16 January 1992

Dòng Tóc Em Trôi

Ta chợt ngẩn nhìn em tóc rối
Êm êm trôi sóng xõa vai gầy
Vứt sách vở ta ngồi chiêm ngưỡng
Chiều dần buông...dòng tóc em trôi

Dòng tóc em trôi trời tha phương
Hoàng hôn biệt đảo nắng vương vương
Nhẹ gót chân buồn vương lối cỏ
Cách biệt...chiều rơi anh nhớ thương

Cách biệt chiều đi anh nhớ thương
Bên kia sóng vỗ ngày đầy sương
Dấu chân kỷ niệm in trên cát
Lỡ một lần!...xa! anh nhớ thương...

Nguyên Đại
TACDC
1992

Xuân Tai A Chau

Ở đó, một người tù
nhìn trời xanh, biển ấm và những cánh hải âu
vào rừng, những chồi xanh với những sắc hoa rực rỡ
tươi mát trong niềm vui trẻ thơ
Mỉm cười!

Một người tù, ở đó
bị bao phủ bỡi những hàng rào cao
nỗi cô đơn lấp kín
cuộc đời... mùa đông băng giá
tương lai, mùa xuân vỡ tan
Ứa lệ!

Ở đó, một người Việt Nam
người tù trẻ
với trại giam
hạnh phúc gì?
không ai có thể cướp được mùa xuân của anh
người ta không thể lấy đi tâm hồn tự do của anh
Yêu!

Nguyên Đại
TACDC
Xuân, 1992

15 January 1992

Mùa Xuân Tai-A-Chau

Tôi được anh Nghĩa, rồi anh Dần khuyến khích viết bài cho tập san Phật Giáo; do dự mãi, cho đến hôm nay tôi mới quyết định làm. Tôi nhớ có một lần hỏi anh Nghĩa về chủ đề của tập san; anh nói: “Đạo Pháp – Dân Tộc – Mùa Xuân”. Nói thì dễ, khi viết mới thấy khó, sáng nay tôi cứ suy nghĩ mãi, loanh quanh trong chủ đề này.

“Đạo Pháp” – rộng lớn, bao la, vĩ đại quá! – ngay cái gọi là “Pháp Bảo” với Tam Tạng Kinh Điển- mà việc đọc nó, hay được thấy thôi (!), cũng là một mơ ước trong số những mơ ước hảo huyền của tôi rồi, bỡi kiến thức Phật học của tôi chỉ vẻn vẹn trong vài trang sách viết về Đạo Phật mà tôi đã đọc qua. Có thể sánh với số kiến thức ấy như gì nhỉ? Một hạt bụi trong vũ trụ thiên hà (!). Tôi biết gì về Đạo Phật để mà viết, để mà nói nhỉ?...

Dù vậy, phút giây này tôi lại nhớ đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, nhờ đó mà Lục Tổ Huệ Năng được Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn truyền cho Y-Bát. Tôi lại hiểu thêm được rằng, không phải ngẫu nhiên mà người ta sắp xếp chữ “tu học” theo thứ tự đó. “Tu” và “Học” bổ sung cho nhau; nhưng ý tôi muốn nói là chữ tu phải đứng trước vậy. Tôi nghe đâu đây giọng nói của Krishanamurti: “Kiến thức là một chiếc cầu, mang người ta qua bên kia bờ nhận thức...”, còn luyến lưu với chiếc cầu này, anh sẽ không thấy được nét đẹp diễm kiều trong nắng rạng rỡ của buổi sang mùa xuân. Tôi nghe Lục Tổ Huệ Năng không biết chữ. Còn tôi, tôi biết chữ (“tài ba hơn ngài” (?) (!)). Kiến thức không phải là vấn đề của nhận thức. “Chiếc cầu” của Lục Tổ như một thẻ tre, còn của tôi như một mảnh ván, tôi đã thấy khó bỏ rồi. Một người mà chiếc cầu của họ đồ sộ, nguy nga, họ càng khó bỏ hơn nữa; bỡi nó đẹp quá! Nó tuyệt vời quá! Phải chăng tôi muốn nói đến chiếc cầu của A-Nan-Đà, khi Phật Thích Ca còn tại thế là đẹp nhất trong hàng đệ tử của Phật và đó cũng là lý do để ông đắc đạo sau cùng?!

Tôi mất một cái gương, gương soi mặt, các bạn ạ! Tôi không tìm thấy khuôn mặt của tôi. Tôi đi tìm nó, một người bạn chỉ cho tôi: “Đó, chỗ đó, đằng kia kìa!”. Tôi đến và tôi thấy gì? Khuôn mặt của tôi, hình ảnh của núi đồi, rừng cây, ngoại cảnh. Tôi chộp nó. Ồ! không, nó không phải là khuôn mặt của tôi, cũng không phải là rừng cây ngoại cảnh; bỡi vì theo tôi biết, cái tôi nắm trong tay không phải là khuôn mặt của tôi, cũng không phải là rừng cây ngoại cảnh.

Tôi nhìn lại vật mà tôi nắm được trong tay; và tôi lại thấy khuôn mặt của tôi, rừng cây ngoại cảnh. Tôi vứt nó đi, tôi đi tìm nữa, tôi đi tìm gì nhỉ? Chỉ thấy hiện thực thay đổi hiện thực thay đổi biến động từng ngày, từng giờ, từng sát-na một. Tôi cũng không nhìn thấy khuôn mặt của tôi nữa. Tôi hoang mang, hối tiếc, mất mát, đau khổ. Tôi đi tìm Phật, tôi nắm lấy bàn tay Phật và Ngài bảo: “Ngón tay ta không phải là mặt trăng”. Cái tôi nắm trong tay là gì nhỉ? Một phần của tượng gỗ, một sản phẩm tinh vi của nhà điêu khắc. Tôi ngồi xuống, nhắm mắt lại...Tôi mở mắt ra, và tôi thấy tôi đang ngồi trên một tảng đá ven rừng. Tôi đứng dậy và đi, tắm gội ánh trăng vằng vặc của đêm rằm. Mọi vật hiện ra đẹp tuyệt vời trong ánh trăng của một đêm rằm đầu xuân ấy...Sương vẫn còn rơi lành lạnh.

Tôi thấy ở đằng xa, bên lề của con đường ấy là tấm gương mà ngày xưa tôi đã mất, tôi đã tìm thấy...rồi đã vứt đi ngày xưa...Tôi cũng thấy lại trong ấy khuôn mặt của tôi chan hòa trong ánh sáng dịu vợi của mặt trăng. Tôi mỉm cười. Tôi hiểu biết. Tôi biết rằng cái mà tôi thấy trong gương là ảo ảnh của ngoại cảnh. Là ngôn từ, là những cuốn sách mà tôi đã đọc qua, là kiến thức mà ngày xưa, tội nghiệp cho tôi! Tôi đã tự hào với bạn bè, là tiếng khen lời chê của miệng đời nhân thế, là tài sản ngày xưa tôi đã khao khát kiếm tìm, và khổ đau khi tôi mất mát chưa có, là những nguyên tắc sống của tôi trong những năm tháng trước đây, là những cảm nhận của tôi khi nhìn một người đang đau khổ rên xiết, một dân tộc điêu linh, những tập đoàn người tàn sát nhau trong những cuộc chiến tranh giành quyền lực, tài vật, hay cả những cuộc chiến tranh tôn giáo.

Tôi bỏ tấm gương vào túi, mỉm cười và ung dung đi trên con đường chan hòa ánh trăng ấy của tôi. Tôi sẽ gặp lại bạn bè và tặng họ tấm gương ấy với lời cầu chúc một ngày nào, tôi sẽ gặp lại họ trong ánh trăng với nụ cười sáng lấp lánh trên khuôn mặt của họ...

Tôi là người Việt Nam các bạn ạ! Với dáng vóc thấp bé, da ngăm, mũi tẹt, tóc đen, mắt đen, tôi không thể lẩn lộn vào đâu được trong thế giới có nhiều dân tộc sinh sống này. Cha mẹ tôi là người Việt Nam, ông bà đang sống ở Việt Nam. Tôi có cơ hội để đi định cư ở một nước thứ ba, trong một tương lai gần gũi, và cho dù tôi sẽ giàu có, sẽ thay màu da như Michael Jackson, sẽ nói tiếng Anh, tiếng Pháp lưu loát đến mức nào đi nữa, thì tôi vẫn là người Việt Nam được cấu thành từ tinh cha huyết mẹ Việt Nam, được nuôi dưỡng và lớn lên trong một thời kỳ đầy biến động của đất nước. Những trái ổi chua, me chấm muối ớt thèm thuồng, ngày xưa còn bé. Những hội hè, ánh mắt, cuộc tình xanh...áo trắng học đường. Những bụi đỏ của núi rừng An Lão, và nhánh phong lan thật khiêm tốn, đáng thương cho người về thành phố. Những đói khát, sợ hãi, lo âu của người đi vượt biển...Tất cả những điều đó theo suốt tôi như những hành trang cần thiết, như những cảnh vật hiện ra trong tầm nhìn hun hút của suy tư khi nhìn lại sau lưng mình.

Và tôi mơ...mơ thấy mình là tên lính đánh cồng cho voi của Bà Trưng, Bà Triệu trên đường đi diệt giặc. Tôi ước mình là tên lính xung phong trong đoàn quân oai phong, hiển hách, bách chiến, bách thắng của vua Quang Trung ngày trước. Tôi nghe suốt thời thơ ấu của tôi tiếng đại bác của Cộng quân đêm đêm nã vào thành phố; tiếng sầm sập của những sư đoàn Hải Quân Lục Chiến Mỹ đổ bộ trên quê hương tôi. Tôi thấy những thây người cháy xém vắt vẻo trên những bụi bờ, mùa hè đỏ lửa năm 1972. Tôi thấy những tan thương, nheo nhóc, ly loạn trong sự sụp đổ của một nền Cộng Hòa sau năm 1975. Tôi thấy những con người bị đối xử dưới mức con vật trong nhà tù cải tạo của Cộng Sản. Tôi thấy những họng súng đen ngòm đang nhả đạn vào những hình hài khắc khổ của những người lính phục quốc.

Tôi thấy những tử biệt sinh ly trong tủi hận của những gia đình bị kỳ thị...Tôi thấy những dằn vặt, hốt hoảng, âu lo, những nếp nhăn trước tuổi trên khóe mắt, những vành môi mím lại gần như rỉ máu của những người nhận giấy báo khước từ tư cách tỵ nạn, khi họ xứng đáng là một người tỵ nạn. Đời sống mà tôi đã trải qua đã từng đẩy tôi đến bên bờ vực thẳm có tên gọi: Sự Chết.

Tôi nghĩ tới một cuộc chiến tranh dài 21 năm trên quê hương tôi và hai bên bờ sông Hiền Lương chan hòa sóng máu. Tôi nghĩ tới từng đoàn người liều chết để rời bỏ quê hương. Tôi nghĩ tới những khổ đau mà người thân, đồng bào tôi còn phải chịu đựng ở quê nhà... Nhưng tôi tin rằng trang sử máu của dân tộc tôi sẽ được lật qua.

Tâm hồn tôi dang cánh bay đến những tỉnh thành Việt Nam, ngoài Việt Nam, không phải trong đôi tay ôm ấp của sông Hồng, sông Cửu, không phải lưng dựa Trường Sơn, mặt ngẫng nhìn biển Đông dậy sóng. Đôi cánh mong manh bé nhỏ của tôi nối lại, đón nhận những hoa thơm trái đẹp lớn lên từ sự giao lưu văn hóa, kinh tế mỗi ngày một nhiều hơn, rộng hơn giữa các dân tộc.

Tôi giơ tay mong đóng nhận sự cưu mang, che chở của bè bạn từ khắp mọi nơi trên thế giới. Và, sống dậy trong tôi bi kịch của đất nước với hai triệu cha anh tôi đã mất trong nạn đói 1945, khi nhìn những người dân Somalia: những em bé chỉ còn đôi mắt khát đói, những cụ già mà bộ xương không đỡ nổi đôi môi héo tàn. Tôi giật mình khi nghe tiếng súng ran ở mặt trận Cambodia. Tôi bàng hoàng khi nghe Sadam Hussein chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học trong chiến tranh vùng Vịnh. Tôi thấy hoa mắt khi nhìn những chấm đỏ trên bản đồ Ấn Độ, chỉ ra những nơi giao tranh giữa những người Ấn Độ giáo và những người Hồi Giáo. Tôi hình như cảm thấy lớn lên đôi chút và yêu thương được nhiều người hơn. Dòng sông yêu thương của tôi triều lên sóng cuộn soi lở những thành kiến chật hẹp mà đã từ lâu ngăn chặn và cố biến dòng sông yêu thương của tôi quanh quẩn, hẹp hòi như những ngòi lạch bé nhỏ kiệt khô mùa hạ.

Đằng kia, một người bạn nữ của tôi, Thùy đang ca bài “Tôi Muốn”. Cô ấy đang vui, tôi cũng vui theo niềm vui ấy. Tôi muốn gì? Tôi muốn dòng sông yêu thương của tôi được chảy về biển lớn, chan hòa trong tình nhân loại. Đón nhận tất cả. Trang trải tất cả.

Hôm nay có một đám cưới của một người bạn, người ta rước dâu qua ven bờ hồ. Cô dâu xinh xắn, chàng rể đẹp trai. Tôi nghĩ họ sẽ hạnh phúc, và tôi chia sẻ hạnh phúc của họ, như tôi ngồi đang ngồi đây trong ánh nắng ấm áp, và những cành xuân đang đâm chồi nẩy lộc chung quanh. Tôi được mời ăn trưa, bữa cơm thân mật đầu tiên, với nhóm thanh niên, với nhóm thanh niên phục vụ do thầy Tâm tổ chức. Thầy tu Thiền Tông và đang dạy cho nhóm này thực hiện thiền Đại Chúng. Tôi thấy ấm áp và tin tưởng sau cuộc nói chuyện với Thầy. Tôi thích đề tài “Xây dựng con người” mà thầy đề cập tới. Mùa Xuân, nói chuyện xây dựng con người, các bạn nghĩ sao? Các bạn thanh niên này đã mang đến cho tôi nụ cười thật trẻ trung, hồn nhiên. Cảm ơn các bạn. Mình đi tìm tấm gương của mình đi các bạn! Soi rọi mùa xuân có lá xanh, nắng ấm và nụ cười an lạc trong tâm tư chúng ta và trong tình nhân loại chan hòa.

Nguyên Đại
Trại giam thuyền nhân Tai A Chau, Hong Kong
Mùa Xuân năm 1992

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=BeuU3cMxXL