04 August 2012

Đôi Dép

Có người bạn sưu tầm gởi tặng bài thơ này:

Bài thơ đầu anh viết tặng cho em
Là bài thơ anh kể về đôi dép
Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ

Hai chiếc dép kia gặp gỡ tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nhau nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau

Cùng bước cùng mòn không kẻ thấp người cao
Cùng gánh vác sức người chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia

Một ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở nên khập khiểng
Giống nhau lắm nhưng người đời sẽ nói
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu

Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh

Đôi dép vô tri khắng khít bước song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề phản bội
Chẳng hứa hẹn mà không hề giả dối
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

Không thiếu nhau trên mỗi bước đường đời
Dẫu một chiếc là một bên phải trái
Như tôi yêu em bỡi những điều ngược lại
Gắn bó đời đời bỡi một lối đi chung

Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một chiếc nghĩa là không gì hết
Nếu không tìm được một chiếc thứ hai kia
                                              
                                                        (Tác giả: Nguyễn Trung Kiên)

Tình yêu làm cho những cuộc đời xích lại gần nhau, như đôi dép; cho nên khi một mình, nhớ nhau, chợt thấy lẻ loi, không thành đôi. Không như đôi dép không có linh hồn, nên "anh viết..." “khi nỗi nhớ trong lòng da diết, những vật tầm thường cũng viết thành thơ”.

Hai chiếc dép không có ngày tháng gặp gỡ, không kỷ niệm, không thương nhớ nhau, mà được gần nhau. Có những cuộc đời giống như đôi dép vậy “có yêu nhau đâu” nhưng “chẳng rời nhau nửa bước” và “cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược, lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau”. Xưa ông bà, cha mẹ mình, có khi giữa họ không khởi đi từ tình yêu thương trước khi gắn bó cuộc đời với nhau; nhưng rồi thì... vinh nhục, thăng trầm, hạnh phúc, hoạn nạn có nhau.

Người ta yêu nhau, nên quấn quít, không muốn rời xa, chỉ muốn ở bên cạnh nhau, như đôi dép, chia sẻ đời sống với nhau, cùng nhau thăng trầm, cùng nhau nhung gấm. Nhìn đôi dép cát bụi, nhớ những ngày gian khổ; thấy đôi dép sạch đẹp, nhớ những lúc thành công, vui vẻ. Nhưng, không phải chịu sự đặt để, giống như đôi dép, những tình yêu nồng thắm có cơ hội tự nguyện nuôi dưỡng tình yêu của mình. Cùng trải qua năm tháng, cùng trẻ cùng già, “cùng bước cùng mòn”, chịu đựng gian nan, chia sẻ tủi nhục, vất vả, “gánh vác sức người chà đạp”. Chỉ để cho một người dùng, đôi dép chung thủy với một người; tình yêu thủy chung cũng vậy “dẫu vinh nhục không đi cùng người khác”.

Đi dép thì phải đi với một đôi, “lối đi nào cũng có mặt cả đôi”, không chiếc này chiếc kia được, và một lần cũng không thể đi được trên hai lối. Cho nên, khi một chiếc dép mất đi thì “mọi thay thế đều trở nên khập khiểng”; bỡi đâu có chiếc dép khác nào có cùng (một) phai nhạt, mỏi mòn; cho nên “bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía”, một mình bước đi cao thấp, khập khiểng và “nỗi nhớ cứ chênh vênh”.

Khi yêu nhau, người ta có thể bỏ qua những dị biệt. Sự khác biệt hoàn chỉnh lẫn nhau; bỡi mỗi chiếc dép là một bên phải (hoặc) trái. Không có chiếc dép nào vừa cả hai bên phải và trái, giống “như tôi yêu em bỡi những điều ngược lại”. Họ, dù một trái một phải; nhưng (giống như đôi dép) gắn bó đời nhau “bỡi một lối đi chung"; những bước chân thầm lặng trên mọi nẻo đường đời, những cuộc đời yêu thương “thầm lặng bước song song”.

Khi một chiếc mất đi, không còn “đôi” dép nữa, bỡi một chiếc dép không dùng được, “còn một chiếc là không còn gì hết”, “khi không tìm được một chiếc thứ hai kia”. Cuộc tình có "mã số'' riêng của nó, có đời sống riêng của nó, không thể đem con người nọ đặt vào cuộc tình kia được. Khi một chiếc dép đi xa, không còn đứng chung đôi nữa, đôi dép coi như đã mất. Con người không vậy, không giống như đôi dép, tình yêu vẫn còn đó, cho dẫu họ lạc mất nhau. Họ lưu giữ kỷ niệm, năm tháng xuôi ngược thăng trầm có thể làm cho họ mỏi mòn, nhưng cuộc tình giữa họ đã hóa thạch; tình yêu của họ không phải như bụi đường trên đôi dép có thể được rửa sạch trong một cơn mưa chiều.

Đôi dép không có di truyền, nhưng con người nở hoa, kết trái. Họ thấy sự hiện diện của một “chiếc thứ hai” trong nụ cười của đứa con trai, con gái của họ. Họ không phải vô ích, “không còn gì hết” khi lạc mất “nửa thứ hai”; trái lại họ thấy trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, bỡi vì cho dẫu chỉ có một mình, họ phải là một “đôi” để tiếp tục yêu thương, nâng niu, nuôi nấng, gầy dựng cho những “đôi dép nhỏ” tiếp tục đi trên những con đường sáng hơn, rộng hơn con đường mà họ đi qua, như Mẹ vẫn tiếp tục nuôi con bằng tình thương của Mẹ, dẫu rằng Cha đã vĩnh viễn ra đi, không bao giờ về nữa.

Đôi dép, vừa “sinh ra” là đã thành đôi, thành cặp. Con người không phải lúc nào cũng “may mắn” như thế, nhiều cuộc tình đã không về bến, có những cuộc đời thương nhớ nhau, mà không gần nhau. Họ không trầu rượu "chẳng thề nguyện nhưng không hề phản bội", không ràng buộc nhưng ngui ngút nhớ nhau "chẳng hứa hẹn mà không hề giả dối". Họ có là một đôi không? Không ai biết! Cuộc đời dâu bể đổi thay, có lịch sử, có quê hương, cách mạng, chiến tranh, họng súng, nhà tù, và những con thuyền... không vỏn vẹn trong một bước chân. Khoảng cách ngắn giữa hai chiếc dép không còn quan trọng nữa. Tình thân, tình bạn, tình yêu thương đã vượt không gian và thời gian:

Em thương Hàn, lớn cùng trăng Mạc Tử 
Tôi nhớ Kiều, lãng sóng bước Nguyễn Du
                                                          nguyên đại

Nhìn lên bầu trời xanh, con người đã có những bước đi ngàn dặm, sao mình không nở một nụ cười để thấy vẫn gần nhau như đôi dép, dẫu rằng biền biệt cách xa.

Nguyên Đại
nguyenbadai@gmail.com
Melbourne
4 Tháng Tám, 2012

Hình:blog.yahoo.com./bobo; psdeluxe.com; amusingplanet.com

19 July 2012

Em

Có bao giờ em nghe
Tiếng mưa đêm rất khẽ
Trên mái khuya thiết tha
Chợt làm em thức giấc
Chỉ có vậy, thế thôi
Kỷ niệm về se lạnh

Có bao giờ em nhớ
Một giận hờn ngày xưa
Tiếc một lần thơ dại
Lỡ mất một vòng tay
Chỉ có vậy, thế thôi
Ta lưu lạc mây trời...

Có bao giờ em bước
Trên bờ cát biển đêm
Sóng bỗng tràn ray rức
Chợt cần một hơi thở
Chỉ có vậy, thế thôi
Mà đi hoài không tới

Có bao giờ em biết
Đâu đó một tình xa
Rừng xưa một đốm lửa
Cháy suốt cùng tháng năm
Chỉ có vậy, thế thôi
Không bao giờ băng giá

Có bao giờ em yêu
Cây khẳng khiu mùa đông
Đứng buồn trong ướt lạnh
Tội cuộc tình đi qua
Chỉ có vậy, thế thôi
Năm tháng dài tóc trắng

Có bao giờ em thấy
Một khoảng trời trong xanh
Mây trắng đùa trong nắng
Cùng với em nhịp sống
Chỉ có vậy, thế thôi
Lòng bỗng dưng thanh thản

Nguyên Đại
Melbourne - Mùa Đông
18/7/12
nguyenbadai@gmail.com

Hình: Rose
Nguồn: images of rose


24 June 2012

Cục Bướu



Đây là bức hình của một vị nữ sĩ người Singapore, trên mặt nổi một cục bướu to hình người, miệng trên cục bướu hình người này không chỉ có thể ăn cơm mà còn có thể nói chuyện. Hiện tại cô đang sống ở Tây Tạng"

H. em

Hôm trước có nhận email của em, kèm theo hình một cư sĩ có cục bướu hình người trên khuôn mặt. Thật lạ. Cảm ơn email của em.

Anh nghĩ đạo Phật mang đến sự bình an cho người tu học tại đâybây giờ. TU là hướng tới việc làm cho cái Tâm của mình, không còn U mê nữa; giống như kéo mây đen đi để cho ánh sáng mặt trời chiếu rọi xuống mọi ngõ ngách trong đời sống của mình. Lúc đó mình sẽ thấy mọi việc rõ ràng, trong sáng hơn. Giới là tránh, là không dính, là gió mạnh thổi đi mây đen. Khi mình tránh được, mình sẽ Định, là đứng lại, là sự an bình, không lau chau, lăng xăng, sợ sệt, không sợ "mất"; hay quá "hồ hởi, phấn khởi" khi vừa "có", vừa "đạt" cái gì đó. Khi "không dính"; và "đứng lại" thì mình sẽ thấy rõ ràng, đó là Tuệ. Gió thổi mây đen bay đi thì ánh sáng mặt trời sẽ soi rọi đến muôn loài. Nước không còn sóng, đứng yên thì có phải trở nên trong?

Anh không nghĩ việc tu học là một sự hy sinh ở kiếp này để được an nhàn ở kiếp sau. Không phải giống như việc "bây giờ mình ráng làm (hay ráng "tu"), để dành tiền, rồi mấy năm sau (hay "ở kiếp sau") mình sẽ được ở nhà lớn, xe đẹp, cuộc sống tốt hơn...". Mong cầu một đời sống tốt hơn (cho dù ở kiếp sau) không phải là một hình thức của sự tham luyến sao? Miệt mài để cố đạt được một thắng lợi về vật chất, một danh xưng, một sự "nâng cấp" về tình thần, không phải là một sự si mê sao? Sợ sệt, hay lo âu về một điều, mà mình nghĩ có thể xảy ra đối với mình trong kiếp sau không phải là một hình thức của sự sân hận sao? Đạo Phật không kêu gọi sự tham lam, không gieo rắc sự sợ hãi, sân hận, và không khuyến khích sự si mê. Đạo Phật kêu gọi sự từ bỏ tham, sân, si.

Em có thấy trên khuôn mặt của người cư sĩ có cục bướu phảng phất một nụ cười không, và ánh mắt phía bên trái (của cô ấy) không phải là một ánh mắt sầu thảm tuyệt vọng, nếu không nói là yêu đời; trong khi ánh mắt của cục bướu thì hình như có chút giận dữ. Vậy mình có một khuôn mặt "đẹp tuyệt vời", tại sao mình không trở nên vui vẻ, yêu đời, và bình an :-). Vài dòng chia sẻ với em. Chúc em một tối chủ nhật vui vẻ.

nguyên đại
nguyenbadai@gmail.com
melbourne
24/06/12