26 October 1996

Xung Đột Quyền Lợi

XUNG ĐỘT QUYỀN LỢI

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
27 Tháng Mười, 1996

Vấn đề đối nghịch quyền lợi trong hàng ngũ bộ trưởng ở tiểu bang Victoria, Úc Châu, tưởng chừng như lắng dịu đôi chút vào những ngày đầu tuần này, lại trở nên sôi nổi trong những ngày cuối tuần. Theo nhật báo The Age, số ra hôm thứ Tư, thì bộ trưởng năng lượng và môi sinh tiểu bang Victoria, bà Marie Tehan đã bị chỉ trích là đã mua 3750 cổ phần của Tổng công ty One-Link vào tháng 7-1994, tức là hai tháng sau khi Bộ Trưởng ngân khố tiểu bang ông Alan Stockdale xác nhận một hợp đồng lên đến 330 triệu đô-la giữa công ty này và chính phủ tiểu bang về việc thiết lập các máy bán vé tự động cho các phương tiện di chuyển công cộng trong thành phố.

Bộ trưởng tư pháp tiểu bang Victoria, bà Jane Wade, cũng bị công kích về sự việc bà có cổ phần trong công ty BHP và bà có liên quan đến một quyết định miễn tố công ty này. Bà Wade đã phản bác lại rằng bà không có liên quan đến quyết định miễn tố công ty BHP nói trên, và tuyên bố rằng bà có quyền đầu tư như mọi người Úc khác. Theo bà, trong trường hợp này đã không có sự xung đột quyền lợi giữa trách nhiệm dân cử của bà và quyền lợi riêng, và bà cảm thấy hoàn toàn an tâm với những cổ phần mà bà đang giữ.

Tuy nhiên, phát ngôn viên đối lập với bà là ông Rob Hulls cho rằng thật là khó hiểu được trong trường hợp một viên chức cao cấp trong chính phủ như bà lại không hề hay biết đến những hợp đồng hàng trăm triệu đô la giữa chính phủ với một công ty tư nhân, và cho rằng nếu bà không giải thích rõ ràng với dân chúng Victoria về sự liên quan giữa việc ký kết hợp đồng của chính phủ và việc đầu tư của bà, bà không xứng đáng ở cương vị của một bộ trưởng.

Lãnh tụ đảng Lao Động đối lập tiểu bang Victoria, ông Brumby cũng cho rằng, rõ ràng đã có vấn đề xung đột quyền lợi đối với một số bộ trưởng thuộc tiểu bang Victoria, và đảng của ông ta sẽ truy cứu về những vấn đề có liên quan đến bộ trưởng năng lượng và môi sinh, bà Tehan; và bộ trưởng tư pháp, bà Wade, như đã nói ở trên.

Đối với viên chức chính phủ, đặc biệt là những viên chức cao cấp, sự phân định rạch ròi trách nhiệm dân cử và quyền lợi riêng tư của họ là rất quan trọng. Họ được dân chúng bầu lên không phải để chăm sóc cho quyền lợi riêng họ, mà để duy trì sự công bằng xã hội và làm những quyết định có lợi cho toàn thể cộng đồng nói chung. Tuy nhiên, không phải là chủ trương theo cái kiểu đầu môi chót lưỡi của các chính phủ cộng sản rằng là: “Tất cả vì lợi ích của nhân dân...Vì nhân dân mà phục vụ...”. Chúng ta đã chứng thực rằng đó là một sự mị dân đáng khinh của những người đang nắm quyền lực ở quê nhà.

Lợi ích chung và quyền lợi riêng tư phải được quân bình, và phải có một mức độ độc lập cần thiết để những quyết định của chính phủ không trở nên thiên vị và bất công. Thủ tướng Howard vì vậy đã kêu gọi việc xem xét lại những quy định dành cho các tổng bộ trưởng để trách nhiệm những người này không đối nghịch với quyền đầu tư của của họ trong tư cách một công dân.

Chế độ cộng sản đặt căn bản trên sự độc quyền đảng trị, thiếu một yếu tố quan trọng của một nền dân chủ là kiểm soát và quân bình (balance and check), vì vậy tạo điều kiện dễ dàng cho những kẻ nắm quyền lực lạm dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích riêng của họ. Hậu quả tất yếu của việc này là một hàng ngũ cán bộ tham nhũng, phân hóa và bè phái. Tham nhũng đang là vấn đề nhức nhối hiện nay của nhà cầm quyền Hà Nội, chính họ cũng phải thú nhận điều này.

Trong cộng đồng chúng ta- xin được giới hạn là trong những cộng đoàn những người trẻ sinh viên học sinh của chúng ta- việc nhận định sự tương quan giữa trách nhiệm chung và quyền lợi riêng tư phải được tính đến trong việc thành lập và phát triển cộng đoàn để đạt được những mục tiêu mà chúng ta nhắm tới.

Những bạn trẻ, sinh viên, học sinh có những nhu cầu gì? Họ cần một đoàn thể những người trẻ nói cùng một thứ tiếng mẹ đẻ của họ, để duy trì và phát triển những nét đẹp, những tinh hoa của văn hóa Việt Nam. Họ cần nói tiếng Anh giỏi, cần sự hội nhập với các đoàn thể khác trong trường. Họ cần một sự hội nhập với xã hội Úc để phát triển và tồn tại. Đoàn thể chúng ta chỉ có thể duy trì và phát triển lớn mạnh, nếu chúng ta nhận ra được những ưu tư này của những thành viên trong cộng đoàn của chúng ta. Những hoạt động của đoàn thể chúng ta phải tạo được một sự dung hòa giữa những quyền lợi, nhu cầu của thành viên và mục tiêu, chính sách của cộng đoàn.

Đối với những người lãnh đạo đoàn thể. Nếu cơ cấu chúng ta chừa chỗ cho sự lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân. Chúng ta sẽ lún sâu vào tệ nạn tất trách, bè phái, thiên vị như cộng sản.

Nếu cung cách tổ chức cũng như sách lược của đoàn thể chúng ta chỉ nhắm đến việc tạo dựng một tên gọi, một hư danh, thiếu một sự dung hòa cần thiết giữa trách nhiệm và quyền lợi của người lãnh đạo. Chúng ta sẽ thiếu một sự cạnh tranh cần thiết, và không tìm được những cá nhân tích cực và có thực tài để lãnh đạo cộng đoàn chúng ta. Những kẻ hiếu danh sẽ tung hoành trong một tình trạng lạm phát đoàn thể. Chúng ta sẽ không giải quyết được điều gì, trong một hổn hợp những đoàn thể bị phân hóa, chia rẽ. Cộng đoàn chúng ta thiếu sức mạnh vì thiếu người tham gia, thiếu sự nhiệt thành của những thành viên. Cộng đoàn chúng ta cũng sẽ bị còi cọc, bị lẩn quẩn vì thiếu người lãnh đạo tài ba, sáng suốt.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Melbourne, Úc Châu
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu

28 September 1996

Tự Do Ngôn Luận

Kính thưa quý thính giả
Các bạn học sinh, sinh viên thân mến

Tự do ngôn luận là môt trong những quyền cơ bản của người dân trong một xã hội tự do và dân chủ. Có thể nói đây là một tiêu chuẩn quan trọng để phân biệt một xã hội dân chủ, và một nhà nước độc tài. Trong tuần vừa qua, báo chí Úc đề cập nhiều về vấn đề tự do ngôn luận, theo nhật báo The Age, số ra ngày 23/9/1996, trong bài: “Howard defends freedom to speak”, xin tạm dịch là “Howard bảo vệ quyền tự do ngôn luận”, thủ tướng Howard đã đề cập đến sự việc là một chế độ kiểm duyệt có thể làm cho chúng ta đối diện với một xã hội chật hẹp, và bị hạn chế. Ông nói:

Tôi hoan nghênh sự việc mà người dân trong những ngày này có thể nói về một vấn đề nào đó mà không sợ bị dán cho những nhãn hiệu cực đoan, hay kỳ thị chủng tộc, hay bất kỳ một biểu hiện nào mà ai đó có thể vung vãi một cách vô tội vạ, khi không đồng ý với những điều mà người khác nói.

Ông cũng lưu ý rằng quyền hạn luôn luôn đi đôi với trách nhiệm, và tất cả những ai thực thi quyền tự do ngôn luận, phải lưu ý đến việc thực hiện quyền này trong một cung cách tế nhị và ôn hòa. Chúng ta không nên sử dụng quyền này để chuyển vận những lời lẽ thiếu tế nhị và thiếu sự bao dung. Ông Howard cũng nói đến những nhà chính trị cần khả năng lắng nghe ý kiến của người dân hơn là những điều mà những chính trị gia nghĩ và tin tưởng.

Mặc dù không nêu tên bà Pauline Hanson, và cũng không cho biết là ông có đồng ý với những nhận xét gây nhiều tranh luận của bà trong những ngày này hay không; nhưng điều mà ông Howard phát biểu trong cuộc họp mặt với các dân biểu đảng Tự Do tiểu bang Queensland hôm 22-9 vừa qua có liên quan đến những tranh luận, chống đối cũng như ủng hộ, về bài phát biểu của bà Hanson. Bà này trong bài phát biểu đầu tiên của bà ở Quốc Hội đã kêu gọi chính phủ xét lại chính sách di trú. Theo bà người Á Châu có mặt ở Úc quá nhiều và không chịu hội nhập với các cộng đồng sắc tộc khác. Bà cũng kêu gọi chính phủ nên giải tán ủy ban đặc trách về thổ dân và dân đảo Torres Strait, gọi tắt là ATSIT. Bà cũng kêu gọi sự thực thi chế độ quân dịch bắt buộc.

Trong một diễn biến khác, theo tờ The Age, số ra ngày 25-9 vừa qua, ông Jeff Kennett, thủ hiến tiểu bang Victoria, có những nhận định khác với thủ tướng Howard về vấn đề tự do ngôn luận. Ông cho rằng đã không có sự kiểm duyệt như lời ông thủ tướng đã nói. Dân Úc đã có sự tự do phát biểu ý kiến, tự do bàn thảo và tự do tranh luận. Nhận xét về những quan điểm của bà Hanson, ông Kennett cho rằng bà Hanson có quyền trình bày quan điểm của mình, nhưng ông ta không đồng ý với những ý kiến đó. Ông nói, bà Hanson nên cẩn thận với những nhận xét như thế, rằng sự lựa chọn một giải pháp dễ dàng để đạt được những mục tiêu chính trị ngắn hạn, có thể làm chia rẻ cộng đồng mà chúng ta đang sống.

Các bạn thân mến,
Trở về với những vấn đề của chúng ta, những tập thể sinh viên học sinh, và trong những vấn đề tự do ngôn luận. Kỳ phát thanh trước, hôm thứ Bảy, 14-9 vừa qua, ban phát thanh sinh viên có loan một bài phê bình của một bạn sinh viên, về đêm văn nghệ Hát Cho Tuổi Trẻ Việt Nam. Sau đó có nhiều bạn bàn thảo về bài viết này. Chúng tôi đã viết thư giải đáp một số thắc mắc của các bạn đó. Quan điểm của chúng tôi là: những bài viết không mang tính công kích xuất phát từ những động cơ cá nhân, không phạm quy điều của của SBS Radio, và trong giới hạn của chương trình sinh viên, những bài viết như thế, theo chúng tôi, đều có thể loan tải được trong chương trình này. Và việc tạo điều kiện để một người có thể trình bày ý kiến của mình, về một hoạt động xã hội của một tập thể sinh viên là một điều hợp lý, mặc dù chúng tôi có thể không hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả.

Chúng ta chống đối những vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Hà-Nội đối với Hà Sĩ Phu, Đoàn Viết Hoạt...vì những người này có ý kiến khác với ý kiến của các lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam. Tại sao chúng ta chỉ thích đăng tải những lời khen tặng chúng ta, và gạt bỏ những ý kiến phê bình trên tinh thần xây dựng? Ban phát thanh Tổng Hội Sinh viên Việt Nam không phải thành lập với mục đích chỉ để chuyển những lời khen tặng đến cho sinh viên. Chúng tôi muốn thực sự làm một phương tiện để các bạn trẻ nói chung, sinh viên học sinh  nói riêng, tự do góp tiếng nói của mình, một cách có trách nhiệm, trong một tinh thần đoàn kết, xây dựng, và với một cung cách tế nhị.

Trong một cuộc bàn thảo khác, dù không liên quan đến bài viết của bạn sinh viên nói trên, có một số ý kiến cho rằng, phải lưu ý đến một số phần tử thân cộng cố tình tạo chia rẻ trong hàng ngũ những người trẻ ở đây. Chúng tôi thật vui vẻ đón nhận sự lưu tâm này của các bạn.

Chúng ta phải học hỏi để bảo vệ, và thực thi quyền tự do ngôn luận của chúng ta, một cách có hiệu quả vì đó là nền tảng của sự tiến bộ. Một lời khen đúng là một khích lệ lớn lao, nhưng đánh bóng lẫn nhau là điều phải hết sức tránh. Phê bình trong tinh thần xây dựng là điều nên làm, và phải được lắng nghe, nhưng công kích vì những mục tiêu cá nhân là điều không thể chấp nhận được. Lưu tâm tới những tư tưởng cực đoan là điều mà chúng ta cần phải cẩn trọng, nhưng chụp mũ, bêu xấu lẫn nhau là điều không nên làm. Sự việc mà hễ ai có ý kiến khác chúng ta, thì chụp ngay cho họ một cái mũ là cộng sản, là thân cộng là một điều sai lầm. Ở chế độ cộng sản, ai có ý kiến khác với Đảng thì là phản động, phải đi tù. Sống ở xã hội tự do, và là những người trẻ, có cơ hội học được những điều hay trên xứ người, chúng ta không làm những điều tương tự như vậy.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Melbourne, Australia
28/9/1996

SBS Radio
Chương Trình phát thanh
Tổng Hội Sinh Viên Úc Châu

03 August 1996

Đêm Thắp Nến cho Thuyền Nhân


ĐÊM THẮP NẾN CHO THUYỀN NHÂN

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
3 Tháng Tám 1996

Đêm thứ Bảy, 27-7-1996 vừa qua, Ủy Ban Yểm Trợ Đồng Bào Tỵ Nạn cùng với Cộng Đồng Người Việt Tự Do Tiểu Bang Victoria và Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Liên Bang Úc Châu đã tổ chức một đêm thắp nến cho thuyền nhân tại quảng trường thành phố (Melbourne City Square). Tối chủ nhật sau đó trong tiết mục Sinh Hoạt Cộng Đồng, quý thính giả đã được tường trình khá chi tiết  về diễn biến của đêm thắp nến đó. Trong tiểu mục Diễn Đàn Sinh Viên hôm nay, xin được chia sẻ cùng với các bạn trẻ và quý thính giả cảm nghĩ của một sinh viên đã đến thắp nến đêm ấy.

Đậu xe dọc theo đại lộ St. Kilda, tôi lửng thửng thả bộ trên đường đi về quảng trường thành phố. Trời lạnh thật, những giọt mưa đêm đông buốt giá. Đi trong mưa trên đường phố ở đây có cái cảm giác như vừa hòa nhập, vừa như rất lẻ loi.

Bên em đang có ta
Hát về em tương lai xót xa[1]

Tiếng hát chợt vút cao tung bay trong bầu trời xứ này. Có một điều gì rất lạ, nơi này thành phố đầy người lạ, sao bay bổng tiếng hát Việt Nam. Có lẽ, tôi ở đây chưa được bao lâu, nên cái cảm giác “thành phố của mình”  vẫn chưa hiện diện một cách bền vững, nên chớp thoáng về một chút ngạc nhiên. Đêm mưa ướt lạnh, mọi người núp dưới mái hiên. Tôi đến trại tỵ nạn cũng vào một ngày mưa bão, cảnh sát Hong Kong đã bắt chúng tôi ngồi dưới mái hiên, hai tay đưa lên đầu. Giờ đây tôi cũng đứng dưới mái hiên trong tâm trạng buồn buồn, một chút mặc cảm tội lỗi, và theo sau là một lời bào chữa. Tôi đã sống ở trại, đã từng đối diện với một tương lai xót xa. Những bạn nhỏ của tôi ở trại khi tôi đến chỉ 11, 12 tuổi, giờ đây đã 19, 20 vẫn còn ở đó, đôi mắt thất thần nhìn về một tương lai xót xa. Tôi biết rất rõ cảm giác xót xa, bế tắc đó, nhưng ba năm rồi, ngoại trừ một lần đi bộ quyên tiền ủng hộ cho thuyền nhân, hôm nay tôi chỉ đến nơi này, thắp một ngọn nến giữa đêm đông. Tôi cố gắng nói rằng, tôi đang thắp cho các bạn tôi một niềm hy vọng. Tôi gởi đến trời cao một lời cầu nguyện cho các bạn bè tôi.

Bên em đang có ta,
Thống thiết kêu vang lương tâm thế nhân

Tôi biết lương tâm thế nhân bây giờ đặt trên những chiến lược kinh tế, chính trị, đâu có chỗ dung chứa cho một tình nhân đạo để cho tôi kêu gào. Tuy vậy, tôi vẫn che dù giữa trời mưa nặng hạt và cất cao tiếng hát, gởi đến cao xanh một lời ca thống thiết, gởi đến trời sao chút ánh sáng nhỏ nhoi từ một ngọn nến này.

Tôi thắp nến và hát ca trong hy vọng tiếng hát này có thể làm dịu đi phần nào, dù rất bé nhỏ, nỗi xót xa của những bạn bè còn ở trại, khi họ thấy và nghe những điều này, nó sẽ làm dịu đi tiếng “khóc trong lầm than, khóc trong trại giam” của họ.

Quanh tôi, một cụ già lặn lội đường xa, mưa gió, run run ánh nến trong tay. Im lặng, thâm trầm. Một thằng bạn dầm mưa suốt buổi chiều để dàn dựng sân khấu, cũng im lặng nghiêm trang. Tiếng thác nước nhân tạo vọng đến nghe rõ một một, cuốn đi những nỗi niềm riêng: “Mình là một trong những người may mắn, hãy làm một chút gì cho những bạn bè còn bất hạnh” – Có lần nó đã nói với tôi như thế. Một chút thôi, cũng đủ buông thả một nỗi buồn man mác tích lũy từ những hoài niệm, đôi khi bất chợt hiện về.

Quanh tôi, một người trí thức, giỏi giang, có tư cách, đứng im lặng dưới mưa, không một chút ồn ào vụn vặt, như những kẻ hiếu danh.

Đêm nay trên bản đồ, có một thuyền ra đi
Hiên ngang trên sóng gào, tự do đón chào
Xin chào tự do với nỗi niềm cay đắng
Nhìn lại bến bờ, nước non mình muối mặn[2]

Quanh tôi, một bạn trẻ, đứng yên, vô tư. Bạn trẻ quá, nên chắc tâm tư không chập chùng kỷ niệm, có lẽ đến đây vì tò mò, hiếu kỳ nhiều hơn. Bạn sẽ trưởng thành, đêm nay sẽ đi vào kỷ niệm của bạn, như một chút ấm áp của quê hương một ngày nào đó.

Hai mươi năm
Người còn tha thiết núi sông
Thì sẽ thấy cơn mưa nguồn
Sẽ lặn lội đi tìm
Bao con đường dấu quê hương[3]

Quanh tôi, một người Úc bình thường, anh không đại diện cho một đảng phái, một tổ chức nào cả, che dù đứng lặng yên gần ba tiếng đồng hồ dưới mưa. Anh không biết tiếng Việt, để có thể hát cùng chúng tôi. “Tôi chưa có dịp đến trại tỵ nạn của các anh, nhưng tôi mong sẽ có dịp được làm việc ở đó”. Anh nói với tôi, chỉ thế thôi. Vẫn còn có những người như thế. Đêm này, dẫu sao cũng còn những ánh nến để không đến nỗi tối đen, lạnh lẽo.

Tôi ra về. Trời vẫn còn mưa. Tiếng hát vẫn còn nối theo:

Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh đi
Đêm nay, đêm tối trời anh bỏ quê hương
Ra đi trên chiếc thuyền hy vọng vượt trùng dương
Ghe đi trên sóng cuồng, thấy gì ở quê hương
Xa xôi, ôi núi mờ xa dần...

Chiếc gạt nước xua đi những hạt mưa trên kính xe, hiện tại sáng lên trên những con đường trước mặt. Anh nến xua tan sương lạnh trong Dr. Zivago của Boris Paternak đã góp phần thắp sáng một nước Nga không cộng sản. Ánh nến đêm này, tan biến trong lòng người, để mong được thắp sáng cho một Việt Nam tự do trong tương lai.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Melbourne, Úc Châu
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu






[1] Lời bài hát “Bên Em Đang Có Ta
[2] Lời bài hát “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển
[3] Lời bài hát “Hai Mươi Năm” – Phan Văn Hưng