15 June 1996

Lời Ngỏ


Đặc San Thường Niên
Sinh Viên Đại Học Melbourne
15 Tháng Sáu, 1996

Các bạn thân mến,
Hằng năm cứ mỗi lần Đông tới, thi xong là thời gian chúng ta ngồi lại với nhau để... làm báo.  Nhiều mùa đông đã trôi qua...như thế. Nhiều thế hệ sinh viên đã đi qua dưới những tàng cây phong trong sân trường...như thế. Nhiều đặc san thường niên đã ra đời...như thế. Mùa đông, sinh viên, và những đặc san của chúng ta dường như rất giống nhau, và cũng rất đỗi khác nhau. Nếu có ai hỏi chúng ta tại sao; có lẽ sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau lắm! Tuy nhiên, dẫu khác nhau như thế nào, mỗi câu trả lời đều mang theo với nó cảm nhận, tâm sự và kỷ niệm của người diễn đạt chúng, trong những ngày mà chúng ta sống nơi đây, dưới tầng lá phong ấy, nghe tiếng chuông đồng hồ trên tháp gõ chín tiếng đều nhau để bắt đầu một ngày của đời sống luôn luôn khác biệt trong khuôn viên Đại học này.

Ước mong lớn của BBT đặc san năm nay là “tờ báo” mà các bạn đang có trong tay được trở nên như một tấm gương lớn nơi mà chúng ta có thể tìm thấy được hình ảnh của mình và của bạn bè, thấp thoáng ẩn hiện dưới những dòng chữ mà thật ra chúng ta viết để gởi những niềm vui và nỗi buồn cho nhau. Vui buồn đó là những kho tàng, như kho tàng của thi sĩ Cao Tần:

Kho tàng ta em yêu hãy nhìn xem
Dưới ghế công viên anh giấu thời thơ dại
Trên tháp nhà thờ anh giấu niềm tin
Trong vườn cũ anh giấu thời hạnh phúc
Nơi nụ cười em anh giấu trái tim

Hay như Kahlil Gibran, trong The Broken Wings, bản dịch của Nguyễn Ngọc Minh: “...mọi người sẽ không tin chuyện tình của chúng ta, vì họ không biết rằng tình yêu là loài hoa duy nhất sinh trưởng và trổ bông không cần sự trợ giúp của tiết mùa. Nhưng phải chăng mùa xuân đã đem ta đến gần nhau lần đầu? Và có phải chăng đây là giây phút chúng ta dừng chân trong chốn thiêng liêng nhất của cuộc đời? Phải chăng bàn tay trời đã đưa hồn ta đến gần nhau trước khi chúng ta chào đời, và đã an bài cho chúng ta thành tù nhân của nhau đến thiên thu? Đời người không khởi đầu từ lòng mẹ và cũng không tận cùng trong nấm mồ. Bầu trời này, tràn đầy ánh trăng và muôn sao, có lẽ nào bị những linh hồn mang nặng tình yêu và những tâm linh chứa chan trực giác rủ bỏ không bao giờ trở lại?...”

Trong khung trời Đại học của những người thuộc thế hệ trước chúng ta, qua những nhạc phẩm của Phạm Duy, tình yêu của sinh viên có cát nóng của những mặt trận ở miền Cổ Thành Quảng Trị, và nỗi nhớ của cô sinh viên trong ánh sáng hiu hiu của những ngọn đèn cư xá.... Thế còn các bạn?

Một mai khi rời nơi đây, ở một nơi nào đó, trong một lúc nào đó, có dịp đọc lại những dòng chữ trong đặc san này, mong rằng nó cũng sẽ chỉ cho bạn những kho tàng mà bạn đã chôn giấu. Bạn giấu gì ở nơi giảng đường, trong góc thư viện, phòng thí nghiệm, quán cà phê, hay dưới giải nước trong xanh in bóng mây trời có những con hải âu quanh quẩn, dọc theo Nam Viên (South Lawn)...? Hay bạn sẽ cười và nói rằng hồi ấy mình sao mà ngây thơ (vô số tội ?!) Dẫu sao đó cũng là công việc của ngày sau. Còn bây giờ, xin hãy tìm dung nhan của chính bạn, của người bạn đang yêu, chưa yêu, và sẽ yêu trong đặc san này.

Mời bạn!

Nguyên Đại
Đại Học Melbourne (Uni. of Melb.)





25 May 1996

Mùa Lá Rụng Sân Trường

Mùa lá rụng sân trường

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
25 Tháng Năm, 1996

Mùa Thu là mùa của thi nhân. Mùa thi là mùa của sinh viên. Mùa thu về trên những thành phố phía đông nước Úc cũng vào mùa thi của sinh viên để kết thúc mười bốn tuần học đầu tiên của năm học. Những quan tâm về chính trị và ngay cả những mơ mộng hầu như thường trực của tuổi trẻ, có lẽ phải nhường lại cho những lo âu, căng thẳng để đối diện với những ngày thi sắp tới. Xin giới thiệu cùng quý vị và các bạn tâm sự của một sinh viên đang chập chững ở ngưỡng cửa Đại học, trong bài viết “Mùa lá rụng sân trường” sau đây.

Tháng Năm, nơi đây không có màu thắm đỏ của những cành phượng vĩ, không có tiếng ve rộn rả, không có những buông thả của những ngày cuối khóa. Ở đây, xác lá vàng ngợp trong nắng công viên, và bụi lá cuốn bay, trong những cơn gió đi qua từ những chiếc xe vụt thoáng trên đường. Sáng nay, tôi gặp một người không quen trên đường đến trường, cô ấy đưa cho tôi một cái máy chụp hình, nhờ tôi chụp cho cô một tấm ở trên giữa cù lao, trên một con đường đông đúc xe cộ lại qua. Con đường ngập lá. Mùa Thu Melbourne. Tôi nghĩ cô ta là một khách du lịch, có lẽ đến Úc từ một nơi nào đó. Nhưng sau khi trao đổi một vài câu tiếng Anh, tôi mới biết cô ta là một người Việt, đang làm công việc như một công chức ở bưu điện. Trên đường đến sở làm sáng nay, cô ấy đã đem theo máy hình, và tôi là một người qua đường đã được nhờ để  ghi lại giây phút thi vị này mà cô cảm thấy nơi đây. Cô ấy ăn mặc giản dị, nhưng tôi nghĩ, có lẽ tâm hồn của cô giàu có lắm, mới có thể bức ra khỏi tiếng xe cộ gầm rú trên đường, trong một buổi sáng sớm, ở một thành phố công nghiệp, để miên man trong cái vàng ngợp của trời thu. Tạm biệt một người đồng hương, tôi đã không hỏi tên. Tôi lại đi. Đến trường, mùa thu và công viên đầy lá...

Trường Đại Học, tất cả như chỉ mới bắt đầu, bắt đầu một mùa thi, có lẽ, năm thứ nhất của tôi – chưa rơi – như lá – nên chưa sợ. Tôi ngồi đây, sáng sớm và sương còn lạnh. Bãi cỏ đầy lá, tôi tan biến trong sự im lặng và cô đơn.

Mùa lá rụng sân trường – một chiếc lá rời cành, một chồi non chuẩn bị sinh sôi. Ly cà phê bốc khói. Tôi hy vọng nuôi lớn tâm hồn – nhiều khi vu vơ của mình để không bị những lo âu, trăn trở thường nhật của cuộc sống cuốn đi, như những chiếc lá ngoài kia bay trong cơn gió thu xào xạc.

Mùa lá rụng sân trường – bên kia mảnh trời xanh, có đôi mắt nhỏ của quê hương, của Mẹ, của một dòng sống tức tưởi chuyển mình. Mẹ, Cha tôi ở đó, người thân tôi ở đó, tần tảo, nhọc nhằn. Quê hương tôi chuyển mình rạn vỡ những niềm đau. Đất nước tôi ở đó, rền rỉ trong cơn khủng hoảng chủ thuyết. Cơn lốc chính trị đi qua còn in nhiều vết dấu. Và em tôi, “cái cò lặn lội bờ sông”, nước đục thành dòng có làm bẩn áo trắng của em không? Dòng sông Yarra nơi đây ngầu đục cuốn người đi trong thương yêu, niềm đau và nỗi nhớ.

Mùa lá rụng sân trường- đằng sau hàng cây xanh là kỷ niệm học trò, là mộng mơ mười bảy, là của dĩ vãng, những vụng về tuổi ngọc...

...Em tan trường về,
Đường mưa nho nhỏ
Anh theo Ngọ về,
Tóc dài tà áo vờn bay...

Ừ nhỉ! Hình như...kìa có cô bé bước chân xiêu trong nắng, chắc hẳn là người Việt, đang dụi mắt vì gió làm cay, một chiếc lá vàng rơi xuống, vương trên tóc bé. Trường tôi đẹp quá! Trời lành lạnh, áo dài nữ sinh đi đâu? Em về chốn ấy, trời thu giăng giăng. Một thời vụng dại. Theo chân em đến trường, bài vở ngời trong lá.

Tuổi trẻ, đem ngây thơ vào chính trị, đem tình yêu xuống đường làm cách mạng. Tuổi trẻ không dừng chân. Tuổi trẻ bước tới đối diện với sự Chết. Tuổi trẻ đốt nóng lý tưởng bằng nhiệt huyết của chính mình. Lá vàng một thời rơi rụng. Chiếc nón sắt, nằm yên bên bờ lau sậy. Nhẹ tênh. Ôm cả mây trời, non nước đi qua, bốn mùa ấp ủ. Nằm xuống. Vĩnh viễn. Vô danh như chiếc lá thu. Bất diệt như một bài ca.

Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành...

Tuổi trẻ bây giờ về đâu? Chân trời sáng thu lại thành một điểm nhỏ, nhỏ như đồng đô-la, bất chấp tất cả, bỡi ta là tất cả, tất cả là ta. Lá đã rụng xuống đường, định vị, bao nhiêu bàn chân giẫm đạp qua, trở về với đất. Vì sao? Thiếu một cơn gió, thiếu một hướng đi. Tranh cải, phải chăng là một sự bàn luận hữu ích, hay là một sự tương tàn. Đêm tối vô tri tiếp tục ngự trị.

Nhưng tuổi trẻ không yên nghỉ, không yên nghỉ một cách vĩnh viễn. Tuổi trẻ không nằm yên. Tuổi trẻ trăn trở kiếm tìm. Ngày đã lên, mặt trời đã mọc. Sương rồi sẽ tan đi. Mùa đông rồi sẽ qua đi. Tuổi trẻ đang học hỏi để kiến tạo, để khôi phục. Lá dẫu có vàng cũng sẽ không nằm yên dưới đất. Gió sẽ mạnh dần lên. Đất trời sẽ ngập vàng thơ mộng. Nụ cười của em rồi sẽ sáng tươi trong nắng.

...Em mơ cùng ta nhé,
Bóng ngày mai quê hương
Đường hoa khô ráo lệ...

Chúng ta lại đi qua trên những con đường thân thuộc. Đôi mắt nai sẽ lóng lánh ánh đèn chiều thành phố. Nụ cười duyên má lúm đồng tiền, mà ai đó lấp hoài không đầy nỗi nhớ, bước xuống thành thi ca. Lại những ồn ào sôi nổi chiều tan học. Và những ngu ngơ, tấp tểnh của những tình yêu vừa chớm... Một thế hệ mới lại trưởng thành. Một sức sống mới lại sinh sôi.

Sắp tới giờ học rồi, tôi phải đi. Có lẽ tôi sẽ không hiểu được nhiều vì đã dùng thời gian đọc tài liệu để ngồi đây mơ mộng. Tuy nhiên, có một điều mà không thầy cô nào dạy cho tôi là: hôm nay, tôi đã biết tôi đứng đâu trong sân trường ngập lá vàng này.

Quý thính giả, và các bạn thân mến. Bài viết trên, như một tâm sự, một chia sẻ. Ban Phát Thanh Tổng Hội Sinh Viên Liên Bang Úc Châu rất mong được quý vị và các bạn góp ý, góp bài để chương trình này nói được tiếng nói chung của chúng ta.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Đại Học Melbourne (Uni. of Melb.)
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu




27 April 1996

Suy Nghĩ Về Ngày 30 Tháng Tư

Suy Nghĩ về Ngày 30 Tháng Tư

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
27 Tháng Tư, 1996

Kính thưa quý thính giả
Các bạn học sinh, sinh viên thân mến

Trong những ngày tháng này, nếu quý vị và các bạn theo dõi tin tức, có lẽ các bạn vẫn chưa quên những tin tức thời sự đáng chú ý trong khu vực. Đó là về những căng thẳng ở vùng eo biển Đài Loan, khi mà Trung Cộng muốn ngăn cản cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của người Hoa từ nhiều thế kỷ nay. Trung Cộng đã thất bại trong việc đó. Ông Lý Đăng Huy đã đắc cử vẻ vang trong cuộc bầu cử vừa rồi. Một diễn biến khác có lẽ được nhiều báo chí nhắc đến là tình trạng chiến tranh có vẻ như sắp sửa bùng nổ ở vùng bán đảo Triều Tiên, tức là Đại Hàn, hay Korea. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy là quân đội Nam Hàn cho đến nay, vẫn có đủ sức mạnh để ngăn chặn một cuộc xâm lăng phương Bắc.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa cộng sản có cơ hội bành trướng ở nhiều quốc gia, kết quả là có một số nước nằm trong tình trạng bị phân chia như Đức, Trung Quốc, Đại Hàn, Việt Nam. Nhưng sau đó, thế giới cộng sản dần dần bị suy yếu và tan rã một phần lớn, trong những năm 1989-1991, với sự tan rã của Liên Bang Sô Viết, và các đảng cộng sản ở các nước Đông Âu. Các đảng cộng sản ở các nước như Anh, Pháp cũng lần lượt giải tán.

Việt nam cũng là một đất nước bị chia cắt do hậu quả của sự mở rộng ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản, nhưng người Việt chúng ta có một kết cuộc ra sao? Ngày 30 Tháng Tư 1975, cộng sản chiếm hoàn toàn miền Nam Việt Nam, và công cuộc đàn áp của cộng sản đối với người dân miền Nam bắt đầu, nhất là những người có dính líu với chế độ Việt Nam Cộng Hòa ngày trước. Một số người Việt đã liều chết vượt biển, ra đi. Trong số này, nếu ai may mắn, thì đến được một đất nước tự do, và công cuộc gầy dựng từ số không cũng đòi hỏi những nỗ lực không ngừng. Đó là những thử thách của thế hệ người Việt đầu tiên ở hải ngoại. Nếu không may, những người ra đi có thể bị chết trên biển hay bị hải tặc tấn công, hoặc bị công an cộng sản hành hạ, tù đày.

Những ngày gần đây, chúng ta nghe lính Mã Lai chà đạp người Việt mình, trong các trại giam thuyền nhân ở đất Mã, trước khi áp giải họ lên tàu trả về Việt Nam. Những người này cũng đã liều chết ra đi, mỏi mòn chờ đợi 6 hoặc 7 năm trong các trại giam, sống trong cảnh thiếu thốn và bị đối xử tồi tệ, và rồi kết quả lại đến với họ một cách đớn đau như vậy. Chân bước xuống tàu, nước mắt rưng rưng.

Cũng thân phận con người, cũng một khởi điểm là một phần đất nước bị nhuộm đỏ, cũng cùng một màu da, nếu chúng ta so sánh với người Đài Loan, người Nam Hàn, sao thân phận người Việt Nam mình nghe buồn quá vậy! Sao người Việt không có may mắn được thống nhất trong một nền kinh tế phồn thịnh, và một chế độ thực sự dân chủ, sau những ngày tháng dài chia cắt như người dân nước Đức? Sao người Việt mình không có cái may mắn như người Đài Loan, họ vẫn còn một chỗ đứng trên quê hương để bảo vệ lý tưởng tự do của  họ bằng mọi giá. Sao người Việt mình không cái tự hào của người dân Nam Hàn, mặc dù trong tình trạng đất nước bị chia cắt, nhưng họ có một nền kinh tế hùng cường, như vẫn thường được gọi là một con rồng của vùng Á Châu- Thái Bình Dương? Trong khi đó khoảng đầu tháng Tư này, trong bản dự thảo cương lĩnh chính trị và chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa 1996-2000, đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định rằng: “Đổi mới không có nghĩa là đi ngược lại con đường xã hội chủ nghĩa. Đổi mới chỉ là một giai đoạn trên đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Các bạn đã học kinh tế, có dịp so sánh giữa hai hệ thống kinh tế:  Tư Bản (Capitalism) và “Xã Hội Chủ Nghĩa” (Socialism). Phát triển kinh tế theo con đường xã hội chủ nghĩa, quả thực, đã đi ngược lại những quy luật kinh tế quan trọng nhất. Trong những năm gần đây, đảng cộng sản Việt Nam đã có thay đổi chút ít trong đường lối phát triển kinh tế, nhưng cái sai của cộng sản là cái sai từ chủ thuyết, từ gốc rễ. Những sự thay đổi gần đây, có chăng, là sự thay đổi về phương thức, là những cành lá, ngọn ngành. Chẳng hạn, họ đưa ra khái niệm về hệ thống kinh tế thị trường tự do theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khái niệm này thực là kỳ cục, nó ngầm chứa một sự dối trá. Họ dối trá để bảo vệ cái mà họ gọi là chuyên chính vô sản, thực sự là bảo về quyền lực của một thiểu số cán bộ thống trị, bất chấp quyền lợi của đại đa số dân chúng, và tương lại của một dân tộc. Một cái cây đã mục ruỗng, sâu bọ từ cội rễ thì dẫu có trang điểm lòe loẹt như thế nào đi nữa ở phần lá cành, thì cái cây đó cũng không thể sống được. Sự thay đổi một cách lỡ cỡ, chắp vá, không thể giúp chế độ cộng sản phục hưng quyền lực của họ.

Các bạn đang sống ở đây, nước Úc, một quốc gia đang có một cơ chế chính trị đặt căn bản trên sự phân chia quyền lực, và duy trì sự đối lập. Trong tình trạng này, bất cứ vấn đề xã hội nào, chẳng hạn, đề nghị việc hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa hiện nay của chính phủ Kennett, hay việc bán một phần công ty điện thoại Telstra của chính phủ Howard cũng đã được dân chúng bàn bạc, và được nhìn dưới nhiều khía cạnh, được phân tích kỷ lưỡng, trước khi đi đến quyết định. Dân chúng đã có dịp, và có quyền xem xét chính sách của từng đảng phái chính trị, trước khi bỏ phiếu. Lá phiếu của dân chúng quyết định vị thế cầm quyền của một đảng phái.

Ở Việt Nam, chưa bao giờ cộng sản duy trì một thế đối lập thực sự trong chính trị. Đó là một trong nhiều lý do mà chế độ cộng sản cứ kẹt mãi trong cái vòng lẩn quẩn trong một tình trạng kinh tế và chính trị thường xuyên bất ổn. Các bạn đã hiểu biết rằng, khi khoảng cách giữa đa số người nghèo và một thiểu số người giàu quá lớn thì cách mạng – tức revolution – có thể xảy ra. Cách mạng vô sản đã được hình thành như thế, khi đảng cộng sản khơi dậy lòng căm thù giai cấp trong một xã hội. Chế độ cộng sản được sinh ra trong sự nghèo đói, và thiếu hiểu biết, và với vũ khí là đấu tranh giai cấp. Nhưng nó không thể sống được trong một xã hội nghèo đói, vì chính ở đó nó tạo ra một sự cách biệt về giai cấp lớn hơn. Một khi mà đa số dân chúng nhận thức hoàn toàn về điều này, chế độ cộng sản phải tiêu vong.

Mặt khác, trong tình trạng của Việt Nam hiện nay, khi mà kinh tế của các quốc gia trong vùng phát triển mạnh mẽ và liên tục. Việt Nam không thể đứng chơ vơ như một ốc đảo giữa sa mạc được. Chế độ cộng sản không thể làm gì khác hơn là chấp nhận sự phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam. Trong một xã hội văn minh và tiến bộ, khi mà ý thức chính trị, ý thức dân chủ của người dân trưởng thành, chế độ cộng sản cũng không thể tồn tại được. Sự trưởng thành về chính trị của người dân sẽ không cho phép bất cứ một sự độc tài nào được duy trì.  Chủ nghĩa cộng sản phải bị hủy diệt trước đà tiến của nhân loại. Chế độ cộng sản Việt Nam phải tiêu vong, để lịch sử dân tộc tiến lên. Đó là điều dứt khoát phải xảy ra. Đó là một tất yếu lịch sử.

Thanh niên Việt Nam chưa bao giờ trong lịch sử đất nước lại tách biệt với quê hương. Chưa bao giờ. Ý nghĩa đời sống của họ, vì thế mà vượt qua cái ràng buộc của sự ích kỷ, cái co cụm trong một sự hưởng thụ. Chúng ta hôm nay cũng vậy. Chúng ta sẽ không bao giờ tách biệt khỏi vận mệnh của quê hương chúng ta.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Đại Học Melbourne (Uni. of Melb.)
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu