Showing posts with label Short writing. Show all posts
Showing posts with label Short writing. Show all posts

12 June 2015

Tài và Tâm


Trò
: Mấy tháng trước thầy đã dạy con về Đao, Đào, và Đạo; con đã miệt mài đọc kinh sách, tụng niệm và trì chú, nhưng đường Đạo đối với con mỗi ngày như mỗi xa xôi...và dường như con được thử thách, nên con gặp Đào, nhiều hơn là Đạo...

Thầy: Này con, đem đến đây một tờ giấy, và một cây bút...Viết xuống đây chữ T. Con thấy đó, con không thể viết được chữ "t" mà không có hai nét ngang-dọc, đó là sự hội ngộ, là sự gặp gỡ giữa những khác biệt, là sự hợp giao duyên phận của mẹ cha, để khi con cất tiếng khóc "a...a" chào đời, nên một hình hài riêng biệt, đó là chữ Ta, là chính con, là cái "ta". Con bước vào đời sống rộn rã này, trong các mối quan hệ con gặp một người, nhiều người, tai. Ta và i, có khi đó là sự lắng (tai) nghe để học hỏi, trao đổi, nhưng cũng lắm lúc là hiểu lầm, thị phi, là tai nạn.

Trong cuộc tranh đua với đời sống, con luôn kéo về phía mình tiền của, danh vọng, con kéo những thứ đó về cái ta, nghĩa là "có lời": hãy thêm dấu huyền trong cuộc đua tranh giữa con và tha nhân, con sẽ có chữ Tài: đó là tài vật mà con kiếm được; cái gọi là "tài năng" của con mà mọi người khen tặng, tâng bốc. Đừng bao giờ con ỷ lại vào tài năng của mình để xâm phạm tha nhân vì "Chữ Tài liền với chữ Tai một vần" (Truyện Kiều).

Này con, hãy xem, ta thêm ba (3) nét vào chữ tài....con hãy nhìn: đây là chữ tâm: nét trên đầu chữ a: có trái có phải, khi con biết nhân nhượng, biết cân nhắc phải trái, biết chừng mực, cái ta của con sẽ được thông cảm, chở che, và khi con thêm hai nét vào chữ i, để thành chữ chữ m. Tam, đứng dưới một chiếc dù (dấu mũ của chữ â), đó không phải là biểu hiện của sự che chở, thương yêu sao. Người có tâm là người biết thương, biết quý trọng, ta và em cùng đến, và gặp gỡ trong cuộc đời này, không phải để thương yêu nhau sao. Thi hào Nguyễn Du đã kết thúc Truyện Kiều bằng câu: "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài". Lòng bao dung, thương cảm, chấp nhận, chở che có khả năng loại trừ những đố kỵ, ghen ghét, hận thù. Đây là chữ Tâm, trên tờ giấy này, ta tặng cho con....

....

Trò: Bạch thầy, con đã đem cái tâm thương mến, từ bi vào cuộc đời: Nhiều người đã thương yêu và kính trọng con, nhưng cũng có một số kẻ khác ghen ghét, ganh tỵ, hận thù. Con không thể nào chinh phục được trái tim của họ...Chữ Tâm mà thầy cho con, lúc nào con cũng mang bên mình, con nghiền ngẫm và học tập mỗi ngày, con đã có nhiều thành công trên con đường thương yêu, nhưng...con phải nói rằng... con cũng có nhiều thất bại, cay đắng...

Thầy: Đưa chữ Tâm đó lại cho ta....[ xé đi và tung lên...], này con: Phật dạy: Ngón tay ta không phải là mặt trăng. Lời ta dạy cho con, có thể là kinh sách, cũng chỉ là những bảng chỉ đường. Đừng nhầm lẫn bảng chỉ đường, với những con đường. Kinh sách, tượng đài, miếu chùa, sư sãi, và ...chính ta, người thầy trước mặt con đây, cũng không phải là đạo.

Hãy nhìn sang bên này, trong khu vườn ta và con cùng đứng đây, cây lá đang đâm chồi...Hãy hỏi bụi cây kia, vì sao lại đơm lá, để rồi lá trở nên già, cằn cỗi và úa vàng. Hãy hỏi con giun dưới đó, vì đâu mà nó được sinh ra, và sinh ra để làm gì... rồi có thể phải làm thức ăn cho con chim vừa sà xuống đằng kia. Đời sống đang mở ra trước mắt...Chính đời sống đó mới là điều con sống, nghiền ngẫm, và học hỏi mỗi ngày. Chính đời sống đó mới là cái Thấy, cái Thấy thật, thật giống như mặt trăng, mặt trời vậy.

Nguyên Đại
12 Tháng Sáu 2015


07 May 2015

Tại sao?


Tại sao thái tử Tất-Đạt-Đa (Phật) lại trốn (vợ) ra khỏi thành vào lúc nửa đêm để vào rừng (đi bụi đời)?
...
Tại vì ổng nhức đầu quá!!!
:-)

Nguyên Đại
7 Tháng Năm 2015

30 October 2014

Về Quy Nhơn

(Thư của anh Tuấn/ con dì Bốn)

Đại khỏe không? Anh mới về từ VN. Chôn cất Má anh xong. Anh về QN mấy hôm và ở lại nhà Dì 9. Hằng chở anh đi dạo phố biển. Anh gặp Tùng và tất cả các con của dì 7. Đây là lần thứ 2 sau 23 năm anh mới về lại VN. Lần đầu vào năm 1992. 

QN mình nhiều đổi thay anh nhìn không ra. Đã đi nhiều nơi anh vẫn thích và yêu QN phố biển của mình. I have done and accomplished so many things here in America after 35 years. Mostly for my own family. I feel I am old when mấy em gọi anh bằng chú. Anh thật sự cảm thấy mình già đi. 

Nhìn những cặp tình nhân hẹn hò trên bãi biển hay những quán cà phê trữ tình của QN anh cảm thấy ghen tị với họ. Oh my Goodness, I completely lost those times...Ra đi mới có 15 tuổi. Đến tuổi biết yêu không có dịp chở em trên chiếc xe máy. 

Ôi những cái đơn giản nhất anh đã thật sự mất đi. thôi thì ..." Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa, cho tôi về đường cũ...." Anh về đến Mỹ rồi mà lòng vẫn còn ở QN. What should I do? My cousin Đại....

***

Anh Tuấn,

Em mừng cho các anh chị đã làm xong việc cho Dì. Mong ước của Dì là được về quê nhà, Dì có linh thiêng cũng được toại nguyện. 

Anh đi đã lâu, và VN thay đổi nhanh; giống như tờ giấy rồi có nhiều bút chì đủ màu vẽ lên trên đó, có nét vẽ đẹp, có nét "kỳ cục". Lần đầu tiên em về, đi quá căn nhà em một chút là em không còn nhận ra đường sá nữa. 

Năm 2010, đi coi đốt pháo bông gần eo biển, lúc về nhà em còn bị lạc, một lát mới nhận ra đường về :-). Quy Nhơn có những nét êm đềm của một thành phố biển nhỏ, rất hợp với tuổi của anh em mình bây giờ, cộng với những kỷ niệm thời thơ ấu, nên anh nhớ và yêu nó là phải. Em cũng vậy.

Năm tháng đâu có nhường ai, mình cũng lớn tuổi rồi; anh "được" gọi bằng "chú" phải cảm thấy thú vị chứ. Thứ nhất, đứa con gái đó thành thật, chứ anh vào SG, già hơn 20 tuổi nữa, cũng vẫn sẽ có em gọi bằng "anh" như thường. Thứ hai, anh vẫn còn may hơn em, đã có lúc em được gọi bằng "bác" :-)

Anh thực sự đã có một tình yêu đẹp, một cuộc sống vui vẻ, và bình an, ít sóng gió; hạnh phúc đó đâu phải ai cũng có. Những cặp tình nhân hẹn hò trên bãi biển, không phải tất cả đều hạnh phúc, cũng sẽ có những người rất lo sợ không biết tương lai cuộc sống của mình sẽ ra sao. 

Người nghèo họ lo đã đành, người giàu cũng có nỗi khổ của họ, không biết tình trạng này có thể kéo dài được bao lâu, nhất là cơ chế chính trị không ổn định của VN so với nhiều nước khác như: Mỹ, Canada, Úc.... Mình thấy nét trẻ trung của họ, nhưng nỗi lo của họ không hiện ra cho mình thấy; giống như mình một thời trẻ ở VN cũng không biết tương lai sẽ về đâu...

Người có hạnh phúc là thấy hạnh phúc kề cận ngay bên mình, chứ không phải thấy hạnh phúc ở phía chân trời. Về Quy Nhơn thấy QN đẹp, và mình là người từ đó ra đi, có thân nhân, có kỷ niệm ở đó để nhớ,....đó là hạnh phúc. Về Cali, có gia đình, có cuộc sống ổn định, có sự bình an,....đó là hạnh phúc :-). 
Em chúc anh luôn được bình an, và hạnh phúc.

Em: Đại
30/10/2014

30 September 2014

Lang thang

Chợt
Chợt nghe năm tháng vây quanh
Hinh như mình vẫn lanh quanh tơi bời
20/9/14

Kim Cương
Buổi sáng, băng qua đường, nhìn những viên kim cương trong tiệm vàng, chóa vào mắt, trắng vàng... 

Con người cũng "kỳ lạ": cố gắng hết sức để "đem mấy cục đá (kim cương) cất ở một chỗ khác để không ai biết" (mua đem cất ở đâu đó....); rồi có dịp móc vào tay, vào cổ (cho nặng chơi) và cảm thấy sung sướng khi người khác trầm trồ, khen. 

Và, nơm nớp, lo âu: sợ bị rớt mất, bị người khác đánh cắp, gây thương tích cho mình. Một ngày... ra đi...tan thành tro bụi. Mấy cục đá lại tiếp tục số phận của nó đối với những người khác. 

Mấy cục đá đi lang thang, và con người cũng "lang thang" đau khổ...:-).
22/9/14

Tiếp Thị
Thì ra công việc tiếp thị, hay sinh hoạt cộng đồng, trong công sở đã được ông bà mình dạy từ lâu rồi:

"Ăn quả nhớ kẻ trồng cây": nghĩa là phải nhớ đến cái "ơn" của khách hàng, thân chủ, chăm sóc "cái cây" đó, để nó sinh "quả" cho mình hưởng dụng.

"Ăn cây nào rào cây nấy": nghĩa là phải "chăm sóc" cho cái cây của mình, công ty mà mình đang làm việc, nó có lợi thì mình mới có lợi; phải tôn trọng người đã giúp đỡ cho mình, lúc mình không có cái gì để ăn. Ăn mà không rào, thì làm gì có nữa mà ăn.




24 September 2014

Buôn

Chào thầy, có thể giúp gì được cho thầy
Chào anh, tôi muốn làm cái Will (di chúc)
Ô! có thể giúp được, mời thầy ngồi...

...trong trường hợp thầy có chuyện gì, xin phép nói thẳng để tránh sự hiểu lầm, là nếu như thầy qua đời thì ai sẽ là người quản lý tài sản, rồi thì chia cho ai, chia như thế nào ạ?

Cô...(họ và tên) sẽ là người quản lý, và chuyển hết mọi tài sản của tôi cho cô ấy bao gồm bất động sản ở địa chỉ ... đó cũng là ngôi chùa của tôi.



Địa chỉ của thầy ở ... là một căn nhà được dùng làm chùa phải không ạ?
Đúng rồi
Vậy cô ấy ở đâu? và là quan hệ với thầy như thế nào, là chị em, bà con...?

Không, cô ấy là sư cô, không có quan hệ gia đình gì với tôi cả.
Ô, vậy sư cô ấy địa chỉ ở đâu?
Ở cùng địa chỉ
Sao, thầy nói sao...sư cô ở cùng địa chỉ với thầy?
Đúng, cùng địa chỉ

Chùa còn có thầy, cô nào nữa không ạ?
Không, chỉ có hai người...
....
Chiều nay thầy trở lại, mọi giấy tờ sẽ được làm xong để thầy ký...

(Đó là một mẫu đối thoại, vào sáng hôm qua, giữa mình và một "thầy" 36 tuổi; và theo giấy tờ, "cô" 39 tuổi)

Mình vừa làm việc...thỉnh thoảng cười cười...


24/9/14

Cốt tủy của Đạo Phật là ở chữ "buông", nên Phật đã buông bỏ gia đình, ngai vàng,...để tìm Đạo, nhưng một số đệ tử của Ngài đã không Giữ được cái tâm của mình để nó vướng mắc...lung tung, thiếu chữ G, nên không buông được mà thành "buôn", thật buồn...

16 September 2014

KHÀ

Cảm giác sau một ly rượu đắng, rất đời... pha lẫn cay đắng và hạnh phúc, thưởng thức và chịu đựng...mờ mịt giữa hiện thực và giấc mơ...

Lang thang tôi ơi qua giấc mơ thôi
Cạn chén này, khà...suốt một đời tôi...

Nguyên Đại
9/14
fb status

29 August 2014

Nhớ Phá Tam Giang

Em còn nhớ những mùa khoai sắn
Thương quê mình cay đắng ngậm ngùi
Em còn nhớ dấu chân cát trắng
Sóng gọi đò trên phá đầy trăng


Nguyên Đại
29/8/14

Hai năm trước...trên những đụn cát, bên bờ Phá Tam Giang...
https://www.facebook.com/notes/654071201279524/

20 August 2014

Nhớ Quê

Bỗng thấy nhớ một cánh cò trên sóng lúa
Những tên gọi chơn chất ruộng đồng
Đêm tát nước ồn ào í ới
Một tiếng gà tao tác bên sông...

Giấc mơ như cơn gió hú trên đồi phi lao
Cuốn vào sóng, mù bụi cát...

Đời nghêu ngao hát
Mãi một dòng tâm...



Người đi...theo mây, theo cơn gió hú trên những đồi phi lao cát cháy, cho những ước mơ của mình, ...cuốn vào sóng, mù bụi cát, khói cay, xe ngựa thị thành... 

Một ngày, chợt nghe tiếng gọi của đồng quê, vui buồn theo dòng tâm linh miên mãi trên mọi nẻo đường đời...

Nguyên Đại
20/8/14

10 July 2014

Cúi đầu

Em hãy cúi đầu xuống
Thấy mình đứng trên đất
Biết đây là sự thật
Không còn và không mất

Hãy cúi đầu đi em
Thấy mình thật bé nhỏ
Học hỏi và khiêm cung
Đường đời đi bớt khó

Cúi đầu xuống đi em
Nhận ra màu đại địa
Màu bền vững muôn đời
Dẫu lòng người thay đổi

Này em hãy cúi đầu
Thấy chân mình trọn vẹn
Ta cũng là tha nhân
Lòng vơi đi sân hận

Em ơi hãy cúi đầu
Nghe nhịp đập từ tâm
Không còn bờ bến vọng
An từng bước thăng trầm

Nguyên Đại
30/11/11


Tôi viết bài thơ này để tặng cho các em trong gia đình. Tối hôm qua đến nhà người bạn, có dịp ôn lại những ngày tháng qua của đời mình, càng thấy thấm thía, chợt nhớ đến bài thơ này, hình như không phải chỉ tặng cho các em tôi mà như một lời nhắc nhở, một quà tặng cho chính mình.

Cúi đầu để biết mình đang đứng ở trên mặt đất này, nhận ra những sự thật như đất dưới chân mình. Đất: nơi mình đến và sẽ trở về, cho dẫu giàu hay nghèo, “được” hay “thua”. Đất: không còn và không mất. Những lấn lướt, tranh đoạt cũng sẽ trở về. Bạn nói: vậy cũng đủ rồi, một đời người qua. Tôi nói: Ừ, phải...Mình cạn ly.

Cúi đầu không phải là một hành động hèn hạ, khuất phục; mà là chứng tỏ sự hiểu biết của mình về sự hữu hạn bé nhỏ của chính mình như một con người. Cúi đầu để chứng tỏ lòng tôn trọng tha nhân, cúi đầu để biết ở đâu trong cuộc đời này, mình cũng cần anh em bè bạn để có thể dìu nhau đi trên đường đời gian khó. Đôi mắt tôi ở đằng trước, bạn sẽ chỉ cho tôi, phía sau tôi có những gì. Tôi nghĩ, có lẽ người Nhật, một dân tộc bất khuất và có tinh thần kỷ luật cao, cúi đầu rất sâu chào nhau vì lý do này.

Tổng Thống Obama, lúc mới nhậm chức, đi công du Nhật Bản, đã cúi đầu rất sâu chào Nhật Hoàng, có ý kiến cho rằng cách chào hỏi đó từ một lãnh tụ của siêu cường số một thế giới đối với ông vua của một nước nước nhỏ là nhũn nhặn quá đáng. Tôi không nghĩ vậy, Tổng Thống đã cúi đầu với lòng tôn trọng dân tộc và văn hóa Nhật Bản.

Cúi đầu để nhận ra mặt đất muôn đời, nhận ra những giá trị bền vững trong cuộc đời như đất; dẫu đời sống có những thăng trầm, như gió như mây, như lòng người thay đổi.

Cúi đầu để thấy chân mình trọn vẹn, như lời của một bài hát hãy nhìn xuống chân mình để thấy ở đó những chai sạn lỗi lầm; để nhận ra sự nhẫn nại vô biên của mặt đất dẫu nhận biết bao nhiêu sự chà đạp, để thông cảm được với những lầm lỗi của tha nhân; và giận hờn, oán trách, hận thù sẽ được vơi đi.

Cúi đầu để lắng nghe nhịp đập từ trái tim mình, cảm nhận được hạnh phúc được Thượng Đế ban cho kiếp người, được cha mẹ hy sinh để cưu mang, đem mình đến với cuộc đời này, nhận ra được hạnh phúc của mình trên từng bước thăng trầm.

Nguyên Đại
10/7/14

Đời sống, đóa hồng gai thơm ngát
Tránh gai đi, và khẽ cúi đầu
fb commt 25/9/13

14 June 2014

Những Lá Thư...

Trại TAC đã bị "san bằng" sau này
Những người bạn tù của tôi ngày xưa...
Hôm nay, ngồi đọc lại chồng thư cũ, những lá thư đã đi qua đời tôi 23 năm trước, cảm giác...(không biết nói sao)
Chia sẻ với bạn nhé...
(Một số tên riêng được viết tắt, hay thay đổi, vì lý do tế nhị...có lẽ các bạn hiểu)



Chi Ma Wan 16/1/91
Anh Đại thương!
Nhận thư anh lâu rồi, cái hôm vừa nhận cánh gà II, chán quá anh à, em không muốn viết thư từ và nói chuyện với ai nữa, thích ngồi một mình đóng kín màn lại, rồi cũng không biết làm gì nữa, vậy mà cũng thích ngồi, biết là viết thư chi cũng rên; hiện giờ anh cũng có nỗi khổ giống em mà, rên với anh làm chi anh hỉ? Vậy mà cũng thích rên rỉ cơ. Em còn sợ cho cu H [em trai] quá chừng, giờ em ở đây hay về cũng được, chứ con trai mới lớn mà giam giữ vậy tội nó quá. Em cứ sợ nó bất mãn rồi đâm ra làm nhiều chuyện bậy bạ. Nhưng may mà H nó rất ngoan, sợ em lắm nói chi nghe vậy, với tất cả tình thương em dồn hết cho H. Lâu nay anh có đi làm không? Vắng tin tức Shatin nên buồn lắm. Anh H, anh C, V, chú M làm chi? Em hoàn toàn không biết tin tức gì cả.

Chimawan dạo này buồn lắm, chỉ còn em và bé C. C tiếp kiến rồi, mà hy vọng lắm vì rất nhiều người giúp. Có lẽ em là người cuối cùng ở trại CMW, kiếp trước nặng nợ quá, giờ phải ngồi tù CMW đây anh, ắt là số phận mà phải chấp nhận.

Anh Đại thương! Em nghe nói Shatin gần chuyển trại hả? Chuyển thì nhớ cho em biết nhé. Trại em chắc không chuyển. Lâu quá rồi không thấy anh, anh cho em xin cái hình đi. Bữa nay anh ốm hay mập. Em thì ốm lắm, ai cũng quở, em còn 36Kg à. Hôm Noel có chụp hình nhưng mà gởi họ sang họ chưa đem vô nơi, lúc mô có, em sẽ gởi cho anh nhé. Bạn em bây giờ không còn ai, buồn quá. T nó cũng đi rồi, ngủ một mình buồn ghê. Mấy ông trong trại kêu em và C đi hát hò cho vui để giúp vui bà con, em cũng liều đi cho đỡ buồn, anh ạ, cho quên đời, chỉ có vậy thôi.

Em dừng đây nhé, thương chúc anh vui, may mắn, cho em gởi lời thăm mấy người quen nhé.
Em

Chi Ma Wan 2/3/91
Anh Đại thương!
Nhận thư anh khá lâu rồi, giờ em mới viết cho anh đây. Anh vẫn khỏe phải không anh? Tối nay đem thư anh đọc lại tự nhiên em khóc, không hiểu sao nữa, có lẽ buồn cho cái số hẩm hiu của anh em mình quá thiếu may mắn. Nhiều lúc em muốn viết thư cho anh thật nhiều, nhưng rồi không viết được, vì viết chừng nào quá khứ càng hiện rõ làm em phải phát sợ khi nhớ về dĩ vãng ấy. Đôi lúc làm em giật thót cả người, và tự mình làm cho quên đi để khỏi phải buồn rồi lại khóc, mà bữa nay em cô đơn lắm, không còn một đứa bạn để tâm sự khi gặp nỗi buồn, giờ chừ em sợ làm bạn thân với ai lắm, sợ cảnh chia tay, sợ những lời từ biệt, với lại không còn ai để làm bạn nữa, hình như con người trở nên khô khan thì phải, em muốn vứt bỏ tất cả, thậm chí căm ghét tất cả.

Anh Đại ơi! Răng mà càng nghĩ, càng tức, ức, buồn. Có lẽ kiếp trước mình ác quá thì phải! À, ngày ni có một số ở Shatin bị bắt qua CMW không biết khu mấy nữa. Ở khu 10 có hay đánh nhau không anh? Chắc là không tránh khỏi những chuyện chướng tai gai mắt anh hỉ? Anh vẫn đi làm thường chứ! Anh phải trực đêm hả? Mỗi lần trực mấy người? Chắc là buồn. Ngày 25 Tết vừa rồi em nhận thư thầy D. và hình, thầy tội quá. Ông xin về hưu và đi chu du từ Nam chí Bắc, chi phí đều do học sinh võ mời đi.

Anh Đại thương! Em nghe nói T sắp lập gia đình hả? Đôi lúc nghĩ cuộc đời chán thiệt, ngay cả em cũng thuộc vào loại chết rồi chỉ còn cái nước ép gả này thôi. Em sợ quá, em bất mãn thật sự. Nếu em đi một mình thì sao cũng được nhưng đây còn cu H nên cũng phải tính đường, tội cho cu H quá chừng cái tuổi mới lớn, am hiểu, hiếu động mà phải ngồi tù, em chỉ lo cho nó thôi, còn em sao cũng được. Bé C và chị A thì hy vọng được ra lắm, C. nó sửa soạn đồ đạc rồi đó, đôi lúc nghĩ tới mấy đứa thấy mình ngu dại quá chừng. Ở bên này ngày nào cũng có cô dâu cả, họ đi theo hôn thê cũng đông lắm và đoàn tụ cũng nhanh ghê.

Anh Đại ơi! Răng mà tự nhiên thấy buồn và cô đơn ghê ri, mới viết thư cho T xong, nó cũng gần bay sang Mỹ rồi. Cả ngày nay em tập đàn cả ngày, làm chi cũng chán, em học không vô được một chữ nữa đó, dễ điên thiệt. Chi Ma Wan ngày ni mưa càng buồn hơn, em cảm thấy bị ớn lạnh quá chừng, thỉnh thoảng đi ra sân chơi, nhìn hàng rào trại trên mà bao nhiêu kỷ niệm để nhớ, giờ Upper camp là một địa ngục. Lower camp trở nên cô quạnh hơn. Chiều chiều có gió coi mấy đứa nhỏ thả diều vui ghê, mấy đứa như cu H là cứ hặm hụi làm diều cả ngày, đi thả, đứt dây, là coi như toai luôn, vui lắm. Cho mình trở thành đứa bé để đừng biết buồn, đừng lo âu nhỉ. Í, tối nay có phim lệnh 07, anh có theo dõi film không? Em ít thích coi lắm. Vừa vồi, em có coi phim Love Story tội hỉ? Anh có coi không? Thôi em dừng đây, đi coi cho vui chứ ngồi một mình trong căn phòng vắng lặng buồn thêm. Thương chúc anh vui, may mắn. Cho em gởi lời thăm all nhé. Nhớ viết thư cho em, em thích đọc thư anh lắm đó. Em dừng.
Em

KaiTak 8/10/91
Anh Đại thương nhiều!
Chắc là buồn lắm phải không anh? Em quá may mắn được thoát rồi, tuần tới này em đi Phi, vậy là không gặp được anh, buồn lắm anh Đại ạ. Mặc dù em được tự do nhưng vẫn buồn và lo cho những người còn ở lại, đành bất lực vậy. Ở ngoài này buồn lắm. Bé C, chị A được ra ngoài ở để chờ đi thẳng Mỹ, còn em phải đi Phi, ra đây cái chi cũng tiền cả. Í, không phải than thở đâu anh nhé, kể chuyện cho anh nghe mà. Hai đứa em thì không biết đường, đi Phi thì mậu xìn, để mua đồ nên buồn lắm, còn ăn cơm thì thua ở trại cấm nữa, lần nào ăn em cũng bị sình bụng vì cơm sống, ra đây em mất 2 Kg, nên mặt mày như ma đói. Em mất liên lạc với bé T rồi, không biết giờ T ở đâu nữa. Ngày mai em được ra phố nhưng cứ đi đại vì không biết đường như người nhà quê vậy đó.

Anh vẫn đi làm chứ! Anh hãy cố gắng nghe anh, anh nhớ giữ liên lạc với em nghe... chắc không bao giờ em quên anh đâu, anh hãy tin ở em. Vài dòng thăm anh thương, chúc anh vui và phải nhớ em đó! Gởi lời thăm những người quen

12/10/91... Sáng nay nghe trại đọc thư, em có thư, em không ngờ là nhận thư anh nữa đó. Tuần tới này em phải đi Phi, không biết cách nào để gặp được anh nữa, cũng như anh T của em và V.

Em cũng vừa nhận thư T. T ở Mỹ rồi. Hình như TM đã có con (em nghe người ta nói). Hiện giờ em trên đường vào Chimawan, giá như anh ở CMW nhỉ? Sáng nay có anh phiên dịch dẫn tụi em đi chứ không thì không biết đường vào CMW đâu. Hồi hộp vào CMW quá, thật tình nhớ và thương những người còn ở trại lắm. Anh vẫn ở nhà à, sao không đi làm cho vui? Em được ra tự do mà không ai ngờ được đó anh, bỡi vì em đã có 2 cánh. Cũng may thiệt hồ sơ đưa xuống CDD t/k lại. 8 tuần sau là ra, eo ơi, mừng lắm. Vậy là em hết đi "hôn thê" mừng lắm anh ạ. Cũng nhờ hồ sơ cu H đó. H bữa nay lớn lắm. Qua Phi em sẽ thư về cho anh nhé. Chúc anh vui và may mắn như hai em. Thương nhớ anh nhiều.
Em

Hong Kong, 3/6/1992
H. thương!
Hôm trước anh đã gởi đến em một lá thư theo địa chỉ của em, nhưng lâu quá không thấy thư hồi âm....Nếu có điều khó nghĩ, thì đừng suy nghĩ nữa; bởi vì trong cuộc đời có những vấn đề mà để giải quyết nó là không giải quyết gì cả. Anh không buồn hay hờn trách gì em đâu. Tại sao phải trách cứ một người, nếu người ta không làm những điều mà mình muốn họ làm. Em có tin rằng thường chiến tranh xảy đến và con người chết vì những điều vô lý như vậy không? Người ta xây dựng "cái hữu lý" của riêng họ, và tranh chấp những "cái hữu lý" với nhau, sự tranh chấp cũng gọi là "hữu lý", họ đã lấy "cái không" làm "cái có" vậy.

Em đã đi học rồi chứ? Công việc làm thế nào? Đã qua những phút đầu bỡ ngỡ nơi xứ người đất lạ chưa? Có dịp đi Mỹ gặp lại những bạn bè cũ chưa? Không còn ai ở Chi Ma Wan nữa hỉ?...

Tai A Chau rừng hoang đảo tái sinh, bốn mùa cây lá vẫn xanh...Cơn gió ngoài đại dương vẫn không ngừng lay động. Lá rụng trôi trên mặt hồ sóng gợn. Đâu đó vẫn có tiếng sắt thép, tiếng gọi của sự tù túng, nhưng tiếng con chim "bắt cô trói cột" vang lừng trên những cánh rừng, thảm cỏ xanh mơn mởn, nhịp đời đi thong thả...Đọc "Câu Chuyện Dòng Sông" của Hermann Hesse chưa? Tìm được, nên đọc, một trong những sách hay mà anh giới thiệu cho em đấy!

Chiều về...Chân trời hoàng hôn bàng bạc, ta lao như bay tìm đến chân trời, chợt vấp ngã tê điếng người run rẩy, nhắm mắt lại hoảng sợ chờ tử thần đến gọi ta đi. Ta bàng hoàng xót xa tủi hận cho một đời nổi trôi, vùng vẫy, chân trời vẫn tận đâu, xa tít tắp ngút ngàn...Ta biết mình chuẩn bị sang bên kia bờ thế giới đen tối mịt mùng. Ta sợ quá! vùng dậy...nhưng ta kiệt lực, nỗi cô đơn vỗ đập quanh ta, chỉ bóng tối bao trùm lên thân ta, ta rên xiết trong khổ đau quằn quại. Ta hoài mong trong tuyệt vọng vô bờ...

Nhưng từ đâu một ý chí tiềm tàng vùng dậy. Ta đứng dậy đem chút hơi tàn lao tới trước, thân mệt lử trên đôi chân xiêu vẹo, ta gục xuống...bên bờ cát, cát mát rượi...Nằm yên nghe sóng vỗ, ta nghe cát rộn ràng trong nắng. Ta nghe cát reo vui bay bay trong cơn gió dịu dàng, ta nghe cát mơ màng ...Ôi! ta ước ao mình trở thành hạt cát, không khổ đau, không hoài vọng, không chờ mong...Ôi ta...tiếng sóng...vậy là ta chưa bị hủy diệt, ta từ từ mở mắt...Ta thấy mình đang gục đầu trên một bờ cát, những cơn sóng xa làm ướt mái tóc ta. Ta đứng dậy! Ô hay, sức thần tiên trỗi dậy trong ta. Bọt sóng trắng xô vào ghềnh đá...rì rào tiếng sóng nhẹ quanh đây...Ta đang đứng giữa đường chân trời và mặt trời đang lặn dưới chân ta...

Quay lại, thành phố đã lên đèn. Con chim sắt với cặp mắt xanh đỏ chớp nháy đang bay trên bầu trời đẹp quá. Ta yêu quá, yêu thành phố, yêu bờ biển này, ánh sao đêm sớm sáng lóng lánh trên bầu trời xanh nhạt...Hạt cát trên tay ta nhỏ nhoi hiền dịu...Đứa trẻ con đen đuốc lang thang trên bờ biển tìm vỏ sò, vỏ ốc...Ta yêu ta, và ta mỉm cười, ta thấy nụ cười của ta sáng trên mặt sóng...

H. thương, hiểu những dòng này của anh như một lá thư hay là một "tùy tiện" đoản văn, tùy em. Em cảm thấy vui, và bình an là được. Cầu chúc em an vui.
Anh Đại
...

Mấy tháng sau, cuối năm 1992, tôi rời Tai A Chau, "ra tự do", sang Philippines, kết thúc 4 năm 6 tháng bị giam giữ ở các trại Chi Ma Wan, Hei Lin Chau, Đầu Bạc (Shatin/ Whitehead), Tai A Chau...

... 16 năm sau (2008), gặp lại nhiều bạn bè ở Mỹ, gặp lại những người đã viết những lá thư rất chân tình gởi cho tôi hơn 20 năm trước trong những ngày cùng cực thất vọng ấy...Xiết tay nhau với lòng trân trọng...


Nguyên Đại
14/6/14

04 April 2014

ĐẠO và ĐÀO

Trò
: Sư phụ, con không biết mình có duyên với Phật không, nhưng từ khi bước vào chùa, mỗi ngày con thấy con trên đường tu dường như mỗi gian nan hơn, không biết con có thể đắc đạo không; có vẻ như con gặp nhiều phụ nữ, phụ nữ đẹp, hơn; nên có bạn bè trêu chọc, con có thể "đắc đào" thay vì đắc đạo.

Thầy: Này ta nói con nghe! So với đàn ông, phụ nữ yếu đuối hơn, thường có cảm giác bất an, họ cầu nguyện nhiều hơn, nên hay đến chùa. Có lẽ vì vậy mà con gặp nhiều thí chủ, cư sĩ là phụ nữ. Người Trung Quốc hay nói trên đầu chữ "Sắc" có con dao, nhưng tiếng Việt của mình cũng thâm thúy không kém, nếu không nói là hơn.

Này ta nói con nghe! Thanh ĐAO là một vũ khí, khi chặt xuống một nhát từ trái sang phải, giống như dấu huyền, thì thành chữ ĐÀO, cũng là một chữ dùng để chỉ người phụ nữ. Đàn bà như một dấu đao chặt xuống. Nếu con không có chừng mực, nghi ngờ về giới luật, đặc biệt là sắc giới, mà ĐẢO qua đảo lại (thêm dấu hỏi vào chữ "đao") thì một ngày nào đó con sẽ hiểu cảm giác cô đơn như một hòn đảo nhỏ quay cuồng trong những cuộc tình trôi qua như sóng vỗ, rồi vỡ tan như bọt nước. Còn nếu con không nghiêm hạnh, mà ĐÁO tới, đáo lui, thì hậu quả sẽ khôn lường, giống như con phải chịu thêm một nhát đao nữa từ phải qua trái (dấu sắc).

Trò: Như vậy, con phải đối xử với họ như thế nào?

Thầy: Nếu con được sinh ra để làm một chiến sĩ, một người lấy sự chinh phục làm lẽ sống, thì hãy bước xuống đời sống hôm nay, mang thanh đao hùng tâm của mình đến với cuộc đời. Từ trong mất mát, khổ đau; con sẽ học ra bài học về sự vô thường của hạnh phúc. Từ trong thất bại, hy sinh; con sẽ học hiểu bài học về lòng nhân ái, vị tha. Từ trong sự chia ly, phản bội; con sẽ học được cách biết yêu thương với lòng từ ái, vô vị lợi.

Con đường đạo hạnh và con đường của đời thường không bao giờ là những con đường riêng biệt. Màu áo có thể khác nhau, nhưng trước khi con bước vào ngôi chùa này, con vẫn là con, được sinh ra và đến với cuộc đời này từ sự tác hợp của cha mẹ con. Sự khác biệt là ở chỗ: con đi trên con đường đó với một tâm trạng như thế nào, với sự tham đắm, hờn giận, mê muội; hay với tuệ giác của một người hiểu biết.

Phật không phải là người có quyền năng, hào quang chói ngời v.v...như nhiều người vẫn nghĩ. Phật chỉ đơn giản là người hiểu biết, người tĩnh thức, có vậy thôi. Không ai có thể thắp ngọn lửa sáng trong tâm linh của con, chỉ có chính con mới có thể làm được điều đó. Không ai có thể chuẩn bị cho con một hành trình tâm linh, chỉ có chính con mới làm được điều đó.

Khi con từ bỏ thanh ĐAO hung hăng, mà cúi đầu với lòng tôn trọng tha nhân; khi con đặt xuống một dấu CHẤM cho những tham lam ngút ngàn, những giận dữ u tối, và những mê muội thiếu hiểu biết thì con đã từng bước trên con đường sáng, đó là ĐẠO.

Con đang nắm thanh ĐAO trong tay, hành xử, bỏ dấu như thế nào là do con chọn lựa. 

Nguyên Đại
4/4/14

28 March 2014

Đường tu

Tối hôm qua, nói chuyện với một người bạn, anh vừa xuống tóc thọ giới Giới Tử, trường phái Nam Tông, Phật Giáo Nguyên Thủy ở một ngôi chùa trên Ban Mê Thuộc, ở đây có chỗ tu học cho cả hai trường phái, Bắc và Nam Tông.

Anh về Việt Nam, khoảng bốn tháng trước, bắt đầu từ chùa Bửu Long, Quận 9, Saigon, rồi sau đó đi các nơi tầm đạo. Anh nói trường phái Nam Tông có nhiều sư giỏi và đắc đạo. Các sư thầy theo trường phái Bắc Tông có nhiều người rất nổi tiếng trên thế giới nhưng chưa hẳn đã uyên thâm, lỗi lạc, đắc đạo.

Suy nghĩ của mình: Phật Giáo khởi thủy như một gốc cây, sau đó chia ra làm nhiều nhánh. Các nhánh cũng từ gốc này mà sinh ra. Phật nói cho dù Như Lai có sinh ra hay không thì pháp vẫn vậy. Bắc hay Nam Tông thực ra không cần phải bận tâm để phân biệt, bởi Pháp thì vẫn vậy, và Tâm thì vẫn vậy. Tâm thấy Pháp thì sáng tuệ, không thấy Pháp thì vô minh.

Đường tu đâu có Bắc, Nam
Không mê, hết giận, bỏ tham...thì về

Nhật Quang Nguyên Đại
28/3/14