30 May 2022

Hoa Huệ Tháng Năm

H.

Hôm qua (29/5), anh rời nhà người anh bà con ở McMinnville/Tennessee, đến Dallas/Texas nhà một người bạn hồi ở trại tỵ nạn. Sáng nay, anh dậy sớm, ngồi uống trà với một bà cụ "share phòng" trong nhà bạn anh. "Share phòng"? Ở tuổi của bà? Điều đó làm anh mong nói chuyện với bà, và câu chuyện của bà như sau:

Dì tên Huệ, dì sinh năm 1947, ở Chu Lai, Tam Kỳ. Lớn lên lấy chồng. Ông xã làm lính truyền tin trong bộ chỉ huy, đơn vị đóng ở Bà Rịa, Vũng Tàu. Trước năm 1975, gia đình dì ở khu gia binh. Ông xã thường nói, đời lính không biết đâu mà nói, có khi bây giờ ngồi đây, ngày mai "đi luôn" hay mất tích không chừng, vì khi đánh trận, thường bộ chỉ huy bị tấn công, và lính truyền tin là người chết trước. Nếu anh có chuyện gì, em cố gắng nuôi con, đừng bỏ nó tội…

Mà thật, ngày 28/4/1975, ông xã của dì không về nữa. Cho tới giờ này đã 47 năm, dì cũng không biết ông xã dì đã chết, hay còn sống ở nước nào. Năm 75, lúc chạy loạn ra biển dì thấy xác lính chết lềnh khênh, có người vừa mới đeo lon đại úy còn mới tinh trên vai. Dì tìm hoài, nhưng không thấy xác ông xã của dì, nhắc lại cảnh đó buồn lắm…Đôi mắt bà bỗng xa xăm...

Dì có ba đứa con, đứa lớn nhất là con gái, sinh năm 1969, đứa thứ 2 là con trai được 4 tuổi năm 1975, và đứa con út cũng là con trai, dì sinh nó 2 ngày trước khi ba nó bị mất tích. Sau đó, khu gia binh bị giải tán. Dì không muốn về quê, ở đó ba dì có ruộng đất, sau 75, ruộng đất bị lấy mất, ba dì buồn khổ rồi mất sớm. Về quê, họ nói khó chịu lắm, sao không theo “Mỹ-Ngụy”, bây giờ dắt con về làm gì.

Dì và ba đứa con dại sau đó bị đưa đi vùng kinh tế mới ở Ấp 5, Tam Phước, Bà Rịa. Dì không biết làm gì, ngày xưa là vợ lính, bây giờ làm lụng ở vùng kinh tế mới để nuôi ba đứa con nhỏ. Khi đi cuốc đất làm cỏ, ngày nào cũng có người chết vì bom, mìn; dì vái Phật Bà Quan Âm cho dì sống để dì nuôi con dì.


Bạn của ông xã dì, cũng đi lính, nhưng chạy sang Mỹ được, và gởi tiền về cho vợ ông ấy, cũng là bạn của dì, để đi vượt biên. Năm 1981, lúc con gái dì được 12 tuổi, bạn của dì nói với dì cho đứa con gái của dì đi vượt biên, dì đồng ý. Tới trại tỵ nạn, nó không cha không mẹ, Mỹ nhận nó. Sau này, nó gặp một người Việt cùng lứa tuổi của nó, cũng không cha không mẹ, rồi lấy làm chồng. Nhưng chồng nó đánh bạc dữ quá, nên tụi nó ly dị. Nó lấy chồng sau là người Mỹ.
 
Năm 2001, nó bảo lãnh dì qua Mỹ, dì qua Mỹ ở nhà nuôi hai đứa cháu ngoại cho hai vợ chồng nó đi làm. Bây giờ hai đứa cháu đã lớn. Đứa thì có gia đình ở riêng, đứa đi làm xa. Dì ở nhà một mình buồn quá, con gái dì cũng bận rộn. Nó với chồng nó nói chuyện bằng tiếng Mỹ, dì không hiểu nhiều. Khoảng 7,8 năm trước, dì rởi rời khỏi nhà con gái ở Houston, cách đây khoảng 4-5 tiếng lái xe, đi qua đây. Lúc đó dì đã hơn 60 rồi, đi làm hãng người ta không nhận, nên dì đi làm phụ việc, bó rau bó cải, ở các tiệm của người Việt.

Hôm qua, con trai út của dì gọi, nó nói: thôi má về ở với con. Dì nói: má ở đây cũng có tiền già, có bảo hiểm chính phủ cho, con cũng còn khó khăn. Nó nói: sao má cực khổ cho đến chết vậy má!…Dì cũng đâu cần gì nhiều, con, nhưng dì muốn kiếm chút tiền giúp cho hai đứa cháu nội đang đi học ở Việt Nam. Ở VN đi học tốn kém nhiều lắm, không phải chính phủ cho nợ sau này đi làm trả lại như ở đây...

Sau khi thất lạc với ông xã, dì có lấy chồng khác không? Không, con. Cực quá, và ba đứa con còn nhỏ quá, nên dì ráng nuôi con, rồi thời gian cũng qua đi. Hồi còn sống, chồng dì thường nói: Ước gì hết chiến tranh, mình về cất cái nhà nhỏ trên mấy miếng ruộng cha cho. Con cái lớn, chiều chiều mình ngồi trong nhà, nhìn đàn cò bay bay…Nhưng, có lẽ là không được đâu em! Đã lâu, nhưng dì vẫn nhớ lời chồng dì nói cho tới bây giờ. Mỗi lần nhớ lại, nước mắt dì đã cạn, nhưng vẫn thấy cay cay…

Thôi! tới giờ rồi, dì phải đi làm, trà và cà phê dì để đây, nước sôi dì nấu rồi để trong phích, con uống đi, mai mốt có dịp nói chuyện nhiều hơn.
Đời sống này, nhiều tao ngộ vui buồn...

Dallas, sáng nay...
Tháng Năm, 2022
A2
Nguyên Đại

28 November 2021

Lễ Tạ Ơn

Khi con cất tiếng khóc chào đời, mẹ con đã mừng vui biết bao, vì một cuộc sống mới đã được khai sinh từ đó, và mọi người đều thở phào nhẹ nhỏm, nở những nụ cười vui tươi. Con bắt đầu những ước mơ với những giọt nước mắt hạnh phúc khởi đi từ đau đớn của mẹ.

Những nghịch lý tuyên sinh như vậy để nhắc nhở con về sự yếu đuối của đời sống mà con có được bắt đầu với những cưu mang. Khai sinh của con ngày đầu tiên đã được viết bằng chữ ơn với dòng mực đỏ thắm có hình dáng mẹ cha. Biết tạ ơn là bài học đầu đời của con.

Rồi con lớn, ngày đầu tiên con đến lớp, khóc thét vì xa mẹ, cảm nhận cô đơn. Mẹ rời con với những âu lo, con ở lại lớp học bắt đầu với những bước chân trượt ngã trong bàn tay nâng đỡ của thầy cô đầu đời. Chữ đầu đời con học tròn thẳng nét ân sư.

Con hăm hở bước vào đời sống đuổi theo những ước mơ mà con chọn lựa. Con sẽ khó giữ được một công việc, nếu thiếu vắng sự giúp đỡ của những bạn bè, đồng nghiệp cho những ngày tháng đầu tiên khởi việc mưu sinh. Chữ ơn có được từ những chia sẻ với anh chị em, bạn bè.

Mùa lễ tạ ơn ở đây khởi đi từ những người nông dân tạ ơn trời đất, gió hòa mưa thuận, cho một mùa màng bội thu, đã trở thành dịp để con người tạ ơn nhau. Bởi, trời bao la quá, tiếng vọng từ một hành tinh bé nhỏ xa xôi phải vượt qua nghìn năm ánh sáng mới tới được những thiên hà; bởi đất đã quá đủ bao dung để dưỡng nuôi nhiều tỉ sinh linh; con người yếu đuối, bé nhỏ gần nhau, tạ ơn nhau, trước sự chứng giám của trời đất bao la – đó là ý nghĩa quan trọng của mùa Lễ Tạ Ơn.

Mùa tạ ơn sẽ nhiều ý nghĩa không phải với những tiệc tùng ồn ào, mà đôi khi chỉ là một cử chỉ rất nhẹ nhàng. Con cúi chào cha mẹ một sáng nay với tất cả lòng biết ơn và trân trọng. Con cười thật tươi với anh chị em đã dọn cho con một bữa trưa ngon lành. Con bắt tay chân tình với một đồng nghiệp, cảm nhận những chia sẻ thân hữu của họ. Con cúi chào thăm hỏi một bác lao công đã quét sạch lá trên con đường con đi qua, để bước chân con thênh thang trong công viên gần nhà….Tất cả những điều tương tự như vậy là ý nghĩa của mùa Lễ Tạ Ơn.

Ngày đó con đến trường, thầy cô dạy con nên chia sẻ đồ chơi với bạn, con biết nói “cảm ơn” và “xin lỗi” đúng lúc. Con được dạy phải im lặng lắng nghe, trước khi có thể đặt được những câu hỏi, để sau này con có thể chia sẻ những câu trả lời với những người khác. Lòng biết ơn, kính trọng ân sư, khiêm cung với bạn bè sẽ giúp con có được những kiến thức cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là giúp con trưởng thành hơn trong cuộc sống, cho dù con đón nhận bất kỳ một vị trí nào trong xã hội. “Tiên học LỄ” là vậy.
 
Tất cả những điều con học ở trường, giúp con thông thạo một kỹ năng để đóng góp vào đời sống gọi là “VĂN”. Một phần bé nhỏ của cái “VĂN” đó sẽ giúp con trong đời, nhưng không phải là tất cả. Con có thể không xuất sắc về một môn học nào đó ở trường, đừng quá buồn về điều như vậy. Cây cổ thụ cao lớn oằn mình trong bão gió, nhưng đồng cỏ làm cuộc cộng sinh trong mênh mông bình an. Một công viên đẹp không chỉ vì những cây cổ thụ um tùm nhánh lá, nếu thiếu những bãi cỏ xanh mướt, mượt mà.
Con nhớ mùa này LỄ - TẠ ƠN.

Nguyên Đại
28/11/21



17 November 2020

Người Tình Quy Nhơn

Trường mình học đối diện bãi biển. Nhiều buổi chiều anh cùng bạn học ra ngồi ngắm những hạt nắng vỡ trên sóng cho tới khi đêm xuống. Dãy núi nhỏ phía bên phải có một ngọn hải đăng, phía dưới là Ghềnh Ráng với những hòn đá tròn phủ rong rêu. Phía bên trái là đảo Hải Minh nơi đặt một bức tượng của Trần Hưng Đạo. Hai bên với núi đảo ghềnh và bãi cát trắng vàng làm cho biển Quy Nhơn trở nên “nhỏ” và “ấm” lại. Đêm xuống những thuyền đánh cá giăng đèn tạo nên một chuổi “ngọc”, như những viên kim cương trong cổ tích.

Ngày mai rời trường, về quê thăm nhà…Em đi, không còn ai cùng lang thang trên bãi cát. Vắng em… Biển nhớ. Anh cũng vậy, cảm giác đơn độc và buồn lê thê…
Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về
Gọi hồn liễu rũ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya


Em đi, anh sẽ ở lại phòng trọ, không muốn đi dạo trên bãi cát nữa. Anh muốn đợi em về…Đồi núi xanh nghiêng cũng vậy, sỏi đá trên con đường mình đi mong bước chân em…
Ngày mai em đi đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ
Sỏi đá mong em từng giờ nghe buồn nhịp chân bơ vơ


Anh đứng trên bờ cát một mình, nghe sóng gió thổi tung, chợt nhớ bàn tay em cuốn vào những lọn tóc mây. Bàn tay sao ngăn trùng dương…
Ngày mai em đi biển nhớ em quay về nguồn
Gọi trùng dương gió ngập hồn bàn tay chắn gió mưa sang


Đèn thành phố như mờ đi, soi dấu chân của một gã si tình, chiếc bóng đơn độc lãng vãng khói thuốc đổ xuống đường, nghe tiếng sóng biển động…buồn hơn.
Ngày mai em đi thành phố mắt đêm đèn mờ
Hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn, nghe ngoài biển động buồn hơn


Ngày mai em đi, anh nhớ…muốn gọi em về. Thành phố đã dày dần tiếng đạn pháo xa. Chiến tranh là sự thật. Súng đạn không hát tình ca, không nhớ thương nhau. Trong cơn mơ, anh chợt giật mình! Con người, anh và em đều bé nhỏ trong chiến tranh, như núi đồi sông suối so với đất trời. Xin trời cao giữ cho ngọn núi còn đứng đó và dòng suối miên mãi xoa dịu những ly tan…
Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về
Triều sương ướt đẫm cơn mê, trời cao níu bước sơn khê


Những chiều nắng tắt, mình thường đi trên những bãi đá của Ghềnh Ráng, nơi sóng vỗ triền miên ghi dấu những mưa gió rêu phong. Em đi rồi, rêu phong thiếu bước chân em… Những chiếc đèn phố như gục đầu buồn bã trong màn mưa nhẹ cuối đông. Không vui nên trời mây giăng kín…
Ngày mai em đi cồn đá rêu phong rũ buồn
Đèn phố nghe mưa tủi hờn nghe ngoài trời giăng mây tuôn


Bâng khuâng nhớ, anh gọi thầm tên em. Năm tháng nắng mưa còn dài, khóa học cũng mới bắt đầu được một năm. Anh sẽ ôm đàn đi hát với bạn và ngóng tin em.
Ngày mai em đi biển có bâng khuâng gọi thầm
Ngày mưa tháng nắng còn buồn bàn tay nghe ngóng tin sang


Đèn đêm của thành phố như vàng hơn, buồn hơn vì nhớ nhung. Trời cũng vừa chớm xuân, mùa đông ngập ngừng đi qua. Em đi, trời gió lộng…thương.
Ngày mai em đi thành phố mắc thêm đèn vàng
Nửa bóng xuân qua ngập ngừng, nghe trời gió lộng mà thương

Anh mong em về, như hôm nào để cùng ngồi hát cho nhau nghe. Đàn lên cung phím buồn vui, và nỗi sầu muộn hoang vu đi mất.
Hôm nao em về bàn tay buông lối ngỏ
Đàn lên cũng phím chờ sầu lên đây hoang vu


“Anh” là Trịnh Công Sơn, 23 tuổi, của năm 1962, viết ca khúc Biển Nhớ, khi đang học năm thứ hai Cao Đẳng Sư Phạm ở Quy Nhơn (bây giờ là Đại Học Quy Nhơn). “Em” là Tôn Nữ Bích-Khê học cùng trường, cùng hát với “anh”, cùng đi với “anh” trên bãi cát buổi chiều, nghe tiếng sóng liên lỉ vỗ trên những cồn đá rêu phong, dưới ánh nắng thủy tinh vỡ lấp lánh trong nước. (Tiếng Hán-Việt: "Sơn: có nghĩa là Núi, và Khê: là Suối).

“Em” đã không còn. “Anh” đã qua đời gần hai mươi năm trước. Người sẽ không còn, một ngày; nhưng tình yêu và tình ca thì còn mãi như anh, như em… như quê, như một thời xuân trẻ, như những người yêu nhau. Anh nhớ em. Biển Nhớ em…

(Quan điểm chính trị của Trịnh Công Sơn như thế nào; ông đứng về phía nào trong cuộc chiến đã qua, xin tạm gác lại. Ở đây, xin hãy để tình ca…Xin chỉ có tình yêu).

Nguyên Đại
17 Tháng Mười-Một 2020

Tham khảo:
Trịnh Công Sơn - Wikipedia
Biển Nhớ - Wikipedia


Trịnh Công Sơn & Tôn-Nữ Bích-Khê