09 June 2014

Khát Vọng

Sáng tác: Phạm Minh Tuấn
Trình bày: Quang Dũng

Khát Vọng_Phạm Minh Tuấn_Quang Dũng

Hãy sống như đời sông, để biết yêu nguồn cội
Mọi đứa trẻ sinh ra trong cuộc đời này đều chào đời với tiếng khóc ngây thơ và vô tội, như những giọt nước trong suốt từ đầu nguồn. Năm tháng trôi đi, giọt nước cũng miên man qua thác ghềnh, như kỷ niệm trầy trụa trên những con đường đất đỏ, như giọt mồ hôi lặn sâu trong đôi mắt, như tiếng sóng thao thức phía bên kia hàng rào...Tự nhiên yêu, tự nhiên nhớ, chợt thấy hạnh phúc vì mình có quá khứ, có kỷ niệm, có ghềnh thác, thăng trầm. Đời sống hòa quyện như những giọt nước dòng sông.

Hãy sống như đời núi, vươn tới những tầm cao
Tha thiết với những điều tốt đẹp không phải là mục tiêu của mỗi người sao. Dường như chúng ta không dừng lại. Vươn tới, mơ ước...và vươn tới như những đồi cát chập chùng, như núi rừng trùng điệp. Mơ ước cũng âm u, cũng thấp thoáng sương mù, cũng reo trong gió, cũng oằn xuống đón nhận bão dông.

Hãy sống như biển trào, để thấy bờ bến rộng
Tình yêu...Một thời đam mê, một thời biển sóng. Con sóng nào không vỡ òa, tình yêu nào không cô đơn. Đam mê nào không bão nổi, tuổi trẻ nào không xung động, thăng trầm. Một ngày bến lặng, nhìn ra bờ biển, chợt thấy lạnh, thấy những xung động không còn, trầm tĩnh hơn, bình an hơn không, hay chỉ là những cảm giác mông lung. Hạnh phúc bạc đầu dâng sóng, hạnh phúc êm ả hoàng hôn, hay hạnh phúc chỉ đơn giản là sống thành thật, hết mình trong từng phút giây được ân sủng của Thượng Đế...

Hãy sống và ước vọng, để thấy đời mênh mông
Đời sống mênh mông, muôn trùng ước vọng, những giấc mơ miên man phủ kín đời người, xung quanh là biển rộng, là cát bụi bao la, vẫn cứ vui, cứ khao khát, và cảm giác cô đơn trong bao la đời sống, thênh thang những buồn vui...

Và sao không là gió, là mây, để thấy trời bao la
Chúng ta đang là cơn gió thoảng qua trong cuộc đời này, trong đời sống muôn triệu năm của trái đất. Những kỳ quan tuyệt vời của tạo hóa được kiến tạo từ nghìn trùng năm tháng. Những tàn phá chiến tranh, những bom, những đạn, những tấm lòng như biển, những tội ác chập chùng...Chúng ta, bạn và tôi, đã và đang đến với đời sống này, chứng kiến những đổi thay dâu-bể, mở mắt thấy đất trời bao la, và để cảm nhận mình như một cơn gió thoảng qua...

Và sao không là phù sa, dâng mỡ màu cho hoa
Có chứ! Những hy sinh của mẹ, của cha cho cuộc sống của bạn, của tôi...làm sao đếm, làm sao đong. Con người nợ nần ân nghĩa với nhau nhiều lắm. Lá rụng về cội thêm nguồn sống cho cây. Giọt nước mắt chúng ta chảy xuống, xuôi đi hoài không dứt. Dẫu sang, dẫu hèn, những thế hệ con người vẫn quyện lấy nhau, như phù sa, như bùn đất miệt mài dưỡng nuôi, để thấy hoa nở, hoa tàn, để vui buồn, níu_và_đỡ lấy đời nhau...

Sao không là bài ca, của tình yêu đôi lứa
Có chứ! Họ vẫn hát ca, bên ngọn lửa ấm trong tuyết trắng của một đất nước bốn ngàn thước trên mặt biển đã chìm vào dĩ vãng. Họ vẫn hát, dẫu giận, dẫu đau, dẫu buồn lo... trên triền của mất mát, chiến tranh khởi đi từ những tham vọng bạo tàn. Họ vẫn yêu, vẫn sống, thao thức để nghe tiếng sóng vọng rất xa từ những bến bờ...

Và sao không là bão, là dông, là ánh lửa đêm đông
Họ sẽ là cơn bão. Tình yêu biến họ thành cơn bão. Tình yêu liên kết họ với nhau, thắp sáng và sưởi ấm. Họ đã từng là ánh lửa cho nhau, là lý do để sống còn. Sẽ có mùa đông, để cảm thấy buốt lạnh, cô đơn, cũng sẽ có mùa hè với những trận cháy rừng nghiệt ngã, mùa xuân cho cây lá đơm bông, và mùa thu vàng mượt mà trên những ngón tay sáng tạo thi nhân.

Và sao không là hạt giống, xanh đất mẹ bao dung
Mùi cỏ khô, hương rơm rạ, mặn nồng gieo gặt, tần tảo, hy sinh...Gió, mưa, và sóng đã đưa những hạt giống đến mọi miền trên trái đất, đơm bông, kết trái. Đất mẹ không còn chật hẹp như vạt trăng rọi xuống mái sân đình làng, đất mẹ trải dài ôm cả những đại dương sáng tối. Đất mẹ không đơn thuần là bụi cát, mà là những điều tốt đẹp, nhân bản. Cỏ sẽ nuôi bò, và con người sẽ trồng được trái hoa...

Sao không là đàn chim, gọi bình minh thức giấc
Ngày và đêm như những tuần tự, những quy luật của đất trời. Cánh chim không thể gọi bình minh, đó là một phần của bình minh. Con người dường như bất lực trước đêm tối, cũng như họ bất lực trước bình minh. Chiến tranh bắt đầu từ một đốm lửa, mà con người không biết nó xuất hiện từ đâu, dường như tự trên trời; và rồi kết thúc sau những đám cháy lớn, để lại những tàn tro...Đêm tối cũng là sự bắt đầu của một bình minh.

Sao không là mặt trời, gieo hạt nắng vô tư
Đêm và ngày, mặt trời và bóng tối dường như quyện lấy nhau, một phần của nhau. Con người sẽ không tồn tại, nếu vĩnh viễn chỉ có mặt trời, và cũng sẽ bị tiêu diệt nếu chỉ có đêm tối cùng với sự buốt giá triền miên. Chỉ vậy thôi, vô tư như vậy: là giọt nước trong vắt đầu nguồn sông, là núi đồi ước mơ tuổi trẻ, là tình yêu như biển sóng thét gào, là cơn gió dịu dàng thoảng qua đời sống, là giọt phù sa bé nhỏ dâng mỡ màu cho hoa, là hạt nắng trong bình minh và đêm tối của kiếp người...

Nguyên Đại
9/6/14




04 April 2014

ĐẠO và ĐÀO

Trò
: Sư phụ, con không biết mình có duyên với Phật không, nhưng từ khi bước vào chùa, mỗi ngày con thấy con trên đường tu dường như mỗi gian nan hơn, không biết con có thể đắc đạo không; có vẻ như con gặp nhiều phụ nữ, phụ nữ đẹp, hơn; nên có bạn bè trêu chọc, con có thể "đắc đào" thay vì đắc đạo.

Thầy: Này ta nói con nghe! So với đàn ông, phụ nữ yếu đuối hơn, thường có cảm giác bất an, họ cầu nguyện nhiều hơn, nên hay đến chùa. Có lẽ vì vậy mà con gặp nhiều thí chủ, cư sĩ là phụ nữ. Người Trung Quốc hay nói trên đầu chữ "Sắc" có con dao, nhưng tiếng Việt của mình cũng thâm thúy không kém, nếu không nói là hơn.

Này ta nói con nghe! Thanh ĐAO là một vũ khí, khi chặt xuống một nhát từ trái sang phải, giống như dấu huyền, thì thành chữ ĐÀO, cũng là một chữ dùng để chỉ người phụ nữ. Đàn bà như một dấu đao chặt xuống. Nếu con không có chừng mực, nghi ngờ về giới luật, đặc biệt là sắc giới, mà ĐẢO qua đảo lại (thêm dấu hỏi vào chữ "đao") thì một ngày nào đó con sẽ hiểu cảm giác cô đơn như một hòn đảo nhỏ quay cuồng trong những cuộc tình trôi qua như sóng vỗ, rồi vỡ tan như bọt nước. Còn nếu con không nghiêm hạnh, mà ĐÁO tới, đáo lui, thì hậu quả sẽ khôn lường, giống như con phải chịu thêm một nhát đao nữa từ phải qua trái (dấu sắc).

Trò: Như vậy, con phải đối xử với họ như thế nào?

Thầy: Nếu con được sinh ra để làm một chiến sĩ, một người lấy sự chinh phục làm lẽ sống, thì hãy bước xuống đời sống hôm nay, mang thanh đao hùng tâm của mình đến với cuộc đời. Từ trong mất mát, khổ đau; con sẽ học ra bài học về sự vô thường của hạnh phúc. Từ trong thất bại, hy sinh; con sẽ học hiểu bài học về lòng nhân ái, vị tha. Từ trong sự chia ly, phản bội; con sẽ học được cách biết yêu thương với lòng từ ái, vô vị lợi.

Con đường đạo hạnh và con đường của đời thường không bao giờ là những con đường riêng biệt. Màu áo có thể khác nhau, nhưng trước khi con bước vào ngôi chùa này, con vẫn là con, được sinh ra và đến với cuộc đời này từ sự tác hợp của cha mẹ con. Sự khác biệt là ở chỗ: con đi trên con đường đó với một tâm trạng như thế nào, với sự tham đắm, hờn giận, mê muội; hay với tuệ giác của một người hiểu biết.

Phật không phải là người có quyền năng, hào quang chói ngời v.v...như nhiều người vẫn nghĩ. Phật chỉ đơn giản là người hiểu biết, người tĩnh thức, có vậy thôi. Không ai có thể thắp ngọn lửa sáng trong tâm linh của con, chỉ có chính con mới có thể làm được điều đó. Không ai có thể chuẩn bị cho con một hành trình tâm linh, chỉ có chính con mới làm được điều đó.

Khi con từ bỏ thanh ĐAO hung hăng, mà cúi đầu với lòng tôn trọng tha nhân; khi con đặt xuống một dấu CHẤM cho những tham lam ngút ngàn, những giận dữ u tối, và những mê muội thiếu hiểu biết thì con đã từng bước trên con đường sáng, đó là ĐẠO.

Con đang nắm thanh ĐAO trong tay, hành xử, bỏ dấu như thế nào là do con chọn lựa. 

Nguyên Đại
4/4/14

28 March 2014

Đường tu

Tối hôm qua, nói chuyện với một người bạn, anh vừa xuống tóc thọ giới Giới Tử, trường phái Nam Tông, Phật Giáo Nguyên Thủy ở một ngôi chùa trên Ban Mê Thuộc, ở đây có chỗ tu học cho cả hai trường phái, Bắc và Nam Tông.

Anh về Việt Nam, khoảng bốn tháng trước, bắt đầu từ chùa Bửu Long, Quận 9, Saigon, rồi sau đó đi các nơi tầm đạo. Anh nói trường phái Nam Tông có nhiều sư giỏi và đắc đạo. Các sư thầy theo trường phái Bắc Tông có nhiều người rất nổi tiếng trên thế giới nhưng chưa hẳn đã uyên thâm, lỗi lạc, đắc đạo.

Suy nghĩ của mình: Phật Giáo khởi thủy như một gốc cây, sau đó chia ra làm nhiều nhánh. Các nhánh cũng từ gốc này mà sinh ra. Phật nói cho dù Như Lai có sinh ra hay không thì pháp vẫn vậy. Bắc hay Nam Tông thực ra không cần phải bận tâm để phân biệt, bởi Pháp thì vẫn vậy, và Tâm thì vẫn vậy. Tâm thấy Pháp thì sáng tuệ, không thấy Pháp thì vô minh.

Đường tu đâu có Bắc, Nam
Không mê, hết giận, bỏ tham...thì về

Nhật Quang Nguyên Đại
28/3/14