Đêm qua em về bên tôi
Buồn vui một dạo ta ngồi hàn huyên
Thời gian dâu bể luân phiên
Tình ta như vẫn bình yên thuở nào
Tình em ngày ấy mưa rào
Anh như đất cứng thấm vào được chi
Tình em một đóa hồng si
Anh là cơn gió xuân thì ngu ngơ
Thuyền còn cập bến đôi bờ
Nước đi đi mãi có chờ được đâu
Anh làm dang dở tình ngâu
Bây giờ nguyên vẹn cơn sầu em ơi!
Em về áo đó ngàn khơi
Bàn tay thon thả một thời học sinh
Bâng khuâng mơ một đường tình
Đến khi thức giấc giận mình, em đi...
Chừ em còn nhớ những gì?
Ngày mưa tháng nắng có thì bình yên
Thôi em! một thuở tình riêng
Đã theo con nước vào miền lãng du
Ngồi đây buổi sáng sa mù
Nghe cơn mưa rớt đội dù mà đi
Nguyên Đại
Melbourne
tháng 12, 1998
05 December 1998
25 June 1998
Người Chèo Thuyền và Lý Thuyết Trò Chơi: Game Theory
Trong lúc chúng tôi viết bài này thì cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ đang tổ chức một chiến dịch để ngăn chận một kế hoạch của chính phủ Clinton. Kế hoạch này nhằm bãi miễn những điều kiện do luật Jackson-Vanik[1] quy định. Chiến dịch nói trên do các bạn trẻ trong các tổ chức của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ tiến hành[2]. Cũng trong thời gian này thì một “quả bom” chính trị đã “nổ” ra tại Việt Nam và đang được dư luận báo chí theo dõi. Đó là việc lá thư kiến nghị của cựu tướng Trần Độ kêu gọi cần phải có cải tổ chính trị sâu rộng hơn nữa để ngăn ngừa một nguy cơ phân hóa trầm trọng trong đảng cộng sản Việt Nam.
Trao đổi với một số bạn trẻ trên mạng Internet, tôi thấy có hai khuynh hướng sau[3]: Một số bạn cho rằng cần phải phát triển kinh tế trước, cụ thể qua việc nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người rồi hãy nói chuyện dân chủ sau; bỡi vì theo như các bạn ấy thì không có một nước nào nghèo mà có dân chủ thật sự cả. Một số bạn khác thì cho rằng phát triển một quốc gia không phải chỉ là phát triển kinh tế như nhiều người thường lầm tưởng; hay như chế độ Hà Nội thường tuyên truyền, để che dấu mưu đồ độc quyền, độc đảng, cũng như lòng tham bán rẻ tài nguyên của đất nước rồi chuyển tiền ra ngoại quốc. Phát triển quốc gia đặt trọng tâm vào việc phát triển con người trên mọi phương diện: văn hóa, kỷ thuật và tâm linh. Lúc đó chính con người tạo ra sự phát triển kinh tế, để giúp cho họ có được một đời sống vật chất tiện nghi và một đời sống tinh thần toàn diện.
Trong bài viết này, chúng tôi cố gắng trình bày một vài sự tìm hiểu làm cơ sở cho một số ý kiến hết sức tổng quát về những vấn đề trên, bao gồm những thay đổi trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, các ý kiến về cải cách kinh tế và chính trị ở Việt Nam, cuối cùng là một số suy nghĩ về những người trẻ trong mối liên hệ với Việt Nam và quốc gia họ đang sống.
1. Thay đổi trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Việt Nam
Cho dù nhìn từ phía nào đi nữa thì các chính sách kinh tế của Hoa Kỳ cũng đóng một vai trò không thể phủ nhận được đối với công cuộc phát triển và các vấn đề chính trị, xã hội tại Việt Nam. Các chính phủ Mỹ, theo thời gian và tùy theo tình hình các quốc gia có chế độ độc tài, đã áp dụng một trong hai, hay thử nghiệm lần lượt cả hai chính sách sau đây:
- - Thúc đẩy cuộc cách mạng dân chủ bằng chiến lược cô lập kinh tế;
- Kích thích tiến trình dân chủ bằng sự hỗ trợ phát triển cơ chế thị trường.[4]
Dù vậy bất kỳ chính sách nào cũng không được tiếp tục nếu nó đi ngược lại quyền lợi về lâu dài của Mỹ.
Từ sau năm 1975 cho tới năm 1990, Mỹ theo đuổi chính sách cấm vận đối với Việt Nam. Hiện nay, Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách này đối với một số chính quyền độc tài.[5] Một số người ủng hộ chính sách này đã cho rằng chính sách cấm vận có tác dụng như một liều thuốc đắng, hay một “khổ nhục kế”[6]. Những hậu quả sau những cuộc chiến tranh dai dẳng và nối tiếp nhau; cộng với một cơ chế thiếu hiệu năng sẽ kéo theo những suy sụp trầm trọng trong nền kinh tế. Sự cùng cực trong đời sống nhân dân làm cho sự ủng hộ của họ đối với chính phủ sẽ yếu đi. Tất cả những tác nhân đó có thể tạo nên những biến động chính trị, và một cuộc cách mạng dân chủ, hay một cách ít lạc quan hơn, những cải tổ dân chủ sẽ phải được đem ra thực thi.
Một số người khác thì cho rằng cần phải duy trì ít nhất một phần của chính sách cấm vận như một áp lực, một điều kiện để đòi hỏi nhà Hà Nội phải thực hiện một số biện pháp nới lỏng hơn về mặt nhân quyền, hạn chế việc đàn áp tôn giáo v.v...Trong những năm gần đây, quan điểm này được nhiều hội đoàn của người Việt ủng hộ. Sự thiết lập một ủy ban nhằm vận động chống lại việc bãi miễn các ràng buộc của tu chính án Jackson–Vanik, như đã nói ở trên, là một ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế đã phê bình là chính sách này đã phá hoại các cố gắng của Việt Nam nhằm mở cửa nền kinh tế ra thế giới bên ngoài, và vì vậy không thể là mục tiêu lâu dài và hợp lý của Mỹ.[7] Sau biến cố Đông Âu và sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết tháng 2-1991, cũng như rút kinh nghiệm từ bài học đối với Trung Cộng, quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ về Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể. Trong cuốn Beyond Peace, cựu TT Hoa Kỳ, Richard Nixon, thuộc đảng Cộng Hòa, đã viết:
Vấn đề đặt ra là tìm cách nào tốt nhất để mở rộng thêm những cánh cửa để Việt Nam đón nhận những luồng gió tự do đang thổi mạnh trên khắp thế giới...lôi kéo Việt Nam vào sâu hơn trong sinh hoạt kinh tế toàn cầu, không phải với mục đích giúp đỡ cho chế độ cộng sản Việt Nam hiện tại mà là để tăng cường những động lực làm thay đổi chế độ ấy.[8]
Các chính trị gia ở Washington cũng như các nước Tây Phương cũng có những lập luận tương tự thường được nêu ra để làm cơ sở cho việc thay đổi chính sách của họ đối với Việt Nam. TT Hoa Kỳ đương nhiệm, Bill Clinton, thuộc đảng Dân Chủ, vừa đệ trình lên quốc hội dự luật bãi miễn những ràng buộc của tu chính án Jackson-Vanik đối với Việt Nam, và nhiều người cho rằng khả năng dự luật này được quốc hội Hoa Kỳ thông qua là rất rõ rệt. Tất cả những thực trạng trên đã chứng minh rằng chính sách của Mỹ, cũng như tất cả các nước đang phát triển đối với Việt Nam đã được xác định một cách rõ ràng và dứt khoát.
Trong suốt hơn 15 năm (1975-1990) thực thi chính sách cấm vận, đối với Việt Nam, cuộc cách mạng dân chủ đã không nổ ra, có thể giải thích điều này như sau: lịch sử của ngót một thế kỷ chống thực dân Pháp, và hơn hai mươi năm chiến tranh giữa hai miền Nam-Bắc, người dân Việt dù đứng ở chiến tuyến nào cũng chịu quá nhiều khổ đau và mất mát. Vì vậy chúng ta không ngạc nhiên khi đa số người Việt quay lưng lại với tất cả các hình thức của một cuộc cách mạng bạo động, cũng như những từ ngữ hoa mỹ như: thống nhất, độc lập, tự do, hạnh phúc...mà các phe phái chính trị đưa ra nhằm kêu gọi lập lại những xung động bạo lực để triệt hạ các phe phái khác. Vị trí đặc biệt của Việt Nam trong tình trạng dân trí thấp, do mọi thông tin bên ngoài bị đóng kín, cộng với chế độ xiết bao tử và công an trị đã không tạo điều kiện thuận lợi để làm nảy sinh một cuộc cách mạng dân chủ và ôn hòa. Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở các nước Đông Âu không kéo theo sự sự sụp đổ của chính quyền cộng sản Việt Nam đã chứng minh điều đó.
Chúng ta không phủ nhận ảnh hưởng của cộng đồng người Việt ở các quốc gia đang phát triển mà họ đang cư ngụ. Tuy nhiên, người Mỹ, người Úc, người Pháp, ...nói chung quyết định chính sách của họ đối với chính phủ cộng sản Việt Nam, chứ không phải cộng đồng người Việt cư ngụ trên quốc gia đó quyết định chính sách này. Đó là một sự thật hiển nhiên. Người Mỹ không làm, vả lại không thể làm được, cái công việc là đem tặng cho chúng ta một món quà có tên gọi là “Tự Do” hay “Dân Chủ”. Trên bình diện quốc gia, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không có gì khác hơn là một mối giao dịch, đại sứ Peterson đã xa gần nói đến ý này trong buổi lễ nhậm chức ở Việt Nam.
Vì vậy, ủng hộ hay chống đối các chính sách cấm vận toàn phần hay từng phần có điều kiện, một sự bình thường hóa hoàn toàn các mối quan hệ về kinh tế, chính trị giữa Mỹ và Việt Nam là một thực tế phải đối diện. Phát biểu, tranh luận, biểu tình....là những sinh hoạt dân chủ cần được tôn trọng, để bảo đảm là tiếng nói cua người dân, dù đứng về phía đa số hay thiểu số, cũng được lắng nghe. Tuy nhiên, nếu ý chí của nhân dân Mỹ, thể hiện qua quốc hội của họ, là thực hiện một sự bình thường hóa quan hệ hoàn toàn với Việt Nam; và nếu mong muốn của các nhà tư bản Hoa Kỳ là gia tăng thật nhiều lợi nhuận của họ tại Việt Nam, thì công việc của chúng ta là làm sao trong hoàn cảnh đó chúng ta tối đa hóa lợi ích của chúng ta.
Một người chèo thuyền khôn ngoan, trong đa số các trường hợp, anh ta không phải cố gắng thay đổi hướng chảy của dòng nước, hay buông trôi mặc cho dòng nước cuốn đi. Anh ta sẽ tìm cách giữ cho con thuyền thăng bằng và hướng nó đi đến những bến bờ mà anh ta muốn đến. Khoa kinh tế học có đề cập đến một lý thuyết gọi là Game Theory, tạm dịch là Lý Thuyết Trò Chơi, các kinh tế gia đã chứng minh rằng luôn luôn tồn tại một tình trạng nào đó mà những người tham dự trò chơi đều thỏa mãn, vì lợi ích của họ được tối đa hóa. Nếu mục tiêu của chúng ta là đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam, thì công việc hiện nay của chúng ta không có gì khác hơn là biến tất cả những đặc điểm đó của tình hình thành những lợi thế. Lợi dụng con nước chảy để đưa con thuyền chúng ta đến bến bờ. Muốn vậy, một số vấn đề về tổ chức và phương pháp cần phải được tái duyệt để thích nghi trong hoàn cảnh mới, nếu chúng ta muốn tồn tại như một cộng đồng người Việt, ở ngoài Việt Nam, mạnh mẽ và có tiếng nói chính trị hữu hiệu.
2. Vài nét về một số những chuyển biến quan trọng ở Việt Nam
Nói đến sự chuyển biến của một quốc gia như Việt Nam trong những ngày này người ta thường nhắc đến những cụm từ như: thị trường tự do, cải tổ chính trị, thực thi dân chủ, v..v... trong phần này của bài viết chúng tôi sẽ cố gắng trình bày những quan điểm có ít nhiều điểm tương đồng hay khác biệt về những vấn đề này.
Lá thư của cựu tướng cộng sản Trần Độ, gởi đến các nhân vật chóp bu trong đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 12-1997 là đề tài được nói đến nhiều trên các phương tiện truyền thông và báo chí, đặc biệt là báo chí Việt ngữ cách đây một tháng, và có lẽ còn âm vang trong nhiều ngày nữa. Nhìn lại một chặng đường hơn hai mươi năm cai trị của đảng đối với đất nước, kể từ sau biến cố tháng 4-1975, ông tướng già đã có một nhận xét khá chính xác:
“...Những năm đầu của thập niên 80 đất nước ta đã ở bên bờ vực thẳm. Cuộc đổi mới khởi phát từ năm 1986 đã đưa đất nước ra khỏi bờ vực thẳm đó. Hơn 10 năm qua, chúng ta đã có một số thành tích và tiến bộ, nhưng về cơ bản nước ta vẫn là một nước nghèo khổ và lạc hậu”[9]
Ông Độ đã nêu ra một số nguyên nhân của sự trì trệ và, “chững lại” của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn gần đây.[10] Ông đề nghị cần phải làm ngay hai việc là cho tự do ngôn luận và báo chí, và phải tổ chức bầu cử đường hoàng, nghĩa là chấm dứt việc bổ nhiệm trá hình.[11]
Nội dung bức thư, thực ra, không có gì mới, tuy nhiên nó xác nhận, hay tái khẳng định những điều mà một số các cây viết xuất sắc đã nói đến tới trước đây. Ông Hà Sĩ Phu đã nói tới những điều tương tự như thế cách đây 5 năm[12] Hòa thượng Thích Huyền Quang, trong Yêu Sách 9 điểm, ngày 25-6-1992 cũng đã viết: [đảng và nhà nước cộng sản] “...tuy kêu gọi mở cửa kinh tế, nhưng lại để cho tham vọng độc quyền và đặc lợi của một cơ chế nhà nước bóp chết sự phát triển của thị trường tự do”.
Cách đây 10 năm, trong cuốn Chìa khóa của sự tiến bộ kinh tế, tác giả PG Kousoulas, tiến sĩ Hy Lạp về quan hệ quốc tế cũng đã nhắc đến nhu cầu của một thị trường tự do trong những quốc gia như Việt Nam[13]
Cái đáng chú ý hơn là người viết, tác giả nguyên là Thượng Tướng CSVN, và đã có lúc giữ chức Trưởng ban Văn Hóa Trung Ương Đảng CSVN. Vào tháng 11-1997, nhà toán học Phan Đình Diệu trong một bài phát biểu tại hội nghị Đoàn Chủ Tịch BCH Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc mở rộng, tại Hà Nội, ngày 15-12-1997, cũng đã có một bài phát biểu kêu gọi việc thực hiện dân chủ cho Việt Nam, theo đúng những nguyên tắc dân chủ phổ quát trên thế giới. Người ta cũng biết đến một bản kiến nghị do ông Hoàng Hữu Nhân, nguyên Bí Thư Thành Ủy Hải Phòng và cũng là cựu trưởng ban kinh tế trung ương Đảng, gởi đến BCH Trung ương đảng CSVN từ tháng 11-1997. Ông Hoàng Minh Chính, cựu Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Mác-Lê, người được xem là đầu đàn của nhóm mà đảng cho là “xét lại chống đảng” cũng đang chuẩn bị đưa ra một chương trình cải tổ đất nước theo hướng dân chủ, tự do, đa nguyên, đa đảng.[14] Chúng ta không nghi ngờ rằng trong hàng ngũ của những người cộng sản, một bộ phận đối lập đã hình thành và ngày càng có nhiều người tham gia.
Dựa vào nhận định của ông Độ: “Nếu cứ để bùng nhùng kéo dài thì tình hình xã hội sẽ mất ổn định ngày càng lớn. Đảng lại buộc phải đối phó, đàn áp và cuối cùng cũng phải tan rã”[15] trong liên hệ với các sự việc trên, và những vụ nổi dậy gần đây của nông dân các tỉnh Thái Bình và Đồng Nai, đã được báo chí và các phương tiện truyền thông nhắc tới trong nhiều ngày qua, có người đã vội kết luận là “tình hình đảng CSVN đã cực kỳ nguy ngập”.[16] Nhận xét đó có vội vả, và quá lạc quan không?
Một số người quan sát khác thì có vẻ thận trọng và dè dặt hơn. Họ cho là thách thức lớn nhất đối với chế độ này không nằm ở bất kỳ nguy cơ sụp đổ cấp kỳ nào, mà ở nhiệm vụ lâu dài, là thể chế hóa trong khi thiếu một mô hình cụ thể thích hợp đối với tình hình Việt Nam.[17] Những người này cho rằng, dẫu sao, Việt Nam vẫn là một xã hội nông nghiệp với trình độ kinh tế thấp, và trên nền tảng xã hội đó, đảng CSVN đã bắt rễ khá chắc chắn, nhất là ở nhiều khu vực nông thôn. Việt Nam thiếu vắng những tổ chức dân sự đủ mạnh, có một không gian văn hóa, xã hội nằm ngoài những tác động tương hỗ với khuôn khổ thiết chế của nhà nước, chẳng hạn như giáo hội hay phong trào Công Đoàn Đoàn Kết của Ba-Lan; những tổ chức đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong những đảo lộn chính trị ở Đông Âu và Liên Xô.
Họ nhận xét là trong điều kiện Việt Nam, khó có thể hình dung trong tương lai cơ sở xã hội cho việc xây dựng một đảng có khả năng cạnh tranh với đảng cộng sản Việt Nam. Việc phát triển kinh tế có khả năng cơ cấu lại nền chính trị trong nội bộ đảng CSVN hơn là tạo nên nhưng đảng thay thế có uy tín.”[18] Trong sự phân tích kinh tế đơn thuần, những người này cũng cho rằng điều cần thiết không phải là sự rút lui của nhà nước theo cái gọi là “những bước đi tự do hóa hết thảy”, mà vấn đề là phải thận trọng “điều hành trực tiếp một hệ thống kinh tế hổn hợp”. Thị trường và nhà nước sẽ vẫn tiếp tục chưa hoàn hảo, nhưng nhiệm vụ quan trọng quán xuyến vẫn phải là phát triển cả hai. Vứt bỏ nhà nước cũng sẽ tai hại như “tội lỗi” truyền thống của các nước không chịu công nhận thị trường. Hầu như tất cả các trường hợp kinh tế thành công đều có sự can thiệp của nhà nước ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, các chiến lược can thiệp cũng đòi hỏi phải thận trọng, phải kỷ năng linh hoạt và sẳn sàng nhận sai lầm và sửa chữa những sai lầm đó.[19]
Hai khuynh hướng trên có nhiều điểm giống và khác nhau. Để ngắn gọn hơn, có thể nói, điểm giống nhau cơ bản giữa họ là đều kêu gọi một sự cải tổ cả về mặt chính trị và kinh tế. Điểm khác nhau cơ bản là nhóm thứ nhất yêu cầu một sự cải tổ mạnh mẽ và cấp tiến hơn về mặt chính trị, và sự mở đường trong lĩnh vực chính trị sẽ tạo nên những bước nhảy vọt về kinh tế. Nhóm thứ hai kêu gọi một sự đồng bộ trong cải cách kinh tế và cải cách chính trị, cái này làm nền tảng, bậc thang cho cái kia. Nhóm thứ nhất nhấn mạnh ở sự tiến bộ; trong khi nhóm thứ hai dành ưu tiên hơn cho sự ổn định.
Bên cạnh đó phải nói đến sự tồn tại của một nhóm người khăng khăng cho rằng sự lãnh đạo độc quyền của đảng cộng sản đã được “nhân dân chỉ định” và “đã được quy định trong hiến pháp”[20] Sự việc mà chính phủ CSVN mời ông Lý Quang Diệu làm cố vấn kinh tế có thể xem như một chỉ dấu của nhà cầm quyền Việt Nam trong việc tìm kiếm một mô hình kinh tế xã hội có thể duy trì quyền lợi chính trị độc tôn của một đảng, mà vẫn thoát được những bế tắc về kinh tế. Tuy nhiên, quy luật là quy luật, nó không tuân thủ theo ý chí của họ. Chẳng hạn đối với vấn đề tham nhũng đã lan tràn kinh khủng ở Việt Nam hiện nay, họ không muốn thừa nhận rằng đó là hệ quả tất yếu của một cơ cấu kinh tế - chính trị - xã hội lỗi thời và nhiều khuyết điểm, mà vẫn cứ xem như một hiện tượng tha hóa có thể giải quyết bằng sự kêu gọi hay trừng phạt.
Có lẽ phải kể đến những người thụ động hơn; họ không quan tâm đến bất kỳ một chủ trương chính trị nào cả. Số này thực sự không nhỏ, và họ đóng vai trò vừa tích cực lại vừa tiêu cực. Tuy nhiên, trong phạm vi của đề tài của bài viết này, chúng ta sẽ không nói nhiều về họ ở đây.
Dù vậy, sự phân biệt này có tính chất lý thuyết, trên thực tế, khi bàn về những hành động cụ thể, tồn tại những “vùng xám” bao gồm một số người chấp nhận một số điểm trong đường lối của nhóm này, và một số điểm khác trong đường lối của nhóm kia. Tướng Độ là một ví dụ, ông kêu gọi việc mở rộng một thị trường tự do, và ban hành bộ luật về quyền tự do ngôn luận, báo chí. Mặc khác, ông xác định rằng: “...tôi vẫn tán thành và ủng hộ vai trò lãnh đạo chính trị của Đảng, tôi thấy vai trò đó cần thiết”[21]
3. Người trẻ Việt Nam và những vấn đề chính trị
Ngày nay người ta nói nhiều đến một tuổi trẻ không có lý tưởng ở Việt Nam; và cái gọi là “dị ứng chính trị” trong giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại.
Trong một cuộc phỏng vấn do đài VOA thực hiện ngày 29-7-1995, ông Hà Sĩ Phu nói rằng:
“Tôi thấy sinh viên trong nước bây giờ không giống sinh viên ngày xưa. Thời thị trường này họ chỉ lo học tiếng Anh, lo học vi tính, quản trị kinh doanh...để lập nghiệp. Những chuyện tâm huyết về lý tưởng, về vận mệnh nước nhà chẳng ai buồn nghe. Một số người trẻ vào Đảng thì thực ra cũng chẳng có lý tưởng như ngày xưa, họ vào Đảng để có cơ hội tiến thân và lập nghiệp.”[22]
Và ông giải thích rằng cũng không trách họ được, mặc dù đó là điều nguy hiểm và đáng buồn, nhưng “thầy nào thì trò nấy”.
Ông Hà Sĩ Phu có thiếu lạc quan khi có một nhận xét như vậy không? Có thể, nhưng giả định rằng nhận xét của ông xuất phát từ hiện tượng mà ông chứng kiến hay từ những người mà ông tiếp xúc. Và chúng ta cũng thỏa thuận với nhau rằng chúng ta đang nói tới khuynh hướng của số đông, tức là không vội xét đến những trường hợp cá biệt. Trong tương quan đó, nếu chúng ta cho là nhận xét trên của ông Hà Sĩ Phu phản ánh tương đối chính xác một thực tế, thì thử đặt một câu hỏi “tại sao?” để cùng giải đáp, thiết nghĩ không phải là thừa.
Hình như tất cả những từ ngữ đẹp đẽ, những lý tưởng cao đẹp đã được sử dụng hết mức trong 20 năm của của cuộc chiến. Họ, những người trẻ sôi sục lý tưởng năm xưa, được gì? Họ là những kẻ chiến thắng ư? Vài người trong số họ lên xe xuống ngựa, còn họ “...anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương...”[23] Bài hát quê hương hay thật đấy, nhưng lại là một quê hương nghèo đói và lạc hậu, thiếu mọi thứ tự do cơ bản. Họ là những kẻ chiến bại ư? Một trại cải tạo, một gia đình ly tán, một bản lý lịch “lem luốc”, một cuộc sống khổ sở, bị đè nén đã chờ họ sau những ngày tù tội. Hơn hai mươi năm đã qua, vết thương có thể phần nào đã lành miệng, nhưng vết sẹo chưa tan, và có lẽ còn đi theo người ta cho đến cuối cuộc đời.
Nhắc chi đến chuyện lý tưởng nữa! – có lẽ họ sẽ nói như vậy – cuộc chiến đã đốt cháy loang lỗ lý tưởng trong tâm tư của nhiều người, mùi vị cháy khét cay đắng đó nếu có lan tỏa ra thêm một vài thế hệ sau đó cũng là điều có thể hiểu được. Quên nó đi! Có lẽ họ sẽ đáp như vậy đối với những “lòng yêu nước”, “tinh thần dân tộc”, “chủ nghĩa Mác”, “tư tưởng HCM”...hãy nghĩ tới bản thân mình, gia đình mình trước đã, mà an ninh và tiện nghi là điều quan trọng hơn hết thảy. Họ học cái “thực” của chủ nghĩa Marx, cái “cụ thể” rõ ràng của tư tưởng HCM, qua thực tiễn đời sống khốc liệt đang xảy ra chung quanh họ, chứ không phải những điều tốt đẹp trên "thiên đàng" được ghi chép trong các sách báo của chính phủ cộng sản. Họ học cái tôi của họ trong “tình đồng chí” mỹ miều mà họ có với những người làm việc chung với họ, từ cấp trên của họ, chứ không phải từ lý thuyết của ông Mao bên Tàu. Nói với họ, về những điều nghe chừng với nghịch lý với đời sống chung quanh họ, những điều mà họ không muốn nghe, điều đó có phải là một cách thức hợp lý không?
Chế độ mở cửa, hay “cởi mở”, thêm một chút sinh khí cho những ước mơ vật chất, nhưng rất người của họ. Quyền lực, chủ thuyết chính trị, thậm chí đảng phái chính trị, họ cho là chưa cần thiết vào lúc này. Cái họ cần bây giờ là một khả năng học tập và làm việc thật sự, để có thể kiếm việc làm ở các công ty nước ngoài. Họ cần một sự tháo vát, những thông tin đầy đủ để tạo nên sự giàu có, hay ít nhất một sự sung túc sau những tháng năm bị trói tay kinh tế. Họ cũng không cần biết đến bên cạnh họ còn có biết bao nhiều người cùng tuổi nhưng không có cơ hội như họ. Mặc kệ, phải lao tới trước trong một con đường hầm mà cánh cửa vừa được hé mở ra đôi chút đó. Tại sao họ phải bỏ thời gian ngồi lại, để nghe ai đó lập lại những điệp từ, điệp ngữ đã từng bị lạm dụng một cách xấu xa hai mươi, ba mươi năm trước đây.
Hãy nói với họ bằng ngôn ngữ khác, hãy nghĩ tới quyền lợi của chính họ. Hãy nói cho họ biết về cách thức mà người ta có thể phát triển tối đa quyền lợi của mình, mà vẫn không xâm phạm đến quyền lợi của người khác; bỡi đó là cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của họ. Hãy nói với họ về sự hợp tác, sự tương nhượng để duy trì, phát triển, và bảo vệ lâu dài quyền lợi của họ. Hãy để họ thuyết phục và chấp nhận sự thuyết phục. Hãy cùng với họ tìm kiếm con đường thích hợp, và đứng đắn cho chính cho chính họ. Hãy giúp họ tìm kiếm cái mà họ cần hơn là áp đặt họ phải đi tìm điều này, điều nọ. Lý thuyết trò chơi (Game Theory), hay quy luật của người chèo thuyền có thể sử dụng ở đây, khi họ tự kết hợp lại với nhau để có thể tối đa hóa quyền lợi của họ, và lập thành một thế cân bằng đối trọng với một nhóm khác. Chính họ hình thành một xã hội dân chủ cho chính họ và những thế hệ mai hậu. Và đó là hình ảnh của một Việt Nam trong tương lai.
Bây giờ hãy nói về hiện tượng “dị ứng chính trị” – Tại sao? Nhiều người trẻ được sinh ra hay trưởng thành ở đây, hải ngoại, cũng lại “ghét” “chính trị”, ghét nói những chuyện mà họ nhập chung lại một từ gọi là “chính trị”? Không, có lẽ phải đặt câu hỏi theo lối ngược lại, tại sao họ lại quan tâm đến những vấn đề chính trị ở Việt Nam, một nơi mà họ không có nhiều hiểu biết và cũng chưa có một thời gian dài thực sự gắn bó. Bảo rằng họ phải thông cảm cho hoàn cảnh của 70 triệu đồng bào ở quê nhà. Những người thân trong gia đình họ, họ có thể tạm hiểu được, nhưng tại sao họ lại phải thông cảm cho những người trong nước mà họ chưa từng quen biết? Vì tình đồng bào ư? Vì dòng giống Tiên-Rồng ư? Huyền thoại lịch sử đó hình như đã được nhắc nhở quá nhiều. Họ không phủ nhận, có thể họ sẽ cùng ngợi ca nữa chứ. Trẻ trung, họ có thể nức lòng đôi chút, nhưng thực tế đời sống không cho phép họ cứ mãi quay lui nhìn về lịch sử xảy ra trên một vùng đất ngàn dặm cách xa, cho dù họ có muốn đi nữa.
Còn gia đình của họ, còn bản thân của chính họ? Ai chăm sóc cho quyền lợi của họ? Ai giúp họ giải quyết những vấn đề nan giải khi họ còn đi học, hay khi họ đã ra trường? Ai cho họ mượn tiền trả học phí, và giúp họ qua trợ cấp Austudy[24] để họ có cơ hội học hành? Bổn phận của họ đối với đất nước mà họ đang sống, dẫu không được điểm tô một cách rực rỡ màu sắc như ở một số quốc gia trong quá khứ, nhưng cũng là một thực tại hiển nhiên không thể phủ nhận được qua những ràng buộc về vật chất cũng như tinh thần. Một nửa, nhưng là một nửa thực tế của họ, thuộc về xứ sở này. Đối với họ, làm một người Úc, người Mỹ, người Đức... vừa thực tế vừa đơn giản hơn nhiều. Họ không phải là người lưu vong. Họ không có tâm trạng lưu vong. Đây là quê hương cụ thể thực sự của họ, theo cái nghĩa quê hương là nơi một người sinh ra và lớn lên với nhiều kỷ niệm ấu thơ ở đó.
Họ không thích nghe chửi cộng sản, càng không thích nghe bàn về một Việt Nam hậu cộng sản v.v... Họ tán thành và họ im lặng. Họ khá lễ độ, bỡi dòng máu Việt Nam còn chảy trong người của họ. Nhưng họ không có thú vị khi làm cái công việc lên án nhà cầm quyền Việt Nam, cho dù bằng cách này hay cách khác. Họ không có được sự hả hê của cha mẹ họ, khi làm việc này, bỡi họ được sinh ra và trưởng thành trên một vùng đất vắng bóng chiến tranh và thù hận. Một cách nói trần trụi thực tế hơn, họ không có quyền lợi vật chất khi làm việc đó, họ không có nhu cầu tinh thần và tâm lý để phải được thỏa mãn bằng cách làm những công việc đó, và nếu vì tò mò, họ sẽ không trở lại công việc đó một cách thường xuyên. Thực ra, họ không đáng trách, ít ra họ cũng đã rất thành thật, đáng tôn trọng hơn những kẻ miệng nói yêu nước mà chỉ tìm mọi cơ hội để bất chấp mọi thủ đoạn trục lợi cho riêng mình.
Hãy đến với họ bằng con đường khác. Hãy nghĩ về tâm trạng của họ, nhu cầu của họ, quyền lợi của họ. Một đoàn thể tổ chức tốt có thể giúp họ tương trợ để giải quyết những vấn đề khó khăn của chính họ. Quan hệ gia đình tốt đẹp, những giao hảo thân tình, sẽ giúp họ hiểu nhiều hơn về những cuộc đời chung quanh họ. Tình thân, sự đối xử tốt đẹp, kinh nghiệm, khổ đau quá khứ của thế hệ cha anh, của bạn bè chỉ có thể đến được qua sự gần gũi, tiếp cận. Một sự tiếp cận tự nhiên. Hãy đối với họ bằng tấm chân tình, hãy nói với họ bằng tất cả sự thật.
Đừng hô khẩu hiệu, thời đại hô khẩu hiệu đã đi qua. Họ không thích hô khẩu hiệu. Họ sẽ quyết định việc làm của họ trên nền tảng của sự hiểu biết sự thật. Họ có đủ khả năng để làm người khai phá; giúp họ nhưng hãy để tự họ đi. Họ không thích có người dẫn đường. Họ không thích bị chỉ định thuyết phục. Họ có đủ tài năng để làm chủ con đường của họ. Hãy đặt trong tay họ sự thật, tình thân và sự tự do, và họ sẽ lên đường.
Nguyên Đại
Melbourne, Úc Châu
Tháng Ba, 1998
Tham luận đã được lược đọc tại
Đại Hội Chuyên Gia Việt Nam 1998
[1] Kế hoạch bãi miễn của chính phủ Clinton nếu thành công sẽ dẹp đi trở ngại cuối cùng trong việc bình thường hóa quan hệ hoàn toàn giữa hai quốc gia, theo đó chính phủ cộng sản Việt Nam sẽ hưởng được những quyền lợi kinh tế như: Tư cách Tối Huệ Quốc (The Most Favorite Nation Status (MFN), liên hợp trong tổ chức đầu tư tư nhân ngoại quốc (Overseas Private Investment Corp (OPIC), Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu (Export-Import Bank) (Exim Bank) hay những hiệp ước trao đổi mậu dịch.
[2] Nhóm Vietnamese Political Action Committee/VPAC, Liên đoàn cử tri Mỹ gốc Việt, Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển đề xướng một chiến dịch và có nhiều người Việt ở Hoa Kỳ hưởng ứng nhằm kêu gọi chính phủ Mỹ chỉ nên bãi miễn điều luật Jackson-Vanik một khi Việt Nam không những hợp tác trong những chương trình xuất cảnh như HO, ODP, ROVR (Re-settlement Opportunity for Vietnamese Returnees), mà còn phải tuân thủ các điều kiện vẩ nhân kiện v kkiện kiện và kiện về nhân quyền ở tại Việt Nam bao gồm việc trả tự do cho một số tù nhân chính trị, và ngưng việc phá sóng đài Á Châu Tự Do.
[3] Diễn Đàn Tuổi Trẻ Việt Nam Trẻ (Vietnamese Youth Forum)
[4] Đào Trường Phúc, Những điểm nóng sau chiến tranh lạnh, tr. 221
[5] Chẳng hạn ở Iraq, chính sách cấm vận cho đến hiện nay vẫn được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn ảnh hưởng của Saddam Hussein ở vùng Vịnh. Tương tự như đối với Cuba, cho đến năm 1994, Tổng Thống Clinton đã khẳng định tiếp tục duy trì chính sách đã được quy định trong section 1703 của đạo luật mang tên Cuban Democracy Act 1992 (thời tổng thống Bush), theo đó Hoa Kỳ cương quyết áp dụng lệnh cấm vận đối với Cuba và chỉ nới lỏng các biện pháp hạn chế về kinh tế khi nào Cuba chứng tỏ những tiến triển rõ rệt về mặt dân chủ hóa- Chú Thích số 4, tr. 121
[6] Chú thích số 4, tr. 121
[7] Bourje Ljunggren, Những thách thức trên con đường cải cách ở Đông Dương (1994) tr. 60
[8] Chú thích số 4, tr. 35-36
[9] Lá thư Trần Độ, The Vietnamese Herald Việt Luận Magazine (Melbourne) 10-2-1998, tr. 28
[10] Có thể tóm gọn những nguyên nhân đó như sau:
- Thứ nhất, cho đến nay chính phủ vẫn nhì nhằng nửa nạc nửa mỡ trong việc “mở rộng thị trường tự do, nhưng kiên trì theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, vì vậy họ nuôi dưỡng nhiều khu vực kinh tế quốc doanh thua lỗ liên miên, và cũng là những “ổ tham nhũng”, và ngăn chặn ảnh hưởng tích cực của thị trường tự do.
- Thứ hai, đảng CS đã đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của đất nước, và không làm tốt vai trò lãnh đạo của họ, không tập trung được sức mạnh trí tuệ của toàn dân. Lá Thư Trần Độ, Bán Tuần Báo Việt Luận 13-2-1998, tr. 61
[11] Lá thư Trần Độ, chú thích số 9, tr. 61
[12] Tháng 5-1993, ông Hà Sĩ Phu đã viết trong bài Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân như sau: Một hình thái kinh tế-xã hội mà hạ tầng là kinh tế thị trường, thượng tầng là Xã Hội Chủ Nghĩa...nếu kết hợp với nhau thì còn nguy hiểm hơn... (và) người dân nghèo thấp cổ bé họng sẽ bị cả hai cơ chế ràng buộc, kể có quyền có tiền sẽ lợi dụng được cả hai cơ chế để chơi trò “bật tường” hoặc trò “ú tim”, lúc núp dưới cơ chế này, lúc núp dưới cơ chế kia, không luật pháp nào trị nổi”. Tạp Chí Thế Kỷ 21 (ed) “Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân” Tuyển tập Hà Sĩ Phu (1996) 102-103
[13] Năm 1989, TS Kousoulas đã viết: “Muốn nhân dân có hạnh phúc, xã hội phát triển thì chỉ có một con đường là công nghiệp hóa và kinh tế thị trường, mặc dù những phức tạp đi theo nó là không thể tránh khỏi, nhưng muốn làm được như thế thì phải từ bỏ ý thức hệ độc tôn...Một chế độ độc quyền không giới hạn có thể tác yêu tác quái thực sự đối với nền kinh tế của đất nước, và biến thành một kẻ bóc lột nhân dân. Thế Kỷ 21 (ed), chú thích số 12, tr. 106
[14] Thêm 3 nhân vật uy tín ở Hà Nội đòi CSVN cải tổ chính trị, The Vietnamese Herald Việt Luận (Melbourne) 13-2-1988, tr. 64
[15] Lá thư Trần Độ, Chú thích số 9, tr. 53
[16] “Thêm 3 nhân vật...”. Chú thích số 14, tr. 64
[17] Những Thách Thức..., Chú thích số 7, tr. 537
[18] Như trên (17), tr. 540
[19] Như trên (17), tr. 546
[20] Báo Quân Đội nhân dân Việt Nam, 14-3-1998
[21] Lá thư Trần Độ..., tr. 29
[22] Tuyển Tập Hà Sĩ Phu, chú thích số 12
[23] Lời bài hát Vết Chân Tròn Trên Cát của nhạc sĩ Trần Tiến
[24] Một loại trợ cấp xã hội mà chính phủ Úc tài trợ cho những người đi học, tương tự như trợ cấp thất nghiệp.
01 March 1998
Phương Trời Nam
Phương Trời Nam
SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
01
Tháng Ba, 1998
Kính thưa quý
thính giả
Các bạn sinh viên
học sinh thân mến
Trại hè liên kết
do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Liên Bang Úc Châu tổ chức tại Wollongong vào các
ngày 13 đến 15 Tháng Hai, năm 1998, cách đây hai tuần. Tôi chắc là một số bạn
đang nghe chương trình này có tham dự trại hè đó, vui buồn xin giữ làm kỷ niệm
như một âm vang của thời đi học. Nhân dịp này, một CD nhạc với tựa đề Phương Trời Nam do Tổng Hội thực hiện đã
được ra mắt. Bài viết sau đây ghi lại những cảm nghĩ của một thính giả khi nghe
đĩa nhạc này.
Một bạn nào đó viết
lời giới thiệu trên bìa của đĩa nhạc như sau: “...Tuy không chứa đựng những ca khúc thành danh, trình bày bằng những giọng
ca thời thượng, nhưng Phương Trời Nam gói ghém tất cả những ưu tư khoắc khoải,
những tâm sự của giới trẻ trong từng ca khúc mới do chính các bạn sinh viên từ
nhiều nơi trên Úc Châu sáng tác, thực hiện và trình bày...” Tôi nghĩ bạn đó
đã nói đúng sự thật với một vẻ khiêm tốn đáng mến, và cần có ở những người trẻ.
Âm nhạc, cũng như
mọi hình thức nghệ thuật khác, mỗi bài hát, mỗi tác phẩm, nếu được viết, được
sáng tạo với một tâm hồn tự do thì đều có nét đẹp riêng của nó. Không cứ gì phải
là những ca khúc nổi danh mới gọi là hay, hoặc phải là những giọng ca nổi tiếng
mới gọi là tuyệt hảo. Có nhiều người trong chúng ta khi đi dự một buổi hòa nhạc
ở đâu đó, nghe giọng hát của một danh ca trên một sân khấu rực rỡ đèn màu, họ vẫn
không thấy xúc động; nhưng khi bất chợt đến nhà người bạn, cũng với ca khúc đó,
anh hay cô bạn ôm đàn say sưa hát, thì trong lòng mình bỗng nghe dạt dào rung cảm.
Phương Trời Nam là tập hợp những tiếng
hát như vậy, tiếng hát tâm tình của tuổi trẻ, tiếng hát say sưa của bạn bè
chúng ta.
Hai mươi năm trước
Nhất Hạnh đã viết trong Bông Hồng Cài Áo:
“...không có tình thương, hiếu chỉ là giả
tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi...”
Đó là một lời khuyên sâu sắc. Tình thương nuôi ta lớn, chỉ đường cho ta đi
trong đời. Trong cuộn băng video Paris by
Night 40, chủ đề Mẹ, ca khúc cuối cùng mang tên Mẹ năm 2000, do Phạm Duy viết và Khánh Ly trình bày; thành thật,
tôi không thấy điều gì mới trong giai điệu bản nhạc, và lời ca thì tôi không hiểu;
riêng tôi, tôi không thấy có gì hay trong ca khúc ấy.
Bông Hồng Nào Cho Mẹ, nhạc Nghi Tạ, lời
Ngô Minh Khiết, bài hát đầu tiên trong đĩa Phương Trời Nam, đối với tôi gần gũi
hơn, đó là: “...Con rong chơi suốt ngày,
đi tranh đua với với đời... Con đi xa vắng nhà, đi đêm khuya không về, những
cơn lo ngóng đợi bên mẹ hoài thôi...” Ngày con còn bé, nhọc nhằn đời mẹ cưu
mang. Ngày con đã lớn, vẫn hoài đèn sách, làm thơ tình vu vơ, và vẫn còn đem đến
cho mẹ những ưu phiền, thay vì những bông hồng dâng mẹ. Bạn tôi đã nghĩ, viết
và hát với tất cả sự yêu thương gởi đến cho một người mẹ. Tôi chắc như thế, bỡi
tôi tìm thấy tôi, hình ảnh của mẹ tôi trong bài hát ấy. Tôi biết chắc nhiều bạn
tôi cũng thế, và tôi sẽ không ngần ngại nói rằng tôi thích Bông Hồng Nào Cho Mẹ hơn là Mẹ
năm 2000 đã nói ở trên. Bài Mẹ Việt
Nam của Đức Thảo cũng khá hay mà tôi tôi đã trình bày cũng trong chương
trình này cách đây không lâu.
Tôi mong bạn tôi sẽ
tiếp tục sáng tác với một tâm hồn tự do và yêu thương như thế... Và tôi biết có
nhiều bạn bè khác của tôi nghe một bản nhạc, thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật
bằng chính tâm hồn mình, bằng đôi tai, đôi mắt của chính mình mà không phải qua
lăng kính của người khác, hay bọt sóng của dư luận đương thời.
Mẹ em đâu?
-Ngủ ngoài biển cả
Em của em đâu?
-Sóng cuốn đi rồi
Chị của em đâu?
Nghe chị thét trên mui
Ba em đâu?
Em lắc đầu không nói
...
Kẻ sống sót trong sáu tuần trôi nổi
Đã cắt thịt mình lấy máu thắm môi em
...
Mai em lớn dù phương nào cách biệt
Nhớ đừng bao giờ đổi máu Việt Nam
Máu thương yêu đã chảy bốn nghìn năm
Và sẽ chảy cho muôn đời còn lại
...
Bé thơ ơi cuộc đời em viên sỏi
Khóc một lần nước mắt chảy thiên thu
Đó là những trích
đoạn trong bài thơ Em bé Việt Nam và viên
sỏi của Trần Trung Đạo, kể chuyện một em bé gái Việt Nam, chừng năm, sáu tuổi,
đến trại tỵ nạn một mình, cứ chiều chiều ngóng ra bờ biển, đặt những viên sỏi,
giả làm kẹo, để dành cho những người thân sẽ vĩnh viễn không bao giờ trở về,
sau một chuyến đi. Bài thứ hai trong Phương
Trời Nam, Nhặt Xác Biển Đông, nhạc
và lời của Trần Thượng Chí, được hát với một giọng ca rất buồn, nói lên một tâm
trạng tương tự: Tôi xin được về nhặt xác
biển đông...nhặt xác em trong trại tỵ nạn, nhặt xác anh thiêu rụi muộn màng,
thiêu cả lòng người...Bi kịch tỵ nạn, tuổi trẻ Việt Nam trải qua và chứng
kiến, một lần nữa xin được nhắc đến.
Tôi không cho rằng
bài hát đó cố tình bi thảm hóa một sự kiện, như có một số ý kiến như thế. Nếu bạn
thấy có những con người như những thây ma, vì đói khát, đi lên từ bờ biển. Nếu
bạn thấy những giọt máu bắn tung tóe của những người mổ bụng tự tử, hay những
thi thể cháy đen thui vì tự thiêu, khi bị từ chối tư cách tỵ nạn một cách oan ức;
bạn sẽ thấy bài hát đó viết với một nỗi khổ nhọc và thông cảm, mà không có chút
cường điệu nào.
Hôm đi dự trại hè,
các bạn bàn thảo sôi nổi về đề tài tuổi trẻ và chính trị, có nhiều ý kiến rất
hay và tôi đã nghĩ rằng nếu bạn không thích bị quấy rầy bỡi những vấn đề lý
thuyết thì hãy tìm hiểu những gì xảy ra nơi bạn đang sống, tìm hiểu những cuộc
đời chung quanh bạn. Cho dẫu không muốn “nắm
giữ sự thật làm vũ khí ”như thánh Gandhi đã từng nói; thì từ sự hiểu biết đến
thông cảm và thương yêu cũng là một thái độ chính trị tích cực rồi. Bạn sẽ
thông cảm với những người thuộc thế hệ trước chúng ta, có những người không xứng
đáng với sự kính trọng của chúng ta; nhưng cũng có những người đáng cho chúng ta
ngã mũ kính chào về tư cách và tài năng của họ, và:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Như bài hát Bà Huyện Thanh Quan trong đĩa CD, và
Phương Trời Nam đang làm cái công việc đóng góp một phần bé nhỏ của nó trong
công việc nói lên cái sự thật mà phần lớn chúng ta đã trải qua đó.
Tuy vậy, Phương Trời Nam không hoàn toàn là những
ca khúc nói về nỗi khổ đau của quá khứ. Bạn sẽ tìm thấy ở đó một Thu Melbourne, gió miên man thổi về Nam
Cực, để lại nỗi trống vắng cô đơn cho những gả sinh viên ngơ ngẩn nhìn mây bay,
khi xa người yêu, nhớ kỷ niệm một thời tim
ta vô tình trải cỏ em đi, một Đợi Em
Tan Trường, một Thà của Hồ Trung
Lễ, và giọng ca rất ngọt của Nghiêm Lệ:
Thà là hạt mưa bay, ướt tóc em một ngày
Còn hơn anh đứng đợi, cuối đường chiều nắng
phai
Thà là chiếc lá thu, lênh đênh trên mặt hồ
Còn hơn em hứa hẹn, gặp nhau cỏ xanh mồ...
Với Phương Trời
Nam, bạn có một Nỗi Nhớ những lần điện
thoại, không vơi nỗi nhớ theo lời, nỗi nhớ làm mưa những ngày xa cách của Phan
Huy Lộc và Lam Điền, một Gọi Bóng Mặt Trời
của Đức Thảo, Thư Hùng và Quốc Thái, rền rỉ giai điệu buồn như những bài Không Tên, xin giữ nụ cười cho nhau để
bước em đi sỏi đá cũng ngậm ngùi.
Lối đi trên sân
trường trở thành lối mộng của biết bao người trẻ, cũng là tựa đề của một bản
song ca dìu dặt: Người yêu anh có nhớ, nhớ
từng chiều mây trắng bay. Người yêu
anh có nhớ, nhớ con đường tình đầu tiên...buồn thâm trầm, nhưng không có vẻ
đẫm lệ của một thời chinh chiến: Trả lại
em yêu, khung trời đại học, với nước mắt lóng lánh trong đôi mắt của cô
sinh viên buồn trong cái hiu hiu của ngọn đèn cư xá. Cô sinh viên có người yêu
ngoài mặt trận đang chợt nghĩ tới một điều cô sợ không dám nghĩ. Tất cả những
tình khúc đó nói lên sự khác biệt của những thế hệ Việt Nam, và cũng chính nó
làm cho những con người này thêm gần gũi, thông cảm cho nhau hơn. Tình khúc Việt
Nam đã từ lâu mang hình hài lịch sử.
Đại dương bao la
luôn là một đề tài hay của các nhạc sĩ Việt Nam. Trong đĩa nhạc này bạn lại gặp
lại đề tài biển cả, những cánh chim hải âu, em và một cuộc tình. Nhiều thứ quá
mà sao em vẫn cảm thấy bơ vơ, bỡi tâm hồn em chỉ có kỷ niệm đầy ắp những yêu
thương. Đó là tình khúc Biển và Tôi,
nhạc Nghi Tạ, lời Nghiêm Lệ. Tôi tin là cặp bài trùng này sẽ còn gây nhiều ngạc
nhiên cho chúng ta.
Rời khu vực trại,
tôi lang thang một đêm ở Sydney, đêm đó đúng là đêm lễ tình nhân – Valentine,
ngước nhìn trời đêm ở cảng Tình Nhân (Darling Habour), thấp thoáng một vài cặp
tình nhân đi qua trước mặt với nhiều những cành hồng trên tay, nhớ đến bài hát
Valentine trong đĩa nhạc, tôi mỉm cười một mình. Tác giả bài hát là bạn tôi, có
lẽ vì đường tình long đong quá nên nó hay viết tình ca. Còn tôi, có lẽ “xui”
cho nó là bạn tôi, nên cảm giác gặp gỡ thân
mật vui đùa hằng ngày có thể ảnh hưởng đến cái nhìn của tôi trong đối một số vấn
đề mà nó trân trọng.
Giáo sư Hồ Đình Chữ
đã viết: “Theo nghĩa từ nguyên, Việt có
nghĩa là vượt qua, phát dương lên, luôn luôn chiến đấu để thắng trở ngại, vượt
đi xa. Ý nghĩa của từ Việt đã hàm dưỡng đầy đủ đặc tính của dân tộc ta vậy”.
Bạn sẽ tìm thấy cái ý đó trong điệp khúc trầm hùng của bài hợp ca Phương Trời
Nam kết thúc đĩa nhạc, không phải: Ta về
cúi mái đầu sương điểm, nghe nặng từ tâm lượng đất trời. Mà như là: Ta về vươn sức trai Phù Đổng, cùng dựng lại
quê hương để tiếng ca chúng ta bay vút trên mọi nẻo ruộng đồng. Xin chia sẻ
với thính giả và các bạn cảm tình trân trọng và nồng hậu của tôi đối với đĩa nhạc
Phương Trời Nam.
Thân ái chào các bạn
Kính chào quý
thính giả.
Nguyên
Đại
Đại Học Melbourne
(Uni. of Melb.)
Tổng Hội Sinh Viên
Học Sinh Việt Nam Úc Châu
Subscribe to:
Posts (Atom)