25 March 2008

Chi Ma Wan

                               
Em…đã hai mươi năm, kể từ ngày chúng ta gặp nhau qua tiếng gọi vọng từ phía đồi, trên vùng đảo hoang, nơi một trại tù bản xứ được biến thành trại giam cho những người Việt Nam vượt biển. Nơi ta bắt đầu cuộc đời tự do với những bữa cơm trong cái “bát đỏ, ca vàng”…

Em…những cậu bé ngày xưa nô đùa vô tư trên con đường đất đỏ làng quê Trung Việt đã trở thành người nắm giữ những nhiệm vụ quan trọng trong những công ty lớn, văn phòng chính phủ ở châu Mỹ, châu Úc, châu Âu…

Anh…những cuộc đời rách bươm sau cuộc chiến “lạnh” của thế kỷ trước, gió nắng binh lửa, nhìn lại tháng năm qua, đã từng muộn màng gặp nhau phía bên trong hàng rào gai nhọn nhìn thời gian lất phất mưa bay dưới ánh đèn vàng sân trại…

Chị…mây bay về núi, dừng lại vĩnh viễn bên bờ đảo hoang, ánh đèn chấp chới khơi xa, giấc mộng trùng dương đêm đêm vỗ về tiếng sóng…

Mẹ… vàng võ lo âu, chờ tin con về từ bên kia bờ biển, niềm vui nghe tin con đến bến bình yên chưa trọn vẹn, chợt tắt ngún, khi biết con mình bị nhốt giam và có thể bị đưa trở lại vùng đất mà nó đã trả bằng sinh mạng để ra đi…

CHI MA WAN… Hai Mươi Năm nhìn lại…

Ngày 16 Tháng Sáu, 1988
Việt Nam, tiền đồn đẫm máu nhất trong cuộc chiến tranh lạnh (the Cold War) giữa hai khối quốc gia Cộng Sản và Tự Do, nơi cuộc chiến kéo dài hơn hai mươi năm đã nuốt chửng sinh mạng của gần nửa triệu người, bao gồm quân lính của cả hai phía, nhưng phần lớn trong số đó là người Việt của cả hai miền Nam Bắc. Cuộc chiến tưởng đã chấm dứt vào tháng Tư, 1975; nhưng đó chỉ là ngày mở đầu cho một giai đoạn hậu chiến tàn khốc. Nhiều “trại cải tạo” đã được dựng lên từ Bắc chí Nam cùng với các khu vực “kinh tế mới”, và các “trận” “đánh tư sản” liên tiếp, đã đẩy đời sống của hầu hết những gia đình người Việt vào cảnh khốn cùng. Đó là lý do của những làn sóng người Việt liều chết bỏ nước ra đi.

Những người vượt biển trong những năm đầu tiên sau 1975 được các quốc gia Tây Phương đón tiếp như những anh hùng. Nhưng, làn sóng người tỵ nạn dâng cao sau đó theo với chế độ cai trị khắc nghiệt của chính phủ cộng sản Việt Nam đã làm cho chính sách đón tiếp của các quốc gia vùng Đông Nam Á, trong đó có Hong Kong, chuyển từ chế độ “trại tự do” sang “trại cấm” vào khoảng năm 1982.

Chính sách “trại cấm” kết thúc vào ngày 16/6/1988; và các trại giam “detention centre” đã được lập ra để giam giữ người Việt Nam tỵ nạn, bị coi như những người nhập cảnh phi pháp. Hong Kong là nơi đầu tiên áp dụng chính sách này. Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan chỉ áp dụng chính sách tương tự một năm sau đó, 1989. “Chi Ma Wan detention centre” với trại trên (upper camp) và trại dưới (lower camp) là hai trại giam nhốt những người Việt Nam đầu tiên đến Hong Kong sau ngày 16/6/1988.

Đó là lịch sử của chúng ta, những chứng nhân đầu tiên sau 16/6/1988, kẹt giữa hai chính sách khắc nghiệt, cả “trong nước” và “ngoài nước”. Nhìn lại để thấy chúng ta đã đứng dậy như thế nào từ những thương đau. Nhìn lại để nói với thế hệ sau của chúng mình rằng “ngày đó…” chúng ta đã ra đi lênh đênh sợ hãi, đói khát, khổ đau như thế nào, và đã đến bến bờ “tự do trong trại giam” như thế nào, đã sống cuộc đời ở đó, đã chia sẻ những niềm vui, cay đắng, khổ đau với bạn bè ra sao…

Ngày 12 tháng Một, 1989
Buổi sáng thức dậy, như thường lệ, khởi đầu một ngày trong trại giam, mọi người trong trại Chi Ma Wan trên (upper camp), sau tiếng loa phóng thanh đi “lấy cơm”, đem một cái “bát đỏ” sắp hàng nhận thức ăn sáng, một cái “ca vàng” in hai chữ HK để lấy đồ uống. Chợt, có tiếng bước chân chạy về phòng ở cùng với tiếng la hoảng: có người bị vây đánh ở nhà ăn. Những bước chân chạy đến và đi: có người bị kẻ khác dùng dùi sắc đâm vào lưng gục xuống trước sân trại, một người nữa khập khiểng đi với chiếc áo loang lỗ vết máu về phía văn phòng trại.

Những chiếc dùi nhọn được rút ra từ những chiếc áo “phao”, người cầm dùi rượt người tay không chạy bán mạng lòng vòng trong sân trại với hàng rào mắt cáo, và thép gai bùng nhùng phía trên đầu… Mấy em nhỏ khiêng một người nữa nằm như chết đi về phía văn phòng; tiếng la, tiếng khóc kinh hoàng…

Ông Giám Đốc trại ra lệnh lạnh lùng trên loa phóng thanh đóng cửa tất cả các phòng, tất cả những người khác bị lùa vào nhà ăn… Trực thăng, một chiếc, một chiếc…rồi một chiếc nữa ồn ào đáp xuống sân trại, đưa những người bị thương ra bệnh viện trong thành phố Hong Kong để cấp cứu. Trại đóng cửa, thật sự đóng cửa các phòng, sau đó cảnh sát với trang bị chống bạo động tiến vào trại đưa những tên côn đồ bị nhận diện đi. Nhật ký một người viết xuống : “Một ngày đổ máu và khủng khiếp mở đầu cho những hận thù, dòng máu đổ chảy triền miên loang vết thê thảm trên thân thể của những người dân tỵ nạn chúng tôi:12/1/1989…”.

Băng đảng được chính trị hoá đã mở đầu cuộc xung đột đẫm máu giữa những người ra đi từ miền Nam và những người khác từ miền Bắc Việt Nam, kéo theo những ngày tháng vốn đã cực nhọc kham khổ càng trở nên khó khăn hơn, khi những quan điểm chính trị được địa phương hoá (hay đã băng đảng hoá) bắt đầu chi phối sinh hoạt của mọi người trong trại. Các cuộc đánh nhau sau đó giữa các băng đảng địa phương cứ xảy ra trong các trại giam giữa miền Bắc và miền Nam, giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, giữa Huế và Đà Nẵng, giữa người Việt và người Việt-gốc-Hoa, thậm chí giữa hai thôn trong cùng một quận huyện…

Kìa, một em nhỏ ngày đó mài “dùi” cho mình với những giọt nước mắt. Để làm gì? Em dám dùng nó không? Em không biết! chỉ biết là con trai (là thanh niên? em chưa đủ tuổi) phải có “cái gì” cầm tay trong những ngày tháng đó…Bàn tay em bay gõ trên phím máy điện toán bây giờ, bàn tay em lả lướt trên những nhạc cụ du dương ngày nay, hai mươi năm trước đã từng mài “dùi cui”, “lập là” để…được “bình yên”, để khóc và… để sợ.

Đó là lịch sử của chúng ta, đó là một phần đời sống không thể nào quên của chúng ta ở trong trại giam.

“Cánh Gà”
Những người đến trại HK sau 16/6/88 bị coi như những di dân bất hợp pháp “illegal migrant”, họ phải trải qua những cuộc phỏng vấn “thanh lọc” (screening interviews) để xem họ có phải là người tỵ nạn theo “công ước quốc tế” hay không? (Nghe có vẻ hợp pháp, phải không?).

Thực tế như sau: vì là những người đầu tiên đối diện với chính sách 16/6, những người Việt ở trại Chi Ma Wan đã không có được sự hiểu biết rõ ràng về tiêu chuẩn lựa chọn này. Không có ai nói cho họ biết, không có sách báo giấy tờ nào nói về điều này, để họ có thể hiểu được chuyện gì sẽ xảy ra.

Theo tin đồn, những lời truyền miệng trong trại, họ hiểu một cách lơ mơ rằng người “tỵ nạn chính trị” sẽ được đi định cư, còn các “di dân kinh tế” sẽ bị giam chờ ngày trả về Việt Nam. Vì vậy, những gì liên quan đến “kinh tế”, đến nhu cầu cơ bản của đời sống như: ăn, ở, đi lại… phải gác lại, vì lẽ nó có vẻ “kinh tế” quá. Phải khai là “không phải vậy”, rằng “tôi không phải vì miếng cơm manh áo” mà ra đi, phải nói rằng vì “tư tưởng” “quan điểm” chính trị “không cộng sản” nên phải rời khỏi quê hương.

Thế là: theo các nhà làm chính sách di trú của Hong Kong, những người này “không bị ngược đãi”, chính sách “đóng cửa” của họ đã có nhiều “chứng nhân”, quá nhiều chứng nhân!!!

“Pháp luật” cộng sản với hệ thống trại “cải tạo”, “kinh tế mới, “đánh tư bản”, với “xếp hạng lý lịch gia đình” đã xoá đi tất cả những cơ hội của những người trẻ, nhất là con em của những gia đình có tham gia trong guồng máy quân sự và công quyền của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà trước năm 1975. Họ chỉ có con đường tìm về biển khơi, để được làm người tự do hay là chết. Luật pháp Hong Kong với “tỵ nạn chính trị” hay “di dân kinh tế” mờ mờ ảo ảo như những nhát dao cứa thêm vào những vết thương còn đang rỉ máu của họ, khi họ vừa thoát khỏi những đói khát trên biển khơi.

Không giống như ở Phi Luật Tân (Philippines), ở đó người Việt tỵ nạn được phát thực phẩm tươi sống để họ có thể tự nấu nướng, chế biến theo khẩu vị của họ. Thực phẩm phân phát cho người bị giam trong các trại Chi Ma Wan, hay các trại giam khác ở Hong Kong, là thực phẩm đã được nấu sẳn. Mỗi ngày nhất định trong tuần, thức ăn được phát là giống nhau, ví dụ vào thứ Hai nhất định là cá hộp, thứ Ba là thịt mỡ v.v…. Hai hay ba tuần một lần, vào một ngày nhất định, loa phóng thanh gọi một số người lên văn phòng nhận giấy báo từ chối tư cách tỵ nạn, thì liền sau đó, người ở trại Chi Ma Wan nhận thức ăn chiều với món cơm và cánh gà chiên. Giấy báo từ chối đến với họ cùng ngày họ được phát cánh gà cho bữa cơm chiều.

Trong ánh nắng sắp tắt của một ngày trên đảo, với hàng rào mắt cáo từng ô, từng ô vuông vức chung quanh và các cuộn kẻm gai nhọn hoắc tua tủa trên đầu, giấy báo từ chối “cùng một màu” thất vọng với một chiếc cánh gà nằm vắt vẻo chơ vơ trong cái bát đỏ đựng cơm chiều: đó là ngày tháng của chúng ta, gần hai mươi năm về trước.

Một cánh, hai cánh từ Cục Di Trú Hong Kong, rồi “cánh thứ ba” từ Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR). Một năm, hai năm, ba năm, rồi bốn năm… ta bạc đầu thương nhớ quê nhà, ta mỏi mòn tồn tại…ngóng trông một ơn huệ, một “phép lạ” để làm người…Đó là lịch sử của chúng ta, của những người dừng chân ở Chi Ma Wan, những người Việt đầu tiên đối diện với chính sách 16/6.

Ngày 25 Tháng Mười Hai, 1989
Sáu giờ sáng, trại Chi Ma Wan trên (upper camp) hôm đó, sao cửa phòng mở muộn thế! Sao không nghe tiếng gót giày của “Xến-xáng”,“Cố-nường”? Qua khe cửa của phòng giam, có sự im lặng bất thường, chuyện gì xảy ra?.... Có tiếng trực thăng đáp trên sân trại…

Tiếng kêu cứu từ các phòng giam, cảnh sát chống bạo động, trang bị hoàn chỉnh với dùi cui, khiên đỡ, mũ sắt, hùng hổ tiến vào trại. Năm mươi mốt (51) người, có người già, em bé. Cứ hai người lính cao lớn “dìu” hay “khiêng” một người Việt bé nhỏ đang gào khóc đem về phía cổng trại: Cưỡng Bức Hồi Hương!

Hai giờ sau, cửa phòng được mở, mọi người chạy ra sân, bàng hoàng….Cơn ác mộng là có thực. Nỗi đau khổ nỗ bùng…Những ngày sau đó, toàn trại “vũ khí”, tất cả những gì có thể được, các thanh sắt được tháo xuống từ các giường tầng, các ống nước tháo ra mài nhọn để làm “vũ khí”. Các cuộc biểu tình trong trại nỗ ra. Trại trên, rồi trại dưới tiếp sức với trại trên, chúng ta đồng lòng: chống cưỡng bức hồi hương.

Hơn tuần sau, cảnh sát dã chiến lại được điều động vào trại. Kế hoạch tấn công được tính toán kỹ lưỡng, hơn một trăm mấy chục quả lựu đạn cay được bắn vào trại, cảnh sát chiếm các trần nhà giam để có thể quan sát được tình hình, hàng rào trại được cắt ra, điện cúp. Cảnh sát tiến vào trại… trong nước mắt giàn giụa của những thuyền nhân, vì khói lựu đạn cay, vì đạn cao su, vì…thất vọng, “bại trận”. “Thiên đường” tự do đầu tiên …và nước mắt tuôn rơi ướt đẫm áo tù… Đó là lịch sử của chúng ta, lịch sử của những người dừng lại ở một đảo xa có tên gọi “Chi Ma Wan”….

Sau đó…còn nữa, còn những ngày “chân ướt, chân ráo” đến bến bờ, với những người may mắn, và những chật vật bon chen của đời sống, với những ngày làm việc đầu tiên nắng gió ở nông trại, với những đêm “đào măng”, “đào trùn”…, tiền lương ngày đầu làm việc, bài học đầu tiên: “this is a book”: cuốn sách bạn đã viết bằng bao nhiêu kỷ niệm: tiếng sóng lao xao nơi quê nhà ngày vượt biển, đêm tối đen rùng rợn trùng dương, cơn đói khát thét gào cùng tiếng sóng…và một chiều mưa quỳ dưới sàn bê tông, hai tay giơ lên trên đầu…Còn nữa… cho những bạn bè về lại Việt Nam, với kỷ niệm nặng trĩu…một đời cưu mang.

Hai mươi năm…
Vâng, chào em…thưa anh, thưa chị…đã hai mươi năm qua, bằng chiều dài của cuộc chiến tranh Nam-Bắc Việt Nam. Nếu muốn nhớ, bạn sẽ thấy như mới đây… như giấc mộng buồn đêm qua, bạn sẽ thấy không hiểu vì sao, mình thức dậy nơi này, trong căn phòng bình an ở đây. Phép lạ, một nhiệm mầu của Thượng Đế. Im lặng… suy tư, hay đọc bài kinh buổi sáng: cảm ơn Đời, xin cảm ơn Người, cảm ơn bạn bè đã cùng ta chia sẻ những năm tháng không thể nào quên.

Vâng, chào em…, thưa cô, thưa chú… đã hai mươi năm qua, ta đã bao lần vấp ngã, lãng quên…nhưng mỗi lần ngã xuống, chợt nhìn mình còn lại…sống sót trong gương, đằng sau là quá khứ, là kỷ niệm…níu bàn tay của bạn bè, đứng dậy đi tiếp làm người.

Xin một lần nhìn lại cuộc đời…hai mươi năm đã trôi qua và … Chi Ma Wan.

Nguyễn Bá Đại
Melbourne, Australia
Chủ Nhật Phục Sinh (Easter Sunday)
23 Tháng Ba, 2008

No comments: