Trước đây trong một buổi nói chuyện về thơ với sinh viên học sinh ở trường Đại Học Kỷ Thuật Victoria (Victoria Institute of Technology) Melbourne, Úc Châu, tác giả Nguyễn Hưng Quốc khuyên những người trẻ là : “Muốn nổi tiếng đừng nên làm thơ tình”. Theo thầy Quốc thì lý do đơn giản là xưa nay, người ta làm thơ tình quá nhiều, đã có nhiều bài hay lắm rồi; cho nên nếu mình làm thơ tình thì khó nổi tiếng. Tôi có đi dự buổi nói chuyện hôm đó, vì tôi thích thơ và thích nghe nói chuyện về thơ. Trong bài viết này, tôi mong được trình bày một vài quan niệm về thơ, như một chia sẻ cùng bạn bè tôi, đặc biệt là với những bạn yêu thơ.
Tôi nhìn vấn đề trên hơi khác với thầy Quốc một chút. Theo tôi, làm thơ là một thú vui tao nhã, người làm thơ dùng ngôn ngữ để diễn tả tình cảm của mình, những tâm sự, vui buồn trong cuộc sống, hay cảm nhận của họ có được từ những câu chuyện của họ với bạn bè, với những người chung quanh... Chung quy, thơ là tiếng vọng của đời sống, giống như bức tranh đối với người họa sĩ, bài hát đối với người nhạc sĩ, ca sĩ. Diễn tả, thể hiện là công việc của người làm nghệ thuật. Chiêm nghiệm, công nhận là thái độ của người yêu nghệ thuật. Bày tỏ là một nhu cầu của người nghệ sĩ, cũng như thưởng thức là nhu cầu của khán giả, thính giả, độc giả. Làm nghệ thuật và làm cho mình trở thành nổi tiếng hình như là hai vấn đề khác nhau. Tôi không nói rằng nó chẳng có ăn nhập gì với nhau, nhưng nhập chung chúng lại sẽ không tránh khỏi những ngộ nhận.
Để làm cho mình nổi tiếng trong giới làm thơ, có người hầu như không cần làm thơ cũng có được điều đó. Ai? Hồ Chí Minh, ông ta có một bộ máy bồi bút tuyên truyền cho ông ta. Ông ta có một bộ máy giáo dục để tiêm nhiễm vào đầu óc của nhiều thế hệ trẻ Việt Nam tại quê nhà về cái chất “Thơ”, chất “Người” trong tập thơ Ngục Trung Nhật Ký. Gần đây giáo sư Lê Hữu Mục đã chứng minh là Hồ Chí Minh đã mạo nhận là tác giả của Nhật Ký Trong Tù, trong cuốn biên khảo “Hồ Chí Minh không phải là tác giả của Ngục Trung Nhật Ký”. Lấy thơ người khác nhận làm thơ mình, họ Hồ cũng nổi tiếng đấy chứ!
Hay đơn giản hơn, cứ như cựu phó thủ tướng Tố Hữu:
Stalin! Stalin
Yêu ông biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi: Stalin
Ở Việt Nam, Nhật Ký Trong Tù và những tập thơ vào Đảng bắt đầu với Từ Ấy của Tố Hữu, học sinh phải thuộc nằm lòng mới qua nổi những kỳ thi lên lớp mười hay tốt nghiệp trung học. Một số bạn bè tôi gặp ở trường đại học hôm nay có thể không thuộc nhiều thơ lắm, nhưng vẫn có thể đọc cho bạn nghe một vài bài thơ ấy. Đáng trách, đáng buồn, hay đáng thương?!
Rõ ràng là những người này cũng nổi tiếng chứ, cho dù là tiếng gì! Mặc dù là chưa bao giờ và có lẽ không bao giờ họ có thể là một người cầm bút có tư cách cả. Theo tôi, trở thành người nổi tiếng trong giới văn nghệ cũng khó, nhưng làm một người cầm bút có tư cách có lẽ còn khó hơn nhiều. Bỡi có tư cách trong việc cầm bút không phải là một tước hiệu, và có lẽ không bao giờ là một tước hiệu cả. Một người cầm bút có tư cách trước hết phải sống thật với ngòi bút của mình, không vì một mục tiêu ngắn hạn, một lợi lộc bè phái, hay đơn giản hơn, vì muốn nổi tiếng, mà phải uốn éo, bẻ cong ngòi bút của mình. Gần nửa thế kỷ trước, Trần Dần đã viết:
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Những vần thơ đó đơn giản nhưng trở thành bất hủ vì tư cách của người làm thơ. Nguyễn Chí Thiện là một ví dụ, xét về tiết tấu, vần điệu, thơ Nguyễn Chí Thiện không phải là một mẫu mực tối hảo. Điều này chính tác giả cũng đã công nhận:
Thơ của tôi không có gì là đẹp
Như cướp vồ, cùm kẹp, máu ho lao
Thơ của tôi không có gì là cao
Như chết chóc, mồ hôi, báng súng
Thơ của tôi là những gì kinh khủng
Như Đảng, Đoàn, lãnh tụ, trung ương
Thơ của tôi kém phần tưởng tượng
Nó thật như tù, đói, đau thương
Thơ của tôi chỉ để đám dân thường
Nhìn thấu suốt tim đen phường quỷ đỏ
Thơ Nguyễn Chí Thiện nổi tiếng vì hoàn cảnh ra đời của nó, và trên hết trong một xã hội văn học chỉ thị, nhà thơ đã chấp nhận 27 năm tù cho một niềm tin được thể hiện trong thơ của mình.
Trở lại với vấn đề thơ tình, nhà thơ Xuân Diệu, có một thời đi học, trước mùa thi, không có thời gian làm thơ ông viết:
Thơ ta hơ hớ chưa chồng
Ta yêu muốn cưới mà không thì giờ!
Mùa thi sắp tới em thơ
Cái hôn âu yếm xin chờ năm sau
Xuân Diệu xem thơ như một người yêu, một người tình. Không riêng gì Xuân Diệu, mà nhiều nhà văn, nhà thơ khác đã xem văn chương như một cái duyên, cái nghiệp, nghĩa là may mắn gặp, nhưng bỏ không được, rứt không ra. Nguyễn Bính trong bài Oan Nghiệt đã phải khuyên con gái:
Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ
Nghèo lắm con ơi! bạc lắm con!
Ở đây cha khóc mà thương nhớ
Đất Huế dầm mưa mấy tháng tròn...
Yêu thơ là đủ, trước Xuân Diệu và sau ông ta cũng có nhiều người làm thơ đặc biệt là thơ tình, hình như không ai vì muốn nổi tiếng mà làm thơ tình, hay vì muốn nổi tiếng mà tránh không làm thơ tình. Thơ, đặc biệt là thơ tình, giống như một người tình, một người tình rất đẹp, thông minh nhưng kiêu sa và khó tính vô cùng, mà cũng thủy chung không kém.
Nói thơ đẹp, tôi nghĩ sẽ không có nhiều người phản đối. Nhà thơ Tô Thùy Yên, thiếu tá trong quân đội cộng hòa, trở về sau 10 năm trong trại cải tạo của cộng sản đã viết về mẹ cha của mình như sau:
Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già trông thấy
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu
Con gẫm lại đời con thất bát
Hứa trăm điều, một chẳng làm nên
Đời qua lớp lớp tàn hư huyễn
Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên
Và với người vợ thủy chung của mình, cái đẹp của thơ ông thể hiện trong cái nhìn thấu suốt nỗi khổ đau của người vợ suốt mười năm đăng đẳng chờ chồng, tôi đọc nhiều lần vẫn thấy xúc động:
Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng giạn giụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau
Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà, bụi chuối thức thâu đêm
Nói thơ như một người tình nhiều đòi hỏi, tôi chắc cũng không có nhiều người phản đối, bỡi thường một tác phẩm nổi danh ít nhất nó được kết hợp bỡi ba yếu tố: tài năng của người nghệ sĩ, tâm hồn, tư cách của người sáng tác, và hoàn cảnh đặc biệt mà tác giả đã trải qua. Không có nửa đời tù tội, chưa chắc chúng ta đã có Hoa Địa Ngục của Nguyễn Chí Thiện. Không có mười năm tủi nhục trong các trại cải tạo, chưa hẳn chúng ta đã có bài Ta Về bi tráng và hào hùng của Tô Thùy Yên.
Nói thơ như một người tình thông minh, khó tính bỡi vì thơ đối diện với sự thử thách của muôn triệu độc giả, đối diện với sự chứng nghiệm của thời gian. Người làm nghệ thuật không thể qua mắt tất cả những người thưởng thức bằng cách cóp nhặt văn tự, ngụy tạo cảm xúc, thêu dệt từ ngữ, hay dùng những từ ngữ đao to búa lớn không đúng chỗ, để tạo dựng cho mình một vị trí trong làng văn nghệ. Chưa có ai, và không bao giờ có ai làm được điều đó cả. Hãy đọc Nguyễn Bính với những từ ngữ dung dị, chơn chất như đồng ruộng, nhưng quả thật bất hủ:
Gái lớn, ai không phải lấy chồng
Can chi mà khóc, nín đi không!
Nín đi, mặc áo ra chào họ
Rõ quý con tôi! Các chị trông!
Để nói đến tâm tình của một bà mẹ, phải giả bộ cứng rắn, để cô con gái bớt buồn khi phải xa gia đình, nơi mà cô đã được cưu mang, không lớn, chia sẻ những hạnh phúc, cũng như khó nhọc ở một miền quê kham khổ. Nhưng thật ra lòng mẹ:
Đưa con ra đến cửa buồng thôi
Mẹ phải xa con, khổ mấy mươi!
Con ạ! Đêm nay mình mẹ khóc
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi
Tôi nghĩ thơ như một người tình, và một người tình thật sự không đòi hỏi sự diêm dúa, không cần sự tô điểm lòe loẹt, không cần kiểu cách huênh hoang. Một người tình thật sự không chấp nhận bị lợi dụng cho những mục tiêu xưng tụng, bè phái, hay những quyền lực mờ ám, ngay cả vì muốn nổi tiếng nhất thời. Một người yêu, một người tình, cần sự thành thật và thủy chung. Cứ yêu thơ đi, một cách cao thượng và thành thật ấy, bỡi thơ là một người tình, một tình yêu do chính người nghệ sĩ tạo thành. Bạn nhân hậu thì thơ bạn nhân hậu, bạn có tư cách thì thơ bạn có tư cách. Nếu chẳng hạn vì muốn được nổi tiếng, bạn quay lưng lại với những tình cảm của chính mình, thơ cũng sẽ quay lưng lại với bạn; bạn đã chấm dứt một duyên phận mà bạn đã may mắn có được với thơ vậy. Thơ sẽ đi biệt, và bạn chỉ còn lại những gì chắp vá, đứt gảy. Cho nên tôi nói làm thơ, và làm cho mình nổi tiếng là hai chuyện khác nhau là vậy.
Nguyên Đại
Tháng Chín, 1997
No comments:
Post a Comment