Em
Tối hôm qua anh nói chuyện với một người bạn. Anh là tác giả của bài thơ "Ru Thai" và kèm theo đó là một câu chuyện cười văn học.
Ru Thai
Vay thiền từng chiếc lá thu
Vàng từ cố quốc Đại Ngu vàng về
Vay đời từng tuổi sơn khê
Từ đêm mẫu hệ trăng về ru thai
Vay tình từng nhịp sơ khai
Từ xuân em khỏa hình hài phù dung
Từ mưa cát bụi phập phồng
Ta gùi di sản phiêu bồng hồi cư
Lê Ân (Quy Nhơn)
Phật giáo (Thiền) truyền vào VN từ rất lâu, nhưng có lẽ rất thịnh vào triều Lý. Sau triều Lý rồi tới triều Trần, rồi mới tới Hồ Quý Ly (người đặt tên nước ta là Đại Ngu) (Chữ "Ngu" không có nghĩa là ngu dốt, nhưng có một ý nghĩa khác trong tiếng Hán (Tàu), hình như là "Hiền" (?) (anh không chắc). Bạn anh dùng chữ này cho có vẻ lạ, có "điểm nhấn" có một sắc "phản" để tạo "điểm nổi" trong bài thơ chứ không có hàm ý là Thiền chỉ du nhập vào Việt Nam bắt đầu từ triều Hồ. Nhưng....(cũng tùy) theo người cảm nhận nữa (cảm nhận riêng biệt của anh) là ông Hồ đã đặt tên nước là Đại Ngu, và họ đang "vay" (Thiền) của Phật Giáo ...
Vay đời từng tuổi sơn khê, là từ thời xa xưa, đời sống chúng ta với sự tích "Trăm trứng nở trăm con" với chữ "đồng bào" (ở trong cùng một "bọc", một bào thai của Mẹ Âu Cơ), cho nên mới từ đêm mẫu hệ, trăng về ru thai (trăng ru thai của Mẹ Âu Cơ), huyền thoại được pha trộn với nét đẹp tự nhiên mềm mại của ánh trăng.
Vay tình từ nhịp sơ khai: Yêu em từ rất lâu. Yêu con người của em, tâm hồn của em kết tinh từ những kinh nghiệm sống làm nên con người của em, từ "ngày em còn bé", anh đã "vay tình" từ đó (thoáng chút "Duyên và Nợ" ở đây). Nhìn em, thấy hình hài của em còn bé (chạy tung tăng trên những rừng thông Đà Lạt chẳng hạn...) (không biết bạn anh nó nhìn được điều gì từ người nó yêu thương???). Vần thơ trở nên rất sâu, rất xa, có chất thiền,...và có cái lãng mạn, rất đời, trong đó "từ xuân em khỏa hình hài phù dung"...
Từ mưa "cát bụi", từ xa lắm, từ thuở hoang sơ, với những dời núi đổi sông. Lời gọi "VỀ" từ những hoang sơ, về đi với tình người, với những gì cơ bản nhất trong đời sống con người, từ sự nương tựa nhau, chia sẻ cho nhau trong cuộc sống "bầy đàn". Trở về với những giá trị nguyên sơ với di sản văn hóa để lại từ bao đời của dân tộc, chứ không phải đặt tên "chủ nghĩa" để che đậy những sự thật đau lòng có thể thấy được hằng ngày.
Và, như một người đi hành hương (như những người dân tộc thiểu số miền núi - bạn anh cũng có thời đi dạy ở miền núi giống như anh), ta nhặt nhạnh hoa lá đặt vào chiếc "gùi" để phiêu bồng hồi cư (về, và trú ngụ).
Anh nghĩ đó là một bài thơ hay.
Và đây là chuyện cười
"Cha nội" biên tập báo (xyz) (tạm dấu tên)(tốt nghiệp ĐH Tổng Hợp Văn, sau đó học thêm Master gì đó), thấy chiếc lá thu (sửa ngay chữ "Thiền" thành chữ "Chiều" (cho nên thành:
Vay chiều từng chiếc lá thu) - lá vàng thì phải chiều Thu. Trời ơi là nó tầm thường, sáo mòn, rập khuôn, không có một chút suy tư sáng tạo gì ở đây, vì một em học lớp 5 cũng biết được ngày khai trường với chiếc lá thu vàng...(Ở miền Bắc, tháng 9, khai trường là mùa thu). Sửa lại một chữ "Thiền" thành chữ "Chiều" là đá một cú thật mạnh vào một tác phẩm nghệ thuật.
Nhưng sửa chữ "thai" thành chữ ''nhau" mới "nghiệt" (thành ra:
Từ đêm mẫu hệ trăng về ru nhau) - Có lẽ "cha nội" đó đọc "từ xuân em khỏa hình hài phù dung" (phù dung là người đẹp) và là người đẹp đang "khỏa" (thân) nữa, cho nên có trăng là phải "ru nhau", ru nhau trong động đá, giữa núi giữa rừng (sơn khê mà), và còn ru theo nhịp man di nữa (từ thời mẫu hệ mà!). Còn mưa cát bụi, phiêu bồng hồi cư, gắn vô cái chỗ đã "sửa" của "ông nội" đó, ai hiểu sao thì hiểu, giống như một số người cứ viết lung tung như vậy cho nó có vẻ thần bí, khó hiểu, càng khó hiểu càng tốt ("chủ nghĩa thần bí").
Chữ "thai" là ý niệm chính của bài thơ, là một chữ không thế thay thế được, vì đó là ý niệm "đồng bào" "đồng bọc"...phải biết thương nhau (như anh em vậy); đổi chữ "thai" thành chữ "nhau" là đốt luôn bài thơ vậy.
Và bạn anh rất nhân bản, khi anh hỏi "cha nội" đó là ai vậy, bạn anh nói "thôi đi" (kể chuyện cười cho vui, biết để làm gì)- điểm này làm anh mến phục bạn anh hơn. Một Luật Sư cần biết sai cái gì, ở đâu, và trách nhiệm thuộc về ai, một nghệ sĩ có khi không cần. Anh nghĩ công việc của em cũng đòi hỏi em có đôi mắt và cái đầu nghệ sĩ. Anh viết để em đọc một chuyện cười văn nghệ. Chúc em một ngày vui.
Anh Đại