10 December 2007

Hạ Trắng

Broadcasted on
Radio 3CR, AM 855
Melbourne, Australia
Thứ hai, 10/12/2007

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=dnWkvhv1mS

hạ trắng

Từ nhiều năm, từ ngày chúng ta biết nghe nhạc tới bây giờ, có nhiều ca khúc hay lắm, bỡi vì nó nói lên tâm trạng của chúng ta. Khi nghe ca khúc đó, chúng ta gởi gắm tâm sự của mình theo những nốt nhạc, những âm thanh trôi nổi, bồng bềnh. Thời gian lướt trôi, những cảm xúc cũng lắng đọng, trầm tích. Có những ca khúc một thời yêu thích, bây giờ nghe lại, rung động có thể còn, nhưng không mãnh liệt dữ dội như trước. Có những ca khúc cứ lưu giữ mãi trong lòng những suy tư, miên man; khó hiểu, hoài như thế…lúc mới nghe và ngay cả sau này cũng vậy, mấy mươi năm sau. Hạ Trắng của Trịnh Công Sơn là một ca khúc như thế.

…………Nhạc Đệm: Hạ Trắng: Saxophone……..

Xin nói một chút về Trịnh Công Sơn. Không cần biết mình ở góc nào của quan điểm chính trị; chuyện đó khi khác hãy nói. Điều chúng ta có thể tin ngay là ai trong số chúng ta cũng yêu thích, không phải một ca khúc, mà là nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn. Khó có thể, trong một lúc, để có thể nói về người nhạc sĩ thiên tài này của chúng ta, cũng như nói về những ca khúc của ông. Thôi thì hãy dừng lại! ngắm một bông hoa thôi: hạ trắng.

Trong cuốn Trịnh Công Sơn 1939-2001- Cuộc Đời Âm Nhạc Thơ Hội Hoạ và Suy Tưởng
[1] Trịnh Công Sơn hồi ức về nhạc phẩm Hạ Trắng như sau:

“ Ở Huế mùa hạ, ve kêu râm ran trên những tàn cây như một dàn hợp xướng và nắng nóng oi bức như địa ngục. Thêm vào đó lại còn có gió Lào. Vừa tắm xong là người đã ướt đẫm mồ hôi. Bao nhiêu nhiên liệu tích lũy trong cơ thể đều tan ra thành nước. Những đồ vật và quần áo sờ vào đâu cũng có cảm giác như vừa rút trong lò lửa ra. Những mặt đường gần như bốc khói với nhiệt độ 42 độ, 43 độ.

Có một mùa hạ năm ấy, tôi bị một cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài bằng nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy có một hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Đến lúc tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cắm một bó hoa Dạ Lý Hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của Dạ Lý Hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong mùa hạ nóng bức. Trong vùng tôi ở quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng Dạ Lý Hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai.

Sau một tuần lễ tôi hết bịnh. Nghe tin bố một người bạn đang hấp hối, tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bịnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng, bà cụ thức dậy sớm và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo thường lệ bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩm liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bệnh. Vài ngày sau, vẫn chưa thấy bà về, ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chết rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới khóc oà lên. Từ đó ông nằm trên sập gụ một mình, cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo bà cụ luôn.

Câu chuyện này ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như “áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau” để viết nên bài “Hạ Trắng”.

………. Hạ Trắng: Lệ Thu hát…..

Tuyệt vời! Tôi hiểu một chút: Hạ Trắng bất hủ là phải, bỡi nó có đầy đủ yếu tố cho một tác phẩm bất hủ: Có mùa hạ, nắng cháy, bạc trắng của xứ Huế; có những cơn mê chập chờn sinh tử, có cánh tay của một người con gái nâng niu những cánh hoa trắng trinh khiết thôn dã trong giấc mơ. Một tình cảm nhẹ nhàng như một săn sóc tình người, dịu dàng như một để ý, một tình thương thuần khiết như giọt nước trong vắt còn đọng trên đoá hoa, một hé nụ của yêu đương, một âm giai nhẹ nhàng, dìu dặt, bảng lãng, lóng lánh, thoáng đến và chợt đi. Một mùi hương hoa thơm ngát đột ngột tràn ngập trong giấc mơ, cô đơn và êm đềm.

Và rồi khi tỉnh giấc mơ, trở về với đời sống bình thường ở chốn hạ thế, đó là một cuộc tình thực, thực như cuộc đời của hai người, bạc đầu thương nhớ để yêu nhau. Ông lão mất một người tình, một người bạn đời thì đúng hơn, nhưng ông cảm nhận sự thiếu thốn, sự quá cô đơn khi mất nhau. Ông lão thật hạnh phúc khi đã sống hết, yêu cùng, yêu tận trái tim ông, tình yêu ông dành cho bà cụ; khi tình yêu đó không còn hình hài để nương dựa, ông lão cũng chấp dứt sự nương dựa của đời mình. Ông lão đã ra đi, về thiên đàng. Ông mất trong khổ đau, và cũng trong hạnh phúc, của một đời người.

Vạt nắng của hạ trắng vút cao điểm nhẹ vào những cuộc tình trẻ trung, chợt đến chợt đi; những tà áo thấp thoáng “mờ xa nẻo mây” của một thời niên thiếu. Vạt nắng mùa hạ trắng đứng bóng giữa trưa soi sáng những cuộc tình trăm năm, những cuộc tình đời người, tưởng chừng như đã trở nên đơn điệu vì đau yếu; chợt bùng lên; và, khi sự mất mát ùa đến, ta chợt nhận ra rằng, khi ta cảm nhận sự thật của sự mất mát đó, ta cũng không còn cảm nhận sự tồn tại của mình có ý nghĩa gì nữa. Hối tiếc, hụt hẫng, như vạt nắng hoàng hôn bất chợt khuất bên kia núi đồi. Ta gọi tên em trong nắng chiều sắp tắt, ta bạc đầu gọi mãi tên em. Vạt nắng mùa hạ trắng đi suốt một đời người.

Xin gọi nắng để em về, gọi nắng về trên vai em, đem hương hoa thơm ngát vào trong giấc mơ của anh, đem nhân ái từ hoà vào đời anh, đem yêu đương làm dịu mát cuộc đời nắng gió của anh. Để anh còn thấy bóng em đổ dài trên đường cát trắng, áo em bay trong gió chiều rực rỡ.

Xin gọi nắng, gọi nắng về rọi trên đôi mắt long lanh buồn của em, nắng về để anh được bàn tay em vỗ về trong giấc mơ. Anh mong gọi được nắng đến trong cơn mơ của mình để luôn thấy em hiện hữu bình yên trong giấc mơ của anh.

Có hương hoa trong ca khúc của hạ trắng, mùi hương hoa trên cung bậc lan tràn làm “hoa bướm say”. Em đến trong cơn mơ của anh, cơn mơ rực rỡ nắng, và trời trong xanh, em đem cánh hoa làm thiên thần trong giấc mơ của anh. Gọi nắng để em về đi suốt giấc mơ của anh, anh hát khúc ca từ cơn mơ, ca khúc đến với anh từ thiên đàng mộng mị:

Gọi nắng! Trên vai em gầy đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say
Lối em đi về trời không có mây
Đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy

……….Nhạc: Hạ Trắng: Quang Dũng hát…….

Gọi nắng, cho cơn mê chiều, trong chập chờn tỉnh thức, có màu trắng của hoa, có màu trắng của nắng, và bước chân em về, anh tiếc nuối trong giấc mơ, trong cuộc đời của mình. Xin gọi em, xin gọi em: một tình yêu luôn dịu dàng, mà chỉ trong giấc mơ chờn vờn sinh tử anh mới thấy thật trọn vẹn, toàn bích, không có vết sây sướt của đời thường.

Em về đi ngang qua bờ sông nước, nắng và nước giống nhau, cũng mơ màng như giữa mộng và thực, giữa sự tráng kiện cô đơn thiếu vắng của đời thường và sự gầy guộc trọn vẹn hạnh phúc của những giấc mơ. Xin gọi em, gọi em cho nắng về, gầy như một một tà áo dài bay trong tranh vẽ, gầy như một bàn tay chăm chút của em vuốt ve trên những đoá hoa em đem đến cho anh, dịu dàng như cơn nắng buổi mai.

Cơn mê của anh, ơi cơn mê, xin dừng lại! Xin nắng dừng lại đi, đông cứng, để em còn đứng đó khắc ghi trên bầu trời trong xanh, để anh níu thời gian, giữ lại bước chân em. Gọi nắng, cho anh mê mãi trong cơn mơ chiều nay, mãi trong mơ để em còn ở lại với anh; thức vội chi, đời thường, để cảm giác tê điếng khi biết em không còn nữa, khi bước chân em đã rời xa, xa anh, xa những cơn mộng mị của anh.

Gọi nắng! Cho cơn mê chiều nhiều hoa trắng bay
Cho tay em dài gầy thêm nắng mai
Bước chân em về nào anh có hay
Gọi em cho nắng chết trên sông dài


Xin tạ ơn đời, cho ta còn có nhau, còn có nhau cho đến lúc bạc đầu. Trong cơn mê này, trong cơn mơ màng của tôi, tôi đã đưa em về trong cõi thiên đàng. Em bước đi nhẹ nhàng, gió lộng và trời buồn, em đã rời xa tôi.

Xin hát lời tình ca, cảm ơn đời, cảm ơn em. Xin vẽ màu nắng, hương hoa; xin họa tình yêu, và sự dịu dàng của em trong ca khúc của này. Xin khoác lên đời thực âm điệu của giấc mơ, mượt mà phủ lên những gai góc của đời sống; và tình yêu óng ả như vạt nắng bay trong gió chiều mờ xa trên sông.

…..Nhạc: Hạ Trắng: Piano…….

Nhưng! Không có buổi sáng nào gầy guộc mãi với nắng mai mà không được tiếp nối bằng buổi trưa nắng trắng trên sông dài; và không có buổi trưa nào không được tiếp nối bằng buổi chiều gió cuốn mây về núi. Không có giấc mơ nào không có kết thúc. Anh vừa gọi nắng cho em về trong giấc mơ để cùng em đi trong bát ngát hương hoa; nhưng anh biết rằng cơn mơ rồi cũng sẽ qua đi, mùa hạ rồi cũng sẽ mơ màng trôi đi. Anh thức tỉnh, để cùng em về với cuộc sống thực chiều nay, dẫu biết trời buồn và cơn gió cuốn đi những đám mây trắng trong mơ.

Anh muốn mình tay trong tay trong buổi chiều thực bé nhỏ của chúng mình. Anh mong vạt nắng mùa hạ trắng qua đi. Xin tạ ân đời, tạ ơn trời, gọi mùa thu tới, để anh trỗi dậy từ cơn mê ngát hương hoa, và cùng em bằng xương bằng thịt, mình sống một chiều này, mình sống một cuộc đời như người dân thôn dã trong đêm trăng tát nước bên cầu.

Thực tại sao ngắn ngũi quá, không triền miên như cơn mơ. Anh đưa em về chiều nay, nghe trời buồn và cơn gió cao vời vợi. Thực tại nhiều nỗi buồn! Nhưng dẫu sao, xin tạ ơn đời, để anh được cùng em về trong chiều nay. Xin tạ ơn đời, để ta đã có nhau, cho dẫu buổi chiều đi qua nhanh quá. Xin tạ ơn đời đã đem em đến với anh, để mai này, áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên em.

Anh sẽ mãi nhớ em, mãi nhớ em; kiếp này hay kiếp sau, đời xin có nhau, để bạc đầu không phải tìm em trong mơ, mà ở chính cuộc đời thật này. Mong rằng ta mãi có nhau, để nắng không làm em tan biến vào trong mơ của anh, để anh gọi nắng đem anh vào giấc mơ để tìm em, vì ta đã có nhau.

Anh mâu thuẫn quá, phải không em? Anh gọi nắng, để em bước vào giấc mơ của anh, dịu dàng ở đó. Anh gọi mùa thu tới, để anh trở về thực tại, cùng em đi về trên mặt đường bốc khói, cho dẫu biết, là ngắn ngủi, trời buồn, và cơn gió lộng. Nhưng có cuộc tình nào không mâu thuẫn, có tình yêu nào không có nỗi buồn, có hiện hữu nào không có sự mất mát, có mùa hè nào không gọi mùa thu. Vạt nắng mùa hạ trắng đi qua những mâu thuẫn, đớn đau, tiếc nuối của một đời người. Tâm hồn anh đã một lần mở cửa, em buớc nhẹ vào đời, chúng ta đã có nhau, xin bạc đầu gọi mãi tên nhau. Xin tạ ơn đời về cơn mê này, về giấc mộng đã qua, về những ngày đã tới, xin bạc đầu tạ mãi ơn nhau:

Thôi xin ơn đời trong cơn mê này gọi mùa thu tới
Tôi đưa em về chân em bước nhẹ trời buồn gió cao
Đời xin có nhau dài cho mãi sau nắng không gọi sầu
Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau.

……………Nhạc Đệm: Hạ Trắng: Khánh Ly hát………….

Nắng chiều, không gầy gò như nắng mai, không rực trắng như nắng trưa, chỉ còn lại những hoa nắng đan cài rơi trên tóc em. Em trở về rời giấc mơ xinh đẹp của anh. Xin gọi tên em, gọi tên em dịu dàng, gọi tên em, một loài hoa trắng trong giấc mơ, trong cơn mê chiều.

Ngày đã tàn, nắng đã khuất trong mây, em rời xa anh, rời cuộc đời anh. Tình yêu, của anh giờ như vạt áo bay trong mây chiều mờ nhạt, suốt đời anh sẽ còn giữ bóng hình em. Gọi tên em mãi tình yêu mộng mị của anh. Gọi tên em mãi suốt cơn mê dài của đời anh, suốt những ngày còn lại của cuộc đời anh

Gọi nắng! Cho tóc em cài loài hoa nắng rơi
Nắng đưa em về miền cao gió bay
Áo em bây giờ mờ xa nẻo mây
Gọi tên em mãi suốt cơn mê này...

Giấc mơ đẹp nào cũng ngắn ngủi. Trăm năm vẫn quá ngắn ngủi để yêu nhau, không phải để lý luận đúng sai hay dở, mà chính là để cảm nhận tấm lòng dành cho nhau. Hạ trắng không phải để hiểu, để phân biệt. Hạ Trắng chỉ vỏn vẹn hơn 100 chữ không đầu không đuôi, không mở không kết, không mờ không rõ, hư ảo dịu dàng như một vạt nắng, không đụng được như hương hoa.

Và, có ai đi trách cái không thứ tự của một giấc mơ, có ai đo lường những thành tố tạo nên cảm xúc. Cơn mê và thế thôi! đời sống tràn ngập, vừa dịu dàng, ào ạt, như nắng về, như nước cuộn, để còn mãi gọi tiếng yêu đương.

Cảm xúc óng ả, không có lý do, không có lý luận, như ông lão bạc đầu gọi mãi tên người yêu cho đến hơi thở cuối cùng. Năm tháng thăng trầm, mùa hạ trôi đi, mùa thu về qua phố, mạch nước ngầm lưu giữ những nhịp đập khẻ khàng của trái tim có thể cạn kiệt nhưng tình yêu, không bao giờ mất đi, lưu giữ mãi, theo gió mãi cuốn đi cho dẫu có một ngày ta tan biến như vạt nắng mờ, xa khuất nẻo mây.

Xin hãy ngắm “hạ trắng” như ngắm một buổi chiều yêu đương; nhớ “hạ trắng” như nhớ một vạt áo xa xôi; mơ “hạ trắng’’ như những giấc mơ xinh xắn trong đời, gọi “hạ trắng” như gọi tên một người tình bạc đầu thương nhớ. Xin hãy để những âm điệu của hạ trắng len vào trong những giấc mơ, và xin hãy yêu, trải lòng, để hạ trắng len vào đời mình, cho dẫu áo xưa có nhàu nát, bạc tóc cuối đời, còn mãi gọi tên em, còn mãi gọi tên anh, còn mãi gọi tên nhau…

------Nhạc: Hạ Trắng------
Nguyên Đại

[1] Trịnh Công Sơn 1939-2001- Cuộc Đời Âm Nhạc Thơ Hội Hoạ và Suy Tưởng – Nhà Xuất Bản TP. HCM. Tr. 276

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=4EypFISVXf


03 December 2007

Phạm Lãi

Broadcasted
3CR Radio, AM 855
Melbourne
3/12/2007

Chuyện Xưa
Phạm Lãi- Mưu lược gia biết tự rút lui đúng lúc


Đọc truyện Trung Quốc ngày xưa, không ai không biết hoăc nghe đến một người con gái tên là Tây Thi và chuyện tình của nàng với một anh hùng thời đó tên là Phạm Lãi.


Vào cuối đời Xuân Thu, Trung quốc chia thành nhiều nước nhỏ, trong số đó có nước Việt, đây chỉ là sự trùng hợp, nước Việt thời này không phải là Việt Nam hiện nay. Phạm Lãi là giữ chức Đại Phu của nước Việt thời đó. Khi vua của nước Ngô, một vương quốc khác ở phía bắc nước Việt, đem quân đến Cối Kê, thủ đô của nước Việt, thấy thế của quân Ngô mãnh liệt quá, ông khuyên nên nghị hoà, rồi tìm cách đối phó. Việt Vương Câu Tiễn không nghe, đem quân nghênh chiến, kết quả bị thất bại. Phù Sai bắt vua nước Việt là Câu Tiễn đem về nước để làm con tin. Phạm Lãi đi theo Câu Tiễn và chịu nhiều gian khổ.


Lúc ở nước Ngô, ông giúp cho Câu Tiễn thoát khỏi nhiều rủi ro có thể bị vua Ngô giết chết. Sau đó ông và Việt Vương Câu Tiễn được thả về nước. Ông và một đại thần khác là Văn Chủng, đã đề xuất nhiều mưu lược nhằm chữa trị vết thương chiến tranh, phát triển sản xuất, làm cho nước Việt ngày càng giàu mạnh và cuối cùng đã giúp Việt Vương tiêu diệt nước Ngô.


Trong khi cả nước vui mừng trước sự thắng lợi thì ông không màng chi danh lợi, mạnh dạn tự rút lui sau khi sự nghiệp đã thành công. Ông từ bỏ quan trường, tới nước Tề để lo việc buôn bán, và trở thành Đào Châu Công giàu có bậc nhất ở đó. Sự tích Phạm Lãi được lưu truyền, và ông trở thành người tiêu biểu về mặt biết tự rút lui đúng lúc, và được mọi người từ xưa đến nay khen ngợi. Sau đây là một vài mẫu chuyện thú vị về con người trác tuyệt này.


Sau khi bị bắt về nước Ngô, làm công việc giữ chuồng ngựa rất cực khổ. Một hôm Phù Sai đi săn, cố ý gọi Câu Tiễn đi bộ dẫn ngựa để lấy đó làm sự oai phong cho mình. Ngựa chạy rất nhanh, nên Câu Tiễn phải chạy lúp xúp theo, mệt đến độ mồ hôi vả ra như tắm, trông dáng điệu hết sức thiểu não. Người dân nước Ngô thấy vậy tỏ giọng khinh bỏ.

Tối lại, khi trở về căn nhà đá, Câu Tiễn tức tối nói với Phạm Lãi.
- Ta xấu hổ với tổ tiên nước Việt. Ta không xứng đáng là con cháu của vua Đại Vũ. Ta...ta hết sức nhục nhã, không còn mặt mũi nào nhìn thấy ai ! Ta không muốn sống nữa !.

Phạm Lãi rót cho Câu Tiễn một chén trà nóng, và chờ cho ông ta lắng dịu trở lại mới lên tiếng khuyên:
- Biết nhục đã là một thái độ gần với thái độ dũng cảm rồi ! Đại Vương cần phải nghiến răng chịu đựng tiếp. Xưa kia Châu Văn Vương bị vua Trụ nhà Ân Thương bắt giam ở Dũ Lý, và giết người con trai của ông ấy là Bá Ấp Khảo, rồi lấy thịt làm thức ăn đưa tới cho Văn Vương. Văn Vương cắn răng chịu đựng, im lặng ăn thịt con mình. Tất cả những sự chịu đựng đó đều nhằm để phục thù sau này. Do vậy mà về sau, Châu Văn Vương đã chuyển bại thành thắng, tiêu diệt được Trụ Vương, và xây dựng được triều đình nhà Châu hưng thịnh và trở thành một minh quân.


Câu Tiễn nghe những lời khuyên đó lại cắn răng chịu đựng tiếp tục sống những ngày nhục nhã.


Phù Sai nghe danh Phạm Lãi đã lâu, muốn chiêu hàng ông ta về với mình, một hôm ông triệu Câu Tiễn và Phạm Lãi triều kiến. Ông nói với Phạm Lãi:
- Quả nhân nghe nói, một cô gái thông minh thì không bao giờ chịu lấy một ông chông có gia thế lụn bại, suy sụp. Một người đàn ông tài năng thì không bao giờ chịu làm bề tôi cho một ông vua mất nước. Nay Câu Tiễn vô đạo, trên thực tế nước Việt đã mất rồi, thế tại sao ông còn bằng lòng chịu làm tù binh cùng với ông ta mà không cảm thấy đau buồn hay sao? Nếu ông bằng lòng bỏ Việt về với Ngô, phụng sự cho một vị minh chủ khác, thì quả nhân nhất định sẽ trọng dụng ông. Đấy là một dịp để cho ông được thăng quan tấn tước. Vậy không rõ ý định ông như thế nào?


Phạm Lãi chững chạc đáp:
- Bẩm Ngô Vương bệ hạ, thần nghe nói, một bề tôi vong quốc thì không thể bàn chuyện chính sự với ai cả. Một tướng quân bại trận, thì không thể nói chuyện dũng cảm với người nào. Thần nay là một đại thần của nước Việt, không tài không đức, không trung không tín, nên mới không thể phụ tá cho Việt Vương, không khuyên ông ấy giữ tình hoà hiếu với thượng quốc, mà chỉ biết dùng binh lực để giao tranh, nên mới đắc tội với bệ hạ như thế này. Đấy chính là cái tội của tiểu thần ở tại một hạ quốc. Bệ hạ không giết thần chính là đã ban ơn đức cho thần rồi, vậy thần nào dám có hy vọng chi cao hơn nữa.

Ngô Phù Sai giả vờ tức giận nói:
- Ông không nghe lời ta, không sợ ta giết hay sao?

Phạm Lãi ung dung đáp:
- Tiểu thần không sợ, vì nếu được như vậy thì chính là Đại Vương đã giúp đỡ cho tiểu thần đấy !

Ngô Phù Sai trợn mắt có ý khó hiểu hỏi:
- Giúp cho ông điều gì?

Phạm Lãi mỉm cười, nói:
- Giúp cho tiểu thần trở thành một đại trung thần, oai vũ không thể khuất phục, bần tiện không thể đổi dời
Phù Sai không nói được gì nữa, ra lệnh cho Câu Tiễn và Phạm Lãi tiếp tục trở về căn nhà đá để nuôi ngựa.


Ngũ Tử Tư, một đại tướng công thần của Phù Sai khuyên Phù Sai nên giết Câu Tiễn để trừ hậu hoạn, không nên lập lại chuyện vua Kiệt tha Thành Thang, vua Trụ tha Châu Văn Vương mà mất nước sau này. Phạm Lãi hiến kế cho Câu Tiễn nếm phân Phù Sai. Sau đó Phù Sai đã tha cho Câu Tiễn, phu nhân và Phạm Lãi về nước.

Việt Vương sau khi về cung, không bao giờ dám nghĩ đến một cuộc sống an nhàn hưởng lạc. Với sự phù trợ của Phạm Lãi và Văn Chủng, nhà vua lúc nào cũng chiêu hiền đãi sĩ, kính mến người già, thương yêu con trẻ, lo đẩy mạnh việc sản xuất và phát triển quân đội. Sau bốn năm, nhà vua đã có ý định đánh Ngô, nhưng Phạm Lãi và Văn Chủng ngăn lại khuyên phải tìm cách làm hủ hoá nội bộ của kẻ thù, làm tiêu ma ý chí của họ, làm tổn hao tài lực, vật lực của họ, rồi chờ một thời cơ thuận tiện.

Họ dọ biết Phù Sai đang lo xây cất cung điện để có thể có cuộc sống xa hoa, nhưng bị Ngũ Tử Tư cản ngăn. Việt Vương bèn sai người vào rừng tìm gổ quý để dâng lên cho Phù Sai. Văn Chủng lại nói:
- Phù Sai rất háo sắc, Đại Vương nên phái người kiếm người đẹp đem dâng lên cho Phù Sai như vậy một mặt làm cho hắn tin vào lòng trung thành của chúng ta, mặc khác làm tiêu ma ý chí của Ngô Vương.


Công việc chọn lựa mỹ nữ được triển khai khắp toàn quốc. Nước Việt chọn được hai mươi mỹ nữ, đứng đầu là người đẹp Tây Thi, kế đến là Trịnh Đán. Câu Tiễn ra lệnh cho nhạc sư cung đình dạy cho các mỹ nữ múa hát rồi mới để cho Phạm Lãi dẫn đi đến hiến cho Ngô Quốc.


Ngũ Tử Tư biết chuyện can với Phù Sa rằng: Tâu Đại Vương, thần nghe rằng, nhà Hạ bị mất nước là do Muội Hỉ, nhà Ân mất nước là do Đắc Kỷ, nhà Châu mất nước là do Bao Tự. Mỹ nữ chính là những cô gái đẹp dẫn đến tai họa mất nước. Vậy ngài không thể tuyển họ vào cung được.

Ngô Phù Sai đang cao hứng nên đâu chịu nghe lời của Ngũ Tử Tư, bèn nói rằng: Khổng tử từng nói: Ăn, uống, nam, nữ đó là những điều ham muốn lớn của con người. Háo sắc là thiên tính của đàn ông. Ta là một quốc vương hậu cung đã có hàng nghìn người đẹp, vậy thêm hai cô gái đẹp nữa thì có can gì. Phù Sai đặc biệt sủng ái Tây Thi và Trịnh Đán, nhưng sau đó Trịnh Đán bị bệnh qua đời.

Phù Sai nghe lời Tây Thi sau đó phát động mấy triệu dân phu cho đào một con kênh nối liền Trường Giang với Hoàng Hà, và đánh nhau nhiều trận với nước Lỗ và nước Tề. Ngũ Tử Tư can Phù Sai không được, sau đó lại bị Phù Sai nghi ngờ phản loạn buộc ông phải tự sát. Trước khi chết Ngũ Tử Tư, tức Ngũ Viên trối lại rằng: Hãy đem đầu ta treo lên thành lầu ở phía Nam để ta được tận mắt thấy quân Việt vào thành.


Mất Ngũ Tử Tư, Phù Sai như tự chặt một cánh tay của mình, nhân lúc Phù Sai đi tận Trung Nguyên để dự cuộc họp ở Hoàng Trì, tranh địa vị minh chủ chư hầu với nước Tấn. Phạm Lãi chỉ huy đại quân đánh Ngô. Phù Sai nhận được hung tin, vội vã kéo quân về ứng chiến nhưng lại bị quân Việt đánh cho đại bại. Phù Sai sau đó cầu hoà, Việt Vương Câu Tiễn có ý muốn đánh thẳng vào thành Cô Tô, nhưng Phạm Lãi can lại rằng: Quân lực của Ngô Quốc tuy vậy vẫn còn hùng hậu, nếu tiếp tục đánh thì hai bên đều bị tổn thất nặng, chi bằng rút quân, chờ đợi cơ hội tốt hơn. Câu Tiễn nghe theo.


Sau khi hai nước nghị hoà, Phù Sai vẫn tiếp tục đam mê nữ sắc, xây dựng thêm nhiều cung điện đặc biệt một toà lộng lẫy cho Tây Thi, khiến cho quốc khố trống rỗng. Thiên tai lại đến trong nhiều năm, bá tánh không sống được, tiếng than dậy đất trời. Phạm Lãi nói:
- Cơ hội đã đến rồi, xin Đại Vương dốc hết binh lực toàn quốc, tiến đánh nước Ngô để tiêu diệt họ.


Tháng ba, năm công nguyên 476, Việt Vương sai Phạm Lãi chỉ huy hữu quân, Văn Chủng chỉ huy tả quân, còn mình thì lãnh đạo trung quân, tiến đánh Ngô Quốc. Phù Sai đại bại, tự sát. Trước khi chết ông ta cho người lấy ba lớp vải bịt kín mắt mình lại, bảo là để sau khi chết, không thể nhìn thấy đại tướng trung thành là Ngũ Tử Tư ở chín suối.


Sau khi tiêu diệt được nước Ngô, Câu Tiễn còn đang say đắm trong niềm vui thắng lợi chưa kịp ban thưởng cho công thần, thì một hôm, Phạm Lãi vào yết kiến Câu Tiễn nói:
- Trong sách cổ có nói, chúa bị nhục thì bề tôi phải chết. Trước đây Đại Vương bị nhục tại Cối Kê, nhưng thần không chết, là muốn giữ lại cái mạng của mình để tìm cách báo thù cho Đại Vương. Nay Ngô Quốc đã diệt, Phù Sai đã chết, nếu Đại Vương tha tội chết cho thần, và bằng lòng để cho thần trở về giang hồ quy ẩn, sống một cuộc đời nhàn tản như mây bay trên trời, như con hạc tự do ngoài đồng nội, thì không còn gì vui sướng hơn.


Câu Tiễn cố giữ Phạm Lãi ở lại, nhưng Phạm Lãi nhất quyết ra đi. Câu Tiễn dọa giết cả nhà của Phạm Lãi. Phạm Lãi đáp: Chết sống đều có số mệnh, phú qúy là do trời. Mọi việc đều do Đại Vương quyết định, còn vi thần thì nhất định ra đi.


Phạm Lãi sau đó đã mất tích một cách khó hiểu. Câu Tiễn tiếc lắm, sai người dùng vàng đúc một pho tượng Phạm Lãi dựng tại triều đình để kỷ niệm dài lâu.


Văn Chủng cũng nhận được một bức thư của Phạm Lãi, trong thư nói: “Sau khi cáo cầy đã chết, thì chó săn cũng bị giết theo. Khi nước địch đã bị đánh bại thì mưu thần cũng sẽ bị tiêu diệt. Việt Vương là người cổ cao, miệng nhọn, chỉ có thể cùng nhau chịu hoạn nạn, chứ không thể cùng hưởng phú quý. Nếu ngài không bỏ đi thì chắc chắn sẽ gặp tại họa”.

Văn Chủng cho rằng bức thư đã nói quá sự thật, ông tin Câu Tiễn không bao giờ giết chết một công thần như ông. Nhưng, sau đó không lâu, Câu Tiễn do sợ Văn Chủng là người có công to, sẽ uy hiếp đến địa vị của nhà vua, nên đã tìm cớ buộc Văn Chủng phải tự sát.

Có người nói ông lái đò trên Thái Hồ đã thấy một giai nhân tuyệt thế xuất hiện trong khoang thuyền của mình, không ai khác hơn là Tây Thi cùng với một công thần tiêu diệt nhà Ngô mà tiếng tăm trong đời ai ai cũng biết. Người ta nói : Phạm Lãi dẫn Tây Thi theo đường Thái Hồ vào biển Đông để đến nước Tề, đổi tên là Xi Di Tử Tịch và làm thương nhân, ông trở nên một người giàu có. Vua Tề nghe tin, mang ấn Tể Tướng đến mời ông ra làm quan. Ông chia tài sản cho người nghèo rồi treo quả ấn lên tại chỗ, ra đi đến đất Đào để định cư, lấy biệt hiệu là Đào Chu Công. Ông lại làm thương nhân và trở lại trở thành một cự phú. Nghe đâu thành tựu mà ông có cũng nhờ sự hiệp lực của một giai nhân khuynh nước khuynh thành, Tây Thi.



Theo "Những mẫu chuyện lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc: Mười Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc" - Chủ Biên: Tang Du, Dịch Giả: Phong Đảo.


Chuyện nay
Cựu Thủ Tướng John Howard và các Đại Công Thần

Hôm thứ Bảy 1/12/2007, cựu nữ ký giả McKew đã tuyên bố chiến thắng tại đơn vị bầu cử Bennelong, Bắc Sydney. Phải mất một tuần sau ngày bầu cử bà McKew mới có thể công bố chiến thắng nói trên; mặc dù ông Howard trong đêm bầu cử hôm thứ bảy 24/11/07 đã nói trước là ông có thể mất luôn chiếc ghế ở đơn vị này.

Tưởng cũng cần nhắc lại đây là một trong những đơn vị an toàn nhất của Đảng Tự Do, kể từ ngày đơn vị này được thành lập vào năm 1949, Đảng Tự do luôn luôn nắm chắc chiếc ghể ở đơn vị này. Bà McKew được bổ nhiệm làm Bí Thư Quốc Hội, đây là một chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị dân chủ Úc Đại Lợi.

Với thất bại này ông Howard là vị người thứ hai, là thủ tướng đang cầm quyền bị mất chiếc ghế dân biểu trong kỳ bầu cử, người thứ nhất trong lịch sử nước Úc là Stanley Melbourne Bruce vào năm 1929.

Tuần qua bố vợ của ông Peter Costello đã nói với báo chí rằng ông Howard là một người vị kỷ vì đã không nhường chức vụ thủ tướng cho ông Costello như đã thoả thuận, và vì vậy hủy diệt tương lai của một con người tài hoa như con rể của ông. Ông cựu tổng trưởng ngân khố cũng nói rằng Đảng Tự Do có thể có cơ hội tốt hơn nếu, ông Howard chịu rút lui trong nhiệm kỳ vừa rồi. Đảng Tự Do đã không tạo điều kiện cho ông Tổng Trưởng, khi ông ta sẳn sàng, còn bây giờ thì ông đã rút lui về hàng ghế sau. Ông nói rằng ông không muốn quanh quẩn để cản đường các thế hệ mới, các tài năng mới trong đảng.

Ông cựu Tổng Trưởng Y Tế Tony Abbots, cũng quyết định không ra tranh chức lãnh tụ khối đảng Tự Do đối lập; và ông cựu Tổng Trưởng Di Trú, tác giả của chính sách giam giữ người tỵ nạn tại các đảo quốc Thái Bình Dương, cũng tuyên bố rắng ông sẽ không phục vụ ở hàng ghế trước nhưng sẳn sàng cố vấn cho thế hệ lãnh đạo mới của Đảng Tự Do.

Báo chí cũng nói đến một thoả thuận ngầm của hai ông cựu thủ tướng và cựu tổng trưởng ngân khố rằng, nếu giành được chính quyền từ tay của Đảng Lao Động vào năm 1996, thì ông Howard sẽ làm thủ tướng một nhiệm kỳ thôi, sau đó sẽ trao quyền lãnh đạo lại cho ông Costello, nhưng thoả thuận đó đã không xảy ra, và giấc mơ làm thủ tướng nước Úc của ông Costello cứ thể mà mờ mịt theo thời gian. Người ta cũng lấy làm ngạc nhiên vì theo như ông Costello thi ông Howard chưa bao giờ mời vợ chồng ông đến ăn tối chung ở dinh Thủ Tướng the Lodge cả.

Thưở khó khăn, Phạm Lãi đã giúp cho Câu Tiễn đánh bại nước Ngô, nhưng sau đó biết Câu Tiễn là người hẹp hòi, có thể chung hoạn nạn được nhưng không thể chia sẻ phú quý, nên sau khi Câu Tiễn nắm đại quyền, Phạm Lãi đã rút lui, giữ được tiếng thơm lưu danh sử sách. Văn Chủng không nghe lời Phạm Lãi nên sau đó đã bị Câu Tiễn giết.

Ông Howard có rút lui đúng lúc, ở lúc mà ông ở tột đỉnh của sự vinh quang vị thủ tướng nắm quyền lâu nhất trong lịch sử nước Úc cho tới hiện nay không? Xin hãy để lịch sự làm công việc thẩm định của nó, và qúy vị sẽ có ý kiến của riêng mình.

Ông Costello có phải là một đại công thần trong triều đại của John Howard hay không, có lẽ chính ông Howard và các đồng viện của ông mới có câu trả lời chính xác nhất, và việc ông gần như rút lui khỏi các vị trí lãnh đạo của Đảng Tự Do có thể xem như một sự rút lui chính trị thật sự hay không, xin hãy để lịch sử làm công việc phán xét của nó.

Trong câu chuyện hôm nay, không thấy ông Howard hay ông Kevin Rudd mê nữ sắc gì cả, hai ông khi tranh cử cũng như khi thất cử đều cảm ơn phu nhân, và gia đình mình. Ngày xưa có nhiều hậu cung mới oai; còn thời nay, phải chứng minh sự chung thủy mới ổn (thấy cũng hơi tội nghiệp có các ông chính trị gia!!!). Mặc dù ông Kevin Rudd có bị bắt gặp đi xem vũ sexy một lần, nhưng uy tín không có gì suy suyễn mà hình như còn gia tăng, tương tự như trường hợp của Tổng Thống Mỹ Bill Clinton, sau vụ Monica Lewinsky.

Mặc dù không có Tây Thi, nhưng ông Kevin Rudd có ít nhất là hai nữ đồng viện đã xuất sắc giúp đỡ ông và Đảng Lao Động trong kỳ bầu cử này. Người thứ nhất phải nói đến là Phó Nữ Thủ Tướng đầu tiên trong lịch sử nước Úc bà Julia Gillard (xin đừng nhầm với Julia Roberts, một nữ tài tử gạo cội của Holywood, Hoa Kỳ), người đã giúp cho ông Rudd trong việc tranh quyền lãnh đạo với ông Kim Beasley, một chính trị gia nặng ký, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, của Đảng Lao Động, và ông Rudd đã nhắc đến bà với những lời lẽ hết sức thân tình trong đêm thắng cử 24/11 vừa qua.

Người thứ hai, như đã nói ở trên là cựu ký giả McKew, người đã cho ông John Howard mất luôn chiếc ghế an toàn nhất của Đảng Tự Do, và đẩy ông cựu Thủ Tướng vào lịch sử cùng với ông Bruce, mất luôn chiếc ghế của mình trong nhiệm kỳ làm thủ tướng của mình. Các vị Tây Thi ngày nay cũng kinh khủng không kém gì Tây Thi của hơn 1500 năm về trước !!!


Nguyên Đại
03-Tháng 12, 2007


http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=mM8v1TEKm9