26 June 2015

Thiên Đàng

Thiên Đàng đây, Địa Ngục cũng đây
Đường lên nào có, toàn mây trắng
Đường xuống về đâu, chỉ đất đen
Không cầu, không sợ, tròn mắt thấy
Một chốn dương gian, một gã này...


Nguyên Đại
26 Tháng Sáu 2015

24 June 2015

Tội và Phước




Vô tội phước, vô tổn ích
Tịch diệt tánh trung mạc vấn mịch
Tỉ lai trần kính vị tằng ma
Kim Nhật phân minh tu phẩu tích

                                   Huyền Giác Thiền Sư


Tội là chi, phước lại là chi?
Đa mang chi hai gánh nặng như chì!
Ai bắt tội? Ai là người chịu tội?
Thiện là chi, ác lại là chi?
Sợ làm chi hai danh tự vô nghì!
Sợ cái đáng sợ! Lương tâm tự hành hạ lấy.

Gương lòng sáng, xưa xay ta vốn có
Mặc cho bụi mờ vĩnh viễn chẳng quan tâm
Ngày hôm nay, có cơ hội lau chùi
Sáng soi thấy, "phước" và "tội" không ai ban phạt!

                                  Như Huyễn Thiền Sư


Tội phước không, hao lợi không
Lặng yên trung tánh, hỏi viễn vông
Gương trần đời mờ vì bụi phủ
Rủ sạch sáng trong đấy gọi tu

                                Nguyên Đại


21 June 2015

Quân Bất Kiến

THẤY
Người chứng đạo an nhiên tự tại
Chân không cầu, giả cũng không ngại
Thật tánh u mê là Phật tánh
Giả tướng phân thân tức pháp thân
Chung thủy pháp thân là bất nhị
Bản tánh là Phật không nghi kỵ
Xác thân tan biến không khứ lai
Mê Tâm bọt nước thành, vỡ lại

                           Nguyên Đại 
                    21 Tháng Sáu 2015


QUÂN BẤT KIẾN
Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân
Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân
Vô minh thật tánh tức Phật tánh
Ảo hóa không thân tức pháp thân
Pháp thân giác liễu vô nhất vật
Bản nguyên tự tánh thiên chân Phật
Ngũ uẩn phù hư không khứ lai
Tâm Độc thủy bào hư xuất một
                      Huyền Giác Thiền Sư

                                    
Như Huyễn Thiền Sư dịch nghĩa bài thơ "Quân Bất Kiến" của Huyền Giác Thiền Sư như sau:

AI CÓ BIẾT!
Bậc tuyệt học vô vi nhàn đạo
Vọng không trừ, tưởng chẳng cầu chân
Tánh của vô minh và Phật tánh không hai
Phật tánh ấy! Chính là thật tánh của Vô Minh đấy!

Thân ảo hóa với Pháp thân cũng vậy
Ảo hóa thân là hiện tượng của Pháp thân
Biển Pháp thân ví: Bản thể vô cùng
Thân ảo hóa tựa sóng mòi lao xao trên mặt nước

Nhận thức rõ hai thân pháp hóa*
Chợt tỉnh ra rằng: ""Vạn pháp giai không"
Tánh thiên chân là thật tánh của mình
Mình là Phật vốn là thiên chân Phật

Thân ngũ uẩn chỉ là phù vân tụ tán
Hợp rồi tan trong vũ trụ bao la
Sự diệt sanh, sanh diệt vô cùng
Nó hiện hữu với thời gian vô tận

Gọi tam độc** thực tánh không hề độc
Ví như bọt bèo, sanh diệt huyễn hư
Hễ u mê thì tam độc hoành hành
Bằng tỉnh thức, không sao tìm được chúng
                                      Như Huyễn Thiền Sư

(* Pháp thân và Hóa thân
**Tham, Sân, Si nhà Phật gọi là Tam độc)

Nguồn: Chứng Đạo Ca
Nguyên Tác: Huyền Giác Thiền Sư
Biên Dịch: Như Huyễn Thiền Sư
Xuất Bản 1997
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội 2013 (Tái Bản lần thứ 5)

Huyền Giác Thiền Sư: Phật giáo Trung Hoa không nói nhiều về tông chi gia phả, chỉ nói Sư là con gia đình họ Đới, sanh vào năm 665 và mất vào năm 713 đời nhà Đường.