26 October 1996

Xung Đột Quyền Lợi

XUNG ĐỘT QUYỀN LỢI

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
27 Tháng Mười, 1996

Vấn đề đối nghịch quyền lợi trong hàng ngũ bộ trưởng ở tiểu bang Victoria, Úc Châu, tưởng chừng như lắng dịu đôi chút vào những ngày đầu tuần này, lại trở nên sôi nổi trong những ngày cuối tuần. Theo nhật báo The Age, số ra hôm thứ Tư, thì bộ trưởng năng lượng và môi sinh tiểu bang Victoria, bà Marie Tehan đã bị chỉ trích là đã mua 3750 cổ phần của Tổng công ty One-Link vào tháng 7-1994, tức là hai tháng sau khi Bộ Trưởng ngân khố tiểu bang ông Alan Stockdale xác nhận một hợp đồng lên đến 330 triệu đô-la giữa công ty này và chính phủ tiểu bang về việc thiết lập các máy bán vé tự động cho các phương tiện di chuyển công cộng trong thành phố.

Bộ trưởng tư pháp tiểu bang Victoria, bà Jane Wade, cũng bị công kích về sự việc bà có cổ phần trong công ty BHP và bà có liên quan đến một quyết định miễn tố công ty này. Bà Wade đã phản bác lại rằng bà không có liên quan đến quyết định miễn tố công ty BHP nói trên, và tuyên bố rằng bà có quyền đầu tư như mọi người Úc khác. Theo bà, trong trường hợp này đã không có sự xung đột quyền lợi giữa trách nhiệm dân cử của bà và quyền lợi riêng, và bà cảm thấy hoàn toàn an tâm với những cổ phần mà bà đang giữ.

Tuy nhiên, phát ngôn viên đối lập với bà là ông Rob Hulls cho rằng thật là khó hiểu được trong trường hợp một viên chức cao cấp trong chính phủ như bà lại không hề hay biết đến những hợp đồng hàng trăm triệu đô la giữa chính phủ với một công ty tư nhân, và cho rằng nếu bà không giải thích rõ ràng với dân chúng Victoria về sự liên quan giữa việc ký kết hợp đồng của chính phủ và việc đầu tư của bà, bà không xứng đáng ở cương vị của một bộ trưởng.

Lãnh tụ đảng Lao Động đối lập tiểu bang Victoria, ông Brumby cũng cho rằng, rõ ràng đã có vấn đề xung đột quyền lợi đối với một số bộ trưởng thuộc tiểu bang Victoria, và đảng của ông ta sẽ truy cứu về những vấn đề có liên quan đến bộ trưởng năng lượng và môi sinh, bà Tehan; và bộ trưởng tư pháp, bà Wade, như đã nói ở trên.

Đối với viên chức chính phủ, đặc biệt là những viên chức cao cấp, sự phân định rạch ròi trách nhiệm dân cử và quyền lợi riêng tư của họ là rất quan trọng. Họ được dân chúng bầu lên không phải để chăm sóc cho quyền lợi riêng họ, mà để duy trì sự công bằng xã hội và làm những quyết định có lợi cho toàn thể cộng đồng nói chung. Tuy nhiên, không phải là chủ trương theo cái kiểu đầu môi chót lưỡi của các chính phủ cộng sản rằng là: “Tất cả vì lợi ích của nhân dân...Vì nhân dân mà phục vụ...”. Chúng ta đã chứng thực rằng đó là một sự mị dân đáng khinh của những người đang nắm quyền lực ở quê nhà.

Lợi ích chung và quyền lợi riêng tư phải được quân bình, và phải có một mức độ độc lập cần thiết để những quyết định của chính phủ không trở nên thiên vị và bất công. Thủ tướng Howard vì vậy đã kêu gọi việc xem xét lại những quy định dành cho các tổng bộ trưởng để trách nhiệm những người này không đối nghịch với quyền đầu tư của của họ trong tư cách một công dân.

Chế độ cộng sản đặt căn bản trên sự độc quyền đảng trị, thiếu một yếu tố quan trọng của một nền dân chủ là kiểm soát và quân bình (balance and check), vì vậy tạo điều kiện dễ dàng cho những kẻ nắm quyền lực lạm dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích riêng của họ. Hậu quả tất yếu của việc này là một hàng ngũ cán bộ tham nhũng, phân hóa và bè phái. Tham nhũng đang là vấn đề nhức nhối hiện nay của nhà cầm quyền Hà Nội, chính họ cũng phải thú nhận điều này.

Trong cộng đồng chúng ta- xin được giới hạn là trong những cộng đoàn những người trẻ sinh viên học sinh của chúng ta- việc nhận định sự tương quan giữa trách nhiệm chung và quyền lợi riêng tư phải được tính đến trong việc thành lập và phát triển cộng đoàn để đạt được những mục tiêu mà chúng ta nhắm tới.

Những bạn trẻ, sinh viên, học sinh có những nhu cầu gì? Họ cần một đoàn thể những người trẻ nói cùng một thứ tiếng mẹ đẻ của họ, để duy trì và phát triển những nét đẹp, những tinh hoa của văn hóa Việt Nam. Họ cần nói tiếng Anh giỏi, cần sự hội nhập với các đoàn thể khác trong trường. Họ cần một sự hội nhập với xã hội Úc để phát triển và tồn tại. Đoàn thể chúng ta chỉ có thể duy trì và phát triển lớn mạnh, nếu chúng ta nhận ra được những ưu tư này của những thành viên trong cộng đoàn của chúng ta. Những hoạt động của đoàn thể chúng ta phải tạo được một sự dung hòa giữa những quyền lợi, nhu cầu của thành viên và mục tiêu, chính sách của cộng đoàn.

Đối với những người lãnh đạo đoàn thể. Nếu cơ cấu chúng ta chừa chỗ cho sự lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân. Chúng ta sẽ lún sâu vào tệ nạn tất trách, bè phái, thiên vị như cộng sản.

Nếu cung cách tổ chức cũng như sách lược của đoàn thể chúng ta chỉ nhắm đến việc tạo dựng một tên gọi, một hư danh, thiếu một sự dung hòa cần thiết giữa trách nhiệm và quyền lợi của người lãnh đạo. Chúng ta sẽ thiếu một sự cạnh tranh cần thiết, và không tìm được những cá nhân tích cực và có thực tài để lãnh đạo cộng đoàn chúng ta. Những kẻ hiếu danh sẽ tung hoành trong một tình trạng lạm phát đoàn thể. Chúng ta sẽ không giải quyết được điều gì, trong một hổn hợp những đoàn thể bị phân hóa, chia rẽ. Cộng đoàn chúng ta thiếu sức mạnh vì thiếu người tham gia, thiếu sự nhiệt thành của những thành viên. Cộng đoàn chúng ta cũng sẽ bị còi cọc, bị lẩn quẩn vì thiếu người lãnh đạo tài ba, sáng suốt.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Melbourne, Úc Châu
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu

28 September 1996

Tự Do Ngôn Luận

Kính thưa quý thính giả
Các bạn học sinh, sinh viên thân mến

Tự do ngôn luận là môt trong những quyền cơ bản của người dân trong một xã hội tự do và dân chủ. Có thể nói đây là một tiêu chuẩn quan trọng để phân biệt một xã hội dân chủ, và một nhà nước độc tài. Trong tuần vừa qua, báo chí Úc đề cập nhiều về vấn đề tự do ngôn luận, theo nhật báo The Age, số ra ngày 23/9/1996, trong bài: “Howard defends freedom to speak”, xin tạm dịch là “Howard bảo vệ quyền tự do ngôn luận”, thủ tướng Howard đã đề cập đến sự việc là một chế độ kiểm duyệt có thể làm cho chúng ta đối diện với một xã hội chật hẹp, và bị hạn chế. Ông nói:

Tôi hoan nghênh sự việc mà người dân trong những ngày này có thể nói về một vấn đề nào đó mà không sợ bị dán cho những nhãn hiệu cực đoan, hay kỳ thị chủng tộc, hay bất kỳ một biểu hiện nào mà ai đó có thể vung vãi một cách vô tội vạ, khi không đồng ý với những điều mà người khác nói.

Ông cũng lưu ý rằng quyền hạn luôn luôn đi đôi với trách nhiệm, và tất cả những ai thực thi quyền tự do ngôn luận, phải lưu ý đến việc thực hiện quyền này trong một cung cách tế nhị và ôn hòa. Chúng ta không nên sử dụng quyền này để chuyển vận những lời lẽ thiếu tế nhị và thiếu sự bao dung. Ông Howard cũng nói đến những nhà chính trị cần khả năng lắng nghe ý kiến của người dân hơn là những điều mà những chính trị gia nghĩ và tin tưởng.

Mặc dù không nêu tên bà Pauline Hanson, và cũng không cho biết là ông có đồng ý với những nhận xét gây nhiều tranh luận của bà trong những ngày này hay không; nhưng điều mà ông Howard phát biểu trong cuộc họp mặt với các dân biểu đảng Tự Do tiểu bang Queensland hôm 22-9 vừa qua có liên quan đến những tranh luận, chống đối cũng như ủng hộ, về bài phát biểu của bà Hanson. Bà này trong bài phát biểu đầu tiên của bà ở Quốc Hội đã kêu gọi chính phủ xét lại chính sách di trú. Theo bà người Á Châu có mặt ở Úc quá nhiều và không chịu hội nhập với các cộng đồng sắc tộc khác. Bà cũng kêu gọi chính phủ nên giải tán ủy ban đặc trách về thổ dân và dân đảo Torres Strait, gọi tắt là ATSIT. Bà cũng kêu gọi sự thực thi chế độ quân dịch bắt buộc.

Trong một diễn biến khác, theo tờ The Age, số ra ngày 25-9 vừa qua, ông Jeff Kennett, thủ hiến tiểu bang Victoria, có những nhận định khác với thủ tướng Howard về vấn đề tự do ngôn luận. Ông cho rằng đã không có sự kiểm duyệt như lời ông thủ tướng đã nói. Dân Úc đã có sự tự do phát biểu ý kiến, tự do bàn thảo và tự do tranh luận. Nhận xét về những quan điểm của bà Hanson, ông Kennett cho rằng bà Hanson có quyền trình bày quan điểm của mình, nhưng ông ta không đồng ý với những ý kiến đó. Ông nói, bà Hanson nên cẩn thận với những nhận xét như thế, rằng sự lựa chọn một giải pháp dễ dàng để đạt được những mục tiêu chính trị ngắn hạn, có thể làm chia rẻ cộng đồng mà chúng ta đang sống.

Các bạn thân mến,
Trở về với những vấn đề của chúng ta, những tập thể sinh viên học sinh, và trong những vấn đề tự do ngôn luận. Kỳ phát thanh trước, hôm thứ Bảy, 14-9 vừa qua, ban phát thanh sinh viên có loan một bài phê bình của một bạn sinh viên, về đêm văn nghệ Hát Cho Tuổi Trẻ Việt Nam. Sau đó có nhiều bạn bàn thảo về bài viết này. Chúng tôi đã viết thư giải đáp một số thắc mắc của các bạn đó. Quan điểm của chúng tôi là: những bài viết không mang tính công kích xuất phát từ những động cơ cá nhân, không phạm quy điều của của SBS Radio, và trong giới hạn của chương trình sinh viên, những bài viết như thế, theo chúng tôi, đều có thể loan tải được trong chương trình này. Và việc tạo điều kiện để một người có thể trình bày ý kiến của mình, về một hoạt động xã hội của một tập thể sinh viên là một điều hợp lý, mặc dù chúng tôi có thể không hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả.

Chúng ta chống đối những vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Hà-Nội đối với Hà Sĩ Phu, Đoàn Viết Hoạt...vì những người này có ý kiến khác với ý kiến của các lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam. Tại sao chúng ta chỉ thích đăng tải những lời khen tặng chúng ta, và gạt bỏ những ý kiến phê bình trên tinh thần xây dựng? Ban phát thanh Tổng Hội Sinh viên Việt Nam không phải thành lập với mục đích chỉ để chuyển những lời khen tặng đến cho sinh viên. Chúng tôi muốn thực sự làm một phương tiện để các bạn trẻ nói chung, sinh viên học sinh  nói riêng, tự do góp tiếng nói của mình, một cách có trách nhiệm, trong một tinh thần đoàn kết, xây dựng, và với một cung cách tế nhị.

Trong một cuộc bàn thảo khác, dù không liên quan đến bài viết của bạn sinh viên nói trên, có một số ý kiến cho rằng, phải lưu ý đến một số phần tử thân cộng cố tình tạo chia rẻ trong hàng ngũ những người trẻ ở đây. Chúng tôi thật vui vẻ đón nhận sự lưu tâm này của các bạn.

Chúng ta phải học hỏi để bảo vệ, và thực thi quyền tự do ngôn luận của chúng ta, một cách có hiệu quả vì đó là nền tảng của sự tiến bộ. Một lời khen đúng là một khích lệ lớn lao, nhưng đánh bóng lẫn nhau là điều phải hết sức tránh. Phê bình trong tinh thần xây dựng là điều nên làm, và phải được lắng nghe, nhưng công kích vì những mục tiêu cá nhân là điều không thể chấp nhận được. Lưu tâm tới những tư tưởng cực đoan là điều mà chúng ta cần phải cẩn trọng, nhưng chụp mũ, bêu xấu lẫn nhau là điều không nên làm. Sự việc mà hễ ai có ý kiến khác chúng ta, thì chụp ngay cho họ một cái mũ là cộng sản, là thân cộng là một điều sai lầm. Ở chế độ cộng sản, ai có ý kiến khác với Đảng thì là phản động, phải đi tù. Sống ở xã hội tự do, và là những người trẻ, có cơ hội học được những điều hay trên xứ người, chúng ta không làm những điều tương tự như vậy.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Melbourne, Australia
28/9/1996

SBS Radio
Chương Trình phát thanh
Tổng Hội Sinh Viên Úc Châu

03 August 1996

Đêm Thắp Nến cho Thuyền Nhân


ĐÊM THẮP NẾN CHO THUYỀN NHÂN

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
3 Tháng Tám 1996

Đêm thứ Bảy, 27-7-1996 vừa qua, Ủy Ban Yểm Trợ Đồng Bào Tỵ Nạn cùng với Cộng Đồng Người Việt Tự Do Tiểu Bang Victoria và Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Liên Bang Úc Châu đã tổ chức một đêm thắp nến cho thuyền nhân tại quảng trường thành phố (Melbourne City Square). Tối chủ nhật sau đó trong tiết mục Sinh Hoạt Cộng Đồng, quý thính giả đã được tường trình khá chi tiết  về diễn biến của đêm thắp nến đó. Trong tiểu mục Diễn Đàn Sinh Viên hôm nay, xin được chia sẻ cùng với các bạn trẻ và quý thính giả cảm nghĩ của một sinh viên đã đến thắp nến đêm ấy.

Đậu xe dọc theo đại lộ St. Kilda, tôi lửng thửng thả bộ trên đường đi về quảng trường thành phố. Trời lạnh thật, những giọt mưa đêm đông buốt giá. Đi trong mưa trên đường phố ở đây có cái cảm giác như vừa hòa nhập, vừa như rất lẻ loi.

Bên em đang có ta
Hát về em tương lai xót xa[1]

Tiếng hát chợt vút cao tung bay trong bầu trời xứ này. Có một điều gì rất lạ, nơi này thành phố đầy người lạ, sao bay bổng tiếng hát Việt Nam. Có lẽ, tôi ở đây chưa được bao lâu, nên cái cảm giác “thành phố của mình”  vẫn chưa hiện diện một cách bền vững, nên chớp thoáng về một chút ngạc nhiên. Đêm mưa ướt lạnh, mọi người núp dưới mái hiên. Tôi đến trại tỵ nạn cũng vào một ngày mưa bão, cảnh sát Hong Kong đã bắt chúng tôi ngồi dưới mái hiên, hai tay đưa lên đầu. Giờ đây tôi cũng đứng dưới mái hiên trong tâm trạng buồn buồn, một chút mặc cảm tội lỗi, và theo sau là một lời bào chữa. Tôi đã sống ở trại, đã từng đối diện với một tương lai xót xa. Những bạn nhỏ của tôi ở trại khi tôi đến chỉ 11, 12 tuổi, giờ đây đã 19, 20 vẫn còn ở đó, đôi mắt thất thần nhìn về một tương lai xót xa. Tôi biết rất rõ cảm giác xót xa, bế tắc đó, nhưng ba năm rồi, ngoại trừ một lần đi bộ quyên tiền ủng hộ cho thuyền nhân, hôm nay tôi chỉ đến nơi này, thắp một ngọn nến giữa đêm đông. Tôi cố gắng nói rằng, tôi đang thắp cho các bạn tôi một niềm hy vọng. Tôi gởi đến trời cao một lời cầu nguyện cho các bạn bè tôi.

Bên em đang có ta,
Thống thiết kêu vang lương tâm thế nhân

Tôi biết lương tâm thế nhân bây giờ đặt trên những chiến lược kinh tế, chính trị, đâu có chỗ dung chứa cho một tình nhân đạo để cho tôi kêu gào. Tuy vậy, tôi vẫn che dù giữa trời mưa nặng hạt và cất cao tiếng hát, gởi đến cao xanh một lời ca thống thiết, gởi đến trời sao chút ánh sáng nhỏ nhoi từ một ngọn nến này.

Tôi thắp nến và hát ca trong hy vọng tiếng hát này có thể làm dịu đi phần nào, dù rất bé nhỏ, nỗi xót xa của những bạn bè còn ở trại, khi họ thấy và nghe những điều này, nó sẽ làm dịu đi tiếng “khóc trong lầm than, khóc trong trại giam” của họ.

Quanh tôi, một cụ già lặn lội đường xa, mưa gió, run run ánh nến trong tay. Im lặng, thâm trầm. Một thằng bạn dầm mưa suốt buổi chiều để dàn dựng sân khấu, cũng im lặng nghiêm trang. Tiếng thác nước nhân tạo vọng đến nghe rõ một một, cuốn đi những nỗi niềm riêng: “Mình là một trong những người may mắn, hãy làm một chút gì cho những bạn bè còn bất hạnh” – Có lần nó đã nói với tôi như thế. Một chút thôi, cũng đủ buông thả một nỗi buồn man mác tích lũy từ những hoài niệm, đôi khi bất chợt hiện về.

Quanh tôi, một người trí thức, giỏi giang, có tư cách, đứng im lặng dưới mưa, không một chút ồn ào vụn vặt, như những kẻ hiếu danh.

Đêm nay trên bản đồ, có một thuyền ra đi
Hiên ngang trên sóng gào, tự do đón chào
Xin chào tự do với nỗi niềm cay đắng
Nhìn lại bến bờ, nước non mình muối mặn[2]

Quanh tôi, một bạn trẻ, đứng yên, vô tư. Bạn trẻ quá, nên chắc tâm tư không chập chùng kỷ niệm, có lẽ đến đây vì tò mò, hiếu kỳ nhiều hơn. Bạn sẽ trưởng thành, đêm nay sẽ đi vào kỷ niệm của bạn, như một chút ấm áp của quê hương một ngày nào đó.

Hai mươi năm
Người còn tha thiết núi sông
Thì sẽ thấy cơn mưa nguồn
Sẽ lặn lội đi tìm
Bao con đường dấu quê hương[3]

Quanh tôi, một người Úc bình thường, anh không đại diện cho một đảng phái, một tổ chức nào cả, che dù đứng lặng yên gần ba tiếng đồng hồ dưới mưa. Anh không biết tiếng Việt, để có thể hát cùng chúng tôi. “Tôi chưa có dịp đến trại tỵ nạn của các anh, nhưng tôi mong sẽ có dịp được làm việc ở đó”. Anh nói với tôi, chỉ thế thôi. Vẫn còn có những người như thế. Đêm này, dẫu sao cũng còn những ánh nến để không đến nỗi tối đen, lạnh lẽo.

Tôi ra về. Trời vẫn còn mưa. Tiếng hát vẫn còn nối theo:

Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh đi
Đêm nay, đêm tối trời anh bỏ quê hương
Ra đi trên chiếc thuyền hy vọng vượt trùng dương
Ghe đi trên sóng cuồng, thấy gì ở quê hương
Xa xôi, ôi núi mờ xa dần...

Chiếc gạt nước xua đi những hạt mưa trên kính xe, hiện tại sáng lên trên những con đường trước mặt. Anh nến xua tan sương lạnh trong Dr. Zivago của Boris Paternak đã góp phần thắp sáng một nước Nga không cộng sản. Ánh nến đêm này, tan biến trong lòng người, để mong được thắp sáng cho một Việt Nam tự do trong tương lai.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Melbourne, Úc Châu
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu






[1] Lời bài hát “Bên Em Đang Có Ta
[2] Lời bài hát “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển
[3] Lời bài hát “Hai Mươi Năm” – Phan Văn Hưng

29 June 1996

Chuẩn Bị

Sự Chuẩn Bị của Chúng Ta

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
29 Tháng Sáu, 1996

Bây giờ đang mùa thi, chắc chắn là các bạn bận rộn lắm. Hôm qua, tôi thi môn cuối cùng ở học kỳ này, và dù còn hai bài làm phải nộp nội trong hai tuần tới, nhưng cũng thấy khá nhẹ rồi. Tiết mục Diễn Đàn Sinh Viên hôm nay xin được mở đầu bằng một vài cảm nghĩ đến từ một chuyện nho nhỏ trước phòng thi vậy.

Trong nhiều năm Melbourne Showground được chọn làm nơi thi của học sinh ở đây. Năm nay, trời lạnh thật. Đông người; dù vậy, ngọn gió dẫu không hoang vu lắm vẫn cứ thổi buốt cả xuân thì. Xung quanh nhiều cuộc đời từ muôn hướng, không thiếu những âu lo. Tôi đứng dựa lan can trước phòng thi nghe chiều đi thong thả, bỡi những ngày vội vả đã qua đi rồi, và bây giờ xin những phút im lặng trước khi thi, như tâm trạng những người lính và những khoảnh khắc im lặng trước chiến tranh. Nhưng tôi sẽ không nói về lính, dù ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vừa qua đi, bỡi lẽ thi cử đối với chúng ta đã nặng rồi, và chuyện lính thì bao giờ cũng nặng hơn nữa.

Đứng gần như đối diện với tôi là một cô bé, có lẽ người Hoa, cô ấy chào bạn của mình bằng một cử chỉ rất điệu, rất Úc. Tôi mỉm cười một mình, và với chính tôi. Hồi mới tới Úc, cách đây mới mấy năm, nhìn những cử chỉ này thấy hơi lạ, có chút chống đối trong lòng. Bây giờ tôi quen rồi, quen một cách tự nhiên giản dị, như quen với mùi vị rau muống ở đây. Vâng, hột giống rau muống đem từ Việt Nam sang, nhưng gốc rễ cắm trên vùng đất khác, nên mùi vị của nó khác đi. Người ta cần thời gian để thông cảm cho sự khác biệt. Bây giờ tôi đã quen với mùi vị rau muống ở đây. Tôi đã thông cảm cho cây rau muống. Và điệu bộ của cô bạn trước mặt, không làm khơi dậy trong tôi một cảm giác chống đối nào nữa. Tôi đã có được một cảm giác dễ chịu, một hạnh phúc nhỏ từ chính sự thông cảm và hiểu biết của mình.

Đúng và sai trong nhiều trường hợp không phải là vấn đề. Không có một biên giới hẳn hoi. Thường chúng ta bị những quan niệm, thành kiến cũ chi phối. Những điều này tiêu chuẩn hóa cách nhìn sự vật, sự việc của chúng ta. Hợp với hệ thống quy điều đó thì chúng ta cho là đúng; không hợp thì là sai. Ngoại vật thay đổi theo thời gian; hệ thống “Đúng-Sai” trong lòng mình cũng phải được cập nhật hóa, cũng như chúng ta chấp nhận mùi vị của cây rau muống, vì nó được trồng trên một vùng đất khác.

Đời sống thì thay đổi nhanh chóng, nhưng sự thay đổi trong lòng người đôi khi diễn ra chậm lắm. Phải có thời gian thì cảm giác chống đối như tôi đã từng có trước đây mới thật sự biến mất trong lòng. Xin cho tôi được học làm cây rau muống để thích nghi nhanh với khí hậu và đất nước nơi này, và để biết kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi trong lòng người, như cây rau muống chờ đợi một cách kiên trì để được người ta quen thuộc và chấp nhận sự khác biệt về mùi vị của nó.

Chắc chắn là chúng ta cần thời gian rồi. Tôi cần vài ngày để hoàn tất một bài làm. Bạn cần thời gian mấy phút để hoàn thành một câu hỏi trong phòng thi. Người dân nước Nga cũng chỉ còn một vài ngày nữa để quyết định có nên tiếp tục tiến trình cải tổ, dân chủ hóa đất nước họ hay không? Người dân nước Nga chịu nhiều khổ đau mới tạo được những sự thay đổi vào thập niên 90 này, nhưng trong cuộc bầu cử vừa rồi, một tỉ lệ không nhỏ dân chúng cũng đã dồn phiếu cho những người đại diện có khuynh hướng cộng sản. Phải chăng cần có thêm thời gian nữa để toàn thể dân chúng Nga ý thức được và tin tưởng vào tương lai của nền dân chủ trên đất nước của họ. Tiến trình dân chủ có được hay không, không phải nằm trong kế hoạch của những nhà lãnh đạo, hay những nhà làm luật mà phải xuất phát từ ý thức và niềm tin của dân chúng. Luật pháp phải bảo đảm cho dân chúng phát huy quyền làm chủ thực sự của mình. Dân chúng phải biết sử dụng luật pháp như những công cụ có hiệu lực để bảo đảm các quyền tự do dân chủ của họ.

Hôm qua đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ tám khai mạc. Nếu bầu cử là để thay đổi nhân sự lãnh đạo quốc gia, thì đại hội đảng cộng sản có thể xem như một cuộc bầu cử. Nếu bây giờ, thí dụ như chúng ta có một cuộc bầu cử như nước Nga hiện nay. Ai sẽ đại diện cho khuynh hướng dân chủ đứng ra tranh cử? Có lẽ nhiều lắm. Những đại diện này có thể thắng được trong cuộc bầu cử này hay không? Những người này có chắc chắn chiếm được niềm tin của đại đa số dân chúng hay không? Bao nhiêu phần trăm dân chúng sẽ bỏ phiếu cho cộng sản? Dân chúng Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ để ủng hộ, và bảo vệ một nhà nước dân chủ chưa? Hai mươi năm qua, chúng ta đã chuẩn bị nhiều chưa, đủ chưa, cho chính chúng ta cũng như cho tương lai của những thế hệ mai hậu?

Có lẽ các bạn phải chuẩn bị bài, chuẩn bị thi, chuẩn bị cho tương lai trước mắt mình. Mọi người ai cũng phải chuẩn gị cho một cái gì đó. Chúc các bạn may mắn trong những ngày thi còn lại.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Đại Học Melbourne (Uni. of Melb.)
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu




15 June 1996

Lời Ngỏ


Đặc San Thường Niên
Sinh Viên Đại Học Melbourne
15 Tháng Sáu, 1996

Các bạn thân mến,
Hằng năm cứ mỗi lần Đông tới, thi xong là thời gian chúng ta ngồi lại với nhau để... làm báo.  Nhiều mùa đông đã trôi qua...như thế. Nhiều thế hệ sinh viên đã đi qua dưới những tàng cây phong trong sân trường...như thế. Nhiều đặc san thường niên đã ra đời...như thế. Mùa đông, sinh viên, và những đặc san của chúng ta dường như rất giống nhau, và cũng rất đỗi khác nhau. Nếu có ai hỏi chúng ta tại sao; có lẽ sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau lắm! Tuy nhiên, dẫu khác nhau như thế nào, mỗi câu trả lời đều mang theo với nó cảm nhận, tâm sự và kỷ niệm của người diễn đạt chúng, trong những ngày mà chúng ta sống nơi đây, dưới tầng lá phong ấy, nghe tiếng chuông đồng hồ trên tháp gõ chín tiếng đều nhau để bắt đầu một ngày của đời sống luôn luôn khác biệt trong khuôn viên Đại học này.

Ước mong lớn của BBT đặc san năm nay là “tờ báo” mà các bạn đang có trong tay được trở nên như một tấm gương lớn nơi mà chúng ta có thể tìm thấy được hình ảnh của mình và của bạn bè, thấp thoáng ẩn hiện dưới những dòng chữ mà thật ra chúng ta viết để gởi những niềm vui và nỗi buồn cho nhau. Vui buồn đó là những kho tàng, như kho tàng của thi sĩ Cao Tần:

Kho tàng ta em yêu hãy nhìn xem
Dưới ghế công viên anh giấu thời thơ dại
Trên tháp nhà thờ anh giấu niềm tin
Trong vườn cũ anh giấu thời hạnh phúc
Nơi nụ cười em anh giấu trái tim

Hay như Kahlil Gibran, trong The Broken Wings, bản dịch của Nguyễn Ngọc Minh: “...mọi người sẽ không tin chuyện tình của chúng ta, vì họ không biết rằng tình yêu là loài hoa duy nhất sinh trưởng và trổ bông không cần sự trợ giúp của tiết mùa. Nhưng phải chăng mùa xuân đã đem ta đến gần nhau lần đầu? Và có phải chăng đây là giây phút chúng ta dừng chân trong chốn thiêng liêng nhất của cuộc đời? Phải chăng bàn tay trời đã đưa hồn ta đến gần nhau trước khi chúng ta chào đời, và đã an bài cho chúng ta thành tù nhân của nhau đến thiên thu? Đời người không khởi đầu từ lòng mẹ và cũng không tận cùng trong nấm mồ. Bầu trời này, tràn đầy ánh trăng và muôn sao, có lẽ nào bị những linh hồn mang nặng tình yêu và những tâm linh chứa chan trực giác rủ bỏ không bao giờ trở lại?...”

Trong khung trời Đại học của những người thuộc thế hệ trước chúng ta, qua những nhạc phẩm của Phạm Duy, tình yêu của sinh viên có cát nóng của những mặt trận ở miền Cổ Thành Quảng Trị, và nỗi nhớ của cô sinh viên trong ánh sáng hiu hiu của những ngọn đèn cư xá.... Thế còn các bạn?

Một mai khi rời nơi đây, ở một nơi nào đó, trong một lúc nào đó, có dịp đọc lại những dòng chữ trong đặc san này, mong rằng nó cũng sẽ chỉ cho bạn những kho tàng mà bạn đã chôn giấu. Bạn giấu gì ở nơi giảng đường, trong góc thư viện, phòng thí nghiệm, quán cà phê, hay dưới giải nước trong xanh in bóng mây trời có những con hải âu quanh quẩn, dọc theo Nam Viên (South Lawn)...? Hay bạn sẽ cười và nói rằng hồi ấy mình sao mà ngây thơ (vô số tội ?!) Dẫu sao đó cũng là công việc của ngày sau. Còn bây giờ, xin hãy tìm dung nhan của chính bạn, của người bạn đang yêu, chưa yêu, và sẽ yêu trong đặc san này.

Mời bạn!

Nguyên Đại
Đại Học Melbourne (Uni. of Melb.)





25 May 1996

Mùa Lá Rụng Sân Trường

Mùa lá rụng sân trường

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
25 Tháng Năm, 1996

Mùa Thu là mùa của thi nhân. Mùa thi là mùa của sinh viên. Mùa thu về trên những thành phố phía đông nước Úc cũng vào mùa thi của sinh viên để kết thúc mười bốn tuần học đầu tiên của năm học. Những quan tâm về chính trị và ngay cả những mơ mộng hầu như thường trực của tuổi trẻ, có lẽ phải nhường lại cho những lo âu, căng thẳng để đối diện với những ngày thi sắp tới. Xin giới thiệu cùng quý vị và các bạn tâm sự của một sinh viên đang chập chững ở ngưỡng cửa Đại học, trong bài viết “Mùa lá rụng sân trường” sau đây.

Tháng Năm, nơi đây không có màu thắm đỏ của những cành phượng vĩ, không có tiếng ve rộn rả, không có những buông thả của những ngày cuối khóa. Ở đây, xác lá vàng ngợp trong nắng công viên, và bụi lá cuốn bay, trong những cơn gió đi qua từ những chiếc xe vụt thoáng trên đường. Sáng nay, tôi gặp một người không quen trên đường đến trường, cô ấy đưa cho tôi một cái máy chụp hình, nhờ tôi chụp cho cô một tấm ở trên giữa cù lao, trên một con đường đông đúc xe cộ lại qua. Con đường ngập lá. Mùa Thu Melbourne. Tôi nghĩ cô ta là một khách du lịch, có lẽ đến Úc từ một nơi nào đó. Nhưng sau khi trao đổi một vài câu tiếng Anh, tôi mới biết cô ta là một người Việt, đang làm công việc như một công chức ở bưu điện. Trên đường đến sở làm sáng nay, cô ấy đã đem theo máy hình, và tôi là một người qua đường đã được nhờ để  ghi lại giây phút thi vị này mà cô cảm thấy nơi đây. Cô ấy ăn mặc giản dị, nhưng tôi nghĩ, có lẽ tâm hồn của cô giàu có lắm, mới có thể bức ra khỏi tiếng xe cộ gầm rú trên đường, trong một buổi sáng sớm, ở một thành phố công nghiệp, để miên man trong cái vàng ngợp của trời thu. Tạm biệt một người đồng hương, tôi đã không hỏi tên. Tôi lại đi. Đến trường, mùa thu và công viên đầy lá...

Trường Đại Học, tất cả như chỉ mới bắt đầu, bắt đầu một mùa thi, có lẽ, năm thứ nhất của tôi – chưa rơi – như lá – nên chưa sợ. Tôi ngồi đây, sáng sớm và sương còn lạnh. Bãi cỏ đầy lá, tôi tan biến trong sự im lặng và cô đơn.

Mùa lá rụng sân trường – một chiếc lá rời cành, một chồi non chuẩn bị sinh sôi. Ly cà phê bốc khói. Tôi hy vọng nuôi lớn tâm hồn – nhiều khi vu vơ của mình để không bị những lo âu, trăn trở thường nhật của cuộc sống cuốn đi, như những chiếc lá ngoài kia bay trong cơn gió thu xào xạc.

Mùa lá rụng sân trường – bên kia mảnh trời xanh, có đôi mắt nhỏ của quê hương, của Mẹ, của một dòng sống tức tưởi chuyển mình. Mẹ, Cha tôi ở đó, người thân tôi ở đó, tần tảo, nhọc nhằn. Quê hương tôi chuyển mình rạn vỡ những niềm đau. Đất nước tôi ở đó, rền rỉ trong cơn khủng hoảng chủ thuyết. Cơn lốc chính trị đi qua còn in nhiều vết dấu. Và em tôi, “cái cò lặn lội bờ sông”, nước đục thành dòng có làm bẩn áo trắng của em không? Dòng sông Yarra nơi đây ngầu đục cuốn người đi trong thương yêu, niềm đau và nỗi nhớ.

Mùa lá rụng sân trường- đằng sau hàng cây xanh là kỷ niệm học trò, là mộng mơ mười bảy, là của dĩ vãng, những vụng về tuổi ngọc...

...Em tan trường về,
Đường mưa nho nhỏ
Anh theo Ngọ về,
Tóc dài tà áo vờn bay...

Ừ nhỉ! Hình như...kìa có cô bé bước chân xiêu trong nắng, chắc hẳn là người Việt, đang dụi mắt vì gió làm cay, một chiếc lá vàng rơi xuống, vương trên tóc bé. Trường tôi đẹp quá! Trời lành lạnh, áo dài nữ sinh đi đâu? Em về chốn ấy, trời thu giăng giăng. Một thời vụng dại. Theo chân em đến trường, bài vở ngời trong lá.

Tuổi trẻ, đem ngây thơ vào chính trị, đem tình yêu xuống đường làm cách mạng. Tuổi trẻ không dừng chân. Tuổi trẻ bước tới đối diện với sự Chết. Tuổi trẻ đốt nóng lý tưởng bằng nhiệt huyết của chính mình. Lá vàng một thời rơi rụng. Chiếc nón sắt, nằm yên bên bờ lau sậy. Nhẹ tênh. Ôm cả mây trời, non nước đi qua, bốn mùa ấp ủ. Nằm xuống. Vĩnh viễn. Vô danh như chiếc lá thu. Bất diệt như một bài ca.

Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành...

Tuổi trẻ bây giờ về đâu? Chân trời sáng thu lại thành một điểm nhỏ, nhỏ như đồng đô-la, bất chấp tất cả, bỡi ta là tất cả, tất cả là ta. Lá đã rụng xuống đường, định vị, bao nhiêu bàn chân giẫm đạp qua, trở về với đất. Vì sao? Thiếu một cơn gió, thiếu một hướng đi. Tranh cải, phải chăng là một sự bàn luận hữu ích, hay là một sự tương tàn. Đêm tối vô tri tiếp tục ngự trị.

Nhưng tuổi trẻ không yên nghỉ, không yên nghỉ một cách vĩnh viễn. Tuổi trẻ không nằm yên. Tuổi trẻ trăn trở kiếm tìm. Ngày đã lên, mặt trời đã mọc. Sương rồi sẽ tan đi. Mùa đông rồi sẽ qua đi. Tuổi trẻ đang học hỏi để kiến tạo, để khôi phục. Lá dẫu có vàng cũng sẽ không nằm yên dưới đất. Gió sẽ mạnh dần lên. Đất trời sẽ ngập vàng thơ mộng. Nụ cười của em rồi sẽ sáng tươi trong nắng.

...Em mơ cùng ta nhé,
Bóng ngày mai quê hương
Đường hoa khô ráo lệ...

Chúng ta lại đi qua trên những con đường thân thuộc. Đôi mắt nai sẽ lóng lánh ánh đèn chiều thành phố. Nụ cười duyên má lúm đồng tiền, mà ai đó lấp hoài không đầy nỗi nhớ, bước xuống thành thi ca. Lại những ồn ào sôi nổi chiều tan học. Và những ngu ngơ, tấp tểnh của những tình yêu vừa chớm... Một thế hệ mới lại trưởng thành. Một sức sống mới lại sinh sôi.

Sắp tới giờ học rồi, tôi phải đi. Có lẽ tôi sẽ không hiểu được nhiều vì đã dùng thời gian đọc tài liệu để ngồi đây mơ mộng. Tuy nhiên, có một điều mà không thầy cô nào dạy cho tôi là: hôm nay, tôi đã biết tôi đứng đâu trong sân trường ngập lá vàng này.

Quý thính giả, và các bạn thân mến. Bài viết trên, như một tâm sự, một chia sẻ. Ban Phát Thanh Tổng Hội Sinh Viên Liên Bang Úc Châu rất mong được quý vị và các bạn góp ý, góp bài để chương trình này nói được tiếng nói chung của chúng ta.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Đại Học Melbourne (Uni. of Melb.)
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu




27 April 1996

Suy Nghĩ Về Ngày 30 Tháng Tư

Suy Nghĩ về Ngày 30 Tháng Tư

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
27 Tháng Tư, 1996

Kính thưa quý thính giả
Các bạn học sinh, sinh viên thân mến

Trong những ngày tháng này, nếu quý vị và các bạn theo dõi tin tức, có lẽ các bạn vẫn chưa quên những tin tức thời sự đáng chú ý trong khu vực. Đó là về những căng thẳng ở vùng eo biển Đài Loan, khi mà Trung Cộng muốn ngăn cản cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của người Hoa từ nhiều thế kỷ nay. Trung Cộng đã thất bại trong việc đó. Ông Lý Đăng Huy đã đắc cử vẻ vang trong cuộc bầu cử vừa rồi. Một diễn biến khác có lẽ được nhiều báo chí nhắc đến là tình trạng chiến tranh có vẻ như sắp sửa bùng nổ ở vùng bán đảo Triều Tiên, tức là Đại Hàn, hay Korea. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy là quân đội Nam Hàn cho đến nay, vẫn có đủ sức mạnh để ngăn chặn một cuộc xâm lăng phương Bắc.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa cộng sản có cơ hội bành trướng ở nhiều quốc gia, kết quả là có một số nước nằm trong tình trạng bị phân chia như Đức, Trung Quốc, Đại Hàn, Việt Nam. Nhưng sau đó, thế giới cộng sản dần dần bị suy yếu và tan rã một phần lớn, trong những năm 1989-1991, với sự tan rã của Liên Bang Sô Viết, và các đảng cộng sản ở các nước Đông Âu. Các đảng cộng sản ở các nước như Anh, Pháp cũng lần lượt giải tán.

Việt nam cũng là một đất nước bị chia cắt do hậu quả của sự mở rộng ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản, nhưng người Việt chúng ta có một kết cuộc ra sao? Ngày 30 Tháng Tư 1975, cộng sản chiếm hoàn toàn miền Nam Việt Nam, và công cuộc đàn áp của cộng sản đối với người dân miền Nam bắt đầu, nhất là những người có dính líu với chế độ Việt Nam Cộng Hòa ngày trước. Một số người Việt đã liều chết vượt biển, ra đi. Trong số này, nếu ai may mắn, thì đến được một đất nước tự do, và công cuộc gầy dựng từ số không cũng đòi hỏi những nỗ lực không ngừng. Đó là những thử thách của thế hệ người Việt đầu tiên ở hải ngoại. Nếu không may, những người ra đi có thể bị chết trên biển hay bị hải tặc tấn công, hoặc bị công an cộng sản hành hạ, tù đày.

Những ngày gần đây, chúng ta nghe lính Mã Lai chà đạp người Việt mình, trong các trại giam thuyền nhân ở đất Mã, trước khi áp giải họ lên tàu trả về Việt Nam. Những người này cũng đã liều chết ra đi, mỏi mòn chờ đợi 6 hoặc 7 năm trong các trại giam, sống trong cảnh thiếu thốn và bị đối xử tồi tệ, và rồi kết quả lại đến với họ một cách đớn đau như vậy. Chân bước xuống tàu, nước mắt rưng rưng.

Cũng thân phận con người, cũng một khởi điểm là một phần đất nước bị nhuộm đỏ, cũng cùng một màu da, nếu chúng ta so sánh với người Đài Loan, người Nam Hàn, sao thân phận người Việt Nam mình nghe buồn quá vậy! Sao người Việt không có may mắn được thống nhất trong một nền kinh tế phồn thịnh, và một chế độ thực sự dân chủ, sau những ngày tháng dài chia cắt như người dân nước Đức? Sao người Việt mình không có cái may mắn như người Đài Loan, họ vẫn còn một chỗ đứng trên quê hương để bảo vệ lý tưởng tự do của  họ bằng mọi giá. Sao người Việt mình không cái tự hào của người dân Nam Hàn, mặc dù trong tình trạng đất nước bị chia cắt, nhưng họ có một nền kinh tế hùng cường, như vẫn thường được gọi là một con rồng của vùng Á Châu- Thái Bình Dương? Trong khi đó khoảng đầu tháng Tư này, trong bản dự thảo cương lĩnh chính trị và chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa 1996-2000, đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định rằng: “Đổi mới không có nghĩa là đi ngược lại con đường xã hội chủ nghĩa. Đổi mới chỉ là một giai đoạn trên đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Các bạn đã học kinh tế, có dịp so sánh giữa hai hệ thống kinh tế:  Tư Bản (Capitalism) và “Xã Hội Chủ Nghĩa” (Socialism). Phát triển kinh tế theo con đường xã hội chủ nghĩa, quả thực, đã đi ngược lại những quy luật kinh tế quan trọng nhất. Trong những năm gần đây, đảng cộng sản Việt Nam đã có thay đổi chút ít trong đường lối phát triển kinh tế, nhưng cái sai của cộng sản là cái sai từ chủ thuyết, từ gốc rễ. Những sự thay đổi gần đây, có chăng, là sự thay đổi về phương thức, là những cành lá, ngọn ngành. Chẳng hạn, họ đưa ra khái niệm về hệ thống kinh tế thị trường tự do theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khái niệm này thực là kỳ cục, nó ngầm chứa một sự dối trá. Họ dối trá để bảo vệ cái mà họ gọi là chuyên chính vô sản, thực sự là bảo về quyền lực của một thiểu số cán bộ thống trị, bất chấp quyền lợi của đại đa số dân chúng, và tương lại của một dân tộc. Một cái cây đã mục ruỗng, sâu bọ từ cội rễ thì dẫu có trang điểm lòe loẹt như thế nào đi nữa ở phần lá cành, thì cái cây đó cũng không thể sống được. Sự thay đổi một cách lỡ cỡ, chắp vá, không thể giúp chế độ cộng sản phục hưng quyền lực của họ.

Các bạn đang sống ở đây, nước Úc, một quốc gia đang có một cơ chế chính trị đặt căn bản trên sự phân chia quyền lực, và duy trì sự đối lập. Trong tình trạng này, bất cứ vấn đề xã hội nào, chẳng hạn, đề nghị việc hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa hiện nay của chính phủ Kennett, hay việc bán một phần công ty điện thoại Telstra của chính phủ Howard cũng đã được dân chúng bàn bạc, và được nhìn dưới nhiều khía cạnh, được phân tích kỷ lưỡng, trước khi đi đến quyết định. Dân chúng đã có dịp, và có quyền xem xét chính sách của từng đảng phái chính trị, trước khi bỏ phiếu. Lá phiếu của dân chúng quyết định vị thế cầm quyền của một đảng phái.

Ở Việt Nam, chưa bao giờ cộng sản duy trì một thế đối lập thực sự trong chính trị. Đó là một trong nhiều lý do mà chế độ cộng sản cứ kẹt mãi trong cái vòng lẩn quẩn trong một tình trạng kinh tế và chính trị thường xuyên bất ổn. Các bạn đã hiểu biết rằng, khi khoảng cách giữa đa số người nghèo và một thiểu số người giàu quá lớn thì cách mạng – tức revolution – có thể xảy ra. Cách mạng vô sản đã được hình thành như thế, khi đảng cộng sản khơi dậy lòng căm thù giai cấp trong một xã hội. Chế độ cộng sản được sinh ra trong sự nghèo đói, và thiếu hiểu biết, và với vũ khí là đấu tranh giai cấp. Nhưng nó không thể sống được trong một xã hội nghèo đói, vì chính ở đó nó tạo ra một sự cách biệt về giai cấp lớn hơn. Một khi mà đa số dân chúng nhận thức hoàn toàn về điều này, chế độ cộng sản phải tiêu vong.

Mặt khác, trong tình trạng của Việt Nam hiện nay, khi mà kinh tế của các quốc gia trong vùng phát triển mạnh mẽ và liên tục. Việt Nam không thể đứng chơ vơ như một ốc đảo giữa sa mạc được. Chế độ cộng sản không thể làm gì khác hơn là chấp nhận sự phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam. Trong một xã hội văn minh và tiến bộ, khi mà ý thức chính trị, ý thức dân chủ của người dân trưởng thành, chế độ cộng sản cũng không thể tồn tại được. Sự trưởng thành về chính trị của người dân sẽ không cho phép bất cứ một sự độc tài nào được duy trì.  Chủ nghĩa cộng sản phải bị hủy diệt trước đà tiến của nhân loại. Chế độ cộng sản Việt Nam phải tiêu vong, để lịch sử dân tộc tiến lên. Đó là điều dứt khoát phải xảy ra. Đó là một tất yếu lịch sử.

Thanh niên Việt Nam chưa bao giờ trong lịch sử đất nước lại tách biệt với quê hương. Chưa bao giờ. Ý nghĩa đời sống của họ, vì thế mà vượt qua cái ràng buộc của sự ích kỷ, cái co cụm trong một sự hưởng thụ. Chúng ta hôm nay cũng vậy. Chúng ta sẽ không bao giờ tách biệt khỏi vận mệnh của quê hương chúng ta.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Đại Học Melbourne (Uni. of Melb.)
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu





13 April 1996

Viết Về Quá Khứ

VÌ SAO CHÚNG TÔI VIẾT VỀ QUÁ KHỨ

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
13 Tháng Tư, 1996

Kính thưa quý thính giả
Các bạn học sinh, sinh viên thân mến

Sau một số chương trình phát thanh của ban phát thanh Tổng Hội Sinh Viên Liên Bang Úc Châu, chúng tôi đã nhận được một số ý kiến đóng góp từ quý thính giả, cũng như các bạn trẻ. Thay mặt ban phát thanh, chúng tôi gởi đến quý thính giả và các bạn trẻ lời cảm ơn chân thành. Chúng tôi cảm ơn quý vị, vì quý vị đã góp ý một cách trực tiếp, thẳng thắn và thân tình. Mặt khác, ý kiến của quý vị đã giúp cho chúng tôi có dịp nhìn lại sự việc từ một góc nhìn, một quan điểm khác, điều ấy thực sự giúp chúng tôi suy nghĩ, và quan sát tỉ mỉ hơn. Lần nữa, xin cảm ơn quý vị. Thời gian cho chương trình sinh viên có giới hạn, cho nên chúng tôi không thể hồi đáp tất cả mọi ý kiến đã nhận được trong một bài viết ngắn được. Chúng tôi sẽ tuần tự phúc đáp những ý kiến này trong những lần phát thanh sau. Mong quý vị và các bạn thông cảm.

Có ý kiến cho rằng, tại sao chương trình phát thanh sinh viên nói nhiều về quá khứ quá vậy. Người ta đã muốn quên đi quá khứ đau buồn để sống bình thường những ngày ở đây, sao cứ nhắc hoài vậy.

Thật ra, không phải chúng tôi loan tải những bài viết nói về quá khứ trong tất cả mọi chương trình. Tuy nhiên, có một số bài chúng tôi đăng, vì nhận thấy rằng nó cần thiết. Thưa quý thính giả, không phải không có lý do mà chính phủ Mỹ quy định điều kiện để xin gia nhập quốc tịch Mỹ là phải biết tiếng Mỹ và hiểu biết về lịch sử nước Mỹ. Thanh thiếu niên Việt Nam phải hiểu biết lịch sử Việt Nam, để tâm hồn của họ có thể hài hòa được với vóc dáng và cội nguồn của họ. Cư ngụ trên xứ người, họ không thật sự được dạy một cách đầy đủ về điều đó. Tuy nhiên, tận dụng những phương tiện có được để duy trì và phát triển văn hóa sắc tộc là một trong những mục tiêu của chính sách Đa Văn Hóa (Multiculturalism) đang được thực thi trên đất Úc.  Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng góp phần làm công việc này là cần thiết, hợp lý và hợp pháp.

Trên các con đường thành phố, trong các công viên, thanh thiếu niên Việt Nam ở Úc gặp những bức tượng của James Cook, của John Batman. Họ biết đó là ai, và vì sao người ta tạc tượng những người này đặt ở những chỗ đông người nhất, phải chăng là để nhắc nhở công dân Úc về lịch sử lập quốc của nước này. Thanh thiếu niên Việt Nam lẽ nào không nên biết đến những tên tuổi như Trần Quốc Toản, người thiếu niên 16 tuổi, đứng trước phòng hội nghị Bình Than đã tức giận bóp nát trái cam vì không được dự hội nghị với lý do nhỏ tuổi. Quốc Toản sau đó đã về nhà triệu tập anh em, bạn bè, giương ngọn cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân”, nghĩa là giết giặc bạo tàn, đền ơn vua, ơn nước. Quốc Toản đã góp sức nhỏ của mình trong việc chận đứng vó ngựa thiện chiến của đoàn quân Mông Cổ, vào đời nhà Trần.  Thanh thiếu niên Việt Nam phải được nghe nói về Phạm Ngũ Lão, người thanh niên đã triền miên suy nghĩ việc nước, đến nỗi ngọn giáo của binh lính dẹp đường đâm lủng bắp vế mà không hay. Phải được hiểu tại sao “Xuân này con không về”, dù con biết “chắc mẹ buồn lắm” nhưng vì “bao lớp trai hùng chờ xuân chiến trường, không lẽ riêng mình êm ấm”. Phải hiểu được vì sao Trung Tướng Nguyễn Khoa Nam và nhiều người lính cộng hòa khác đã tự kết thúc đời mình khi miền Nam mất.

Nếu với tác phẩm Wild Cat Falling, của Mudrooroo, một trong những tác phẩm mà học sinh 12 có thể chọn đọc để bước vào kỳ thi tú tài ở đây, người Úc đã nhìn nhận sự thất bại của họ trong chính sách Assimilation, bao gồm việc tách con cái của những người thổ dân ra khỏi gia đình  của họ để giáo dục trong nền văn hóa Ăng-lê. Nước Úc đã học được bài học kinh nghiệm đó, để hôm nay họ duy trì một chính sách bao dung hơn. Họ đánh giá cao di sản của những nền văn hóa khác. Họ đánh giá cao sự khác biệt. Thì thanh niên Việt Nam hôm nay cũng nên tìm hiểu để biết rằng, đã có một thời, ở miền Nam Việt Nam, có một số không nhỏ sinh viên và học sinh đã nhẹ dạ, bị cộng sản lợi dụng. Họ xuống đường biểu tình chống chiến tranh, chống Mỹ, hát nhạc phản chiến. Đằng sau cái việc làm mà họ cho là yêu nước đó, lúc đó, họ đâu có thấy rằng, vô hình chung họ đã làm lung lạc, nao lòng những người lính cộng hòa, những người cùng tuổi với họ, đang đem máu của mình gìn giữ một dải non sông, để duy trì chính thể dân chủ và nền cộng hòa non trẻ ở miền Nam Việt Nam. Thanh niên Việt Nam nên học lấy bài học kinh nghiệm đó, bài học của một thế hệ, để tránh được những sai lầm mà họ có thể vấp phải hôm nay.

Học sinh, sinh viên Việt Nam phải biết nhận định những biểu hiện của chủ nghĩa cộng sản, bỡi họ không thể nói rằng, họ hoàn toàn không biết gì đến sự việc mà hơn mười ngàn sinh viên học sinh của lục địa Trung Hoa đã bị quân đội đảng cộng sản Trung Quốc nghiền nát dưới bánh xích xe tăng, ở quảng trường Thiên An Môn, tháng Sáu, 1989.  Họ nên hiểu rằng năm 1982, khi Phạm Văn Đồng, thủ tướng cộng sản Việt Nam thời đó, ra lệnh bắn bỏ những người đi vượt biển, cha mẹ của họ đã liều chết, bất chấp cái lệnh giết người đó, để cưu mang, bồng bế họ đến một bến bờ tự do. Họ không có quyền chối bỏ điều đó. Họ phải hiểu điều đó, bỡi nó là hiện thân của họ, là cội nguồn của họ, nó giải thích cho sự hiện diện của họ trên xứ sở này. Họ phải hiểu biết quá khứ để biết rằng, họ đã đến đây từ một đất nước nghèo nàn, binh lửa, đau thương, tang tóc, nhưng họ thuộc về một dân tộc đáng tự hào. Họ phải biết tất cả những điều đó, để không phủ nhận dòng máu Việt Nam đang luân lưu trong huyết quản của họ.

Trái lại, khi họ nói, tôi là người Việt Nam, họ biết, họ có quyền hãnh diện về điều ấy. Họ biết rằng, họ đã tự nói tiếng biết ơn đối với cha mẹ của họ. Họ đã tựa thân của họ vào lịch sử hơn 4000 năm văn hiến của dân tộc chúng ta, trong đó có họ. Tự do không phải đơn thuần là một vùng đất, không phải chỉ là một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, không phải đơn giản chỉ có thế. Nếu họ biết được, cho dù một phần, những gì đã thật sự xảy ra trong quá khứ, họ sẽ không khi nào đan tâm dẫm lên máu và nước mắt của những người thuộc thế hệ cha mẹ của họ, để phóng thân vào cuộc sống đam mê, trụy lạc và vong bản. Họ sẽ dựng được ngọn hải đăng cho chính cuộc đời mình. Ngọn hải đăng đó, không có gì khác hơn ngoài kiến thức và lương tri, và những điều họ học tập được từ quá khứ, những người đi trước họ.

Thưa quý thính giả,
Các bạn trẻ thân mến
Để kết thúc phần này trong chương trình hôm nay, lần nữa, xin trân trọng gởi đến quý thính giả, cũng như các bạn bè, những người đã góp ý kiến cho chúng tôi, lời cảm ơn chân thành của ban phát thanh. Cầu chúc tất cả quý vị và các bạn có những ngày cuối tuần vui tươi và an lạc.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Đại Học Melbourne (Uni. of Melb.)
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu





30 March 1996

QUYỀN BẦU CỬ

QUYỀN BẦU CỬ

SBS Radio
Diễn Đàn Sinh Viên
30 Tháng Ba, 1996

Kính thưa quý thính giả
Các bạn học sinh, sinh viên thân mến

Cách đây hơn một tháng, các bạn đã đi bầu để chọn lựa một chính quyền liên bang. Hôm nay, đối với các bạn ở tiểu bang Victoria, chúng ta sẽ đi bầu để chọn lựa một chính quyềng tiểu bang. Bài viết hôm nay xin được nói về đề tài bầu cử, và quyền hạn của người dân trong một quốc gia.

Ở Úc, nếu bạn là một công dân trên 18 tuổi, thì đi bầu là một công việc bắt buộc. Tuy nhiên, sẽ không có nhiều người miễn cưỡng thực thực thi quyền công dân này. Không có ai trong số họ cho đó là một công việc nặng nề hay không có ý nghĩa. Trước ngày bầu cử, các bạn đã nghe báo chí cũng như các đài truyền thanh, truyền hình bình luận về các chính sách, và khả năng thực hiện những chính sách đó của các đảng phái chính trị lớn nhỏ ở quốc gia này. Khi quyết định bầu cho đảng nào, các bạn cũng đã cân nhắc kỷ lưỡng xem đảng đó có đại diện cho quyền lợi của các bạn hay không. 

Một lá phiếu không làm nên lịch sử, nhưng sức mạnh tổng hợp của nhiều lá phiếu có thể quật ngã một chính phủ và thay bằng một chính phủ khác, mà chúng ta cho là tốt hơn. Nguyên tắc đơn giản đó đã giữ cho Úc đại lợi, cũng như nhiều quốc gia Tây phương khác có một cơ chế chính trị vững vàng qua nhiều năm. Kinh nghiệm lịch sử đã chứng tỏ rằng chỉ có nền kinh tế chính trị tư bản và dân chủ pháp trị mới có thể tạo nên những ổn định về chính trị, cũng như tạo được nhiều cơ hội nhất cho sự phát huy các giá trị tự do của công dân.

Chính cái điều đơn giản là cân nhắc, quyết định, đi bầu và tin tưởng sức mạnh tổng hợp của lá phiếu để xây dựng một chính phủ đại diện cho quyền lợi của đa số quốc dân, như chúng ta đã và đang làm hôm nay là một ước ao của hơn 70 triệu người Việt Nam ở quê nhà. Có quan điểm cho rằng: “...Vì sống quá lâu trong điều kiện dân chủ giả, nên dân ta có thói quen coi thường lá phiếu, không biết phải thực hiện quyền dân chủ bằng lá phiếu của mình, coi đây là một thủ tục làm đại cho qua chuyện, bao năm bầu cử, ai lên mà chả thế...họ chẳng thấy trách nhiệm phải cân nhắc khi bỏ phiếu”.

Có lẽ một phần khác của câu chuyện phải được nói thêm là tiếp theo một cuộc chiến tranh khốc liệt là một thực tế chính trị độc tài của cộng sản. Chế độ đó đã ban phát quyền lợi cho một thiểu số cán bộ, đảng viên để nghiền nát mọi hoạt động chính trị tự do của đa số dân chúng. Chế độ đó đã phân rẽ dân chúng thành những mảnh nhỏ và làm tê liệt khả năng cộng tác của dân chúng đối với chính quyền. 

Nếu như trước đây trong thời chiến tranh, với chính sách mị dân, họ, những người cộng sản, có thể lôi kéo được một số quần chúng ủng hộ họ làm nên cái gọi là chiến thắng mùa xuân 75; thì ngày nay thực tế đã cho thấy là người dân đã không tin và sẽ không bao giờ tin vào những điều họ nói nữa. Bỡi cái công việc gọi là đấu tranh giai cấp, để xóa bỏ giai cấp thống trị bóc lột, thực chất đã tạo nên một giai cấp thống trị mới là hàng ngũ cán bộ đảng viên có quyền thế, với đầy đủ sự tàn ác và thủ đoạn, đoạt lấy tài sản của người dân tạo dựng sự phú quý và sang trọng của họ, thân nhân và gia đình của họ. 

Chính sách mị dân không thể nào lừa dối dân chúng mãi mãi được. Cho đến nay việc gì đến phải đến. Những người cán bộ, đảng viên đang có tiền, có quyền thì ra sức vơ vét của công lót đường về hưu, tranh ăn, xâu xé lẫn nhau. Dân chúng thì chật vật sống còn, những ai có thân nhân nước ngoài thì có chút ít cơ hội có thể xoay xở được. Những người dân quê cô thế, ít học, ít tiền là những người đau khổ nhất với lợi tức bình quân mỗi người không quá 150 đô la mỗi năm.

Trong tình trạng của một đất nước như thế. Một đất nước đang duy trì cái gọi là cơ chế chính trị dân chủ tập trung, thực chất là một trò lừa đảo tệ hại nhất, khi những người “được bầu”, xin để chữ được bầu trong ngoặc kép, đã được ban lãnh đạo chóp bu của đảng cộng sản dàn xếp trước. Nếu hành động được gọi là đúng của một công dân Úc, là cân nhắc quyết định của mình, để ủng hộ một chính phủ, qua lá phiếu, thì hành động của những người dân Việt Nam ở quê nhà coi lá phiếu của họ những mảnh giấy bỏ đi, không thể gọi là sai.

Số phận của đất nước Việt Nam phải chăng là một tất yếu lịch sử? Giai điệu buồn bã này, trong dòng nhạc lịch sử dân tộc chúng ta, chừng nào mới được chuyển sang một phiên khúc mới vui tươi hơn? Không phải tự nhiên mà nước Úc có một chế độ tự do dân chủ, một cơ chế chính trị tương đối ổn định. Thành quả đó không phải là công việc của bất cứ một tập đoàn nào, mà là sự tập hợp kiến tạo của toàn dân chúng Úc trong nhiều thập niên. Không phải tự nhiên mà chế độ dân chủ đa nguyên có mặt ở Việt Nam. Tự do dân chủ là một thực thể cần phải được góp sức để kiến tạo. Góp sức với ai? Góp sức như thế nào? Là những đề tài mà chúng ta mong đợi trong một số bài viết khác.

Thưa các bạn,
Hội nhập, học hành, tìm công ăn việc làm để khẳng định chỗ đứng trong xã hội mới là một công việc cần thiết, quan trọng, nhưng việc góp tiếng nói, góp sức mạnh để thay đổi thực trạng khổ đau của đồng bào của những người thân ở quê nhà là một việc làm có ý nghĩa. Tiếng nói ấy lương tri sẽ vang vọng trong tâm tư của những người trẻ hôm nay.

Thân ái chào các bạn
Kính chào quý thính giả.

Nguyên Đại
Đại Học Melbourne (Uni. of Melb.)
Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Úc Châu