là những kẻ bất nhân, đâu là những nạn nhân, anh em bạn bè của chúng ta. Tình yêu của chúng ta đối với những người anh em sẽ làm chúng ta tăng thêm sức mạnh, và cầu mong nó sẽ làm cho những kẻ bất nhân dừng tay, quay đầu. Nhận diện bạn bè, biết tha thứ cho những người đã bị thứ chủ nghĩa phi nhân mê hoặc, lợi dụng, biết cho quên cũng là một hình thức nêu cao chính nghĩa của chúng ta, điều đó chứng minh cho lý tưởng nhân bản mà chúng ta theo đuổi.

Tôi thật sự mong nhiều bạn bè của tôi được nghe hiểu về PVH-ND cũng như những điều mà anh chị viết về quê hương của chúng ta. Tôi tin rằng dẫu thế nào đi nữa thì cái vô lý, cái bất nhân, cái ác sẽ không thể tồn tại lâu dài được. Đảng cộng sản Việt Nam đang đi ngược lại quyền lợi của đại đa số người dân Việt. Những ngọn lửa như Thái Bình sẽ nổi lên, nhiều hơn, mạnh hơn nữa ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam , đó là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Kính chào quý thính giả
Thân ái chào các bạn

Nguyên Đại
Melbourne,
Tháng 12, 1997

05 October 1997

Thơ Như Tình Nhân

Trước đây trong một buổi nói chuyện về thơ với sinh viên học sinh ở trường Đại Học Kỷ Thuật Victoria (Victoria Institute of Technology) Melbourne, Úc Châu, tác giả Nguyễn Hưng Quốc khuyên những người trẻ là : “Muốn nổi tiếng đừng nên làm thơ tình”. Theo thầy Quốc thì lý do đơn giản là xưa nay, người ta làm thơ tình quá nhiều, đã có nhiều bài hay lắm rồi; cho nên nếu mình làm thơ tình thì khó nổi tiếng. Tôi có đi dự buổi nói chuyện hôm đó, vì tôi thích thơ và thích nghe nói chuyện về thơ. Trong bài viết này, tôi mong được trình bày một vài quan niệm về thơ, như một chia sẻ cùng bạn bè tôi, đặc biệt là với những bạn yêu thơ.

Tôi nhìn vấn đề trên hơi khác với thầy Quốc một chút. Theo tôi, làm thơ là một thú vui tao nhã, người làm thơ dùng ngôn ngữ để diễn tả tình cảm của mình, những tâm sự, vui buồn trong cuộc sống, hay cảm nhận của họ có được từ những câu chuyện của họ với bạn bè, với những người chung quanh... Chung quy, thơ là tiếng vọng của đời sống, giống như bức tranh đối với người họa sĩ, bài hát đối với người nhạc sĩ, ca sĩ. Diễn tả, thể hiện là công việc của người làm nghệ thuật. Chiêm nghiệm, công nhận là thái độ của người yêu nghệ thuật. Bày tỏ là một nhu cầu của người nghệ sĩ, cũng như thưởng thức là nhu cầu của khán giả, thính giả, độc giả. Làm nghệ thuật và làm cho mình trở thành nổi tiếng hình như là hai vấn đề khác nhau. Tôi không nói rằng nó chẳng có ăn nhập gì với nhau, nhưng nhập chung chúng lại sẽ không tránh khỏi những ngộ nhận.  

Để làm cho mình nổi tiếng trong giới làm thơ, có người hầu như không cần làm thơ cũng có được điều đó. Ai? Hồ Chí Minh, ông ta có một bộ máy bồi bút tuyên truyền cho ông ta. Ông ta có một bộ máy giáo dục để tiêm nhiễm vào đầu óc của nhiều thế hệ trẻ Việt Nam tại quê nhà về cái chất “Thơ”, chất “Người” trong tập thơ Ngục Trung Nhật Ký. Gần đây giáo sư Lê Hữu Mục đã chứng minh là Hồ Chí Minh đã mạo nhận là tác giả của Nhật Ký Trong Tù, trong cuốn biên khảo “Hồ Chí Minh không phải là tác giả của Ngục Trung Nhật Ký”. Lấy thơ người khác nhận làm thơ mình, họ Hồ cũng nổi tiếng đấy chứ!

Hay đơn giản hơn, cứ như cựu phó thủ tướng Tố Hữu:


Stalin! Stalin
Yêu ông biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi: Stalin

Ở Việt Nam, Nhật Ký Trong Tù và những tập thơ vào Đảng bắt đầu với Từ Ấy của Tố Hữu, học sinh phải thuộc nằm lòng mới qua nổi những kỳ thi lên lớp mười hay tốt nghiệp trung học. Một số bạn bè tôi gặp ở trường đại học hôm nay có thể không thuộc nhiều thơ lắm, nhưng vẫn có thể đọc cho bạn nghe một vài bài thơ ấy. Đáng trách, đáng buồn, hay đáng thương?!

Rõ ràng là những người này cũng nổi tiếng chứ, cho dù là tiếng gì! Mặc dù là chưa bao giờ và có lẽ không bao giờ họ có thể là một người cầm bút có tư cách cả. Theo tôi, trở thành người nổi tiếng trong giới văn nghệ cũng khó, nhưng làm một người cầm bút có tư cách có lẽ còn khó hơn nhiều. Bỡi có tư cách trong việc cầm bút không phải là một tước hiệu, và có lẽ không bao giờ là một tước hiệu cả. Một người cầm bút có tư cách trước hết phải sống thật với ngòi bút của mình, không vì một mục tiêu ngắn hạn, một lợi lộc bè phái, hay đơn giản hơn, vì muốn nổi tiếng, mà phải uốn éo, bẻ cong ngòi bút của mình. Gần nửa thế kỷ trước, Trần Dần đã viết:

Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu

Những vần thơ đó đơn giản nhưng trở thành bất hủ vì tư cách của người làm thơ. Nguyễn Chí Thiện là một ví dụ, xét về tiết tấu, vần điệu, thơ Nguyễn Chí Thiện không phải là một mẫu mực tối hảo. Điều này chính tác giả cũng đã công nhận:

Thơ của tôi không có gì là đẹp
Như cướp vồ, cùm kẹp, máu ho lao
Thơ của tôi không có gì là cao
Như chết chóc, mồ hôi, báng súng
Thơ của tôi là những gì kinh khủng
Như Đảng, Đoàn, lãnh tụ, trung ương
Thơ của tôi kém phần tưởng tượng
Nó thật như tù, đói, đau thương
Thơ của tôi chỉ để đám dân thường
Nhìn thấu suốt tim đen phường quỷ đỏ

Thơ Nguyễn Chí Thiện nổi tiếng vì hoàn cảnh ra đời của nó, và trên hết trong một xã hội văn học chỉ thị, nhà thơ đã chấp nhận 27 năm tù cho một niềm tin được thể hiện trong thơ của mình.

Trở lại với vấn đề thơ tình, nhà thơ Xuân Diệu, có một thời đi học, trước mùa thi, không có thời gian làm thơ ông viết:

Thơ ta hơ hớ chưa chồng
Ta yêu muốn cưới mà không thì giờ!
Mùa thi sắp tới em thơ
Cái hôn âu yếm xin chờ năm sau

Xuân Diệu xem thơ như một người yêu, một người tình. Không riêng gì Xuân Diệu, mà nhiều nhà văn, nhà thơ khác đã xem văn chương như một cái duyên, cái nghiệp, nghĩa là may mắn gặp, nhưng bỏ không được, rứt không ra. Nguyễn Bính trong bài Oan Nghiệt đã phải khuyên con gái:

Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ
Nghèo lắm con ơi! bạc lắm con!
Ở đây cha khóc mà thương nhớ
Đất Huế dầm mưa mấy tháng tròn...

Yêu thơ là đủ, trước Xuân Diệu và sau ông ta cũng có nhiều người làm thơ đặc biệt là thơ tình, hình như không ai vì muốn nổi tiếng mà làm thơ tình, hay vì muốn nổi tiếng mà tránh không làm thơ tình. Thơ, đặc biệt là thơ tình, giống như một người tình, một người tình rất đẹp, thông minh nhưng kiêu sa và khó tính vô cùng, mà cũng thủy chung không kém.

Nói thơ đẹp, tôi nghĩ sẽ không có nhiều người phản đối. Nhà thơ Tô Thùy Yên, thiếu tá trong quân đội cộng hòa, trở về sau 10 năm trong trại cải tạo của cộng sản đã viết về mẹ cha của mình như sau:

Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già trông thấy
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu

Con gẫm lại đời con thất bát
Hứa trăm điều, một chẳng làm nên
Đời qua lớp lớp tàn hư huyễn
Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên

Và với người vợ thủy chung của mình, cái đẹp của thơ ông thể hiện trong cái nhìn thấu suốt nỗi khổ đau của người vợ suốt mười năm đăng đẳng chờ chồng, tôi đọc nhiều lần vẫn thấy xúc động:

Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng giạn giụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau

Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà, bụi chuối thức thâu đêm

Nói thơ như một người tình nhiều đòi hỏi, tôi chắc cũng không có nhiều người phản đối, bỡi thường một tác phẩm nổi danh ít nhất nó được kết hợp bỡi ba yếu tố: tài năng của người nghệ sĩ, tâm hồn, tư cách của người sáng tác, và hoàn cảnh đặc biệt mà tác giả đã trải qua. Không có nửa đời tù tội, chưa chắc chúng ta đã có Hoa Địa Ngục của Nguyễn Chí Thiện. Không có mười năm tủi nhục trong các trại cải tạo, chưa hẳn chúng ta đã có bài Ta Về bi tráng và hào hùng của Tô Thùy Yên.

Nói thơ như một người tình thông minh, khó tính bỡi vì thơ đối diện với sự thử thách của muôn triệu độc giả, đối diện với sự chứng nghiệm của thời gian. Người làm nghệ thuật không thể qua mắt tất cả những người thưởng thức bằng cách cóp nhặt văn tự, ngụy tạo cảm xúc, thêu dệt từ ngữ, hay dùng những từ ngữ đao to búa lớn không đúng chỗ, để tạo dựng cho mình một vị trí trong làng văn nghệ. Chưa có ai, và không bao giờ có ai làm được điều đó cả. Hãy đọc Nguyễn Bính với những từ ngữ dung dị, chơn chất như đồng ruộng, nhưng quả thật bất hủ:

Gái lớn, ai không phải lấy chồng
Can chi mà khóc, nín đi không!
Nín đi, mặc áo ra chào họ
Rõ quý con tôi! Các chị trông!

Để nói đến tâm tình của một bà mẹ, phải giả bộ cứng rắn, để cô con gái bớt buồn khi phải xa gia đình, nơi mà cô đã được cưu mang, không lớn, chia sẻ những hạnh phúc, cũng như khó nhọc ở một miền quê kham khổ. Nhưng thật ra lòng mẹ:

Đưa con ra đến cửa buồng thôi
Mẹ phải xa con, khổ mấy mươi!
Con ạ! Đêm nay mình mẹ khóc
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi

Tôi nghĩ thơ như một người tình, và một người tình thật sự không đòi hỏi sự diêm dúa, không cần sự tô điểm lòe loẹt, không cần kiểu cách huênh hoang. Một người tình thật sự không chấp nhận bị lợi dụng cho những mục tiêu xưng tụng, bè phái, hay những quyền lực mờ ám, ngay cả vì muốn nổi tiếng nhất thời. Một người yêu, một người tình, cần sự thành thật và thủy chung. Cứ yêu thơ đi, một cách cao thượng và thành thật ấy, bỡi thơ là một người tình, một tình yêu do chính người nghệ sĩ tạo thành. Bạn nhân hậu thì thơ bạn nhân hậu, bạn có tư cách thì thơ bạn có tư cách. Nếu chẳng hạn vì muốn được nổi tiếng, bạn quay lưng lại với những tình cảm của chính mình, thơ cũng sẽ quay lưng lại với bạn; bạn đã chấm dứt một duyên phận mà bạn đã may mắn có được với thơ vậy. Thơ sẽ đi biệt, và bạn chỉ còn lại những gì chắp vá, đứt gảy. Cho nên tôi nói làm thơ, và làm cho mình nổi tiếng là hai chuyện khác nhau là vậy.

Nguyên Đại
Tháng Chín, 1997

25 September 1997

Ta

Ta hãy là ta của mọi ngày
Chân đạp đất uy nghi đứng thằng
Đầu đội trời rực rỡ dương quang
Ung dung bước dẫu đường đời trắc trở

Ta hãy là ta của bình thường
Chẳng màng vĩ đại, bỡi đâu là vĩ đại
Chẳng vướng phiền ưu chuyện cỏn con
Đi ta đi cùng nhịp đời luân chuyển

Ta cứ là ta gã độc hành
Mây trôi nước chảy ở sau lưng
Đâu đêm mù mịt đời vô tận
Cát bụi hưng vong thoáng nhạt mờ

Ta đã là ta những bụi bờ
Hứng chịu cuồng phong sa mạc bão
Trầm lắng suy tư một góc trời
Hình hài mộng mị giấc chiêm bao

Ta hãy là ta những ngọn đồi
Gió mưa bạc bẽo chốc rồi thôi
Trơ trơ đối mặt từ vạn kiếp
Mắt dõi sao đêm vũ trụ dày

Ta biết là ta một lá cành
Trong rừng muôn vạn sắc màu xanh
Thu về rơi rụng thân tàn úa
Gió cuốn ta đi lộng đường trần

Ta hãy là ta một kẻ này
Đau buồn có đó lẫn niềm vui
Hy vọng tràn dâng cùng thất vọng
Bình thản cưu mang một kiếp người

Nguyên Đại
Melbourne
25 Tháng Chín 1997