Mr. Kevin Rudd |
Sáng nay thức dậy, mở radio lên, và nghe tin ông cựu thủ tướng Úc, Kevin Rudd, đã đột ngột tuyên bố từ chức Ngoại Trưởng (Foreign Minister) Úc, từ Washington DC. Ông đưa ra lý do là vì ông không thể hoàn thành công việc khi mà Thủ Tướng, bà Julia Gillard, và một số thành viên dấu mặt ('faceless') trong Đảng không tin cậy ông. Tuy nhiên, ông lại không cho biết ông có thách thức quyền lãnh đạo trong Đảng Lao Động hay không?
Theo luật Úc, lãnh đạo Đảng cầm quyền sẽ giữ chức vụ Thủ Tướng chính phủ, lãnh đạo tối cao của đất nước; mặc dù theo nghi lễ, Nữ Hoàng Anh vẫn là "Quốc Trưởng" và có đại diện ở các cấp liên bang và tiểu bang (có người dịch các chức vụ đại diện Nữ Hoàng ở cấp liên bang là "Khâm Sai" (General- Governor) và ở cấp tiểu bang là "Khâm Sứ" (Governor)).
Năm 2007, ông Kevin Rudd, lãnh đạo Đảng Lao Động Úc, đã đánh bật ông John Howard, thủ tướng đương thời bây giờ, người lãnh đạo Đảng Tự Do, sau khi ông này đã cầm quyền liên tục 4 nhiệm kỳ từ năm 1996. Chiến thắng "trời long đất lở" này của Đảng Lao Động đã thổi một sinh khí mới vào chính trường Úc, nhưng có vẻ cơn gió này cũng "ru" ông Rudd "ngủ quên" trên chiến thắng. Ông trở nên kiêu căng và tự mãn, muốn có quyền hành triệt để trong Đảng, và thực hiện một số biện pháp cấp tiến thay đổi sinh hoạt truyền thống của Đảng Lao Động, việc làm này của ông làm cho nhiều đồng viện bất mãn. Tự nâng cao mình, ông đã tách biệt khỏi các đồng viện, và vô hình chung, tạo cho mình một thế đứng "cô đơn". Sự cô đơn đó rất nguy hiểm trong chính trị, nhưng có vẻ như ông không thấy được điều này, nên ông thực hiện nhiều chuyến công du quốc tế, quá nhiều, đến nỗi tạo sự chú ý của công chúng, và trở thành đề tài công kích của Đảng đối lập.
Trong lúc ông miệt mài công du ở ngoại quốc thì người đứng phó cho ông lúc này là bà Julia Gillard thường cáng đáng công việc của một "Acting" Prime Minister (Quyền Thủ Tướng). Lâu lâu, "acting" một lần thì "acting" có nghĩa là "thừa ủy nhiệm", một "cái giá" thế vào cho đỡ trống khi bức hình được lấy đi; nhưng "acting" "hoài", thì cái giá trở thành "người thực", "vật thực", và bức hình trở nên "vướng", và đó là vào thời điểm tháng 6/2010; khi bà Phó, người đã từng tuyên bố trước đó rằng: "Tôi mà làm thủ tướng à! Nói tôi làm tiền đạo cho đội bóng đá (Bulldogs)...thì còn dễ tin hơn"; lại đứng ra thách thức quyền lãnh đạo trong Đảng, sau khi đã nắm chắc có đủ túc số ủng hộ của đồng viện trong đảng Lao Động. Ông Thủ Tướng Rudd lúc đó đã khóc (khóc thật nha!) mà nhường chiếc "ngai" trong dinh thủ tướng (the Lodge) cho bà Gillard.
Vì bất nhất và dường như có vẻ "độc thủ" như vậy, cho nên bà Gillard, không được lòng dân chúng, nhất là ở tiểu bang Queensland, quê nhà của ông Rudd. Bà vừa lên "ngôi" thì phải đối diện ngay với cuộc tranh cử. Chưa có thì giờ để ổn định, củng cố quyền lực thì lại phải lãnh đạo một Đảng phân tán để "chiến đấu" trong cuộc bầu cử, với một vận động viên chạy đường trường (theo cả hai nghĩa đen và bóng) là ông Tony Abbott, người mới vừa đẩy văng ông Michael Turnbull ra khỏi vị trí lãnh đạo của Liên Đảng Đối Lập, chỉ với 1 phiếu duy nhất. Ông Abbott thực hiện một chiến lược giống như việc chạy đường trường: lấn từng chút, dẻo dai, miệt mài; có vẻ như rất hiệu quả đối với một đảng Lao Động do ông Rudd lãnh đạo có quá nhiều lổ hổng trong chiến lược cũng như trong tổ chức Đảng.
Nhận rõ việc này, nên bà Gillard cười tươi ngay và thêm một chút "e thẹn" mời ông Rudd tham gia tranh cử cùng bà. Bà "đánh chiêu này" quá tuyệt vời: ổn định nội bộ của Đảng, những người phò ông Rudd trước kia không có lý do để phá bỉnh cuộc bầu cử; ổn định lòng dân, nhất là dân ở Queensland: "lâu thiệt lâu" mới có một người quê mình ra làm thủ tướng, "tự nhiên" bà "lật ghế" một cái ầm, không tức sao được; và ông Abbott tự nhiên mất mục tiêu, và vì trước đây sử dụng chiến thuật "phục kích", nên khi đội ngũ Đảng Lao Động đã liền lạc được với nhau, tự nhiên chiến thuật "phục kích" của ông Abbott lại không hiệu quả. Tuy nhiên, ông Abbott cũng không phải là tay vừa, dù mất mục tiêu và phương hướng, nhưng ông cũng dàn trận hiệu quả và chọi ngang ngửa với Đảng Lao Động.
Rốt cuộc, trong cuộc tranh cử vào năm 2010, thì hai bên bất phân thắng bại (Lao Động -v- Liên Đảng Tự Do/Quốc Gia) và vì vậy ba (3) ông dân biểu độc lập lại là người quyết định ai "làm vua" (Gillard hay Abbott?). Nếu chính phủ có đa số hẳn hoi thì mấy ông dân biểu độc lập này thường "chẳng ai chơi", nhưng khi hai anh khổng lồ ngang ngửa thì "chú khỉ con" trở nên cực kỳ quan trọng. Và lần nữa, bà Gillard lại chứng tỏ một tài năng chính trị của mình bằng cách nhanh chóng tranh thủ sự ủng hộ của các ông dân biểu độc lập này để đứng ra lập chính phủ, trong lúc ông Abbott còn say sưa với những tán tụng của các đồng chí rằng là mới nhiệm kỳ đầu đã đẩy đảng Lao Động đương quyền vào thế ngang ngửa. Khi ông Abbott còn chưa học được cái mềm dẻo, cái uyển chuyển của bà Gillard, thì ông đã bị đẩy ngồi cứng ngắt trên ghế đối lập để nhìn bà thành lập chính phủ thiểu số, mặc dù đã có ít nhất một trong ba ông "độc lập" đã từng công khai ủng hộ Liên Đảng.
Mặc dù là chính phủ thiểu số, nhưng cũng với nghệ thuật "cứng đúng nơi, mềm đúng lúc" bà đã đưa được nhiều dự luật qua cửa Quốc Hội trước sự tức tối của chính trị gia "vai u thịt bắp" (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) Tony Abbott. Nhưng cũng chính vì sự quá uyển chuyển này, bà lại không được lòng dân chúng, ví dụ như khi tranh cử năm 2010, bà nói bà sẽ không áp dụng thuế khí thải (carbon tax), nhưng sau khi cầm quyền bà lại cùng với đảng Xanh (Green) của ông Đà (Brown) đẩy ngọt ngào các đạo luật về thuế hầm mỏ và thuế carbon qua hai cửa của lưỡng viện quốc hội Úc.
"Chàng" Abbott khỏe mạnh nhưng trước sự kết hợp nhịp nhàng của "nàng" Brown và nàng Gillard đành phải bó tay để dự luật về thuế khí thải ra cửa dễ dàng, khiến chàng tức điên lên, tuyên bố sẽ "kéo lại" (hủy bỏ) luật này nếu trúng cử. Thực ra, điều đó lại là một lợi điểm cho bà Gillard, vì nếu với các loại thuế đánh vào các công ty cùng với việc trắc nghiệm lợi tức cho việc bảo hiểm y tế, chính phủ Gillard có thể mang lại thặng dư ngân sách cho quốc gia trong tình hình kinh tế toàn cầu suy thoái, thì ông Abbott lấy tiền đâu ra mà bảo đảm cho những chính sách của Liên Đảng, trong trường hợp hủy bỏ thuế khí thải.
Thứ Sáu, 24/2/2012
Sáng nay (thứ Sáu), ông Rudd đã về tới Queensland, và quả thật ông làm người viết ngạc nhiên không ít, khi diễn văn trong cuộc họp báo của ông có vẻ như một bài kêu gọi "toàn quốc kháng chiến" nhiều hơn, rằng: quý vị hãy gọi điện thoại do dân biểu của quý vị, nhảy ra kêu gọi báo chí ("jump to the media") rằng bà Gillard không thể thắng ông Abbott được (chỉ có tôi (Mr. Rudd) mới làm được thôi), vì quốc gia này là của quý vị chứ không phải của một số thành viên chóp bu của Đảng Lao Động. Ông vẫn tránh né câu hỏi rằng liệu ông có thách thức quyền lãnh đạo trong Đảng Lao Động hay không, vì rằng ông sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của đồng viện, và chiều nay ông sẽ cho biết về chuyện này.
Quả thật bà Gillard, hiện nay chưa có đối thủ; hay nói khác hơn, đối thủ thật sự của bà Gillard chưa xuất hiện. Ông Rudd hiện khộng phải là đối thủ của bà Gillard vì bà biết rõ ông và có thể hạ ông một cách rất dễ dàng.
Trong lúc chuyện tranh giành quyền lực nổ ra ngay sau vụ thuế carbon và các cuộc thăm dò dư luận bếch bác gần đây có vẻ bất lợi cho bà Gillard, thì việc ông Rudd rời khỏi nước Úc là một quà tặng thứ nhất cho bà, báo chí thổi phồng việc tranh giành quyền lực là quà tặng (hay quà tự tặng cũng được) thứ hai cho bà, vì đây là cơ hội để "đổ một đống rác" lên "đầu" ông Rudd, rằng: ông, chính ông làm suy yếu Đảng, rằng ông chịu trách nhiệm về kết quả thăm dò bếch bách của Đảng Lao Động, và ngay cả (kết quả thăm dò) về chính bản thân tôi (tức bà Gillard).
Lẽ ra khi nhận một "đống rác" lên đầu, ông Rudd phải "nằm im", gọi là NHẪN, và cặm cụi làm công việc Ngoại Trưởng của mình, "đừng nhúc nhích" mới đúng. Có như vậy, nếu bà Gillard để im cho ông Rudd, thì thứ nhất ông Rudd giữ mình được an toàn, giữ cho các người ủng hộ mình được an toàn, bảo vệ toàn bộ lực lượng, "nằm vùng" tại đó chờ thời. Trong tình trạng như thế, bà Gillard vẫn có thể chưa dám loại ông Rudd vì có thể bị mang tiếng bội hứa với dân Queensland thất lợi cho việc bầu cử. Vả lại, nếu bà (Gillard) muốn như vậy cũng không phải là lúc này, vì bà Anna Bligh hiện đang tranh cử để giữ chính quyền Lao Động ở tiểu bang Queensland hơn ai hết không muốn điều này xảy ra vì đang cần sự giúp đỡ của ông Rudd ở tiểu bang nhà của ông, nơi ông đang được lòng dân.
Nhưng thượng sách của ông Rudd vẫn cứ là việc ông ủng hộ cho bà Anna Bligh trong việc tranh cử ở Queensland mới đúng, vì có như vậy mới được lòng dân, được lòng đồng chí, và "đống rác" và bà Gillard quăng cho ông có thể bị thổi ngược vào mặt bà.
Đáng tiếc là ông không sử dụng một trong hai kế sách trên, mà lại "đùng đùng" từ chức Ngoại Trưởng, với một lý do không thuyết phục được ai, rằng ông không có sự ủng hộ của của bà Gillard và các đồng viện. Trời đất! có ai tin là ông Rudd gần đây mới biết là ông không được sự ủng hộ của bà Thủ Tướng và các đồng viện? Nếu họ còn nhớ những giọt nước mắt của ông khi trao ghế Thủ Tướng cho bà Gillard vào tháng 6/2010; không lẽ ông quên?
Khi từ chức Ngoại Trưởng, ông lại không có một sự chuẩn bị nào hết, "lính" của bà Gillard thì "hàng hàng lớp lớp" đã xuất đầu lộ diện và "thà chết không lùi", lính của ông thì "không còn, không còn ai", vậy ông lấy gì đi đánh với người ta. Ông nói ông sẽ về Úc để "tuyển mộ" thêm. Bằng cách nào để ông tuyển mộ lại những đồng viện đã từng bỏ phiếu cho bà Gillard năm xưa, trong khi bà có quyền, còn ông thì chẳng có quyền gì cả, có cái chức Tổng Trưởng Ngoại Giao, ông cũng tự phá luôn rồi.
Ông đứng dậy, ngay tại chỗ "đống rác", không khác gì thừa nhận đống rác là của ông, ông là tác giả, là nguyên nhân gây ra đống rác này. Ông cũng mất luôn cơ hội đi tranh thủ lòng dân ở Queensland, phô trương sức ảnh hưởng của ông với dân chúng, và giúp cho "người bạn tốt" đang bị "nạn" của ông là bà Anna Bligh hiện là Thủ Hiến tiểu bang Queensland nhưng đang ở thế "ngựa về ngược" trong cuộc tranh cử tiểu bang trong những ngày này. Quyết định từ chức Ngoại Trưởng của ông quả thực là một quyết định sai lầm và tai hại.
Vô hình chung, ông tặng thêm cho bà Gillard một món quà lớn. Một: củng cố thế đứng vững chắc hơn của bà trong đảng Lao Động. Hai: thoát được sức ép của những cuộc thăm dò dư luận gần đây với kết quả bếch bác. Ba: Giải quyết được cái gai "Kevin Rudd" và đổ đi "đống rác" mà bà đã quét ra từ văn phòng do ông làm thủ tướng trước đây. Và, dường như bà Gillard, đánh chiêu "dụ rắn xuất động" rất thành công, con "rắn nước" (hung hăng nhưng không có nọc độc gì hết!) K. Rudd đã "xuất động", bà chỉ việc sai "lính" (các Tổng Trưởng đương nhiệm) "trói lại" và thứ Hai này (27/2) "làm thịt" và "nhậu chơi", nâng ly chúc mừng.
Quyết định từ chức Ngoại trưởng của ông không hợp với Thiên Thời: không đúng lúc, không phải là lúc này; không có Địa Lợi: tại sao lại tuyên bố điều này khi ông ở Mỹ? không có lợi gì cho ông cả, Thứ Năm (23/2/12) ông tuyên bố từ chức, thứ Sáu (24/2) ông về Úc, bà Gillard mở trận vào thứ Hai (27/2), ông bị đẩy vào thế hoàn toàn bị động. Và, dĩ nhiên ông không có yếu tố Nhân Hòa: những đồng viện đã góp sức cho bà Gillard vào tháng 6/2010 đã được bà Gillard hậu tạ chu đáo, bà làm việc hữu hiệu với họ để đưa các chính sách của Đảng Lao Động thành luật, điều mà chính bản thân ông cũng không làm được, ngay cả khi ông có đa số ở quốc hội, như vậy tại sao họ lại thay đổi để ủng hộ cho ông, để có thể bị tới hai lần trả thù (ông và bà Gillard).
Ông hứa rằng ông sẽ không thay đổi hàng ngũ tổng trưởng nếu họ bỏ phiếu cho ông. Tại sao họ lại chọn ông làm thủ lĩnh của họ để rồi họ không chắc ông có trả thù hay không, trong khi họ đang có một thủ lĩnh, người đã cho họ những gì họ muốn, họ cần, và họ chưa có rạn nứt nào với thủ lĩnh hiện tại, và nguy cơ có thể bị thất cử thì còn quá xa, tới 17 tháng nữa mới tới kỳ tranh cử Quốc Hội Liên Bang Úc.
Trong lúc bài này được viết thì ông Rudd đã tuyên bố thách thức quyền lãnh đạo với bà Gillard vào thứ hai này (27/2), và rằng nếu ông thua, ông sẽ không thách thức quyền lãnh đạo nữa. Đó là một cuộc "tự sát" chính trị. Ông Rudd đã hy sinh VÌ bà Gillard vậy.
Thứ Bảy, 25/2/2012
Tin tức sáng nay về đề tài này dĩ nhiên vẫn chiếm cứ trang nhất trên các phương tiện truyền thông ở Úc: Cuộc thăm dò dư luận do hai hãng chuyên môn Newspoll và Nielsen cho thấy ông Rudd được ưa chuộng trong cương vị Thủ Tướng hơn ông Abbott và bà Gillard (Newspoll: Rudd: 48%, Abbott: 40%, Gillard: 30%; và Nielsen: Rudd: 58%, Abbott: 38%, Gillard: 34%). Thông điệp này, giả sử chính xác, thì có ý nghĩa gì?: Hiện nay ông Rudd được dân ưa chuộng hơn, nhưng thứ Hai này (27/2), vấn đề không phải là bầu cử, như bầu cử Tổng Thống bên Mỹ, mà là chuyện "nội bộ" của Đảng Lao Động. Bà Gillard đã chiếm giữ phần lớn cái "nội bộ" đó. Giống như người đánh bài, bà Gillard đã có 3 con ách, và bà lật ra trên bàn cho ông (và cho bàn dân thiên hạ) coi luôn, vậy ván bàn này ông phải đánh làm sao, ngay cả "đánh gian" ông cũng không có cơ hội!
Vâng, ngay ngày hôm nay, thì ông được lòng dân hơn bà Gillard (so what) rồi sao? Giống như một thuyền trưởng tự nhiên ông bị "đá văng" xuống nước; sau đó người ta quăng một cái dây để kéo ông chạy theo, tự nhiên ông cắt đứt cái dây đó, rồi đập nước loạn xạ lên và bảo rằng, tôi là một thuyền trưởng giỏi, cho tôi lên tàu mau, để tôi lái tàu ra khỏi vùng nguy hiểm, chứ nếu không thì tàu sẽ bị nguy hiểm. Chừng nào mới gặp nguy hiểm thật sự, ông Rudd? À! 17 tháng nữa! Trời ơi! tại sao ông cắt dây, làm sao cứu ông đây? Nếu tui không cắt thì bã cũng cắt. Trời ơi! Nếu bã cắt, thì toàn thể thủy thủ trên tàu có "cái cớ" để mà "thương" ông, đằng này ông tự cắt trong lúc con tàu đang phải chạy hết tốc lực, thì quả thực chỉ có Trời mới cứu được ông.
Nhưng không biết Trời làm cách nào để cứu ông, điều này nằm ngoài sự tưởng tượng của người viết. Người viết giỏi lắm cũng chỉ tưởng tượng tới việc: từ đây tới trước 10 giờ sáng thứ Hai, tự nhiên bà Gillard không biết vì lý do gì "ngã đùng ra", không làm Thủ Tướng được nữa, ngay cả trong trường hợp đó, thì ông cũng không được làm Thủ Tướng đâu, sẽ có một người khác thay bà Gillard, nhưng nhất định không phải là ông. Ông đi "đánh võ đài" mà ngay cả việc đối thủ tự nhiên "ngã lăn quay" ông cũng không thể đứng được để nhận giải thắng thì không hiểu tại sao ông "đánh" trận này. Thiệt là! không biết nói sao với Ông, ông Rudd ạ.
Chủ Nhật, 26/2/2012
Sẽ có rất nhiều người thích coi bóng đá, nhất là nếu hai đội thật hay và ngang tài ngang sức, Đức-Brazil chẳng hạng. Bây giờ giả sử trong một đội banh, có một cầu thủ cứ biểu diễn kỷ thuật cá nhân mà không kết hợp với đồng đội để đem tới chiến thắng. Anh ta cứ chỉ lên khán đài và bảo "coi nè" và rồi lừa qua ba bốn cầu thủ bạn rồi...bị kèm đưa đến mất bóng, và cứ thế làm "quài", thì người coi có tức không?
Người viết nếu phải coi một trận bóng đá như vậy, có lẽ phải chửi...chửi thề mới đã, nhất là đối với cái anh chàng thích khoe khoang kỷ thuật cá nhân, không có tinh thần đồng đội, phí phạm công sức và nhiệt tình của đồng đội. Và, nếu phải trả tiền để đi coi một trận bóng đá như vậy thì có phải phí tiền, và tức quá...chửi không? Tất nhiên người viết không có kỷ thuật đi bóng cá nhân bằng cái ông cầu thủ đó, nhưng có lẽ chửi thì...cứ chửi, âu đó cũng là một hình thức "khen ngợi", ý nói "tui là fan bóng đá" đây, mê bóng đá, và rất thích coi các ông đá banh.
Cũng vậy, đối với người viết có lẽ hôm nay là 30 phút cuối của hiệp hai, giữa hai đội bóng của Đảng Lao Động Úc. Một do cựu thủ tướng Kevin Rudd làm đội trưởng, và đội kia do đương kim thủ tướng bà Julia Gillard làm thủ quân, nên người viết "hét hò" cho dzui.
Thực ra mà nói, coi trận này không thích lắm, vì kết quả dường như đã được quyết định, người xem đã biết trước đội nào thắng, và vấn đề là thua có "thê thảm" hay không? Người viết nghĩ có lẽ sẽ rất thê thảm vì một cách lô-gic là không ai nhảy xuống một chiếc xuồng đang chìm cả.
Ngày xưa, Việt Nam mình có Lê Lai cứu chúa (Lê Lợi). Lê Lai giả làm Lê Lợi dụ cho quân Minh bắt, khi nghĩa quân Lam Sơn bị vây. Giả như Lê Lai biết chắc chắn là mình sẽ không cứu được Lê Lợi thì có lẽ Lê Lai sẽ không làm, và có lẽ Lê Lợi cũng sẽ không đồng ý cho Lê Lai "giúp" mình, vì đó là "đi chết" chứ có giải quyết được gì đâu. Vậy mà, ở đây nước Úc này, hôm qua lại có một ông "Lê Lai" chấp nhận đi chết để.... thật tình người viết không hiểu để làm cái gì? Đó là ông: Anthony Albanese, người tuyên bố rằng ông biết ông Rudd sẽ thua trong cuộc bỏ phiếu dành quyền lãnh đạo vào hôm thứ Hai (27/2), nhưng ông vẫn từ chức, (khóc, khóc thật nha!) (lại khóc) và đứng sang hàng của ông Rudd. Theo ông thì ông Rudd đã bị đẩy khỏi chiếc ghế Thủ Tướng vào tháng 6/2010 một cách bất công, và lý tưởng của ông (Albanese) là sự công bằng từ lúc ông bước vào đảng Lao Động, vì vậy nên ông phải... đứng sang hàng của ông Rudd.
Khi bạn thấy bất công, bạn phải vì kẻ bị hại mà thuyết phục kẻ lạm quyền, ngăn cản họ, thậm chí "đánh lại" họ để bảo vệ cho kẻ bị hại chứ; có bao giờ bạn lẳng lặng chạy ra đứng sau kẻ bị hại để bị đánh tiếp không. Người viết thật không hiểu cái logic, cái lý lẽ trong việc bảo vệ công bằng của ông "chính trị gia" dân biểu liên bang Albanese, và cũng không thể hiểu được tại sao ông lại...khóc.
Ngày hôm qua, thì ông Rudd, cùng đi với phu nhân Theresa trên con đường phố chính của thành phố Brisbane (tiểu bang Queensland) để bắt tay, chụp hình, và nói chuyện với đám đông dân chúng. Rất nhiều người muốn được chụp hình chung với ông, nhưng vì đông quá, nên có "cô" (Ms) chỉ chụp được khuôn mặt mình và cái lưng của ông, và cô ấy rất vui. Ông Rudd thì quả thực chỉ có một câu, hay một "chiêu": không để tôi lãnh đạo Lao Động thì (17 tháng nữa) Lao Động sẽ thua ông Abbott cho mà coi, mà thua không phải một hay hai nhiệm kỳ mà một thế hệ (generation) như năm 1975 và năm 1996. Cái chiêu này, bản thân nó đã phản logic rồi: Ai sợ thua? dân ("dân ngu k..đen") hả? lấy cái gì mà thua (làm như Abbott là Stalin không bằng!!!). Không! dân không sợ thua, và dân không bao giờ thua, chế độ dân chủ Úc không thua, ông phải hiểu điều đó chứ! Vậy, ai sợ thua, tức là mấy ông dân biểu đảng Lao Động, có nghĩa là ông "mượn" dân để dọa mấy ông dân biểu!!!
Xưa nay có ai đi "tát nước để lái tàu" đâu. Mà trong hai ngày, dân làm sao dọa được mấy ông dân biểu, và mấy ông đó thì còn tới 17 tháng nữa để "dỗ" dân, và dân thì ông nên nhớ rằng rất dễ quên, và rất bạc, "bạc như dân" không biết ông biết câu này hay không. Cho nên cái chiêu "tát nước để lái tàu", hay "thổi lá để bẻ cành" là không thể được, là phản khoa học. Ông không biết hay ông đang tuyệt vọng, giống như một võ sĩ biết mình thua nên hai tay "đánh loạn cào cào" ra trước trúng đâu thì trúng, nếu mặc may, giống như mua số Tatlotto, trúng là làm giàu luôn. Ông muốn đánh Tatlotto thì tùy, nhưng hô hào toàn dân xuống đường đánh Tatllotto theo ông thì quả thực là một điều không tưởng.
Ông nói rằng ông mới là một lãnh dạo anh minh, tài cán và có viễn kiến, quả thực ông đang chứng minh một điều ngược lại. Ngược lại với anh minh là "quáng gà", ngược lại với tài cán là... (tôi không biết!), ngược lại với "viễn kiến" là thích thú với những cái "vỗ tay" trước mắt mà không theo đuổi đến cùng để đạt được những mục tiêu lâu dài. Ông thật không phải là con người của chính trị. Ông không thích hợp với chính trị. Ông nhận xét về việc làm của ông Albanese là "trên chính trị" ("above politic"). Về việc này người viết đồng ý với ông, một nửa, vì: trái đất tròn, nên việc "trên" hay "dưới" nhiều khi tùy lúc và tùy nơi nữa, nhưng đồng ý với ông ở chỗ: nó không ở trong chính trị, hay nói cách khác nó phi chính trị. Ông và ông Albanese không phải đang làm chính trị (Về chuyện này ông Abbott "đía" "độc", khi thì nói Đảng Lao Động đang "ăn thịt lẫn nhau" ("cannabilising itself"), khi thì nói các ông bà làm gì giống như "diễn xiếc" ("circus") vậy!).
Và trước thái độ đó của ông Albanese, thì bà Gillard làm sao? Bà nói : Mặc dù không tôi đồng ý với ông Albanese, nhưng tôn trọng ý kiến của ông ta, và không chấp nhận sự từ chức của ông ta, và "I can't imagine the government that I lead does not have Mr. Albanese beside me" (Tôi không thể tưởng tượng được là một chính phủ do tôi lãnh đạo lại không có ông Albanese bên cạnh). Có nghĩa là sao: Ông thì nói: Anh thiệt là quá tốt, biết tôi chết mà dám chết theo tôi, thiệt là can đảm. Còn bà Gillard thì: Không sao đâu, ông cứ tự nhiên, làm theo ý của ông, nhưng tôi với ông là bạn, tôi sẽ bên cạnh và bảo vệ cho ông. Với ông (Rudd): ông biết chết, nhưng vui vì có người chết theo ông. Với bà (Gillard): người ta chọn con đường chết, nhưng bà vẫn chừa đường sống cho họ. Ông nói đi: họ các đồng viện của ông và bà, dân biểu liên bang của Đảng Lao Động, sẽ chọn ông hay chọn bà Gillard.
Tôi không biết sau này bà Gillard có trừng phạt ông Albanese không? Có lẽ không; nhưng tôi giả sử là có đi, thì hiện tại trong lúc này đây "chiêu thức" bà đưa ra vẫn cứ trên ông quá xa, ông Rudd ạ. Nó có cái Nhân (không "giết"), cái Nghĩa (đồng viện/ chung Nội Các), cái Lễ (Albanese là đảng viên thâm niên của Lao Động, Gillard: "He (Albanese) is great Labor person" ), cái Trí (lúc này là lúc cần người, không phải hăm dọa và "giết" người), và (đang chờ) cái Tín, trong đó. Năm 2007, bà (Gillard) dường như chỉ là cái bóng của ông (Rudd), bà lu mờ trước ông, nhưng cái bóng đó càng ngày càng lớn, và ông thì không chịu lớn, vì vậy dường như bây giờ, ông trở thành bé nhỏ trước người khổng lồ Gil-la-rd.
Ông không chuẩn bị kỷ, không có "quân", vẫn đánh, và "hy sinh" quân của mình luôn. Báo chí Úc dạo này hay dùng từ này để nói về ông "rock-star" Rudd, "Rudvenger" (mượn chữ "revenge" nghĩa là trả thù), nhưng đọc lên nghe cứ như tiêu đề quảng cáo của các phim Hollywood vậy. Có lẽ ông đã hiểu được ngầm ý của họ là, ông không còn là một "chính trị gia" dưới con mắt của họ nữa, mà là một "star" của thế giới giải trí (World of Entertainment). Bà Julia Gillar cũng đã nhắc ông từ ngày đầu cuộc chơi (hôm thứ Sáu) rằng đây không phải là chương trình tivi Big Brother. Giá trị của một chương trình giải trí (loại rẻ tiền) luôn luôn ở chỗ có nhiều người "vỗ tay", một chính trị gia lỗi lạc theo đuổi lý tưởng của mình không nhất thiết phải căn cứ theo tiếng vỗ tay nhiều hay ít. Ông giỏi tiếng Mandarin (tiếng Bắc Kinh/Quan Thoại) mà, ông chắc đọc nhiều về lịch sử Trung Quốc, đó là kho tàng; kinh nghiệm vô cùng quý báu của tất cả các chính trị gia ở mọi thời.
Mỉa mai hay bực bội ông, người viết cũng chẳng được gì; cũng không ai trả lương cho; nhưng cũng như người bình thường đi coi đá banh, hứng chí muốn tường thuật một trận bóng đá hi hữu trên chính trường Úc, cho bè bạn năm châu, nhất là các bạn bè ở Việt Nam, vì lý do nào đó, các trận "bóng đá" trên chính trường, thường cứ "kéo màn đóng cửa", tự "đá" với nhau, không cho công chúng xem gì hết!
Người viết, vì ngày mai (thứ Hai, 27/2) sau 10 giờ sáng, trận "bóng đá" Rudd-Gillard sẽ chính thức kết thúc nên hơi tiếc (nhưng có lẽ không tiếc bằng ông Rudd, vì ông sẽ tiếc ghê lắm, rằng giá mà ông có nhiều thời gian hơn, giá mà ông chọn thời điểm khác để mở trận....) nên viết thêm rằng: ông sẽ thấy ngôi sao chính trị Gillard sáng rực trong lịch sử Úc, có khi còn hơn cả Margaret Thatcher của Anh Quốc, trong những ngày sắp tới. Sau khi đã giải quyết xong cái bung xung Rudd rồi, ông Tony Abbott mặc dù dù nổi tiếng những cú đánh "lòn" tào lao có thể phải bị đo ván với bà chứ không phải chơi. Như đã nói ở trên, hiện nay bà chưa có đối thủ, và quả thật các ông Rudd cũng như Abbott không phải là đối thủ của bà.
Thôi, lại không biết nói sao nữa với Ông nữa, tôi chúc ông vui. Tui phải đi "đá" "trận banh" của tui nữa, chưa chắc đã kém phần khó khăn hơn trận của ông, hihi...
Thứ Hai, 27/2/2012
Ms. Julia Gillar |
Nếu ông giữ đúng lời hứa như vậy thì tới năm 2013, ông sẽ đi đâu và làm gì? Nếu bà Gillard thắng cử, ông lại tiếp tục ngồi hàng ghế sau để...gật. Nếu bà Gillard thất cử, ông sẽ dọn sang hàng ghế đối lập, hàng sau, để...la hùa. Đó không phải là một cuộc tự sát chính trị sao?
Kính chào ông cựu Thủ Tướng, cựu Tổng Trưởng Ngoại Giao, Kevin Rudd.
nguyên đại
nguyenbadai@gmail.com
8.00 pm
27 February 2012