29 October 2007

Đôi Bờ

Broadcasted
3CR Radio AM 855
Melbourne


đôi bờ

Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai

Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Bên này em có nhớ bên kia
Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến
Quạnh vắng chiều sông lạnh bến Tề

Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ

Xa quá rồi em người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?

Quang Dũng
1948


--------Nhạc đệm: Em ơi, Hà Nội Phố - Nguyên Khang----

Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai


Tôi đọc bài này nhiều lần, lần nào cũng thấy hay. Thương nhớ, mà thương nhớ “ơ hờ”, kiểu dùng chữ đặc biệt này, chỉ có ở Quang Dũng, rất bình thường và rất thơ. Bình thường như một tiếng thở dài mà ai sống cũng có lúc phải buồn phải nhớ, thơ vì nó “ơ hờ”, nó thơ. Trước Quang Dũng, tôi không thấy ai dùng, sau này có lẽ không ai dùng lại, vì “thương nhớ ơ hờ” đã Quang Dũng rồi.

Không thể không cảm nhận khung cảnh nên thơ khi một cơn mưa về trên sông. “Mưa trên sông dài”, như một lời ca trong một ca khúc nào đó, còn đối với Quang Dũng thì “Sông xa từng lớp lớp mưa dài”. Sông nào cũng dài xa hơn tầm mắt, đứng bên bờ thượng nguồn, nhìn cơn mưa trôi dài theo dòng sông vắng, nghe lạnh vì một mình với cơn gió cuối thu… nhớ em. Mưa trên sông làm tôi nhớ em. Vâng, ngồi ngắm mưa trên sông, không thể không nhớ em. Đêm mưa, ghé vào một quán cà phê, và ngồi một mình, nhìn sóng gợn, lăn tăn ánh đèn hay ánh trăng, cam đoan là sẽ nhớ em, rất nhớ…

---------------------------------------

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=3wKMAxdwXN

         


“Chớm heo”, là heo may, là gió thu. Mùa đến là mùa đông, nên “Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự”. Em có nhớ tôi không. Tôi ở bên kia sông, buổi chiều, ngắm mưa bụi giăng giăng qua phòng tuyến. Tôi nhớ em. Em có nhớ tôi không?

Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Bên này em có nhớ bên kia
Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến
Quạnh vắng chiều sông lạnh bến Tề


Có người không thích thơ Quang Dũng, đối với họ “trong thơ nên có thép”, “có máu”, để phục vụ chiến trường, phục vụ cuộc chiến, phục vụ quan điểm và quyền lợi của họ. Họ không chấp nhận cái kiểu ngồi bên phòng tuyến, nghe thấy mưa giăng giăng, để cảm nhận sự cô đơn, để cảm nhận “quạnh vắng chiều sông lạnh bến Tề” được.

Chính trị có tính phiến diện, đoản kỳ; trong khi nghệ thuật có tính toàn diện và đòi hỏi sự trường kỳ. Chính trị tiêu diệt lẫn nhau. Sự tồn tại của một chế độ, đòi hỏi sự tiêu diệt, đập đổ một chế độ khác. Nghệ thuật không huỷ diệt lẫn nhau. Sự tồn tại của một bài ca, một bức tranh không huỷ diệt một bài ca hay một bức tranh khác, mà chỉ làm cho nhau nổi bật hơn, phong phú hơn.

Bắt buộc một sự toàn diện phải trở thành phiến diện, bắt buộc cái trường kỳ phải trở nên đoản kỳ, là giết chết nghệ thuật. Các ông bà đó, vì sự u tối của chính họ, đã tiêu diệt nghệ thuật, nhuộm đỏ tất cả nghệ thuật chúng ta trong nhiều năm. Chính họ đã "giết chết" Quang Dũng, Văn Cao và nhiều nhân tài kiệt xuất trên đất nước chúng ta, và họ gọi đó là “Yêu Tổ Quốc, Yêu Đồng Bào”. Ôi!

“Trúc Nam Sơn không ghi hết tội
Biển Nam Hải không rửa hết mùi”
[1]

--------------------------------------

Xin trở lại với Quang Dũng của chúng ta, với “Tây Tiến”, “Đôi mắt người Sơn Tây”, và, bây giờ, xin chỉ “Đôi Bờ” thôi.

Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ


Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa, là điếu thuốc lá. Ngồi bên phòng tuyến chiều mưa, có lẽ không thể thiếu điếu thuốc được. Khói thuốc đối với một tâm hồn thi sĩ đem lại cái lãng vãng, phảng phất của kỷ niệm. Đêm về, ở đâu trên sông cũng lạnh, bờ nào, cũng lạnh. Anh ở bên này bờ sông, em bên kia, nhớ em qúa! Nâng vội ly trà, chợt thấy hình bóng em trên mênh mông sông nước, bên kia bờ sông Đáy. Chợt thấy em thật gần như một cơn mơ, gần như trước mặt anh, trong chum trà, anh uống đêm ngay, để ấm một chút, và để thức làm người lính của anh, và để nhớ em…

------------------------------------------

Xa quá rồi em người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?


Anh ra trận, em di tản. Xa quá rồi em người mỗi ngã. Bên này không phải là bên này bờ sông, bên này giờ là bên này đất nước. Chiến tranh, tình yêu, chia ly và nỗi nhớ. Em đi, ngây thơ, hờn giận anh, cho dù là hờn để mà hờn, và tủi phận mình. Anh nhớ em, anh biết là em đã khóc, dòng lệ thơ ngây có dạt dào? Em có nhớ anh không, có nhớ người lính phong sương, đêm chiến tranh, trên sông mưa lạnh, nhớ không em. Bên này, anh có em, có hình em trong đáy cốc, có tiếng sóng vỗ đôi bờ sông, có khói thuốc, có phòng tuyến, đêm đông lạnh và cả nỗi cô đơn. Bên kia, em có gì không em, trong đêm tối chiến tranh, trong ngày di tản. Anh nhớ thương em…

Nguyên Đại

[1] Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi.

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=fErk6BCoJ9

         

No comments: