21 June 2015

Quân Bất Kiến

THẤY
Người chứng đạo an nhiên tự tại
Chân không cầu, giả cũng không ngại
Thật tánh u mê là Phật tánh
Giả tướng phân thân tức pháp thân
Chung thủy pháp thân là bất nhị
Bản tánh là Phật không nghi kỵ
Xác thân tan biến không khứ lai
Mê Tâm bọt nước thành, vỡ lại

                           Nguyên Đại 
                    21 Tháng Sáu 2015


QUÂN BẤT KIẾN
Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân
Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân
Vô minh thật tánh tức Phật tánh
Ảo hóa không thân tức pháp thân
Pháp thân giác liễu vô nhất vật
Bản nguyên tự tánh thiên chân Phật
Ngũ uẩn phù hư không khứ lai
Tâm Độc thủy bào hư xuất một
                      Huyền Giác Thiền Sư

                                    
Như Huyễn Thiền Sư dịch nghĩa bài thơ "Quân Bất Kiến" của Huyền Giác Thiền Sư như sau:

AI CÓ BIẾT!
Bậc tuyệt học vô vi nhàn đạo
Vọng không trừ, tưởng chẳng cầu chân
Tánh của vô minh và Phật tánh không hai
Phật tánh ấy! Chính là thật tánh của Vô Minh đấy!

Thân ảo hóa với Pháp thân cũng vậy
Ảo hóa thân là hiện tượng của Pháp thân
Biển Pháp thân ví: Bản thể vô cùng
Thân ảo hóa tựa sóng mòi lao xao trên mặt nước

Nhận thức rõ hai thân pháp hóa*
Chợt tỉnh ra rằng: ""Vạn pháp giai không"
Tánh thiên chân là thật tánh của mình
Mình là Phật vốn là thiên chân Phật

Thân ngũ uẩn chỉ là phù vân tụ tán
Hợp rồi tan trong vũ trụ bao la
Sự diệt sanh, sanh diệt vô cùng
Nó hiện hữu với thời gian vô tận

Gọi tam độc** thực tánh không hề độc
Ví như bọt bèo, sanh diệt huyễn hư
Hễ u mê thì tam độc hoành hành
Bằng tỉnh thức, không sao tìm được chúng
                                      Như Huyễn Thiền Sư

(* Pháp thân và Hóa thân
**Tham, Sân, Si nhà Phật gọi là Tam độc)

Nguồn: Chứng Đạo Ca
Nguyên Tác: Huyền Giác Thiền Sư
Biên Dịch: Như Huyễn Thiền Sư
Xuất Bản 1997
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội 2013 (Tái Bản lần thứ 5)

Huyền Giác Thiền Sư: Phật giáo Trung Hoa không nói nhiều về tông chi gia phả, chỉ nói Sư là con gia đình họ Đới, sanh vào năm 665 và mất vào năm 713 đời nhà Đường.

                               



18 June 2015

Những Ngày Này...

Trời đổ một cơn mưa dông
Lòi cây bọc lưới, bộng tông trụ đèn
Nói đi thẳng mặt gian hèn
Thắng banh một trận, thua đời dân đen!



18/6/15

Những ngày này...
Sau cơn mưa dông, hôm 13/6, nhiều cây mới trồng ở Hà Nội đã bị đổ rạp trơ phần gốc còn nguyên trong bọc lưới với nhiều dây nhựa quấn xung quanh, nhiều trụ điện bê (bộng) tông đã ngã. U23 Việt Nam thua Myanmar (Miến Điện) làm nhiều người khóc (sau đó thắng Indonesia 5-0 để đoạt huy chương đồng), và trong ảnh là ngư dân Bùi Tấn Đoàn bị gảy chân trái sau khi bị tàu Trung quốc dùng vòi rồng tấn công!






12 June 2015

Tài và Tâm


Trò
: Mấy tháng trước thầy đã dạy con về Đao, Đào, và Đạo; con đã miệt mài đọc kinh sách, tụng niệm và trì chú, nhưng đường Đạo đối với con mỗi ngày như mỗi xa xôi...và dường như con được thử thách, nên con gặp Đào, nhiều hơn là Đạo...

Thầy: Này con, đem đến đây một tờ giấy, và một cây bút...Viết xuống đây chữ T. Con thấy đó, con không thể viết được chữ "t" mà không có hai nét ngang-dọc, đó là sự hội ngộ, là sự gặp gỡ giữa những khác biệt, là sự hợp giao duyên phận của mẹ cha, để khi con cất tiếng khóc "a...a" chào đời, nên một hình hài riêng biệt, đó là chữ Ta, là chính con, là cái "ta". Con bước vào đời sống rộn rã này, trong các mối quan hệ con gặp một người, nhiều người, tai. Ta và i, có khi đó là sự lắng (tai) nghe để học hỏi, trao đổi, nhưng cũng lắm lúc là hiểu lầm, thị phi, là tai nạn.

Trong cuộc tranh đua với đời sống, con luôn kéo về phía mình tiền của, danh vọng, con kéo những thứ đó về cái ta, nghĩa là "có lời": hãy thêm dấu huyền trong cuộc đua tranh giữa con và tha nhân, con sẽ có chữ Tài: đó là tài vật mà con kiếm được; cái gọi là "tài năng" của con mà mọi người khen tặng, tâng bốc. Đừng bao giờ con ỷ lại vào tài năng của mình để xâm phạm tha nhân vì "Chữ Tài liền với chữ Tai một vần" (Truyện Kiều).

Này con, hãy xem, ta thêm ba (3) nét vào chữ tài....con hãy nhìn: đây là chữ tâm: nét trên đầu chữ a: có trái có phải, khi con biết nhân nhượng, biết cân nhắc phải trái, biết chừng mực, cái ta của con sẽ được thông cảm, chở che, và khi con thêm hai nét vào chữ i, để thành chữ chữ m. Tam, đứng dưới một chiếc dù (dấu mũ của chữ â), đó không phải là biểu hiện của sự che chở, thương yêu sao. Người có tâm là người biết thương, biết quý trọng, ta và em cùng đến, và gặp gỡ trong cuộc đời này, không phải để thương yêu nhau sao. Thi hào Nguyễn Du đã kết thúc Truyện Kiều bằng câu: "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài". Lòng bao dung, thương cảm, chấp nhận, chở che có khả năng loại trừ những đố kỵ, ghen ghét, hận thù. Đây là chữ Tâm, trên tờ giấy này, ta tặng cho con....

....

Trò: Bạch thầy, con đã đem cái tâm thương mến, từ bi vào cuộc đời: Nhiều người đã thương yêu và kính trọng con, nhưng cũng có một số kẻ khác ghen ghét, ganh tỵ, hận thù. Con không thể nào chinh phục được trái tim của họ...Chữ Tâm mà thầy cho con, lúc nào con cũng mang bên mình, con nghiền ngẫm và học tập mỗi ngày, con đã có nhiều thành công trên con đường thương yêu, nhưng...con phải nói rằng... con cũng có nhiều thất bại, cay đắng...

Thầy: Đưa chữ Tâm đó lại cho ta....[ xé đi và tung lên...], này con: Phật dạy: Ngón tay ta không phải là mặt trăng. Lời ta dạy cho con, có thể là kinh sách, cũng chỉ là những bảng chỉ đường. Đừng nhầm lẫn bảng chỉ đường, với những con đường. Kinh sách, tượng đài, miếu chùa, sư sãi, và ...chính ta, người thầy trước mặt con đây, cũng không phải là đạo.

Hãy nhìn sang bên này, trong khu vườn ta và con cùng đứng đây, cây lá đang đâm chồi...Hãy hỏi bụi cây kia, vì sao lại đơm lá, để rồi lá trở nên già, cằn cỗi và úa vàng. Hãy hỏi con giun dưới đó, vì đâu mà nó được sinh ra, và sinh ra để làm gì... rồi có thể phải làm thức ăn cho con chim vừa sà xuống đằng kia. Đời sống đang mở ra trước mắt...Chính đời sống đó mới là điều con sống, nghiền ngẫm, và học hỏi mỗi ngày. Chính đời sống đó mới là cái Thấy, cái Thấy thật, thật giống như mặt trăng, mặt trời vậy.

Nguyên Đại
12 Tháng Sáu 2015