Showing posts with label Article. Show all posts
Showing posts with label Article. Show all posts

18 June 2015

Những Ngày Này...

Trời đổ một cơn mưa dông
Lòi cây bọc lưới, bộng tông trụ đèn
Nói đi thẳng mặt gian hèn
Thắng banh một trận, thua đời dân đen!



18/6/15

Những ngày này...
Sau cơn mưa dông, hôm 13/6, nhiều cây mới trồng ở Hà Nội đã bị đổ rạp trơ phần gốc còn nguyên trong bọc lưới với nhiều dây nhựa quấn xung quanh, nhiều trụ điện bê (bộng) tông đã ngã. U23 Việt Nam thua Myanmar (Miến Điện) làm nhiều người khóc (sau đó thắng Indonesia 5-0 để đoạt huy chương đồng), và trong ảnh là ngư dân Bùi Tấn Đoàn bị gảy chân trái sau khi bị tàu Trung quốc dùng vòi rồng tấn công!






24 September 2014

Buôn

Chào thầy, có thể giúp gì được cho thầy
Chào anh, tôi muốn làm cái Will (di chúc)
Ô! có thể giúp được, mời thầy ngồi...

...trong trường hợp thầy có chuyện gì, xin phép nói thẳng để tránh sự hiểu lầm, là nếu như thầy qua đời thì ai sẽ là người quản lý tài sản, rồi thì chia cho ai, chia như thế nào ạ?

Cô...(họ và tên) sẽ là người quản lý, và chuyển hết mọi tài sản của tôi cho cô ấy bao gồm bất động sản ở địa chỉ ... đó cũng là ngôi chùa của tôi.



Địa chỉ của thầy ở ... là một căn nhà được dùng làm chùa phải không ạ?
Đúng rồi
Vậy cô ấy ở đâu? và là quan hệ với thầy như thế nào, là chị em, bà con...?

Không, cô ấy là sư cô, không có quan hệ gia đình gì với tôi cả.
Ô, vậy sư cô ấy địa chỉ ở đâu?
Ở cùng địa chỉ
Sao, thầy nói sao...sư cô ở cùng địa chỉ với thầy?
Đúng, cùng địa chỉ

Chùa còn có thầy, cô nào nữa không ạ?
Không, chỉ có hai người...
....
Chiều nay thầy trở lại, mọi giấy tờ sẽ được làm xong để thầy ký...

(Đó là một mẫu đối thoại, vào sáng hôm qua, giữa mình và một "thầy" 36 tuổi; và theo giấy tờ, "cô" 39 tuổi)

Mình vừa làm việc...thỉnh thoảng cười cười...


24/9/14

Cốt tủy của Đạo Phật là ở chữ "buông", nên Phật đã buông bỏ gia đình, ngai vàng,...để tìm Đạo, nhưng một số đệ tử của Ngài đã không Giữ được cái tâm của mình để nó vướng mắc...lung tung, thiếu chữ G, nên không buông được mà thành "buôn", thật buồn...

10 July 2014

Cúi đầu

Em hãy cúi đầu xuống
Thấy mình đứng trên đất
Biết đây là sự thật
Không còn và không mất

Hãy cúi đầu đi em
Thấy mình thật bé nhỏ
Học hỏi và khiêm cung
Đường đời đi bớt khó

Cúi đầu xuống đi em
Nhận ra màu đại địa
Màu bền vững muôn đời
Dẫu lòng người thay đổi

Này em hãy cúi đầu
Thấy chân mình trọn vẹn
Ta cũng là tha nhân
Lòng vơi đi sân hận

Em ơi hãy cúi đầu
Nghe nhịp đập từ tâm
Không còn bờ bến vọng
An từng bước thăng trầm

Nguyên Đại
30/11/11


Tôi viết bài thơ này để tặng cho các em trong gia đình. Tối hôm qua đến nhà người bạn, có dịp ôn lại những ngày tháng qua của đời mình, càng thấy thấm thía, chợt nhớ đến bài thơ này, hình như không phải chỉ tặng cho các em tôi mà như một lời nhắc nhở, một quà tặng cho chính mình.

Cúi đầu để biết mình đang đứng ở trên mặt đất này, nhận ra những sự thật như đất dưới chân mình. Đất: nơi mình đến và sẽ trở về, cho dẫu giàu hay nghèo, “được” hay “thua”. Đất: không còn và không mất. Những lấn lướt, tranh đoạt cũng sẽ trở về. Bạn nói: vậy cũng đủ rồi, một đời người qua. Tôi nói: Ừ, phải...Mình cạn ly.

Cúi đầu không phải là một hành động hèn hạ, khuất phục; mà là chứng tỏ sự hiểu biết của mình về sự hữu hạn bé nhỏ của chính mình như một con người. Cúi đầu để chứng tỏ lòng tôn trọng tha nhân, cúi đầu để biết ở đâu trong cuộc đời này, mình cũng cần anh em bè bạn để có thể dìu nhau đi trên đường đời gian khó. Đôi mắt tôi ở đằng trước, bạn sẽ chỉ cho tôi, phía sau tôi có những gì. Tôi nghĩ, có lẽ người Nhật, một dân tộc bất khuất và có tinh thần kỷ luật cao, cúi đầu rất sâu chào nhau vì lý do này.

Tổng Thống Obama, lúc mới nhậm chức, đi công du Nhật Bản, đã cúi đầu rất sâu chào Nhật Hoàng, có ý kiến cho rằng cách chào hỏi đó từ một lãnh tụ của siêu cường số một thế giới đối với ông vua của một nước nước nhỏ là nhũn nhặn quá đáng. Tôi không nghĩ vậy, Tổng Thống đã cúi đầu với lòng tôn trọng dân tộc và văn hóa Nhật Bản.

Cúi đầu để nhận ra mặt đất muôn đời, nhận ra những giá trị bền vững trong cuộc đời như đất; dẫu đời sống có những thăng trầm, như gió như mây, như lòng người thay đổi.

Cúi đầu để thấy chân mình trọn vẹn, như lời của một bài hát hãy nhìn xuống chân mình để thấy ở đó những chai sạn lỗi lầm; để nhận ra sự nhẫn nại vô biên của mặt đất dẫu nhận biết bao nhiêu sự chà đạp, để thông cảm được với những lầm lỗi của tha nhân; và giận hờn, oán trách, hận thù sẽ được vơi đi.

Cúi đầu để lắng nghe nhịp đập từ trái tim mình, cảm nhận được hạnh phúc được Thượng Đế ban cho kiếp người, được cha mẹ hy sinh để cưu mang, đem mình đến với cuộc đời này, nhận ra được hạnh phúc của mình trên từng bước thăng trầm.

Nguyên Đại
10/7/14

Đời sống, đóa hồng gai thơm ngát
Tránh gai đi, và khẽ cúi đầu
fb commt 25/9/13

21 October 2013

Giàu và Nghèo

Em

Đã lâu không gặp, gặp lại rất vui, nhưng hình như em có vẻ băn khoăn về chuyện giàu và nghèo. Con người sinh ra và chết đi đều không có gì, chỉ có cái khoảng giữa mấy mươi năm là phiền phức về chuyện “có” và “không”; sao lại để những điều này làm mình bận tâm quá đỗi.

Cái khoảng giữa mấy mươi năm đó của một đời người cũng có biết bao nhiêu dời đổi thăng trầm, kinh nghiệm đời sống mà anh em mình đã trải qua, chứng kiến: Trước năm 1975, có nhiều gia đình giàu có, và cũng có biết bao gia đình khó nghèo ở vùng quê, vùng “xôi đậu” (vùng liên tục bị giành giựt, tranh chấp trong chiến tranh Việt Nam). “Cách mạng” miết đến bây giờ...tạo nên một số “đại gia” từ những “đồng chí” rất nghèo ngày xưa. Rồi những người nghèo “một cái rầm” sau tiếng súng “giải phóng”, tan nát cửa nhà, sau đó được ra đi với những chương trình định cư HO, ODP, tỵ nạn v.v... có một thời trở về VN rủng rẻng “Việt Kiều”; được một thời gian, và bây giờ có lẽ “Việt kiều không bằng Việt Cộng”.

Có những bạn bè mình may mắn đi định cư, từ những ngày cuối cùng của làn sóng tỵ nạn, gặp chuyện rắc rối gia đình, bao năm qua rồi cũng vẫn vậy. Có những bạn bè khác, gọi là “không may”, phải trở về VN, bây giờ ăn nên làm ra trở nên những “đại gia”. Người “may mắn” hai mươi năm trước bây giờ có khi lại nghĩ chính mình mới là người “không may mắn”...Từng ấy những thăng trầm, từng ấy những chứng kiến, từng ấy những kinh nghiệm sống, em có nhận ra rằng giàu-nghèo, có-không như những đợt sóng vỗ vào bờ biển: lên, xuống, vỡ tan thành bọt... rồi lại lên xuống....Đừng để những đợt sóng đó làm phiền mình em ạ. Đừng để những đợt sóng đó chen vào tình cảm anh em bạn bè mà chúng ta có được sau chừng ấy tháng năm thăng trầm bão tố.

Một ngày, ông Hoàng Đế cuối cùng của đất nước Trung Hoa đi qua viện bảo tàng; ông len lén ngồi lên chiếc ngai mà ông đã ngồi đó “hét ra lửa” ngày xưa, ông đã bị lính gác đuổi đi; ông đã khóc rất lặng lẽ. Ông Hoàng Đế đó cuối cùng đã qua đời trong thiếu thốn. Anh em mình chưa bao giờ là vua (và sẽ không bao giờ); cho nên có được cái gì, hay mất cái gì đó, đâu có gì quan trọng; sao phải để những quan tâm, so sánh đó làm vướng đời sống của mình.

Nếu hạnh phúc cứ là điều mà mình chưa có, mình cứ như con mèo đuổi theo cái đuôi của nó, chạy lòng vòng hoài, không bao giờ dừng lại, và cũng không bao giờ tới.

Nếu hạnh phúc là "điều chưa có"
Niềm vui mãi là "điều mong đợi"


Ao ước rồi ao ước như những cơn sóng cứ gợn mãi, gợn mãi không nguôi, không ngơi nghỉ, như cơn sóng đã qua hết đại dương, mà còn gợn lại, vì còn nhiều điều chưa thỏa. Chúng ta không phải giống như những cơn sóng đó sao, đã bao lần băng qua đại dương, còn mất, vẫn cứ còn buồn phiền, so sánh, rằng tại sao mình đã bỏ lỡ dịp may đó, rằng tại sao mình không đón cơ hội đó, và bây giờ “cơ hội đến” phải tranh thủ, tranh thủ, và tranh thủ...

Như con sóng vỗ vào bờ đá
Bạc đầu ghềnh còn vọng tiếng than!
Qua hết đại dương mà vẫn thiếu!
Gợn lại vì nhiều điều chưa thỏa!


Em có thấy có những điều tưởng như bình thường nhưng rất “kỳ lạ” trong cuộc sống của chúng ta không? Chúng ta lao vào cuộc sống hùng hục làm giàu như những con trâu, và rồi cầu nguyện sự giải thoát, sự phù hộ của Phật, một người có hơn 40 năm, sống nhờ của bố thí, cúng dường.

Chúng ta lo lắng vô cùng đến mất ăn, mất ngủ về chuyện nhà cửa, xe cộ, nhưng lại phó thác mình trong tay Chúa, một người sinh ra trong một máng cỏ khó nghèo, và bị đóng đinh trên thập tự giá cùng với hai gã trộm.

Buổi sáng anh hay đi ăn sáng với thằng bạn làm cùng dãy văn phòng, có vài lần nó cứ chỉ ông A, ông B, và nói rằng ông đó giàu lắm, có mấy cái nhà....Có lần anh hỏi ngược lại nó: vậy chứ có liên quan gì đến tao, tao đâu có tiêu tiền của nó, và ngược lại. Thằng bạn từ đó không nhắc tới chuyện ai giàu, ai nghèo nữa. Giàu-nghèo, có-không là duyên phận, và đã là duyên phận thì không ai giống ai, có vậy mới có những con người khác nhau, và những cuộc đời khác nhau. Tại sao ta phải “đòi” cho được để giàu giống như họ? Tại sao ta phải lất cất, ngẫng mặt lên trời “không thấy ai cả”, khi phải đối diện với một người có ít tiền ơn mình? Có khi nào em hỏi trái táo rằng tại sao nó không giống trái cam không? Nếu đã là trái cam, hãy là một trái cam tươi, và vui vẻ. Cũng vậy, nếu duyên phận là một trái táo, thì tại sao không vui. Công nương Diana của xứ Wales (lớn hơn anh em mình khoảng 5-6 tuổi) đã là một “quả táo” ngon lành, nhưng hình như bà không có nhiều hạnh phúc.

Đón thăng-trầm phút giây đang có
Nhận nợ-duyên an định từng ngày


Khi giàu hay nghèo đã không thành vấn đề nữa thì em sẽ thấy đời sống này bình an. Vâng, đời sống cũng sẽ có thăng trầm, có được có không, có còn có mất mỗi ngày, cũng giống như biển không khi nào ngớt sóng, nhưng tiếng sóng bây giờ vọng xa, vang vọng trong đêm như một lời kinh. Và em sẽ thấy mình hòa quyện với đời sống này, với tất cả mọi người xung quanh, vì đâu có gì khác nhau giữa những con người: “Máu ai cũng đỏ, và nước mắt ai cũng mặn”.

Như con sóng vỗ vào bờ đá
Tiếng vọng xa như một lời kinh
Đại dương, đất, trời, ta...bát ngát
Sóng cuốn đi...như nước vỗ...về!


Nguyên Đại

18 October 2013

God Morning

Hôm nay có bạn gởi lời chào buổi sáng "God Morning" (thay vì Good Morning).

À, há!  một "Morning of God" (buổi sáng của trời). Trời tặng cho một buổi sáng, mình không thể không quý món quà trời cho này được.

Chữ Good là God thêm "o"
Em (O) tốt là của trời cho, bạn nờ!

Một "Morning for God" (buổi sáng vì Trời). Buổi sáng vì những tất cả những điều trời cho: (tự nhiên) liên lạc được với một người bạn đã lạc mất nhau gần hai mươi năm (vừa gặp lại đã muốn "điều cha (tra)"!!!), ly cà phê tự pha buổi sáng thơm nóng, đứa con gái vui vẻ chào ba đi học. Trời đâu thích những điều rườm rà.

Tại sao vội vàng thành Phật
Đời còn vui nên chưa lật đật về
Trên trời đâu có đam mê
Nên buồn, giận, thương,yêu đâu dễ có

Chào bạn bè và những người thân: "God Morning"

Nguyên Đại
18/10/13

10 October 2013

Ếch

Thầy giáo: "Ếch ngồi đáy giếng thấy trời bằng vung" nghĩa là gì?
Tí: là khi mình là con ếch, thì mình chỉ thấy trời lớn bằng nắp vung, ạ
Tèo: là nếu ai thấy trời bằng nắp vung, thì người đó đang là con ếch, ạ
Thầy: hãy nhớ buổi học ngắn ngắn này, mình sẽ sống được vui vẻ.


fb/note: 10/10/13
hình: vintagechildrenbookskidloves.com




19 September 2013

Giáo Sư và Người Bán Trái Cây (Phần 2)


(Tiếp theo phần 1...)

Trong quán cà phê,

GS: H...e...y, mời ông anh - GS đứng dậy, mời ông TC ngồi.

TC: Hôm nay tui đi uống cà phê với ông, bữa sau ông phải nhậu với tui nghen, không có từ chối đó, từ chối là nghỉ chơi đó. Ông TC vừa nói vừa cười giả lả.

GS: Oh, vậy là tui được lời rồi. GS cũng cười vui nhủn nhặn, khiêm cung.

TC: Lời lỗ gì ông, anh em quý nhau cái tình thôi; nhưng mà không tình không tiền gì cả. Tui thích uống rượu, ông thích uống cà phê, thích gì được nấy, khà...khà. Mình "dân chủ" cho nó vui, nó lâu dài, chứ cứ độc tài, tui chiều ông quài tui chịu gi thấu, mà bắt ông chiều tui quài, chắc ông "chẩu" sớm khà khà...

GS: (phóng khoáng, tình tiền trà rượu, việc cỏn con cũng nhìn với nhiều cách, cũng thú vị...) Ủa, ông cũng thích nói chuyện "chính chị, chính em" hả?

TC: Không, tui bán trái cây dính vô mấy vụ chính trị làm gì ông. Nhưng mà tui ngu gì dính zô mấy dụ đó ông. Không tính đời ông cố tui, vì tui không có biết ổng, tính đời ông nội tui trở xuống cha tui, tới tui, con tui, ông thấy có chế độ nào tồn tại lâu như vậy không. Tui thích chơi đường dài, không thích ngắn.

GS: (Im lặng, suy nghĩ...Cũng đúng chứ, chính trị có tính đoản kỳ, đời sống con người thì có tính trường kỳ qua nhiều thế hệ. Chính trị phải được sử dụng để phục vụ con người (chứ không phải điều ngược lại) thì sẽ có được sự lâu dài, còn nền chuyên chính nào bắt con người phục vụ cho nó, thì sẽ không thể tồn tại lâu dài được).

TC: Ông nghĩ gì mà sửng người vậy ông thầy. Tui nói ông nghe: ông bắt hai con gà bỏ vô trong cái lồng, cho cơm ăn nước uống nó cũng đá nhau ì xèo trong đó, còn nếu ông thả ra ngoài vườn thì nó tung tăng, cho dầu phải tự lo kiếm ăn. Tui thích làm con gà lăn lộn ngoài vườn hơn là con gà bị nhốt trong lồng đá nhau suốt ngày. Thôi, tui không biết nói nói chuyện "chính chị chính em" gì ông ơi! Ông thầy được mấy cháu rồi.

GS: Tui có hai cháu, thằng lớn 20 tuổi đang học năm 3 đại học, còn con bé đang học năm 12. Tụi nó không thích theo nghề tui, tụi nó nói nghệ thuật nghèo, đi làm thương mại nhiều tiền hơn.

TC: Đúng rồi, nó được sinh ra làm thằng đá banh, ông bắt nó học bơi, thì nó chỉ có uống nước bình bụng xong rồi nó bỏ nhà nó đi, bộ ông muốn nó bỏ ông đi sớm hay sao mà ông bắt buộc nó. Mà ông có bắt cũng không được. Thường, tui thấy cha mẹ muốn làm cái gì đó mà đời mình không làm được thì sinh con ra bắt nó làm cái mà mình muốn. Tui thí dụ như ông muốn làm Thủ Tướng đi, ông không làm được rồi ông bắt nó làm. Nó làm sao nổi, tội nó chứ, nó chỉ muốn đi đánh tennis thôi. Mình chơi dzậy đâu có công bình cho nó. Đời mình mình sống không xong, rồi bắt nó sống tiếp, rồi còn đời nó đâu...làm cha thì được, chứ ông "chơi cha" đâu có được.

GS: (Wow, tay này không mơ đâu à...) Còn anh thì sao, anh được mấy cháu?

TC: Tui chưa có cháu nào!

GS: Ủa, là sao?

TC: Đùa chơi chứ, tui có 3 đệ tử, thằng lớn năm cuối y khoa, con sau theo anh nó đang học năm hai, còn ông nhỏ mới học lớp 8, tui chưa biết ổng muốn gì.

GS: Wow, chúc mừng anh nghen, người ta mong 1 bác sĩ không có, anh tới hai bác sĩ, hay quá.

TC: Tui nói ông rồi, là do nó. Tui muốn cũng không được mà ông muốn cũng không được. Tui nói với nó: con muốn bán trái cây thì ra chợ ba giao cho một cái sạp rồi làm giống ba dzậy, còn không thì phải kiếm thầy mà học, thiếu tiền thì ba cho, chỉ vậy thôi, rồi tự nó nó học. Cho nên có chúc mừng thì chúc mừng nó, tui không làm cái gì hết. Tui chỉ giúp nó biết nó là ai, chứ không cần biết tui là ai, và cũng không cần biết ai là nó.

GS: (Wow, lão này đáo để nghen) Nhưng anh về già thì cũng có ít nhất là hai bác sĩ săn sóc, không sướng sao!

TC: Không, cái chuyện đó thì lại khác nữa...Ông TC cao giọng... Bây giờ thì tui làm tui ăn, mai mốt có sống tới đó thì vô viện dưỡng lão nói chuyện với mấy ông bạn già sướng hơn; còn ở nhà: tui hành nó, nó hành tui, riết chặp điên hết. Cho nên cái chuyện sinh con, làm bán mạng lo cho con ăn học thành tài, để mai mốt nhờ tụi nó là xưa rồi ông, xưa rồi "Diễm".

GS: Nhưng có hai đứa con làm bác sĩ, ông cũng nở mặt nở mày chứ, ông nói sao vậy.

TC: Không, lâu lâu có họp hành chi đó thì nó giới thiệu đây là ba, đây là má; rồi, xong rồi đó. Tui cũng đâu biết nói gì với mấy ông bà đó đâu, mệt thấy mẹ!

GS: (trầm ngâm...tay này nói chuyện quái thật... nhưng đâu phải vô lý) Chị ở nhà khoẻ chứ? À, hôm trước về cái chuyện, ông đối phó với bà vợ hay càm ràm tui thấy cũng hay, tui cứ suy nghĩ mãi.

TC: Ông đừng nghĩ là bả sai, mà nghĩ là bả đúng thì làm sao cải.

GS: Là sao, ông nói giỡn chơi quài!

TC: Tui kể ông nghe một chuyện để ông hiểu ý của tui: hôm trước có cô kia bán hàng cho tui, được một thời gian, rồi cô ấy sang bán hàng cho cái gian hàng của người khác cách chỗ tui mấy quầy. Một ngày kia, không biết chuyện gì, cô chửi tui như tát nước ông. Trời, ông cũng biết dân chợ rồi đó, khi chửi đâu có văn chương như ông. Trời ơi, chửi quá chừng luôn, nhưng tui không nói gì hết.
GS: Sao ông hay vậy?

TC: Tui cứ nghĩ nếu cô ấy còn làm cho tui, thì cô đâu dám chửi như dzậy, bây giờ cô ấy sang làm cho người khác, thì cái vị trí nó đã đổi rồi. Cô ấy đứng ở cái vị trí mà cô có thể chửi được. Và, ở cái vị trí mà cô chửi được, mà cô chửi được  thì là cô ấy đúng. Mà đã là đúng rồi thì ông nói làm cái gì, không lẽ ông ra chửi tay đôi với cô hay đi "quánh" lộn. Thiên hạ đi qua tưởng hai người khùng, họ đâu biết con mẹ gì đâu! Họ đâu có thì giờ để nghe rồi phán xử ai đúng ai sai, mà ông cần sự phán xử của họ làm cái gì. Tui cần họ mua trái cây chứ đâu cần họ phán xử tui.

GS: Nhưng mà tui hỏi ông là về chuyện vợ chửi mà, đâu phải người ngoài chửi.

TC: Trời quơi! Người ngoài chửi ông, ông còn cho là người ta đúng, còn vợ chửi thì ông cứ coi như là ở cái vị trí của bả, bả nói vậy là đúng đi. Người ngoài, ông "đúng" được; sao vợ ông, mà ông lại không "đúng" được. Ông cứ nghĩ là: bà ấy là như vậy, bà ở cái chỗ đó, bà ấy nói như vậy là đúng, là được rồi.

GS: Hay, tui nói thiệt lòng, tui....phục ông. Ông GS chợt im lặng (đây chính là tư tưởng bất nhị của Phật Giáo, cha nội này ở đâu vậy?).

TC: Nhưng tui nói ông, chiêu này mới độc nè: bà chửi, ông đi một ngày; bà chửi nữa, ông đi qua đêm luôn. Bà chửi nữa, ông chơi nguyên tuần cho tui. Nhưng mà tui nghĩ, qua đêm là bả bắt đầu sợ rồi, ông đừng lo.

GS: Nhưng chơi luôn một tuần, mà còn chửi thì sao (GS bất chợt nhận ra mình đang nói cái ngôn ngữ của người đối diện)

TC: Thì đi luôn chứ sao, ông được giải thoát...nhiều người muốn mà không được đấy ông ạ, sao ông bận tâm dữ dzậy....khà khà....Thôi tui phải đi làm, bữa sau ông nhậu với tui ha. Cảm ơn ông ly cà phê nghen.

GS: (nhìn theo ông bạn bán trái cây, ngồi trầm ngâm một lát, rồi lẩm bẩm) Hay...hay thiệt...

Nhật Quang - Nguyên Đại
19/9/2013

16 September 2013

Giáo Sư và Người Bán Trái Cây - Phần 1



Ngày kia một vị giáo sư (GS) gặp một người bán trái cây ở chợ (TC), khi đi dạo trong công viên gần nhà.

TC: Sao thấy thầy không được vui vậy, có chuyện gì không?

GS: Hơi nhức đầu, vì mấy người bạn không hợp ý, cải vả mệt quá!

TC: Mắc mớ chi ông phải nhức đầu. Bà xã tui chửi tui quài mà tui đâu có nhức đầu đâu!

GS: Tại sao?

TC: Tui cứ nghĩ là qua cơn mưa trời lại nắng thôi.

GS: (Suy nghĩ: đây không phải là nguyên lý vô thường trong đạo Phật sao, nghĩa là chuyện gì cũng đều có sinh có diệt). Nhưng chẳng lẽ ông để cho bà xã ông nói hoài, mà ông không nổi giận nói lại sao, ông GS nói tiếp.

TC: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" nghĩa là cảnh gì kệ (mẹ) nó đi, trong lòng ông nghĩ gì mới là vấn đề. Bà nói gì kệ đi, tui để trong lòng làm gì cho nhức đầu.

GS: (Suy nghĩ: Đây không phải là câu trong Kinh Bát Nhã sao? Sắc tức thị không - Để cho tâm tư rỗng lặng; và: tâm không chấp vào hình tướng thì làm sao vướng - Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm (của Lục Tổ Huệ Năng) sao?) Nhưng nói thì dễ, làm mới khó, làm sao người ta nói mà ông không giận được; GS nói.

TC: "Giận mất khôn" mà ! Ai cũng học như vậy cả, nhưng mà làm được hay không mới là chuyện đáng nói. Học thì thằng nào cầm nổi cây viết cũng có thể học được, nhưng mà "thức" mới là quan trọng chứ. Có học mà không biết áp dụng thì con vẹt cũng làm được. Có "học" mà không có "thức" thì học để làm gì, để mang cái bằng về nhát, hay mặc áo đi lung tung lừa gạt thiên hạ.

GS: (Suy nghĩ: Không phải Phật dạy "hãy tự thắp đuốc lên mà đi" nghĩa là phải tự mình nhận ra con đường của mình sao. Đạo Phật là đạo của sự tỉnh thức, là ứng dụng những điều đã học vào cuộc sống chứ đâu phải cứ lập lại những điều đã cũ, "thằng cha" này thật đáo để). Hey, ông có đọc kinh Phật không ông, sao ông nói chuyện kinh thế; GS nói.

TC: Tui không có học, ông thấy tui tóc dài (ông bán trái cây để tóc dài) không? Mấy ông đạo hủ mà gặp tui, ổng đâu thèm nói chuyện. Nhưng đọc kinh làm con mẹ gì, ông không hiểu cái gì trong đó thì đọc mỏi miệng chả giải quyết được cái gì cả.

GS: (Suy nghĩ: Phật dạy: theo ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta; "thằng cha" này nói chuyện lung tung, nhưng "trúng" đó). Tui nghĩ ông có căn cơ đó, nếu mà ông được học hành có thể ông sẽ làm người có chức vụ, tui thành thật nghĩ như vậy; GS nói.

TC: Đâu phải ai muốn học là học được đâu, ba má tui nghèo, tui từ nhỏ đã lăn lóc ở chợ đời, tui học ở chợ đời thôi. Nhưng tui nghĩ mấy người làm lớn đó chưa chắc họ đã được nhiều hạnh phúc, và tui nghĩ cuộc đời của một con người gọi là thành công khi họ có nhiều ngày hạnh phúc hơn là những ngày buồn bã. Tui chấp nhận đời tui là như vậy, bây giờ tui cũng có thể muốn mua cái gì thì tui mua, dù tui không giàu; nhưng tui có ít nhu cầu: Ăn thì ông cũng biết rồi: cho là ông ăn những gì ông thích đi - nhưng ông có dám ăn nhiều không; mặc thì cũng vậy, không lạnh là được rồi; còn tui ngủ cũng chỉ có nửa cái giường thôi; làm chi mà sóng gió dữ vậy.

GS: (Suy nghĩ: Đây không phải là chữ Giới (giới hạn), Định (bình an) và Tuệ (thấy xa) trong nhà Phật sao?). Hey, ông có số điện thoại không, GS hỏi.

TC: Chi?

GS: Giờ tui phải đi, ông cho tui số điện thoại, tui sẽ kính mời ông đi uống cà phê với tui một bữa.

TC: Ok, 04..., rồi bữa sau nếu ông thích thì mình nói chuyện trai (và) gái cho vui, kaka....

Nhật Quang - Nguyên Đại
16/9/13

23 August 2013

Những dài dòng cần thiết


Em

Khi em bệnh, cái mà em cần không chỉ là một lời nói “thuốc, uống đi”; em cần nhiều hơn thế: một ánh mắt quan tâm, một cử chỉ săn sóc nhỏ, một bàn tay ấm, một chén trà gừng, tất cả những điều đó có thể không đem đến một lợi ích thiết thực nào, hay có vẻ như “vô tích sự”, nhưng đó là điều “dài dòng” cần thiết.

Khi em buồn, cái mà em cần không chỉ là một vài chữ “buồn có lợi gì đâu”, em cần nhiều hơn thế: một đôi tai biết lắng nghe em kể lể, một ánh mắt khích lệ, một chuyện cười không duyên lắm để cố gắng lôi em ra khỏi những suy nghĩ thất vọng, tất cả những điều đó có thể không làm em thoát ra khỏi tức khắc những bi quan, nhưng đó là điều “dài dòng” cần thiết.

Khi em mất mát người thân, cái mà em cần không phải là một câu “số phận mà! ai cũng phải chết”, em cần một vòng tay ôm, em cần những giọt nước mắt thông cảm, em cần một nhắc nhở về những kỷ niệm đẹp đã trải qua với người quá cố, em cần chia sẻ kinh nghiệm của sự mất mát, tất cả những điều đó không làm cho người chết có thể hồi sinh, nhưng đó là điều “dài dòng” cần thiết.

Và đó là lý do tại sao một cựu quân nhân và cảnh sát dã chiến Mỹ, người được huấn luyện để tiêu diệt mạng sống một cách hiệu quả, viết một bức thư dài để chia sẻ với gia đình của một thanh niên Úc mà ông không hề quen biết, người đã bị giết với không một lý do nào; vì có người “buồn buồn, bắn chơi”, trên đường phố Hoa Kỳ thứ Sáu tuần qua; đó là điều “dài dòng” cần thiết, rất cần thiết cho gia đình của Christopher Lane, và rất cần thiết trong thời đại của chúng ta.

Anh

Đừng quay lưng với điều ác


Hôm thứ Sáu tuần rồi (18/8/13), một sinh viên Úc, Christopher (Chris) Lane (22 tuổi), đang theo học ngày Tài Chính, và là một ngôi sao bóng chày (baseball) ở Đại Học Oklahoma’s East Central, thuộc tiểu bang Oklahoma, Hoa Kỳ, đã bị bắn chết, khi đang chạy thể dục trên đường phố Duncan, gần nhà bạn gái của anh ta.

Ba thiếu niên người Mỹ (James Edwards (15 tuổi), Michael Jones (17), và Chancey Luna (16)) đang ngồi chơi trước nhà, và khi thấy Chris chạy ngang qua, Michael lái xe chở theo James và Chancey. Chancey đã nổ súng bắng Chris từ phía sau lưng.  Công Tố Viên trong vụ án cũng không tìm thấy lý do cho vụ bắn người này, ngoài việc cho rằng ba thiếu niên trong vụ này “bored” (buồn chán) (nên bắn chơi?!).

Tại sao? (Why?) – Không ai hiểu cả!  - Đó chính là điều được bàn luận nhiều trong những ngày này trên các trang mạng xã hội. Văn hóa Mỹ, cuộc sống Mỹ là “buồn buồn, bắn chơi”, hay là người Mỹ, đất nước mà quyền sở hữu súng được hiến pháp quy định, đã quá quen thuộc với kiểu bắn giết khơi khơi này?

John Melchiorre, một cựu chiến binh Mỹ, căn cứ ở Florida, đã viết một bức thư gởi đến một hãng thông tấn Úc (ninemsn). Lá thư đã được đăng trọn vẹn, (Nguyên Đại) xin được dịch ra Việt Ngữ như sau:

Tôi sống ở Mỹ, và chưa bao giờ có vinh dự được viếng thăm quốc gia của bạn [Úc]. Hôm nay tôi muốn nói đến cái chết đau buồn của Christopher Lane. Trước hết, cho tôi nói rằng người Mỹ không phải “chai lỳ” đối với loại bạo loạn này, và chúng tôi không phải tránh né chuyện đó để sống một cách bình thường.

Cái chết của người bạn trẻ Christopher Lane đánh động lương tâm của hầu hết người Mỹ, đặc biệt nó xảy ra ở Oklahoma, nơi mà vài tháng trước, đã có nhiều trẻ em và người lớn chết vì hai trận cuồng phong cấp 5 liên tiếp với sức gió lên đến gần 500km/h.

Chúng tôi vẫn còn chưa hết dao động với những học sinh và thầy cô giáo bị bắn chết ở Connecticut, cũng như những cái chết và thiệt hại do vụ các vụ nổ bom ở Boston gây ra.

Chúng tôi không mặc nhiên chấp nhận điều này, coi như không có gì xảy ra. Chúng tôi không thể, bỡi vì có nhiều khi những người đang làm cha, làm mẹ như chúng tôi đã không kiểm soát được con cái mình.  Khi ở tuổi 17, tôi đã phục vụ ở ngoại quốc trong đội Tiếp Vận Hàng Không trong cuộc khủng hoảng hỏa tiễn ở Cuba, và khi cuộc chiến Việt Nam bắt đầu.

Sau khi giải ngũ năm 1967, tôi đã phục vụ 30 năm sau đó trong Cục Cảnh Sát Dã Chiến (Wartime Police Dept.). Đó là thời kỳ những người thi hành luật pháp của chúng tôi bị săn đuổi, giết, ám sát, hoặc bị những nhóm khủng bố, những tên không có mục đích nào khác ngoài việc làm “THAY ĐỔI” những giá trị mà chúng ta theo đuổi, “treo đầu”chúng tôi với giá cao. Đó là nơi mà tôi đã học cách trả lời câu hỏi mà gia đình Lane [Christopher Lane], và những người Úc khác đang quan tâm, rằng: TẠI SAO?

Đó là câu trả lời duy nhất, vì vậy xin hãy đọc kỷ, và câu trả lời là, cho dẫu bạn đang sống ở quốc gia nào...KHÔNG AI CÓ THỂ HIỂU ĐƯỢC LÝ DO CỦA KẺ ÁC. Điều ác đã tồn tại từ thời của Adam và Eve, khi mà Cain giết em ruột của mình là Abel, và lý do mà hầu hết chúng ta không có khái niệm này là bỡi vì chúng ta cần trách cứ ai đó, chúng ta cần chỉ ngón tay về phía một ai đó, chúng ta cần khai thác nó, và chúng ta cần đưa nó lên mục tin tức.

Chính điều ác đó làm sụp đổ hai tòa tháp vào ngày 11/9, cũng điều ác đó đã khiến Hitler, Stalin, Mao, Pon Pot giết hại hàng triệu người, và điều ác đó đã cướp đi sinh mạng của Christopher. Điều ác là một đề tài khó nói, ngay cả trong phòng tin của những hãng thông tấn.

Chúng ta có thể giết đi nguồn gốc của sự ác, nhưng không thể tiêu diệt được điều ác, chỉ có ông Trời mới làm được điều đó. Những khuôn mặt của điều ác có thể là 10 tuổi, hay 75 tuổi, là đàn ông hay đàn bà, thuộc bất kỳ một chủng dân nào, hay có bất kỳ một nguồn gốc xã hội nào. Là những người làm cha mẹ, chúng ta chỉ có thể giới hạn điều ác bằng cách có ảnh hưởng mạnh lên con cái của chúng ta, cho dẫu có thể chỉ về mặt tinh thần, nhưng một gia đình lành mạnh phải nơi chúng ta nương tựa, phải luôn là như thế.

Tất cả những điều đó cũng không phải là sự bảo đảm tuyệt đối, NHƯNG ĐIỀU CHÚNG TA CÓ LÀ MỘT CƠ HỘI...MỘT CƠ HỘI..ở đó. Tôi là một người cha có hai con, và ông nội của ba đứa cháu, và với lòng chân thành sâu sắc, chúng tôi gởi đến gia đình của Lane, và mọi người Úc khác, tâm tình và lời cầu nguyện của chúng tôi.

Có một câu nói của người xưa rằng “Kẻ ác sẽ tồn tại nếu người tốt không làm gì cả” và hai ngày sau khi những vụ nổ bom ở Boston xảy ra, đã có một thông điệp gởi đi qua Tweet đến với ba con khỉ đang ngủ cạnh một đồng hồ báo thức như sau, những kẻ: “KHÔNG NÓI VỚI KẺ ÁC, KHÔNG ĐỐI ĐẦU VỚI KẺ ÁC, KHÔNG NGHE NÓI VỀ ĐIỀU ÁC, RỒI THÌ KHI ĐẾN GIỜ, TẤT CẢ CÁC CÁNH CỬA ĐỊA NGỤC ĐỀU MỞ RA”, nhưng thay vì bừng tỉnh giấc để làm việc, chúng ta lại quay lưng, và bấm nút lặng của đồng hồ báo thức để tiếp tục ngủ.

Chúc lành cho bạn, chúc lành cho nước Úc.”

Nguyên Đại
Tổng hợp và Việt dịch từ ninensm News.
21/8/13

04 August 2012

Đôi Dép

Có người bạn sưu tầm gởi tặng bài thơ này:

Bài thơ đầu anh viết tặng cho em
Là bài thơ anh kể về đôi dép
Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ

Hai chiếc dép kia gặp gỡ tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nhau nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau

Cùng bước cùng mòn không kẻ thấp người cao
Cùng gánh vác sức người chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia

Một ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở nên khập khiểng
Giống nhau lắm nhưng người đời sẽ nói
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu

Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh

Đôi dép vô tri khắng khít bước song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề phản bội
Chẳng hứa hẹn mà không hề giả dối
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

Không thiếu nhau trên mỗi bước đường đời
Dẫu một chiếc là một bên phải trái
Như tôi yêu em bỡi những điều ngược lại
Gắn bó đời đời bỡi một lối đi chung

Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một chiếc nghĩa là không gì hết
Nếu không tìm được một chiếc thứ hai kia
                                              
                                                        (Tác giả: Nguyễn Trung Kiên)

Tình yêu làm cho những cuộc đời xích lại gần nhau, như đôi dép; cho nên khi một mình, nhớ nhau, chợt thấy lẻ loi, không thành đôi. Không như đôi dép không có linh hồn, nên "anh viết..." “khi nỗi nhớ trong lòng da diết, những vật tầm thường cũng viết thành thơ”.

Hai chiếc dép không có ngày tháng gặp gỡ, không kỷ niệm, không thương nhớ nhau, mà được gần nhau. Có những cuộc đời giống như đôi dép vậy “có yêu nhau đâu” nhưng “chẳng rời nhau nửa bước” và “cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược, lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau”. Xưa ông bà, cha mẹ mình, có khi giữa họ không khởi đi từ tình yêu thương trước khi gắn bó cuộc đời với nhau; nhưng rồi thì... vinh nhục, thăng trầm, hạnh phúc, hoạn nạn có nhau.

Người ta yêu nhau, nên quấn quít, không muốn rời xa, chỉ muốn ở bên cạnh nhau, như đôi dép, chia sẻ đời sống với nhau, cùng nhau thăng trầm, cùng nhau nhung gấm. Nhìn đôi dép cát bụi, nhớ những ngày gian khổ; thấy đôi dép sạch đẹp, nhớ những lúc thành công, vui vẻ. Nhưng, không phải chịu sự đặt để, giống như đôi dép, những tình yêu nồng thắm có cơ hội tự nguyện nuôi dưỡng tình yêu của mình. Cùng trải qua năm tháng, cùng trẻ cùng già, “cùng bước cùng mòn”, chịu đựng gian nan, chia sẻ tủi nhục, vất vả, “gánh vác sức người chà đạp”. Chỉ để cho một người dùng, đôi dép chung thủy với một người; tình yêu thủy chung cũng vậy “dẫu vinh nhục không đi cùng người khác”.

Đi dép thì phải đi với một đôi, “lối đi nào cũng có mặt cả đôi”, không chiếc này chiếc kia được, và một lần cũng không thể đi được trên hai lối. Cho nên, khi một chiếc dép mất đi thì “mọi thay thế đều trở nên khập khiểng”; bỡi đâu có chiếc dép khác nào có cùng (một) phai nhạt, mỏi mòn; cho nên “bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía”, một mình bước đi cao thấp, khập khiểng và “nỗi nhớ cứ chênh vênh”.

Khi yêu nhau, người ta có thể bỏ qua những dị biệt. Sự khác biệt hoàn chỉnh lẫn nhau; bỡi mỗi chiếc dép là một bên phải (hoặc) trái. Không có chiếc dép nào vừa cả hai bên phải và trái, giống “như tôi yêu em bỡi những điều ngược lại”. Họ, dù một trái một phải; nhưng (giống như đôi dép) gắn bó đời nhau “bỡi một lối đi chung"; những bước chân thầm lặng trên mọi nẻo đường đời, những cuộc đời yêu thương “thầm lặng bước song song”.

Khi một chiếc mất đi, không còn “đôi” dép nữa, bỡi một chiếc dép không dùng được, “còn một chiếc là không còn gì hết”, “khi không tìm được một chiếc thứ hai kia”. Cuộc tình có "mã số'' riêng của nó, có đời sống riêng của nó, không thể đem con người nọ đặt vào cuộc tình kia được. Khi một chiếc dép đi xa, không còn đứng chung đôi nữa, đôi dép coi như đã mất. Con người không vậy, không giống như đôi dép, tình yêu vẫn còn đó, cho dẫu họ lạc mất nhau. Họ lưu giữ kỷ niệm, năm tháng xuôi ngược thăng trầm có thể làm cho họ mỏi mòn, nhưng cuộc tình giữa họ đã hóa thạch; tình yêu của họ không phải như bụi đường trên đôi dép có thể được rửa sạch trong một cơn mưa chiều.

Đôi dép không có di truyền, nhưng con người nở hoa, kết trái. Họ thấy sự hiện diện của một “chiếc thứ hai” trong nụ cười của đứa con trai, con gái của họ. Họ không phải vô ích, “không còn gì hết” khi lạc mất “nửa thứ hai”; trái lại họ thấy trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, bỡi vì cho dẫu chỉ có một mình, họ phải là một “đôi” để tiếp tục yêu thương, nâng niu, nuôi nấng, gầy dựng cho những “đôi dép nhỏ” tiếp tục đi trên những con đường sáng hơn, rộng hơn con đường mà họ đi qua, như Mẹ vẫn tiếp tục nuôi con bằng tình thương của Mẹ, dẫu rằng Cha đã vĩnh viễn ra đi, không bao giờ về nữa.

Đôi dép, vừa “sinh ra” là đã thành đôi, thành cặp. Con người không phải lúc nào cũng “may mắn” như thế, nhiều cuộc tình đã không về bến, có những cuộc đời thương nhớ nhau, mà không gần nhau. Họ không trầu rượu "chẳng thề nguyện nhưng không hề phản bội", không ràng buộc nhưng ngui ngút nhớ nhau "chẳng hứa hẹn mà không hề giả dối". Họ có là một đôi không? Không ai biết! Cuộc đời dâu bể đổi thay, có lịch sử, có quê hương, cách mạng, chiến tranh, họng súng, nhà tù, và những con thuyền... không vỏn vẹn trong một bước chân. Khoảng cách ngắn giữa hai chiếc dép không còn quan trọng nữa. Tình thân, tình bạn, tình yêu thương đã vượt không gian và thời gian:

Em thương Hàn, lớn cùng trăng Mạc Tử 
Tôi nhớ Kiều, lãng sóng bước Nguyễn Du
                                                          nguyên đại

Nhìn lên bầu trời xanh, con người đã có những bước đi ngàn dặm, sao mình không nở một nụ cười để thấy vẫn gần nhau như đôi dép, dẫu rằng biền biệt cách xa.

Nguyên Đại
nguyenbadai@gmail.com
Melbourne
4 Tháng Tám, 2012

Hình:blog.yahoo.com./bobo; psdeluxe.com; amusingplanet.com

01 March 2012

Anh là Ai?

"Việt Nam Tôi Đâu?"  "Anh là Ai?" (Việt Khang - sáng tác và trình bày)













Có những nhạc phẩm mà bất cứ người (Việt) nào hát cũng hay, cũng gây xúc động; chẳng hạn: trong thập niên 70s, với bài "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" của Nguyễn Đức Quang; thập niên 80s, có bài "Chút Quà Cho Quê Hương" của Việt Dũng, và thập niên hiện tại với hai bài hát này của Việt Khang: "Việt Nam Tôi Đâu?" và "Anh là Ai?". Đó là tình tự quê hương Việt Nam.
Nguyên Đại

Chọn nối kết (link) dưới đây để nghe

Việt Nam Tôi Đâu?

Anh Là Ai?


Lời Nhạc:
VIỆT NAM TÔI ĐÂU?

Việt Nam ơi!
thời gian quá nửa đời người
và ta đã tỏ tường rồi
Ôi! Cuộc đời ngày sau tàn lửa khói...

Mẹ Việt Nam đau!
từng cơn xót dạ nhìn đời:
Người lầm than, đói khổ, nghèo nàn;
Kẻ quyền uy, giàu sang, dối gian

Giờ đây, Việt Nam còn hay đã mất?
Mà giặc Tàu ngang tàng trên quê hương ta!
Hoàng, Trường Sa đã bao người dân vô tội
chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu

Là một người con dân Việt Nam
lòng nào làm ngơ trước ngoại xâm!
Người người cùng nhau
Đứng lên đáp lời sông núi!

Từng đoàn người đi chẳng nề chi
Già trẻ gái trai giơ cao tay
Chống quân xâm lược
Chống kẻ nhu nhược
bán nước Việt Nam!


ANH LÀ AI?

Xin hỏi anh là ai?
Sao bắt tôi?
Tôi làm điều gì sai?

Xin hỏi anh là ai?
Sao đánh tôi?
Chẳng một chút nương tay?!

Xin hỏi anh là ai?
Không cho tôi
xuống đường để tỏ bày
tình yêu quê hương này, 
dân tộc này đã quá nhiều đắng cay!

Xin hỏi anh ở đâu?
Ngăn bước tôi
chống giặc Tàu ngoại xâm

Xin hỏi anh ở đâu?
Sao mắng tôi
bằng giọng nói dân tôi?

Dân tộc anh ở đâu?
Sao đan tâm
làm tay sai cho Tàu?!
Để ngàn sau ghi dấu
bàn tay nào nhuộm đầy máu đồng bào!

Tôi không thể ngồi yên!
Khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng,
dân tộc tôi sắp phải đắm chìm
một ngàn năm hay triền miên tăm tối!

Tôi không thể ngồi yên!
Để đời sau cháu con tôi làm người
cội nguồn ở đâu?
khi thể giới này đã không còn Việt Nam


VIỆT KHANG: Anh Là Ai?

Nhạc sĩ Việt Khang, tên thật là Võ Minh Trí, quê ở  Mỹ Tho, Tiền Giang, Nam Việt Nam, sinh ngày 19/1/1978, đã sáng tác, trình bày và đăng lên mạng Internet hai bài hát Việt Nam Tôi Đâu?, và Anh Là Ai?. Sau đó, anh bị công an cộng sản Việt Nam bắt giam lần thứ nhất vào ngày 16/9/2011, rồi được thả. Anh bị bắt lại lần thứ hai vào ngày 23/12/2011 và bị giam cho đến hiện nay; chưa biết anh hiện thật sự bị giam giữ ở đâu, và bị chính quyền CSVN chính thức kết "tội" gì?

Hai bài hát trên của anh là một HIỆN TƯỢNG hiện nay trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Nhạc sĩ Trúc Hồ thuộc Trung Tâm Asia Entertainment, cùng với Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ Tịch tổ chức Cứu Người Vượt Biển BPSOS (Boat People S.O.S) đã khởi xướng phong trào viết thỉnh nguyện thư gởi Quốc Hội Mỹ và Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama; và cho đến thời điểm này đã có hơn 130 ngàn người ký vào thỉnh nguyện thư gởi Tòa Bạch Ốc Hoa Kỳ (White House) yêu cầu sự can thiệp của chính phủ Mỹ để trả tự do cho Nhạc sĩ Việt Khang và nhiều tù nhân lương tâm khác tại Việt Nam.

Hai bài hát này có một sức chấn động trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, và dư chấn này đang lan rộng trong những ngày sắp tới. Với dòng nhạc thiết tha buồn mà mãnh liệt, ngấm ngầm mà dậy sóng, lời lẽ đơn giản mà súc tích, ngôn từ hiền hòa nhưng khơi động niềm đau của nhiều thế hệ dân Việt, hai bài hát  này có tác dụng mạnh mẽ đối với  nhiều gia đình Việt Nam, đặc biệt đối với giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại, nhất là các bạn thuộc thế hệ lớn lên sau chiến tranh 1975, giống như Việt Khang.

Đã có nhiều bản dịch lời của hai bài hát này sang hai thứ tiếng Anh và Pháp và được lưu truyền rộng rãi trên mạng Internet. Đoạn video-clip trên do chính tác giả hát. Cũng có một số ca sĩ (Lâm Nhật Tiến, Đan Nguyên, Quốc Khanh, Mai Thanh Sơn, Cardin Nguyen, Tâm Đoan ...) và nhạc sĩ (Trúc Hồ) đã hát bài này và đăng trên các video-clip khác nhau. Hai bài hát này, đặc biệt bài Anh Là Ai, được nhiều người Việt thuộc mọi tầng lớp (from all walks of life) hưởng ứng, và yêu thích. Nhiều người "không biết hát" hay "chưa bao giờ hát" cũng đăng video-clip do chính mình hát lên mạng để bày tỏ sự yêu thích và hưởng ứng của mình đối với Việt Khang. "Già trẻ gái trai giơ cao tay" hưởng ứng Việt Khang. Có thể trực tiếp tìm thấy điều này khi tìm kiếm (search) với "Anh Là Ai" trên Internet (Google, YouTube).

Trong khi đó ở Việt Nam vẫn rất im lìm. Các phương tiện truyền thông do nhà nước quản lý không một ai (dám/được lệnh) nói về điều này. Chính quyền Việt Nam, giống như trong một số trường hợp trước đây, hình như đang gặp khó khăn không biết phải giải quyết vụ này như thế nào?: Nếu đưa ra xét xử công khai thì tên tuổi của Việt Khang và hai bài hát này càng nhiều người biết đến, trong lúc họ mong muốn "ém nhẹm" sự vụ. Còn nếu cứ giam giữ mà không xét xử gì cả thì điều này lại thêm một bằng chứng rõ ràng và hùng hồn về sự vi phạm nhân quyền (trong khi họ đang nộp đơn xin vào Ủy Ban Nhân Quyền của tổ chức Liên Hiệp Quốc); và càng làm nổi bật sự kiện chính phủ CSVN hiện nay đứng về phía đối nghịch với lịch sử và dân tộc Việt Nam.

Biểu tình để bày tỏ tình yêu đối với Việt Nam, dân tộc Việt Nam, tổ quốc biển đảo Việt Nam: bị bắt. Hát về tình yêu đó, nói lên sự thật đau lòng đó: bị bắt. Chính quyền CSVN hiện tại quả thật "không biết", không giải thích được, hay không trả lời được: họ là ai? và họ đang ở đâu?

Hãy nghe lại "Việt Nam Tôi Đâu?" và "Anh Là Ai?" : Nhạc, Lời của Việt Khang do chính tác giả trình bày.

nguyên đại
nguyenbadai@gmail.com
melbourne
4/3/2012

VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG NGẠO NGHỄ

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=0R3X7JfPyR


Nhạc và Lời:     Nguyễn Đức Quang

Ta như nước dâng, dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng

Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời, nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian

ĐK:
           Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại

           Xương da thịt này cha ông ta miệt mài
           Từng ngày qua,
           Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi

           Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
           Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
           Còn Việt Nam
           Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng

Ta như giống dân di tràn trước lò lửa hồng
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm
Da trơn mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi
Ôm vết thương rỉ máu ta cười dưới ánh mặt trời

Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên


CHÚT QUÀ CHO QUÊ HƯƠNG

Nhạc và Lời:         Việt Dũng
Trình Bày:            Khánh Ly - Việt Dũng

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=BVBMW3mF4y


Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá
Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay
Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con, quê hương quá đọa đày

Gởi về cho chị dăm ba xấp vải
Chị may áo cưới, hay chị may áo tang
Gởi về cho em kẹo bánh thơm ngon
Em ăn cho ngọt; vì đời nhiều cay đắng

Con gởi về cho cha một manh áo trắng
Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây
Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy
Mơ ước một ngày quê tôi sẽ thanh bình

Anh gởi về cho em một cây bút máy
Em vẽ cuộc đời như ước vọng mong manh
Gởi về cho mẹ dăm gói chè xanh
Xin mẹ pha hộ con, dòng nước mắt đã khô cằn

Gởi về cho chị hộp diêm nhóm lửa
Chị đốt cuộc đời trong hoang lạnh mù sương
Gởi về cho em chiếc nhẫn yêu thương
Em bán cho đời tìm đường vượt biên

Con gởi về cho cha vài viên thuốc ngủ
Cha ru cuộc đời trong trong tử tù chung thân
Gởi về Việt Nam khúc hát ân cần
Xin chút yên lành,
trong giấc ngủ da vàng.

24 February 2012

How can I tell Mr. Rudd

Mr. Kevin Rudd
Thứ Năm, 23/2/2012
Sáng nay thức dậy, mở radio lên, và nghe tin ông cựu thủ tướng Úc, Kevin Rudd, đã đột ngột tuyên bố từ chức Ngoại Trưởng (Foreign Minister) Úc, từ Washington DC. Ông đưa ra lý do là vì ông không thể hoàn thành công việc khi mà Thủ Tướng, bà Julia Gillard, và một số thành viên dấu mặt ('faceless') trong Đảng không tin cậy ông. Tuy nhiên, ông lại không cho biết ông có thách thức quyền lãnh đạo trong Đảng Lao Động hay không?

Theo luật Úc, lãnh đạo Đảng cầm quyền sẽ giữ chức vụ Thủ Tướng chính phủ, lãnh đạo tối cao của đất nước; mặc dù theo nghi lễ, Nữ Hoàng Anh vẫn là "Quốc Trưởng" và có đại diện ở các cấp liên bang và tiểu bang (có người dịch các chức vụ đại diện Nữ Hoàng ở cấp liên bang là "Khâm Sai" (General- Governor) và ở cấp tiểu bang là "Khâm Sứ" (Governor)).

Năm 2007, ông Kevin Rudd, lãnh đạo Đảng Lao Động Úc, đã đánh bật ông John Howard, thủ tướng đương thời bây giờ, người lãnh đạo Đảng Tự Do, sau khi ông này đã cầm quyền liên tục 4 nhiệm kỳ từ năm 1996. Chiến thắng "trời long đất lở" này của Đảng Lao Động đã thổi một sinh khí mới vào chính trường Úc, nhưng có vẻ cơn gió này cũng "ru" ông Rudd "ngủ quên" trên chiến thắng. Ông trở nên kiêu căng và tự mãn, muốn có quyền hành triệt để trong Đảng, và thực hiện một số biện pháp cấp tiến thay đổi sinh hoạt truyền thống của Đảng Lao Động, việc làm này của ông làm cho nhiều đồng viện bất mãn. Tự nâng cao mình, ông đã tách biệt khỏi các đồng viện, và vô hình chung, tạo cho mình một thế đứng "cô đơn". Sự cô đơn đó rất nguy hiểm trong chính trị, nhưng có vẻ như ông không thấy được điều này, nên ông thực hiện nhiều chuyến công du quốc tế, quá nhiều, đến nỗi tạo sự chú ý của công chúng, và trở thành đề tài công kích của Đảng đối lập.

Trong lúc ông miệt mài công du ở ngoại quốc thì người đứng phó cho ông lúc này là bà Julia Gillard thường cáng đáng công việc của một "Acting" Prime Minister (Quyền Thủ Tướng).  Lâu lâu, "acting" một lần thì "acting" có nghĩa là "thừa ủy nhiệm", một "cái giá" thế vào cho đỡ trống khi bức hình được lấy đi; nhưng "acting" "hoài", thì cái giá trở thành "người thực", "vật thực", và bức hình trở nên "vướng", và đó là vào thời điểm tháng 6/2010; khi bà Phó, người đã từng tuyên bố trước đó rằng: "Tôi mà làm thủ tướng à! Nói tôi làm tiền đạo cho đội bóng đá (Bulldogs)...thì còn dễ tin hơn"; lại đứng ra thách thức quyền lãnh đạo trong Đảng, sau khi đã nắm chắc có đủ túc số ủng hộ của đồng viện trong đảng Lao Động. Ông Thủ Tướng Rudd lúc đó đã khóc (khóc thật nha!) mà nhường chiếc "ngai" trong dinh thủ tướng (the Lodge) cho bà Gillard.

Vì bất nhất và dường như có vẻ "độc thủ" như vậy, cho nên bà Gillard, không được lòng dân chúng, nhất là ở tiểu bang Queensland, quê nhà của ông Rudd. Bà vừa lên "ngôi" thì phải đối diện ngay với cuộc tranh cử. Chưa có thì giờ để ổn định, củng cố quyền lực thì lại phải lãnh đạo một Đảng phân tán  để "chiến đấu" trong cuộc bầu cử, với một vận động viên chạy đường trường (theo cả hai nghĩa đen và bóng) là ông Tony Abbott, người mới vừa đẩy văng ông Michael Turnbull ra khỏi vị trí lãnh đạo của Liên Đảng Đối Lập, chỉ với 1 phiếu duy nhất. Ông Abbott thực hiện một chiến lược giống như việc chạy đường trường: lấn từng chút, dẻo dai, miệt mài; có vẻ như rất hiệu quả đối với một đảng Lao Động do ông Rudd lãnh đạo có quá nhiều lổ hổng trong chiến lược cũng như trong tổ chức Đảng.

Nhận rõ việc này, nên bà Gillard cười tươi ngay và thêm một chút "e thẹn" mời ông Rudd tham gia tranh cử cùng bà. Bà "đánh chiêu này" quá tuyệt vời: ổn định nội bộ của Đảng, những người phò ông Rudd trước kia không có lý do để phá bỉnh cuộc bầu cử; ổn định lòng dân, nhất là dân ở Queensland: "lâu thiệt lâu" mới có một người quê mình ra làm thủ tướng, "tự nhiên" bà "lật ghế" một cái ầm, không tức sao được; và ông Abbott tự nhiên mất mục tiêu, và vì trước đây sử dụng chiến thuật "phục kích", nên khi đội ngũ Đảng Lao Động đã liền lạc được với nhau, tự nhiên chiến thuật "phục kích" của ông Abbott lại không hiệu quả. Tuy nhiên, ông Abbott cũng không phải là tay vừa, dù mất mục tiêu và phương hướng, nhưng ông cũng dàn trận hiệu quả và chọi ngang ngửa với Đảng Lao Động.

Rốt cuộc, trong cuộc tranh cử vào năm 2010, thì hai bên bất phân thắng bại (Lao Động -v- Liên Đảng Tự Do/Quốc Gia) và vì vậy ba (3) ông dân biểu độc lập lại là người quyết định ai "làm vua" (Gillard hay Abbott?). Nếu chính phủ có đa số hẳn hoi thì mấy ông dân biểu độc lập này thường "chẳng ai chơi", nhưng khi hai anh khổng lồ ngang ngửa thì "chú khỉ con" trở nên cực kỳ quan trọng. Và lần nữa, bà Gillard lại chứng tỏ một tài năng chính trị của mình bằng cách nhanh chóng tranh thủ sự ủng hộ của các ông dân biểu độc lập này để đứng ra lập chính phủ, trong lúc ông Abbott còn say sưa với những tán tụng của các đồng chí rằng là mới nhiệm kỳ đầu đã đẩy đảng Lao Động đương quyền vào thế ngang ngửa. Khi ông Abbott còn chưa học được cái mềm dẻo, cái uyển chuyển của bà Gillard, thì ông đã bị đẩy ngồi cứng ngắt trên ghế đối lập để nhìn bà thành lập chính phủ thiểu số, mặc dù đã có ít nhất một trong ba ông "độc lập" đã từng công khai ủng hộ Liên Đảng.

Mặc dù là chính phủ thiểu số, nhưng cũng với nghệ thuật "cứng đúng nơi, mềm đúng lúc" bà đã đưa được nhiều dự luật qua cửa Quốc Hội trước sự tức tối của chính trị gia "vai u thịt bắp" (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) Tony Abbott. Nhưng cũng chính vì sự quá uyển chuyển này, bà lại không được lòng dân chúng, ví dụ như khi tranh cử năm 2010, bà nói bà sẽ không áp dụng thuế khí thải (carbon tax), nhưng sau khi cầm quyền bà lại cùng với đảng Xanh (Green) của ông Đà (Brown) đẩy ngọt ngào các đạo luật về thuế hầm mỏ và thuế carbon qua hai cửa của lưỡng viện quốc hội Úc.

"Chàng" Abbott khỏe mạnh nhưng trước sự kết hợp nhịp nhàng của "nàng" Brown và nàng Gillard đành phải bó tay để dự luật về thuế khí thải ra cửa dễ dàng, khiến chàng tức điên lên, tuyên bố sẽ "kéo lại" (hủy bỏ) luật này nếu trúng cử. Thực ra, điều đó lại là một lợi điểm cho bà Gillard, vì nếu với các loại thuế đánh vào các công ty cùng với việc trắc nghiệm lợi tức cho việc bảo hiểm y tế, chính phủ Gillard có thể mang lại thặng dư ngân sách cho quốc gia trong tình hình kinh tế toàn cầu suy thoái, thì ông Abbott lấy tiền đâu ra mà bảo đảm cho những chính sách của Liên Đảng, trong trường hợp hủy bỏ thuế khí thải.

Thứ Sáu, 24/2/2012
Sáng nay (thứ Sáu), ông Rudd đã về tới Queensland, và quả thật ông làm người viết ngạc nhiên không ít, khi diễn văn trong cuộc họp báo của ông có vẻ như một bài kêu gọi "toàn quốc kháng chiến" nhiều hơn, rằng: quý vị hãy gọi điện thoại do dân biểu của quý vị, nhảy ra kêu gọi báo chí ("jump to the media") rằng bà Gillard không thể thắng ông Abbott được (chỉ có tôi (Mr. Rudd) mới làm được thôi), vì quốc gia này là của quý vị chứ không phải của một số thành viên chóp bu của Đảng Lao Động. Ông vẫn tránh né câu hỏi rằng liệu ông có thách thức quyền lãnh đạo trong Đảng Lao Động hay không, vì rằng ông sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của đồng viện, và chiều nay ông sẽ cho biết về chuyện này.

Quả thật bà Gillard, hiện nay chưa có đối thủ; hay nói khác hơn, đối thủ thật sự của bà Gillard chưa xuất hiện. Ông Rudd hiện khộng phải là đối thủ của bà Gillard vì bà biết rõ ông và có thể hạ ông một cách rất dễ dàng.

Trong lúc chuyện tranh giành quyền lực nổ ra ngay sau vụ thuế carbon và các cuộc thăm dò dư luận bếch bác gần đây có vẻ bất lợi cho bà Gillard, thì việc ông Rudd rời khỏi nước Úc là một quà tặng thứ nhất cho bà, báo chí thổi phồng việc tranh giành quyền lực là quà tặng (hay quà tự tặng cũng được) thứ hai cho bà, vì đây là cơ hội để "đổ một đống rác" lên "đầu" ông Rudd, rằng: ông, chính ông làm suy yếu Đảng, rằng ông chịu trách nhiệm về kết quả thăm dò bếch bách của Đảng Lao Động, và ngay cả (kết quả thăm dò) về chính bản thân tôi (tức bà Gillard).

Lẽ ra khi nhận một "đống rác" lên đầu, ông Rudd phải "nằm im", gọi là NHẪN, và cặm cụi làm công việc Ngoại Trưởng của mình, "đừng nhúc nhích" mới đúng. Có như vậy, nếu bà Gillard để im cho ông Rudd, thì thứ nhất ông Rudd giữ mình được an toàn, giữ cho các người ủng hộ mình được an toàn, bảo vệ toàn bộ lực lượng, "nằm vùng" tại đó chờ thời. Trong tình trạng như thế, bà Gillard vẫn có thể chưa dám loại ông Rudd vì có thể bị mang tiếng bội hứa với dân Queensland thất lợi cho việc bầu cử. Vả lại, nếu bà (Gillard) muốn như vậy cũng không phải là lúc này, vì bà Anna Bligh hiện đang tranh cử để giữ chính quyền Lao Động ở tiểu bang Queensland hơn ai hết không muốn điều này xảy ra vì đang cần sự giúp đỡ của ông Rudd ở tiểu bang nhà của ông, nơi ông đang được lòng dân.

Nhưng thượng sách của ông Rudd vẫn cứ là việc ông ủng hộ cho bà Anna Bligh trong việc tranh cử ở Queensland mới đúng, vì có như vậy mới được lòng dân, được lòng đồng chí, và "đống rác" và bà Gillard quăng cho ông có thể bị thổi ngược vào mặt bà.

Đáng tiếc là ông không sử dụng một trong hai kế sách trên, mà lại "đùng đùng" từ chức Ngoại Trưởng, với một lý do không thuyết phục được ai, rằng ông không có sự ủng hộ của của bà Gillard và các đồng viện. Trời đất! có ai tin là ông Rudd gần đây mới biết là ông không được sự ủng hộ của bà Thủ Tướng và các đồng viện? Nếu họ còn nhớ những giọt nước mắt của ông khi trao ghế Thủ Tướng cho bà Gillard vào tháng 6/2010; không lẽ ông quên?

Khi từ chức Ngoại Trưởng, ông lại không có một sự chuẩn bị nào hết, "lính" của bà Gillard thì "hàng hàng lớp lớp" đã xuất đầu lộ diện và "thà chết không lùi", lính của ông thì "không còn, không còn ai", vậy ông lấy gì đi đánh với người ta. Ông nói ông sẽ về Úc để "tuyển mộ" thêm. Bằng cách nào để ông tuyển mộ lại những đồng viện đã từng bỏ phiếu cho bà Gillard năm xưa, trong khi bà có quyền, còn ông thì chẳng có quyền gì cả, có cái chức Tổng Trưởng Ngoại Giao, ông cũng tự phá luôn rồi.

Ông đứng dậy, ngay tại chỗ "đống rác", không khác gì thừa nhận đống rác là của ông, ông là tác giả, là nguyên nhân gây ra đống rác này. Ông cũng mất luôn cơ hội đi tranh thủ lòng dân ở Queensland, phô trương sức ảnh hưởng của ông với dân chúng, và giúp cho "người bạn tốt" đang bị "nạn" của ông là bà Anna Bligh hiện là Thủ Hiến tiểu bang Queensland nhưng đang ở thế "ngựa về ngược" trong cuộc tranh cử tiểu bang trong những ngày này. Quyết định từ chức Ngoại Trưởng của ông quả thực là một quyết định sai lầm và tai hại.

Vô hình chung, ông tặng thêm cho bà Gillard một món quà lớn. Một: củng cố thế đứng vững chắc hơn của bà trong đảng Lao Động. Hai: thoát được sức ép của những cuộc thăm dò dư luận gần đây với kết quả bếch bác. Ba: Giải quyết được cái gai "Kevin Rudd" và đổ đi "đống rác" mà bà đã quét ra từ văn phòng do ông làm thủ tướng trước đây. Và, dường như bà Gillard, đánh chiêu "dụ rắn xuất động" rất thành công, con "rắn nước" (hung hăng nhưng không có nọc độc gì hết!) K. Rudd đã "xuất động", bà chỉ việc sai "lính" (các Tổng Trưởng đương nhiệm) "trói lại" và thứ Hai này (27/2) "làm thịt" và "nhậu chơi", nâng ly chúc mừng.

Quyết định từ chức Ngoại trưởng của ông không hợp với Thiên Thời: không đúng lúc, không phải là lúc này; không có Địa Lợi: tại sao lại tuyên bố điều này khi ông ở Mỹ? không có lợi gì cho ông cả, Thứ Năm (23/2/12) ông tuyên bố từ chức, thứ Sáu (24/2) ông về Úc, bà Gillard mở trận vào thứ Hai (27/2), ông bị đẩy vào thế hoàn toàn bị động. Và, dĩ nhiên ông không có yếu tố Nhân Hòa: những đồng viện đã góp sức cho bà Gillard vào tháng 6/2010 đã được bà Gillard hậu tạ chu đáo, bà làm việc hữu hiệu với họ để đưa các chính sách của Đảng Lao Động thành luật, điều mà chính bản thân ông cũng không làm được, ngay cả khi ông có đa số ở quốc hội, như vậy tại sao họ lại thay đổi để ủng hộ cho ông, để có thể bị tới hai lần trả thù (ông và bà Gillard).

Ông hứa rằng ông sẽ không thay đổi hàng ngũ tổng trưởng nếu họ bỏ phiếu cho ông. Tại sao họ lại chọn ông làm thủ lĩnh của họ để rồi họ không chắc ông có trả thù hay không, trong khi họ đang có một thủ lĩnh, người đã cho họ những gì họ muốn, họ cần, và họ chưa có rạn nứt nào với thủ lĩnh hiện tại, và nguy cơ có thể bị thất cử thì còn quá xa, tới 17 tháng nữa mới tới kỳ tranh cử Quốc Hội Liên Bang Úc.

Trong lúc bài này được viết thì ông Rudd đã tuyên bố thách thức quyền lãnh đạo với bà Gillard vào thứ hai này (27/2), và rằng nếu ông thua, ông sẽ không thách thức quyền lãnh đạo nữa. Đó là một cuộc "tự sát" chính trị. Ông Rudd đã hy sinh  bà Gillard vậy.

Thứ Bảy, 25/2/2012
Tin tức sáng nay về đề tài này dĩ nhiên vẫn chiếm cứ trang nhất trên các phương tiện truyền thông ở Úc: Cuộc thăm dò dư luận do hai hãng chuyên môn Newspoll và Nielsen cho thấy ông Rudd được ưa chuộng trong cương vị Thủ Tướng hơn ông Abbott và bà Gillard (Newspoll: Rudd: 48%, Abbott: 40%, Gillard: 30%; và Nielsen: Rudd: 58%, Abbott: 38%, Gillard: 34%). Thông điệp này, giả sử chính xác, thì có ý nghĩa gì?: Hiện nay ông Rudd được dân ưa chuộng hơn, nhưng thứ Hai này (27/2), vấn đề không phải là bầu cử, như bầu cử Tổng Thống bên Mỹ, mà là chuyện "nội bộ" của Đảng Lao Động. Bà Gillard đã chiếm giữ phần lớn cái "nội bộ" đó. Giống như người đánh bài, bà Gillard đã có 3 con ách, và bà lật ra trên bàn cho ông (và cho bàn dân thiên hạ) coi luôn, vậy ván bàn này ông phải đánh làm sao, ngay cả "đánh gian" ông cũng không có cơ hội!

Vâng, ngay ngày hôm nay, thì ông được lòng dân hơn bà Gillard (so what) rồi sao? Giống như một thuyền trưởng tự nhiên ông bị "đá văng" xuống nước; sau đó người ta quăng một cái dây để kéo ông chạy theo, tự nhiên ông cắt đứt cái dây đó, rồi đập nước loạn xạ lên và bảo rằng, tôi là một thuyền trưởng giỏi, cho tôi lên tàu mau, để tôi lái tàu ra khỏi vùng nguy hiểm, chứ nếu không thì tàu sẽ bị nguy hiểm. Chừng nào mới gặp nguy hiểm thật sự, ông Rudd? À! 17 tháng nữa! Trời ơi! tại sao ông cắt dây, làm sao cứu ông đây? Nếu tui không cắt thì bã cũng cắt. Trời ơi! Nếu bã cắt, thì toàn thể thủy thủ trên tàu có "cái cớ" để mà "thương" ông, đằng này ông tự cắt trong lúc con tàu đang phải chạy hết tốc lực, thì quả thực chỉ có Trời mới cứu được ông.

Nhưng không biết Trời làm cách nào để cứu ông, điều này nằm ngoài sự tưởng tượng của người viết. Người viết giỏi lắm cũng chỉ tưởng tượng tới việc: từ đây tới trước 10 giờ sáng thứ Hai, tự nhiên bà Gillard không biết vì lý do gì "ngã đùng ra", không làm Thủ Tướng được nữa, ngay cả trong trường hợp đó, thì ông cũng không được làm Thủ Tướng đâu, sẽ có một người khác thay bà Gillard, nhưng nhất định không phải là ông.  Ông đi "đánh võ đài" mà ngay cả việc đối thủ tự nhiên "ngã lăn quay" ông cũng không thể đứng được để nhận giải thắng thì không hiểu tại sao ông "đánh" trận này. Thiệt là! không biết nói sao với Ông, ông Rudd ạ.

Chủ Nhật, 26/2/2012
Sẽ có rất nhiều người thích coi bóng đá, nhất là nếu hai đội thật hay và ngang tài ngang sức, Đức-Brazil chẳng hạng. Bây giờ giả sử trong một đội banh, có một cầu thủ cứ biểu diễn kỷ thuật cá nhân mà không kết hợp với đồng đội để đem tới chiến thắng. Anh ta cứ chỉ lên khán đài và bảo "coi nè" và rồi lừa qua ba bốn cầu thủ bạn rồi...bị kèm đưa đến mất bóng, và cứ thế làm "quài", thì người coi có tức không?

Người viết nếu phải coi một trận bóng đá như vậy, có lẽ phải chửi...chửi thề mới đã, nhất là đối với cái anh chàng thích khoe khoang kỷ thuật cá nhân, không có tinh thần đồng đội, phí phạm công sức và nhiệt tình của đồng đội. Và, nếu phải trả tiền để đi coi một trận bóng đá như vậy thì có phải phí tiền, và tức quá...chửi không? Tất nhiên người viết không có kỷ thuật đi bóng cá nhân bằng cái ông cầu thủ đó, nhưng có lẽ chửi thì...cứ chửi, âu đó cũng là một hình thức "khen ngợi", ý nói "tui là fan bóng đá" đây, mê bóng đá, và rất thích coi các ông đá banh.

Cũng vậy, đối với người viết có lẽ hôm nay là 30 phút cuối của hiệp hai, giữa hai đội bóng của Đảng Lao Động Úc. Một do cựu thủ tướng Kevin Rudd làm đội trưởng, và đội kia do đương kim thủ tướng bà Julia Gillard làm thủ quân, nên người viết "hét hò" cho dzui.

Thực ra mà nói, coi trận này không thích lắm, vì kết quả dường như đã được quyết định, người xem đã biết trước đội nào thắng, và vấn đề là thua có "thê thảm" hay không? Người viết nghĩ có lẽ sẽ rất thê thảm vì một cách lô-gic là không ai nhảy xuống một chiếc xuồng đang chìm cả.

Ngày xưa, Việt Nam mình có Lê Lai cứu chúa (Lê Lợi). Lê Lai giả làm Lê Lợi dụ cho quân Minh bắt, khi nghĩa quân Lam Sơn bị vây. Giả như Lê Lai biết chắc chắn là mình sẽ không cứu được Lê Lợi thì có lẽ Lê Lai sẽ không làm, và có lẽ Lê Lợi cũng sẽ không đồng ý cho Lê Lai "giúp" mình, vì đó là "đi chết" chứ có giải quyết được gì đâu. Vậy mà, ở đây nước Úc này, hôm qua lại có một ông "Lê Lai" chấp nhận đi chết để.... thật tình người viết không hiểu để làm cái gì? Đó là ông: Anthony Albanese, người tuyên bố rằng ông biết ông Rudd sẽ thua trong cuộc bỏ phiếu dành quyền lãnh đạo vào hôm thứ Hai (27/2), nhưng ông vẫn từ chức, (khóc, khóc thật nha!) (lại khóc) và đứng sang hàng của ông Rudd. Theo ông thì ông Rudd đã bị đẩy khỏi chiếc ghế Thủ Tướng vào tháng 6/2010 một cách bất công, và lý tưởng của ông (Albanese) là sự công bằng từ lúc ông bước vào đảng Lao Động, vì vậy nên ông phải... đứng sang hàng của ông Rudd.

Khi bạn thấy bất công, bạn phải vì kẻ bị hại mà thuyết phục kẻ lạm quyền, ngăn cản họ, thậm chí "đánh lại" họ để bảo vệ cho kẻ bị hại chứ; có bao giờ bạn lẳng lặng chạy ra đứng sau kẻ bị hại để bị đánh tiếp không. Người viết thật không hiểu cái logic, cái lý lẽ trong việc bảo vệ công bằng của ông "chính trị gia" dân biểu liên bang Albanese, và cũng không thể hiểu được tại sao ông lại...khóc.

Ngày hôm qua, thì ông Rudd, cùng đi với phu nhân Theresa trên con đường phố chính của thành phố Brisbane (tiểu bang Queensland) để bắt tay, chụp hình, và nói chuyện với đám đông dân chúng. Rất nhiều người muốn được chụp hình chung với ông, nhưng vì đông quá, nên có "cô" (Ms) chỉ chụp được khuôn mặt mình và cái lưng của ông, và cô ấy rất vui. Ông Rudd thì quả thực chỉ có một câu, hay một "chiêu": không để tôi lãnh đạo Lao Động thì (17 tháng nữa) Lao Động sẽ thua ông Abbott cho mà coi, mà thua không phải một hay hai nhiệm kỳ mà một thế hệ (generation) như năm 1975 và năm 1996. Cái chiêu này, bản thân nó đã phản logic rồi: Ai sợ thua? dân ("dân ngu k..đen") hả? lấy cái gì mà thua (làm như Abbott là Stalin không bằng!!!). Không! dân không sợ thua, và dân không bao giờ thua, chế độ dân chủ Úc không thua, ông phải hiểu điều đó chứ! Vậy, ai sợ thua, tức là mấy ông dân biểu đảng Lao Động, có nghĩa là ông "mượn" dân để dọa mấy ông dân biểu!!!

Xưa nay có ai đi "tát nước để lái tàu" đâu. Mà trong hai ngày, dân làm sao dọa được mấy ông dân biểu, và mấy ông đó thì còn tới 17 tháng nữa để "dỗ" dân, và dân thì ông nên nhớ rằng rất dễ quên, và rất bạc, "bạc như dân" không biết ông biết câu này hay không. Cho nên cái chiêu "tát nước để lái tàu", hay "thổi lá để bẻ cành" là không thể được, là phản khoa học. Ông không biết hay ông đang tuyệt vọng, giống như một võ sĩ biết mình thua nên hai tay "đánh loạn cào cào" ra trước trúng đâu thì trúng, nếu mặc may, giống như mua số Tatlotto, trúng là làm giàu luôn. Ông muốn đánh Tatlotto thì tùy, nhưng hô hào toàn dân xuống đường đánh Tatllotto theo ông thì quả thực là một điều không tưởng.

Ông nói rằng ông mới là một lãnh dạo anh minh, tài cán và có viễn kiến, quả thực ông đang chứng minh một điều ngược lại. Ngược lại với anh minh là "quáng gà", ngược lại với tài cán là... (tôi không biết!), ngược lại với "viễn kiến" là thích thú với những cái "vỗ tay" trước mắt mà không theo đuổi đến cùng để đạt được những mục tiêu lâu dài. Ông thật không phải là con người của chính trị. Ông không thích hợp với chính trị. Ông nhận xét về việc làm của ông Albanese là "trên chính trị" ("above politic"). Về việc này người viết đồng ý với ông, một nửa, vì: trái đất tròn, nên việc "trên" hay "dưới" nhiều khi tùy lúc và tùy nơi nữa, nhưng đồng ý với ông ở chỗ: nó không ở trong chính trị, hay nói cách khác nó phi chính trị. Ông và ông Albanese không phải đang làm chính trị (Về chuyện này ông Abbott "đía" "độc", khi thì nói Đảng Lao Động đang "ăn thịt lẫn nhau" ("cannabilising itself"), khi thì nói các ông bà làm gì giống như "diễn xiếc" ("circus") vậy!).

Và trước thái độ đó của ông Albanese, thì bà Gillard làm sao? Bà nói : Mặc dù không tôi đồng ý với ông Albanese, nhưng tôn trọng ý kiến của ông ta, và không chấp nhận sự từ chức của ông ta, và "I can't imagine the government that I lead does not have Mr. Albanese beside me" (Tôi không thể tưởng tượng được là một chính phủ do tôi lãnh đạo lại không có ông Albanese bên cạnh). Có nghĩa là sao: Ông thì nói: Anh thiệt là quá tốt, biết tôi chết mà dám chết theo tôi, thiệt là can đảm. Còn bà Gillard thì: Không sao đâu, ông cứ tự nhiên, làm theo ý của ông, nhưng tôi với ông là bạn, tôi sẽ bên cạnh và bảo vệ cho ông. Với ông (Rudd): ông biết chết, nhưng vui vì có người chết theo ông. Với bà (Gillard): người ta chọn con đường chết, nhưng bà vẫn chừa đường sống cho họ. Ông nói đi: họ các đồng viện của ông và bà, dân biểu liên bang của Đảng Lao Động, sẽ chọn ông hay chọn bà Gillard.

Tôi không biết sau này bà Gillard có trừng phạt ông Albanese không? Có lẽ không; nhưng tôi giả sử là có đi, thì hiện tại trong lúc này đây "chiêu thức" bà đưa ra vẫn cứ trên ông quá xa, ông Rudd ạ. Nó có cái Nhân (không "giết"), cái Nghĩa (đồng viện/ chung Nội Các), cái Lễ (Albanese là đảng viên thâm niên của Lao Động, Gillard: "He (Albanese) is great Labor person" ), cái Trí (lúc này là lúc cần người, không phải hăm dọa và "giết" người), và (đang chờ) cái Tín, trong đó. Năm 2007, bà (Gillard) dường như chỉ là cái bóng của ông (Rudd), bà lu mờ trước ông, nhưng cái bóng đó càng ngày càng lớn, và ông thì không chịu lớn, vì vậy dường như bây giờ, ông trở thành bé nhỏ trước người khổng lồ Gil-la-rd.

Ông không chuẩn bị kỷ, không có "quân", vẫn đánh, và "hy sinh" quân của mình luôn. Báo chí Úc dạo này hay dùng từ này để nói về ông "rock-star" Rudd, "Rudvenger" (mượn chữ "revenge" nghĩa là trả thù), nhưng đọc lên nghe cứ như tiêu đề quảng cáo của các phim Hollywood vậy. Có lẽ ông đã hiểu được ngầm ý của họ là, ông không còn là một "chính trị gia" dưới con mắt của họ nữa, mà là một "star" của thế giới giải trí (World of Entertainment). Bà Julia Gillar cũng đã nhắc ông từ ngày đầu cuộc chơi (hôm thứ Sáu) rằng đây không phải là chương trình tivi Big Brother. Giá trị của một chương trình giải trí (loại rẻ tiền) luôn luôn ở chỗ có nhiều người "vỗ tay", một chính trị gia lỗi lạc theo đuổi lý tưởng của mình không nhất thiết phải căn cứ theo tiếng vỗ tay nhiều hay ít. Ông giỏi tiếng Mandarin (tiếng Bắc Kinh/Quan Thoại) mà, ông chắc đọc nhiều về lịch sử Trung Quốc, đó là kho tàng; kinh nghiệm vô cùng quý báu của tất cả các chính trị gia ở mọi thời.

Mỉa mai hay bực bội ông, người viết cũng chẳng được gì; cũng không ai trả lương cho; nhưng cũng như người bình thường đi coi đá banh, hứng chí muốn tường thuật một trận bóng đá hi hữu trên chính trường Úc, cho bè bạn năm châu, nhất là các bạn bè ở Việt Nam, vì lý do nào đó, các trận "bóng đá" trên chính trường, thường cứ "kéo màn đóng cửa", tự "đá" với nhau, không cho công chúng xem gì hết!

Người viết, vì ngày mai (thứ Hai, 27/2) sau 10 giờ sáng, trận "bóng đá" Rudd-Gillard sẽ chính thức kết thúc nên hơi tiếc (nhưng có lẽ không tiếc bằng ông Rudd, vì ông sẽ tiếc ghê lắm, rằng giá mà ông có nhiều thời gian hơn, giá mà ông chọn thời điểm khác để mở trận....) nên viết thêm rằng: ông sẽ thấy ngôi sao chính trị Gillard sáng rực trong lịch sử Úc, có khi còn hơn cả Margaret Thatcher của Anh Quốc, trong những ngày sắp tới. Sau khi đã giải quyết xong cái bung xung Rudd rồi, ông Tony Abbott mặc dù dù nổi tiếng những cú đánh "lòn" tào lao có thể phải bị đo ván với bà chứ không phải chơi. Như đã nói ở trên, hiện nay bà chưa có đối thủ, và quả thật các ông Rudd cũng như Abbott không phải là đối thủ của bà.

Thôi, lại không biết nói sao nữa với Ông nữa, tôi chúc ông vui. Tui phải đi "đá" "trận banh" của tui nữa, chưa chắc đã kém phần khó khăn hơn trận của ông, hihi...

Thứ Hai, 27/2/2012

Ms. Julia Gillar
Sáng nay lúc khoảng hơn 10.00 giờ sáng, 102 dân biểu quốc hội thuộc Đảng Lao Động đã bỏ phiếu chọn người lãnh đạo Đảng. Ông Rudd được 31 phiếu và bà Gillard có 71 phiếu. Ông Rudd hứa sẽ quay về hàng ghế sau (backbench) và không thách thức quyền lãnh đạo cho đến ngày có cuộc bầu cử, tức là cho đến năm 2013. Bà Gillard thì nói là ông Rudd phải được vinh danh vì đã có công tổ chức việc chính phủ chính thức xin lỗi người thổ dân (Aboriginee, dân bản địa Úc), và tranh đấu cho dân Úc trên trường quốc tế, trong thời gian ông làm ngoại trưởng. Bà tuyên bố cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo trong nội bộ Úc đã kết thúc.

Nếu ông giữ đúng lời hứa như vậy thì tới năm 2013, ông sẽ đi đâu và làm gì? Nếu bà Gillard thắng cử, ông lại tiếp tục ngồi hàng ghế sau để...gật. Nếu bà Gillard thất cử, ông sẽ dọn sang hàng ghế đối lập, hàng sau, để...la hùa. Đó không phải là một cuộc tự sát chính trị sao?

Kính chào ông cựu Thủ Tướng, cựu Tổng Trưởng Ngoại Giao, Kevin Rudd.

nguyên đại
nguyenbadai@gmail.com
8.00 pm
27 February 2012










12 July 2011

Hạnh Phúc

HẠNH PHÚC

Hạnh phúc là sáng nay thức dậy
Em mỉm cười áo trắng đến trường
Mây sáng hồng cuối trời ruộng lúa
Tiếng trẻ cười giòn giữa mênh mông...

Hạnh phúc là tới giờ lên lớp
Em chỉ đường cho một tuổi thơ
Những con đường đi tới ước mơ
Như tia chớp bên đời bão tố!

Hạnh phúc là mỗi trưa ngồi lại
Với bạn bè chia sẻ niềm riêng
Tàng cây trong sân trường vụt lớn!
Che mát hờn, hoa nở buồn vui!

Hạnh phúc là mỗi chiều tan học
Trở về nhà trán lấm mồ hôi
Em đi giữa hai đầu quang gánh
Bụi phấn thơ, bụi đỏ đời thường!

Hạnh phúc khi giật mình thức giấc
Cành phong lan hương ngát trong đêm
Gió khuya thổi sáng bùng ngọn lửa
Kỷ niệm hồng than đôi mắt cay...

Hạnh phúc là niềm vui nắng sáng
Hạnh phúc là nỗi buồn trăng tan
Hạnh phúc là cuộc tình kết nụ
Hạnh phúc là kỷ niệm lá thu...

Hạnh phúc đi em,
Vườn sáng trăng reo!
Hạnh phúc đi em!
Bàn tay sen nở.

Nguyên Đại
Melbourne,
Tháng Bảy, 2011


------

Em...

Nếu em để ý, em sẽ thấy bài thơ anh viết lấy cảm hứng từ những cuộc nói chuyện với em. Khi em đi dạy vùng ngoại ô thành phố, trên con đường vào trường em thấy "Mây sáng hồng cuối trời ruộng lúa". Em yêu nghề, "mê" dạy, cho nên "Em chỉ đường cho một tuổi thơ": Con đường đó không chỉ có kiến thức, mà còn có lương tri. Khi em (học sinh) bước vào cuộc đời, em sẽ thấy cuộc đời nhiều bão tố (như anh và em đã từng trải qua), lương tri là tia chớp soi đường. Là một cô giáo tốt (có tư cách và dạy giỏi) em cũng truyền dạy cho các em bài học về lương tri, về tính thiện của con người. Các em học sinh cần kiến thức và cần nhất là lương tri để làm người, để thực hiện những ước mơ của mình: "Những con đường đi tới ước mơ, như tia chớp bên đời bão tố" là vậy.

Sống tập thể, bất kỳ tập thể nào, cho dù là trường học, cũng có những "chia" và "sẻ". Em san sẻ với bạn bè đồng nghiệp kiến thức, kinh nghiệm và cả những "niềm riêng", em sẽ thấy hạnh phúc, đúng không em? Nhưng cũng có lúc em bị đồng nghiệp hiểu lầm, "chia" ra, và em ngồi lại trong văn phòng, chợt nhìn qua cửa sổ thấy những tàng cây trong sân trường như "vụt lớn". Ừ nhỉ, mình đã đến đây khi những cây này còn nhỏ, "chúng nó" lớn hồi nào mà mình không để ý, mình đã lưu lại ở đây bao năm. Năm tháng đủ dài để "che mát" những hờn giận nhất thời, bông hoa bao mùa nở rồi tàn, buồn vui cũng theo đó... tụ rồi tan... theo tháng năm: Tàng cây trong sân trường vụt lớn, che mát giận hờn, hoa nở buồn vui.

Em đã trải qua những tháng năm khó khổ. Em lo toan đủ thứ trong gia đình riêng của mình, lễ nghĩa nội ngoại hai bên, em "gồng gánh" trên vai việc trường và việc nhà. Cuộc đời đâu phải lúc nào cũng "thơ". Bụi đường màu đỏ không phải màu trắng như bụi phấn. Đôi vai em đem cuộc đời vào trường học; và cưu mang tuổi thơ vào đời. Tóc em còn vương bụi phấn, nhưng rời trường học, xoay lưng lại, bước xuống đường phố, bụi phấn bay nhạt nhòa trong gió, chỉ còn lại bụi đường màu đỏ, màu đời thường cơm áo: Em đi giữa hai đầu quang gánh; bụi phấn đời thơ... bụi đỏ đời thường.

Cuộc tình như ngọn lửa, sự cách xa là cơn gió. Có những cuộc tình như ngọn nến mong manh, một cơn gió nhẹ đi qua, ngọn nến tắt ngấm. Có những cuộc tình như đám lửa than, cơn gió đi qua thổi sáng bùng ngọn lửa. Người đã cách xa, nhưng cuộc tình ở lại, không cất cánh bay đi, cho nên trong đêm khuya, mùi hương lan vẫn cứ tan dịu dàng trong đêm, dấu vết của một cuộc tình nhẹ nhàng nhưng say đắm. Cuộc tình vẫn còn ở đó, vẫn thấy bên đời còn có nhau: hương hoa tỏa ngát, và cơn gió khuya làm em thức dậy với nỗi nhớ, cuộc tình sáng rực rỡ trong đêm làm cay đôi mắt em...

Hạnh phúc không phải là căn nhà to, là chiếc nhẫn kim cương lớn. Căn nhà to tầm thường quá trong một sự khoe khoang, và mong manh làm sao trong cơn địa chấn. Chiếc nhẫn kim cương không thể có mặt ở mỗi phút giây của đời thường và nó ràng buộc mọi tự do của một bàn tay. Hạnh phúc không kênh kiệu như thế, hạnh phúc đơn giản hơn nhiều. Đó là trong lúc em buồn khổ, cô đơn, có một bàn tay ấm của một người bạn nắm lấy tay em và nói, bạn sẽ không cô đơn, vì có tôi bên bạn. Hạnh phúc là đôi mắt trong veo, như sương trong chưa dính bụi đời, của một cô bé học trò hai tay nâng niu một bó hoa tặng cho em, cô giáo: Hạnh phúc trong lòng em. Hạnh phúc từ tâm của em.

Cuộc đời hai mặt, hạnh phúc là cuộc đời, nên không thể tồn tại với một mặt (như hơn một lần anh đã viết cho em). Cuộc đời có sinh diệt, hạnh phúc có buồn vui. Khi em chào đời không phải em khóc sao, và mẹ em đã mỉm cười khi biết em được vuông tròn. Và khi em làm mẹ, hạnh phúc từng ngày thấy con mình lớn lên không phải khởi đầu từ những đớn đau mà em phải chịu đựng khi sinh nở sao? Hãy đón hạnh phúc từng ngày, từng vui, từng buồn, từng giây, em ạ: Hạnh phúc là niềm vui nắng sáng, là nỗi buồn trăng tan, là một cuộc tình vừa kết nụ, là kỷ niệm như lá thu tìm về nguồn cội.

Hạnh phúc khi em đứng trong vườn, nhìn ánh vàng của trăng long lanh trên mặt lá, trăng reo một khúc hát đu đưa. Hạnh phúc khi bàn tay của em cầm viết lướt thong dong trên những trang sách như một búp hoa em có thấy không, và khi ngừng lại, em có thấy tay em nở ra như một đóa sen không? Đó là hạnh phúc. Hạnh phúc đi em, vườn sáng trăng reo. Hạnh phúc đi em, bàn tay sen nở.

Anh
Nguyễn Bá Đại
12 Tháng Bảy, 2011

02 June 2011

Hai Mặt Cuộc Đời

Hai Mặt Cuộc Đời


Bạn

Buổi sáng thức dậy, đêm qua trời nóng quá, mờ sáng trời trở lạnh, khoát vội chiếc áo lên người. Ừ! áo trái, không được, phải trở lại mặt bên kia, đó mới là mặt áo phải, để mặc ra đường, nó đẹp hơn, những đường may được dấu vào bên trong, bông hoa trên áo cũng có vẻ sáng hơn. Người ta sẽ đánh giá mình về cái bề này của áo; còn bề bên kia, cái bề trái, thì...sao cũng được.

À! mà cũng nghịch lý, chính cái phần tiếp xúc với da thịt mình, tạo cho mình cái cảm giác thoải mái, hay ấm áp, đó mới chính là “mặt” quan trọng với mình, mình lại dễ dãi “sao cũng được” còn cái bề bên kia, để cho người khác ngắm, lại được xem là rất quan trọng. Áo là của mình, tại sao cái phần dính với da thịt mình lại không quan trọng, mà cái phần để cho mắt người khác nhìn đánh giá lại mới là tiêu chuẩn của sự hạnh phúc. Hóa ra hạnh phúc của mình không phải là điều mình trực tiếp cảm nhận, mà phụ thuộc vào sự đánh giá của những người khác, những người không mặc chiếc áo này, và chỉ nhìn thấy được một mặt của chiếc áo. Dẫu sao, mình cũng phải mặt chiếc áo (hai mặt) này bước vào một ngày trong đời của mình. Một mặt đã không thành chiếc áo. Một mặt áo không thể mặc vào đời.

Chuyện gì con? Mẹ có điện thoại hả? Đưa cho mẹ - Gì? “nhỏ”, đi Đà lạt hả? Chờ chút xíu, lát mình gọi lại. Đi Đà lạt, vui đó! Đà lạt mùa hè, hoa rực rỡ trong nắng, khí hậu lại không lạnh, không nóng lắm; đi đông vui, đâu phải lúc nào cũng có thể đi chơi xa với nhiều bạn bè. Nhưng, thằng bé học trong Sài-gòn, phải vào thăm nó, cho nó ít tiền, nhân tiện mình đang có thời gian. Thôi, báo với nhỏ bạn, mình không đi Đà Lạt.

Ừ! Mặt này của tờ bạc thay vì đưa ra cho chuyến đi chơi với bạn bè, cho những niềm vui của mình, phải rút lại. Mặt kia của tờ bạc mình quyết định đưa ra, cho thằng bé, chắc nó đang cần.

À! thì ra tờ bạc có hai mặt; mình “mua” cái hạnh phúc mình được đi chơi, thì phải “bán” cái hạnh phúc của việc gặp thằng bé và nhìn nó cười vui bên mẹ. Bề trái của hạnh phúc cho một chuyến đi chơi xa là việc thằng bé đang mong gặp mình mà không gặp được. Bề trái của hạnh phúc gặp thằng bé là việc mình phải “hy sinh” một chuyến đi vui với bạn bè. Hạnh phúc và đau khổ không phải là hai mảnh riêng biệt tách rời nhau, mà chính là một, là hình và bóng, hay khác hơn, là bóng và hình.

Hạnh phúc và đau khổ cứ ôm quyện lấy nhau, xoắn xít, theo tháng năm, theo nhịp đời sống. Hai mặt của tờ bạc: mua và bán, cho và nhận. Hai mặt của cuộc đời: có và không, hạnh phúc và khổ đau cũng đan quyện vào nhau, như đêm và ngày.

Xoảng! Trời ơi! Con bé nhỏ đã đập bể cái ly. Bạn thích cái ly này lắm, vì đó là quà kỷ niệm của một người bạn tặng nhân một chuyến đi xa. Con bé thiệt là bất cẩn, nó thiệt là quá quắt, dám lấy đồ của mẹ không hỏi ý kiến lại còn làm hư bể nữa, thiệt là giận quá.

Ừ, sao mặt con bé tái vậy? Thôi con! Đừng sợ, nói cho mẹ biết, mẹ sẽ không la rầy con đâu, đừng sợ! con thương yêu của mẹ. Dạ! con thấy cái ly này trong tủ đẹp quá, con định lấy ra rót nước trà mời mẹ, vì hôm nay mẹ được nghỉ ở nhà chơi với con. Ôi! con, cẩn thận, thôi để mẹ dọn, đừng chạy quanh, mảnh chai có thể cắt chân con.

À! Sự việc trong đời sống thường là như vậy, mới phút trước mình thấy quá bực mình vì sự không nghe lời, về việc bất cẩn của con bé. Phút sau đó, mình nghe tiếng thương yêu dâng nghẹn trong lòng. Hai mặt của một sự việc: Nếu chỉ nhìn một mặt, có thể mình đã sai lầm và la oan con bé; nó sẽ buồn biết là bao nhiêu. Ngày xưa mình cũng có khi đứng run như vậy trước mặt mẹ mình, khi mình bướng bỉnh không nghe lời mẹ. Một sáng, sang ngang, rồi mình làm mẹ...

Đứng bên này bờ, em làm mẹ
Em là con phía bên kia sông
Nước mắt chảy xuôi đôi bờ lồng lộng
Tảo tần lời rao, dào dạt tiếng ru...
                                     Nguyên Đại

Thương và giận, giận và thương, cứ như những đợt sóng trên sông truyền đi mãi...

Chuyện gì? Người bạn học của hơn 25 năm về trước, gởi email, ghi cả tên lẫn họ thế này, già rồi... mà không hiểu gọi tên tộc họ không đúng chỗ. Ừ, giận đấy! Phải chỉnh mới được, điều này thật quá lắm.


À! Đếm lại coi, mình còn nhớ cả họ và tên của mấy người bạn hồi học cấp 1: một..hai..í, không quá năm đầu ngón tay. Để coi! Bạn hồi trung học: một...hai.. ủa, không quá 10 đầu ngón tay. Mình như vậy, có lẽ “người bạn học” cũng vậy...à cũng vậy.

Ủa! thì ra, mình là một trong những người bạn cũ lâu năm mà “hắn” còn nhớ đủ họ tên. Mình có một vị trí trong lòng của “hắn” đó...cho dầu cái tình cảm đó nó màu hồng hay màu trắng. Phút trước mình giận hắn, phút này mình thấy “thương” hắn ghê. Có lẽ hắn hiểu. Tình cảm giữa hắn và mình là màu hồng hay màu trắng? Tầm bậy! Dứt khoát là màu trắng.

Ừ! Bỡi mình đã yêu chồng mình, có với anh ấy mấy mặt con. Cuộc đời của mình đã gắn liền với cuộc đời anh ấy hằng bao nhiêu năm nay. Mình đã “cho” anh ấy cuộc đời của mình để “nhận” cái hạnh phúc gia đình. Mình đã “cho” anh ấy tuổi thanh xuân của mình. Và anh ấy cũng vậy.

À! mình đã dứt áo giã từ những gã con trai khác để về với gia đình của anh ấy. Mình đã “kết liễu” những cuộc tình học trò. Mình đã “hy sinh” những ngày dong ruổi yêu đương; để vun bén cho gia đình mình đang có. Đón nhận nào cũng khởi sự từ những cho đi. Khởi hành nào cũng bắt đầu từ những giã từ. Sinh sôi nào cũng bắt đầu sau những kết liễu. Hạnh phúc nào cũng khởi đầu bằng những hy sinh.

Bạn thân yêu!
Nhìn rõ hai mặt của một chiếc áo, bạn sẽ thấy đời sống có khi chọn sự nghịch lý làm thuần lý. Bạn sẽ chọn cho mình cái mặt áo nào dùng để ra đường; và bạn cũng sẽ thông cảm được cho người “mặc áo trái”. 


Nhìn rõ hai mặt của đồng bạc, bạn sẽ biết chọn lựa cho mình một cách chi tiêu, và bạn cũng thông cảm cho người có cách chi tiêu khác bạn. Nhìn rõ hai mặt của một điều thoạt không như ý, bạn sẽ thấy phía bên kia của sự giận dữ là thương yêu. Nhìn rõ khổ đau, bạn sẽ thấy hạnh phúc đang nảy mầm; nhìn rõ sự hủy diệt bạn sẽ thấy ở đó đang bắt đầu sự sinh sôi.

Bạn sẽ không buồn vì đêm, vì bạn biết ngày mai mặt trời sẽ mọc. Bạn sẽ không bực cái nắng gắt trưa nay; vì bạn biết đó là điểm khởi đầu cho cơn mưa rào khi trời sập tối. Nhìn rõ sự ra đi, bạn sẽ thấy dung mạo của sự trở về đang dần hiện diện. Buổi chiều, nắng thật đẹp, nắng rượm vàng trên cửa sổ, nắng vàng lưu ly trên những chiếc lá trong phòng . Buổi tối đang đến, những dòng chữ này cũng vừa đến với bạn. Chúc bạn một đêm an lành.

Nguyên Đại
Tháng Sáu-2, 2011