Broadcasted
3CR Radio AM 855
Melbourne
26/11/2007
Ba Câu Chuyện
Câu Chuyện Thứ Nhất:
Khương Tử Nha – Tỵ Tổ của các mưu lược gia Trung Quốc.
Cách đây hơn hai ngàn năm, bên Trung Quốc, cuối triều đại nhà Thương có một ông vua nổi tiếng tàn ác trong lịch sử nước này, đó là Trụ Vương. Ông vua này suốt ngày chỉ biết rượu chè và tìm mọi thú vui, phung phí tiền bạc như rơm rác. Để thoả mãn cuộc sống xa hoa và hoang dâm trụy lạc, Trụ Vương đã sử dụng hàng vạn công thợ xây cất “Lộc Đài” dài ba dặm (khoảng 4, 5 cây số), cao hàng nghìn xích (khoảng mấy chục mét)[1]. Trụ Vương còn cho đào một cái ao vuông trong khu vực “Lộc Đài”, dưới ao đổ đầy rượu ngon, gọi là “Tửu Trì”. Nơi khu rừng bên cạnh Tửu Trì, Trụ Vương cho treo rất nhiều thịt, gọi là “Nhục Lâm”, có mục đích làm cho người phi tần xinh đẹp của mình là Đắc Kỷ được vui. Nhưng, sau khi mọi việc đã hoàn thành mà Đắc Kỷ vẫn không nở một nụ cười. Nhà vua bè ra lệnh cho rất nhiều nam nữ, cởi bỏ hết y phục, rồi rượt đuổi nhả đùa giỡn dưới Tửu Trì để làn trò cười cho Đắc Kỷ.
Trong khi Trụ Vương ngày đêm lo yến ẩm, hoang dâm vô độ, thì đông đảo những người nô lệ và bình dân không đủ áo mặc, cơm không đủ ăn. Để trấn áp những cuộc nổi dậy chống đối của nô lệ và bình dân, đồng thời cũng để trừng trị những đại thân dám chống đối trước những thú vui của Trụ Vương, ông ta ngoài những hình phạt sẳn có trong ngũ hình như Kình (xâm mặt), Nhị (cắt mũi), Nguyệt (chặt chân), Cung (thiến), Tịch (tử hình), Trụ Vương còn bày ra những hình phạt tàn khốc mới như cho thợ làm một ống đồng rỗng ruột, bên trong đốt lửa, bắt các “phạm nhân” cởi bỏ hết y phục, rồi trói vào trụ đồng nóng bỏng đó để giết chết, gọi là “bào lạc”.
Thời đó, Trung quốc phân chia thành nhiều khu vực khác nhau, trong khi vua Trụ coi như thủ lãnh của tất cả các phần đất thuộc Trung quốc thời bấy giờ, thì ở một Tây Kỳ, giống như một tỉnh bây giờ, có một vị Vương, gọi là Châu Văn Vương. Văn Vương vẫn thường tự mịnh mang cơm nước đến cho nông dân đang cày cấy ngoài ruộng để khuyến khích nông dân lo việc trồng tỉa lúa thóc hoa màu. Nhà vua còn đích thân dẫn thanh niên trong vương thất xuống ruộng cày cấy, sống một cuộc sống cần kiệm, lao lực giống như mọi người dân. Nhà vua còn giáo hoá cho bá tánh ở Tây Kỳ phải biết hiếu kính cha mẹ, lo nuôi dưỡng dạy dỗ con em,và luôn luôn đề xướng một tinh thần công chính và tiết tháo, sẳn sàng giúp đỡ người neo đơn, cô quả, khiến Tây Kỳ dần dần trở thành một khu vực thịnh vượng.
Khương Tử Nha, thủ lĩnh của một tộc dân, gọi là Lữ Thị, là một người túc trí đa mưu dũng cảm phi thường, đã liên kết với một số họ tộc khác, nổi lên chống Trụ, nhưng do sức yếu thế cô đã bị quân đội của Trụ Vương trấn áp một cách tàn khốc. Sau nhiều năm bôn ba lưu lạc khắp nơi, đã gặp Văn Vương. Văn Vương biết Khương Tử Nha là người tài trí, đã mời Khương Tử Nha đến Tây Kỳ, cử làm Thái Sư (Quân Sư), chấp chưởng quân quyền. Văn Vương là một nhà vua có hoài bão lớn. Mục đích của Văn Vương là thống nhất thiên hạ. Khương Tử Nha là một bậc hiền tài, kinh luân đầy bụng, thao lược hơn người, nên luôn muốn báo đáp cái ơn tri ngộ với Văn Vương, một lòng một dạ phụ tá cho nhà Châu để tiến lên lật đổ sự thống trị của Trụ Vương hung bạo.
Có một đêm nọ, sau khi dùng cơm tối xong, Châu Văn Vương bèn bước ra sân sau tản bộ. Lúc bây giờ là mùa Thu, trời trong gió mát. Nhà vua đang nghĩ đến việc nhà Châu chỉ có một vùng đất bé nhỏ, sức nước lại yếu kém. Làm sao để có thể lật đổ được Trụ Vương đang làm chủ một vùng đất bao la và hàng vạn binh sĩ. Văn Vương đang nửa đêm đến thăm Khương Tử Nha,
Văn Vương nói:
- Trụ Vương tuy là một hôn quân vô đạo, nhưng họ đã có cơ nghiệp hơn sáu trăm năm, đem so sánh với chúng ta, quả là một trời một vực, vậy phải làm cách nào.
Khương Tử Nha đáp:
- Thiên hạ là thiên hạ của mỗi người trong thiên hạ, chứ không phải là thiên hạ của một cá nhân. Nếu có thể cùng chung lợi ích của thiên hạ với mọi người trong thiên hạ, thì có thể lấy được thiên hạ. Độc chiếm lợi ích trong thiên hạ, thì sẽ bị mất thiên hạ. Điều có thể cùng hưởng với bá tánh trong thiên hạ, chính là nhân ái. Ai có nhân ái thì thiên hạ thuộc về người đó. Phải giúp cho bá tánh thoát khỏi nguy nan, giải thoát cho bá tánh khỏi mọi sự khốn khổ, tiêu trừ cho bá tánh tất cả những tai hoạ xảy đến, cứu mọi người ra khỏi chỗ hiểm nguy, thì đó là ân đức. Người thi ân ban đức thì thiên hạ sẽ thuộc về người đó. Mọi người ai cũng chán ghét sự chết chóc mà yêu quý sự sinh tồn, hoan nghênh ân đức và theo đuổi mọi lợi ích. Cho nên giúp cho mọi người trong thiên hạ được lợi ích, thì đó chính là Vương Đạo. Ai có thể thi hành Vương Đạo, thì thiên hạ sẽ thuộc về người đó.
Văn Vương nói:
- Làm sao để một vị quân vương được mọi người tôn kính, và bá tánh được một cuộc sống yên ổn vui tươi.
Khương Tử Nha đáp:
- Chỉ có cách duy nhất là biết thương dân. Phải biết xúc tiến việc sản xuất của lê dân, không bao giờ phá hoại họ. Phải biết bảo hộ lê dân, không bao giờ tùy tiện gây tổn thương tới họ. Phải mang đến cho lê dân những quyền lợi thiết thực và không bao giờ tước đoạt của họ. Phải giúp cho lê dân được an cư lạc nghiệp, không bao giờ làm cho họ đau khổ. Phải làm cho lê dân luôn được vui vẻ, không làm cho họ phải phẩn nộ.
Làm một vị quân vương, cũng giống như phần đầu của một con rồng, luôn nhìn xa thấy rộng, quan sát tinh tường, tìm hiểu sâu sắc tất cả mọi vấn đề, và phải lắng nghe ý kiến của mọi người, biết xét đoán tình thế. Riêng nghi biểu thì phải trang nghiêm đường hoàng, bình tĩnh không hấp tấp, khiến mọi người có cảm giác nhà vua là một vị hoàng đế cao siêu như bầu trời, không ai với tới, thâm sâu như đáy biển, không ai dò được. Một vị quân vương còn phải có khí chất tỉnh táo, ôn hoà, đứng trước mọi việc bao giờ cũng sẳn sàng quyết đoán, nhất là phải biết cùng bàn bạc với thần dân, không cố chấp ý kiến của riêng mình. Đối với mọi người phải luôn luôn khiêm tố vô tư, xử sự luông phải công bình, không thiên lệch.
Nhà vua trước tiên phải tự tu dưỡng đức hạnh, biết chiêu hiền đãi sĩ, biết ban ân huệ cho nhân dân, lấy đó thu phục nhân tâm, rồi bình tĩnh quan sát sự thay đổi của đạo trời, đạo người. Khi đạo trời chưa có dấu hiệu thì không thể nói đến việc cử binh chinh phạt. Khi đạo người chưa xuất hiện sự loạn lạc thì chưa thể sách hoạch việc hưng binh, cần chờ khi có thiên tai và nhân hoạ xuất hiện, thì mối có thể sách hoạch việc chinh phạt.
Văn Vương gật đầu cho là phải, rồi lại hỏi:
- Xin Thái Sư nói thêm phải làm sao để ban hành chính lệnh?
Khương Thái Công, tức Khương Tử Nha, đưa tay vuốt nhẹ hàm râu, nói:
- Việc ban hành chính lệnh phải được tiến hành từ trong sự cảm hoá âm thầm. Điều đó cũng giống như sự chuyển biến của thời gian là rất âm thầm, không ai cảm thấy được. Nhà vua cần phải suy nghĩ thật chín chắn tư tưởng “Vô vi nhi trị” . Cũng giống như trời và đất, không hề tuyên cáo quy luật của chính mình, nhưng vạn vật đều sinh trưởng theo đúng quy luật đó. Thánh nhân cũng không cần thiết phải tuyên cáo tư tưởng “Vô vi nhi trị” của mình; nhưng nó tự nhiên sẽ bộc lộ được thành tựu huy hoàn của nó. Nền chính trị tốt đẹp nhất, chính là nền chính trị biết thuận theo lòng dân. Đề cao những ý thức chính trị tốt đẹp để cảm hoá người dân, khiến người dân từ trong sự cảm hoá đó biết phục tùng chính lệnh. Như vậy thì thiên hạ sẽ được yên ổn. Đó chính là “đức chính” (sự cai trị phù hợp với đạo đức) của một thánh nhân.
- Đúng ! Đúng ! – Văn Vương buột miệng khen liên tiếp – Thế tại sao nhà vua lại để mất đi khả năng khống chế đối với quốc gia?
- Đó là dùng người không đúng! – Thái Công nói thẳng vào vấn đề - Nhà vua cần tuyển chọn những người có đầy đủ sáu tiêu chuẩn, và phải nắm chắc ba sự kiện trọng đại, thì mới không dẫn đến tai hoạ mất nước.
- Sáu tiêu chuẩn đó có nội dung ra sao? – Văn Vương vội vàng lên tiếng hỏi.
- Một là Nhân, hai là Nghĩa, ba là Trung, bốn là Tín, năm là Dũng, sáu là Trí – Thái Công đáp.
- Phải làm thế nào mới tuyển chọn được những người phù hợp với sáu tiêu chuẩn nói trên?
- Tạo điều kiện cho họ trở thành giàu có, xem phải chăng họ có thái độ bất chấp lễ giáo và pháp luật. Nếu không thì đó là Nhân. Ban cho họ địa vị, xem họ phải chăng trở thành kiêu ngạo. Nếu không thì đó là người Nghĩa. Giao cho họ nhiệm vụ trọng đại, xem họ phải chăng có thể kiên quyết hoàn thành mà không thay đổi ý chí. Nếu có thể thì đó là người Trung. Giao cho họ xử lý vấn đề, xem họ phải chăng có thủ đoạn dối trên gạt dưới. Nếu không thì đó là người Tín. Dồn họ vào hoàn cảnh nguy hiểm, xem họ phải chăng đứng trước sự nguy hiểm thì tỏ ra sợ sệt. Nếu không thì đó là người Dũng. Giao cho họ xử lý những chuyển biến bất ngờ, xem họ phải chăng ứng phó một cách bình tĩnh. Nếu có thì đó là người Trí.
- Ngoài việc dùng người còn phải chú ý xử lý ba sự kiện trọng đại. Đó là Nông, Công, Thương. Tổ chức tất cả nông dân lại rồi cho họ tập trung ở vào một làng, để họ cùng nhau hợp tác, thì lương thực tự nhiên sẽ đầy đủ. Tổ chức những người công nhân lại để họ quần cư lại một nơi, cùng nhau giúp đỡ hợp tác, thì đồ dùng tự nhiên sẽ đầy đủ. Tổ chức thương nhân và tập trung họ ở vào một chợ, để họ có thể trao đổi với nhau những gì mình có, thì việc tài chánh và mậu dịch tự nhiên sẽ sung túc. Không bao giờ làm rối loạn những khu vực kinh tế này, cũng không nên tách rời gia tộc của họ ra. Đó gọi là “Tam Bảo”.
- Một vị quân vương nên tôn sùng những người có đầy đủ tài đức, và áp chế những người bất tài lại thiếu đức. Nên trọng dụng những trung thần, biết giữ chữ tín, và có thái độ thành thực, trừ đi những phường, gian trá, hư nguy. Nghiêm cấm tất cả những hành vi bạo loạn và chận đứng nếp sống xa hoa.
Với tài hoa trác tuyệt của mình, Khương Thái Công trước sau đã khuông phò cho ba đời vua của nhà Tây Châu, và trở thành một vị anh hùng mang tính truyền kỳ. Suốt mấy ngàn năm qua, ông được người dân Trung Quốc tôn sùng và yêu quý, không hổ danh là một nhà chính trị, quân sự nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Ông cũng không hổ danh là bậc tỵ tổ trong các nhà mưu lược của nước Trung Quốc.
Câu chuyện thứ hai:
Mùa nước nổi
(VietNamNet) – 09/11/2007
Như đến hẹn lại lên, từ tháng 7 âm lịch, vùng đồng bằng nam bộ, nước lại “nhảy khỏi bờ” mà người ta quen gọi “mùa nước nổi”. Mùa nước nổi khiến cho người dân bao long đong, vất vả, nhưng bù lại, như một sự tạ lỗi, mùa nước nổi cũng đem đến cho con người bao sản vật tự nhiên, cho đất đai bao phù sa.
Chiều, chiếc radio nhỏ phát đi chương trình “Quà tặng âm nhạc”. Có người bạn phương xa yêu cầu bài hát “ Chiều nước lũ”. Từng thanh âm vang lên. Lòng quặn thắt nỗi nhớ da diết. Quê mình lại vào mùa lũ, “mùa nước nổi”...Tam Quan của tôi lũ không nhiều. Nhưng hầu như năm nào cũng có một cơn lũ lớn. Lũ từ thượng nguồn Lại Giang đổ về. Lũ từ các con suối trên cao đổ xuống. Trên đường đi ra biển, con lũ chỉ dừng lại ở một thời khắc ngắn mà để lại nỗi đau dai dẳng khôn nguôi…Lũ lịch sử năm 86, nước ngập mái nhà. Ba bồng con trên vai dò dẫm về nhà nội. Nước ngang cổ ba. Má chỉ kịp vơ vội mấy bộ quần áo. Lũ cuốn đi sạch sẽ. Ký ức tuổi thơ chỉ còn lại một màu nước bàng bạc, đùng đục. Thứ màu sắc loang loáng giấc mơ những đêm dài mưa lũ trong căn nhà tranh lỗ chỗ lá tranh lá nứa.
Mười ba năm sau, khi cơn lũ tràn về lúc nửa đêm, ba má tất tả kê, vội vã dọn. Đồ đạc cứ dồn dần từ thấp lên cao, cuối cùng chỉ còn khoảng không chưa đầy hai mét vuông khô ráo cho tất cả những gì thiết yếu nhất. Đàn gà tao tác trên mái nhà. Mấy trái dừa khô lập lờ theo dòng nước lũ, bất thần theo dòng xoáy biến mất giữa khoảng không mênh mông. Căn nhà nhỏ rung lên bần bật. Ba má con ôm nhau nhìn cơn lũ thủng thỉnh đi qua. Tay chân má trắng bã, mắt người trũng sâu.Không như những đứa trẻ đồng trang lứa luôn háo hức khi được nghịch nước, tôi chưa bao giờ thích lũ. Mỗi cơn lũ là một hung thần tàn phá tất cả mọi thứ trên đường chúng đi. Và tôi, một đứa trẻ đi qua những mùa lũ đã kịp nhận ra những nỗi đau đè nặng lên chút niềm vui trẻ thơ. Những cánh đồng ngập nước. Những thân dừa ngả nghiêng, tàu dừa tơi tả. Những nếp nhà tranh chỉ còn là cái nóc thấp tè trong cơn lũ.Tôi lớn lên từ những lo toan nhọc nhằn của má. Đã lội qua biết bao cơn lũ để đến trường. Con chữ nhọc nhằn lênh đênh. Rồi tôi đi xa. Xa căn nhà nhỏ, xa ngôi làng nghèo khó, xa cả những mùa lũ với bao âu lo… Tôi ra đi với ao ước cháy bỏng: kiếm đủ tiền để xây cho má một nếp nhà cao ráo, cứng cáp để má yên tâm nằm ngủ mỗi khi mùa lũ về. Tôi lao vào đời như bao đứa trai miền trung khác, luôn sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn gian khổ. Nhưng, đã qua bao mùa lũ, tôi vẫn chưa thực hiện được cái khát khao rất gần mà cũng rất xa vời đó.Mấy mùa lũ qua… Một mình má cô đơn. Một căn nhà cột kèo kẽo kẹt. Một dấu chấm nhỏ gầy giữa biển nước bao la. Chiều nay, tin lũ lại về. Tôi thẫn thờ nhìn về phía trời xa. Bỏ mặc tất cả, tôi lao ra bến xe. Chuyến xe cuối ngày rời bến trong cơn mưa dai dẳng.
Mấy mùa lũ qua… Một mình má cô đơn. Một căn nhà cột kèo kẽo kẹt. Một dấu chấm nhỏ gầy giữa biển nước bao la. Chiều nay, tin lũ lại về. Tôi thẫn thờ nhìn về phía trời xa. Bỏ mặc tất cả, tôi lao ra bến xe. Chuyến xe cuối ngày rời bến trong cơn mưa dai dẳng. Những giọt nước chảy dài trên cửa kính ôtô. Vâng, con sẽ về. Con sẽ về chống lại cái cột, giằng lại cái nóc, chặt bớt những tàu dừa gần nhà.Và con sẽ kéo cho má tấm chăn mềm để người không còn lạnh lẽo lúc nửa đêm khi cơn lũ tràn về.
Câu chuyện thứ ba:
Kevin Rudd is not mucking around
Ông thủ tướng Úc tân nhiệm hôm nay-Kevin Rudd, với ngày đầu tiên làm việc của mình đã tuyên bố rằng ông ta chuẩn bị cho hai chương trình
1) Xin lỗi người thổ dân
2) Chương trình giáo dục cho việc phát triển giáo dục ở các trường trung tiểu học của Úc
Kết:
Quý vị có thể thấy “Lộc Đài” thời hiện đại không? Xin thưa, có thể, hãy về Việt Nam, và đến những ngôi nhà nguy nga nhất tìm hiểu chủ nhân của nó: bạn sẽ thấy những ngôi nhà nguy nga đồ sộ nhất thuộc về các quan “cách mạng”. Đến Phong Điền, ngôi nhà nào nguy nga nhất tỉnh, đó là nhà của chủ tịch huyện Phong Điền, chủ tịch của một huyện thuộc hàng nhất nhì của tỉnh Thừa Thiên. Trên quê hương VN mà từ đó chúng tôi và quý vị ra đi không phải có một “lộc đài” mà là hàng trăm “lộc đài” rải rác trên khắp các miền của một VN bé nhỏ.
Qúy vị có muốn thấy “Tửu Trì” thời hiện đại không? Xin mời về VN và đi dọc các đường phố SG, quý vị xin đếm giùm có bao nhiêu quán nhậu, bên cạnh em bé đánh giày rách nát trên đường phố. Việt Nam bây giờ không phải có một “tửu trì” mà là hàng vạn tửu trì.
Bên cạnh đồng bào thất điên bát đảo vì bão lụt, qúy vị có thể tìm kiếm thấy vô số các cuộc thi Hoa Hậu đang tổ chức ở đó, và các số liệu thống kê cho thấy những chiếc xe hơi với giá hơn 1 triệu đô la đang chuẩn bị xuống đường từ các dinh thự của các quan ở VN.
Chúng tôi cho rằng đã có một sự cảm thông sâu sắc của ông Thủ Tướng tân nhiệm Kevin Rudd với vấn đề người thổ dân, từng nhiều thập niên trôi qua, những em bé thổ dân đã bị cách ly với gia đình bộ tộc của họ, chưa từng có một lời xin lỗi chính thức từ phía chính phủ. Lời xin lỗi của chính phủ đương nhiệm mong rằng sẽ hàn gắn phần nào nỗi đau của họ. Phải chăng đó là sự thương dân, xin qúy vị hãy làm trọng tài, và xin hãy để thời gian làm công việc thẩm định của nó.
Quan tâm đến yếu tố con người bằng cách đẩy mạnh giáo dục, đó là công việc chuẩn bị tốt cho một tương lai trên đất nước may mắn mà chúng tôi và quý vị đang định cư.
[1] Tại Bồi Đô, Triều Ca (nay là Kỳ Huyện, thuộc tỉnh Hà Nam) – theo Những mẩu chuyện lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc, 10 Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc, Chủ Biên Tang Du, Dịch Giả Phong Đảo, Nhà Xuất Bản Đồng Văn, Tr.8
No comments:
Post a Comment