Broadcasted on
3CR Radio AM 855
Melbourne
05/11/2007
Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây mặc áo the, đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Và về đây nghe lại tiếng nói
Thơ ấu khúc hát ban đầu
Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây thả ước mơ đi hát dạo
Để đời đời làm giọt sương mai
Để chào đời bằng lòng mới lớn
Để hận thù người người lắng xuống
Và tìm nhau như tìm xót xa
Trong lúc lệ đã đầy vơi
Này người ơi vươn cao vươn cao
Đem ánh sáng hân hoan trên trời
Rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương
Nụ cười tươi trên môi em thơ
Là tiếng hát hân hoan cho đời
Và về đây cho nhau nụ cười tương lai
Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây đứng hát trên sông nước này
Chở lòng người trở về quê hương
Chở hồn người vào dòng suối mát
Chở thật thà vào lòng dối trá
Và nhạc hoa xin tạ chút ơn
Hạnh phúc khi đã gặp nhau
Trần Quang Lộc
--------------------------
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=EjjJHHE9TH
Hãy kể cho tôi biết cái tên khó gọi mà tôi đã mang từ thuở sơ sinh
Hãy kể cho tôi về đất nước xa xưa và về đôi mắt xếch của tôi
Đôi mắt biểu lộ lòng tôi hơn những lời không dám thốt lên
Tôi chỉ biết quê nhà qua những hình ảnh chiến tranh
Qua phim của Coppola với những chiếc trực thăng hung dữ….[1]
Đó là Phạm Quỳnh Anh, cô gái người Bỉ gốc Việt, dưới nét bút của Marc Lavoine, trong “Bonjour Vietnam”.
Em, về đây nghe em, về đây mặc áo the, đi guốc mộc.
Áo the là áo the thâm, vải thô, dệt rồi nhuộm thâm. Khi mặc áo the, em sẽ thấy đời sống trở nên đơn giản, em giống như mọi người chung quanh. Em chấp nhận họ, như em là họ. Mọi người sẽ nhìn em, như chính em, chứ không phải bằng chiếc áo đắc tiền, em mặc trên người. Em sẽ nghe được âm thanh đích thực của cuộc đời chung quanh em.
Mặc áo the, và để lòng mình bình dị, thanh thản. Em sẽ nghe tiếng chim hót reo vui buổi sáng, khi hừng đông, và tiếng côn trùng rỉ rả bên bờ ruộng nước lúc đêm về. Em sẽ cảm thấy đời sống kham khổ trên từng bờ bụi của làng quê Việt Nam. Em sẽ thấy sóng lúa xanh thơm ra làm sao, và hiểu được nỗi vui của ngư dân khi thuyền về đầy cá. Em sẽ biết quý giọt mồ hôi của người dân dã. Em sẽ thấy mình may mắn và sự xa hoa, phí phạm của mình tầm thường và nông nỗi làm sao. Tâm hồn em sẽ trở nên giàu có vì tình yêu tha nhân, và em trở nên xinh đẹp hơn vì tình yêu đó.
Mặc áo the, vứt bỏ sự tự mãn vô bổ. Em sẽ không thấy mình là cô này, bà nọ. Em sẽ không còn dáng điệu của kẻ nghĩ mình có quyền uy. Em sẽ thấy hứng thú lúc chơi đùa, không phải cứ sợ gai vướng hay bụi bám vào chiếc áo xa hoa, làm em tách rời khỏi thế cuộc nhân sinh. Em sẽ thấy sự kỳ diệu của cuộc đời dâu bể, và sự bé bỏng của chính em. Em sẽ trở nên hồn nhiên, vì dịu dàng và khiêm tốn. Em sẽ vui tươi, không còn phiền muộn, và mặc cảm thua kém đã bị cuốn theo cơn gió trên những cánh đồng, để lại nơi đây nụ cười của em sáng trong ánh nắng với hiểu biết và bao dung.
Guốc mộc là guốc gỗ gọt đẽo bằng tay. Khi em đứng trên đôi guốc mộc, em biết mình lớn lên từ đâu. Em hiểu rằng ba mẹ, ông bà của em đã lớn lên từ nơi này. Có đứng chung với họ, em mới hiểu họ, hiểu tấm lòng của họ và cảm nhận sự hy sinh của người thân cho cuộc đời em, đó là tình yêu của người thân dành cho em. Em trưởng thành từ đất mẹ, tươi mát, và nở hoa.
-------------Nhạc nền: Bonjour Vietnam---------
Một ngày nào đó, em sẽ về chào hồn thiêng dân tộc
Một ngày nào đó, em sẽ về chào Việt Nam
Và tôi sẽ kể em nghe về màu da, mái tóc và bàn chân nhỏ bé của em
Đã theo em từ lúc mới chào đời
Tôi sẽ kể em nghe về căn nhà, con đường và vùng đất em chưa biết
Có nhóm chợ trên sông và thuyền tam bản.
Em chỉ biết quê nhà qua những hình ảnh chiến tranh
Qua phim của Coppola với những chiếc trực thăng hung dữ…[2]
Về đây nghe em, về đây nghe kể chuyện tình bằng lời ca dao, bằng nồi ngô khoai, bằng hạt lúa mới. Em sẽ biết đến những chuyện tình à ơi, tiếng sóng nhỏ lắm khe khẻ vỗ vào bờ kênh rạch, và tiếng hò thật bất ngờ lướt trên sông nước miền Nam. Chuyện của khoai sắn ngày xưa, của hương sữa thơm mùi lúa mới, chuyện cánh đồng trắng xoá những ngày mưa lũ, và cây sầu đâu trước ngõ, cứ nhỏ dần đi với mực nước đỏ bùn. Ầu ơ…
Mẹ đi vắng nên cha ru con ngủ
Hò xự xang bắp rang trộn đường
Con không ngủ. Cha vẫn ru hoài
Hò xự cống cá bống kho tiêu…
Để bây giờ thương nhớ biết bao nhiêu
Ngẩn ngơ bóng núi, xao xuyến mây chiều[3]
Những người theo đạo công giáo, có những ngày tu khổ hạnh. Họ đi về những khu vực vắng vẻ, trên đồi, cách xa các nông trại, để có những sinh hoạt tâm linh. Những người theo đạo Phật cũng có những sinh hoạt tương tự, như về chùa giữ mùa chay tịnh, v.v… Cho dẫu niềm tin tôn giáo có khác nhau, khi rời khỏi những hào nhoáng thị thành, em sẽ thấy mình tươi mát, bình dị, dịu dàng hơn, khiêm cung hơn. Về với sự bình dị, khiêm cung, rời khỏi sự tự mãn, cao ngạo, về với tình người chơn chất, với nguồn cội, với người thân, những người đã cưu mang và đem em đến cuộc đời này. Về đây nghe em…Về đây nghe lại tiếng nói, thơ ấu khúc hát ban đầu
---------------Nhạc nền: Về đây nghe em -------
Một ngày nào đó, em sẽ về chào hồn thiêng dân tộc
Một ngày nào đó, em sẽ về chào Việt Nam
Sẽ đi thăm những ngôi chùa, tượng phật, thay cho cha
Chào hỏi những người phụ nữ cấy lúa trên ruộng đồng, thay cho mẹ
Trong lời nguyện cầu, trong ánh nắng chan hoà, em sẽ gặp lại các anh em
Trở về với tiếng lòng, cội nguồn, với đất mẹ, quê cha[4]
Về đây nghe em, để cùng đi dạo hát ca trên những cánh đồng, để làm giọt sương mai buổi sớm trong vắt xinh tươi, để hồn nhiên như thưở mới lớn, để những hận thù nghi kỵ bước đi, để nhớ về những ngày giông bão mình có nhau và đã yêu thương nhau như thế nào, để nhớ là ngày xưa mình đã nghèo khó biết bao, nhưng tình cảm của mình sao gần gũi. Về đây nghe em, về đây bỏ lại những lỗi lầm sau lưng để tha thứ, và được thứ tha.
Về đây để chào đời bằng lòng mới lớn. Về đây hồi tưởng lại một thời đi học, chân đất trên con đường bụi đỏ, những nghịch ngợm vô tư. Về đây với chân dung một thời son trẻ, vạt nắng múa lượn trên áo trắng học trò. Về đây đọc lại bài thơ tình đã gởi cho nhau nhiều năm về trước. Về đây nhớ lại tiếng súng vang rền một thời binh lửa, tiếng rao đêm và tiếng guốc gõ trên đường khuya. Về đây, như một lời cảm tạ, tạ ơn đời, năm tháng trôi qua….
------------Nhạc nền: Về đây nghe em----------
Về đây nghe em, về đây đứng hát trên sông nước này. Trong mênh mông của sông, trong dịu dàng của nước, lắng nghe từng ngày cuộc đời mình đã đi qua. Gởi nhau lòng trân trọng biết ơn, cảm thấy hạnh phúc khi đã gặp nhau. Hạnh phúc khi đã cùng chia sẻ với nhau, cho dẫu là những phút giây ngắn ngủi của đời sống này.
Ta hạnh phúc vì đã gặp nhau trên bờ gió cát ở một miền đất xa lạ, nghe quanh mình tiếng sóng vỗ miên man, tự hỏi không biết mai này đời sẽ trôi về đâu. Ta hạnh phúc vì đã được cùng chia nhau những ngày khốn khó, nghĩ lại mà thương, thương những săn sóc mà ta dành cho nhau, thương cả những lỗi lầm vu vơ, của người bạn nhỏ. Thương mến và thứ tha. Chở hồn người vào dòng suối mát, chở thật thà vào lòng dối trá.
Ta hạnh phúc vì đã gần nhau, đã giữ được sự tin yêu, sau ngần ấy những xô đẩy của cuộc đời tranh cạnh, đua chen. Ta hạnh phúc khi nhìn một bông hồng nở chiều nay, trong căn phòng ấm áp tiếng nhạc, tiếng thơ, tiếng gió xuân của một ngày bình an, với những bạn bè thật dễ thương.
Xin cảm ơn đời, cảm ơn bạn, cảm ơn em, chia sẻ phút giây của thơ, của nhạc và hoa, để nghe lòng mình lắng xuống đêm nay, bình yên giấc ngủ.
Nguyên Đại
[1] Tạp Chí Phật Giáo Dấn Thân, Engaging Buddhism, Số 3/2007, Tr.57
[2] Lấy ý từ bài thơ, Xin Chào Mẹ Việt Nam, Tạp chí Phật Giáo Dấn Thân, Engaging Buddhism, Số 3/2007, Tr. 57
[3] Thơ Đỗ Tấn, Tạp Chí Văn Nghệ Bình Định, Số 39, Tr. 57
[4] Theo chú thích số 2 ở trên.
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=p02xpuZj61
05 November 2007
29 October 2007
Đôi Bờ
Broadcasted
3CR Radio AM 855
Melbourne
đôi bờ
Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai
Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Bên này em có nhớ bên kia
Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến
Quạnh vắng chiều sông lạnh bến Tề
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ
Xa quá rồi em người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?
Quang Dũng
1948
--------Nhạc đệm: Em ơi, Hà Nội Phố - Nguyên Khang----
--------Nhạc đệm: Em ơi, Hà Nội Phố - Nguyên Khang----
Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai
Tôi đọc bài này nhiều lần, lần nào cũng thấy hay. Thương nhớ, mà thương nhớ “ơ hờ”, kiểu dùng chữ đặc biệt này, chỉ có ở Quang Dũng, rất bình thường và rất thơ. Bình thường như một tiếng thở dài mà ai sống cũng có lúc phải buồn phải nhớ, thơ vì nó “ơ hờ”, nó thơ. Trước Quang Dũng, tôi không thấy ai dùng, sau này có lẽ không ai dùng lại, vì “thương nhớ ơ hờ” đã Quang Dũng rồi.
Không thể không cảm nhận khung cảnh nên thơ khi một cơn mưa về trên sông. “Mưa trên sông dài”, như một lời ca trong một ca khúc nào đó, còn đối với Quang Dũng thì “Sông xa từng lớp lớp mưa dài”. Sông nào cũng dài xa hơn tầm mắt, đứng bên bờ thượng nguồn, nhìn cơn mưa trôi dài theo dòng sông vắng, nghe lạnh vì một mình với cơn gió cuối thu… nhớ em. Mưa trên sông làm tôi nhớ em. Vâng, ngồi ngắm mưa trên sông, không thể không nhớ em. Đêm mưa, ghé vào một quán cà phê, và ngồi một mình, nhìn sóng gợn, lăn tăn ánh đèn hay ánh trăng, cam đoan là sẽ nhớ em, rất nhớ…
---------------------------------------
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=3wKMAxdwXN
“Chớm heo”, là heo may, là gió thu. Mùa đến là mùa đông, nên “Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự”. Em có nhớ tôi không. Tôi ở bên kia sông, buổi chiều, ngắm mưa bụi giăng giăng qua phòng tuyến. Tôi nhớ em. Em có nhớ tôi không?
Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Bên này em có nhớ bên kia
Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến
Quạnh vắng chiều sông lạnh bến Tề
Có người không thích thơ Quang Dũng, đối với họ “trong thơ nên có thép”, “có máu”, để phục vụ chiến trường, phục vụ cuộc chiến, phục vụ quan điểm và quyền lợi của họ. Họ không chấp nhận cái kiểu ngồi bên phòng tuyến, nghe thấy mưa giăng giăng, để cảm nhận sự cô đơn, để cảm nhận “quạnh vắng chiều sông lạnh bến Tề” được.
Chính trị có tính phiến diện, đoản kỳ; trong khi nghệ thuật có tính toàn diện và đòi hỏi sự trường kỳ. Chính trị tiêu diệt lẫn nhau. Sự tồn tại của một chế độ, đòi hỏi sự tiêu diệt, đập đổ một chế độ khác. Nghệ thuật không huỷ diệt lẫn nhau. Sự tồn tại của một bài ca, một bức tranh không huỷ diệt một bài ca hay một bức tranh khác, mà chỉ làm cho nhau nổi bật hơn, phong phú hơn.
Bắt buộc một sự toàn diện phải trở thành phiến diện, bắt buộc cái trường kỳ phải trở nên đoản kỳ, là giết chết nghệ thuật. Các ông bà đó, vì sự u tối của chính họ, đã tiêu diệt nghệ thuật, nhuộm đỏ tất cả nghệ thuật chúng ta trong nhiều năm. Chính họ đã "giết chết" Quang Dũng, Văn Cao và nhiều nhân tài kiệt xuất trên đất nước chúng ta, và họ gọi đó là “Yêu Tổ Quốc, Yêu Đồng Bào”. Ôi!
“Trúc Nam Sơn không ghi hết tội
Biển Nam Hải không rửa hết mùi”[1]
--------------------------------------
Xin trở lại với Quang Dũng của chúng ta, với “Tây Tiến”, “Đôi mắt người Sơn Tây”, và, bây giờ, xin chỉ “Đôi Bờ” thôi.
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa, là điếu thuốc lá. Ngồi bên phòng tuyến chiều mưa, có lẽ không thể thiếu điếu thuốc được. Khói thuốc đối với một tâm hồn thi sĩ đem lại cái lãng vãng, phảng phất của kỷ niệm. Đêm về, ở đâu trên sông cũng lạnh, bờ nào, cũng lạnh. Anh ở bên này bờ sông, em bên kia, nhớ em qúa! Nâng vội ly trà, chợt thấy hình bóng em trên mênh mông sông nước, bên kia bờ sông Đáy. Chợt thấy em thật gần như một cơn mơ, gần như trước mặt anh, trong chum trà, anh uống đêm ngay, để ấm một chút, và để thức làm người lính của anh, và để nhớ em…
------------------------------------------
Xa quá rồi em người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?
Anh ra trận, em di tản. Xa quá rồi em người mỗi ngã. Bên này không phải là bên này bờ sông, bên này giờ là bên này đất nước. Chiến tranh, tình yêu, chia ly và nỗi nhớ. Em đi, ngây thơ, hờn giận anh, cho dù là hờn để mà hờn, và tủi phận mình. Anh nhớ em, anh biết là em đã khóc, dòng lệ thơ ngây có dạt dào? Em có nhớ anh không, có nhớ người lính phong sương, đêm chiến tranh, trên sông mưa lạnh, nhớ không em. Bên này, anh có em, có hình em trong đáy cốc, có tiếng sóng vỗ đôi bờ sông, có khói thuốc, có phòng tuyến, đêm đông lạnh và cả nỗi cô đơn. Bên kia, em có gì không em, trong đêm tối chiến tranh, trong ngày di tản. Anh nhớ thương em…
Nguyên Đại
28 September 2006
Ba!
Kính dâng ba,
Đêm chiến tranh…
"Con! theo mẹ về"
Thành phố hừng tiếng đạn!
Căn cứ giới nghiêm
Biển sẫm màu gợn sóng
Tàn chiến cuộc…
"Xin!..Tạ từ ba!"
Thuyền đi trong tầm súng!
Căn cứ đổi tên,
Biển thao thức nguyện cầu...
Đất bình yên…
"Thôi! Con về đi,
Bên kia, đời vội vã!"
Căn cứ? Nhà quan!
Biển dưới trời mây trắng
Ba đi rồi!
Con nay về-đi
Ngày xa đời chia ly
Căn cứ? Thiên Đàng!
Biển với trời thương nhớ…
Nguyên Đại
Melbourne
28/09/2006
Hình: Qua cầu Nhơn Hội
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=A7RlcyftoA
Đêm chiến tranh…
"Con! theo mẹ về"
Thành phố hừng tiếng đạn!
Căn cứ giới nghiêm
Biển sẫm màu gợn sóng
Tàn chiến cuộc…
"Xin!..Tạ từ ba!"
Thuyền đi trong tầm súng!
Căn cứ đổi tên,
Biển thao thức nguyện cầu...
Đất bình yên…
"Thôi! Con về đi,
Bên kia, đời vội vã!"
Căn cứ? Nhà quan!
Biển dưới trời mây trắng
Ba đi rồi!
Con nay về-đi
Ngày xa đời chia ly
Căn cứ? Thiên Đàng!
Biển với trời thương nhớ…
Nguyên Đại
Melbourne
28/09/2006
Hình: Qua cầu Nhơn Hội
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=A7RlcyftoA
Subscribe to:
Posts (Atom)