XUNG ĐỘT QUYỀN LỢI
SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
27 Tháng Mười, 1996
Vấn đề đối nghịch quyền lợi trong hàng ngũ bộ trưởng ở tiểu bang Victoria, Úc Châu, tưởng chừng như lắng dịu đôi chút vào những ngày đầu tuần này, lại trở nên sôi nổi trong những ngày cuối tuần. Theo nhật báo The Age, số ra hôm thứ Tư, thì bộ trưởng năng lượng và môi sinh tiểu bang Victoria, bà Marie Tehan đã bị chỉ trích là đã mua 3750 cổ phần của Tổng công ty One-Link vào tháng 7-1994, tức là hai tháng sau khi Bộ Trưởng ngân khố tiểu bang ông Alan Stockdale xác nhận một hợp đồng lên đến 330 triệu đô-la giữa công ty này và chính phủ tiểu bang về việc thiết lập các máy bán vé tự động cho các phương tiện di chuyển công cộng trong thành phố.
Bộ trưởng tư pháp tiểu bang Victoria, bà Jane Wade, cũng bị công kích về sự việc bà có cổ phần trong công ty BHP và bà có liên quan đến một quyết định miễn tố công ty này. Bà Wade đã phản bác lại rằng bà không có liên quan đến quyết định miễn tố công ty BHP nói trên, và tuyên bố rằng bà có quyền đầu tư như mọi người Úc khác. Theo bà, trong trường hợp này đã không có sự xung đột quyền lợi giữa trách nhiệm dân cử của bà và quyền lợi riêng, và bà cảm thấy hoàn toàn an tâm với những cổ phần mà bà đang giữ.
Tuy nhiên, phát ngôn viên đối lập với bà là ông Rob Hulls cho rằng thật là khó hiểu được trong trường hợp một viên chức cao cấp trong chính phủ như bà lại không hề hay biết đến những hợp đồng hàng trăm triệu đô la giữa chính phủ với một công ty tư nhân, và cho rằng nếu bà không giải thích rõ ràng với dân chúng Victoria về sự liên quan giữa việc ký kết hợp đồng của chính phủ và việc đầu tư của bà, bà không xứng đáng ở cương vị của một bộ trưởng.
Lãnh tụ đảng Lao Động đối lập tiểu bang Victoria, ông Brumby cũng cho rằng, rõ ràng đã có vấn đề xung đột quyền lợi đối với một số bộ trưởng thuộc tiểu bang Victoria, và đảng của ông ta sẽ truy cứu về những vấn đề có liên quan đến bộ trưởng năng lượng và môi sinh, bà Tehan; và bộ trưởng tư pháp, bà Wade, như đã nói ở trên.
Đối với viên chức chính phủ, đặc biệt là những viên chức cao cấp, sự phân định rạch ròi trách nhiệm dân cử và quyền lợi riêng tư của họ là rất quan trọng. Họ được dân chúng bầu lên không phải để chăm sóc cho quyền lợi riêng họ, mà để duy trì sự công bằng xã hội và làm những quyết định có lợi cho toàn thể cộng đồng nói chung. Tuy nhiên, không phải là chủ trương theo cái kiểu đầu môi chót lưỡi của các chính phủ cộng sản rằng là: “Tất cả vì lợi ích của nhân dân...Vì nhân dân mà phục vụ...”. Chúng ta đã chứng thực rằng đó là một sự mị dân đáng khinh của những người đang nắm quyền lực ở quê nhà.
Lợi ích chung và quyền lợi riêng tư phải được quân bình, và phải có một mức độ độc lập cần thiết để những quyết định của chính phủ không trở nên thiên vị và bất công. Thủ tướng Howard vì vậy đã kêu gọi việc xem xét lại những quy định dành cho các tổng bộ trưởng để trách nhiệm những người này không đối nghịch với quyền đầu tư của của họ trong tư cách một công dân.
Chế độ cộng sản đặt căn bản trên sự độc quyền đảng trị, thiếu một yếu tố quan trọng của một nền dân chủ là kiểm soát và quân bình (balance and check), vì vậy tạo điều kiện dễ dàng cho những kẻ nắm quyền lực lạm dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích riêng của họ. Hậu quả tất yếu của việc này là một hàng ngũ cán bộ tham nhũng, phân hóa và bè phái. Tham nhũng đang là vấn đề nhức nhối hiện nay của nhà cầm quyền Hà Nội, chính họ cũng phải thú nhận điều này.
Trong cộng đồng chúng ta- xin được giới hạn là trong những cộng đoàn những người trẻ sinh viên học sinh của chúng ta- việc nhận định sự tương quan giữa trách nhiệm chung và quyền lợi riêng tư phải được tính đến trong việc thành lập và phát triển cộng đoàn để đạt được những mục tiêu mà chúng ta nhắm tới.
Những bạn trẻ, sinh viên, học sinh có những nhu cầu gì? Họ cần một đoàn thể những người trẻ nói cùng một thứ tiếng mẹ đẻ của họ, để duy trì và phát triển những nét đẹp, những tinh hoa của văn hóa Việt Nam. Họ cần nói tiếng Anh giỏi, cần sự hội nhập với các đoàn thể khác trong trường. Họ cần một sự hội nhập với xã hội Úc để phát triển và tồn tại. Đoàn thể chúng ta chỉ có thể duy trì và phát triển lớn mạnh, nếu chúng ta nhận ra được những ưu tư này của những thành viên trong cộng đoàn của chúng ta. Những hoạt động của đoàn thể chúng ta phải tạo được một sự dung hòa giữa những quyền lợi, nhu cầu của thành viên và mục tiêu, chính sách của cộng đoàn.
Đối với những người lãnh đạo đoàn thể. Nếu cơ cấu chúng ta chừa chỗ cho sự lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân. Chúng ta sẽ lún sâu vào tệ nạn tất trách, bè phái, thiên vị như cộng sản.
Nếu cung cách tổ chức cũng như sách lược của đoàn thể chúng ta chỉ nhắm đến việc tạo dựng một tên gọi, một hư danh, thiếu một sự dung hòa cần thiết giữa trách nhiệm và quyền lợi của người lãnh đạo. Chúng ta sẽ thiếu một sự cạnh tranh cần thiết, và không tìm được những cá nhân tích cực và có thực tài để lãnh đạo cộng đoàn chúng ta. Những kẻ hiếu danh sẽ tung hoành trong một tình trạng lạm phát đoàn thể. Chúng ta sẽ không giải quyết được điều gì, trong một hổn hợp những đoàn thể bị phân hóa, chia rẽ. Cộng đoàn chúng ta thiếu sức mạnh vì thiếu người tham gia, thiếu sự nhiệt thành của những thành viên. Cộng đoàn chúng ta cũng sẽ bị còi cọc, bị lẩn quẩn vì thiếu người lãnh đạo tài ba, sáng suốt.
Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.
Nguyên Đại
Melbourne, Úc Châu
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu
No comments:
Post a Comment