Có người bạn sưu tầm gởi tặng bài thơ này:
Bài thơ đầu anh viết tặng cho em
Là bài thơ anh kể về đôi dép
Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ
Hai chiếc dép kia gặp gỡ tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nhau nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau
Cùng bước cùng mòn không kẻ thấp người cao
Cùng gánh vác sức người chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia
Một ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở nên khập khiểng
Giống nhau lắm nhưng người đời sẽ nói
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu
Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh
Đôi dép vô tri khắng khít bước song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề phản bội
Chẳng hứa hẹn mà không hề giả dối
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi
Không thiếu nhau trên mỗi bước đường đời
Dẫu một chiếc là một bên phải trái
Như tôi yêu em bỡi những điều ngược lại
Gắn bó đời đời bỡi một lối đi chung
Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một chiếc nghĩa là không gì hết
Nếu không tìm được một chiếc thứ hai kia
(Tác giả: Nguyễn Trung Kiên)
Tình yêu làm cho những cuộc đời xích lại gần nhau,
như đôi dép; cho nên khi một mình, nhớ nhau, chợt thấy lẻ loi, không thành đôi.
Không như đôi dép không có linh hồn, nên "anh viết..." “khi nỗi nhớ trong lòng da
diết, những vật tầm thường cũng viết thành thơ”.
Hai chiếc dép không có ngày tháng gặp gỡ, không kỷ
niệm, không thương nhớ nhau, mà được gần nhau. Có những cuộc đời giống như đôi
dép vậy “có yêu nhau đâu” nhưng “chẳng rời nhau nửa bước” và “cùng gánh
vác những nẻo đường xuôi ngược, lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau”. Xưa
ông bà, cha mẹ mình, có khi giữa họ không khởi đi từ tình yêu
thương trước khi gắn bó cuộc đời với nhau; nhưng rồi thì... vinh nhục, thăng trầm,
hạnh phúc, hoạn nạn có nhau.
Người ta yêu nhau, nên quấn quít, không muốn
rời xa, chỉ muốn ở bên cạnh nhau, như đôi dép, chia sẻ đời sống với
nhau, cùng nhau thăng trầm, cùng nhau nhung gấm. Nhìn đôi dép cát bụi, nhớ những
ngày gian khổ; thấy đôi dép sạch đẹp, nhớ những lúc thành công, vui vẻ. Nhưng, không phải
chịu sự đặt để, giống như đôi dép, những tình yêu nồng thắm có cơ hội tự nguyện nuôi dưỡng tình yêu của mình. Cùng trải qua năm tháng, cùng trẻ cùng già, “
cùng bước cùng mòn”, chịu đựng gian nan, chia sẻ tủi nhục, vất vả, “
gánh vác sức người chà đạp”. Chỉ để cho một người dùng, đôi dép chung thủy với một người; tình yêu thủy chung cũng vậy “
dẫu vinh nhục không đi cùng người khác”.
Đi dép thì phải đi với một
đôi, “lối đi nào cũng có mặt cả đôi”, không chiếc này chiếc kia được, và một lần cũng không thể đi được trên hai lối. Cho nên, khi một
chiếc dép mất đi thì “mọi thay thế đều trở nên khập khiểng”; bỡi đâu có chiếc
dép khác nào có cùng (một) phai nhạt, mỏi mòn; cho nên “bước hụt hẫng cứ nghiêng về một
phía”, một mình bước đi cao thấp, khập khiểng và “nỗi nhớ cứ chênh vênh”.
Khi yêu nhau, người ta có thể bỏ qua những dị biệt. Sự khác biệt hoàn chỉnh lẫn nhau; bỡi mỗi chiếc dép là một bên phải (hoặc)
trái. Không có chiếc dép nào vừa cả hai bên phải và trái, giống “như tôi yêu em bỡi những
điều ngược lại”. Họ, dù một trái một phải; nhưng (giống như đôi dép) gắn bó đời nhau “bỡi
một lối đi chung"; những bước chân thầm lặng trên mọi nẻo đường đời, những cuộc
đời yêu thương “thầm lặng bước song song”.
Khi một chiếc mất đi, không còn “đôi” dép nữa, bỡi
một chiếc dép không dùng được, “còn một chiếc là không còn gì hết”, “khi không
tìm được một chiếc thứ hai kia”. Cuộc tình có "mã số'' riêng của nó, có đời sống riêng của nó, không thể đem con người nọ đặt vào cuộc tình kia được. Khi một chiếc dép đi xa, không còn đứng chung đôi nữa, đôi dép coi như đã mất. Con người không vậy, không giống như đôi dép, tình
yêu vẫn còn đó, cho dẫu họ lạc mất nhau. Họ lưu giữ kỷ niệm, năm tháng xuôi ngược
thăng trầm có thể làm cho họ mỏi mòn, nhưng cuộc tình giữa họ đã hóa thạch;
tình yêu của họ không phải như bụi đường trên đôi dép có thể được rửa sạch
trong một cơn mưa chiều.
Đôi dép không có di truyền, nhưng con người nở hoa,
kết trái. Họ thấy sự hiện diện của một “chiếc thứ hai” trong nụ cười của đứa
con trai, con gái của họ. Họ không phải vô ích, “
không còn gì hết” khi lạc mất “nửa
thứ hai”; trái lại họ thấy trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, bỡi vì cho dẫu chỉ có một mình, họ phải là một “đôi” để tiếp tục yêu thương, nâng niu, nuôi nấng, gầy dựng
cho những “đôi dép nhỏ” tiếp tục đi trên những con đường sáng hơn, rộng hơn con
đường mà họ đi qua, như Mẹ vẫn tiếp tục
nuôi con bằng tình thương của Mẹ, dẫu rằng Cha đã vĩnh viễn ra đi, không bao giờ
về nữa.
Đôi dép, vừa “sinh ra” là đã thành đôi, thành cặp. Con
người không phải lúc nào cũng “may mắn” như thế, nhiều cuộc tình đã không về bến, có những cuộc đời
thương nhớ nhau, mà không gần nhau. Họ không trầu rượu "
chẳng thề nguyện nhưng không hề phản bội", không ràng buộc nhưng ngui ngút nhớ nhau "
chẳng hứa hẹn mà không hề giả dối". Họ
có là một đôi không? Không ai biết! Cuộc đời dâu bể đổi thay, có lịch sử, có
quê hương, cách mạng, chiến tranh, họng súng, nhà tù, và những con thuyền...
không vỏn vẹn trong một bước chân. Khoảng
cách ngắn giữa hai chiếc dép không còn quan trọng nữa. Tình thân,
tình bạn, tình yêu thương đã vượt không gian và thời gian:
Em thương Hàn, lớn cùng trăng Mạc Tử
Tôi nhớ Kiều, lãng sóng bước Nguyễn Du
nguyên đại
Nhìn lên bầu trời
xanh, con người đã có những bước đi ngàn dặm, sao mình không nở một nụ cười để
thấy vẫn gần nhau như đôi dép, dẫu rằng biền biệt cách xa.
Nguyên Đại
nguyenbadai@gmail.com
Melbourne
4 Tháng Tám, 2012
Hình:blog.yahoo.com./bobo; psdeluxe.com; amusingplanet.com