26 August 2013

Nếu con biết

Dắt con đi, qua ngày giông bão
Mẹ như quên, hạnh phúc cùng con
Nếu con biết ngày thơ của mẹ
Sẽ hiểu rằng mẹ gánh bão đi...

Dắt con đi, qua miền lửa cháy
Mẹ ôm con, tìm lại đời mình
Nếu con biết ngày xưa của mẹ...
Sẽ hiểu rằng nước mắt mẹ...mưa!


26/8/13

23 August 2013

Những dài dòng cần thiết


Em

Khi em bệnh, cái mà em cần không chỉ là một lời nói “thuốc, uống đi”; em cần nhiều hơn thế: một ánh mắt quan tâm, một cử chỉ săn sóc nhỏ, một bàn tay ấm, một chén trà gừng, tất cả những điều đó có thể không đem đến một lợi ích thiết thực nào, hay có vẻ như “vô tích sự”, nhưng đó là điều “dài dòng” cần thiết.

Khi em buồn, cái mà em cần không chỉ là một vài chữ “buồn có lợi gì đâu”, em cần nhiều hơn thế: một đôi tai biết lắng nghe em kể lể, một ánh mắt khích lệ, một chuyện cười không duyên lắm để cố gắng lôi em ra khỏi những suy nghĩ thất vọng, tất cả những điều đó có thể không làm em thoát ra khỏi tức khắc những bi quan, nhưng đó là điều “dài dòng” cần thiết.

Khi em mất mát người thân, cái mà em cần không phải là một câu “số phận mà! ai cũng phải chết”, em cần một vòng tay ôm, em cần những giọt nước mắt thông cảm, em cần một nhắc nhở về những kỷ niệm đẹp đã trải qua với người quá cố, em cần chia sẻ kinh nghiệm của sự mất mát, tất cả những điều đó không làm cho người chết có thể hồi sinh, nhưng đó là điều “dài dòng” cần thiết.

Và đó là lý do tại sao một cựu quân nhân và cảnh sát dã chiến Mỹ, người được huấn luyện để tiêu diệt mạng sống một cách hiệu quả, viết một bức thư dài để chia sẻ với gia đình của một thanh niên Úc mà ông không hề quen biết, người đã bị giết với không một lý do nào; vì có người “buồn buồn, bắn chơi”, trên đường phố Hoa Kỳ thứ Sáu tuần qua; đó là điều “dài dòng” cần thiết, rất cần thiết cho gia đình của Christopher Lane, và rất cần thiết trong thời đại của chúng ta.

Anh

Đừng quay lưng với điều ác


Hôm thứ Sáu tuần rồi (18/8/13), một sinh viên Úc, Christopher (Chris) Lane (22 tuổi), đang theo học ngày Tài Chính, và là một ngôi sao bóng chày (baseball) ở Đại Học Oklahoma’s East Central, thuộc tiểu bang Oklahoma, Hoa Kỳ, đã bị bắn chết, khi đang chạy thể dục trên đường phố Duncan, gần nhà bạn gái của anh ta.

Ba thiếu niên người Mỹ (James Edwards (15 tuổi), Michael Jones (17), và Chancey Luna (16)) đang ngồi chơi trước nhà, và khi thấy Chris chạy ngang qua, Michael lái xe chở theo James và Chancey. Chancey đã nổ súng bắng Chris từ phía sau lưng.  Công Tố Viên trong vụ án cũng không tìm thấy lý do cho vụ bắn người này, ngoài việc cho rằng ba thiếu niên trong vụ này “bored” (buồn chán) (nên bắn chơi?!).

Tại sao? (Why?) – Không ai hiểu cả!  - Đó chính là điều được bàn luận nhiều trong những ngày này trên các trang mạng xã hội. Văn hóa Mỹ, cuộc sống Mỹ là “buồn buồn, bắn chơi”, hay là người Mỹ, đất nước mà quyền sở hữu súng được hiến pháp quy định, đã quá quen thuộc với kiểu bắn giết khơi khơi này?

John Melchiorre, một cựu chiến binh Mỹ, căn cứ ở Florida, đã viết một bức thư gởi đến một hãng thông tấn Úc (ninemsn). Lá thư đã được đăng trọn vẹn, (Nguyên Đại) xin được dịch ra Việt Ngữ như sau:

Tôi sống ở Mỹ, và chưa bao giờ có vinh dự được viếng thăm quốc gia của bạn [Úc]. Hôm nay tôi muốn nói đến cái chết đau buồn của Christopher Lane. Trước hết, cho tôi nói rằng người Mỹ không phải “chai lỳ” đối với loại bạo loạn này, và chúng tôi không phải tránh né chuyện đó để sống một cách bình thường.

Cái chết của người bạn trẻ Christopher Lane đánh động lương tâm của hầu hết người Mỹ, đặc biệt nó xảy ra ở Oklahoma, nơi mà vài tháng trước, đã có nhiều trẻ em và người lớn chết vì hai trận cuồng phong cấp 5 liên tiếp với sức gió lên đến gần 500km/h.

Chúng tôi vẫn còn chưa hết dao động với những học sinh và thầy cô giáo bị bắn chết ở Connecticut, cũng như những cái chết và thiệt hại do vụ các vụ nổ bom ở Boston gây ra.

Chúng tôi không mặc nhiên chấp nhận điều này, coi như không có gì xảy ra. Chúng tôi không thể, bỡi vì có nhiều khi những người đang làm cha, làm mẹ như chúng tôi đã không kiểm soát được con cái mình.  Khi ở tuổi 17, tôi đã phục vụ ở ngoại quốc trong đội Tiếp Vận Hàng Không trong cuộc khủng hoảng hỏa tiễn ở Cuba, và khi cuộc chiến Việt Nam bắt đầu.

Sau khi giải ngũ năm 1967, tôi đã phục vụ 30 năm sau đó trong Cục Cảnh Sát Dã Chiến (Wartime Police Dept.). Đó là thời kỳ những người thi hành luật pháp của chúng tôi bị săn đuổi, giết, ám sát, hoặc bị những nhóm khủng bố, những tên không có mục đích nào khác ngoài việc làm “THAY ĐỔI” những giá trị mà chúng ta theo đuổi, “treo đầu”chúng tôi với giá cao. Đó là nơi mà tôi đã học cách trả lời câu hỏi mà gia đình Lane [Christopher Lane], và những người Úc khác đang quan tâm, rằng: TẠI SAO?

Đó là câu trả lời duy nhất, vì vậy xin hãy đọc kỷ, và câu trả lời là, cho dẫu bạn đang sống ở quốc gia nào...KHÔNG AI CÓ THỂ HIỂU ĐƯỢC LÝ DO CỦA KẺ ÁC. Điều ác đã tồn tại từ thời của Adam và Eve, khi mà Cain giết em ruột của mình là Abel, và lý do mà hầu hết chúng ta không có khái niệm này là bỡi vì chúng ta cần trách cứ ai đó, chúng ta cần chỉ ngón tay về phía một ai đó, chúng ta cần khai thác nó, và chúng ta cần đưa nó lên mục tin tức.

Chính điều ác đó làm sụp đổ hai tòa tháp vào ngày 11/9, cũng điều ác đó đã khiến Hitler, Stalin, Mao, Pon Pot giết hại hàng triệu người, và điều ác đó đã cướp đi sinh mạng của Christopher. Điều ác là một đề tài khó nói, ngay cả trong phòng tin của những hãng thông tấn.

Chúng ta có thể giết đi nguồn gốc của sự ác, nhưng không thể tiêu diệt được điều ác, chỉ có ông Trời mới làm được điều đó. Những khuôn mặt của điều ác có thể là 10 tuổi, hay 75 tuổi, là đàn ông hay đàn bà, thuộc bất kỳ một chủng dân nào, hay có bất kỳ một nguồn gốc xã hội nào. Là những người làm cha mẹ, chúng ta chỉ có thể giới hạn điều ác bằng cách có ảnh hưởng mạnh lên con cái của chúng ta, cho dẫu có thể chỉ về mặt tinh thần, nhưng một gia đình lành mạnh phải nơi chúng ta nương tựa, phải luôn là như thế.

Tất cả những điều đó cũng không phải là sự bảo đảm tuyệt đối, NHƯNG ĐIỀU CHÚNG TA CÓ LÀ MỘT CƠ HỘI...MỘT CƠ HỘI..ở đó. Tôi là một người cha có hai con, và ông nội của ba đứa cháu, và với lòng chân thành sâu sắc, chúng tôi gởi đến gia đình của Lane, và mọi người Úc khác, tâm tình và lời cầu nguyện của chúng tôi.

Có một câu nói của người xưa rằng “Kẻ ác sẽ tồn tại nếu người tốt không làm gì cả” và hai ngày sau khi những vụ nổ bom ở Boston xảy ra, đã có một thông điệp gởi đi qua Tweet đến với ba con khỉ đang ngủ cạnh một đồng hồ báo thức như sau, những kẻ: “KHÔNG NÓI VỚI KẺ ÁC, KHÔNG ĐỐI ĐẦU VỚI KẺ ÁC, KHÔNG NGHE NÓI VỀ ĐIỀU ÁC, RỒI THÌ KHI ĐẾN GIỜ, TẤT CẢ CÁC CÁNH CỬA ĐỊA NGỤC ĐỀU MỞ RA”, nhưng thay vì bừng tỉnh giấc để làm việc, chúng ta lại quay lưng, và bấm nút lặng của đồng hồ báo thức để tiếp tục ngủ.

Chúc lành cho bạn, chúc lành cho nước Úc.”

Nguyên Đại
Tổng hợp và Việt dịch từ ninensm News.
21/8/13

15 August 2013

Em có nghe...

Em có nghe tiếng sóng
Thao thức gọi tên mình
Em có nghe mưa xa
Thương một lần môi nóng

Em có nghe tiếng quê
Lưng trần đen nghịch ngợm
Mặn một thời xuân trẻ
Ngọt quán chè về khuya

Em có nghe tiếng biển
Màu huyết dụ bình minh
Đêm gập ghềnh ngọc trắng
Bạc đầu sóng nắng trưa

Em có nghe tiếng tình
Đóa quỳnh hoa thơm ngát
Chút hương thầm còn ấm
Xe đạp...nhịp tim mình

Em có nghe tiếng đời
Sóng đưa xa vời vợi
Câu kinh còn chới với
Yêu là biết không rời


15/8/13

Mẹ

Mẹ đội một nắng hai sương
Gánh thương gánh khó rộng đường con đi
Chữ "yêu" con đánh vần "y"
Ầu ơ...nước mắt chảy đi xuôi dòng


4/8/13

"Con dẫu lớn thế nào cũng do mẹ cưu mang và đem đến cuộc đời này. Tình mẹ bao la phủ suốt đời con. Tình thương của bất kỳ người mẹ nào cũng vĩ đại. Hoàn cảnh có giàu nghèo, nhưng tình thương đâu có đơn vị. Chúc bạn và gia đình một ngày lễ Vu Lan, lễ Mẹ thật ấm cúng"

02 August 2013

Gởi Mẹ

Con không có gì nhiều gởi mẹ
Một chữ "buông" xin mẹ nhận cho
Đời qua lớp lớp duyên và phận
Níu thương yêu mẹ khổ tận rồi


8/13

01 August 2013

Mắt Lửa

Đưa em qua con đường xưa
Quê anh còn vương dấu đạn
Mỹ Lai, Sơn Mỹ, Tịnh Khê *
Đá khóc cúi đầu trong lửa
Mái rạ cứa màu nhang khói

Cùng em qua ngôi trường xưa
Vết bùn lưa thưa áo trắng
Sơn Tịnh, Trà Khúc, Mỹ Khê***
Sóng đợi sao trời nỗi nhớ
Mùa thi thầm thì một thuở

Em về ta qua ngày xưa
Ba mươi năm dường như chưa
Cát Tường, Tịnh Phong, Cổ Lũy***
Kỷ niệm xanh về trong mưa
Nhìn nhau cháy màu mắt lửa

Nguyên Đại
Tặng hai bạn T. và Q. (Lý 9, CĐSP)

(*) Thảm sát ngày 16/3/1968 do Lục Quân Mỹ gây ra tại làng Mỹ Lai, thôn Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam. Một trong những thời khắc đen tối nhất của chiến tranh Việt Nam.
(**) Bãi biển đẹp Mỹ Khê, dài 8km, ở thôn Cổ Lũy, Tịnh Khê, Sơn Tịnh
(***) Nhà máy dệt may Đại Cát Tường, thuộc Khu Công Nghiệp Tịnh Phong, Quảng Ngãi


Photo: Ronald L. Haeberle












Photo: Ronald L. Haeberle











Photo: Ronald L. Haeberle
Source: www.environmentalgraffiti.com

Biển Mỹ Khê, Quảng Ngãi
Nguồn: www.vietnamtourism.com