03 August 1996

Đêm Thắp Nến cho Thuyền Nhân


ĐÊM THẮP NẾN CHO THUYỀN NHÂN

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
3 Tháng Tám 1996

Đêm thứ Bảy, 27-7-1996 vừa qua, Ủy Ban Yểm Trợ Đồng Bào Tỵ Nạn cùng với Cộng Đồng Người Việt Tự Do Tiểu Bang Victoria và Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Liên Bang Úc Châu đã tổ chức một đêm thắp nến cho thuyền nhân tại quảng trường thành phố (Melbourne City Square). Tối chủ nhật sau đó trong tiết mục Sinh Hoạt Cộng Đồng, quý thính giả đã được tường trình khá chi tiết  về diễn biến của đêm thắp nến đó. Trong tiểu mục Diễn Đàn Sinh Viên hôm nay, xin được chia sẻ cùng với các bạn trẻ và quý thính giả cảm nghĩ của một sinh viên đã đến thắp nến đêm ấy.

Đậu xe dọc theo đại lộ St. Kilda, tôi lửng thửng thả bộ trên đường đi về quảng trường thành phố. Trời lạnh thật, những giọt mưa đêm đông buốt giá. Đi trong mưa trên đường phố ở đây có cái cảm giác như vừa hòa nhập, vừa như rất lẻ loi.

Bên em đang có ta
Hát về em tương lai xót xa[1]

Tiếng hát chợt vút cao tung bay trong bầu trời xứ này. Có một điều gì rất lạ, nơi này thành phố đầy người lạ, sao bay bổng tiếng hát Việt Nam. Có lẽ, tôi ở đây chưa được bao lâu, nên cái cảm giác “thành phố của mình”  vẫn chưa hiện diện một cách bền vững, nên chớp thoáng về một chút ngạc nhiên. Đêm mưa ướt lạnh, mọi người núp dưới mái hiên. Tôi đến trại tỵ nạn cũng vào một ngày mưa bão, cảnh sát Hong Kong đã bắt chúng tôi ngồi dưới mái hiên, hai tay đưa lên đầu. Giờ đây tôi cũng đứng dưới mái hiên trong tâm trạng buồn buồn, một chút mặc cảm tội lỗi, và theo sau là một lời bào chữa. Tôi đã sống ở trại, đã từng đối diện với một tương lai xót xa. Những bạn nhỏ của tôi ở trại khi tôi đến chỉ 11, 12 tuổi, giờ đây đã 19, 20 vẫn còn ở đó, đôi mắt thất thần nhìn về một tương lai xót xa. Tôi biết rất rõ cảm giác xót xa, bế tắc đó, nhưng ba năm rồi, ngoại trừ một lần đi bộ quyên tiền ủng hộ cho thuyền nhân, hôm nay tôi chỉ đến nơi này, thắp một ngọn nến giữa đêm đông. Tôi cố gắng nói rằng, tôi đang thắp cho các bạn tôi một niềm hy vọng. Tôi gởi đến trời cao một lời cầu nguyện cho các bạn bè tôi.

Bên em đang có ta,
Thống thiết kêu vang lương tâm thế nhân

Tôi biết lương tâm thế nhân bây giờ đặt trên những chiến lược kinh tế, chính trị, đâu có chỗ dung chứa cho một tình nhân đạo để cho tôi kêu gào. Tuy vậy, tôi vẫn che dù giữa trời mưa nặng hạt và cất cao tiếng hát, gởi đến cao xanh một lời ca thống thiết, gởi đến trời sao chút ánh sáng nhỏ nhoi từ một ngọn nến này.

Tôi thắp nến và hát ca trong hy vọng tiếng hát này có thể làm dịu đi phần nào, dù rất bé nhỏ, nỗi xót xa của những bạn bè còn ở trại, khi họ thấy và nghe những điều này, nó sẽ làm dịu đi tiếng “khóc trong lầm than, khóc trong trại giam” của họ.

Quanh tôi, một cụ già lặn lội đường xa, mưa gió, run run ánh nến trong tay. Im lặng, thâm trầm. Một thằng bạn dầm mưa suốt buổi chiều để dàn dựng sân khấu, cũng im lặng nghiêm trang. Tiếng thác nước nhân tạo vọng đến nghe rõ một một, cuốn đi những nỗi niềm riêng: “Mình là một trong những người may mắn, hãy làm một chút gì cho những bạn bè còn bất hạnh” – Có lần nó đã nói với tôi như thế. Một chút thôi, cũng đủ buông thả một nỗi buồn man mác tích lũy từ những hoài niệm, đôi khi bất chợt hiện về.

Quanh tôi, một người trí thức, giỏi giang, có tư cách, đứng im lặng dưới mưa, không một chút ồn ào vụn vặt, như những kẻ hiếu danh.

Đêm nay trên bản đồ, có một thuyền ra đi
Hiên ngang trên sóng gào, tự do đón chào
Xin chào tự do với nỗi niềm cay đắng
Nhìn lại bến bờ, nước non mình muối mặn[2]

Quanh tôi, một bạn trẻ, đứng yên, vô tư. Bạn trẻ quá, nên chắc tâm tư không chập chùng kỷ niệm, có lẽ đến đây vì tò mò, hiếu kỳ nhiều hơn. Bạn sẽ trưởng thành, đêm nay sẽ đi vào kỷ niệm của bạn, như một chút ấm áp của quê hương một ngày nào đó.

Hai mươi năm
Người còn tha thiết núi sông
Thì sẽ thấy cơn mưa nguồn
Sẽ lặn lội đi tìm
Bao con đường dấu quê hương[3]

Quanh tôi, một người Úc bình thường, anh không đại diện cho một đảng phái, một tổ chức nào cả, che dù đứng lặng yên gần ba tiếng đồng hồ dưới mưa. Anh không biết tiếng Việt, để có thể hát cùng chúng tôi. “Tôi chưa có dịp đến trại tỵ nạn của các anh, nhưng tôi mong sẽ có dịp được làm việc ở đó”. Anh nói với tôi, chỉ thế thôi. Vẫn còn có những người như thế. Đêm này, dẫu sao cũng còn những ánh nến để không đến nỗi tối đen, lạnh lẽo.

Tôi ra về. Trời vẫn còn mưa. Tiếng hát vẫn còn nối theo:

Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh đi
Đêm nay, đêm tối trời anh bỏ quê hương
Ra đi trên chiếc thuyền hy vọng vượt trùng dương
Ghe đi trên sóng cuồng, thấy gì ở quê hương
Xa xôi, ôi núi mờ xa dần...

Chiếc gạt nước xua đi những hạt mưa trên kính xe, hiện tại sáng lên trên những con đường trước mặt. Anh nến xua tan sương lạnh trong Dr. Zivago của Boris Paternak đã góp phần thắp sáng một nước Nga không cộng sản. Ánh nến đêm này, tan biến trong lòng người, để mong được thắp sáng cho một Việt Nam tự do trong tương lai.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Melbourne, Úc Châu
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu






[1] Lời bài hát “Bên Em Đang Có Ta
[2] Lời bài hát “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển
[3] Lời bài hát “Hai Mươi Năm” – Phan Văn Hưng

29 June 1996

Chuẩn Bị

Sự Chuẩn Bị của Chúng Ta

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
29 Tháng Sáu, 1996

Bây giờ đang mùa thi, chắc chắn là các bạn bận rộn lắm. Hôm qua, tôi thi môn cuối cùng ở học kỳ này, và dù còn hai bài làm phải nộp nội trong hai tuần tới, nhưng cũng thấy khá nhẹ rồi. Tiết mục Diễn Đàn Sinh Viên hôm nay xin được mở đầu bằng một vài cảm nghĩ đến từ một chuyện nho nhỏ trước phòng thi vậy.

Trong nhiều năm Melbourne Showground được chọn làm nơi thi của học sinh ở đây. Năm nay, trời lạnh thật. Đông người; dù vậy, ngọn gió dẫu không hoang vu lắm vẫn cứ thổi buốt cả xuân thì. Xung quanh nhiều cuộc đời từ muôn hướng, không thiếu những âu lo. Tôi đứng dựa lan can trước phòng thi nghe chiều đi thong thả, bỡi những ngày vội vả đã qua đi rồi, và bây giờ xin những phút im lặng trước khi thi, như tâm trạng những người lính và những khoảnh khắc im lặng trước chiến tranh. Nhưng tôi sẽ không nói về lính, dù ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vừa qua đi, bỡi lẽ thi cử đối với chúng ta đã nặng rồi, và chuyện lính thì bao giờ cũng nặng hơn nữa.

Đứng gần như đối diện với tôi là một cô bé, có lẽ người Hoa, cô ấy chào bạn của mình bằng một cử chỉ rất điệu, rất Úc. Tôi mỉm cười một mình, và với chính tôi. Hồi mới tới Úc, cách đây mới mấy năm, nhìn những cử chỉ này thấy hơi lạ, có chút chống đối trong lòng. Bây giờ tôi quen rồi, quen một cách tự nhiên giản dị, như quen với mùi vị rau muống ở đây. Vâng, hột giống rau muống đem từ Việt Nam sang, nhưng gốc rễ cắm trên vùng đất khác, nên mùi vị của nó khác đi. Người ta cần thời gian để thông cảm cho sự khác biệt. Bây giờ tôi đã quen với mùi vị rau muống ở đây. Tôi đã thông cảm cho cây rau muống. Và điệu bộ của cô bạn trước mặt, không làm khơi dậy trong tôi một cảm giác chống đối nào nữa. Tôi đã có được một cảm giác dễ chịu, một hạnh phúc nhỏ từ chính sự thông cảm và hiểu biết của mình.

Đúng và sai trong nhiều trường hợp không phải là vấn đề. Không có một biên giới hẳn hoi. Thường chúng ta bị những quan niệm, thành kiến cũ chi phối. Những điều này tiêu chuẩn hóa cách nhìn sự vật, sự việc của chúng ta. Hợp với hệ thống quy điều đó thì chúng ta cho là đúng; không hợp thì là sai. Ngoại vật thay đổi theo thời gian; hệ thống “Đúng-Sai” trong lòng mình cũng phải được cập nhật hóa, cũng như chúng ta chấp nhận mùi vị của cây rau muống, vì nó được trồng trên một vùng đất khác.

Đời sống thì thay đổi nhanh chóng, nhưng sự thay đổi trong lòng người đôi khi diễn ra chậm lắm. Phải có thời gian thì cảm giác chống đối như tôi đã từng có trước đây mới thật sự biến mất trong lòng. Xin cho tôi được học làm cây rau muống để thích nghi nhanh với khí hậu và đất nước nơi này, và để biết kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi trong lòng người, như cây rau muống chờ đợi một cách kiên trì để được người ta quen thuộc và chấp nhận sự khác biệt về mùi vị của nó.

Chắc chắn là chúng ta cần thời gian rồi. Tôi cần vài ngày để hoàn tất một bài làm. Bạn cần thời gian mấy phút để hoàn thành một câu hỏi trong phòng thi. Người dân nước Nga cũng chỉ còn một vài ngày nữa để quyết định có nên tiếp tục tiến trình cải tổ, dân chủ hóa đất nước họ hay không? Người dân nước Nga chịu nhiều khổ đau mới tạo được những sự thay đổi vào thập niên 90 này, nhưng trong cuộc bầu cử vừa rồi, một tỉ lệ không nhỏ dân chúng cũng đã dồn phiếu cho những người đại diện có khuynh hướng cộng sản. Phải chăng cần có thêm thời gian nữa để toàn thể dân chúng Nga ý thức được và tin tưởng vào tương lai của nền dân chủ trên đất nước của họ. Tiến trình dân chủ có được hay không, không phải nằm trong kế hoạch của những nhà lãnh đạo, hay những nhà làm luật mà phải xuất phát từ ý thức và niềm tin của dân chúng. Luật pháp phải bảo đảm cho dân chúng phát huy quyền làm chủ thực sự của mình. Dân chúng phải biết sử dụng luật pháp như những công cụ có hiệu lực để bảo đảm các quyền tự do dân chủ của họ.

Hôm qua đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ tám khai mạc. Nếu bầu cử là để thay đổi nhân sự lãnh đạo quốc gia, thì đại hội đảng cộng sản có thể xem như một cuộc bầu cử. Nếu bây giờ, thí dụ như chúng ta có một cuộc bầu cử như nước Nga hiện nay. Ai sẽ đại diện cho khuynh hướng dân chủ đứng ra tranh cử? Có lẽ nhiều lắm. Những đại diện này có thể thắng được trong cuộc bầu cử này hay không? Những người này có chắc chắn chiếm được niềm tin của đại đa số dân chúng hay không? Bao nhiêu phần trăm dân chúng sẽ bỏ phiếu cho cộng sản? Dân chúng Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ để ủng hộ, và bảo vệ một nhà nước dân chủ chưa? Hai mươi năm qua, chúng ta đã chuẩn bị nhiều chưa, đủ chưa, cho chính chúng ta cũng như cho tương lai của những thế hệ mai hậu?

Có lẽ các bạn phải chuẩn bị bài, chuẩn bị thi, chuẩn bị cho tương lai trước mắt mình. Mọi người ai cũng phải chuẩn gị cho một cái gì đó. Chúc các bạn may mắn trong những ngày thi còn lại.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Đại Học Melbourne (Uni. of Melb.)
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu




15 June 1996

Lời Ngỏ


Đặc San Thường Niên
Sinh Viên Đại Học Melbourne
15 Tháng Sáu, 1996

Các bạn thân mến,
Hằng năm cứ mỗi lần Đông tới, thi xong là thời gian chúng ta ngồi lại với nhau để... làm báo.  Nhiều mùa đông đã trôi qua...như thế. Nhiều thế hệ sinh viên đã đi qua dưới những tàng cây phong trong sân trường...như thế. Nhiều đặc san thường niên đã ra đời...như thế. Mùa đông, sinh viên, và những đặc san của chúng ta dường như rất giống nhau, và cũng rất đỗi khác nhau. Nếu có ai hỏi chúng ta tại sao; có lẽ sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau lắm! Tuy nhiên, dẫu khác nhau như thế nào, mỗi câu trả lời đều mang theo với nó cảm nhận, tâm sự và kỷ niệm của người diễn đạt chúng, trong những ngày mà chúng ta sống nơi đây, dưới tầng lá phong ấy, nghe tiếng chuông đồng hồ trên tháp gõ chín tiếng đều nhau để bắt đầu một ngày của đời sống luôn luôn khác biệt trong khuôn viên Đại học này.

Ước mong lớn của BBT đặc san năm nay là “tờ báo” mà các bạn đang có trong tay được trở nên như một tấm gương lớn nơi mà chúng ta có thể tìm thấy được hình ảnh của mình và của bạn bè, thấp thoáng ẩn hiện dưới những dòng chữ mà thật ra chúng ta viết để gởi những niềm vui và nỗi buồn cho nhau. Vui buồn đó là những kho tàng, như kho tàng của thi sĩ Cao Tần:

Kho tàng ta em yêu hãy nhìn xem
Dưới ghế công viên anh giấu thời thơ dại
Trên tháp nhà thờ anh giấu niềm tin
Trong vườn cũ anh giấu thời hạnh phúc
Nơi nụ cười em anh giấu trái tim

Hay như Kahlil Gibran, trong The Broken Wings, bản dịch của Nguyễn Ngọc Minh: “...mọi người sẽ không tin chuyện tình của chúng ta, vì họ không biết rằng tình yêu là loài hoa duy nhất sinh trưởng và trổ bông không cần sự trợ giúp của tiết mùa. Nhưng phải chăng mùa xuân đã đem ta đến gần nhau lần đầu? Và có phải chăng đây là giây phút chúng ta dừng chân trong chốn thiêng liêng nhất của cuộc đời? Phải chăng bàn tay trời đã đưa hồn ta đến gần nhau trước khi chúng ta chào đời, và đã an bài cho chúng ta thành tù nhân của nhau đến thiên thu? Đời người không khởi đầu từ lòng mẹ và cũng không tận cùng trong nấm mồ. Bầu trời này, tràn đầy ánh trăng và muôn sao, có lẽ nào bị những linh hồn mang nặng tình yêu và những tâm linh chứa chan trực giác rủ bỏ không bao giờ trở lại?...”

Trong khung trời Đại học của những người thuộc thế hệ trước chúng ta, qua những nhạc phẩm của Phạm Duy, tình yêu của sinh viên có cát nóng của những mặt trận ở miền Cổ Thành Quảng Trị, và nỗi nhớ của cô sinh viên trong ánh sáng hiu hiu của những ngọn đèn cư xá.... Thế còn các bạn?

Một mai khi rời nơi đây, ở một nơi nào đó, trong một lúc nào đó, có dịp đọc lại những dòng chữ trong đặc san này, mong rằng nó cũng sẽ chỉ cho bạn những kho tàng mà bạn đã chôn giấu. Bạn giấu gì ở nơi giảng đường, trong góc thư viện, phòng thí nghiệm, quán cà phê, hay dưới giải nước trong xanh in bóng mây trời có những con hải âu quanh quẩn, dọc theo Nam Viên (South Lawn)...? Hay bạn sẽ cười và nói rằng hồi ấy mình sao mà ngây thơ (vô số tội ?!) Dẫu sao đó cũng là công việc của ngày sau. Còn bây giờ, xin hãy tìm dung nhan của chính bạn, của người bạn đang yêu, chưa yêu, và sẽ yêu trong đặc san này.

Mời bạn!

Nguyên Đại
Đại Học Melbourne (Uni. of Melb.)