SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
7/12/1997
Thưa quý thính giả
Các bạn học sinh, sinh viên thân mến
Nhiều người Việt Nam đi tỵ nạn đã nghe qua những lời ca:
Ai trở về xứ Việt, nhắn giùm ta người ấy ở trong tù, nghe đâu đây vang giọng hờn rên xiết, dài lắm không đằng đẳng mấy mùa thu...
Đó là một trong những ca khúc nổi tiếng của Phan Văn Hưng và Nam Dao (PVH-ND) xuất hiện từ những năm đầu thập niên 80. Cũng không ít người đã viết về anh chị, chẳng hạn chị Đỗ Quyên:
Có thể nói Phan Văn Hưng và Nam Dao là cặp bài trùng trong nền âm nhạc sáng tác Việt Nam hiện đại. Phan Văn Hưng làm chồng và viết nhạc. Nam Dao làm vợ và viết lời, sự cộng tác chặt chẻ trải dài gần 100 ca khúc suốt 20 năm trời.
Và chị Quyên trong lời tựa cho đĩa nhạc Có phải em chờ mùa xuân đã kết luận:
Trong nhạc của PVH-ND có một sự hiền dịu, nhẹ nhàng trong sáng từ tốn làm sao!...Nhạc PVH-ND mang nhiều suy tư, u uẩn nhưng vẫn trong sáng và đầy tình người. Nghe nhạc PVH-ND cần nghe như đọc sách, để ý từng chữ, lắng nghe từng lời để khám phá thông điệp gói ghém bên trong...Và nếu phải gán cho Hưng một nhãn hiệu thì tôi sẽ gọi Hưng là người nhạc sĩ Nhân Bản hay người nhạc sĩ của Tình Người.
Các bạn thân mến,
Tôi nghĩ những nhận xét trên là khá chính xác về tác phẩm và con người của PVH-ND. Trong bài này, tôi chỉ mong chia sẻ cùng quý thính giả và các bạn một vài suy nghĩ, cảm nghĩ của một sinh viên sau khi nghe anh chị PVH-ND nói chuyện và trình bày một số ca khúc của họ trong đêm sinh hoạt giới trẻ 29/11/1997 cuối tuần qua.
Nhà văn Phan Nhật Nam kể lại rằng, trong một cuộc phỏng vấn với một cán bộ cộng sản, người này hỏi ông sẽ làm gì khi ra nước ngoài. Nhà văn đáp, tôi sẽ viết về nỗi khổ đau. Tôi nghĩ có một điểm chung giữa những nghệ sĩ như Phan Nhật Nam, PVH-ND, Nguyễn Chí Thiện cũng như một số nhà văn, nhà thơ tiêu biểu khác. Họ đều viết về nỗi khổ đau của dân Việt. Bỡi họ đã trải qua những kinh nghiệm đau thương đó, hay cảm nhận sâu sâu sắc những bất hạnh của những người thân, những đồng bào của họ. Nhạc PVH-ND vì vậy đã đem khán thính giả trở về với những kinh nghiệm đau thương mà họ đã trải qua, do vậy nó làm xúc động lòng người, động đến những tầng sâu của lương tri với những lời lẽ, và nốt nhạc dung dị, nhưng được viết với tấm lòng trân trọng và yêu thương.
Bên kia bờ đại dương, không phải chỉ những khách sạn tân kỳ mới xây cất, trong một sự đổi mới nửa vời rừng rú. Ở đó còn những nghịch cảnh, và bài hát Hai Mươi Năm đã nói về những thực tại xúc động ấy:
Hai mươi năm, nhiều kẻ gian trong làng xóm. Người hiền khô mang gông cùm. Kẻ mộng du lên bạo chúa. Người ngồi khóc trong sân chùa...Hai mươi năm, một thằng bé đứng trần truồng nhìn người qua buôn và bán, kẻ gian ác đi nghênh ngang...Người cụt chân trên hè phố, kẻ quyền uy trong căn nhà, người tù tội trước quan tòa chỉ gục đầu giấc mơ xa...
Đó có phải là quá khứ không? Không! Bỡi lửa dậy Thái Bình là một bằng chứng, bỡi gông cùm mà giáo sư Đoàn Viết Hoạt đang gánh chịu là một điển hình, bỡi những đàn áp tôn giáo mà gần đây nhà cầm quyền cộng sản đã làm là những dấu tích không thể chối cải, bỡi những tắc trách của những người có trách nhiệm trong chính quyền cộng sản đã làm trầm trọng thêm những thảm kịch thương tâm cho hàng ngàn gia đình khốn khó, nạn nhân trong cơn bão Linda vừa qua.
PVH-ND vẫn còn giữ được nhiệt tình của những năm tháng sinh viên để hát. Các bạn trẻ có thể tự hào là trong hàng ngũ của các bạn đã có những con người, những tấm gương sáng như Trần Văn Bá, PVH-ND.
Người còn yêu hay còn nhớ, phải vượt qua những bến bờ, phải tìm sâu trong hồn nước những thôi thúc đang mong chờ! Người còn tha thiết núi sông, thì sẽ thấy cơn mưa nguồn
Đâu là bến bờ phải vượt qua? Cơn mưa nguồn chừng nào trở lại trên quê hương máu đổ tủi buồn của chúng ta? Con đường dấu quê hương có phải tít tắp mù xa không? Bến bờ ấy, cơn mưa ấy, con đường ấy ở trong tim chúng ta. Những trái tim đập rộn ràng biết xót thương. Những tấm lòng giàu lòng trắc ẩn đối với những người bất hạnh. Người lặn lội vẫn đi tìm, sẽ thấy đường dấu quê hương!
Nhạc PVH-ND mặc dù rưng rưng nỗi khổ đau khi viết về cái chết của Thằng Bé Tát Dầu trước họng súng AK, về sự ra đi như một thiên thần của bé Thảo trong sự thiếu thốn bất hạnh trong Bài Ca Cho Bé Thảo. PVH-ND nói về những khổ nạn, phản đối cái ác, cái bất nhân, nhưng không kêu gọi bạo động.
Trong lời tựa của đĩa nhạc 20 năm có đoạn: Và khi đứng lên đòi hỏi thì qua những ca khúc của mình, PVH-ND chỉ đòi quyền được yêu thương. Chị Đỗ Quyên cũng có một đoạn rất hay khi bàn về đặc điểm này trong nhạc PVH-ND, chị viết:
Trời ơi, bài học Việt Nam, bài học của chúng ta hôm nay không phải là thắng một chủ nghĩa, thắng một bạo quyền chính trị. Xa hơn nữa, ta phải thắng chính ta: thắng những lực hận thù phân chia dân tộc, thắng sự ngu muội đen tối của chính chúng ta, không để cho chủ nghĩa ngôn từ bịt mắt, quỷ đưa lối ma dẫn đường khiến chúng ta nhân danh con người mà giết con người.
Tôi chú ý đến một trong những bà hát anh Hưng trình bày đêm ấy, đó là bài Em Bé Sáu Tuổi mà anh đã phổ thơ của Hoàng Cầm, nhà thơ của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, kể chuyện về một chị cán bộ cộng sản khi nghe tiếng khóc của một em bé sáu tuổi, con của một gia đình được quy cho là thuộc giai cấp địa chủ mà chị có nhiệm vụ hướng dẫn đấu tố. Tiếng khóc của em bé vô tội đã đem chị về cái quá khứ côi cút bất hạnh của chị. Chị đã cho em bé ăn cơm, nhưng rồi nghĩ tới lập trường giai cấp, cái mà chị đã được Đảng dạy. Chị bỗng lùi lại, cố tìm dấu vết thù địch, nhưng không, chị chỉ thấy ở đó một cuộc đời bất hạnh như chị ngày xưa, chỉ thấy ở đó có một đứa bé thơ vô tội...
Tôi nghĩ những người như chị chính là những người cần được kêu gọi để trở về nẻo chính, và biết mình đã bị lừa lọc để chiến đấu, để hy sinh xương máu cho quyền lợi của một số quan chức tư bản đỏ. Để biết mình là một tín đồ cuồng tín của chủ nghĩa cộng sản mà thiên đường chỉ có trong hứa hẹn, quá khứ là chiến tranh, là huynh đệ tương tàn, và hiện tại chỉ có bất công, và khốn khổ. Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự đã đứng trong hàng ngũ của những người như chị năm xưa. Họ đã thức tỉnh, và khi họ thức tỉnh, họ lập tức bị Đảng cộng sản tấn công. Đón nhận Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, chúng ta gởi đi một thông điệp quan trọng rằng tất cả những ai còn chút tình người đều đứng về phía chúng ta. Hàng ngũ chúng ta rồi sẽ trùng trùng điệp điệp vì đó là hàng ngũ của những con người.
Những người như chị phải đi đòi ở Đảng cái quyền được yêu thương, quyền được sống như một con người, có trái tim còn biết rung động trước những nỗi đau khổ của đồng loại, được bày tỏ tình yêu, tình người mà không sợ bị Đảng trừng trị vì mất lập trường giai cấp. Tôi nghĩ PVH đã viết những thông điệp đó gởi đến những người như chị trong bài Đòi Quyền Yêu Thương, bỡi trong số đó có những người là bạn bè của của anh, tất cả đều là nhân chứng cho một giai đoạn tối tăm của dân tộc, đã đưa đến kết cục :Thằng ngụy gần điên nằm tù mục xương, còn thằng đảng viên sống trong ân hận.
Chúng ta phải nhận diện đâu là những kẻ bất nhân, đâu là những nạn nhân, anh em bạn bè của chúng ta. Tình yêu của chúng ta đối với những người anh em sẽ làm chúng ta tăng thêm sức mạnh, và cầu mong nó sẽ làm cho những kẻ bất nhân dừng tay, quay đầu. Nhận diện bạn bè, biết tha thứ cho những người đã bị thứ chủ nghĩa phi nhân mê hoặc, lợi dụng, biết cho quên cũng là một hình thức nêu cao chính nghĩa của chúng ta, điều đó chứng minh cho lý tưởng nhân bản mà chúng ta theo đuổi.
Tôi thật sự mong nhiều bạn bè của tôi được nghe hiểu về PVH-ND cũng như những điều mà anh chị viết về quê hương của chúng ta. Tôi tin rằng dẫu thế nào đi nữa thì cái vô lý, cái bất nhân, cái ác sẽ không thể tồn tại lâu dài được. Đảng cộng sản Việt Nam đang đi ngược lại quyền lợi của đại đa số người dân Việt. Những ngọn lửa như Thái Bình sẽ nổi lên, nhiều hơn, mạnh hơn nữa ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam , đó là điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Kính chào quý thính giả
Thân ái chào các bạn
Nguyên Đại
Melbourne,
Tháng 12, 1997
No comments:
Post a Comment