16 September 2013
Giáo Sư và Người Bán Trái Cây - Phần 1
Ngày kia một vị giáo sư (GS) gặp một người bán trái cây ở chợ (TC), khi đi dạo trong công viên gần nhà.
TC: Sao thấy thầy không được vui vậy, có chuyện gì không?
GS: Hơi nhức đầu, vì mấy người bạn không hợp ý, cải vả mệt quá!
TC: Mắc mớ chi ông phải nhức đầu. Bà xã tui chửi tui quài mà tui đâu có nhức đầu đâu!
GS: Tại sao?
TC: Tui cứ nghĩ là qua cơn mưa trời lại nắng thôi.
GS: (Suy nghĩ: đây không phải là nguyên lý vô thường trong đạo Phật sao, nghĩa là chuyện gì cũng đều có sinh có diệt). Nhưng chẳng lẽ ông để cho bà xã ông nói hoài, mà ông không nổi giận nói lại sao, ông GS nói tiếp.
TC: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" nghĩa là cảnh gì kệ (mẹ) nó đi, trong lòng ông nghĩ gì mới là vấn đề. Bà nói gì kệ đi, tui để trong lòng làm gì cho nhức đầu.
GS: (Suy nghĩ: Đây không phải là câu trong Kinh Bát Nhã sao? Sắc tức thị không - Để cho tâm tư rỗng lặng; và: tâm không chấp vào hình tướng thì làm sao vướng - Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm (của Lục Tổ Huệ Năng) sao?) Nhưng nói thì dễ, làm mới khó, làm sao người ta nói mà ông không giận được; GS nói.
TC: "Giận mất khôn" mà ! Ai cũng học như vậy cả, nhưng mà làm được hay không mới là chuyện đáng nói. Học thì thằng nào cầm nổi cây viết cũng có thể học được, nhưng mà "thức" mới là quan trọng chứ. Có học mà không biết áp dụng thì con vẹt cũng làm được. Có "học" mà không có "thức" thì học để làm gì, để mang cái bằng về nhát, hay mặc áo đi lung tung lừa gạt thiên hạ.
GS: (Suy nghĩ: Không phải Phật dạy "hãy tự thắp đuốc lên mà đi" nghĩa là phải tự mình nhận ra con đường của mình sao. Đạo Phật là đạo của sự tỉnh thức, là ứng dụng những điều đã học vào cuộc sống chứ đâu phải cứ lập lại những điều đã cũ, "thằng cha" này thật đáo để). Hey, ông có đọc kinh Phật không ông, sao ông nói chuyện kinh thế; GS nói.
TC: Tui không có học, ông thấy tui tóc dài (ông bán trái cây để tóc dài) không? Mấy ông đạo hủ mà gặp tui, ổng đâu thèm nói chuyện. Nhưng đọc kinh làm con mẹ gì, ông không hiểu cái gì trong đó thì đọc mỏi miệng chả giải quyết được cái gì cả.
GS: (Suy nghĩ: Phật dạy: theo ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta; "thằng cha" này nói chuyện lung tung, nhưng "trúng" đó). Tui nghĩ ông có căn cơ đó, nếu mà ông được học hành có thể ông sẽ làm người có chức vụ, tui thành thật nghĩ như vậy; GS nói.
TC: Đâu phải ai muốn học là học được đâu, ba má tui nghèo, tui từ nhỏ đã lăn lóc ở chợ đời, tui học ở chợ đời thôi. Nhưng tui nghĩ mấy người làm lớn đó chưa chắc họ đã được nhiều hạnh phúc, và tui nghĩ cuộc đời của một con người gọi là thành công khi họ có nhiều ngày hạnh phúc hơn là những ngày buồn bã. Tui chấp nhận đời tui là như vậy, bây giờ tui cũng có thể muốn mua cái gì thì tui mua, dù tui không giàu; nhưng tui có ít nhu cầu: Ăn thì ông cũng biết rồi: cho là ông ăn những gì ông thích đi - nhưng ông có dám ăn nhiều không; mặc thì cũng vậy, không lạnh là được rồi; còn tui ngủ cũng chỉ có nửa cái giường thôi; làm chi mà sóng gió dữ vậy.
GS: (Suy nghĩ: Đây không phải là chữ Giới (giới hạn), Định (bình an) và Tuệ (thấy xa) trong nhà Phật sao?). Hey, ông có số điện thoại không, GS hỏi.
TC: Chi?
GS: Giờ tui phải đi, ông cho tui số điện thoại, tui sẽ kính mời ông đi uống cà phê với tui một bữa.
TC: Ok, 04..., rồi bữa sau nếu ông thích thì mình nói chuyện trai (và) gái cho vui, kaka....
Nhật Quang - Nguyên Đại
16/9/13
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment