16 October 1991

Kẹo Như Tình Yêu

Chẳng hiểu vì sao cứ ngẩn ngơ
Mà đâu có vướng víu duyên tơ
Gặp nhau giây phút “chi mà nhớ!”
“Hễ thấy thì lơ!” chớ thẩn thờ

Lúc ấy bảo đừng nên biết thêm
Biết chi rồi thức cả một đêm
Suy đi tính lại “thôi đừng nếm!”
Trái đắng mà môi cứ ngọt mềm

Ngày ấy làm ngơ, có hơn không
Bây giờ không thấy cũng trông trông
“Đã biết kẹo ăn thì răng hỏng,
Dẫu hỏng, dù sao...cũng ngọt lòng”

Nguyên Đại
TACDC
Tháng Mười, 1991

22 June 1991

THẦY CÃI

Sau một ngày làm việc vể, 8 giờ tối hết cơm, tôi nằm dài trên giường lan man suy nghĩ, dòng tư tưởng cứ dồn dập hổn loạn, mệt quá tôi đi ký sổ gói mì ăn đỡ. Trời lạnh, tôi nằm co ro trong giường, tiếng ồn của một căn phòng đưa lan man vào trong giấc ngủ mệt mỏi. Tiếng la hét lại nổi lên sôi động bất thường, tôi tỉnh giấc hé màn nhìn xuống. Ba Thành đang gào lên: “ Để tao đi, để tao đi, tức quá, mẹ nó!” . Mặt gã đỏ ngầu tay chân vung loạn xạ, đạp túi bụi vào bụng vào ngực của ông Lanh, đang cố gắng giữ gã lại. Còn thằng Thông thì ôm quàng lấy gã, thằng Hào xốc lưng gã lôi ngược. Gã bám vào thành giường rị tới, rồi chùng xuống lấy đà leo lên, cứ như vậy mà náo loạn cả phòng, tiếng hét ồm ồm của gã, tiếng bước chân, tiếng vật nhau huỳnh huỵch...

Tôi nhảy xuống giường gương mắt nhìn. Mắt gã đỏ ngầu phả hơi nồng nặc mùi rượu, gã giống như một con gấu đang mắc bẫy, cố gắng vùng thoát sự kềm chế của ba người bên cạnh. Đã thành lệ, hễ có hơi men vô thì thế nào gã cũng quậy, tôi chán quá, không muốn hỏi xem chuyện gì nữa, vả lại thấy có ba  người, thằng Thông, em ruột gã cao lớn lực lưỡng, nó ôm xốc gã lên, gã lăn xuống sàn, xô ông Lanh rồi chạy ra cửa. Thông chạy theo ôm gã lại, tôi có nhảy vô chỉ thêm rắc rối, bụng còn đói meo, tức mình vì bị phá giấc ngủ. Một giờ đêm rồi.

Không muốn lên tiếng chỉ thêm ồn ào, tôi rảo bước đi ra phía nhà vệ sinh. Một đám đông đang tụ họp đảo ở phòng 5E. Tôi chen đám đông bước vào phòng xem sự việc gì đã xảy ra. Lão Bình đang đứng phân trần chuyện gì đó. Hai tay thanh niên mặt đỏ ngầu sặc mùi rượu. Một tay cao lớn mặc chiếc áo sơ-mi sọc dọc màu đỏ, bẩn bẩn; tay kia thấp hơn, mắt nhỏ, hắn mặt chiếc áo trắng mỏng và chiếc quần xanh đã cũ, mặt vênh lên nhìn lão Bình, vì lão cao lớn hơn hắn một cái đầu, nắm tay hắn vung lên:
-          - Chẳng những đánh mà còn dùi nữa!
Tôi hỏi lão Bình:
-          Chuyện gì xảy ra vậy anh Bình? Lão là một trật tự viên trong trại
-          - À! Sẳn có chú ở đây, nói chuyện chú nghe, tụi nó nấu rượu. Lão chỉ tay về phía gã thanh niên cao hơn. Nó làm gì đó tui không thèm để ý đến, nhưng hồi chiều có thằng bảo an nó thấy cúp điện, tắt quạt, nó vào phòng định thu cái máy, nhưng nó thấy mấy thùng hèm nó thu, cùng với một cuộn dây điện. Nó đem để trước cái phòng nấu nước sôi, có một thằng nhóc chạy đến, chụp cuộn dây điện chạy đi, nó đuổi theo nhưng không bắt được. Tụi nó về lấy rượu ra uống, xong rồi nó gây với thằng Hạnh, tôi can ra, nó đánh tôi, rồi kéo vợ con tôi ra đánh nữa, ba lần nó đánh tôi nhưng tôi không phản đòn, tôi để nó đánh sao đánh...
Tay thanh niên cao lớn dõng dạc:
-        -  Tôi tuyên bố, tôi nấu rượu là để cho vợ con tôi sống, mà thằng nào chỉ A-sề là tôi sẽ...gã vung tay mạnh rồi đập vào ngực mình. Tôi sẽ sống chết với nó, tôi chấp nhận đi tù để vợ con tôi sống.
-          Thì mày đánh tao đi, có chứng tất cả bà con trong buồng. Lão Hạnh nói.

Anh Hậu bước vào ôm lão Hạnh lại. Anh là đội trưởng trật tự, một thanh niên cao lớn lực lưỡng, nhưng vẻ mặt hiền hậu chất phát. Anh bảo:
-          -Thôi mời anh Hạnh lên văn phòng trật tự giải quyết.
  
Tôi nói với lão:
-          -Thôi anh theo anh Hậu lên phòng trật tự đi! - Ý tôi là muốn chuyển một phía đi, thì phía kia mất đối tượng để gây gỗ, la hét vài câu là xong thôi.

Sau khi lão Hạnh và anh Hậu đi rồi, tôi đi lững thững một vòng quanh trại, giữa những hàng cây giăng ngang. Trời trại tù xanh đau đớn thép gai, đây đó từng lớp tụm năm tụm ba bàn chuyện đã qua, có vài tay hình như có chút men, nổi máu hăng lên đòi đánh nhau, nhưng tôi đoán chắc là tụi chúng chưa đủ men để đưa lưng nhận dùi đâu.

Về phòng mình, nằm mà không ngủ được, thằng Phan kiếm đâu ra gói cà-phê ngồi uống, thế là cứ trăn trở mãi. Tôi nhớ lại cuộc nói chuyện với cô Betty, mấy ngày trước khi tổ chức văn nghệ cho “một tháng cấm rượu” (No wine month). Cô cứ dặn tôi mãi:
-          -Có tin đồn rằng đêm biểu diễn này không mang một chủ đề một tháng cấm rượu, mà có một số người lợi dụng nó để thay đổi những đề tài khác.
Tôi đã nói với bà:
-          -Có ai không hiểu rằng rượu là có hại không? Nào là rối loạn tiêu hóa, ung thư, cứng gan, và uống rượu say thì dễ nóng tính, gây gỗ đánh nhau. Dù là người ngu nhất, họ cũng hiểu ít nhiều về điều đó. Tại sao bà lại muốn nói với mọi người về một đề tài đã cũ? Hầu như đã trở thành nhàm chán. Và đây là một tệ nạn xã hội chung, không phải chỉ trong trại giam người Việt mới nảy sinh. Ở Hong Kong, trại tự do, họ vẫn dùng rượu. Bà tổ chức đêm văn nghệ để tạo cho họ ít nhất một việc gì đó để làm, để tập dượt mà quên điều đó đi.

-         - Tôi đồng ý với bà là việc dùng rượu trong trại giam, có thể tạo nên những tác động tồi tệ hơn chính nó đối với cuộc sống chung ở môi trường khác. Nhưng theo tôi, tốt hết hãy bão với người ta rằng, làm ơn theo tôi và giúp tôi. Chúng ta cố làm cho người ta nhận thức được rằng có những việc đáng làm, hấp dẫn hơn, họ sẽ theo cô, hơn là nói thẳng vào mặt họ những điều đã cũ.
-        -  Đúng như anh nói, nhưng tôi đã mời mọi người và giới thiệu chủ đề đêm văn nghệ là : “Một tháng cấm rượu”
-         -Tôi sẽ cố gắng để không làm bà thất vọng
Đêm biểu diễn cũng qua đi trong thiếu thốn, lộn xộn và cũng không thiếu sự hờ hững, bàng quang của những đối tượng mà rượu phục vụ. Điện vẫn cúp và trong phòng vẫn nồng nực mùi hèm rượu. Đêm nay vẫn có chuyện xảy ra, và đêm mai, đêm mốt...

Có một lần ông trại trưởng nói chuyện với tôi:
-         - Anh biết vì sao trong trại này, người ta uống rượu rồi gây huyên náo, ảnh hưởng đến nhiều người trong trại không?
-        -  Người ta sống trong hoàn cảnh này, bị giam giữ quá lâu trong một không gian chật hẹp, đông đúc, thiếu thốn nhiều về vật chất và tinh thần, hy vọng mỏi mòn, nỗi lo sợ triền miên gần như trở thành chai lì, sự nhàn rỗi thường xuyên làm cho họ thấy trống rỗng. Rượu làm cho họ hưng phấn lên một chút, vui hơn, dù chỉ trong chốc lát, bộc lộ những suy nghĩ với nhau một cách thẳng thắn hơn. Ở ngoài cuộc sống tự do, ông không cấm được người ta uống rượu, tài xế vẫn say rượu, vẫn cán chết người. Đâm chém, bắn giết người vô tội không thiếu những thủ phạm là những người say rượu. Vậy thì, trong trại giam, ông không thể cấm người ta uống rượu, đặc biệt là trong các khu tập trung giam giữ như thế này, việc làm của các ông là một việc làm không thực tế.

-         - Tôi đồng ý điều đó và tôi biết rằng không thể cấm người ta uống rượu được. Tôi biết ngay cả một số phòng trưởng họ cũng uống rượu, nhưng anh có biết vì sao ở những trại khác, người ta cũng uống rượu nhưng không có gây náo nhiệt như ở trại này.  Trại này đêm nào cũng có chuyện và cũng vì rượu cả.

-         -Khi đã say rồi thì ai có thể kiềm chế hoàn toàn hành động của mình? Tôi sống ở trại này, làm sao tôi biết được những gì đã xảy ra ở các trại khác? Nhưng nếu điều ông nói là sự thật, thì theo tôi, có lẽ trại này không thực sự có nhiều băng phái, không có “anh Hai” thật sự như những trại khác cho nên những người uống rượu ở trại khác dè dặt hơn, vì như ông đã biết, khi người ta thật say, người ta không có sức để mà quậy. Nếu có chỉ có tiếng nôn mửa là mất giấc ngủ của những người khác, chỉ khi người ta chưa say, người ta mới phá phách thôi.
-          Theo anh thì làm thế nào để giữ gìn cuộc sống yên ổn trong trại? Tôi và các nhân viên của tôi có nhiệm vụ giữ gìn sự yên ổn cho hơn ba ngàn thuyền nhân ở đây...

    Đến đây tôi chợt nhớ đến cuộc nói chuyện giữa tôi và anh Hậu cách đây vài hôm. Anh nói: “tụi CSD (Correctional Service Department) có thái độ lưng chừng trong việc ổn định cuộc sóng của bà con”.
-          Có lẽ vậy, tôi nói – tôi nghĩ nếu không thì họ đã tạo nhiều điều kiện hơn cho đội trật tự làm việc, chứ không đến nỗi thiếu thốn như hiện nay. Chính sách trại giam, xét cho cùng là để ngăn chận làn sóng ra đi của người Việt. Nếu họ ổn định cuộc sống trong trại, chẳng hóa ra tạo nên một phản tác dụng đối với chính sách ư? Đừng hy vọng ở họ.
-          Anh nói - Ừ phải! Mình không thương mình thì ai thương mình.

     Anh rít một hơi thuốc, ánh lửa làm hồng khuôn mặt trầm lặng của anh. Tính anh ít nói, ít phô trương vai trò cá nhân như mấy tay trật tự trước. Anh không ngần ngại xen vào những vụ xung đột lẻ tẻ trong trại, nhưng không thích hò hét. Tôi thích anh ở điểm này, mặc dù không giao du thường xuyên với anh.
   
      Sau đó, tôi đứng dậy kết thúc cuộc nói chuyện với ông trại trưởng, bỡi vì tôi không muốn phiêu lưu trong mớ ngôn từ trùng điệp của ông, để rồi trở thành một thứ ăng-ten phản hồi những sóng dư luận trong cộng đồng mình.  Phải chăng dân Việt mình hình như bị lừa lọc quá nhiều, rồi tự nhiên có thái độ dè dặt với người nước ngoài, hay tại ông trại trưởng bộc lộ thái độ quá “thẳng thắn” làm tôi phải thận trọng hơn? Tôi nghĩ bất kỳ một sự hợp tác nào  với CSD, cho dù thoạt nhìn có lợi cho cộng đồng cũng phải cân nhắc chu đáo. Tôi tự hỏi, giữa hai loại người: bọn phá ống nước ở phòng vệ sinh, nấu rượu, rồi uống rượu đi quậy với bọn người làm tay sai cho ngoại bang để hãm hại dân mình, ai tồi hơn ai? Háo danh, tham lợi, bị lợi dụng hay cố tình bán rẻ quê hương (Hừ! Bọn người này làm gì có quê hương!) cũng là một.
   
      Hồi sáng nhận thư thằng bạn, nó viết: “dân mình có kinh nghiệm đạp đổ mà không có kinh nghiệm xây dựng...” Tôi sẽ viết thêm rằng: có kinh nghiệp đạp đổ, giáo dục lòng căm thù, kinh nghiệm chiếm giữ vị trí độc tôn trên hoang tàn đổ nát mà không có kinh nghiệm hợp tác, nối lại tình thương. Không có kinh nghiệm để có thể trao đổi thẳng thắn, tôn trọng nhau để đạt đến lý tưởng hòa bình xây dựng.
   
      Có phải vì thế mà cha ông ta đã rên xiết suốt hơn tám mươi năm nô lệ dưới chế độ “bảo hộ” của người Pháp. Ba mươi năm huynh đệ tương tàn, họ bán vũ khí, họ cho tiền, họ “giúp đỡ trên tinh thần hữu nghị” để chúng ta đánh nhau?
   
      Máu của bao lớp thanh niên đã nhuộm hồng sông núi quê hương, xác của em thơ mẹ già cháy xém vắt vẻo trên những cánh đồng, những đồi cây trụi lá có phải là những chiến tích vẻ vang, xứng đáng ghi vào lịch sử hào hùng của dân tộc? Hàng tấn bom đạn dội xuống lòng đất mẹ, lật tung những mái ấm gia đình, thiêu rụi những công trình văn hóa, có phải là những điểm chốt trên bản đồ chiến tranh nóng của những siêu cường? Xương máu dân mình có phải rẻ mạt không? Hàng vạn nhà tù, trại cải tạo dựng lên để đày đọa dân mình, hàng trăm ngàn thanh niên đã bị loại khỏi học đường, vùi thây trong vùng rừng thiêng nước độc; để rồi lớp lớp người bỏ xác trong lòng biển cả, bao nhiêu thiếu nữ rơi vào tay hải tặc. Mẹ ơi! Mẹ ta ơi có còn nước mắt không? Để khóc cho quê hương dân tộc đọa đày.
   
     Tôi nằm xót xa phận mình, tù đày giam hãm, xót xa cho mẹ già gánh hàng rau, đêm lạnh đường xa, cho người cha góp nhặt tàn lực của đời mình lăn bánh chiếc xích lô nặng nề qua phố vắng đêm khuya, sau cuộc đời mười tám năm binh lửa, cho người em nước mắt nhỏ giọt trên từng trang giấy trắng vì bị loại khỏi học đường, ước mơ cháy lòng của nó. Những suy nghĩ miên man... đưa tôi vào giấc ngủ muộn màng, mệt mỏi...

Nguyên Đại
1991
Trại Bạc Đầu (Whitehead Detention Centre - Hong Kong)
Hương Cảng -Trại giam thuyền nhân Việt Nam




15 May 1991

Chiều

Poem
Section 10, Whitehead Dentention Centre
Shatin, Hong Kong- Trại 10, Đầu Bạc
Tháng Năm, 1991

Ta nhìn trại tù nhạt nhoà dần trong nắng chiều mùa hạ
Thép gai giăng giăng đâm rướm máu ước vọng đời trai
Bước chân lê qua những sa mạc thời gian mòn mỏi
Lòng người phân tán và ta hoài chán ngán chuyện quê hương

Ôi! Quê hương, một mảnh trời xanh ngọt ngào kỷ niệm
Ôi! Đất Việt, mưa nắng hai mùa mẹ trĩu nặng đôi vai
Ôi! Quê ta bờ biển xanh sớm chiều rực rỡ nắng
Ta nằm đây thổn thức, quẩn quanh, tháng ngày dài lưu lạc

Nguyên Đại