Phương Trời Nam
SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
01
Tháng Ba, 1998
Kính thưa quý
thính giả
Các bạn sinh viên
học sinh thân mến
Trại hè liên kết
do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Liên Bang Úc Châu tổ chức tại Wollongong vào các
ngày 13 đến 15 Tháng Hai, năm 1998, cách đây hai tuần. Tôi chắc là một số bạn
đang nghe chương trình này có tham dự trại hè đó, vui buồn xin giữ làm kỷ niệm
như một âm vang của thời đi học. Nhân dịp này, một CD nhạc với tựa đề Phương Trời Nam do Tổng Hội thực hiện đã
được ra mắt. Bài viết sau đây ghi lại những cảm nghĩ của một thính giả khi nghe
đĩa nhạc này.
Một bạn nào đó viết
lời giới thiệu trên bìa của đĩa nhạc như sau: “...Tuy không chứa đựng những ca khúc thành danh, trình bày bằng những giọng
ca thời thượng, nhưng Phương Trời Nam gói ghém tất cả những ưu tư khoắc khoải,
những tâm sự của giới trẻ trong từng ca khúc mới do chính các bạn sinh viên từ
nhiều nơi trên Úc Châu sáng tác, thực hiện và trình bày...” Tôi nghĩ bạn đó
đã nói đúng sự thật với một vẻ khiêm tốn đáng mến, và cần có ở những người trẻ.
Âm nhạc, cũng như
mọi hình thức nghệ thuật khác, mỗi bài hát, mỗi tác phẩm, nếu được viết, được
sáng tạo với một tâm hồn tự do thì đều có nét đẹp riêng của nó. Không cứ gì phải
là những ca khúc nổi danh mới gọi là hay, hoặc phải là những giọng ca nổi tiếng
mới gọi là tuyệt hảo. Có nhiều người trong chúng ta khi đi dự một buổi hòa nhạc
ở đâu đó, nghe giọng hát của một danh ca trên một sân khấu rực rỡ đèn màu, họ vẫn
không thấy xúc động; nhưng khi bất chợt đến nhà người bạn, cũng với ca khúc đó,
anh hay cô bạn ôm đàn say sưa hát, thì trong lòng mình bỗng nghe dạt dào rung cảm.
Phương Trời Nam là tập hợp những tiếng
hát như vậy, tiếng hát tâm tình của tuổi trẻ, tiếng hát say sưa của bạn bè
chúng ta.
Hai mươi năm trước
Nhất Hạnh đã viết trong Bông Hồng Cài Áo:
“...không có tình thương, hiếu chỉ là giả
tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi...”
Đó là một lời khuyên sâu sắc. Tình thương nuôi ta lớn, chỉ đường cho ta đi
trong đời. Trong cuộn băng video Paris by
Night 40, chủ đề Mẹ, ca khúc cuối cùng mang tên Mẹ năm 2000, do Phạm Duy viết và Khánh Ly trình bày; thành thật,
tôi không thấy điều gì mới trong giai điệu bản nhạc, và lời ca thì tôi không hiểu;
riêng tôi, tôi không thấy có gì hay trong ca khúc ấy.
Bông Hồng Nào Cho Mẹ, nhạc Nghi Tạ, lời
Ngô Minh Khiết, bài hát đầu tiên trong đĩa Phương Trời Nam, đối với tôi gần gũi
hơn, đó là: “...Con rong chơi suốt ngày,
đi tranh đua với với đời... Con đi xa vắng nhà, đi đêm khuya không về, những
cơn lo ngóng đợi bên mẹ hoài thôi...” Ngày con còn bé, nhọc nhằn đời mẹ cưu
mang. Ngày con đã lớn, vẫn hoài đèn sách, làm thơ tình vu vơ, và vẫn còn đem đến
cho mẹ những ưu phiền, thay vì những bông hồng dâng mẹ. Bạn tôi đã nghĩ, viết
và hát với tất cả sự yêu thương gởi đến cho một người mẹ. Tôi chắc như thế, bỡi
tôi tìm thấy tôi, hình ảnh của mẹ tôi trong bài hát ấy. Tôi biết chắc nhiều bạn
tôi cũng thế, và tôi sẽ không ngần ngại nói rằng tôi thích Bông Hồng Nào Cho Mẹ hơn là Mẹ
năm 2000 đã nói ở trên. Bài Mẹ Việt
Nam của Đức Thảo cũng khá hay mà tôi tôi đã trình bày cũng trong chương
trình này cách đây không lâu.
Tôi mong bạn tôi sẽ
tiếp tục sáng tác với một tâm hồn tự do và yêu thương như thế... Và tôi biết có
nhiều bạn bè khác của tôi nghe một bản nhạc, thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật
bằng chính tâm hồn mình, bằng đôi tai, đôi mắt của chính mình mà không phải qua
lăng kính của người khác, hay bọt sóng của dư luận đương thời.
Mẹ em đâu?
-Ngủ ngoài biển cả
Em của em đâu?
-Sóng cuốn đi rồi
Chị của em đâu?
Nghe chị thét trên mui
Ba em đâu?
Em lắc đầu không nói
...
Kẻ sống sót trong sáu tuần trôi nổi
Đã cắt thịt mình lấy máu thắm môi em
...
Mai em lớn dù phương nào cách biệt
Nhớ đừng bao giờ đổi máu Việt Nam
Máu thương yêu đã chảy bốn nghìn năm
Và sẽ chảy cho muôn đời còn lại
...
Bé thơ ơi cuộc đời em viên sỏi
Khóc một lần nước mắt chảy thiên thu
Đó là những trích
đoạn trong bài thơ Em bé Việt Nam và viên
sỏi của Trần Trung Đạo, kể chuyện một em bé gái Việt Nam, chừng năm, sáu tuổi,
đến trại tỵ nạn một mình, cứ chiều chiều ngóng ra bờ biển, đặt những viên sỏi,
giả làm kẹo, để dành cho những người thân sẽ vĩnh viễn không bao giờ trở về,
sau một chuyến đi. Bài thứ hai trong Phương
Trời Nam, Nhặt Xác Biển Đông, nhạc
và lời của Trần Thượng Chí, được hát với một giọng ca rất buồn, nói lên một tâm
trạng tương tự: Tôi xin được về nhặt xác
biển đông...nhặt xác em trong trại tỵ nạn, nhặt xác anh thiêu rụi muộn màng,
thiêu cả lòng người...Bi kịch tỵ nạn, tuổi trẻ Việt Nam trải qua và chứng
kiến, một lần nữa xin được nhắc đến.
Tôi không cho rằng
bài hát đó cố tình bi thảm hóa một sự kiện, như có một số ý kiến như thế. Nếu bạn
thấy có những con người như những thây ma, vì đói khát, đi lên từ bờ biển. Nếu
bạn thấy những giọt máu bắn tung tóe của những người mổ bụng tự tử, hay những
thi thể cháy đen thui vì tự thiêu, khi bị từ chối tư cách tỵ nạn một cách oan ức;
bạn sẽ thấy bài hát đó viết với một nỗi khổ nhọc và thông cảm, mà không có chút
cường điệu nào.
Hôm đi dự trại hè,
các bạn bàn thảo sôi nổi về đề tài tuổi trẻ và chính trị, có nhiều ý kiến rất
hay và tôi đã nghĩ rằng nếu bạn không thích bị quấy rầy bỡi những vấn đề lý
thuyết thì hãy tìm hiểu những gì xảy ra nơi bạn đang sống, tìm hiểu những cuộc
đời chung quanh bạn. Cho dẫu không muốn “nắm
giữ sự thật làm vũ khí ”như thánh Gandhi đã từng nói; thì từ sự hiểu biết đến
thông cảm và thương yêu cũng là một thái độ chính trị tích cực rồi. Bạn sẽ
thông cảm với những người thuộc thế hệ trước chúng ta, có những người không xứng
đáng với sự kính trọng của chúng ta; nhưng cũng có những người đáng cho chúng ta
ngã mũ kính chào về tư cách và tài năng của họ, và:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Như bài hát Bà Huyện Thanh Quan trong đĩa CD, và
Phương Trời Nam đang làm cái công việc đóng góp một phần bé nhỏ của nó trong
công việc nói lên cái sự thật mà phần lớn chúng ta đã trải qua đó.
Tuy vậy, Phương Trời Nam không hoàn toàn là những
ca khúc nói về nỗi khổ đau của quá khứ. Bạn sẽ tìm thấy ở đó một Thu Melbourne, gió miên man thổi về Nam
Cực, để lại nỗi trống vắng cô đơn cho những gả sinh viên ngơ ngẩn nhìn mây bay,
khi xa người yêu, nhớ kỷ niệm một thời tim
ta vô tình trải cỏ em đi, một Đợi Em
Tan Trường, một Thà của Hồ Trung
Lễ, và giọng ca rất ngọt của Nghiêm Lệ:
Thà là hạt mưa bay, ướt tóc em một ngày
Còn hơn anh đứng đợi, cuối đường chiều nắng
phai
Thà là chiếc lá thu, lênh đênh trên mặt hồ
Còn hơn em hứa hẹn, gặp nhau cỏ xanh mồ...
Với Phương Trời
Nam, bạn có một Nỗi Nhớ những lần điện
thoại, không vơi nỗi nhớ theo lời, nỗi nhớ làm mưa những ngày xa cách của Phan
Huy Lộc và Lam Điền, một Gọi Bóng Mặt Trời
của Đức Thảo, Thư Hùng và Quốc Thái, rền rỉ giai điệu buồn như những bài Không Tên, xin giữ nụ cười cho nhau để
bước em đi sỏi đá cũng ngậm ngùi.
Lối đi trên sân
trường trở thành lối mộng của biết bao người trẻ, cũng là tựa đề của một bản
song ca dìu dặt: Người yêu anh có nhớ, nhớ
từng chiều mây trắng bay. Người yêu
anh có nhớ, nhớ con đường tình đầu tiên...buồn thâm trầm, nhưng không có vẻ
đẫm lệ của một thời chinh chiến: Trả lại
em yêu, khung trời đại học, với nước mắt lóng lánh trong đôi mắt của cô
sinh viên buồn trong cái hiu hiu của ngọn đèn cư xá. Cô sinh viên có người yêu
ngoài mặt trận đang chợt nghĩ tới một điều cô sợ không dám nghĩ. Tất cả những
tình khúc đó nói lên sự khác biệt của những thế hệ Việt Nam, và cũng chính nó
làm cho những con người này thêm gần gũi, thông cảm cho nhau hơn. Tình khúc Việt
Nam đã từ lâu mang hình hài lịch sử.
Đại dương bao la
luôn là một đề tài hay của các nhạc sĩ Việt Nam. Trong đĩa nhạc này bạn lại gặp
lại đề tài biển cả, những cánh chim hải âu, em và một cuộc tình. Nhiều thứ quá
mà sao em vẫn cảm thấy bơ vơ, bỡi tâm hồn em chỉ có kỷ niệm đầy ắp những yêu
thương. Đó là tình khúc Biển và Tôi,
nhạc Nghi Tạ, lời Nghiêm Lệ. Tôi tin là cặp bài trùng này sẽ còn gây nhiều ngạc
nhiên cho chúng ta.
Rời khu vực trại,
tôi lang thang một đêm ở Sydney, đêm đó đúng là đêm lễ tình nhân – Valentine,
ngước nhìn trời đêm ở cảng Tình Nhân (Darling Habour), thấp thoáng một vài cặp
tình nhân đi qua trước mặt với nhiều những cành hồng trên tay, nhớ đến bài hát
Valentine trong đĩa nhạc, tôi mỉm cười một mình. Tác giả bài hát là bạn tôi, có
lẽ vì đường tình long đong quá nên nó hay viết tình ca. Còn tôi, có lẽ “xui”
cho nó là bạn tôi, nên cảm giác gặp gỡ thân
mật vui đùa hằng ngày có thể ảnh hưởng đến cái nhìn của tôi trong đối một số vấn
đề mà nó trân trọng.
Giáo sư Hồ Đình Chữ
đã viết: “Theo nghĩa từ nguyên, Việt có
nghĩa là vượt qua, phát dương lên, luôn luôn chiến đấu để thắng trở ngại, vượt
đi xa. Ý nghĩa của từ Việt đã hàm dưỡng đầy đủ đặc tính của dân tộc ta vậy”.
Bạn sẽ tìm thấy cái ý đó trong điệp khúc trầm hùng của bài hợp ca Phương Trời
Nam kết thúc đĩa nhạc, không phải: Ta về
cúi mái đầu sương điểm, nghe nặng từ tâm lượng đất trời. Mà như là: Ta về vươn sức trai Phù Đổng, cùng dựng lại
quê hương để tiếng ca chúng ta bay vút trên mọi nẻo ruộng đồng. Xin chia sẻ
với thính giả và các bạn cảm tình trân trọng và nồng hậu của tôi đối với đĩa nhạc
Phương Trời Nam.
Thân ái chào các bạn
Kính chào quý
thính giả.
Nguyên
Đại
Đại Học Melbourne
(Uni. of Melb.)
Tổng Hội Sinh Viên
Học Sinh Việt Nam Úc Châu