13 April 1996

Viết Về Quá Khứ

VÌ SAO CHÚNG TÔI VIẾT VỀ QUÁ KHỨ

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
13 Tháng Tư, 1996

Kính thưa quý thính giả
Các bạn học sinh, sinh viên thân mến

Sau một số chương trình phát thanh của ban phát thanh Tổng Hội Sinh Viên Liên Bang Úc Châu, chúng tôi đã nhận được một số ý kiến đóng góp từ quý thính giả, cũng như các bạn trẻ. Thay mặt ban phát thanh, chúng tôi gởi đến quý thính giả và các bạn trẻ lời cảm ơn chân thành. Chúng tôi cảm ơn quý vị, vì quý vị đã góp ý một cách trực tiếp, thẳng thắn và thân tình. Mặt khác, ý kiến của quý vị đã giúp cho chúng tôi có dịp nhìn lại sự việc từ một góc nhìn, một quan điểm khác, điều ấy thực sự giúp chúng tôi suy nghĩ, và quan sát tỉ mỉ hơn. Lần nữa, xin cảm ơn quý vị. Thời gian cho chương trình sinh viên có giới hạn, cho nên chúng tôi không thể hồi đáp tất cả mọi ý kiến đã nhận được trong một bài viết ngắn được. Chúng tôi sẽ tuần tự phúc đáp những ý kiến này trong những lần phát thanh sau. Mong quý vị và các bạn thông cảm.

Có ý kiến cho rằng, tại sao chương trình phát thanh sinh viên nói nhiều về quá khứ quá vậy. Người ta đã muốn quên đi quá khứ đau buồn để sống bình thường những ngày ở đây, sao cứ nhắc hoài vậy.

Thật ra, không phải chúng tôi loan tải những bài viết nói về quá khứ trong tất cả mọi chương trình. Tuy nhiên, có một số bài chúng tôi đăng, vì nhận thấy rằng nó cần thiết. Thưa quý thính giả, không phải không có lý do mà chính phủ Mỹ quy định điều kiện để xin gia nhập quốc tịch Mỹ là phải biết tiếng Mỹ và hiểu biết về lịch sử nước Mỹ. Thanh thiếu niên Việt Nam phải hiểu biết lịch sử Việt Nam, để tâm hồn của họ có thể hài hòa được với vóc dáng và cội nguồn của họ. Cư ngụ trên xứ người, họ không thật sự được dạy một cách đầy đủ về điều đó. Tuy nhiên, tận dụng những phương tiện có được để duy trì và phát triển văn hóa sắc tộc là một trong những mục tiêu của chính sách Đa Văn Hóa (Multiculturalism) đang được thực thi trên đất Úc.  Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng góp phần làm công việc này là cần thiết, hợp lý và hợp pháp.

Trên các con đường thành phố, trong các công viên, thanh thiếu niên Việt Nam ở Úc gặp những bức tượng của James Cook, của John Batman. Họ biết đó là ai, và vì sao người ta tạc tượng những người này đặt ở những chỗ đông người nhất, phải chăng là để nhắc nhở công dân Úc về lịch sử lập quốc của nước này. Thanh thiếu niên Việt Nam lẽ nào không nên biết đến những tên tuổi như Trần Quốc Toản, người thiếu niên 16 tuổi, đứng trước phòng hội nghị Bình Than đã tức giận bóp nát trái cam vì không được dự hội nghị với lý do nhỏ tuổi. Quốc Toản sau đó đã về nhà triệu tập anh em, bạn bè, giương ngọn cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân”, nghĩa là giết giặc bạo tàn, đền ơn vua, ơn nước. Quốc Toản đã góp sức nhỏ của mình trong việc chận đứng vó ngựa thiện chiến của đoàn quân Mông Cổ, vào đời nhà Trần.  Thanh thiếu niên Việt Nam phải được nghe nói về Phạm Ngũ Lão, người thanh niên đã triền miên suy nghĩ việc nước, đến nỗi ngọn giáo của binh lính dẹp đường đâm lủng bắp vế mà không hay. Phải được hiểu tại sao “Xuân này con không về”, dù con biết “chắc mẹ buồn lắm” nhưng vì “bao lớp trai hùng chờ xuân chiến trường, không lẽ riêng mình êm ấm”. Phải hiểu được vì sao Trung Tướng Nguyễn Khoa Nam và nhiều người lính cộng hòa khác đã tự kết thúc đời mình khi miền Nam mất.

Nếu với tác phẩm Wild Cat Falling, của Mudrooroo, một trong những tác phẩm mà học sinh 12 có thể chọn đọc để bước vào kỳ thi tú tài ở đây, người Úc đã nhìn nhận sự thất bại của họ trong chính sách Assimilation, bao gồm việc tách con cái của những người thổ dân ra khỏi gia đình  của họ để giáo dục trong nền văn hóa Ăng-lê. Nước Úc đã học được bài học kinh nghiệm đó, để hôm nay họ duy trì một chính sách bao dung hơn. Họ đánh giá cao di sản của những nền văn hóa khác. Họ đánh giá cao sự khác biệt. Thì thanh niên Việt Nam hôm nay cũng nên tìm hiểu để biết rằng, đã có một thời, ở miền Nam Việt Nam, có một số không nhỏ sinh viên và học sinh đã nhẹ dạ, bị cộng sản lợi dụng. Họ xuống đường biểu tình chống chiến tranh, chống Mỹ, hát nhạc phản chiến. Đằng sau cái việc làm mà họ cho là yêu nước đó, lúc đó, họ đâu có thấy rằng, vô hình chung họ đã làm lung lạc, nao lòng những người lính cộng hòa, những người cùng tuổi với họ, đang đem máu của mình gìn giữ một dải non sông, để duy trì chính thể dân chủ và nền cộng hòa non trẻ ở miền Nam Việt Nam. Thanh niên Việt Nam nên học lấy bài học kinh nghiệm đó, bài học của một thế hệ, để tránh được những sai lầm mà họ có thể vấp phải hôm nay.

Học sinh, sinh viên Việt Nam phải biết nhận định những biểu hiện của chủ nghĩa cộng sản, bỡi họ không thể nói rằng, họ hoàn toàn không biết gì đến sự việc mà hơn mười ngàn sinh viên học sinh của lục địa Trung Hoa đã bị quân đội đảng cộng sản Trung Quốc nghiền nát dưới bánh xích xe tăng, ở quảng trường Thiên An Môn, tháng Sáu, 1989.  Họ nên hiểu rằng năm 1982, khi Phạm Văn Đồng, thủ tướng cộng sản Việt Nam thời đó, ra lệnh bắn bỏ những người đi vượt biển, cha mẹ của họ đã liều chết, bất chấp cái lệnh giết người đó, để cưu mang, bồng bế họ đến một bến bờ tự do. Họ không có quyền chối bỏ điều đó. Họ phải hiểu điều đó, bỡi nó là hiện thân của họ, là cội nguồn của họ, nó giải thích cho sự hiện diện của họ trên xứ sở này. Họ phải hiểu biết quá khứ để biết rằng, họ đã đến đây từ một đất nước nghèo nàn, binh lửa, đau thương, tang tóc, nhưng họ thuộc về một dân tộc đáng tự hào. Họ phải biết tất cả những điều đó, để không phủ nhận dòng máu Việt Nam đang luân lưu trong huyết quản của họ.

Trái lại, khi họ nói, tôi là người Việt Nam, họ biết, họ có quyền hãnh diện về điều ấy. Họ biết rằng, họ đã tự nói tiếng biết ơn đối với cha mẹ của họ. Họ đã tựa thân của họ vào lịch sử hơn 4000 năm văn hiến của dân tộc chúng ta, trong đó có họ. Tự do không phải đơn thuần là một vùng đất, không phải chỉ là một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, không phải đơn giản chỉ có thế. Nếu họ biết được, cho dù một phần, những gì đã thật sự xảy ra trong quá khứ, họ sẽ không khi nào đan tâm dẫm lên máu và nước mắt của những người thuộc thế hệ cha mẹ của họ, để phóng thân vào cuộc sống đam mê, trụy lạc và vong bản. Họ sẽ dựng được ngọn hải đăng cho chính cuộc đời mình. Ngọn hải đăng đó, không có gì khác hơn ngoài kiến thức và lương tri, và những điều họ học tập được từ quá khứ, những người đi trước họ.

Thưa quý thính giả,
Các bạn trẻ thân mến
Để kết thúc phần này trong chương trình hôm nay, lần nữa, xin trân trọng gởi đến quý thính giả, cũng như các bạn bè, những người đã góp ý kiến cho chúng tôi, lời cảm ơn chân thành của ban phát thanh. Cầu chúc tất cả quý vị và các bạn có những ngày cuối tuần vui tươi và an lạc.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Đại Học Melbourne (Uni. of Melb.)
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu





30 March 1996

QUYỀN BẦU CỬ

QUYỀN BẦU CỬ

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
30 Tháng Ba, 1996

Kính thưa quý thính giả
Các bạn học sinh, sinh viên thân mến

Cách đây hơn một tháng, các bạn đã đi bầu để chọn lựa một chính quyền liên bang. Hôm nay, đối với các bạn ở tiểu bang Victoria, chúng ta sẽ đi bầu để chọn lựa một chính quyềng tiểu bang. Bài viết hôm nay xin được nói về đề tài bầu cử, và quyền hạn của người dân trong một quốc gia.

Ở Úc, nếu bạn là một công dân trên 18 tuổi, thì đi bầu là một công việc bắt buộc. Tuy nhiên, sẽ không có nhiều người miễn cưỡng thực thực thi quyền công dân này. Không có ai trong số họ cho đó là một công việc nặng nề hay không có ý nghĩa. Trước ngày bầu cử, các bạn đã nghe báo chí cũng như các đài truyền thanh, truyền hình bình luận về các chính sách, và khả năng thực hiện những chính sách đó của các đảng phái chính trị lớn nhỏ ở quốc gia này. Khi quyết định bầu cho đảng nào, các bạn cũng đã cân nhắc kỷ lưỡng xem đảng đó có đại diện cho quyền lợi của các bạn hay không. 

Một lá phiếu không làm nên lịch sử, nhưng sức mạnh tổng hợp của nhiều lá phiếu có thể quật ngã một chính phủ và thay bằng một chính phủ khác, mà chúng ta cho là tốt hơn. Nguyên tắc đơn giản đó đã giữ cho Úc đại lợi, cũng như nhiều quốc gia Tây phương khác có một cơ chế chính trị vững vàng qua nhiều năm. Kinh nghiệm lịch sử đã chứng tỏ rằng chỉ có nền kinh tế chính trị tư bản và dân chủ pháp trị mới có thể tạo nên những ổn định về chính trị, cũng như tạo được nhiều cơ hội nhất cho sự phát huy các giá trị tự do của công dân.

Chính cái điều đơn giản là cân nhắc, quyết định, đi bầu và tin tưởng sức mạnh tổng hợp của lá phiếu để xây dựng một chính phủ đại diện cho quyền lợi của đa số quốc dân, như chúng ta đã và đang làm hôm nay là một ước ao của hơn 70 triệu người Việt Nam ở quê nhà. Có quan điểm cho rằng: “...Vì sống quá lâu trong điều kiện dân chủ giả, nên dân ta có thói quen coi thường lá phiếu, không biết phải thực hiện quyền dân chủ bằng lá phiếu của mình, coi đây là một thủ tục làm đại cho qua chuyện, bao năm bầu cử, ai lên mà chả thế...họ chẳng thấy trách nhiệm phải cân nhắc khi bỏ phiếu”.

Có lẽ một phần khác của câu chuyện phải được nói thêm là tiếp theo một cuộc chiến tranh khốc liệt là một thực tế chính trị độc tài của cộng sản. Chế độ đó đã ban phát quyền lợi cho một thiểu số cán bộ, đảng viên để nghiền nát mọi hoạt động chính trị tự do của đa số dân chúng. Chế độ đó đã phân rẽ dân chúng thành những mảnh nhỏ và làm tê liệt khả năng cộng tác của dân chúng đối với chính quyền. 

Nếu như trước đây trong thời chiến tranh, với chính sách mị dân, họ, những người cộng sản, có thể lôi kéo được một số quần chúng ủng hộ họ làm nên cái gọi là chiến thắng mùa xuân 75; thì ngày nay thực tế đã cho thấy là người dân đã không tin và sẽ không bao giờ tin vào những điều họ nói nữa. Bỡi cái công việc gọi là đấu tranh giai cấp, để xóa bỏ giai cấp thống trị bóc lột, thực chất đã tạo nên một giai cấp thống trị mới là hàng ngũ cán bộ đảng viên có quyền thế, với đầy đủ sự tàn ác và thủ đoạn, đoạt lấy tài sản của người dân tạo dựng sự phú quý và sang trọng của họ, thân nhân và gia đình của họ. 

Chính sách mị dân không thể nào lừa dối dân chúng mãi mãi được. Cho đến nay việc gì đến phải đến. Những người cán bộ, đảng viên đang có tiền, có quyền thì ra sức vơ vét của công lót đường về hưu, tranh ăn, xâu xé lẫn nhau. Dân chúng thì chật vật sống còn, những ai có thân nhân nước ngoài thì có chút ít cơ hội có thể xoay xở được. Những người dân quê cô thế, ít học, ít tiền là những người đau khổ nhất với lợi tức bình quân mỗi người không quá 150 đô la mỗi năm.

Trong tình trạng của một đất nước như thế. Một đất nước đang duy trì cái gọi là cơ chế chính trị dân chủ tập trung, thực chất là một trò lừa đảo tệ hại nhất, khi những người “được bầu”, xin để chữ được bầu trong ngoặc kép, đã được ban lãnh đạo chóp bu của đảng cộng sản dàn xếp trước. Nếu hành động được gọi là đúng của một công dân Úc, là cân nhắc quyết định của mình, để ủng hộ một chính phủ, qua lá phiếu, thì hành động của những người dân Việt Nam ở quê nhà coi lá phiếu của họ những mảnh giấy bỏ đi, không thể gọi là sai.

Số phận của đất nước Việt Nam phải chăng là một tất yếu lịch sử? Giai điệu buồn bã này, trong dòng nhạc lịch sử dân tộc chúng ta, chừng nào mới được chuyển sang một phiên khúc mới vui tươi hơn? Không phải tự nhiên mà nước Úc có một chế độ tự do dân chủ, một cơ chế chính trị tương đối ổn định. Thành quả đó không phải là công việc của bất cứ một tập đoàn nào, mà là sự tập hợp kiến tạo của toàn dân chúng Úc trong nhiều thập niên. Không phải tự nhiên mà chế độ dân chủ đa nguyên có mặt ở Việt Nam. Tự do dân chủ là một thực thể cần phải được góp sức để kiến tạo. Góp sức với ai? Góp sức như thế nào? Là những đề tài mà chúng ta mong đợi trong một số bài viết khác.

Thưa các bạn,
Hội nhập, học hành, tìm công ăn việc làm để khẳng định chỗ đứng trong xã hội mới là một công việc cần thiết, quan trọng, nhưng việc góp tiếng nói, góp sức mạnh để thay đổi thực trạng khổ đau của đồng bào của những người thân ở quê nhà là một việc làm có ý nghĩa. Tiếng nói ấy lương tri sẽ vang vọng trong tâm tư của những người trẻ hôm nay.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Đại Học Melbourne (Uni. of Melb.)
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu





16 March 1996

Ngày Tựu Trường

Ngày Tựu Trường

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
16 Tháng Ba, 1996

Kính thưa quý thính giả
Các bạn học sinh, sinh viên thân mến

Hằng năm cứ vào độ cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy, nảy nở trong lòng tôi, như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đảng. Những ý tưởng ấy, tôi chưa lần nào ghi trên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi, và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè, núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã...” Đoạn văn trên nghe có vẻ quen quá, phải không quý vị và các bạn. Vâng, đó chính là đoạn mở đầu của truyện Tôi Đi Học trong tập truyện ngắn Quê Mẹ của nhà văn Thanh Tịnh. Tôi trích ra đây để mở đầu cho bài viết này, xin được nói về ngày tựu trường của những người trẻ Việt Nam.

Chắc chắn nhiều bạn trong số chúng ta có cái cảm giác vui vẻ, vì có thể trở lại trường, với không khí quen thuộc của mình từ nhiều năm, với nét mặt hăng hái, với những lời thăm hỏi của các thầy, các cô. Giờ cơm trưa ở một góc nhỏ, trong một khuôn viên Đại học nào đó, các bạn sẽ được họp mặt đông đủ. Những mẫu chuyện vui, trong những dịp hè sẽ được kể lại, có khi được thêm thắt, để trở nên hấp dẫn hơn. Có bạn may mắn được cha mẹ cho đi du lịch Âu Châu, Mỹ Châu sẽ kể cho nhiều người nghe về những thắng cảnh, những phong tục tập quán xứ người. Các bạn sẽ tặng nhau những món quà lạ, sẽ chia sẻ cho nhau những món ăn đặc sản, những hình chụp về những thắng cảnh ở những chân trời xa, nơi mà các bạn có dịp đi qua. 

Một số bạn khác, sau những ngày hè tranh thủ làm việc thêm ở các hãng xưởng, cũng thở phào nhẹ nhỏm, vì đã tạm biệt được với những công việc mà các bạn không mấy thích thú lắm, để trở lại học đường, với những bộ quần áo đẹp hơn, nó làm cho các bạn trẻ trung hơn, yêu đời hơn. Chúng ta cũng không quên kể rằng, chúng ta hơi khó chịu, khi không còn được thoải mái đi chơi khuya và ngủ muộn nữa. Thay vào đó, chúng ta phải bắt đầu thức đêm để hoàn thành bài vở của mình. Tuy nhiên, dẫu sao đi nữa, thì chúng ta đã có những ngày hè yên bình, và trước mắt là một năm học mới để cố gắng, để miệt mài và đạt được những kết quả như mình mong muốn.

Năm học ở Việt nam thường được bắt đầu vào giữa tháng Chín, khi mà những cơn gió của mùa hè nhiệt đới oi ả qua đi, nhường lại cho cái không khí se se lạnh của mùa thu. Khi mà những hàng cây phượng vĩ hai bên con đường đến trường sắp sửa rụng những bông hoa cuối cùng, để bắt đầu trổ lá. Những chú ve sầu cũng ngưng, không ca hát nữa, nhường lại không gian cho những đàn bướm tung tăng trên những nẻo đường đi học. Đó là những nam nữ học sinh, trong những bộ đồng phục trinh trắng, với những nụ cười rạng rỡ, vui vẻ, vì có thể gặp lại nhiều bạn bè, được chạy nhảy nô đùa dưới bóng mát của những tàng cây trong sân trường, được lắng nghe tiếng đọc bài ê-a nhịp theo tiếng thước kẻ của các thầy cô giáo gõ xuống mặt bàn gỗ. Bụi phấn lại bay bay ca hát: “Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, có hạt bụi nào rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy...”

Mùa tựu trường xứ Việt có lẽ êm đềm, thơ mộng và tuyệt vời lắm, nếu không có tiếng đại bác nổ ran từ các mặt trận vọng về, trong những năm chiến tranh. Nếu không có cái thông báo rằng, cộng quân vừa pháo kích vào trường tiểu học Cai lậy, giết hàng ngàn trẻ em ngây thơ vô tội, tuổi không quá mười ba, vào tháng 10 năm 1974. Ngày đầu năm học sẽ vui lắm, nếu không có cái tin buồn bã, rằng, một cô bạn gái dễ thương phải nghỉ học, để đi làm phụ thêm với mẹ, vì ba của cô còn ở trong trại cải tạo, sau 1975. Ngày này sẽ dễ thương lắm, nếu không có nỗi đau, khi hay tin thằng bạn học rất thân năm trước, đã chết mất xác trên chiến trường Cambodia, khi nó bị buộc phải theo các đơn vị bộ đội cộng sản Việt Nam đi làm cái gọi là “nghĩa vụ quốc tế vô sản”. Mùa khai giảng quê mình bây giờ có thể sẽ tươi vui lắm, nếu đằng sau những lũy tre làng im lìm kia, không có những em bé gầy gò, quần áo dơ dáy, lếch thếch mệt mỏi lê bước đến trường sau một giấc ngủ mệt nhọc. Em sẽ vui lắm, nếu em biết rằng sau buổi học này, em sẽ được nghỉ ngơi, để ồn ào với bạn bè, để thưởng thức một cốc kem, thay vì phải gồng gánh những công việc nhà nông, vượt quá sức lực của em, cho việc tăng thêm thu nhập gia đình.

Niên khóa 1996 của các học sinh ở các trại tỵ nạn; hay cứ cho là niên khóa 1996 ở các trại tỵ nạn Đông Nam Á, cũng đã bắt đầu bằng sự việc Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc ngưng trợ cấp cho các trường trung-tiểu học ở đây, trước khi họ rút đi hoàn toàn vào tháng 7 năm nay. Mùa tựu trường năm nay sẽ đến với các em không phải bằng những nô nức sau những tháng ngày xa thầy cô, xa bạn bè. Các em không có cả một bông hoa, cho dù tàn tạ, của một cành phượng vĩ, không có cả một tiếng kêu, cho dù nức nỡ của một chú ve sầu, đừng nói chi một bộ quần áo tươm tất, một cốc kem lạnh ít tiền. Các em sẽ đón một năm học mới ở đó, dưới cái nắng chói chang trong những lớp hàng rào bùng nhùng dây kẻm gai, được đóng chốt bằng những tháp canh nhọn hoắc. Những tháp canh xé nát bầu trời thơ dại. Các em sẽ đón một niên khóa nơi đây, trong những cơn đói vì chính sách dùng những băng đảng du côn để cai trị trong các trại giam thuyền nhân của các chính quyền sở tại.

Các em sẽ la hét, không phải vì nô đùa cùng bè bạn, mà vì không chịu nổi khói lựu đạn cay, vì khiếp đảm, sợ hãi từng đoàn lính đông đảo, đeo mặt nạ phòng hơi độc, mang súng, dùi cui, vòi rồng tiến vào sân trại. Các em có thể sẽ ngất xỉu bên cạnh cha mẹ của các em. Những người gầy ốm, đen đúa, bị đánh đập, bị điểm huyệt, bị bắt ngồi giữa nắng, hai tay đưa lên đầu, trước khi đi thành hàng một, giữa hai hàng lính khổng lồ. Những người lính này không ngần ngại giáng những đòn đánh bằng dùi cui xuống lưng, xuống đầu của bất kỳ thuyền nhân nào không phục tùng mệnh lệnh của họ. Những tổ chức nhân danh nhân đạo đã quay lưng với các em. Các em sẽ trở về nơi mà cha mẹ các em đã liều chết để trốn đi. Cánh diều hy vọng của các em, của bạn bè chúng ta ở đó đã đứt rồi. Xác diều tơi tả, như ước mơ của các em, đã nát trong cơn lốc định mệnh. Một định mệnh đau đớn lắm!

Các bạn thân mến,
Chúng ta đã có một cuộc chiến tranh dài 21 năm, 1954-1975. Chúng ta cũng đã có một cuộc ra đi dài 21 năm, 1975-1996. Tuổi trẻ Việt Nam cũng đã có 21 lần tựu trường trên xứ người. Chúng ta học được những điều gì? Chúng ta đã học được từ những thất bại cay đắng của chúng ta, rằng, không có ai, ngoài chúng ta, thực sự quan tâm đến đất nước chúng ta. Chúng ta cảm nhận sâu sắc rằng, dù thế nào đi nữa, thì chúng ta cũng có một tổ quốc, một quê hương để hướng về, như người Do Thái hướng về Isarel, nơi mà, rốt cuộc họ có thể ngẫng cao đầu để làm người chiến sĩ, sau hơn 2000 năm lang bạt khắp mọi nơi trên thế giới. Chúng ta cũng đã học được những kiến thức về khoa học, kỷ thuật ở những đất nước văn minh, phát triển. Chúng ta cũng học được những cách thức để vận hành một chính thể dân chủ, biết chấp nhận đối lập, nhưng cũng biết tôn trọng luật lệ, để bảo đảm quyền lợi của quốc gia được ưu tiên trên hết.

Tuy nhiên, có lẽ còn nhiều điều mà chúng ta chưa học được, trong đó, có sự đoàn kết để cùng nhau phụng sự cho một mục tiêu chung. Trong đó, có sự nhận chân bộ mặt thật của chế độ cộng sản Việt Nam, để cùng thống nhất với nhau rằng, cái gọi là “hòa hợp, hòa giải” không phải là những tờ giấy, mà người ta sẳn sàng ký, và cũng sẳn sàng xóa bỏ ngay sau đó, cũng không phải là những hứa hẹn, mà sau đó người ta lập tức nuốt lời. Sự hòa hợp, hòa giải, chỉ có thể có trên căn bản của một xã hội dân chủ thật sự, một cơ chế pháp trị có hiệu quả và có hiệu lực, trên toàn đất nước. Chúng ta sẽ tiếp tục tựu trường, sẽ tiếp tục học nữa. Chúng ta hiểu rằng tương lai của dân tộc chúng ta, vận mệnh của tổ quốc chúng ta, tùy thuộc rất nhiều ở sự học tập, và biết đoàn kết của tất cả những người trẻ Việt Nam hôm nay.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Đại Học Melbourne (Uni. of Melb.)
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu