27 April 1996

Suy Nghĩ Về Ngày 30 Tháng Tư

Suy Nghĩ về Ngày 30 Tháng Tư

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
27 Tháng Tư, 1996

Kính thưa quý thính giả
Các bạn học sinh, sinh viên thân mến

Trong những ngày tháng này, nếu quý vị và các bạn theo dõi tin tức, có lẽ các bạn vẫn chưa quên những tin tức thời sự đáng chú ý trong khu vực. Đó là về những căng thẳng ở vùng eo biển Đài Loan, khi mà Trung Cộng muốn ngăn cản cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của người Hoa từ nhiều thế kỷ nay. Trung Cộng đã thất bại trong việc đó. Ông Lý Đăng Huy đã đắc cử vẻ vang trong cuộc bầu cử vừa rồi. Một diễn biến khác có lẽ được nhiều báo chí nhắc đến là tình trạng chiến tranh có vẻ như sắp sửa bùng nổ ở vùng bán đảo Triều Tiên, tức là Đại Hàn, hay Korea. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy là quân đội Nam Hàn cho đến nay, vẫn có đủ sức mạnh để ngăn chặn một cuộc xâm lăng phương Bắc.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa cộng sản có cơ hội bành trướng ở nhiều quốc gia, kết quả là có một số nước nằm trong tình trạng bị phân chia như Đức, Trung Quốc, Đại Hàn, Việt Nam. Nhưng sau đó, thế giới cộng sản dần dần bị suy yếu và tan rã một phần lớn, trong những năm 1989-1991, với sự tan rã của Liên Bang Sô Viết, và các đảng cộng sản ở các nước Đông Âu. Các đảng cộng sản ở các nước như Anh, Pháp cũng lần lượt giải tán.

Việt nam cũng là một đất nước bị chia cắt do hậu quả của sự mở rộng ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản, nhưng người Việt chúng ta có một kết cuộc ra sao? Ngày 30 Tháng Tư 1975, cộng sản chiếm hoàn toàn miền Nam Việt Nam, và công cuộc đàn áp của cộng sản đối với người dân miền Nam bắt đầu, nhất là những người có dính líu với chế độ Việt Nam Cộng Hòa ngày trước. Một số người Việt đã liều chết vượt biển, ra đi. Trong số này, nếu ai may mắn, thì đến được một đất nước tự do, và công cuộc gầy dựng từ số không cũng đòi hỏi những nỗ lực không ngừng. Đó là những thử thách của thế hệ người Việt đầu tiên ở hải ngoại. Nếu không may, những người ra đi có thể bị chết trên biển hay bị hải tặc tấn công, hoặc bị công an cộng sản hành hạ, tù đày.

Những ngày gần đây, chúng ta nghe lính Mã Lai chà đạp người Việt mình, trong các trại giam thuyền nhân ở đất Mã, trước khi áp giải họ lên tàu trả về Việt Nam. Những người này cũng đã liều chết ra đi, mỏi mòn chờ đợi 6 hoặc 7 năm trong các trại giam, sống trong cảnh thiếu thốn và bị đối xử tồi tệ, và rồi kết quả lại đến với họ một cách đớn đau như vậy. Chân bước xuống tàu, nước mắt rưng rưng.

Cũng thân phận con người, cũng một khởi điểm là một phần đất nước bị nhuộm đỏ, cũng cùng một màu da, nếu chúng ta so sánh với người Đài Loan, người Nam Hàn, sao thân phận người Việt Nam mình nghe buồn quá vậy! Sao người Việt không có may mắn được thống nhất trong một nền kinh tế phồn thịnh, và một chế độ thực sự dân chủ, sau những ngày tháng dài chia cắt như người dân nước Đức? Sao người Việt mình không có cái may mắn như người Đài Loan, họ vẫn còn một chỗ đứng trên quê hương để bảo vệ lý tưởng tự do của  họ bằng mọi giá. Sao người Việt mình không cái tự hào của người dân Nam Hàn, mặc dù trong tình trạng đất nước bị chia cắt, nhưng họ có một nền kinh tế hùng cường, như vẫn thường được gọi là một con rồng của vùng Á Châu- Thái Bình Dương? Trong khi đó khoảng đầu tháng Tư này, trong bản dự thảo cương lĩnh chính trị và chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa 1996-2000, đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định rằng: “Đổi mới không có nghĩa là đi ngược lại con đường xã hội chủ nghĩa. Đổi mới chỉ là một giai đoạn trên đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Các bạn đã học kinh tế, có dịp so sánh giữa hai hệ thống kinh tế:  Tư Bản (Capitalism) và “Xã Hội Chủ Nghĩa” (Socialism). Phát triển kinh tế theo con đường xã hội chủ nghĩa, quả thực, đã đi ngược lại những quy luật kinh tế quan trọng nhất. Trong những năm gần đây, đảng cộng sản Việt Nam đã có thay đổi chút ít trong đường lối phát triển kinh tế, nhưng cái sai của cộng sản là cái sai từ chủ thuyết, từ gốc rễ. Những sự thay đổi gần đây, có chăng, là sự thay đổi về phương thức, là những cành lá, ngọn ngành. Chẳng hạn, họ đưa ra khái niệm về hệ thống kinh tế thị trường tự do theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khái niệm này thực là kỳ cục, nó ngầm chứa một sự dối trá. Họ dối trá để bảo vệ cái mà họ gọi là chuyên chính vô sản, thực sự là bảo về quyền lực của một thiểu số cán bộ thống trị, bất chấp quyền lợi của đại đa số dân chúng, và tương lại của một dân tộc. Một cái cây đã mục ruỗng, sâu bọ từ cội rễ thì dẫu có trang điểm lòe loẹt như thế nào đi nữa ở phần lá cành, thì cái cây đó cũng không thể sống được. Sự thay đổi một cách lỡ cỡ, chắp vá, không thể giúp chế độ cộng sản phục hưng quyền lực của họ.

Các bạn đang sống ở đây, nước Úc, một quốc gia đang có một cơ chế chính trị đặt căn bản trên sự phân chia quyền lực, và duy trì sự đối lập. Trong tình trạng này, bất cứ vấn đề xã hội nào, chẳng hạn, đề nghị việc hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa hiện nay của chính phủ Kennett, hay việc bán một phần công ty điện thoại Telstra của chính phủ Howard cũng đã được dân chúng bàn bạc, và được nhìn dưới nhiều khía cạnh, được phân tích kỷ lưỡng, trước khi đi đến quyết định. Dân chúng đã có dịp, và có quyền xem xét chính sách của từng đảng phái chính trị, trước khi bỏ phiếu. Lá phiếu của dân chúng quyết định vị thế cầm quyền của một đảng phái.

Ở Việt Nam, chưa bao giờ cộng sản duy trì một thế đối lập thực sự trong chính trị. Đó là một trong nhiều lý do mà chế độ cộng sản cứ kẹt mãi trong cái vòng lẩn quẩn trong một tình trạng kinh tế và chính trị thường xuyên bất ổn. Các bạn đã hiểu biết rằng, khi khoảng cách giữa đa số người nghèo và một thiểu số người giàu quá lớn thì cách mạng – tức revolution – có thể xảy ra. Cách mạng vô sản đã được hình thành như thế, khi đảng cộng sản khơi dậy lòng căm thù giai cấp trong một xã hội. Chế độ cộng sản được sinh ra trong sự nghèo đói, và thiếu hiểu biết, và với vũ khí là đấu tranh giai cấp. Nhưng nó không thể sống được trong một xã hội nghèo đói, vì chính ở đó nó tạo ra một sự cách biệt về giai cấp lớn hơn. Một khi mà đa số dân chúng nhận thức hoàn toàn về điều này, chế độ cộng sản phải tiêu vong.

Mặt khác, trong tình trạng của Việt Nam hiện nay, khi mà kinh tế của các quốc gia trong vùng phát triển mạnh mẽ và liên tục. Việt Nam không thể đứng chơ vơ như một ốc đảo giữa sa mạc được. Chế độ cộng sản không thể làm gì khác hơn là chấp nhận sự phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam. Trong một xã hội văn minh và tiến bộ, khi mà ý thức chính trị, ý thức dân chủ của người dân trưởng thành, chế độ cộng sản cũng không thể tồn tại được. Sự trưởng thành về chính trị của người dân sẽ không cho phép bất cứ một sự độc tài nào được duy trì.  Chủ nghĩa cộng sản phải bị hủy diệt trước đà tiến của nhân loại. Chế độ cộng sản Việt Nam phải tiêu vong, để lịch sử dân tộc tiến lên. Đó là điều dứt khoát phải xảy ra. Đó là một tất yếu lịch sử.

Thanh niên Việt Nam chưa bao giờ trong lịch sử đất nước lại tách biệt với quê hương. Chưa bao giờ. Ý nghĩa đời sống của họ, vì thế mà vượt qua cái ràng buộc của sự ích kỷ, cái co cụm trong một sự hưởng thụ. Chúng ta hôm nay cũng vậy. Chúng ta sẽ không bao giờ tách biệt khỏi vận mệnh của quê hương chúng ta.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Đại Học Melbourne (Uni. of Melb.)
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu





13 April 1996

Viết Về Quá Khứ

VÌ SAO CHÚNG TÔI VIẾT VỀ QUÁ KHỨ

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
13 Tháng Tư, 1996

Kính thưa quý thính giả
Các bạn học sinh, sinh viên thân mến

Sau một số chương trình phát thanh của ban phát thanh Tổng Hội Sinh Viên Liên Bang Úc Châu, chúng tôi đã nhận được một số ý kiến đóng góp từ quý thính giả, cũng như các bạn trẻ. Thay mặt ban phát thanh, chúng tôi gởi đến quý thính giả và các bạn trẻ lời cảm ơn chân thành. Chúng tôi cảm ơn quý vị, vì quý vị đã góp ý một cách trực tiếp, thẳng thắn và thân tình. Mặt khác, ý kiến của quý vị đã giúp cho chúng tôi có dịp nhìn lại sự việc từ một góc nhìn, một quan điểm khác, điều ấy thực sự giúp chúng tôi suy nghĩ, và quan sát tỉ mỉ hơn. Lần nữa, xin cảm ơn quý vị. Thời gian cho chương trình sinh viên có giới hạn, cho nên chúng tôi không thể hồi đáp tất cả mọi ý kiến đã nhận được trong một bài viết ngắn được. Chúng tôi sẽ tuần tự phúc đáp những ý kiến này trong những lần phát thanh sau. Mong quý vị và các bạn thông cảm.

Có ý kiến cho rằng, tại sao chương trình phát thanh sinh viên nói nhiều về quá khứ quá vậy. Người ta đã muốn quên đi quá khứ đau buồn để sống bình thường những ngày ở đây, sao cứ nhắc hoài vậy.

Thật ra, không phải chúng tôi loan tải những bài viết nói về quá khứ trong tất cả mọi chương trình. Tuy nhiên, có một số bài chúng tôi đăng, vì nhận thấy rằng nó cần thiết. Thưa quý thính giả, không phải không có lý do mà chính phủ Mỹ quy định điều kiện để xin gia nhập quốc tịch Mỹ là phải biết tiếng Mỹ và hiểu biết về lịch sử nước Mỹ. Thanh thiếu niên Việt Nam phải hiểu biết lịch sử Việt Nam, để tâm hồn của họ có thể hài hòa được với vóc dáng và cội nguồn của họ. Cư ngụ trên xứ người, họ không thật sự được dạy một cách đầy đủ về điều đó. Tuy nhiên, tận dụng những phương tiện có được để duy trì và phát triển văn hóa sắc tộc là một trong những mục tiêu của chính sách Đa Văn Hóa (Multiculturalism) đang được thực thi trên đất Úc.  Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng góp phần làm công việc này là cần thiết, hợp lý và hợp pháp.

Trên các con đường thành phố, trong các công viên, thanh thiếu niên Việt Nam ở Úc gặp những bức tượng của James Cook, của John Batman. Họ biết đó là ai, và vì sao người ta tạc tượng những người này đặt ở những chỗ đông người nhất, phải chăng là để nhắc nhở công dân Úc về lịch sử lập quốc của nước này. Thanh thiếu niên Việt Nam lẽ nào không nên biết đến những tên tuổi như Trần Quốc Toản, người thiếu niên 16 tuổi, đứng trước phòng hội nghị Bình Than đã tức giận bóp nát trái cam vì không được dự hội nghị với lý do nhỏ tuổi. Quốc Toản sau đó đã về nhà triệu tập anh em, bạn bè, giương ngọn cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân”, nghĩa là giết giặc bạo tàn, đền ơn vua, ơn nước. Quốc Toản đã góp sức nhỏ của mình trong việc chận đứng vó ngựa thiện chiến của đoàn quân Mông Cổ, vào đời nhà Trần.  Thanh thiếu niên Việt Nam phải được nghe nói về Phạm Ngũ Lão, người thanh niên đã triền miên suy nghĩ việc nước, đến nỗi ngọn giáo của binh lính dẹp đường đâm lủng bắp vế mà không hay. Phải được hiểu tại sao “Xuân này con không về”, dù con biết “chắc mẹ buồn lắm” nhưng vì “bao lớp trai hùng chờ xuân chiến trường, không lẽ riêng mình êm ấm”. Phải hiểu được vì sao Trung Tướng Nguyễn Khoa Nam và nhiều người lính cộng hòa khác đã tự kết thúc đời mình khi miền Nam mất.

Nếu với tác phẩm Wild Cat Falling, của Mudrooroo, một trong những tác phẩm mà học sinh 12 có thể chọn đọc để bước vào kỳ thi tú tài ở đây, người Úc đã nhìn nhận sự thất bại của họ trong chính sách Assimilation, bao gồm việc tách con cái của những người thổ dân ra khỏi gia đình  của họ để giáo dục trong nền văn hóa Ăng-lê. Nước Úc đã học được bài học kinh nghiệm đó, để hôm nay họ duy trì một chính sách bao dung hơn. Họ đánh giá cao di sản của những nền văn hóa khác. Họ đánh giá cao sự khác biệt. Thì thanh niên Việt Nam hôm nay cũng nên tìm hiểu để biết rằng, đã có một thời, ở miền Nam Việt Nam, có một số không nhỏ sinh viên và học sinh đã nhẹ dạ, bị cộng sản lợi dụng. Họ xuống đường biểu tình chống chiến tranh, chống Mỹ, hát nhạc phản chiến. Đằng sau cái việc làm mà họ cho là yêu nước đó, lúc đó, họ đâu có thấy rằng, vô hình chung họ đã làm lung lạc, nao lòng những người lính cộng hòa, những người cùng tuổi với họ, đang đem máu của mình gìn giữ một dải non sông, để duy trì chính thể dân chủ và nền cộng hòa non trẻ ở miền Nam Việt Nam. Thanh niên Việt Nam nên học lấy bài học kinh nghiệm đó, bài học của một thế hệ, để tránh được những sai lầm mà họ có thể vấp phải hôm nay.

Học sinh, sinh viên Việt Nam phải biết nhận định những biểu hiện của chủ nghĩa cộng sản, bỡi họ không thể nói rằng, họ hoàn toàn không biết gì đến sự việc mà hơn mười ngàn sinh viên học sinh của lục địa Trung Hoa đã bị quân đội đảng cộng sản Trung Quốc nghiền nát dưới bánh xích xe tăng, ở quảng trường Thiên An Môn, tháng Sáu, 1989.  Họ nên hiểu rằng năm 1982, khi Phạm Văn Đồng, thủ tướng cộng sản Việt Nam thời đó, ra lệnh bắn bỏ những người đi vượt biển, cha mẹ của họ đã liều chết, bất chấp cái lệnh giết người đó, để cưu mang, bồng bế họ đến một bến bờ tự do. Họ không có quyền chối bỏ điều đó. Họ phải hiểu điều đó, bỡi nó là hiện thân của họ, là cội nguồn của họ, nó giải thích cho sự hiện diện của họ trên xứ sở này. Họ phải hiểu biết quá khứ để biết rằng, họ đã đến đây từ một đất nước nghèo nàn, binh lửa, đau thương, tang tóc, nhưng họ thuộc về một dân tộc đáng tự hào. Họ phải biết tất cả những điều đó, để không phủ nhận dòng máu Việt Nam đang luân lưu trong huyết quản của họ.

Trái lại, khi họ nói, tôi là người Việt Nam, họ biết, họ có quyền hãnh diện về điều ấy. Họ biết rằng, họ đã tự nói tiếng biết ơn đối với cha mẹ của họ. Họ đã tựa thân của họ vào lịch sử hơn 4000 năm văn hiến của dân tộc chúng ta, trong đó có họ. Tự do không phải đơn thuần là một vùng đất, không phải chỉ là một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, không phải đơn giản chỉ có thế. Nếu họ biết được, cho dù một phần, những gì đã thật sự xảy ra trong quá khứ, họ sẽ không khi nào đan tâm dẫm lên máu và nước mắt của những người thuộc thế hệ cha mẹ của họ, để phóng thân vào cuộc sống đam mê, trụy lạc và vong bản. Họ sẽ dựng được ngọn hải đăng cho chính cuộc đời mình. Ngọn hải đăng đó, không có gì khác hơn ngoài kiến thức và lương tri, và những điều họ học tập được từ quá khứ, những người đi trước họ.

Thưa quý thính giả,
Các bạn trẻ thân mến
Để kết thúc phần này trong chương trình hôm nay, lần nữa, xin trân trọng gởi đến quý thính giả, cũng như các bạn bè, những người đã góp ý kiến cho chúng tôi, lời cảm ơn chân thành của ban phát thanh. Cầu chúc tất cả quý vị và các bạn có những ngày cuối tuần vui tươi và an lạc.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Đại Học Melbourne (Uni. of Melb.)
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu