Showing posts with label Letter. Show all posts
Showing posts with label Letter. Show all posts

14 June 2014

Những Lá Thư...

Trại TAC đã bị "san bằng" sau này
Những người bạn tù của tôi ngày xưa...
Hôm nay, ngồi đọc lại chồng thư cũ, những lá thư đã đi qua đời tôi 23 năm trước, cảm giác...(không biết nói sao)
Chia sẻ với bạn nhé...
(Một số tên riêng được viết tắt, hay thay đổi, vì lý do tế nhị...có lẽ các bạn hiểu)



Chi Ma Wan 16/1/91
Anh Đại thương!
Nhận thư anh lâu rồi, cái hôm vừa nhận cánh gà II, chán quá anh à, em không muốn viết thư từ và nói chuyện với ai nữa, thích ngồi một mình đóng kín màn lại, rồi cũng không biết làm gì nữa, vậy mà cũng thích ngồi, biết là viết thư chi cũng rên; hiện giờ anh cũng có nỗi khổ giống em mà, rên với anh làm chi anh hỉ? Vậy mà cũng thích rên rỉ cơ. Em còn sợ cho cu H [em trai] quá chừng, giờ em ở đây hay về cũng được, chứ con trai mới lớn mà giam giữ vậy tội nó quá. Em cứ sợ nó bất mãn rồi đâm ra làm nhiều chuyện bậy bạ. Nhưng may mà H nó rất ngoan, sợ em lắm nói chi nghe vậy, với tất cả tình thương em dồn hết cho H. Lâu nay anh có đi làm không? Vắng tin tức Shatin nên buồn lắm. Anh H, anh C, V, chú M làm chi? Em hoàn toàn không biết tin tức gì cả.

Chimawan dạo này buồn lắm, chỉ còn em và bé C. C tiếp kiến rồi, mà hy vọng lắm vì rất nhiều người giúp. Có lẽ em là người cuối cùng ở trại CMW, kiếp trước nặng nợ quá, giờ phải ngồi tù CMW đây anh, ắt là số phận mà phải chấp nhận.

Anh Đại thương! Em nghe nói Shatin gần chuyển trại hả? Chuyển thì nhớ cho em biết nhé. Trại em chắc không chuyển. Lâu quá rồi không thấy anh, anh cho em xin cái hình đi. Bữa nay anh ốm hay mập. Em thì ốm lắm, ai cũng quở, em còn 36Kg à. Hôm Noel có chụp hình nhưng mà gởi họ sang họ chưa đem vô nơi, lúc mô có, em sẽ gởi cho anh nhé. Bạn em bây giờ không còn ai, buồn quá. T nó cũng đi rồi, ngủ một mình buồn ghê. Mấy ông trong trại kêu em và C đi hát hò cho vui để giúp vui bà con, em cũng liều đi cho đỡ buồn, anh ạ, cho quên đời, chỉ có vậy thôi.

Em dừng đây nhé, thương chúc anh vui, may mắn, cho em gởi lời thăm mấy người quen nhé.
Em

Chi Ma Wan 2/3/91
Anh Đại thương!
Nhận thư anh khá lâu rồi, giờ em mới viết cho anh đây. Anh vẫn khỏe phải không anh? Tối nay đem thư anh đọc lại tự nhiên em khóc, không hiểu sao nữa, có lẽ buồn cho cái số hẩm hiu của anh em mình quá thiếu may mắn. Nhiều lúc em muốn viết thư cho anh thật nhiều, nhưng rồi không viết được, vì viết chừng nào quá khứ càng hiện rõ làm em phải phát sợ khi nhớ về dĩ vãng ấy. Đôi lúc làm em giật thót cả người, và tự mình làm cho quên đi để khỏi phải buồn rồi lại khóc, mà bữa nay em cô đơn lắm, không còn một đứa bạn để tâm sự khi gặp nỗi buồn, giờ chừ em sợ làm bạn thân với ai lắm, sợ cảnh chia tay, sợ những lời từ biệt, với lại không còn ai để làm bạn nữa, hình như con người trở nên khô khan thì phải, em muốn vứt bỏ tất cả, thậm chí căm ghét tất cả.

Anh Đại ơi! Răng mà càng nghĩ, càng tức, ức, buồn. Có lẽ kiếp trước mình ác quá thì phải! À, ngày ni có một số ở Shatin bị bắt qua CMW không biết khu mấy nữa. Ở khu 10 có hay đánh nhau không anh? Chắc là không tránh khỏi những chuyện chướng tai gai mắt anh hỉ? Anh vẫn đi làm thường chứ! Anh phải trực đêm hả? Mỗi lần trực mấy người? Chắc là buồn. Ngày 25 Tết vừa rồi em nhận thư thầy D. và hình, thầy tội quá. Ông xin về hưu và đi chu du từ Nam chí Bắc, chi phí đều do học sinh võ mời đi.

Anh Đại thương! Em nghe nói T sắp lập gia đình hả? Đôi lúc nghĩ cuộc đời chán thiệt, ngay cả em cũng thuộc vào loại chết rồi chỉ còn cái nước ép gả này thôi. Em sợ quá, em bất mãn thật sự. Nếu em đi một mình thì sao cũng được nhưng đây còn cu H nên cũng phải tính đường, tội cho cu H quá chừng cái tuổi mới lớn, am hiểu, hiếu động mà phải ngồi tù, em chỉ lo cho nó thôi, còn em sao cũng được. Bé C và chị A thì hy vọng được ra lắm, C. nó sửa soạn đồ đạc rồi đó, đôi lúc nghĩ tới mấy đứa thấy mình ngu dại quá chừng. Ở bên này ngày nào cũng có cô dâu cả, họ đi theo hôn thê cũng đông lắm và đoàn tụ cũng nhanh ghê.

Anh Đại ơi! Răng mà tự nhiên thấy buồn và cô đơn ghê ri, mới viết thư cho T xong, nó cũng gần bay sang Mỹ rồi. Cả ngày nay em tập đàn cả ngày, làm chi cũng chán, em học không vô được một chữ nữa đó, dễ điên thiệt. Chi Ma Wan ngày ni mưa càng buồn hơn, em cảm thấy bị ớn lạnh quá chừng, thỉnh thoảng đi ra sân chơi, nhìn hàng rào trại trên mà bao nhiêu kỷ niệm để nhớ, giờ Upper camp là một địa ngục. Lower camp trở nên cô quạnh hơn. Chiều chiều có gió coi mấy đứa nhỏ thả diều vui ghê, mấy đứa như cu H là cứ hặm hụi làm diều cả ngày, đi thả, đứt dây, là coi như toai luôn, vui lắm. Cho mình trở thành đứa bé để đừng biết buồn, đừng lo âu nhỉ. Í, tối nay có phim lệnh 07, anh có theo dõi film không? Em ít thích coi lắm. Vừa vồi, em có coi phim Love Story tội hỉ? Anh có coi không? Thôi em dừng đây, đi coi cho vui chứ ngồi một mình trong căn phòng vắng lặng buồn thêm. Thương chúc anh vui, may mắn. Cho em gởi lời thăm all nhé. Nhớ viết thư cho em, em thích đọc thư anh lắm đó. Em dừng.
Em

KaiTak 8/10/91
Anh Đại thương nhiều!
Chắc là buồn lắm phải không anh? Em quá may mắn được thoát rồi, tuần tới này em đi Phi, vậy là không gặp được anh, buồn lắm anh Đại ạ. Mặc dù em được tự do nhưng vẫn buồn và lo cho những người còn ở lại, đành bất lực vậy. Ở ngoài này buồn lắm. Bé C, chị A được ra ngoài ở để chờ đi thẳng Mỹ, còn em phải đi Phi, ra đây cái chi cũng tiền cả. Í, không phải than thở đâu anh nhé, kể chuyện cho anh nghe mà. Hai đứa em thì không biết đường, đi Phi thì mậu xìn, để mua đồ nên buồn lắm, còn ăn cơm thì thua ở trại cấm nữa, lần nào ăn em cũng bị sình bụng vì cơm sống, ra đây em mất 2 Kg, nên mặt mày như ma đói. Em mất liên lạc với bé T rồi, không biết giờ T ở đâu nữa. Ngày mai em được ra phố nhưng cứ đi đại vì không biết đường như người nhà quê vậy đó.

Anh vẫn đi làm chứ! Anh hãy cố gắng nghe anh, anh nhớ giữ liên lạc với em nghe... chắc không bao giờ em quên anh đâu, anh hãy tin ở em. Vài dòng thăm anh thương, chúc anh vui và phải nhớ em đó! Gởi lời thăm những người quen

12/10/91... Sáng nay nghe trại đọc thư, em có thư, em không ngờ là nhận thư anh nữa đó. Tuần tới này em phải đi Phi, không biết cách nào để gặp được anh nữa, cũng như anh T của em và V.

Em cũng vừa nhận thư T. T ở Mỹ rồi. Hình như TM đã có con (em nghe người ta nói). Hiện giờ em trên đường vào Chimawan, giá như anh ở CMW nhỉ? Sáng nay có anh phiên dịch dẫn tụi em đi chứ không thì không biết đường vào CMW đâu. Hồi hộp vào CMW quá, thật tình nhớ và thương những người còn ở trại lắm. Anh vẫn ở nhà à, sao không đi làm cho vui? Em được ra tự do mà không ai ngờ được đó anh, bỡi vì em đã có 2 cánh. Cũng may thiệt hồ sơ đưa xuống CDD t/k lại. 8 tuần sau là ra, eo ơi, mừng lắm. Vậy là em hết đi "hôn thê" mừng lắm anh ạ. Cũng nhờ hồ sơ cu H đó. H bữa nay lớn lắm. Qua Phi em sẽ thư về cho anh nhé. Chúc anh vui và may mắn như hai em. Thương nhớ anh nhiều.
Em

Hong Kong, 3/6/1992
H. thương!
Hôm trước anh đã gởi đến em một lá thư theo địa chỉ của em, nhưng lâu quá không thấy thư hồi âm....Nếu có điều khó nghĩ, thì đừng suy nghĩ nữa; bởi vì trong cuộc đời có những vấn đề mà để giải quyết nó là không giải quyết gì cả. Anh không buồn hay hờn trách gì em đâu. Tại sao phải trách cứ một người, nếu người ta không làm những điều mà mình muốn họ làm. Em có tin rằng thường chiến tranh xảy đến và con người chết vì những điều vô lý như vậy không? Người ta xây dựng "cái hữu lý" của riêng họ, và tranh chấp những "cái hữu lý" với nhau, sự tranh chấp cũng gọi là "hữu lý", họ đã lấy "cái không" làm "cái có" vậy.

Em đã đi học rồi chứ? Công việc làm thế nào? Đã qua những phút đầu bỡ ngỡ nơi xứ người đất lạ chưa? Có dịp đi Mỹ gặp lại những bạn bè cũ chưa? Không còn ai ở Chi Ma Wan nữa hỉ?...

Tai A Chau rừng hoang đảo tái sinh, bốn mùa cây lá vẫn xanh...Cơn gió ngoài đại dương vẫn không ngừng lay động. Lá rụng trôi trên mặt hồ sóng gợn. Đâu đó vẫn có tiếng sắt thép, tiếng gọi của sự tù túng, nhưng tiếng con chim "bắt cô trói cột" vang lừng trên những cánh rừng, thảm cỏ xanh mơn mởn, nhịp đời đi thong thả...Đọc "Câu Chuyện Dòng Sông" của Hermann Hesse chưa? Tìm được, nên đọc, một trong những sách hay mà anh giới thiệu cho em đấy!

Chiều về...Chân trời hoàng hôn bàng bạc, ta lao như bay tìm đến chân trời, chợt vấp ngã tê điếng người run rẩy, nhắm mắt lại hoảng sợ chờ tử thần đến gọi ta đi. Ta bàng hoàng xót xa tủi hận cho một đời nổi trôi, vùng vẫy, chân trời vẫn tận đâu, xa tít tắp ngút ngàn...Ta biết mình chuẩn bị sang bên kia bờ thế giới đen tối mịt mùng. Ta sợ quá! vùng dậy...nhưng ta kiệt lực, nỗi cô đơn vỗ đập quanh ta, chỉ bóng tối bao trùm lên thân ta, ta rên xiết trong khổ đau quằn quại. Ta hoài mong trong tuyệt vọng vô bờ...

Nhưng từ đâu một ý chí tiềm tàng vùng dậy. Ta đứng dậy đem chút hơi tàn lao tới trước, thân mệt lử trên đôi chân xiêu vẹo, ta gục xuống...bên bờ cát, cát mát rượi...Nằm yên nghe sóng vỗ, ta nghe cát rộn ràng trong nắng. Ta nghe cát reo vui bay bay trong cơn gió dịu dàng, ta nghe cát mơ màng ...Ôi! ta ước ao mình trở thành hạt cát, không khổ đau, không hoài vọng, không chờ mong...Ôi ta...tiếng sóng...vậy là ta chưa bị hủy diệt, ta từ từ mở mắt...Ta thấy mình đang gục đầu trên một bờ cát, những cơn sóng xa làm ướt mái tóc ta. Ta đứng dậy! Ô hay, sức thần tiên trỗi dậy trong ta. Bọt sóng trắng xô vào ghềnh đá...rì rào tiếng sóng nhẹ quanh đây...Ta đang đứng giữa đường chân trời và mặt trời đang lặn dưới chân ta...

Quay lại, thành phố đã lên đèn. Con chim sắt với cặp mắt xanh đỏ chớp nháy đang bay trên bầu trời đẹp quá. Ta yêu quá, yêu thành phố, yêu bờ biển này, ánh sao đêm sớm sáng lóng lánh trên bầu trời xanh nhạt...Hạt cát trên tay ta nhỏ nhoi hiền dịu...Đứa trẻ con đen đuốc lang thang trên bờ biển tìm vỏ sò, vỏ ốc...Ta yêu ta, và ta mỉm cười, ta thấy nụ cười của ta sáng trên mặt sóng...

H. thương, hiểu những dòng này của anh như một lá thư hay là một "tùy tiện" đoản văn, tùy em. Em cảm thấy vui, và bình an là được. Cầu chúc em an vui.
Anh Đại
...

Mấy tháng sau, cuối năm 1992, tôi rời Tai A Chau, "ra tự do", sang Philippines, kết thúc 4 năm 6 tháng bị giam giữ ở các trại Chi Ma Wan, Hei Lin Chau, Đầu Bạc (Shatin/ Whitehead), Tai A Chau...

... 16 năm sau (2008), gặp lại nhiều bạn bè ở Mỹ, gặp lại những người đã viết những lá thư rất chân tình gởi cho tôi hơn 20 năm trước trong những ngày cùng cực thất vọng ấy...Xiết tay nhau với lòng trân trọng...


Nguyên Đại
14/6/14

07 July 2013

Thư Cho Em

H. em

Đọc email của em mới biết em muốn làm cô giáo dạy Anh ngữ. Nếu em muốn như vậy, chỉ có một việc đơn giản phải làm là YÊU tiếng Anh, yêu văn chương Anh, có thế thôi. Nếu em yêu tiếng Anh, em sẽ đến với “nó”, sẽ sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ với nó, thì nó sẽ ở bên cạnh em. Khi em có nó rồi, thì không phải em ao ước làm cô giáo dạy tiếng Anh, mà sẽ có nhiều người ao ước em làm cô giáo để dạy cho họ, cho trường của họ, cho cơ quan của họ.

Nếu bây giờ có một trường nào đó mời em dạy, nhưng giả sử tiếng Anh của em yếu quá, thì em có muốn giữ công việc đó không? Nó sẽ trở thành gánh nặng của em đó. Em tập nói nhiều với bạn, tập đọc, viết, nghe, và giao tiếp. Ngay cả giáo viên Anh ngữ nhưng không yêu tiếng Anh, thì cũng không giỏi được, chỉ lập lại giáo trình thôi, không đi xa được. Em cần thời gian? Em có thể tạo cho mình. Nếu em muốn học và tập, thì em sẽ có thời gian. Không có việc gì tự nhiên mà có, không phải cứ sang Úc, sang Mỹ, là tự nhiên tiếng Anh sẽ giỏi. Nếu không học, không cố gắng, thì giao tiếp hằng ngày cũng sẽ gặp khó khăn như thường. Nhiều người ở đây rất lâu, tiếng Anh của họ cũng không quá ba câu vì họ không học và tập. Có người ở VN nhưng tiếng Anh của họ lưu loát, trôi chảy hơn nhiều người đang sống ở Mỹ.

Có một bài thơ anh viết trên nhật ký mạng (blog) của anh, em có thể đọc, trong hoàn cảnh này:
        
          Việc đến sẽ đến
          Người đi sẽ đi
          Tâm không đến-đi
          Đi là đã đến

Khi em yêu tiếng Anh, sống với tiếng Anh, văn chương Anh, thì em đang vui, đang hạnh phúc rồi, việc em trở thành cô giáo dạy tiếng Anh (hay không) là việc sẽ đến. Khi em cần cù học Anh Ngữ, em đã ĐI, đã hạnh phúc, và đã ĐẾN rồi vậy. 

Em viết trong email rằng đời sống gia đình (của em) “có quá nhiều thất vọng”. Cuộc sống là của em: trước đây em có thể chọn T., và không chọn T. Không ai có thể bắt em làm ngược lại điều em muốn. Bây giờ cũng vậy: em có thể chọn sống chung với T., hoặc không. Em may mắn được sinh ra ở thời đại này, nên không ai có thể, có quyền, bắt em phải sống chung với người mà em không muốn. 

Nếu anh nhớ không lầm, trước khi em lấy T., có ai đó trong gia đình có ý kiến, nhưng anh đã nói rõ ràng là đời sống của em là của em. Quan điểm của anh, trước đây cũng vậy, bây giờ cũng vậy, không thay đổi. Có điều này anh muốn em nhớ: ban ngày: mặt trời mọc; ban đêm: mặt trời lặn. Buổi sáng, em có muốn mặt trời mọc chậm hơn một chút để em ngủ thêm tí nữa cũng không được. Mặt trời vẫn mọc vào lúc đó, và em có thể chọn ngủ nướng, hay thức dậy đi làm, thế thôi. T. là T. Em không thể thay đổi T. thành anh A, mong ước T. giống như anh B được. Ngược lại cũng vậy, H. là H., T. không thể thay đổi em thành cô C, hay cô D được. Em nên học cách vui với mọi việc đến với mình, hơn mà bắt cảnh, buộc người phải theo ý mình. Trong bài thơ vừa rồi gởi qua email cho em, anh có viết:

          Nếu hạnh phúc là “điều chưa có”
          Niềm vui mãi là “điều mong đợi”

Niềm vui của em sẽ mãi mãi chỉ là điều mong đợi, khi mà T. chưa có điều mà em mong muốn T. có. Cái cây do chính tay em gieo hạt, vun bón, tưới nước, chiết cành còn không được như ý em muốn; làm sao có một con người hoàn toàn như ý em được.

Nếu em không bỏ được gánh nặng của sự “muốn” trong đời sống này, thì sẽ :

         Như con sóng vỗ vào bờ đá
         Bạc đầu ghềnh còn vọng tiếng than!
         Qua hết đại dương mà vẫn thiếu!
         Gợn lại vì nhiều điều chưa thỏa

Anh hay kể một câu chuyện (anh đọc được ở đâu đó) rằng: có một em bé có $1 đồng, đi chơi lỡ đánh rơi mất đồng tiền đó đi, em bé ngồi khóc...Một ông già (Bụt) đi ngang qua, cho em bé $1, an ủi em bé, rồi đi. Một lát sau, ông quay lại, vẫn thấy em bé ngồi khóc, ông hỏi tại sao, thì em bé trả lời, con buồn vì nếu con không làm rớt một đồng, thì bây giờ con đã có $2 rồi. Nghiệp khởi đi từ cái tâm khổ lụy sầu bi của mình. Cái tâm đó chỉ có “em bé” mới tự giúp mình được, “ông già” (Trời, Phật) cũng không giúp được là vậy. Hiểu được một cách sâu sắc câu chuyện đơn giản đó, em sẽ hiểu chữ “Nghiệp” trong Phật giáo mà anh hay nói tới.

Không ai hài lòng mọi lúc với công việc mình đang có cả. Người giàu có, địa vị cũng có cái khổ của họ, kẻ nghèo khổ cũng có cái hạnh phúc mà người giàu có không có được. Ông quan lớn có khi nào mặc quần cộc (short) ngồi bên bờ biển nhâm nhi ly nước mía $5 ngàn (đồng Việt Nam), “không sợ trời, không sợ đất” không? Hạnh phúc là vấn đề của tâm linh. Tìm kiếm hạnh phúc là tìm sự an ổn, bình thản ở trong tâm của mình, chứ không phải ở bên ngoài.

Email của em có đề cập đến chuyện em muốn vào chùa. Nếu vào chùa mà chắc chắn được vui vẻ, bình an, hạnh phúc; anh nghĩ có lẽ thế giới này phải xây chỉ chùa, và chỉ chùa mà thôi. Cái thế giới bên ngoài chùa, em đã biết (một phần). Cái thế giới bên trong chùa em chưa biết. Khi em chưa biết thì làm sao em có thể khẳng định là thế giới đó sẽ cho em được sự bình an và hạnh phúc. Anh không phải là tu sĩ, và không thể cho em biết cái thế giới bên trong chùa như thế nào. Nhưng có điều này, anh biết chắc chắn: Chùa không phải là Niết-Bàn, không phải ở trên tiên-giới. Chùa được con người xây ở thế giới (ta-bà) này, vì vậy nó là một phần của thế giới này, nó phản ánh cái thế giới này. 

Thế giới của người tu sĩ có đặc điểm, có phức tạp riêng của nó. Thế giới đó có cái vỏ bên ngoài được đặt tên là “vô ưu”, và vì cái vỏ đó nên nhiều người lầm tưởng rằng bên trong là một thế giới hạnh phúc. Khi vừa qua cửa chùa, người tu sĩ không tự nhiên “biến” thành người hạnh phúc, mà họ có cả một thế giới mới với những khó khăn, và thử thách (mới?) mà bên ngoài có thể không có. Khó khăn đó, thử thách đó không thua kém những khó khăn thử thách bên ngoài, nếu không nói là còn hơn thế nữa. Nếu sau cánh cổng chùa là một thế giới hạnh phúc, thì anh không hiểu tại sao có ai lại muốn ở bên ngoài làm gì. 

Người tu sĩ không phải là Phật, không phải là thánh nhân. Họ cũng xuất thân là con người như mình (giả sử em vào chùa, thì em cũng là nữ tu sĩ, là (ni) “cô” vậy); và họ cũng có “nghiệp” phải trả. Chùa là trường học, là thử thách, là “lò rèn”; và đã là lò rèn thì phải có lửa. Cho nên nhiều tu sĩ đã không chịu nổi thử thách đó, và họ trở nên hỏng, hỏng nặng, như trái táo đầy sâu bọ bên trong, mặc dù bên ngoài vỏ vẫn có vẻ như tươi tốt. Vào chùa, có nghĩa là em sẽ chấp nhận sống chung với những người như vậy, có người tốt đẹp đạo hạnh, và cũng không thiếu người tham lam, giả dối...Thế giới đó có thể còn kinh khủng hơn thế giới bên ngoài, vì lẽ bên ngoài có đôi khi người giả dối mặc áo “bông hoa” nên mình có thể biết được, còn bên trong chùa ai cũng mặc một loại áo quần, nên có thể em sẽ khó phân biệt người tốt kẻ xấu. 

Chỉ có một thế giới mà em có thể biết rõ, biết chắc nó muốn gì, nó cần gì, nó đau khổ làm sao, nó mất mát như thế nào? Thế giới đó rất thật thà với em, chung thủy với em, đó là thế giới nội tâm của em. Em nên tìm hiểu “nó” muốn gì, cần gì, tại sao nó buồn, tại sao nó khổ. Đó là cái thế giới duy nhất mà em có thể tìm được hạnh phúc, chứ không phải là cái thế giới phía sau cánh cổng chùa.

Khi em đã thấy được vấn đề của mình ở đâu, em sẽ biết cách giải quyết. Thăng trầm trong đời sống không làm cho em chao đảo, và nợ duyên, đi-đến trong cuộc đời không làm cho em bất an, cho nên:

          Nếu hạnh phúc là “điều đang có”
          Niềm vui sống đang ở ngay đây
          Đón thăng-trầm phút giây đang có
          Nhận nợ-duyên an định từng ngày

Và cũng là bờ đá với những con sóng, nhưng em sẽ thấy khác đi, bởi vì tâm tư của em đã an bình, và khi em có sự bình an, em sẽ thấy sự việc trở nên khác đi. Tiếng than của con sóng vỗ vào bờ đá đã vọng xa như một tự nhiên, một kỳ diệu của đất trời, một lời nhắn nhủ của Tạo-Hóa đối với con người từ muôn triệu năm nay, đơn giản và diệu kỳ như một lời kinh, cho nên:

          Như con sóng vỗ vào bờ đá
         Tiếng vọng xa như một lời kinh
         Đại dương, đất, trời, ta...bát ngát
         Sóng cuốn đi...như nước vỗ...về!

Ta đứng đó, bên bờ đá, hòa quyện với cái mênh mông, bát ngát của đất trời, nhận ra cái nhỏ nhen của mình và cũng đồng thời nhận ra mình như một phần của cái vĩ đại bao la của đại dương, đất, trời. Ta tận thủy tận chung được sinh ra từ đại dương-đất-trời và trở về với đại dương-đất-trời; những thăng trầm phiền muộn phải chăng gợn lên như cơn sóng; sẽ cuốn đi, như nước vỗ...ta về.

Ngôn ngữ là giới hạn, nên Phật nói: “Ngón tay ta không phải là mặt trăng”. "Ngón tay" của Phật là kinh, là sách, là “Pháp” không phải là hình ảnh được mô tả đầy đủ của "mặt trăng" hạnh phúc. Phải chính mình (chính em) tìm (ngộ) ra chính hạnh phúc của mình. Nếu ngôn ngữ mà Phật dùng còn có hạn chế như vậy, ngôn ngữ của anh sẽ chật hẹp biết bao! Nếu những điều anh nói (viết) ở đây có thể giúp được em, thì anh mừng cho em.

Anh 
7/7/13
Nguyên Đại

23 December 2012

Hòa, Quý, Thân

T.

Email gởi cho anh, sau khi anh về Úc, em viết là: "cảm ơn anh rất nhiều về những lời khuyên"; nhưng khi anh (email) hỏi lại em là những lời khuyên gì, thì đã một tuần, không thấy em trả lời. Tại sao? Em không nhớ, thì anh nhắc lại để em nhớ: Anh đã khuyên em ba điều, hay ba chữ:

1) HÒA

Câu đầu tiên anh nói với em tối hôm đó (8/11/2012) là: "Chừng nào người ta lạy và đưa tiền cho mình, thì mình mới nói ra những khuyết điểm của người ta"; còn không, thì đừng bao giờ nói đến khuyết điểm của người khác; nói "sau lưng" họ thì càng không nên. Thực ra chữ "lạy", là anh có ý nhấn mạnh, vì ngay cả học trò của của em tới nhờ em dạy kèm, họ cũng không lạy em.

Không để ý tới khuyết điểm của người ta, em tiết kiệm được thời gian và sức lực trong việc tìm tòi (hay soi mói). Thời gian và sức lực đó để làm chuyện khác, vì mình đâu có lợi lộc gì trong việc tìm kiếm hay phân tích này đâu. Nếu em tìm thấy những ưu điểm của họ, thì em sẽ học được những điều hay; trao đổi với họ về những ưu điểm của họ, họ sẽ vui vẻ mà chỉ cho em, tâm sự với em. Họ có "nổ" chút cũng không sao, có thức ăn ngon nào mà không được bao bì kỷ lưỡng, bắt mắt.

Tại sao mình không "mở túi" của mình ra để nhận từng chút "khôn" của người khác, mà mình làm ngược lại là: "đè cổ", "mở túi" của thiên hạ, để (gọi là) “cho” thiên hạ cái mà mình nghĩ là "khôn" của mình. Làm như vậy, mình chỉ có đi từ nghèo đến khốn mà thôi. Nghèo vì mình không nhận, mà cứ cho đi, thì làm sao không nghèo được. Khốn khó là vì, sức lực của mình đã bị phí phạm trong việc tìm tòi những thất bại của thiên hạ, mà không tìm cách khắc phục những khuyết điểm của mình để nâng mình lên.

Tìm tòi những khuyết điểm của người khác chỉ làm cho mình thêm coi thường người khác và tự (thỏa) mãn với chính mình. Khi mình coi thường người khác, thì làm sao họ coi mình là bạn được; và không coi mình là bạn thì làm sao họ có thể vui vẻ để giúp đỡ mình. Có ai muốn giúp đỡ người coi thường mình không? Mình chỉ có thêm thù, và mất bạn. Mình có quá nhiều kẻ thù mà không có bạn thì làm sao mình không khốn khó được.

Có một câu nói của người xưa: "Kẻ chê ta mà chê đúng là thầy ta, kẻ khen ta mà khen đúng là bạn ta, và kẻ nịnh nọt ta là kẻ thù của ta". Vậy nên, đừng nịnh nọt ai, vì mình không muốn trở thành kẻ thù của họ, nếu không phải bây giờ thì trong tương lai. Và, cũng đừng lên mặt làm thầy người ta, bỡi lẽ thường, đa số không muốn người khác làm thầy mình. Vậy thì, nên giữ trung đạo, tìm ưu điểm của người ta mà học, mà xin họ chỉ cho mình. Lần trước anh về, nói chuyện với em về bài thơ "Cúi Đầu" của anh có đoạn:

Hãy cúi đầu đi em
Thấy mình thật bé nhỏ
Học hỏi và khiêm cung
Đường đời đi bớt khó


www.nguyendai.net (2011/11)

chính là ý này.

Người xưa nói những người thành công thường có được 3 yếu tố: Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa. Nếu mình không được thiên thời, không có địa lợi, và đánh mất luôn yếu tố nhân HÒA thì làm sao sống nổi hở em?

Anh về gặp lại những người bạn cũ, có những người suốt ngày cứ "làm thầy" thiên hạ và họ cứ lẩn quẩn ngồi xoay quanh cái ghế "cao" của họ. Họ không bỏ cái ghế "cao" đó, nên không đi xa được. Anh cũng gặp nhiều bạn bè "cúi đầu", lam lũ, lầm lũi mà đi, thì họ đã đi được rất xa. Hai mươi lăm năm, ba mươi năm đã qua, nhìn lại, để học một chữ "HÒA". Anh mong em sẽ học, cùng anh.

Chữ Hòa, bắt đầu bằng chữ "h" (hát) có nghĩa là tìm những giai điệu êm tai để cất lên, và sau đó là chữ "", có nghĩa là cùng ca, với bạn, là sự hòa nhịp, là sự hợp tác, và sau đó là chữ "a", là ngạc nhiên, là vui. Em nên tìm những âm thanh êm tai để cùng hò ca với bạn bè, em sẽ được, ít nhất là niềm vui.

2) QUÝ

Điều thứ hai, anh nói với em tối hôm đó, có thể tóm lại bằng một chữ đó là chữ "quý". Anh đã kể cho em một chuyện về Đức Khổng Tử, một hôm gọi một học trò vào hỏi: "Hãy nói cho ta nghe: người Trí là người như thế nào, và người Nhân là người như thế nào". Người thứ nhất đáp: "Người Trí là có trí tuệ hơn người, và người Nhân là người có lòng nhân đối với người khác". Khổng Tử không nói gì, bảo lui ra; và gọi người thứ hai vào, người này đáp: “Người Trí là người được người khác kính nể, và người Nhân là người quên mình vì người khác”. Khổng Tử cũng bảo lui ra. Khi Khổng Tử gọi người thứ ba (người sau cùng) vào thì người này nói: "Người Trí là người biết mình, và người Nhân là người thương mình". Khổng Tử nói với người sau cùng rằng: "Ngươi đúng là bậc quân tử".

Khi biết mình, em sẽ "thấy mình thật bé nhỏ"; sẽ "cúi đầu", để "học hỏi và khiêm cung", và khi em học được, hòa được, thì "đường đời đi sẽ bớt khó"; đó không phải là "trí" sao?

Chữ “quý” anh muốn nói đến ở đây, bao gồm chữ “thương” trong đoạn về Khổng Tử ở trên. Quý: tức là quý bản thân của mình. Là sao? Là chăm sóc, nâng niu cái hình hài được cha mẹ sinh ra, thương “nó”, không để cho “nó” bị đói, lạnh, đau, và khổ.

Làm cho mình không bị đói, lạnh, là tìm cách bảo đảm đời sống vật chất của mình. Em sẽ không phung phí tiền bạc, sức lực vào những chuyện có thể làm cho mình đói, lạnh, đau bệnh. Làm cho mình bớt khổ là chăm sóc cho cái tâm của mình, không bị lo lắng, dằn vặt.

Anh rời sự khái quát, để cụ thể một chút: (...)

Chữ quý, khởi đi từ chữ quy, tức là trở về, về với chính bản thân mình: thân xác mình, tâm linh của mình. Trở về với dấu sắc, về với chính sắc diện của mình, về với bản lai diện mục của mình, với sự cương quyết, sắc son. Em không nên lang thang, chú trọng tới cái tâm của người khác, tìm cách làm sao cho người ta nể mình, trọng mình, thương mình; mà chính bản thân em phải làm sao thương mình, quý mình. Không quyết, không đánh dấu sắc vào chữ quy, em sẽ sa lầy, trở nên nặng nề, sẽ quỵ , tức là quỵ xuống.

3) THÂN

Điều thứ ba, mà anh nói chuyện với em tối hôm đó, có thể gom lại trong một chữ “Thân”, có nghĩa là tình thân.

Một cách tự nhiên thì con chim có cái tổ của nó. Nó tha từng cọng rơm về để làm tổ cho nó và con của nó trú thân. Đó là nơi trú ngụ của nó, dù mưa hay bão. Quan hệ gia đình (hay xa hơn một chút là quan hệ thân tộc) là quan hệ cả đời, không thể đổi thay, là nơi mình “ở” một đời, là “ngôi nhà”, là “ tổ” của mình, nên phải biết giữ gìn, chăm chút cho nó, thì nó mới trở thành chỗ dựa cho mình, nhất là những lúc mưa bão.

Nếu là anh em, thân tộc, mà mình không thật với nhau; thì mình sẽ cô đơn lắm trong cuộc đời này. Đừng bao giờ tự đẩy mình vào tuyệt địa (đường cùng, không có lối thoát) bằng cách cắt đứt những nâng đỡ của anh em, thân tộc. Muốn vậy phải giữ được chữ thành và chữ tín.

Thành: là thành thật, là chân thành, là thành kính – Em có thành thật với anh em, thì anh em mới hiểu đúng em được. Anh em là có sao nói vậy, không có nói “dzòng, dzòng, con cò con cuốc”. Đã là anh em, nên nhiều khi rất “làm biếng” đoán, nên nếu không thành thật sẽ bị hiểu lầm: một ví dụ nôm na, nhưng đơn giản là: có đồ ăn, nếu là người ngoài thì sẽ có chuyện “mời lịch sự”, “mời lơi”; rồi tới việc từ chối cho “đủ lễ”, từ chối khéo. Còn nếu là anh em thì hỏi: “mày ăn không?”, “không”, thì “tao ăn”; thành thật, đơn giản, và thẳng thắn. Cho nên, anh khuyên em nên thành thật.

Thành là điều tất nhiên, nhưng phải giữ chữ tín nữa. Thất tín với anh em, thì làm sao (?). Cái ghế của mình, có một chỗ dựa, mình đập cho nát đi, thì mai mốt, có đau yếu, chỗ đâu mà dựa. Con chim, con chó, cũng không đại tiểu tiện trong cái tổ, cái ổ của nó; tại sao mình làm cho “cái nhà” của mình không thể ở được, vì anh em không thể nhìn mặt nhau, hay nhìn nhau mà không vui được, không tin nhau được. Niềm tin đặt nơi mình đã bị chính mình làm xuất hiện dấu hỏi lên đó, thì đó không phải là sự nhạo báng chính bản thân mình hay sao.

Chữ thân ở đây bắt đầu bằng chữ “th” (thờ), tức là tôn lên, kính trọng, và thêm vào chữ “ân”, nghĩa là ân tình. Thân: nghĩa là thờ kính cái ân, cái tình của cha, mẹ, anh em, người thân. Anh nghĩ thư này cũng đã dài, khá dài, gởi lại em ba chữ: HÒA, QÚY, và THÂN; hy vọng em nhớ, và sống vui hơn, tốt hơn. Anh chúc mừng em.

Anh




16 December 2012

Thất Tình


Em H.,        

                                                                                                                  

Hôm qua nhận được SMS của em, nói anh bạn trai mà em yêu (thầm?) đã có người yêu (mới ?) và chuẩn bị cưới? Nên em: “buồn và vui dằn xé nhau”.

Trước hết, và trên tất cả mọi sự, em phải hiểu rằng: chuyện tình cảm là chuyện từ hai (2) người. Một người không làm được: cho dẫu người đó có giàu có như Thái Tử Charles của Anh Quốc, hay bạo ngược như Trụ Vương... Khi cánh cửa của một căn phòng đã đóng kín, hãy chúc phúc cho đôi uyên ương mới, và để tình cảm của mình theo gió cuốn đi. “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em có biết không, để gió cuốn đi...” (TCS).

Nếu người em yêu thương không mở cửa mời em vào đời của anh ấy, mà chọn một người khác, thì không ai có thể giúp được em hết, ngoại trừ chính bản thân em; vượt lên như cơn gió vút qua cành cây ngoài kia để tiếp tục mơn man trên những bình nguyên xanh ngát bao la.

Như anh đã gởi SMS cho em (không biết em có nhận được không nên anh viết lại ở đây): “...Anh biết em sẽ rất buồn, nhưng sẽ buồn một cách thông minh. Em thức dậy, trời vẫn nắng, biển vẫn sáng, và đời vẫn bình yên gõ nhịp. Hãy bước xuống đường phố, xuôi dòng đời hôm nay, có tiếng cười rúc rích của bạn bè, tiếng la mắng hiền đã yếu nhiều của mẹ, có anh chị em...và nhiều thứ lắm. Chúc em an vui”.

Hôm trước anh có nói chuyện với em về “trời mưa, trời nắng”; nghĩa là mình chuẩn bị kỷ để đi chơi rồi, tự nhiên trời đổ mưa: có hai cách ứng xử, một là: ngồi đó càm ràm ông trời, than phiền về việc mất công chuẩn bị, hai là: lắng nghe tiếng mưa rơi trên mái ngói, rót một ly nước trà ấm, và (tắt điện) thắp lên một ngọn nến để trên bàn, nhấm nháp  từng ngụm trà để tận hưởng cái cảm giác ấm cúng, bình an mà mình đang may mắn được có.

Em yêu thương người ta, và nghĩ tới việc chuẩn bị để đi tiếp một quảng đời dài với anh ta; nhưng anh ta không chọn em; giống như trời đột ngột đổ mưa. Em phải thay đổi cách nghĩ của mình: thay việc “chuẩn bị đi chơi”, bằng việc “ở nhà uống trà”. Hãy làm những việc khác mà em đã từng yêu thích: làm việc, tập thể dục, vui chơi với bạn bè người thân, học hỏi thêm; và nếu em có đủ can đảm, vững vàng, hãy chuẩn bị quà tặng để chúc phúc cho người ta với lòng thành thật, và thanh thản.

Nếu trời hôm đó không mưa trước khi em rời khỏi nhà; biết đâu trời sẽ mưa khi em đang đi giữa đường: không có một mái hiên che, phải chịu ướt lạnh và bị cảm cả tuần; cho nên em phải thấy rằng mình may mắn, vì trời đã mưa trước khi em bắt đầu cuộc hành trình. Biết đâu sự chấm dứt với anh bạn này, lại chuẩn bị cho một sự mở đầu tốt đẹp với một người sẽ hợp với em hơn. Tại sao em phải phiền muộn vì mình đang được may mắn.

Trước đây em yêu thương anh ấy và muốn được chung sống với anh ấy, muốn được “chiếm hữu” anh ấy. Thực ra thì sự “chiếm hữu” là kẻ thù của tình yêu. Khi em đem con chim về nhốt trong lồng, em đã huỷ hoại sự yêu thương giữa em và con chim. Em nhìn con chim hót, em vui vẻ; trong khi con chim nhìn em khao khát một bầu trời xanh trong. Trong lồng không phải là một con chim hạnh phúc mà là một sinh vật đang chịu khổ đau. Em đang nuôi một sự khổ đau.

Khi em tìm cách “chiếm hữu” một con người, em đã bắt đầu nuôi lớn cảm giác “bị ràng buộc” của người ấy. Nếu sự “ràng buộc” đó không là tự nguyện, thì em đã sống cùng với nỗi buồn của người ấy, em đã nuôi lớn sự bực bội và sự khao khát được “giải phóng” của họ. Một ngày nào đó, họ sẽ ra đi, và em sẽ đón nhận cái mà em gọi là “sự mất mát”, và em sẽ buồn rất nhiều lần hơn bây giờ.

Tình yêu của em đối với anh ấy bây giờ không có mảy may nào của sự ràng buộc, nó không có mầm mống của sự thù hận hay “phản loạn”; đó là một quà tặng. Đó là một tình yêu xinh đẹp, như một bông hồng trắng, trinh nguyên và dịu dàng. Đó là một sự yêu thương thuần khiết: vui khi thấy người ta vui, hạnh phúc; buồn khi thấy người ta bị mất mát khổ đau. Em đang có một bông hồng trắng tuyệt đẹp trong tay, em sẽ không nỡ xé bỏ nó đi chứ. Em phải cắm bông hồng đó trong một chiếc bình và ‘chưng’ (bày) trong phòng của em chứ.

Sáng nay đọc bản tin trên mạng, Melbourne, vừa có một cuộc mưu sát-tự tử vì tình, người đàn ông khoảng 40 tuổi và người đàn bà trên 20. Cảnh sát nói rằng hai người nằm chết trên một căn hộ ở vùng ngoại ô thành phố, có vẻ như người đàn ông đã giết người đàn bà, và tự tử sau đó. Người phát hiện ra cái chết và báo cho cảnh sát là con trai (riêng) của người đàn ông. Bạn của người đàn bà nói: người đàn ông đã không thể chịu đựng nổi cái cảm giác khi nghe người đàn bà nói rằng: “I am not interested to keep the relationship with you” (có nghĩa là: Em không thấy hứng thú trong mối quan hệ với anh nữa) (hay dịch thoáng hơn một chút: Em không còn yêu anh nữa). Em nghĩ sao về người đàn ông này? Về người đàn bà này?

Anh
19/2/2011

Hình: quán cà phê Nét Xưa, Quy Nhơn, 2011

24 June 2012

Cục Bướu



Đây là bức hình của một vị nữ sĩ người Singapore, trên mặt nổi một cục bướu to hình người, miệng trên cục bướu hình người này không chỉ có thể ăn cơm mà còn có thể nói chuyện. Hiện tại cô đang sống ở Tây Tạng"

H. em

Hôm trước có nhận email của em, kèm theo hình một cư sĩ có cục bướu hình người trên khuôn mặt. Thật lạ. Cảm ơn email của em.

Anh nghĩ đạo Phật mang đến sự bình an cho người tu học tại đâybây giờ. TU là hướng tới việc làm cho cái Tâm của mình, không còn U mê nữa; giống như kéo mây đen đi để cho ánh sáng mặt trời chiếu rọi xuống mọi ngõ ngách trong đời sống của mình. Lúc đó mình sẽ thấy mọi việc rõ ràng, trong sáng hơn. Giới là tránh, là không dính, là gió mạnh thổi đi mây đen. Khi mình tránh được, mình sẽ Định, là đứng lại, là sự an bình, không lau chau, lăng xăng, sợ sệt, không sợ "mất"; hay quá "hồ hởi, phấn khởi" khi vừa "có", vừa "đạt" cái gì đó. Khi "không dính"; và "đứng lại" thì mình sẽ thấy rõ ràng, đó là Tuệ. Gió thổi mây đen bay đi thì ánh sáng mặt trời sẽ soi rọi đến muôn loài. Nước không còn sóng, đứng yên thì có phải trở nên trong?

Anh không nghĩ việc tu học là một sự hy sinh ở kiếp này để được an nhàn ở kiếp sau. Không phải giống như việc "bây giờ mình ráng làm (hay ráng "tu"), để dành tiền, rồi mấy năm sau (hay "ở kiếp sau") mình sẽ được ở nhà lớn, xe đẹp, cuộc sống tốt hơn...". Mong cầu một đời sống tốt hơn (cho dù ở kiếp sau) không phải là một hình thức của sự tham luyến sao? Miệt mài để cố đạt được một thắng lợi về vật chất, một danh xưng, một sự "nâng cấp" về tình thần, không phải là một sự si mê sao? Sợ sệt, hay lo âu về một điều, mà mình nghĩ có thể xảy ra đối với mình trong kiếp sau không phải là một hình thức của sự sân hận sao? Đạo Phật không kêu gọi sự tham lam, không gieo rắc sự sợ hãi, sân hận, và không khuyến khích sự si mê. Đạo Phật kêu gọi sự từ bỏ tham, sân, si.

Em có thấy trên khuôn mặt của người cư sĩ có cục bướu phảng phất một nụ cười không, và ánh mắt phía bên trái (của cô ấy) không phải là một ánh mắt sầu thảm tuyệt vọng, nếu không nói là yêu đời; trong khi ánh mắt của cục bướu thì hình như có chút giận dữ. Vậy mình có một khuôn mặt "đẹp tuyệt vời", tại sao mình không trở nên vui vẻ, yêu đời, và bình an :-). Vài dòng chia sẻ với em. Chúc em một tối chủ nhật vui vẻ.

nguyên đại
nguyenbadai@gmail.com
melbourne
24/06/12

21 June 2012

Bọt biển

H. em

Những ngày này, Melbourne mưa, gió lạnh; trung tâm thành phố về đêm có lúc còn 3 độ C, và những vùng khác trong tiểu bang có chỗ đến âm 5 độ (-5 ). 

Tại sao? Tại vì có những nơi khác nóng quá, tại a, b, c, d...Đó là luật tự nhiên, có nắng phải có mưa, có yên lặng phải có bão tố và ngược lại. Mưa không phải "sai", mà nắng cũng không phải "đúng", người ta không đặt vấn đề "đúng" "sai", để bắt "ông trời" phải làm "đúng" theo ý của mình; bỡi vì người ta cảm thấy bé nhỏ trước "ông Trời". Cho nên, người ta phải tìm cách tồn tại, kiếm một cái mũ, đeo bao tay, khăn che mặt, để bảo vệ mình. Đi tìm một mái hiên, kiếm một cái dù, mua một cái áo mưa tạm để qua cơn mưa.

Đó là quy luật tự nhiên; quy luật xã hội cũng vậy. Thực ra quy luật là quy luật, không có sự phân biệt tự nhiên hay xã hội. Chữ "tự nhiên" hay "xã hội" chỉ là tên gọi con người đặt ra để trang điểm cho (cái gọi là) "kiến thức" của mình. Vì vậy, nếu câu hỏi: "tại sao trời mưa", và câu trả lời "tại nó là như vậy"; thì câu hỏi "tại sao ở Việt nam hiện nay, quan hệ nơi làm việc trong các cơ quan chính phủ nó....như vậy", và câu trả lời cũng sẽ là "tại nó là như vậy".

Nếu mây kéo đến chuẩn bị mưa, và em không thể ở vị trí có thể "ra lệnh" cho máy bay lên để phun khói (hóa chất) đuổi mưa đi chỗ khác, mà thay vào đó em chuẩn bị cho mình chiếc dù, áo mưa để khỏi bị ướt. Thì trong công việc hằng ngày của em cũng vậy; nếu em không ở vị trí có thể quyết định sự thay đổi, giống như Gorbachev, Đặng Tiểu Bình,...hay thủ trưởng đơn vị, hay trưởng ngành, thì để mình khỏi bị "cháy", "bị ướt", em phải biết đi kiếm "mũ", "bao tay", "khăn che mặt", "áo mưa", hay...chạy đến trú dưới một mái hiên, để mình được tồn tại. 

Sự chọn lựa là của em, làm một người chèo thuyền biết nương theo chiều sóng để tồn tại, để có một chuyến hải hành thú vị trong thăng trầm; hay là một gào thét, một vang vọng, một nổi bật trắng xóa như những bọt sóng trên biển chiều lộng gió.

Và anh nói cho em biết, nếu biển có mặt ở mọi lục địa trên trái đất; thì luật chơi, luật đời, luật sống ở mọi nơi, về mặt nguyên tắc là giống nhau. Trong ngữ nghĩa đó, Osama bin Laden, Julian Assange,... là những đám bọt biển lớn.

Ở mọi nơi, mọi lúc trên trái đất này lúc nào cũng có những con thuyền, và những đám bọt biển, nhưng chọn lựa là của chúng ta (đối với em, là của em).

Anh hai,

Melbourne,
21/06/12

Hình: Wave
Nguồn: images of wave

09 November 2011

Thư Cho Em



T. em,

Cuộc sống luôn có vấn đề: vấn đề của những cây anh-đào miền đông-bắc Nhật Bản là phải nở hoa sớm để tồn tại vì bị ngâm trong nước mặn quá lâu sau trận động đất và sóng thần vừa qua. Vấn đề hằng ngày của con chó nhỏ ở sân sau nhà anh là làm sao “chiến đấu” với con mèo bự ở nhà hàng xóm.

Ai? ở đâu? bất cứ lúc nào? cũng có vấn đề cả: toàn quốc gia Hy lạp (Greece) đang đối diện với chuyện vỡ nợ, phá sản. Nước Ý (Italy) cũng đang nợ ngập đầu và thủ tướng Ý có thể bị buộc phải từ chức, và sau đó có thể phải đối diện với những truy tố hình sự. Bác sĩ riêng của Michael Jackson, Dr. Conrad Murray, vừa bị kết tội ngộ sát hôm qua và chuẩn bị vào tù, có thể tới 4 năm, ở Los Angeles, Hoa-Kỳ. Nạn lụt ở Thái-lan đã cướp đi sinh mạng của 527 người. Tuần trước (29/10) trong một buổi huấn luyện quân sự (lính Úc huấn luyện cho lính của chính phủ A-phú hãn (Afghanistan)), bất thần một sĩ quan A-phú-hãn nổ súng bắn chết một đại úy của Úc và hai sĩ quan khác, cùng làm bảy (7) người lính Úc khác bị thương; sau đó chính người sĩ quan A-phú-hãn này cũng đã bị bắn chết tại chỗ.

Anh và em đã may mắn không là thủ tướng Ý, không là bác sĩ riêng của Michael Jackson, không ở trong số những người tử nạn vì lụt ở Thái lan, không là những sĩ quan trong quân đội Úc trong vụ huấn luyện nói trên, trong những ngày này.

Cuộc sống không thể là cuộc sống nếu không có vấn đề. Vấn đề sẽ không trở thành vấn đề nếu không liên quan đến cuộc sống. Cho nên phải đón nhận những vấn đề của mình trong cuộc sống như đón nhận chính cuộc sống của mình vậy. Em có vấn đề của em, anh cũng vậy, không ai trong chúng ta là ngoại lệ.

Thay đổi như thế nào là do em chọn lựa, miễn đó là sự chọn lựa của em, thì đó là hạnh phúc của em, và anh mừng cho em, vì em đã tự mình làm một sự chọn lựa. Như đã có lần anh nói: chọn lựa là hy sinh; không có sự hy sinh thì đó không phải là một sự chọn lựa.

Niềm vui hay hạnh phúc trong cuộc sống là thái độ, cách nhìn của mình đối với những vấn đề mình đang có. Chiều hôm qua ông tỷ phú truyền thông Mỹ gốc Úc có lẽ không được vui vì không trúng được gói thầu trị giá nhiều trăm triệu đô la cho việc phát đi chương trình ti-vi đến 10 nước trong vùng Á Châu, Thái Bình Dương. Chiều hôm qua, một người chạy xe ôm ở SG có thể được vui vì trúng được một khách sộp. Sáng nay, anh có thoáng chút bực bội vì ly cà phê pha không được ngon.

Cho nên lời khuyên của anh là:
 1)Tự mình, thành thật (với chính mình) đối diện với những vấn đề mà mình đang có;
 2) Mỉm cười với vấn đề của mình;
 3) Bắt tay thân thiện với vấn đề của mình;
 4) Vấn đề sẽ mỉm cười thân thiện với mình


         






...






Anh chúc em vui vẻ, bình an.





Anh hai,

Nguyễn Bá Đại




















12 July 2011

Hạnh Phúc

HẠNH PHÚC

Hạnh phúc là sáng nay thức dậy
Em mỉm cười áo trắng đến trường
Mây sáng hồng cuối trời ruộng lúa
Tiếng trẻ cười giòn giữa mênh mông...

Hạnh phúc là tới giờ lên lớp
Em chỉ đường cho một tuổi thơ
Những con đường đi tới ước mơ
Như tia chớp bên đời bão tố!

Hạnh phúc là mỗi trưa ngồi lại
Với bạn bè chia sẻ niềm riêng
Tàng cây trong sân trường vụt lớn!
Che mát hờn, hoa nở buồn vui!

Hạnh phúc là mỗi chiều tan học
Trở về nhà trán lấm mồ hôi
Em đi giữa hai đầu quang gánh
Bụi phấn thơ, bụi đỏ đời thường!

Hạnh phúc khi giật mình thức giấc
Cành phong lan hương ngát trong đêm
Gió khuya thổi sáng bùng ngọn lửa
Kỷ niệm hồng than đôi mắt cay...

Hạnh phúc là niềm vui nắng sáng
Hạnh phúc là nỗi buồn trăng tan
Hạnh phúc là cuộc tình kết nụ
Hạnh phúc là kỷ niệm lá thu...

Hạnh phúc đi em,
Vườn sáng trăng reo!
Hạnh phúc đi em!
Bàn tay sen nở.

Nguyên Đại
Melbourne,
Tháng Bảy, 2011


------

Em...

Nếu em để ý, em sẽ thấy bài thơ anh viết lấy cảm hứng từ những cuộc nói chuyện với em. Khi em đi dạy vùng ngoại ô thành phố, trên con đường vào trường em thấy "Mây sáng hồng cuối trời ruộng lúa". Em yêu nghề, "mê" dạy, cho nên "Em chỉ đường cho một tuổi thơ": Con đường đó không chỉ có kiến thức, mà còn có lương tri. Khi em (học sinh) bước vào cuộc đời, em sẽ thấy cuộc đời nhiều bão tố (như anh và em đã từng trải qua), lương tri là tia chớp soi đường. Là một cô giáo tốt (có tư cách và dạy giỏi) em cũng truyền dạy cho các em bài học về lương tri, về tính thiện của con người. Các em học sinh cần kiến thức và cần nhất là lương tri để làm người, để thực hiện những ước mơ của mình: "Những con đường đi tới ước mơ, như tia chớp bên đời bão tố" là vậy.

Sống tập thể, bất kỳ tập thể nào, cho dù là trường học, cũng có những "chia" và "sẻ". Em san sẻ với bạn bè đồng nghiệp kiến thức, kinh nghiệm và cả những "niềm riêng", em sẽ thấy hạnh phúc, đúng không em? Nhưng cũng có lúc em bị đồng nghiệp hiểu lầm, "chia" ra, và em ngồi lại trong văn phòng, chợt nhìn qua cửa sổ thấy những tàng cây trong sân trường như "vụt lớn". Ừ nhỉ, mình đã đến đây khi những cây này còn nhỏ, "chúng nó" lớn hồi nào mà mình không để ý, mình đã lưu lại ở đây bao năm. Năm tháng đủ dài để "che mát" những hờn giận nhất thời, bông hoa bao mùa nở rồi tàn, buồn vui cũng theo đó... tụ rồi tan... theo tháng năm: Tàng cây trong sân trường vụt lớn, che mát giận hờn, hoa nở buồn vui.

Em đã trải qua những tháng năm khó khổ. Em lo toan đủ thứ trong gia đình riêng của mình, lễ nghĩa nội ngoại hai bên, em "gồng gánh" trên vai việc trường và việc nhà. Cuộc đời đâu phải lúc nào cũng "thơ". Bụi đường màu đỏ không phải màu trắng như bụi phấn. Đôi vai em đem cuộc đời vào trường học; và cưu mang tuổi thơ vào đời. Tóc em còn vương bụi phấn, nhưng rời trường học, xoay lưng lại, bước xuống đường phố, bụi phấn bay nhạt nhòa trong gió, chỉ còn lại bụi đường màu đỏ, màu đời thường cơm áo: Em đi giữa hai đầu quang gánh; bụi phấn đời thơ... bụi đỏ đời thường.

Cuộc tình như ngọn lửa, sự cách xa là cơn gió. Có những cuộc tình như ngọn nến mong manh, một cơn gió nhẹ đi qua, ngọn nến tắt ngấm. Có những cuộc tình như đám lửa than, cơn gió đi qua thổi sáng bùng ngọn lửa. Người đã cách xa, nhưng cuộc tình ở lại, không cất cánh bay đi, cho nên trong đêm khuya, mùi hương lan vẫn cứ tan dịu dàng trong đêm, dấu vết của một cuộc tình nhẹ nhàng nhưng say đắm. Cuộc tình vẫn còn ở đó, vẫn thấy bên đời còn có nhau: hương hoa tỏa ngát, và cơn gió khuya làm em thức dậy với nỗi nhớ, cuộc tình sáng rực rỡ trong đêm làm cay đôi mắt em...

Hạnh phúc không phải là căn nhà to, là chiếc nhẫn kim cương lớn. Căn nhà to tầm thường quá trong một sự khoe khoang, và mong manh làm sao trong cơn địa chấn. Chiếc nhẫn kim cương không thể có mặt ở mỗi phút giây của đời thường và nó ràng buộc mọi tự do của một bàn tay. Hạnh phúc không kênh kiệu như thế, hạnh phúc đơn giản hơn nhiều. Đó là trong lúc em buồn khổ, cô đơn, có một bàn tay ấm của một người bạn nắm lấy tay em và nói, bạn sẽ không cô đơn, vì có tôi bên bạn. Hạnh phúc là đôi mắt trong veo, như sương trong chưa dính bụi đời, của một cô bé học trò hai tay nâng niu một bó hoa tặng cho em, cô giáo: Hạnh phúc trong lòng em. Hạnh phúc từ tâm của em.

Cuộc đời hai mặt, hạnh phúc là cuộc đời, nên không thể tồn tại với một mặt (như hơn một lần anh đã viết cho em). Cuộc đời có sinh diệt, hạnh phúc có buồn vui. Khi em chào đời không phải em khóc sao, và mẹ em đã mỉm cười khi biết em được vuông tròn. Và khi em làm mẹ, hạnh phúc từng ngày thấy con mình lớn lên không phải khởi đầu từ những đớn đau mà em phải chịu đựng khi sinh nở sao? Hãy đón hạnh phúc từng ngày, từng vui, từng buồn, từng giây, em ạ: Hạnh phúc là niềm vui nắng sáng, là nỗi buồn trăng tan, là một cuộc tình vừa kết nụ, là kỷ niệm như lá thu tìm về nguồn cội.

Hạnh phúc khi em đứng trong vườn, nhìn ánh vàng của trăng long lanh trên mặt lá, trăng reo một khúc hát đu đưa. Hạnh phúc khi bàn tay của em cầm viết lướt thong dong trên những trang sách như một búp hoa em có thấy không, và khi ngừng lại, em có thấy tay em nở ra như một đóa sen không? Đó là hạnh phúc. Hạnh phúc đi em, vườn sáng trăng reo. Hạnh phúc đi em, bàn tay sen nở.

Anh
Nguyễn Bá Đại
12 Tháng Bảy, 2011

30 May 2011

Ru Thai

Em

Tối hôm qua anh nói chuyện với một người bạn. Anh là tác giả của bài thơ "Ru Thai" và kèm theo đó là một câu chuyện cười văn học.

Ru Thai

Vay thiền từng chiếc lá thu
Vàng từ cố quốc Đại Ngu vàng về
Vay đời từng tuổi sơn khê
Từ đêm mẫu hệ trăng về ru thai
Vay tình từng nhịp sơ khai
Từ xuân em khỏa hình hài phù dung
Từ mưa cát bụi phập phồng
Ta gùi di sản phiêu bồng hồi cư


                                      Lê Ân (Quy Nhơn)














Phật giáo (Thiền) truyền vào VN từ rất lâu, nhưng có lẽ rất thịnh vào triều Lý. Sau triều Lý rồi tới triều Trần, rồi mới tới Hồ Quý Ly (người đặt tên nước ta là Đại Ngu) (Chữ "Ngu" không có nghĩa là ngu dốt, nhưng có một ý nghĩa khác trong tiếng Hán (Tàu), hình như là "Hiền" (?) (anh không chắc). Bạn anh dùng chữ này cho có vẻ lạ, có "điểm nhấn" có một sắc "phản" để tạo "điểm nổi" trong bài thơ chứ không có hàm ý là Thiền chỉ du nhập vào Việt Nam bắt đầu từ triều Hồ. Nhưng....(cũng tùy) theo người cảm nhận nữa (cảm nhận riêng biệt của anh) là ông Hồ đã đặt tên nước là Đại Ngu, và họ đang "vay" (Thiền) của Phật Giáo ...

Vay đời từng tuổi sơn khê, là từ thời xa xưa, đời sống chúng ta với sự tích "Trăm trứng nở trăm con" với chữ "đồng bào" (ở trong cùng một "bọc", một bào thai của Mẹ Âu Cơ), cho nên mới từ đêm mẫu hệ, trăng về ru thai (trăng ru thai của Mẹ Âu Cơ), huyền thoại được pha trộn với nét đẹp tự nhiên mềm mại của ánh trăng.

Vay tình từ nhịp sơ khai: Yêu em từ rất lâu. Yêu con người của em, tâm hồn của em kết tinh từ những kinh nghiệm sống làm nên con người của em, từ "ngày em còn bé", anh đã "vay tình" từ đó (thoáng chút "Duyên và Nợ" ở đây). Nhìn em, thấy hình hài của em còn bé (chạy tung tăng trên những rừng thông Đà Lạt chẳng hạn...) (không biết bạn anh nó nhìn được điều gì từ người nó yêu thương???). Vần thơ trở nên rất sâu, rất xa, có chất thiền,...và có cái lãng mạn, rất đời, trong đó "từ xuân em khỏa hình hài phù dung"...

Từ mưa "cát bụi", từ xa lắm, từ thuở hoang sơ, với những dời núi đổi sông. Lời gọi "VỀ" từ những hoang sơ, về đi với tình người, với những gì cơ bản nhất trong đời sống con người, từ sự nương tựa nhau, chia sẻ cho nhau trong cuộc sống "bầy đàn". Trở về với những giá trị nguyên sơ với di sản văn hóa để lại từ bao đời của dân tộc, chứ không phải đặt tên "chủ nghĩa" để che đậy những sự thật đau lòng có thể thấy được hằng ngày.

Và, như một người đi hành hương (như những người dân tộc thiểu số miền núi - bạn anh cũng có thời đi dạy ở miền núi giống như anh), ta nhặt nhạnh hoa lá đặt vào chiếc "gùi" để phiêu bồng hồi cư (về, và trú ngụ).

Anh nghĩ đó là một bài thơ hay.

Và đây là chuyện cười
"Cha nội" biên tập báo (xyz) (tạm dấu tên)(tốt nghiệp ĐH Tổng Hợp Văn, sau đó học thêm Master gì đó), thấy chiếc lá thu (sửa ngay chữ "Thiền" thành chữ "Chiều" (cho nên thành: Vay chiều từng chiếc lá thu) - lá vàng thì phải chiều Thu. Trời ơi là nó tầm thường, sáo mòn, rập khuôn, không có một chút suy tư sáng tạo gì ở đây, vì một em học lớp 5 cũng biết được ngày khai trường với chiếc lá thu vàng...(Ở miền Bắc, tháng 9, khai trường là mùa thu). Sửa lại một chữ "Thiền" thành chữ "Chiều" là đá một cú thật mạnh vào một tác phẩm nghệ thuật.

Nhưng sửa chữ "thai" thành chữ ''nhau" mới "nghiệt" (thành ra: Từ đêm mẫu hệ trăng về ru nhau) - Có lẽ "cha nội" đó đọc "từ xuân em khỏa hình hài phù dung" (phù dung là người đẹp) và là người đẹp đang "khỏa" (thân) nữa, cho nên có trăng là phải "ru nhau", ru nhau trong động đá, giữa núi giữa rừng (sơn khê mà), và còn ru theo nhịp man di nữa (từ thời mẫu hệ mà!). Còn mưa cát bụi, phiêu bồng hồi cư, gắn vô cái chỗ đã "sửa" của "ông nội" đó, ai hiểu sao thì hiểu, giống như một số người cứ viết lung tung như vậy cho nó có vẻ thần bí, khó hiểu, càng khó hiểu càng tốt ("chủ nghĩa thần bí").

Chữ "thai" là ý niệm chính của bài thơ, là một chữ không thế thay thế được, vì đó là ý niệm "đồng bào" "đồng bọc"...phải biết thương nhau (như anh em vậy); đổi chữ "thai" thành chữ "nhau" là đốt luôn bài thơ vậy.

Và bạn anh rất nhân bản, khi anh hỏi "cha nội" đó là ai vậy, bạn anh nói "thôi đi" (kể chuyện cười cho vui, biết để làm gì)- điểm này làm anh mến phục bạn anh hơn. Một Luật Sư cần biết sai cái gì, ở đâu, và trách nhiệm thuộc về ai, một nghệ sĩ có khi không cần. Anh nghĩ công việc của em cũng đòi hỏi em có đôi mắt và cái đầu nghệ sĩ. Anh viết để em đọc một chuyện cười văn nghệ. Chúc em một ngày vui.

Anh Đại

26 February 1994

Thư gởi bạn

...Đọc thư mày, buồn vui lẫn lộn, nhớ về mày, tao nhớ về Tai A Chau, và mỗi lần như vậy, tao có cái cảm giác như một người vừa bước lên một mảnh đất liền gọi là bờ, sau một hải trình dài, thật dài, để lại sau lưng mình những ngọn sóng bạc đầu và con thuyền rách nát tang thương của mình, nhưng chở đầy quá khứ tỵ nạn, chở đầy những kỷ niệm về tình bạn, tình yêu, và tình người.

Tao nhớ nhiều lắm. Tao ước gì tao có thể ôm lấy quá khứ đó để nói, bằng tiếng nói tận sâu trong trái tim tao, rằng tao yêu nó. Mỗi người bạn đi qua đời tao đều để lại hình bóng họ trong suy nghĩ của tao, cho dù có những bực bội, thương yêu, suy tư, mặc cảm...Tất cả đều là kỷ niệm không phải tất cả là những điều đẹp đẽ, có cả những điều tồi tệ, đôi khi mình không muốn nhớ vẫn cứ nhớ hoài.

Giờ đây, ngồi nhìn qua cửa sổ, buổi chiều nước Úc xuống dần trên nền trời xám, nhớ lại những ngày qua, như một diễn viên xem lại những thước phim mình đã đóng trên màn ảnh, tao chợt thấy và chiêm nghiệm một điều rằng, khi giữa mình và bạn bè, tất cả bạn bè, có một khoảng cách không gian và thời gian đủ lớn, đủ dài để suy tư về kỷ niệm, mình chợt thất rõ mình hơn, và có lẽ thấy họ cũng rõ hơn. Họ cũng có những lo âu về cuộc đời, cũng có những hoàn cảnh, những băn khoăn, cũng đúng, cũng sai, cũng lầm lỡ như mình vậy. Ô hay, mình "hòa tan" cùng với họ trên sân khấu cuộc đời, vậy mà mình cho rằng mình hơn họ.... Tao thấy mình sai lầm, một sai lầm lớn nhất từ trước đến nay. Bây giờ tao chú ý nhiều đến sự "hòa tan"...

Chúc mày luôn được vui và bình an

Tao,
Đại
Thư gởi Doãn - 26/2/1994

19 February 1994

Thư gởi em

Sao Tết này ăn Tết có vui không? Vui thì có, nhưng vui lắm thì không, phải không? Bởi ai cũng vậy, muốn vô tư lắm, nhưng đâu phải lúc nào cũng vô tư được, nhất là đối với một cô gái "vừa mới gây sóng gió ở Bataan này"có phải không? Thôi, dẫu sao cũng đã qua rồi, và trại tỵ nạn, nhất là Bataan thì giống như quán bên đường, buồn phiền về một thái độ và mình cho là thiếu kiểm soát vừa vô lý và vô ích nữa, em ạ.

Anh nói như thế này có vẻ đơn giản hơn. Hồi anh đi học cấp 2, cấp 3 thỉnh thoảng rủ bạn bè đông vào quán chè làm ồn một chút, có vài ông già, người đứng tuổi ở những bàn bên cạnh khó chịu nhưng mình phớt lờ một chút cho cuộc vui trọn vẹn, rồi mình về nhà, chẳng lẽ cứ hối hận hoài về chuyện này.

Những năm 17, 18 anh có đi học võ (học cho vui thôi) và vào quán thì phải kiếm cái ghế gác chân, phì phèo điếu thuốc, nếu có thằng nào "kên" thì thì thử sức (kiểu dế mèn) cho vui, thua thì chạy bán sống bán chết(!) hối hận hoài làm sao mà sống. Ai cũng có lúc thiếu kiểm soát. Ông Phật còn có vợ trước khi xuất gia, thì mình buồn phiền về một vài lỗi nhỏ, có phải vô lý không?

Như vậy, về phần em, em không nên phiền muộn nữa nhé, điều có ý nghĩa là rút kinh nghiệm nên thành thật với chính mình và với bạn bè. Nói thẳng, nói thật để hiên ngang làm người tự do, em ạ. Và, đừng cưỡng bức trái tim của mình, đến khi nó rung thật thì nó bất chấp sự cưỡng bức ngược lại của mình đấy! Suy nghĩ một chút, em sẽ tìm được sự thanh thản thật sự của một nội tâm bình lặng.

Về phần dư luận cũng không đáng ngại em ạ. Chúa Jesus nhân từ như thế còn bị những người có quyền lực đóng đinh trên thập tự giá, vậy thì đến giờ này của cuộc đời, mình làm biết bao nhiêu điều sai, mình vẫn còn ngồi đây trong nắng chiều Bataan rực rỡ với những bông hoa trắng bình yên trước hiên nhà. Có một vài người nào đó nói những điều mà mình không thích sau lưng mình, thì có gì mà mình phải buồn phiền, ngược lại có lẽ mình phải cảm ơn. Xin cảm ơn cuộc đời, xin cảm ơn những người thân, những bạn bè gần gũi thông cảm, những người hàng xóm dễ thương mà gặp nhau đã tươi cười chào hỏi.

Em viết cho anh trong thư trước: "có lẽ mọi người nhìn anh với một khía cạnh nào đó không hay lắm...". Có lẽ người ta đúng, bởi tự xét, anh thấy mình có làm một vài điều đúng, bên cạnh quá nhiều điều sai, có những điều không sao tha thứ được. Vậy thì, theo lẽ thường, con người vui khi được khen, và buồn khi bị chê.

Anh không buồn nữa, bởi vì anh có cơ hội để suy nghĩ về mình nhiều hơn và bất chợt cảm thấy mình hạnh phúc. Hạnh phúc vì cha mẹ đã cho mình ăn học và xã hội chung quanh đã hun đúc đào luyện có một lương tâm để biết, thấy việc đúng sai. Hạnh phúc vì bên cạnh những người nghiêm khắc phê bình còn có nhưng bạn bè, những người thân biết thông cảm, biết "hiểu anh được chút chút". Hạnh phúc vì mình không quá cô đơn trong cuộc đời này. Hạnh phúc vì mình vẫn ngồi đây nghe ngoài kia xôn xao cây lá, mơn mởn đời đi qua đám cỏ xanh trước nhà.

Đọc tới dây, anh hy vọng em đỡ buồn phần nào, nếu như còn có một chút buồn nào đó thì cũng mong cho nó vơi đi...

Anh Đại
(Thư gởi Thúy - 19/2/1994)