16 March 1996

Ngày Tựu Trường

Ngày Tựu Trường

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
16 Tháng Ba, 1996

Kính thưa quý thính giả
Các bạn học sinh, sinh viên thân mến

Hằng năm cứ vào độ cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy, nảy nở trong lòng tôi, như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đảng. Những ý tưởng ấy, tôi chưa lần nào ghi trên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi, và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè, núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã...” Đoạn văn trên nghe có vẻ quen quá, phải không quý vị và các bạn. Vâng, đó chính là đoạn mở đầu của truyện Tôi Đi Học trong tập truyện ngắn Quê Mẹ của nhà văn Thanh Tịnh. Tôi trích ra đây để mở đầu cho bài viết này, xin được nói về ngày tựu trường của những người trẻ Việt Nam.

Chắc chắn nhiều bạn trong số chúng ta có cái cảm giác vui vẻ, vì có thể trở lại trường, với không khí quen thuộc của mình từ nhiều năm, với nét mặt hăng hái, với những lời thăm hỏi của các thầy, các cô. Giờ cơm trưa ở một góc nhỏ, trong một khuôn viên Đại học nào đó, các bạn sẽ được họp mặt đông đủ. Những mẫu chuyện vui, trong những dịp hè sẽ được kể lại, có khi được thêm thắt, để trở nên hấp dẫn hơn. Có bạn may mắn được cha mẹ cho đi du lịch Âu Châu, Mỹ Châu sẽ kể cho nhiều người nghe về những thắng cảnh, những phong tục tập quán xứ người. Các bạn sẽ tặng nhau những món quà lạ, sẽ chia sẻ cho nhau những món ăn đặc sản, những hình chụp về những thắng cảnh ở những chân trời xa, nơi mà các bạn có dịp đi qua. 

Một số bạn khác, sau những ngày hè tranh thủ làm việc thêm ở các hãng xưởng, cũng thở phào nhẹ nhỏm, vì đã tạm biệt được với những công việc mà các bạn không mấy thích thú lắm, để trở lại học đường, với những bộ quần áo đẹp hơn, nó làm cho các bạn trẻ trung hơn, yêu đời hơn. Chúng ta cũng không quên kể rằng, chúng ta hơi khó chịu, khi không còn được thoải mái đi chơi khuya và ngủ muộn nữa. Thay vào đó, chúng ta phải bắt đầu thức đêm để hoàn thành bài vở của mình. Tuy nhiên, dẫu sao đi nữa, thì chúng ta đã có những ngày hè yên bình, và trước mắt là một năm học mới để cố gắng, để miệt mài và đạt được những kết quả như mình mong muốn.

Năm học ở Việt nam thường được bắt đầu vào giữa tháng Chín, khi mà những cơn gió của mùa hè nhiệt đới oi ả qua đi, nhường lại cho cái không khí se se lạnh của mùa thu. Khi mà những hàng cây phượng vĩ hai bên con đường đến trường sắp sửa rụng những bông hoa cuối cùng, để bắt đầu trổ lá. Những chú ve sầu cũng ngưng, không ca hát nữa, nhường lại không gian cho những đàn bướm tung tăng trên những nẻo đường đi học. Đó là những nam nữ học sinh, trong những bộ đồng phục trinh trắng, với những nụ cười rạng rỡ, vui vẻ, vì có thể gặp lại nhiều bạn bè, được chạy nhảy nô đùa dưới bóng mát của những tàng cây trong sân trường, được lắng nghe tiếng đọc bài ê-a nhịp theo tiếng thước kẻ của các thầy cô giáo gõ xuống mặt bàn gỗ. Bụi phấn lại bay bay ca hát: “Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, có hạt bụi nào rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy...”

Mùa tựu trường xứ Việt có lẽ êm đềm, thơ mộng và tuyệt vời lắm, nếu không có tiếng đại bác nổ ran từ các mặt trận vọng về, trong những năm chiến tranh. Nếu không có cái thông báo rằng, cộng quân vừa pháo kích vào trường tiểu học Cai lậy, giết hàng ngàn trẻ em ngây thơ vô tội, tuổi không quá mười ba, vào tháng 10 năm 1974. Ngày đầu năm học sẽ vui lắm, nếu không có cái tin buồn bã, rằng, một cô bạn gái dễ thương phải nghỉ học, để đi làm phụ thêm với mẹ, vì ba của cô còn ở trong trại cải tạo, sau 1975. Ngày này sẽ dễ thương lắm, nếu không có nỗi đau, khi hay tin thằng bạn học rất thân năm trước, đã chết mất xác trên chiến trường Cambodia, khi nó bị buộc phải theo các đơn vị bộ đội cộng sản Việt Nam đi làm cái gọi là “nghĩa vụ quốc tế vô sản”. Mùa khai giảng quê mình bây giờ có thể sẽ tươi vui lắm, nếu đằng sau những lũy tre làng im lìm kia, không có những em bé gầy gò, quần áo dơ dáy, lếch thếch mệt mỏi lê bước đến trường sau một giấc ngủ mệt nhọc. Em sẽ vui lắm, nếu em biết rằng sau buổi học này, em sẽ được nghỉ ngơi, để ồn ào với bạn bè, để thưởng thức một cốc kem, thay vì phải gồng gánh những công việc nhà nông, vượt quá sức lực của em, cho việc tăng thêm thu nhập gia đình.

Niên khóa 1996 của các học sinh ở các trại tỵ nạn; hay cứ cho là niên khóa 1996 ở các trại tỵ nạn Đông Nam Á, cũng đã bắt đầu bằng sự việc Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc ngưng trợ cấp cho các trường trung-tiểu học ở đây, trước khi họ rút đi hoàn toàn vào tháng 7 năm nay. Mùa tựu trường năm nay sẽ đến với các em không phải bằng những nô nức sau những tháng ngày xa thầy cô, xa bạn bè. Các em không có cả một bông hoa, cho dù tàn tạ, của một cành phượng vĩ, không có cả một tiếng kêu, cho dù nức nỡ của một chú ve sầu, đừng nói chi một bộ quần áo tươm tất, một cốc kem lạnh ít tiền. Các em sẽ đón một năm học mới ở đó, dưới cái nắng chói chang trong những lớp hàng rào bùng nhùng dây kẻm gai, được đóng chốt bằng những tháp canh nhọn hoắc. Những tháp canh xé nát bầu trời thơ dại. Các em sẽ đón một niên khóa nơi đây, trong những cơn đói vì chính sách dùng những băng đảng du côn để cai trị trong các trại giam thuyền nhân của các chính quyền sở tại.

Các em sẽ la hét, không phải vì nô đùa cùng bè bạn, mà vì không chịu nổi khói lựu đạn cay, vì khiếp đảm, sợ hãi từng đoàn lính đông đảo, đeo mặt nạ phòng hơi độc, mang súng, dùi cui, vòi rồng tiến vào sân trại. Các em có thể sẽ ngất xỉu bên cạnh cha mẹ của các em. Những người gầy ốm, đen đúa, bị đánh đập, bị điểm huyệt, bị bắt ngồi giữa nắng, hai tay đưa lên đầu, trước khi đi thành hàng một, giữa hai hàng lính khổng lồ. Những người lính này không ngần ngại giáng những đòn đánh bằng dùi cui xuống lưng, xuống đầu của bất kỳ thuyền nhân nào không phục tùng mệnh lệnh của họ. Những tổ chức nhân danh nhân đạo đã quay lưng với các em. Các em sẽ trở về nơi mà cha mẹ các em đã liều chết để trốn đi. Cánh diều hy vọng của các em, của bạn bè chúng ta ở đó đã đứt rồi. Xác diều tơi tả, như ước mơ của các em, đã nát trong cơn lốc định mệnh. Một định mệnh đau đớn lắm!

Các bạn thân mến,
Chúng ta đã có một cuộc chiến tranh dài 21 năm, 1954-1975. Chúng ta cũng đã có một cuộc ra đi dài 21 năm, 1975-1996. Tuổi trẻ Việt Nam cũng đã có 21 lần tựu trường trên xứ người. Chúng ta học được những điều gì? Chúng ta đã học được từ những thất bại cay đắng của chúng ta, rằng, không có ai, ngoài chúng ta, thực sự quan tâm đến đất nước chúng ta. Chúng ta cảm nhận sâu sắc rằng, dù thế nào đi nữa, thì chúng ta cũng có một tổ quốc, một quê hương để hướng về, như người Do Thái hướng về Isarel, nơi mà, rốt cuộc họ có thể ngẫng cao đầu để làm người chiến sĩ, sau hơn 2000 năm lang bạt khắp mọi nơi trên thế giới. Chúng ta cũng đã học được những kiến thức về khoa học, kỷ thuật ở những đất nước văn minh, phát triển. Chúng ta cũng học được những cách thức để vận hành một chính thể dân chủ, biết chấp nhận đối lập, nhưng cũng biết tôn trọng luật lệ, để bảo đảm quyền lợi của quốc gia được ưu tiên trên hết.

Tuy nhiên, có lẽ còn nhiều điều mà chúng ta chưa học được, trong đó, có sự đoàn kết để cùng nhau phụng sự cho một mục tiêu chung. Trong đó, có sự nhận chân bộ mặt thật của chế độ cộng sản Việt Nam, để cùng thống nhất với nhau rằng, cái gọi là “hòa hợp, hòa giải” không phải là những tờ giấy, mà người ta sẳn sàng ký, và cũng sẳn sàng xóa bỏ ngay sau đó, cũng không phải là những hứa hẹn, mà sau đó người ta lập tức nuốt lời. Sự hòa hợp, hòa giải, chỉ có thể có trên căn bản của một xã hội dân chủ thật sự, một cơ chế pháp trị có hiệu quả và có hiệu lực, trên toàn đất nước. Chúng ta sẽ tiếp tục tựu trường, sẽ tiếp tục học nữa. Chúng ta hiểu rằng tương lai của dân tộc chúng ta, vận mệnh của tổ quốc chúng ta, tùy thuộc rất nhiều ở sự học tập, và biết đoàn kết của tất cả những người trẻ Việt Nam hôm nay.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Đại Học Melbourne (Uni. of Melb.)
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu





24 February 1996

Vua Quang Trung


Hôm qua là mùng Năm Tết. Hương sắc của mùa xuân như vẫn còn lan tỏa trong không gian đâu đây, theo những tiếng cười, tiếng reo hò ồn ào trong ngày hội chợ Tết, theo những xác pháo cuốn bay trong gió trên những con đường thành phố. Trong chúng ta, chắc hẳn, cũng chưa tan cái mùi vị của những bánh mứt mà chúng ta thường dùng trong ngày đầu năm. Nhân dịp Tết Nguyên Đán, ban phát thanh Tổng Hội Sinh Viên Liên Bang Úc Châu kính gởi đến quý thính giả lời chúc mừng cho một năm mới an khang và hạnh phúc. Đối với các bạn, sinh viên và học sinh, có lẽ chúng ta phải chuẩn bị cho một năm mới là vừa, thân chúc các bạn một năm học thành công mỹ mãn.

Hằng năm, cứ vào ngày  này, mùng Năm tháng Giêng âm lịch, thanh niên nam nữ ở các tỉnh miền Trung Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên đổ xô về thăm một di tích lịch sử ở huyện An Khê, Bình Định. Đó là viện bảo tàng Quang Trung. Cuộc đi thăm viếng này đã trở thành một truyền thống, nó nhắc nhở người dân Việt nhớ đến một chiến thắng lịch sử vang dội- chiến thắng Đống Đa – xảy rả vào ngày mùng Năm Tết, năm Kỷ Dậu, 1789. Ngày ấy đã đi vào lịch sử cùng với tên tuổi của anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ. Một vị tướng lãnh xuất sắc, một nhà chính trị kiệt xuất. Một vì vua anh minh và lỗi lạc của chúng ta.

Theo Việt Sử Tân Biên, của Phạm Văn Sơn, vua Quang Trung tên thật là Nguyễn Quang Bình, sau đổi thành Nguyễn Huệ, sinh năm 1753. Ông bắt đầu cầm quân từ năm 1771, lúc vừa được 18 tuổi. Lúc này Việt Nam bị chia cắt thành hai miền. Từ sông Danh trở ra Bắc, thuộc quyền của Chúa Trịnh. Từ sông Danh trở vào Nam nằm dưới sự kiểm soát của Chúa Nguyễn. Sau khi quân Tây Sơn chiếm thành Quy Nhơn, Nguyễn Huệ nhận làm quân tiên phong của Chúa Trịnh ở phía Bắc, phá tan lực lượng của Chúa Nguyễn ở phía Nam. Sách sử chép rằng: Lúc nguy hiểm, Nguyễn Huệ tỏ ra bình tĩnh hơn ai hết, gặp những khó khăn, những sự việc làm người ta bở vía, kinh hồn thì ông lại thường nảy ra nhiều mưu kế lợi hại, tỏ ra một khối óc thông minh linh hoạt phi thường.

Năm 1784, vua nước Xiêm-La, nơi mà phần lớn đất đai thuộc Thái Lan bây giờ, đã đưa 20 ngàn quân sang Việt Nam để giúp Nguyễn Ánh đánh phá khu vực phía nam nước ta. Nguyễn Huệ đã đem quân phục kích ở Rạch Gầm, Xoài Mút đánh tan tác quân Xiêm, ổn định trong một thời gian dài miền nam của tổ quốc. Hai năm sau, Nguyễn Huệ tiến quân ra bắc như vũ bão, các mặt trận của chúa Trịnh liên tiếp bị phá vỡ. Năm 1786, Nguyễn Huệ tiến vào Thăng Long, tức là Hà Nội bây giờ, trong sự hoan hô của muôn dân đối với một vị tướng lĩnh, người đã chấm dứt cuộc chiến tranh liên miên kéo dài gần nửa thế kỷ giữa hai lực lượng Trịnh, Nguyễn.

Miền Bắc vừa tạm ổn định trong chưa đầy hai năm, thì năm 1788, triều đình nhà Thanh ở Trung quốc, mượn tiếng là giúp vua Lê Chiêu Thống, đã đem 200 ngàn quân đánh chiếm Thăng Long. Được tin cấp báo từ núi Tam Điệp, Bắc Bình Vương  Nguyễn Huệ, bấy giờ đang ở Phú Xuân – tức là thành phố Huế bây giờ, đã lên ngôi, đổi niên hiệu là Quang Trung để thống nhất lòng dân. Sau đó, nhà vua đem quân thần tốc trực chỉ đến núi Tam Điệp. Ngày 20 tháng Chạp năm ấy, trước toàn quân, Vua nói bằng giọng cương quyết, sang sảng: “Chỉ nội mười ngày nữa, ta sẽ đuổi hết giặc Thanh. Bữa nay ta ăn Tết Nguyên Đán trước. Sang xuân ta sẽ ăn Tết Khai Hạ vào ngày mùng 7 ở Thăng Long”.

Quân Tây Sơn vượt bến đò Gián-Khuất, mở đầu cuộc tiến công nhắm vào các đơn vị quân Thanh vào ngày 30 Tết. Đồn giặc ở Nam Định, Hà Đông liên tục bị hạ. Mùng Ba Tết – Trận Hà Hồi, quân Tây Sơn dùng kế chiếm đồn không tốn một mũi tên, hòn đạn. Đoàn quân chiến thắng của ta reo hò tiến thẳng đến Thăng Long. Mùng Năm Tết, kịch chiến ở Ngọc Hồi, quân ta toàn thắng, liên tiếp theo đó, các tiền đồn của giặc quanh khu vực Thăng Long lần lượt bị thất thủ. Các tướng giặc là Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long, Thương Duy Thặng chết tại trận. Một cánh quân Tây Sơn khác vây kín đồn Khương Thượng. Tướng giặc là Sầm Nghi Đống chống đỡ không nổi phải trốn ra một cái gò, thắt cổ trên một cành đa tự tử, gò này sau gọi là gò Đống Đa. Chủ tướng giặc là Tôn Sĩ Nghị vừa được tin cấp báo là các tiền đồn tiền phương của hắn đã bị hạ, thì đã thấy quân Tây Sơn ầm ầm tiến vào năm cửa thành, khí thế như triều dâng, sấm động. Y hết sức bất ngờ, đến nỗi ngựa không kịp thắng yên cương, người không kịp mặc áo giáp, đem theo vài tên lính thân cận vượt cầu phao trên sông Nhị Hà tất tả chạy về Trung Quốc. Quân giặc cuống cuồng, hổn loạn, chạy theo chủ tướng, cầu phao sập đổ, kêu khóc vang cả một góc trời, thây giặc chết làm tắt cả dòng nước trên sông.

Khoảng 4 giờ chiều ngày mùng Năm Tết, tức là cũng vào ngày này, năm 1789, vua Quang Trung cùng đại quân và 80 thớt voi đã hùng dũng, oai phong tiến vào đại bản doanh của quân Thanh đóng ở Thăng Long, như lời hẹn từ hôm 20 tháng Chạp. Vua Quang Trung, người anh hùng dân tộc của chúng ta đã tiến lên khán đài chiến thắng với chiếc áo bào xạm đen và nghi ngút thuốc súng, trong tiếng reo hò vang dội của hàng vạn quân và dân nước Việt. Hình ảnh kiêu hùng đó mãi mãi là niềm tự hào của bao thế hệ trẻ Việt Nam.

Thế là, chỉ trong 7 ngày chiến đấu thần dũng vua Quang Trung đã tiêu diệt được 200 ngàn quân Thanh mau như chớp nhoáng, tạo nên một chiến công oanh liệt vào bậc nhất trong các chiến công lớn lao của các danh tướng từ cổ chí kim của nước ta.

Thưa các bạn,

Lịch sử dựng nước và giữ nước 4000 năm của chúng ta, từ vua Hùng, Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, đến Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung là những trang sử chói lọi từ những chiến công oai hùng như thế đó. Dân tộc ta đã khẳng định với nhân loại rằng, chúng ta là một dân tộc thông minh, dũng mạnh. Không ai có thể phủ nhận được điều đó.

Nhưng tại sao một dân tộc hào hùng như thế, bây giờ vẫn còn đang chịu đựng sự nghèo nàn và lạc hậu? Tại sao nhiều thế hệ liên tiếp của một dân tộc như thế lại bị đẩy vào một cuộc chiến tranh tương tàn hai mươi mốt năm từ sau hiệp định Gienève 1954? Tại sao một chính nghĩa dân chủ mà chúng ta đã có từ thời Nguyễn Trãi:
Đem đại nghĩa thắng hung tàn
Lấy chí nhân thay cường bạo
Lại bị một thứ chủ nghĩa ngoại lai, không tưởng, phi nhân đẩy ra khỏi đất nước, trôi giạt mọi nơi trên địa cầu này. Tại sao nhiều người trẻ Việt Nam lại bị đẩy xuống biển Đông và rồi sống thoi thóp những ngày cuối cùng, quẩn bách, đau đớn trong trại tỵ nạn.

Tại sao, cho đến hôm nay, trước thềm của thế kỷ 21, bóng ma của chủ nghĩa cộng sản ngoại lai ấy vẫn còn cứ ám ảnh, và bám víu vào vận mệnh của dân tộc chúng ta. Tại sao? Tại sao? Và tại sao chúng ta lại trở nên như vậy?

Câu trả lời là của tất cả chúng ta. Của tất cả mọi người Việt Nam còn gọi được hai tiếng “Mẹ ơi!” và nói rằng: Vâng, thưa Mẹ, chúng con vẫn còn đây, với tuổi trẻ thật nhiều cố gắng, với tất cả tấm lòng hướng về Mẹ yêu thương. Từ cõi thâm sâu trong trái tim chúng ta, chúng ta sẽ cùng đáp như thế với người Mẹ Việt Nam, tổ quốc muôn đời của chúng ta.

Thân ái chào các bạn,
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Melbourne, Úc Châu
24 Tháng Hai 1996

SBS Radio
Chương Trình Phát Thanh của
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu




27 January 1996

Ngày Quốc Khánh Úc

Ngày Quốc Khánh Úc

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
27 Tháng Giêng, 1996

Kính thưa quý thính giả
Các bạn học sinh, sinh viên thân mến

Ngày hôm qua, Quốc Khánh Úc, nhiều bạn trong số chúng ta đã có mặt trong đoàn diễn hành đi qua các đường phố chính của thành phố. Nhiều bạn khác cũng có mặt trong số đông đảo những công dân của quốc gia này để tham dự một ngày lễ trọng đại. Chúng ta đã hòa vào khối người đông đảo ấy, trong một niềm vui tưng bừng, trong tiếng nhạc reo vui, và trong những nụ cười cởi mở thân thiện. Chúng ta sung sướng vì lớn lên, sinh sống trong một đất nước tự do và dân chủ. Chúng ta tự hào vì lịch sử phát triển nhanh chóng và phồn thịnh của Úc-Đại-Lợi. Rồi đây, chúng ta sẽ góp phần làm cho đất nước này trở nên hưng thịnh hơn nữa và tương lai đang mở ra những khoảng trời tươi sáng chờ đón chúng ta. Những sinh viên học sinh, giống như hầu hết trong số 17 triệu người Úc khác, đang ngước nhìn về một tương lai mới của một nước Úc đa văn hóa. Nói như thế không có nghĩa là nước Úc không có những vấn đề, những khó khăn cần phải giải quyết. Nước Úc cưu mang và đùm bọc nhiều người thuộc thế hệ cha và anh của chúng ta. Nước Úc tặng cho chúng ta một nền giáo dục tiêu chuẩn. Nước Úc cần những bàn tay và khối óc của chúng ta.

Nhiều người trong số chúng ta đã sinh ra ở Úc hay đã sang Úc từ lúc còn ấu thơ. Bỡi thế, một số bạn đã tỏ ra rất trung thực khi nói rằng Việt Nam trong suy tư của các bạn chỉ còn là những kỷ niệm nhạt nhòa thời thơ ấu. Khi nói rằng chính nước Úc yên bình này mới là nơi mà các bạn gắn bó nhiều hơn trong những mối quan hệ xã hội và học đường; các bạn ấy đã nói đúng. Tuy nhiên, các bạn cũng đã bày tỏ một điều rất rõ ràng là các bạn được sinh ra  trong cái nôi của một gia đình Việt Nam. Các bạn được lớn lên trong một sự hòa điệu với những tâm tình, suy nghĩ và hành xử đạo đức truyền thống của các thế hệ Việt Nam. Vâng, lẽ phải thuộc về các bạn khi các bạn nói rằng hình dáng, màu tóc, màu mắt, màu da tự nhiên của các bạn giống lắm với những người Việt Nam; giống với hơn 70 triệu người ở một dải đất nhỏ hình cong chữ S, phía bên kia đường xích đạo. Chính vì thế, các bạn sẽ thấy thật cụ thể hơn nữa khi chia sẻ về những điều này với những người Việt thuộc thế hệ lớn hơn mình.

Thưa các bạn,
Trong ngày quốc khánh Úc, họ san sẻ niềm vui với các bạn, họ cùng đi với các bạn ra đường phố; và sẽ còn cùng đi nhiều lần nữa với các bạn trong cuộc đời cho đến cuối đời họ. Họ là ai? Đó là những người thuộc thế hệ cha và anh của chúng ta. Những người rất mong đợi các bạn chia sẻ tâm sự với họ. Bỡi nếu các bạn yêu lắm những kỷ niệm nơi này, với những ngày cắm trại thật vui vẻ, tuyệt vời bên bờ biển, trên những cánh rừng xanh ngát; những đêm hội hè pháo bông thắp sáng trên sông, một trời rực rỡ; thì họ cũng không thể nào quên; vâng, sẽ không thể nào quên, những kỷ niệm có khi cũng rất êm đềm như những con đường đất đỏ gồ ghề, râm mát đến trường làng. Nhưng, các bạn có biết không, những kỷ niệm của họ thường khi chất ngất đau đớn, xót xa trên một quê hương tơi bời, khổ nạn phía bắc bán cầu: Việt Nam.

Đã bao lần trong đời họ - cha và anh của chúng ta – ngày quốc khánh không tượng trưng cho một sự hưng thịnh, một triển vọng, mà là một đổi thay lắm lúc nghiệt ngã, chuẩn bị cho những điêu tàn và chết chóc. Hơn nữa, có thể là một khởi đầu cho những khổ nạn điệp trùng phủ xuống đầu họ.

Có thể bạn đã nghe kể rằng cái mà nhà cầm quyền Việt Nam đương thời cho là ngày quốc khánh mùng 2 tháng 9 năm 1945 chính là một khởi đầu cho việc áp đặt ý thức hệ cộng sản trên quê hương Việt Nam. Một mốc điểm của sự lật lọng, dối trá, của sự thanh trừng đẫm máu sau đó của đảng cộng sản. Đó là ngày chuẩn bị để chính con cái được pháp luật cộng sản ủng hộ để đem mẹ cha ra pháp trường, trong những lần đấu tố.

Họ sẽ tâm sự với các bạn là ngày 26 tháng 10 năm 1955 được gọi là ngày quốc khánh của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, và cũng là ngày đánh dấu sự việc mà người Việt phải tiếp tục chuẩn bị để đương đầu với một cuộc chiến dài hai mươi năm sau đó. Một cuộc chiến tranh hủy diệt, hủy diệt tất cả thân xác của bao nhiêu triệu người cùng với niềm tin và những giá trị nhân bản nhất.

Họ sẽ nói với các bạn rằng, ngày 1 tháng 11 năm 1963 được gọi là ngày quốc khánh của nền Đệ Nhị Cộng Hòa, và là ngày báo hiệu cho một giai đoạn khốc liệt nhất, đau đớn nhất trong một cuộc chiến tàn khốc nhất kể từ sau Đại Chiến Thế Giới lần thứ hai cho đến nay. Người Việt khóc đớn đau trên lịch sử của dân tộc mình: cho Huế, một thành phố chi chít khăn tang, mùa xuân 1968; cho Đại Lộ Kinh Hoàng với 9 cây số xác người lềnh khênh, nơi có những bà mẹ già đã chết chỉ còn lại hai hốc mắt tối tăm bị sâu bọ đục khoét. Người Việt mình đã khóc cho một Sài gòn nơi có những xác em thơ ba, bốn tuổi bị đám đông hàng trăm ngàn người, những người bị săn đuổi, giẫm đạp qua – Tháng Tư 1975.

Họ là những người thuộc thế hệ đi trước các bạn – sẽ nói rằng, họ ước mơ một ngày quốc khánh thật sự cho Việt Nam, đất Tổ của tất cả mọi người Việt trên thế giới. Một ngày quốc khánh khởi đầu của sự yêu thương, thanh bình và thịnh vượng. Một ngày quốc khánh cho một Việt Nam dân chủ và tự do thật sự.

Các bạn thân mến,
Nỗi buồn sẽ vơi đi khi được san sẻ, niềm vui sẽ nhân lên khi được phân chia. Nếu các bạn biết lắng nghe những nỗi buồn, những suy tư, những tâm sự; biết tôn trọng những hồi tưởng không thể xóa nhòa, đầy đớn đau của những người lớn; và ngược lại, nếu chúng ta cũng được người lớn lắng nghe một cách tôn trọng những suy nghĩ, phát biểu thành thật của mình thì khoảng cách giữa các thế hệ người Việt khác nhau sẽ được rút ngắn lại, bỡi vì sự thông cảm và yêu thương sẽ xóa nhòa những dị biệt lớn lao giữa những lớp người đó. Như thế, chúng ta sẽ yêu thương – trong một sự cảm thông sâu sắc – cha, mẹ, anh, chị của mình nhiều hơn nữa. 

Chúng ta sẽ thông cảm hơn, quý mến hơn nữa những người thân ở quê nhà, và những bạn bè, thân thuộc của mình còn kẹt lại ở trại tỵ nạn. Chúng ta rồi sẽ thương lắm quê hương Việt Nam của chúng ta. Khi tâm hồn chúng ta thấm đượm sự yêu thương đó, khi lương tri của các bạn tràn đầy tình nhân đạo, khi lý trí sáng suốt của chúng ta được hướng dẫn bỡi một chính nghĩa. Chúng ta sẽ tìm được hướng đi cho chính mình. Chúng ta sẽ tự hào, vững tin, và kiêu hãnh làm người – người Việt Nam và cũng là người Úc xứng đáng nhất.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Đại Học Melbourne (Uni. of Melb.)
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu