07 July 2013

Thư Cho Em

H. em

Đọc email của em mới biết em muốn làm cô giáo dạy Anh ngữ. Nếu em muốn như vậy, chỉ có một việc đơn giản phải làm là YÊU tiếng Anh, yêu văn chương Anh, có thế thôi. Nếu em yêu tiếng Anh, em sẽ đến với “nó”, sẽ sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ với nó, thì nó sẽ ở bên cạnh em. Khi em có nó rồi, thì không phải em ao ước làm cô giáo dạy tiếng Anh, mà sẽ có nhiều người ao ước em làm cô giáo để dạy cho họ, cho trường của họ, cho cơ quan của họ.

Nếu bây giờ có một trường nào đó mời em dạy, nhưng giả sử tiếng Anh của em yếu quá, thì em có muốn giữ công việc đó không? Nó sẽ trở thành gánh nặng của em đó. Em tập nói nhiều với bạn, tập đọc, viết, nghe, và giao tiếp. Ngay cả giáo viên Anh ngữ nhưng không yêu tiếng Anh, thì cũng không giỏi được, chỉ lập lại giáo trình thôi, không đi xa được. Em cần thời gian? Em có thể tạo cho mình. Nếu em muốn học và tập, thì em sẽ có thời gian. Không có việc gì tự nhiên mà có, không phải cứ sang Úc, sang Mỹ, là tự nhiên tiếng Anh sẽ giỏi. Nếu không học, không cố gắng, thì giao tiếp hằng ngày cũng sẽ gặp khó khăn như thường. Nhiều người ở đây rất lâu, tiếng Anh của họ cũng không quá ba câu vì họ không học và tập. Có người ở VN nhưng tiếng Anh của họ lưu loát, trôi chảy hơn nhiều người đang sống ở Mỹ.

Có một bài thơ anh viết trên nhật ký mạng (blog) của anh, em có thể đọc, trong hoàn cảnh này:
        
          Việc đến sẽ đến
          Người đi sẽ đi
          Tâm không đến-đi
          Đi là đã đến

Khi em yêu tiếng Anh, sống với tiếng Anh, văn chương Anh, thì em đang vui, đang hạnh phúc rồi, việc em trở thành cô giáo dạy tiếng Anh (hay không) là việc sẽ đến. Khi em cần cù học Anh Ngữ, em đã ĐI, đã hạnh phúc, và đã ĐẾN rồi vậy. 

Em viết trong email rằng đời sống gia đình (của em) “có quá nhiều thất vọng”. Cuộc sống là của em: trước đây em có thể chọn T., và không chọn T. Không ai có thể bắt em làm ngược lại điều em muốn. Bây giờ cũng vậy: em có thể chọn sống chung với T., hoặc không. Em may mắn được sinh ra ở thời đại này, nên không ai có thể, có quyền, bắt em phải sống chung với người mà em không muốn. 

Nếu anh nhớ không lầm, trước khi em lấy T., có ai đó trong gia đình có ý kiến, nhưng anh đã nói rõ ràng là đời sống của em là của em. Quan điểm của anh, trước đây cũng vậy, bây giờ cũng vậy, không thay đổi. Có điều này anh muốn em nhớ: ban ngày: mặt trời mọc; ban đêm: mặt trời lặn. Buổi sáng, em có muốn mặt trời mọc chậm hơn một chút để em ngủ thêm tí nữa cũng không được. Mặt trời vẫn mọc vào lúc đó, và em có thể chọn ngủ nướng, hay thức dậy đi làm, thế thôi. T. là T. Em không thể thay đổi T. thành anh A, mong ước T. giống như anh B được. Ngược lại cũng vậy, H. là H., T. không thể thay đổi em thành cô C, hay cô D được. Em nên học cách vui với mọi việc đến với mình, hơn mà bắt cảnh, buộc người phải theo ý mình. Trong bài thơ vừa rồi gởi qua email cho em, anh có viết:

          Nếu hạnh phúc là “điều chưa có”
          Niềm vui mãi là “điều mong đợi”

Niềm vui của em sẽ mãi mãi chỉ là điều mong đợi, khi mà T. chưa có điều mà em mong muốn T. có. Cái cây do chính tay em gieo hạt, vun bón, tưới nước, chiết cành còn không được như ý em muốn; làm sao có một con người hoàn toàn như ý em được.

Nếu em không bỏ được gánh nặng của sự “muốn” trong đời sống này, thì sẽ :

         Như con sóng vỗ vào bờ đá
         Bạc đầu ghềnh còn vọng tiếng than!
         Qua hết đại dương mà vẫn thiếu!
         Gợn lại vì nhiều điều chưa thỏa

Anh hay kể một câu chuyện (anh đọc được ở đâu đó) rằng: có một em bé có $1 đồng, đi chơi lỡ đánh rơi mất đồng tiền đó đi, em bé ngồi khóc...Một ông già (Bụt) đi ngang qua, cho em bé $1, an ủi em bé, rồi đi. Một lát sau, ông quay lại, vẫn thấy em bé ngồi khóc, ông hỏi tại sao, thì em bé trả lời, con buồn vì nếu con không làm rớt một đồng, thì bây giờ con đã có $2 rồi. Nghiệp khởi đi từ cái tâm khổ lụy sầu bi của mình. Cái tâm đó chỉ có “em bé” mới tự giúp mình được, “ông già” (Trời, Phật) cũng không giúp được là vậy. Hiểu được một cách sâu sắc câu chuyện đơn giản đó, em sẽ hiểu chữ “Nghiệp” trong Phật giáo mà anh hay nói tới.

Không ai hài lòng mọi lúc với công việc mình đang có cả. Người giàu có, địa vị cũng có cái khổ của họ, kẻ nghèo khổ cũng có cái hạnh phúc mà người giàu có không có được. Ông quan lớn có khi nào mặc quần cộc (short) ngồi bên bờ biển nhâm nhi ly nước mía $5 ngàn (đồng Việt Nam), “không sợ trời, không sợ đất” không? Hạnh phúc là vấn đề của tâm linh. Tìm kiếm hạnh phúc là tìm sự an ổn, bình thản ở trong tâm của mình, chứ không phải ở bên ngoài.

Email của em có đề cập đến chuyện em muốn vào chùa. Nếu vào chùa mà chắc chắn được vui vẻ, bình an, hạnh phúc; anh nghĩ có lẽ thế giới này phải xây chỉ chùa, và chỉ chùa mà thôi. Cái thế giới bên ngoài chùa, em đã biết (một phần). Cái thế giới bên trong chùa em chưa biết. Khi em chưa biết thì làm sao em có thể khẳng định là thế giới đó sẽ cho em được sự bình an và hạnh phúc. Anh không phải là tu sĩ, và không thể cho em biết cái thế giới bên trong chùa như thế nào. Nhưng có điều này, anh biết chắc chắn: Chùa không phải là Niết-Bàn, không phải ở trên tiên-giới. Chùa được con người xây ở thế giới (ta-bà) này, vì vậy nó là một phần của thế giới này, nó phản ánh cái thế giới này. 

Thế giới của người tu sĩ có đặc điểm, có phức tạp riêng của nó. Thế giới đó có cái vỏ bên ngoài được đặt tên là “vô ưu”, và vì cái vỏ đó nên nhiều người lầm tưởng rằng bên trong là một thế giới hạnh phúc. Khi vừa qua cửa chùa, người tu sĩ không tự nhiên “biến” thành người hạnh phúc, mà họ có cả một thế giới mới với những khó khăn, và thử thách (mới?) mà bên ngoài có thể không có. Khó khăn đó, thử thách đó không thua kém những khó khăn thử thách bên ngoài, nếu không nói là còn hơn thế nữa. Nếu sau cánh cổng chùa là một thế giới hạnh phúc, thì anh không hiểu tại sao có ai lại muốn ở bên ngoài làm gì. 

Người tu sĩ không phải là Phật, không phải là thánh nhân. Họ cũng xuất thân là con người như mình (giả sử em vào chùa, thì em cũng là nữ tu sĩ, là (ni) “cô” vậy); và họ cũng có “nghiệp” phải trả. Chùa là trường học, là thử thách, là “lò rèn”; và đã là lò rèn thì phải có lửa. Cho nên nhiều tu sĩ đã không chịu nổi thử thách đó, và họ trở nên hỏng, hỏng nặng, như trái táo đầy sâu bọ bên trong, mặc dù bên ngoài vỏ vẫn có vẻ như tươi tốt. Vào chùa, có nghĩa là em sẽ chấp nhận sống chung với những người như vậy, có người tốt đẹp đạo hạnh, và cũng không thiếu người tham lam, giả dối...Thế giới đó có thể còn kinh khủng hơn thế giới bên ngoài, vì lẽ bên ngoài có đôi khi người giả dối mặc áo “bông hoa” nên mình có thể biết được, còn bên trong chùa ai cũng mặc một loại áo quần, nên có thể em sẽ khó phân biệt người tốt kẻ xấu. 

Chỉ có một thế giới mà em có thể biết rõ, biết chắc nó muốn gì, nó cần gì, nó đau khổ làm sao, nó mất mát như thế nào? Thế giới đó rất thật thà với em, chung thủy với em, đó là thế giới nội tâm của em. Em nên tìm hiểu “nó” muốn gì, cần gì, tại sao nó buồn, tại sao nó khổ. Đó là cái thế giới duy nhất mà em có thể tìm được hạnh phúc, chứ không phải là cái thế giới phía sau cánh cổng chùa.

Khi em đã thấy được vấn đề của mình ở đâu, em sẽ biết cách giải quyết. Thăng trầm trong đời sống không làm cho em chao đảo, và nợ duyên, đi-đến trong cuộc đời không làm cho em bất an, cho nên:

          Nếu hạnh phúc là “điều đang có”
          Niềm vui sống đang ở ngay đây
          Đón thăng-trầm phút giây đang có
          Nhận nợ-duyên an định từng ngày

Và cũng là bờ đá với những con sóng, nhưng em sẽ thấy khác đi, bởi vì tâm tư của em đã an bình, và khi em có sự bình an, em sẽ thấy sự việc trở nên khác đi. Tiếng than của con sóng vỗ vào bờ đá đã vọng xa như một tự nhiên, một kỳ diệu của đất trời, một lời nhắn nhủ của Tạo-Hóa đối với con người từ muôn triệu năm nay, đơn giản và diệu kỳ như một lời kinh, cho nên:

          Như con sóng vỗ vào bờ đá
         Tiếng vọng xa như một lời kinh
         Đại dương, đất, trời, ta...bát ngát
         Sóng cuốn đi...như nước vỗ...về!

Ta đứng đó, bên bờ đá, hòa quyện với cái mênh mông, bát ngát của đất trời, nhận ra cái nhỏ nhen của mình và cũng đồng thời nhận ra mình như một phần của cái vĩ đại bao la của đại dương, đất, trời. Ta tận thủy tận chung được sinh ra từ đại dương-đất-trời và trở về với đại dương-đất-trời; những thăng trầm phiền muộn phải chăng gợn lên như cơn sóng; sẽ cuốn đi, như nước vỗ...ta về.

Ngôn ngữ là giới hạn, nên Phật nói: “Ngón tay ta không phải là mặt trăng”. "Ngón tay" của Phật là kinh, là sách, là “Pháp” không phải là hình ảnh được mô tả đầy đủ của "mặt trăng" hạnh phúc. Phải chính mình (chính em) tìm (ngộ) ra chính hạnh phúc của mình. Nếu ngôn ngữ mà Phật dùng còn có hạn chế như vậy, ngôn ngữ của anh sẽ chật hẹp biết bao! Nếu những điều anh nói (viết) ở đây có thể giúp được em, thì anh mừng cho em.

Anh 
7/7/13
Nguyên Đại

03 July 2013

Chọn

Nếu hạnh phúc là "điều chưa có"
Niềm vui mãi là "điều mong đợi"
Ai hân hoan khi mình không có?
Ai mừng vì chưa được gần nhau?

Như con sóng vỗ vào bờ đá
Bạc đầu ghềnh còn vọng tiếng than!
Qua hết đại dương mà vẫn thiếu!
Gợn lại vì nhiều điều chưa thỏa!

Nếu hạnh phúc là "điều đang có"
Niềm vui sống đang ở ngay đây
Đón thăng-trầm phút giây đang có
Nhận nợ-duyên an định từng ngày

Như con sóng vỗ vào bờ đá
Tiếng vọng xa như một lời kinh
Đại dương, đất, trời, ta...bát ngát
Sóng cuốn đi...như nước vỗ...về!


Melb.
3/7/13

25 May 2013

Như

Đời! Có bao giờ trọn vẹn?
Đi! Thân nhễ nhại miệt mài!
Dừng! Nghe tình qua cát bụi...
Như! Ta thức giấc mơ dài.


25/5/13