28 September 1996

Tự Do Ngôn Luận

Kính thưa quý thính giả
Các bạn học sinh, sinh viên thân mến

Tự do ngôn luận là môt trong những quyền cơ bản của người dân trong một xã hội tự do và dân chủ. Có thể nói đây là một tiêu chuẩn quan trọng để phân biệt một xã hội dân chủ, và một nhà nước độc tài. Trong tuần vừa qua, báo chí Úc đề cập nhiều về vấn đề tự do ngôn luận, theo nhật báo The Age, số ra ngày 23/9/1996, trong bài: “Howard defends freedom to speak”, xin tạm dịch là “Howard bảo vệ quyền tự do ngôn luận”, thủ tướng Howard đã đề cập đến sự việc là một chế độ kiểm duyệt có thể làm cho chúng ta đối diện với một xã hội chật hẹp, và bị hạn chế. Ông nói:

Tôi hoan nghênh sự việc mà người dân trong những ngày này có thể nói về một vấn đề nào đó mà không sợ bị dán cho những nhãn hiệu cực đoan, hay kỳ thị chủng tộc, hay bất kỳ một biểu hiện nào mà ai đó có thể vung vãi một cách vô tội vạ, khi không đồng ý với những điều mà người khác nói.

Ông cũng lưu ý rằng quyền hạn luôn luôn đi đôi với trách nhiệm, và tất cả những ai thực thi quyền tự do ngôn luận, phải lưu ý đến việc thực hiện quyền này trong một cung cách tế nhị và ôn hòa. Chúng ta không nên sử dụng quyền này để chuyển vận những lời lẽ thiếu tế nhị và thiếu sự bao dung. Ông Howard cũng nói đến những nhà chính trị cần khả năng lắng nghe ý kiến của người dân hơn là những điều mà những chính trị gia nghĩ và tin tưởng.

Mặc dù không nêu tên bà Pauline Hanson, và cũng không cho biết là ông có đồng ý với những nhận xét gây nhiều tranh luận của bà trong những ngày này hay không; nhưng điều mà ông Howard phát biểu trong cuộc họp mặt với các dân biểu đảng Tự Do tiểu bang Queensland hôm 22-9 vừa qua có liên quan đến những tranh luận, chống đối cũng như ủng hộ, về bài phát biểu của bà Hanson. Bà này trong bài phát biểu đầu tiên của bà ở Quốc Hội đã kêu gọi chính phủ xét lại chính sách di trú. Theo bà người Á Châu có mặt ở Úc quá nhiều và không chịu hội nhập với các cộng đồng sắc tộc khác. Bà cũng kêu gọi chính phủ nên giải tán ủy ban đặc trách về thổ dân và dân đảo Torres Strait, gọi tắt là ATSIT. Bà cũng kêu gọi sự thực thi chế độ quân dịch bắt buộc.

Trong một diễn biến khác, theo tờ The Age, số ra ngày 25-9 vừa qua, ông Jeff Kennett, thủ hiến tiểu bang Victoria, có những nhận định khác với thủ tướng Howard về vấn đề tự do ngôn luận. Ông cho rằng đã không có sự kiểm duyệt như lời ông thủ tướng đã nói. Dân Úc đã có sự tự do phát biểu ý kiến, tự do bàn thảo và tự do tranh luận. Nhận xét về những quan điểm của bà Hanson, ông Kennett cho rằng bà Hanson có quyền trình bày quan điểm của mình, nhưng ông ta không đồng ý với những ý kiến đó. Ông nói, bà Hanson nên cẩn thận với những nhận xét như thế, rằng sự lựa chọn một giải pháp dễ dàng để đạt được những mục tiêu chính trị ngắn hạn, có thể làm chia rẻ cộng đồng mà chúng ta đang sống.

Các bạn thân mến,
Trở về với những vấn đề của chúng ta, những tập thể sinh viên học sinh, và trong những vấn đề tự do ngôn luận. Kỳ phát thanh trước, hôm thứ Bảy, 14-9 vừa qua, ban phát thanh sinh viên có loan một bài phê bình của một bạn sinh viên, về đêm văn nghệ Hát Cho Tuổi Trẻ Việt Nam. Sau đó có nhiều bạn bàn thảo về bài viết này. Chúng tôi đã viết thư giải đáp một số thắc mắc của các bạn đó. Quan điểm của chúng tôi là: những bài viết không mang tính công kích xuất phát từ những động cơ cá nhân, không phạm quy điều của của SBS Radio, và trong giới hạn của chương trình sinh viên, những bài viết như thế, theo chúng tôi, đều có thể loan tải được trong chương trình này. Và việc tạo điều kiện để một người có thể trình bày ý kiến của mình, về một hoạt động xã hội của một tập thể sinh viên là một điều hợp lý, mặc dù chúng tôi có thể không hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả.

Chúng ta chống đối những vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Hà-Nội đối với Hà Sĩ Phu, Đoàn Viết Hoạt...vì những người này có ý kiến khác với ý kiến của các lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam. Tại sao chúng ta chỉ thích đăng tải những lời khen tặng chúng ta, và gạt bỏ những ý kiến phê bình trên tinh thần xây dựng? Ban phát thanh Tổng Hội Sinh viên Việt Nam không phải thành lập với mục đích chỉ để chuyển những lời khen tặng đến cho sinh viên. Chúng tôi muốn thực sự làm một phương tiện để các bạn trẻ nói chung, sinh viên học sinh  nói riêng, tự do góp tiếng nói của mình, một cách có trách nhiệm, trong một tinh thần đoàn kết, xây dựng, và với một cung cách tế nhị.

Trong một cuộc bàn thảo khác, dù không liên quan đến bài viết của bạn sinh viên nói trên, có một số ý kiến cho rằng, phải lưu ý đến một số phần tử thân cộng cố tình tạo chia rẻ trong hàng ngũ những người trẻ ở đây. Chúng tôi thật vui vẻ đón nhận sự lưu tâm này của các bạn.

Chúng ta phải học hỏi để bảo vệ, và thực thi quyền tự do ngôn luận của chúng ta, một cách có hiệu quả vì đó là nền tảng của sự tiến bộ. Một lời khen đúng là một khích lệ lớn lao, nhưng đánh bóng lẫn nhau là điều phải hết sức tránh. Phê bình trong tinh thần xây dựng là điều nên làm, và phải được lắng nghe, nhưng công kích vì những mục tiêu cá nhân là điều không thể chấp nhận được. Lưu tâm tới những tư tưởng cực đoan là điều mà chúng ta cần phải cẩn trọng, nhưng chụp mũ, bêu xấu lẫn nhau là điều không nên làm. Sự việc mà hễ ai có ý kiến khác chúng ta, thì chụp ngay cho họ một cái mũ là cộng sản, là thân cộng là một điều sai lầm. Ở chế độ cộng sản, ai có ý kiến khác với Đảng thì là phản động, phải đi tù. Sống ở xã hội tự do, và là những người trẻ, có cơ hội học được những điều hay trên xứ người, chúng ta không làm những điều tương tự như vậy.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Melbourne, Australia
28/9/1996

SBS Radio
Chương Trình phát thanh
Tổng Hội Sinh Viên Úc Châu