03 August 1996

Đêm Thắp Nến cho Thuyền Nhân


ĐÊM THẮP NẾN CHO THUYỀN NHÂN

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
3 Tháng Tám 1996

Đêm thứ Bảy, 27-7-1996 vừa qua, Ủy Ban Yểm Trợ Đồng Bào Tỵ Nạn cùng với Cộng Đồng Người Việt Tự Do Tiểu Bang Victoria và Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Liên Bang Úc Châu đã tổ chức một đêm thắp nến cho thuyền nhân tại quảng trường thành phố (Melbourne City Square). Tối chủ nhật sau đó trong tiết mục Sinh Hoạt Cộng Đồng, quý thính giả đã được tường trình khá chi tiết  về diễn biến của đêm thắp nến đó. Trong tiểu mục Diễn Đàn Sinh Viên hôm nay, xin được chia sẻ cùng với các bạn trẻ và quý thính giả cảm nghĩ của một sinh viên đã đến thắp nến đêm ấy.

Đậu xe dọc theo đại lộ St. Kilda, tôi lửng thửng thả bộ trên đường đi về quảng trường thành phố. Trời lạnh thật, những giọt mưa đêm đông buốt giá. Đi trong mưa trên đường phố ở đây có cái cảm giác như vừa hòa nhập, vừa như rất lẻ loi.

Bên em đang có ta
Hát về em tương lai xót xa[1]

Tiếng hát chợt vút cao tung bay trong bầu trời xứ này. Có một điều gì rất lạ, nơi này thành phố đầy người lạ, sao bay bổng tiếng hát Việt Nam. Có lẽ, tôi ở đây chưa được bao lâu, nên cái cảm giác “thành phố của mình”  vẫn chưa hiện diện một cách bền vững, nên chớp thoáng về một chút ngạc nhiên. Đêm mưa ướt lạnh, mọi người núp dưới mái hiên. Tôi đến trại tỵ nạn cũng vào một ngày mưa bão, cảnh sát Hong Kong đã bắt chúng tôi ngồi dưới mái hiên, hai tay đưa lên đầu. Giờ đây tôi cũng đứng dưới mái hiên trong tâm trạng buồn buồn, một chút mặc cảm tội lỗi, và theo sau là một lời bào chữa. Tôi đã sống ở trại, đã từng đối diện với một tương lai xót xa. Những bạn nhỏ của tôi ở trại khi tôi đến chỉ 11, 12 tuổi, giờ đây đã 19, 20 vẫn còn ở đó, đôi mắt thất thần nhìn về một tương lai xót xa. Tôi biết rất rõ cảm giác xót xa, bế tắc đó, nhưng ba năm rồi, ngoại trừ một lần đi bộ quyên tiền ủng hộ cho thuyền nhân, hôm nay tôi chỉ đến nơi này, thắp một ngọn nến giữa đêm đông. Tôi cố gắng nói rằng, tôi đang thắp cho các bạn tôi một niềm hy vọng. Tôi gởi đến trời cao một lời cầu nguyện cho các bạn bè tôi.

Bên em đang có ta,
Thống thiết kêu vang lương tâm thế nhân

Tôi biết lương tâm thế nhân bây giờ đặt trên những chiến lược kinh tế, chính trị, đâu có chỗ dung chứa cho một tình nhân đạo để cho tôi kêu gào. Tuy vậy, tôi vẫn che dù giữa trời mưa nặng hạt và cất cao tiếng hát, gởi đến cao xanh một lời ca thống thiết, gởi đến trời sao chút ánh sáng nhỏ nhoi từ một ngọn nến này.

Tôi thắp nến và hát ca trong hy vọng tiếng hát này có thể làm dịu đi phần nào, dù rất bé nhỏ, nỗi xót xa của những bạn bè còn ở trại, khi họ thấy và nghe những điều này, nó sẽ làm dịu đi tiếng “khóc trong lầm than, khóc trong trại giam” của họ.

Quanh tôi, một cụ già lặn lội đường xa, mưa gió, run run ánh nến trong tay. Im lặng, thâm trầm. Một thằng bạn dầm mưa suốt buổi chiều để dàn dựng sân khấu, cũng im lặng nghiêm trang. Tiếng thác nước nhân tạo vọng đến nghe rõ một một, cuốn đi những nỗi niềm riêng: “Mình là một trong những người may mắn, hãy làm một chút gì cho những bạn bè còn bất hạnh” – Có lần nó đã nói với tôi như thế. Một chút thôi, cũng đủ buông thả một nỗi buồn man mác tích lũy từ những hoài niệm, đôi khi bất chợt hiện về.

Quanh tôi, một người trí thức, giỏi giang, có tư cách, đứng im lặng dưới mưa, không một chút ồn ào vụn vặt, như những kẻ hiếu danh.

Đêm nay trên bản đồ, có một thuyền ra đi
Hiên ngang trên sóng gào, tự do đón chào
Xin chào tự do với nỗi niềm cay đắng
Nhìn lại bến bờ, nước non mình muối mặn[2]

Quanh tôi, một bạn trẻ, đứng yên, vô tư. Bạn trẻ quá, nên chắc tâm tư không chập chùng kỷ niệm, có lẽ đến đây vì tò mò, hiếu kỳ nhiều hơn. Bạn sẽ trưởng thành, đêm nay sẽ đi vào kỷ niệm của bạn, như một chút ấm áp của quê hương một ngày nào đó.

Hai mươi năm
Người còn tha thiết núi sông
Thì sẽ thấy cơn mưa nguồn
Sẽ lặn lội đi tìm
Bao con đường dấu quê hương[3]

Quanh tôi, một người Úc bình thường, anh không đại diện cho một đảng phái, một tổ chức nào cả, che dù đứng lặng yên gần ba tiếng đồng hồ dưới mưa. Anh không biết tiếng Việt, để có thể hát cùng chúng tôi. “Tôi chưa có dịp đến trại tỵ nạn của các anh, nhưng tôi mong sẽ có dịp được làm việc ở đó”. Anh nói với tôi, chỉ thế thôi. Vẫn còn có những người như thế. Đêm này, dẫu sao cũng còn những ánh nến để không đến nỗi tối đen, lạnh lẽo.

Tôi ra về. Trời vẫn còn mưa. Tiếng hát vẫn còn nối theo:

Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh đi
Đêm nay, đêm tối trời anh bỏ quê hương
Ra đi trên chiếc thuyền hy vọng vượt trùng dương
Ghe đi trên sóng cuồng, thấy gì ở quê hương
Xa xôi, ôi núi mờ xa dần...

Chiếc gạt nước xua đi những hạt mưa trên kính xe, hiện tại sáng lên trên những con đường trước mặt. Anh nến xua tan sương lạnh trong Dr. Zivago của Boris Paternak đã góp phần thắp sáng một nước Nga không cộng sản. Ánh nến đêm này, tan biến trong lòng người, để mong được thắp sáng cho một Việt Nam tự do trong tương lai.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Melbourne, Úc Châu
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu






[1] Lời bài hát “Bên Em Đang Có Ta
[2] Lời bài hát “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển
[3] Lời bài hát “Hai Mươi Năm” – Phan Văn Hưng