Em
Đã lâu không gặp, gặp lại rất vui, nhưng hình như em có vẻ băn khoăn về chuyện giàu và nghèo. Con người sinh ra và chết đi đều không có gì, chỉ có cái khoảng giữa mấy mươi năm là phiền phức về chuyện “có” và “không”; sao lại để những điều này làm mình bận tâm quá đỗi.
Cái khoảng giữa mấy mươi năm đó của một đời người cũng có biết bao nhiêu dời đổi thăng trầm, kinh nghiệm đời sống mà anh em mình đã trải qua, chứng kiến: Trước năm 1975, có nhiều gia đình giàu có, và cũng có biết bao gia đình khó nghèo ở vùng quê, vùng “xôi đậu” (vùng liên tục bị giành giựt, tranh chấp trong chiến tranh Việt Nam). “Cách mạng” miết đến bây giờ...tạo nên một số “đại gia” từ những “đồng chí” rất nghèo ngày xưa. Rồi những người nghèo “một cái rầm” sau tiếng súng “giải phóng”, tan nát cửa nhà, sau đó được ra đi với những chương trình định cư HO, ODP, tỵ nạn v.v... có một thời trở về VN rủng rẻng “Việt Kiều”; được một thời gian, và bây giờ có lẽ “
Việt kiều không bằng Việt Cộng”.
Có những bạn bè mình may mắn đi định cư, từ những ngày cuối cùng của làn sóng tỵ nạn, gặp chuyện rắc rối gia đình, bao năm qua rồi cũng vẫn vậy. Có những bạn bè khác, gọi là “không may”, phải trở về VN, bây giờ ăn nên làm ra trở nên những “đại gia”. Người “may mắn” hai mươi năm trước bây giờ có khi lại nghĩ chính mình mới là người “không may mắn”...Từng ấy những thăng trầm, từng ấy những chứng kiến, từng ấy những kinh nghiệm sống, em có nhận ra rằng giàu-nghèo, có-không như những đợt sóng vỗ vào bờ biển: lên, xuống, vỡ tan thành bọt... rồi lại lên xuống....Đừng để những đợt sóng đó làm phiền mình em ạ. Đừng để những đợt sóng đó chen vào tình cảm anh em bạn bè mà chúng ta có được sau chừng ấy tháng năm thăng trầm bão tố.
Một ngày, ông Hoàng Đế cuối cùng của đất nước Trung Hoa đi qua viện bảo tàng; ông len lén ngồi lên chiếc ngai mà ông đã ngồi đó “hét ra lửa” ngày xưa, ông đã bị lính gác đuổi đi; ông đã khóc rất lặng lẽ. Ông Hoàng Đế đó cuối cùng đã qua đời trong thiếu thốn. Anh em mình chưa bao giờ là vua (và sẽ không bao giờ); cho nên có được cái gì, hay mất cái gì đó, đâu có gì quan trọng; sao phải để những quan tâm, so sánh đó làm vướng đời sống của mình.
Nếu hạnh phúc cứ là điều mà mình chưa có, mình cứ như con mèo đuổi theo cái đuôi của nó, chạy lòng vòng hoài, không bao giờ dừng lại, và cũng không bao giờ tới.
Nếu hạnh phúc là "điều chưa có"
Niềm vui mãi là "điều mong đợi"
Ao ước rồi ao ước như những cơn sóng cứ gợn mãi, gợn mãi không nguôi, không ngơi nghỉ, như cơn sóng đã qua hết đại dương, mà còn gợn lại, vì còn nhiều điều chưa thỏa. Chúng ta không phải giống như những cơn sóng đó sao, đã bao lần băng qua đại dương, còn mất, vẫn cứ còn buồn phiền, so sánh, rằng tại sao mình đã bỏ lỡ dịp may đó, rằng tại sao mình không đón cơ hội đó, và bây giờ “cơ hội đến” phải tranh thủ, tranh thủ, và tranh thủ...
Như con sóng vỗ vào bờ đá
Bạc đầu ghềnh còn vọng tiếng than!
Qua hết đại dương mà vẫn thiếu!
Gợn lại vì nhiều điều chưa thỏa!
Em có thấy có những điều tưởng như bình thường nhưng rất “kỳ lạ” trong cuộc sống của chúng ta không? Chúng ta lao vào cuộc sống hùng hục làm giàu như những con trâu, và rồi cầu nguyện sự giải thoát, sự phù hộ của Phật, một người có hơn 40 năm, sống nhờ của bố thí, cúng dường.
Chúng ta lo lắng vô cùng đến mất ăn, mất ngủ về chuyện nhà cửa, xe cộ, nhưng lại phó thác mình trong tay Chúa, một người sinh ra trong một máng cỏ khó nghèo, và bị đóng đinh trên thập tự giá cùng với hai gã trộm.
Buổi sáng anh hay đi ăn sáng với thằng bạn làm cùng dãy văn phòng, có vài lần nó cứ chỉ ông A, ông B, và nói rằng ông đó giàu lắm, có mấy cái nhà....Có lần anh hỏi ngược lại nó: vậy chứ có liên quan gì đến tao, tao đâu có tiêu tiền của nó, và ngược lại. Thằng bạn từ đó không nhắc tới chuyện ai giàu, ai nghèo nữa. Giàu-nghèo, có-không là duyên phận, và đã là duyên phận thì không ai giống ai, có vậy mới có những con người khác nhau, và những cuộc đời khác nhau. Tại sao ta phải “đòi” cho được để giàu giống như họ? Tại sao ta phải lất cất, ngẫng mặt lên trời “không thấy ai cả”, khi phải đối diện với một người có ít tiền ơn mình? Có khi nào em hỏi trái táo rằng tại sao nó không giống trái cam không? Nếu đã là trái cam, hãy là một trái cam tươi, và vui vẻ. Cũng vậy, nếu duyên phận là một trái táo, thì tại sao không vui. Công nương Diana của xứ Wales (lớn hơn anh em mình khoảng 5-6 tuổi) đã là một “quả táo” ngon lành, nhưng hình như bà không có nhiều hạnh phúc.
Đón thăng-trầm phút giây đang có
Nhận nợ-duyên an định từng ngày
Khi giàu hay nghèo đã không thành vấn đề nữa thì em sẽ thấy đời sống này bình an. Vâng, đời sống cũng sẽ có thăng trầm, có được có không, có còn có mất mỗi ngày, cũng giống như biển không khi nào ngớt sóng, nhưng tiếng sóng bây giờ vọng xa, vang vọng trong đêm như một lời kinh. Và em sẽ thấy mình hòa quyện với đời sống này, với tất cả mọi người xung quanh, vì đâu có gì khác nhau giữa những con người: “Máu ai cũng đỏ, và nước mắt ai cũng mặn”.
Như con sóng vỗ vào bờ đá
Tiếng vọng xa như một lời kinh
Đại dương, đất, trời, ta...bát ngát
Sóng cuốn đi...như nước vỗ...về!
Nguyên Đại